Đêm hai mươi hai tháng chạp năm 1456.
Hoàng cung nhộn nhịp chuẩn bị cung yến thiết đãi văn võ bá quan và các hoàng thân quốc thích, vừa là cung yến, vừa là gia yến, vua tôi cùng nhau trãi qua ngày lễ đưa Táo Quân về trời.
Đại tướng quân Đinh Liệt dẫn theo năm trăm kỵ binh tinh nhuệ cùng về hoàng thành theo thiếp mời của vua.
Non trưa, thảm đỏ đã trãi sẵn từ điện Thái Hòa ra đến tận cổng chính Nam Môn, Lê Nhân Tông đích thân ngồi trên kiệu vàng lọng ngọc chờ đón Đinh Liệt hồi cung.
Nhân Tông đã dự liệu từ trước, việc để Nguyễn Xí nắm quyền kiểm soát Cấm Vệ Quân của hoàng thành trước sau gì cũng đến tai Đinh Liệt, qua miệng nhiều người chắc chắn sẽ khiến ông ta nghĩ triều đình bắt đầu hậu ái Nguyễn Xí.
Mâu thuẫn sẵn có hơn hai mươi năm cộng thêm việc Ngọc Tú sắp trở thành phi tần chắn chắn sẽ đánh một đòn đau vào lòng tự tôn của Đinh Liệt.
Để xoa dịu cho vị lão tướng, Nhân Tông một mặt sắp xếp cho Nguyễn Xí được vào hậu cung hàn huyên cùng ái nữ để tránh đôi bên gặp nhau, một mặt lệnh cho Nguyễn Đức Trung cùng vua ra nghênh đón Đinh Liệt thật long trọng.
Ngồi trên kiệu cao phóng tầm mắt ra xa, Nhân Tông đã thấp thoáng thấy bóng dáng Đinh Liệt cưỡi ngựa đi đầu đoàn quân, chậm rãi tiến vào Nam Môn.
Chàng nhìn Nguyễn Đức Trung gật đầu ra hiệu rồi bước xuống kiệu, đích thân đứng trên tấm thảm đỏ giữa lối đi dẫn vào điện Thái Hòa mà đợi sẵn.
Tháng chạp trời giá rét, gió thổi qua làm đong đưa những chuỗi ngọc trên mũ rồng.
Nhân Tông một mình đứng giữa cổng thành, hoàng bào bay phấp phới trông thật uy nghi đường bệ.
Thấy vua đích thân xuống kiệu đón mình, Đinh Liệt hơi chột dạ, ông vội xuống ngựa rồi bước đến quỳ dưới chân Nhân Tông hành đại lễ ba quỳ chín lạy, đoạn nói:
- Khiến thánh giá phải hứng gió lạnh, thần tội đáng muôn chết!
Nhân Tông đưa hai tai đỡ lấy Đinh Liệt, chàng cười hiền rồi quay sang lệnh cho Nguyễn Đức Trung dâng lên chiếc chiến bào sáng loáng, nói:
- Đinh Tướng quân một đời vì dân vì nước, Trẫm và con dân Đại Việt luôn cảm kích công lao của khanh! Đây là chiến bào của Thái Tổ, chắc Đinh tướng quân còn nhận ra chứ?
Đinh Liệt gật đầu, ánh mắt tò mò hỏi:
- Thần nhận ra! Nhưng chẳng hay Hoàng Thượng mang chiến bào của tiên đế ra là có ý gì?
- Trẫm ban nó cho khanh! Chiến bào này nếu để mãi trong cung trưng bày cũng chẳng qua là một vật vô tri, khoát lên người mãnh tướng mới là sứ mệnh của nó! – Nhân Tông chậm rãi tuyên bố.
- Thần không dám! – Đinh Liệt hốt hoảng quỳ xuống định từ chối.
Lê Nhân Tông quyết tâm dùng chiến bào của Thái Tổ để xoa dịu Đinh Liệt, không để kẻ khác lợi dụng mâu thuẫn của hai vị tướng quân mà âm mưu chia rẻ quân thần để trục lợi, chàng đỡ lấy chiếc khay có xếp bộ chiến bào bên trên từ tay Nguyễn Đức Trung, đích thân đưa đến trước mặt Đinh Liệt mà nói:
- Bảo kiếm tặng anh hùng, chiến bào tặng danh tướng, có gì đâu mà không dám! Trẫm lệnh cho khanh phải nhận!
Đột ngột nhận được hậu ái quá lớn, Đinh Liệt cảm động rưng rưng, ông đưa hai tay lên cao quá đầu để đón nhận.
