Hội Chợ Phù Hoa

THIẾP BÊN SONG CỬA, CHÀNG NGOÀI CHÂN MÂY

Chúng tôi không dám có ý muốn lạm dự vào hàng những nhà tiểu thuyết quân sự. Chúng tôi là những người dân thường; khi chiến sự xảy ra, chúng tôi sẵn sàng lùi về hậu tuyến và ngoan ngoãn chờ, còn hơn làm quẩn chân những người chiến sĩ dũng cảm cho nên chúng tôi chỉ dám theo trung đoàn thứ...tới cổng thành phố mà thôi; đến đây, để thiếu tá O’Dowd ra đi với nhiệm vụ của mình, chúng tôi quay lại với bà thiếu tá cùng mấy người đàn bà và đám hành lý của họ.

Ngài thiếu tá cùng phu nhân không được mời đến dự buổi dạ hội vừa miêu tả ở trên, thành ra trong khi những người ham thích hưởng thụ khoái lạc cũng ngang với việc làm nhiệm vụ đang đắm mình trong lạc thú thì họ nằm khểnh ở nhà làm một giấc ngủ thật yên trí. Ông thiếu tá điềm nhiên kéo chiếc mũ ngủ xuống trùm kín hai tai, bảo vợ:

- Peggy, mình yêu ơi, tôi chắc chỉ hai ba ngày nữa, sẽ có một buổi dạ hội linh đình xưa nay chưa từng có.

Đối với ông, bất cứ buổi dạ hội nào cũng không thú bằng nốc một cốc rượu rồi lên giường đi ngủ. Riêng bà Peggy thì cũng muốn triển lãm chiếc khăn quấn đầu có chiếc lông chim thụy hồng tại buổi dạ hội kia một tý, nhưng câu nói của ông chồng làm cho bà ta đâm ra đăm chiêu tợn.

Ông thiếu tá lại bảo vợ: :

- Độ nửa tiếng đồng hồ trước khi tập hợp, đánh thức tôi dậy nhé. Mình yêu ơi, đến một rưỡi đánh thức tôi dậy; xem mọi thứ sắp sẵn cả chưa. Có nhẽ tôi không về ăn sáng được đâu Câu nói ấy ngụ ý sáng hôm sau trung đoàn sẽ xuất phát; viên thiếu tá im tiếng rồi ngủ. Lúc này bà O’Dowd khoác tấm áo ngủ, trên mái tóc đầy những chiếc cặp búp bằng giấy. Vốn là một người nội trợ xứng đáng, bà nghĩ rằng lúc này không phải là lúc đi ngủ, mà phải làm việc.

Bà tự nhủ:

- Bao giờ Mick đi rồi, mình còn khối thì giờ ngủ, lo gì. Đoạn bà buộc lại chiếc va-ly của chồng cho chặt, chải lại bộ binh phục và chiếc mũ, xếp thứ tự sẵn sàng. Bà còn bỏ sẵn vào túi áo của chồng một gói thức ăn và một cái chai nhỏ đựng được đến già nửa lít rượu cô-nhắc rất ngon. Thứ rượu này cả hai vợ chồng cùng ưa lắm. Lúc kim đồng hồ báo thức chỉ một giờ rưỡi, đồng thời tiếng chuông ngân nga báo đúng giờ tai hại đã điểm (bà chủ nhà vẫn khoe rằng tiếng chuông đồng hồ nhà bà hay như chuông nhà thờ), bà O’Dowd đánh thức chồng dậy; bà lại đã chuẩn bị sẵn sàng một tách cà-phê thật ngon như mọi tách cà phê buổi sáng ở Brussels. Ai dám bảo rằng những cử chỉ săn sóc tế nhị của người đàn bà này không đủ tỏ tình cảm nồng nhiệt bằng những dòng nước mắt và những trận khóc rũ rượi của những thiếu phụ đa cảm hơn?