Nguyễn Đức Trung chứng kiến cục diện này mà thầm khen ngợi vị vua trẻ anh minh mưu lược, biết mềm nắn rắn buông, bên đấm bên xoa nên thu phục được cả hai vị mãnh tướng binh lực hùng mạnh nhất, bảo vệ được thế cục ba chân vững chải cho triều đình trước cơn sóng gió huyết thống hoàng tộc.
Thật ra Nguyễn Đức Trung đã hơi buồn lòng và thắc mắc vì sao Lê Nhân Tông không chọn ông và binh lính của ông nắm quyền canh giữ hoàng thành, mà lại triệu hồi Nguyễn Xí ở tận Tây Kinh về? Phải chăng vua không còn tin tưởng ông nữa? Xét về binh lực tuy có hơi thua kém Nguyễn Xí, nhưng độ hiểu biết và thông thuộc ngõ ngách của hoàng cung và toàn thành Thăng Long thì làm sao có ai sánh bằng Nguyễn Đức Trung? Còn nếu xét về mối quan hệ với vua, Nguyễn Xí có Ngọc Tú, thì Nguyễn Đức Trung cũng có Thu Đào mà! Suy nghĩ mãi Nguyễn Đức Trung chỉ có thể kết luận ra một lý do duy nhất:
- Phải chăng Hoàng Thượng đã điều tra ra mối giao tình của cả nhà ta và Nguyễn Trãi, người sợ chúng ta không trung thành hết mực nên không còn tin tưởng nữa?
Dù có chút chạnh lòng, nhưng Nguyễn Đức Trung trước nay luôn giữ vẹn chữ Trung, hơn nữa Nhân Tông lại là một vị vua hiền đức nên ông luôn hết lòng phò tá.
- Thôi thì, lòng trung thành của của ta ắt có trời cao thấu rõ.
Năm xưa ta cứu vợ con Nguyễn Trãi cũng là để báo ân, vì dù sao họ cũng là người vô tội.
Nguyễn Đức Trung ta tự thấy không hổ thẹn là được!
Mây trời lồng lộng trên đầu, đất nước vạn trượng dưới chân.
Sau lưng bóng đen quá khứ về huyết thống hoàng tộc còn đó, nhưng trước mắt giá nào cũng phải giữ yên cục diện thái bình cho đất nước.
Bên phải là bầy tôi trung thành, bên trái là nỗi đau nồi da xáo thịt, huynh đệ một nhà nhưng vì quyền lực sẵn sàng dồn nhau vào tuyệt lộ.
Một vị vua trẻ ngồi trên ngai vàng cao quý tưởng chừng vô cùng vững chải, có ai biết chỉ một sơ suất nhỏ là sẽ đánh mất giang sơn, tính mạng cũng khó bảo toàn!
Trong lòng dẫu có sóng gió muôn trùng, ngoài mặt vẫn phải điềm nhiên an tĩnh.
Lê Tuấn đứng giữa sân trước cổng nam môn, bá quan văn võ, binh lính hùng hậu, ai nấy đều phủ phục dưới chân.
Chỉ mỗi chàng là đứng với tấm hoàng bào phấp phới hiên ngang giữa đất trời, bậc đế vương tự cổ chí kim ai ai cũng thế: Cao quý mà cô độc!
Lê Nhân Tông trao chiến bào cho Đinh Liệt xong thì ung dung chấp tay sau lưng, phóng tầm mắt nhìn về mấy trăm quân lính theo chủ soái của mình về cung dự yến.
Nguyễn Đức Trung và Đinh Liệt đồng loạt quỳ xuống hô:
- Hoàng Thượng nhân đức! Chúng thần nguyện tận trung với Hoàng Thượng, chết không từ nan!
Quân lính phía sau lưng thấy tướng lĩnh hành đại lễ cũng nhất loạt tung hô:
- Tận trung với Hoàng Thượng, chết không từ nan!
- Tận trung với Hoàng Thượng, chết không từ nan!
* * *
Tiếng tung hô của ba quân tướng sĩ chọc thủng không gian bay thẳng đến Thừa Hoa Điện.
Trời đông lạnh lẽo và cô tịch, Lê Hạo ngồi dưới gốc cây lê trụi lá ung dung thưởng trà.
Chàng bưng tách lên ngang miệng khoan khoái hít một hơi sâu, làn khói bốc lên phà vào mặt xua đi phần nào giá rét.
Đang tận hưởng phút giây bình yên hiếm có, bỗng Lê Hạo mở mắt lên rồi liếc về hướng Thái Hòa điện như thể vừa nghe thấy âm thanh nào đó.
Ánh mắt ngưng đọng vài giây, rồi Lê Hạo khẽ cười nhạt nâng tách trà lên uống cạn.
Ngô phu nhân từ trong nhà bước ra, nhìn Lê Hạo nói:
- Sao con không đi đón Đinh tướng quân cùng Hoàng Thượng?
Lê Hạo chỉ cười mà không nói gì, chậm rãi đặt tách trà xuống rồi rót thêm, như thể mọi chuyện đang xảy ra chẳng liên quan gì đến chàng.
Ngô phu nhân tiến đến ngồi trước mặt con trai và nói thêm:
- Hoàng Thượng tuy tuổi trẻ nhưng quả thật có tài trị quốc, trận phong ba này xem như tạm thời được dẹp yên không tốn một binh một tốt!
Lê Hạo chỉ gật đầu cười, chàng im lặng thả hồn vào miền ký ức của năm năm trước.
Trong một lần các hoàng tử cùng nhau tập luyện võ nghệ, Bình Tân Vương Lê Khắc Xương vô tình trượt tay khi bắn cung, mũi tên cứ thế bay thẳng đến chỗ Đinh Phú – Con trai của Đinh Liệt đang làm nhiệm vụ canh giữ thao trường cho các hoàng tử.
Lúc đó Lê Hạo đang sống tại Huy Văn Tự nên vào thao trường hơi trễ, chứng kiến khoảnh khắc mũi tên đang lao thẳng đến chỗ Đinh Phú, chàng lập tức dùng cây sáo luôn mang theo bên người ra làm công cụ, dốc toàn lực phóng mạnh vào mũi tên đang bay vun vút.
Phập! Tên và sáo chạm nhau, sức bật từ cánh cung bị nội lực mà Lê Hạo gửi vào cây sáo hóa giải, mũi tên cắm phập vào cây sáo rồi cả hai cùng rơi xuống đất ngay trước mặt Đinh Phú, đủ thấy chỉ cần Lê Hạo chậm tay một giây thôi, thì tính mạng của Đinh Phú khó lòng giữ nỗi.
Từ đấy Đinh Liệt thọ ân cứu mạng con trai, về tình về lý ông ta luôn hết mực trung thành với Lê Hạo.
Biết chắc Đinh Liệt dù có thế nào cũng chỉ nghe mệnh lệnh cuối cùng từ mình nên chàng không ngại việc ông ta có chút lòng sùng bái đương kiêm Hoàng Thượng, bởi thế Lê Hạo dùng thái độ điềm nhiên nói với Ngô phu nhân:
- Mẹ yên tâm, dù sao Đinh tướng quân cũng sẽ đến đây bái kiến thôi.
Con có chút việc nên không ra đón ông ấy, tối mai cung yến con uống cạn ba chén tạ lỗi là được!
Ngô phu nhân nghe xong chẳng nói gì, bà lặng lẽ cầm tách trà lên hớp một ngụm, hướng mắt lên ngắm cành lê trụi lá rồi vu vơ ngắm nhìn khắp Thừa Hoa Điện, đoạn nhìn Lê Hạo nói:
- Hoàng Thượng là một đấng minh quân, là phúc của Đại Việt!
- Mẹ cảm kích tam ca vì đã bày trí Thừa Hoa Điện giống hệt cảnh trí ngày xưa à? – Lê Hạo mỉm cười hỏi lại.
Ngô phu nhân không giấu nỗi cảm xúc, bà gật đầu xác nhận:
- Đúng là như vậy! Nhưng..
Im lặng một lúc, bà lại tiếp:
- Mẹ đã nói rồi, chỉ mong con một đời bình an..
Làm Hoàng Đế chưa chắc đã là điều hạnh phúc nhất đời, con hiểu không?
Lê Hạo cầm tay mẹ vỗ về, đáp:
- Con hiểu! Mẹ yên tâm, con sẽ luôn giữ đúng bổn phận, phò tá cho tam ca!
Hai mẹ con đang trò chuyện, bỗng thị vệ Phan Tường mặt mày hớt hải chạy vào thông báo:
- Bình Nguyên Vương, không hay rồi!
- Có chuyện gì từ chỗ Đinh tướng quân à? – Lê Hạo nhìn Phan Tường nhíu mày thắc mắc.
- Bẩm Bình Nguyên Vương, việc triều chính khó mấy mạt tướng nghĩ người cũng có thể giải quyết ổn thõa, nhưng Thu Hằng tiểu thư và Kim Ngọc tiểu thư cùng lúc xin cầu kiến ở sảnh điện, thần e người sẽ tiến thoái lưỡng nan!