Tách cà-phê hai vợ chồng uống chung nhau giữa tiếng kèn đồng báo lệnh xuất quân cùng tiếng trống nổi vang lên khắp thành phố, chẳng phải là có ích lợi và đúng chỗ hơn những lời nỉ non khóc lóc ư? Kết quả là viên thiếu tá xuất hiện trước ba quân, mặt mũi hồng hào, râu cạo nhẵn thín. Trông ông ta ngồi đường hoàng trên lưng con ngựa chiến vẻ tươi tỉnh, nhanh nhẹn, ba quân cũng thấy thêm phần tin tưởng và phấn khởi. Bà thiếu tá đứng trên bao lơn đón đoàn quân đi qua, vui vẻ vẫy tay chào; tất cả các sĩ quan đều chào lại. Tôi đảm bảo rằng sở dĩ bà không muốn đích thân mình dẫn đầu trung đoàn xuất trận, không phải vì bà thiếu can đảm, mà chính vì bà vẫn còn tính kín đáo của phụ nữ đấy thôi.

Những ngày chủ nhật và trong những ngày long trọng, bà O’Dowd thường vẫn trịnh trọng giở một cuốn sách giảng đạo của một ông chú chịu chức chánh xứ ra đọc; cuốn sách trên đã an ủi bà rất nhiều, khi bà cùng chồng lênh đênh trên mặt biển từ Tây Ấn hồi hương; hồi ấy vợ chồng bà suýt chết vì tàu đắm. Sau khi trung đoàn lên đường rồi, bà lại trở về trầm tư mặc tưởng với cuốn sách; có thể bà không hiểu rõ lắm những dòng chữ mình đang đọc, tâm trí còn bận để đâu đâu, nhưng bà vẫn không sao chợp mắt được, mặc dầu đã cố ý đặt chiếc mũ ngủ của ông chồng trên gối ngay cạnh mình. Đời là như vậy đấy Jack hoặc Donald lưng đeo ba-lô mà ra đi đeo đuổi mộng công danh, chân vui bướu, miệng ngân nga bài hát “Vĩnh biệt người tình”; riêng kẻ ở lại chịu cảnh phòng không bóng chiếc... đêm ngày đằng đẵng nhớ thương sầu muộn.

Rebecca hiểu rõ rằng nhớ thương là chuyện vô ích mà đa sầu đa cảm lắm thì chỉ tổ chuốc thêm sự đau khổ vào thân; cho nên cô ta khôn ngoan quyết định sẽ không buồn rầu vô ích làm gì; phải ly biệt cùng đức ông chồng cô chịu đựng với thái độ dũng cảm không kém gì phụ nữ thành Spartan thời cổ. So với người đàn bà bé nhỏ cương nghị này thì phút kẻ đi người ở, đại úy Rawdon bị xúc động mạnh mẽ hơn nhiều, Rebecca đã làm chủ được con người có bản tính thô bạo cục cằn này rồi: anh chàng đã yêu, đã thờ phụng cô vợ với hết cả tâm hồn mình. Suốt đời, chưa bao giờ anh ta được hưởng hạnh phúc đầy đủ bằng khoảng thời gian sống chung với vợ mấy tháng vừa qua. So với lạc thú gia đình anh ta vừa được hưởng, thì bao nhiêu trò giải trí khác như thi ngựa, đàn đúm, săn bắn, cờ bạc, những mối tình với mấy cô bán đồ trang sức trước kia, cùng những thắng lợi dễ dàng của một anh chàng quân nhân vụng về, đều trở thành nhạt phèo như nước ốc. Bao giờ cô vợ cũng biết tìm cách vui lòng chồng. Anh chàng thấy cứ ngồi nhà cạnh vợ cũng đủ thú vị nghìn lần đi chơi với bất cứ ai, bất cứ ở đâu kể từ bé đến giờ. Cho nên anh ta rủa thầm những chuyện rồ dại của mình trong quá khứ, lại phàn nàn mãi rằng bao món nợ chồng chất ngập mặt chưa trả xong, nay sinh tác hại cản trở bước tiến của vợ trong giới thượng lưu.