Phan Tường vừa đáp vừa lấm lét nhìn sang phía Ngô phu nhân, chàng cố ý dùng những từ ngữ nhẹ nhàng nhất để miêu tả về sự khó khăn khi đối phó với chuyện của nữ nhi để tránh đụng chạm với người từng trãi như bà.
Lê Hạo nghe báo tin xong quả nhiên mặt mày lúng túng, nhìn trước ngó sau một lúc rồi lại dừng ánh mắt nơi Ngô phu nhân xin cứu viện.
Biết con trai gặp thế bí, bà nhẹ nhàng nói với với Phan Tường:
- Ngươi đi báo với Thu Hằng tiểu thư bổn cung mời nàng ấy ở lại có chút việc, mời Kim Ngọc tiểu thư hãy về trước vì hôm nay Bình Nguyên Vương đã đi vắng!
- Kìa mẹ! – Lê Hạo tỏ vẻ ái ngại trước quyết định của Ngô phu nhân nên lên tiếng phản đối.
- Không thì sao? Hay mẹ bảo Kim Ngọc ở lại, mời Thu Hằng tiểu thư ra về?
- Như thế cũng không ổn! - Chàng khổ sở đáp.
- Thì đúng rồi, con đã không thể tự quyết định được thì để cho mẹ chọn vậy! Con đừng quên vị trí Bình Nguyên Vương Phi đã định sẵn là của Thu Hằng, nếu không thì con ép lòng buộc dạ từ bỏ đại tiểu thư để làm gì?
Nghe nhắc đến Thu Đào, Lê Hạo nhớ đến đêm bắt gặp Lê Tuấn cùng nàng y phục không chỉnh tề trở về Quảng Hằng Các mà tim lại nhói đau.
Từ lúc ấy chàng chẳng dám gặp lại Thu Đào vì sợ sẽ không còn nhìn thấy chiếc nơ xanh đặc trưng của tú nữ chưa thị tẩm trên tóc nàng, chàng thà chọn cách mơ mơ hồ hồ, nửa thật nửa giả mà bước tiếp, còn hơn biết chính xác rằng nàng đã trở thành nữ nhân của người khác.
Phải! Nếu không phải là nàng, thì ai là Vương Phi cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Lê Hạo thở dài não nuột, chàng chấp tay vái chào mẹ rồi nói với Phan Tường:
- Bổn Vương đến Thừa Càn Cung, ngươi cứ theo lệnh của phu nhân mà làm!
Nói xong chàng đi một mạch ra cửa sau, không ngoáy đầu lại dù chỉ một lần.
Ngô phu nhân nhìn theo bóng chàng khẽ lắc đầu thương hại:
- Ải mỹ nhân này hi vọng con sẽ qua được!
* * *
Phan Tường bước ra sảnh điện truyền đạt lại lời Ngô phu nhân xong, chàng lễ phép cáo lỗi cùng Kim Ngọc rồi nép sang một bên mời Thu Hằng vào trong.
Thu Hằng nghe xong ánh mắt sáng lên, không giấu nổi nụ cười kín đáo, nàng hãnh diện ngẩng cao đầu định bước theo Phan Tường, nhưng vừa nghĩ ra một câu cần nói với Kim Ngọc bèn quay lưng lại gọi:
- Kim Ngọc tiểu thư xin dừng bước!
Kim Ngọc nghe tiếng gọi liền quay mặt lại, nàng biết rõ địa vị của Thu Hằng nên vẫn luôn lễ phép cúi đầu, nàng đáp lời:
- Nhị tiểu thư có điều chi cần chỉ dạy!
Thu Hằng bước đến cạnh Kim Ngọc quan sát từ đầu đến chân một lúc, rồi hạ thấp giọng nói vì không muốn Phan Tường nghe thấy:
- Kim Ngọc tiểu thư, nàng có trâm bạc của chàng tặng, ta cũng có vòng ngọc này!
Kim Ngọc im lặng lắng nghe và đưa mắt nhìn chiếc vòng ngọc Thu Hằng đưa ra trước mặt mình.
Đoạn, Thu Hằng lại tiếp:
- Nam nhi tam thê tứ thiếp là chuyện thường tình, ta cũng không hẹp hòi gì nên sẽ chấp nhận nàng làm thứ thiếp! Nhưng..
nếu nàng có ý muốn tranh giành địa vị Vương Phi, Thu Hằng ta nhất định không để yên!
Kim Ngọc nghe xong trong lòng có chút chấn động, nàng cảm thấy vị nhị tiểu thư này lời lẽ rất trực tiếp và sắc bén, khác hẳn với nét ôn nhu thường thấy trên gương mặt nàng ta, cô nương này e không phải là kiểu tâm tư đơn thuần như Thu Đào rồi.
Hơn nữa việc được tặng trâm bạc chẳng qua là kế sách giúp Thu Đào thoát tội, chứ thật ra Bình Nguyên Vương nào có để nàng trong lòng bao giờ! Ít ra Thu Hằng còn được chàng tặng cho tính vật định tình, còn Kim Ngọc đến một ánh nhìn của chàng cũng khó lòng có được! Một chút đau lòng khiến khóe mắt cay cay, Kim Ngọc cố giấu đi cảm xúc và khẽ ngẩng đầu lên nhìn Thu Hằng hạ giọng cam bái hạ phong:
- Nhị tiểu thư quá lời! Kim Ngọc may mắn được chỉ hôn cho Bình Nguyên Vương đã là may mắn lớn nhất cuộc đời, nào dám mơ mộng đến vị trí Vương Phi cao quý! Xin nhị tiểu thư đừng để tiểu nữ vào mắt, Bình Nguyên Vương sao có thể xem trọng tiểu nữ hơn người được!
Nói xong Kim Ngọc còn lễ phép hành lễ rồi quay lưng bỏ đi không đợi Thu Hằng kịp nói thêm điều gì.
Thu Hằng thì hơi ngạc nhiên vì thái độ nhận thua của Kim Ngọc, những tưởng ít ra nàng ta cũng sẽ ỷ được Lê Hạo yêu thương tặng trâm bạc mà đanh đá đáp trả vài câu, nào ngờ cứ như con mèo cụp đuôi, một chút khí thế cũng không có!
- Hóa ra cũng chỉ có vậy! Uổng công ta suy nghĩ sẵn biết bao nhiêu lý lẽ để đối đáp với ngươi!
Thu Hằng thầm nghĩ rồi phất tay áo đi vào Thừa Hoa Điện, thái độ khinh nhờn một Kim Ngọc nhút nhát chẳng mang lại chút hứng thú khai chiến nào!
* * *
Đón Đinh Liệt hồi cung xong, Lê Nhân Tông trở về Thừa Càn Cung phê duyệt tấu chương.
Thỉnh thoảng lại bắt gặp tấu sớ về việc loạn đảng lấy cớ đương kiêm Hoàng Thượng không phải huyết thống hoàng tộc mà dấy binh tạo phản, tuy chỉ là những đám ô hợp không đủ sức uy hiếp triều đình, nhưng nếu không sớm ngày công bố với thiên hạ một lời giải thích hợp tình hợp lý thì lâu dần sẽ thành đại họa.
Nhân Tông bóp trán nghĩ đến kế sách nhỏ máu nhận thân mà Thu Đào cũng cảm thấy có chút đạo lý, nhưng một phương pháp chưa bao giờ được xác thực như thế cũng khó lòng phục chúng.
Hơn nữa bản thân chàng cũng không dám tin lời Thái Hậu, không dám chắc mình có phải huyết thống của tiên đế hay không nên nhất thời chưa thể tìm ra kế sách vẹn toàn.
Đào Biểu thấy vua tỏ vẻ mệt mỏi, ông liền đến bên cạnh châm thêm một ít trầm hương vào lò rồi dâng lên một tách trà sâm và nhắc nhở:
- Hoàng Thượng lao lực từ canh tư đến giờ, cũng nên nghỉ ngơi một chút rồi! Người có muốn đến Quảng Hằng Các dùng ngọ thiện không?
Nhân Tông cười hiền cảm kích Đào Biểu luôn quan tâm đến ý muốn của mình, nhưng hiện Nguyễn Xí và Đinh Liệt đang cùng lúc ở trong cung, khó khăn lắm mới cân bằng được thế cục khiến hai bên tự kiềm chế lẫn nhau, Nhân Tông không tiện quá quan tâm Thu Đào mà đánh động đến tâm tư của Ngọc Tú, Nguyễn Xí nhất định vì con gái mà đưa ra yêu sách, lúc đó thì Nhân Tông buộc phải chiều lòng ông ta dù yêu sách có vô lý đến mức nào.
Để tránh bị phát hiện ra điểm yếu, Nhân Tông cẩn trọng từng đường đi nước bước, tuyệt không để lộ tâm tư ra bên ngoài.