Đêm đêm trò chuyện với nhau, anh ta vẫn ca cẩm nhiều về chuyện này với Rebecca, tuy rằng hồi chưa vợ, anh ta không hề bao giờ lấy đó làm bận tâm. Chính Rawdon cũng ngạc nhiên về hiện tượng này, anh ta thường nói:


- Mẹ cha nó? (cũng có khi anh ta văng ra một tiếng còn thô tục hơn, vì quen tính tự do trong ngôn ngữ) trước khi lấy vợ chẳng bao giờ mình thèm để ý là mình đang ký tên vào giấy tờ gì miễn là lão Moses còn bằng lòng đợi, hoặc lão Levy ưng thuận cho chịu thêm ba tháng nữa, thì mình cứ ký văng mạng. Ấy thế mà từ khi lấy vợ, thề rằng chưa lần nào mình mó đến tờ giấy có đóng dấu đấy, họa chăng để yêu cầu hoãn nợ thì có.

Bao giờ Rebecca cũng biết khéo léo tìm cách xua đuổi nỗi sầu muộn của chồng; cô thường bảo:

- Ô hay, ông ngợm ơi, nào ta đã mất hết hy vọng về bà cô đâu? Nếu bà lão “chơi khăm” chúng mình thì sao anh không dùng đến tờ báo Tin tức? Mà thôi, để bao giờ ông Bute về chầu giời, em sẽ có kế khác. Theo luật thì anh em trai có quyền thừa kế cai quản nhà thờ chứ gì? Vậy thì anh cứ việc bán phăng chức đại úy về đi tu là xong.

Cứ nghĩ đến câu chuyện bàn với vợ. Rawdon lại phá ra cười rũ rượu. Nửa đêm còn nghe tiếng cười hô hố của anh sĩ quan cận vệ vang khắp cả khách sạn. Tướng Tufto nằm trong phòng ở mãi tầng trên cũng nghe rõ; hôm sau, trong khi ăn Rebecca kể lại câu chuyện đêm trước, lại bắt chước điệu bộ Rawdon, viên tướng lấy làm thú quá.

Nhưng đấy là chuyện quá khứ. Khi có tin tức đích xác chiến tranh đã nổ ra, sắp phải tiến quân thì bỗng nhiên Rawdon trở thành nghiêm trang khác hẳn trước. Lúc Rebecca giễu cợt, anh chàng phát cáu, giọng hơi run run, bảo vợ:

- Becky, mình không nghĩ rằng tôi nhát sợ chứ? Người tôi to lớn thế này, dễ trúng đạn lắm. Ví thử tôi chết thì hỏi có gì để lại cho mình, và có thể là cho hai mẹ con nữa, mà sinh sống? Này, bà Crawley ơi, không phải là chuyện đáng cười đâu. Rebecca tìm cách nói ngọt ngào vuốt ve để ông chồng bị chạm tự ái nguôi cơn giận. Thường thường khi để cho mình bị lôi cuốn theo cái khuynh hướng ưa hài hước nghịch ngợm, Rebecca hay giở giọng châm biến ra (như hầu hết mọi trường hợp khác), nhưng rồi cô cũng lấy lại được vẻ mặt trang nghiêm ngay:

- Mình yêu ơi, mình tưởng em không biết đau lòng sao? Cô ta vội vàng quệt cái gì ở khoé mắt rồi mỉm cười nhìn vào mặt chồng. Chồng đáp. Đây này, nếu tôi chết, xem tôi để lại cho mình được những gì? Cho đến bây giờ tôi vẫn gặp nhiều may mắn trong khi đánh bạc; đây là hai trăm ba mươi đồng. Tôi hãy còn mười đồng Napoléon trong túi, thế là thừa tiêu rồi. Trung tướng trả lương mọi người hậu hĩnh như một ông hoàng. Nếu tôi chết cũng không phải lo tốn phí về tôi. Đừng khóc, mình; biết đâu tôi lại chẳng cứ sống để làm cho mình khó chịu? Phải đấy, hai con ngựa của tôi, tôi sẽ để cả ở nhà, tôi cưỡi con ngựa thồ màu xám của trung tướng: giá nó rẻ hơn; tôi sẽ báo cáo rằng ngựa của tôi bị què; giả thử tôi chết, mình bán hai con ngựa cũng được món tiền. Hôm qua, lúc chưa biết tin phải đi trận, thằng Grigg đã trả con ngựa non chín mươi đồng, thế mà ngu quá, tôi lại cứ khăng khăng rằng dưới một trăm nhất định không bán. Thế nào con Bullfinch cũng đã được giá ấy; nhưng mình nên bán ngay tại đây, bởi vì tôi còn nợ tụi lái ở Anh nhiều lắm không nên đem nó về nước. Cái con ngựa cái non trung tướng cho mình, bán cũng được một món tiền đấy. May quá, ở đây ta lại không nợ nần ai như ở Luân- đôn.