Chàng bỏ qua lời đề nghị của Đào Biểu mà dò hỏi sang vấn đề khác:
- Nguyễn Xí đến Tú Xuân Điện thăm Ngọc Tú đã về hay chưa?
- Bẩm Hoàng Thượng, Nguyễn Tướng Quân đã được Nguyễn tú nữ tiễn ra khỏi Hoàng Cung, bây giờ chắc đã về đến biệt phủ ở Đông Môn rồi!
Biết Nguyễn Xí đã rời cung, giờ này cũng gần đúng ngọ nên ai nấy sẽ nghỉ ngơi trong tẩm điện, Nhân Tông mới hạ giọng nói vừa đủ một mình Đào Biểu nghe thấy:
- Mang thường phục đến cho Trẫm!
Đào Biểu mỉm cười hiểu ý liền y lệnh mà làm.
* * *
Từ sau khi xảy ra chuyện ở hồ Ngưng Bích, Thu Đào không ngừng nghĩ về Lê Tuấn và vết thương trên vai của chàng.
Nhiều lần nàng muốn chủ động đi gặp nhưng lại đang trong thời gian bị cấm túc nên chẳng thể rời Quảng Hằng Các nửa bước.
Nàng tự đấm ngực trách bản thân chưa kịp cảnh báo với chàng về Lê Nghi Dân và chính biến Thiên Hưng xảy ra vào ba năm sau thì đã mơ mơ hồ hồ gặp sự cố, khiến đến tận hôm nay vẫn chưa có dịp nào gặp lại chàng mà nói được lời nào.
Thu Đào ngồi bên cửa sổ mắt lơ đễnh nhìn những áng mây mùa đông xám xịt trôi vô định, nàng đưa bàn tay lên nhẩm tính một lúc rồi tự nói một mình:
- Bây giờ là cuối năm 1456, vẫn còn gần ba năm nữa! Ta phải làm sao để cảnh báo cho chàng đây?
Lúc ấy, Xuân Mai tay mang khay trà nước bước vào hồ hởi nói với Thu Đào:
- Tiểu thư! Dùng trà hoa cúc thôi! Em vừa nhờ Chưởng Sự đi Nội Giám Phủ lấy về! Làm Chưởng Sự thích thật, lấy cớ làm việc thì đi đâu cũng không bị ai ngăn cản!
Nghe xong câu nói của Xuân Mai, mắt Thu Đào chợt sáng lên như vừa nghĩ ra điều gì hài lòng lắm, nàng đá lông nheo lém lỉnh nói:
- À! Thì ra làm Chưởng Sự thì sẽ được tự do ngay ấy mà!
- Tiểu thư! Cô định bày trò gì nữa đây? – Xuân Mai nhìn vẻ mặt gian tà của Thu Đào liền chột dạ hỏi dò.
Mặt trời đứng bóng.
Quảng Hằng Các vào đúng ngọ cũng trở nên vắng vẻ như bao nhiêu cung điện khác.
Thu Đào đầu đội nón tránh nắng che khuất mặt, trên người là trang phục của Chưởng Sự cung nữ nên đã thuận lợi bước ra khỏi cửa cung trước con mắt của những thị vệ gác cổng.
Tuy đã vào cung khá lâu, nhưng lúc thì phải nằm dưỡng thương sau khi bị bắt cóc, lúc thì bị cấm túc suốt gần mười ngày, mãi đến bây giờ Thu Đào vẫn chưa thông thạo hết đường đi nước bước trong cung.
Nàng vừa đi vừa hỏi thăm đường đến Thừa Càn Cung, vừa phải nhìn trước ngó sau vì sợ lạc đường, phần vì sợ bị người quen bắt gặp trốn ra khỏi nơi bị giam lỏng, Thu Đào cứ thậm thà thậm thụt chẳng khác một tên trộm.
Lúc gần đến Thừa Càn Cung, bộ dạng khả nghi của nàng lập tức bị các ngự tiền thị vệ phát hiện.
Một thị vệ chặn nàng trước cửa, chưa kịp để Thu Đào hỏi thăm hắn đã lớn tiếng hỏi:
- Ngươi là ai, đến Thừa Càn Cung làm gì?
Bị bất ngờ và quả thật đang có chút không chính đáng trong hành động, Thu Đào lắp bắp:
- Ta là..
Chưởng Sự cung nữ Quảng Hằng Các..
Đột nhiên nói đến đây, Thu Đào bỗng dưng cứng họng, không tìm ra lý do chính đáng nào khiến Chưởng Sự cung nữ Quảng Hằng Các đến tìm Hoàng Thượng cả! Nàng lại một phen tự trách bản thân quá vội vàng không suy tính trước khi hành động.
Viên thị vệ thấy hành xử của Thu Đào khả nghi bèn đưa tay lên định kéo chiếc nón che mặt của nàng xuống, thì may mắn thay Thu Đào vừa hay nhìn thấy Lê Hạo bước ra từ Thừa Càn Cung vì đến tìm Lê Tuấn nhưng không gặp.
Nàng lớn tiếng gọi:
- Bình Nguyên Vương, nô tì là Chưởng Sự cung nữ Quảng Hằng Các, tú nữ Thu Hằng biết sáng nay người đến tìm Hoàng Thượng nên sai nô tỳ đến mời Bình Nguyên Vương sang dùng ngọ thiện!
Lê Hạo nghe gọi liền nhanh chóng bước đến chỗ Thu Đào đang bị thị vệ chặn lại.
Chàng khẽ cười vì vừa nghe lời dối trá vụn về đó đã đoán ra ngay là Thu Đào đang bày trò.
Rõ ràng Thu Hằng sáng nay đã đến Thừa Hoa Điện thì làm gì có chuyện mời chàng đến Quảng Hằng Các được.
Lê Hạo ho lên vài tiếng cho bớt ngượng rồi phối hợp với Thu Đào, chàng nói với người thị vệ:
- Đúng là Bổn Vương đã có hẹn trước với Thu Hằng tiểu thư, ở đây không còn việc của ngươi nữa, cứ lui đi!
- Dạ! – Người thị vệ thấy có Bình Nguyên Vương xác nhận rồi thì yên tâm giao Thu Đào lại cho chàng.
Thu Đào thở phào nhẹ nhõm, nàng khúm núm giả vờ đi theo sau lưng Lê Hạo được một khoảng xa, đến khi chắc chắn không còn ai có thể phát hiện ra nàng mới mở nón che đầu ra mà hít thở.
Lê Hạo mỉm cười nhìn nàng chờ đợi lời giải thích cho hành động "bất chính" này:
- Sao? Nàng đang bày trò gì đấy?
Nói xong, Lê Hạo bất giác quay đầu về hướng Thừa Càn Cung một chút, rồi nụ cười vui vẻ tắt đi, chàng hỏi nhưng lại không hề muốn nghe câu trả lời:
- Nàng tìm Hoàng Thượng à?
Thu Đào vô tình đáp giọng tiu nghỉu vì đã đi mất công nhưng không đạt được mục đích:
- Phải! Nhưng hình như người không có ở Thừa Càn Cung, đúng không?
Lê Hạo nghe phải câu trả lời mình sợ nhất, chàng quay mặt sang hướng khác nói như hờn:
- Nhớ người ta rồi à?
Nghe câu cà khịa, Thu Đào liếc mắt nguýt Lê Hạo một cái rồi đáp:
- Ta có việc rất quan trọng, nhưng có nói chàng cũng không hiểu được đâu!
- Ta đường đường là một Vương Gia, có chuyện gì mà lại nghe không hiểu chứ? – Lê Hạo cố gặng hỏi dù biết có khi chuyện ấy mình không liên quan đến, và cũng chẳng cần phải nghe.
Thu Đào trầm ngâm nét mặt, nàng nghĩ đến việc Lê Hạo sẽ là vị vua thứ tư của Lê Triều nếu như Lê Tuấn thật sự gặp nạn, dù sử sách không nhắc gì nhiều đến mối quan hệ giữa hai người họ, nhưng trên thực tế họ có phải là kẻ địch của nhau trong tương lai hay không thì làm sao nàng biết được.
Bởi thế, Thu Đào trộm nghĩ không thể tùy tiện để lộ điều gì cho Lê Hạo biết, nàng chỉ nhân cơ hội dò hỏi:
- Ta có một việc cần hỏi chàng!
- Việc gì? – Lê Hạo tròn mắt lên vì hiếu kỳ.
Thu Đào liếc mắt qua trái rồi qua phải để cố nhớ lại một đoạn nàng đã đọc trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nói về việc Đô chỉ huy sứ Lê Đắc Ninh đã không đưa quân hộ giá khi Nhân Tông bị hành thích, xong nàng hỏi Lê Hạo:
- Đô chỉ huy sứ canh giữ hoàng cung hiện nay là ai? Có phải là Lê Đắc Ninh không?
Lê Hạo bày ra nét mặt ngạc nhiên không hiểu vì sao Thu Đào lại quan tâm đến vấn đề này, chẳng lẽ nàng quan tâm đến an nguy của Hoàng Thượng nên mới điều tra xem ai là người bảo vệ trước ngự tiền hay sao? Tuy thế, chàng vẫn đáp:
- Không phải, Lê Đắc Ninh chỉ là một đội trưởng Cấm Vệ Quân thôi, hắn thân thủ cũng khá nên được theo hầu Thái Hậu.
Còn Đô chỉ huy sứ hiện tại là Lê Niệm, thuộc hạ thân tính của cha nàng – Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Nguyễn Đức Trung đại nhân.
Thu Đào nghe xong liền cảm thấy chấn động, Lê Đắc Ninh thì ra lại là tay chân thân tính của Thái Hậu, vậy mà sau này chính hắn đã tiếp tay lật đổ mẹ con của Thái Hậu, chuyện đời quả thật khó mà lường! Trong lúc xúc động, Thu Đào đã nói một câu tiết lộ chuyện tương lai:
- Lẽ nào là vậy? Lê Đắc Ninh sau này sẽ giết Thái Hậu và Hoàng Thượng..
Ngay lúc ấy, bầu trời quang đãng bỗng xám xịt lại, tiếng sấm vang rền át cả tiếng nói của Thu Đào, một tia lửa điện xẹt xuống ngay trước mặt hai người như lời cảnh cáo của ông trời không cho phép tiết lộ thiên cơ.
Giật mình khi thấy tia sét giáng ngay trước mắt, Thu Đào chưa kịp hoàn hồn thì những giọt mưa to đùng rơi trúng mặt rát buốt làm nàng như choàng tỉnh, Lê Hạo vội cởi áo khoát ngoài ra trùm lên đầu Thu Đào và kéo nàng vào trú dưới mái hiên gần ngự hoa viên.
Lê Hạo nhìn cơn mưa như trút nước ước chừng chưa thể tạnh ngay được, chàng quay sang đưa tay lên vuốt những giọt nước trên tóc Thu Đào xuống một cách tự nhiên như ngày xưa đã từng.
Thu Đào giật mình trước cử chỉ thân mật này bèn nghiêng đầu tránh đi rồi e thẹn nhìn sang chỗ khác.
Để bớt ngượng, Lê Hạo quay lại câu nói lúc nãy mà chàng chưa nghe rõ vì bị tiếng sấm to át mất:
- Lúc nãy nàng nói Lê Đắc Ninh thế nào?
Thu Đào nghe đến ba chữ Lê Đắc Ninh liền thấy tim đập thình thịch, nàng cảm nhận rõ ràng ông trời đang phật ý khi suýt chút nàng nói ra sự việc của ba năm sau một cách quá trực tiếp.
Đang lúng túng chưa biết giải thích thế nào thì một giọng nói quen thuộc cất lên làm cả hai quay mặt về phía hành lang dọc theo con đường dẫn đến ngự hoa viên.
- Thì ra nàng trốn ra đây để ngắm hoa với tứ đệ à?
Lê Tuấn lù lù xuất hiện như để bắt quả tang hai người đang lén lút hẹn hò, toàn thân chàng bị mưa làm cho ướt sủng, ánh mắt long lên sáng quắc đầy vẻ hồ nghi, câu hỏi ráo hoảnh không để lộ cảm xúc.
Duy chỉ Thu Đào là cảm nhận được nỗi hờn ghen trong mắt chàng, biểu cảm hệt như đêm hôm ấy trở về từ hồ Ngưng Bích, lúc chàng dùng áo che kín thân thể nàng để tránh khỏi ánh mắt người đàn ông khác nhìn vào.
Thì sau khi Lê Tuấn thay thường phục liền bí mật đến Quảng Hằng Các tìm Thu Đào, nào ngờ đến nơi thì được Xuân Mai báo lại nàng đã lén đến Thừa Càn Cung.
Lo lắng Thu Đào bị Ngọc Tú hay ai đó phát hiện trốn khỏi nơi cấm túc thì sẽ phiền phức, Lê Tuấn đã mặc cho cơn mưa đang kéo đến mà chạy ngược về hướng Thừa Càn Cung để tìm Thu Đào, để rồi vô tình bắt gặp Lê Hạo đứng vuốt tóc cho nàng dưới mái hiên, trên vai còn đang khoát chiếc áo của Lê Hạo.
Trong tim Lê Tuấn như có một luồng máu nóng trào ra và biến thành một câu hỏi ghen tuông chua chát.
Bầu trời sấm nổ vang rền.
Ba con người đứng nhìn nhau không nói gì, thời gian cứ thế trôi đi, không gian chìm hẳn trong tiếng mưa rào gió rít...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...