Rawdon cười tiếp:

- Bộ đồ trang điểm của tôi đáng giá hai trăm đồng...nghĩa là tôi nợ người bán hai trăm đồng. Mấy cái lọ có nút bằng vàng giá ba hay bốn chục đồng. Góp tất cả những thứ ấy lại, cả cặp áo, nhẫn, đồng hồ, dây chuyền và mọi đồ trang sức khác: chỗ ấy vô khối tiền. Ngày trước, bà Crawley mua chiếc đồng hồ và cái dây đeo mất những một trăm đồng. Đừng quên mấy cái lọ có nút bằng vàng nhé. Dại quá, biết thế mình lấy thêm một ít xong. Edwards đã xui mình cứ lấy cái gót giầy bằng bạc mạ vàng; đáng lẽ mình có một bộ đồ trang điểm đầy đủ, cả cái bồn nước bằng bạc và đủ chai lọ không thiếu thứ gì. Nhưng thôi, có sao hay thế, phải không Becky?

Đó tức là tờ di chúc của đại úy Crawley vậy. Mới cách đây mấy tháng, anh ta chỉ biết quý trọng cái thân thể của chính mình, bây giờ tình yêu đã thay đổi hẳn tính anh ta.

Crawley làm một bản thống kê những món đồ dùng vặt vãnh, cố tìm xem liệu nhỡ mình gặp tai nạn thì vợ sẽ bán được bao nhiêu. Anh ta lấy bút chì nguệch ngoạc kê ra giấy những thứ có thể bán được lấy tiền cho người vợ góa, nét chữ to và vụng về như chữ trẻ con...đại khái thế này: chiếc súng hai nòng, 40 đồng ghi-nê; chiếc áo choàng đi săn viền lông thú, 50 đồng bảng Anh; đôi súng lục có cả bao bằng gỗ hồng (đã dùng súng này bắn chết đại úy Marker) 20 đồng bảng Anh, bộ yên ngựa và áo yên, bộ yên ngựa đã dùng đi chơi v.v... Rebecca được quyền thừa kế tất cả.

Thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đặt ra, viên đại úy chỉ bận bộ quân phục cũ nhất, tồi tàn nhất, dành những bộ quần áo mới lại cho vợ, rất có thể sẽ là cô vợ góa. Và anh chàng công tử bột nổi tiếng ở Windsor và công viên Hyde mặc một bộ đồ tầm thường như một viên đội để ra trận, đôi môi còn mấp máy như muốn lẩm nhẩm cầu kinh cho cô vợ trẻ ở nhà. Anh ta bế bổng vợ lên, ghì chặt lấy vợ một phút, ấp sát vào trái tim đang đập thình thình của mình.


Khi buông vợ xuống đất để ra đi, mặt anh chàng đỏ bừng, hai mắt lờ đờ. Anh ta cưỡi ngựa bước song song bên cạnh viên trung tướng lặng lẽ rít thuốc lá. Hai người thúc ngựa mau để theo kịp lữ đoàn của viên tướng đã đi trước. Mãi tới khi đã đi được vài dặm đường, anh ta mới thôi không xoắn ria mép và mới mở mồm nói chuyện.

Cô Rebecca khôn ngoan, như ta đã rõ, quyết định không vì sự ly biệt với chồng mà để cho sự sầu não vô ích giày vò mình. Cô ngó qua cửa sổ vẫy tay từ biệt chồng; chồng đi rồi, cô còn đứng đó một lúc lâu nhìn ra ngoài. Lúc này những mái nhà thờ cao vút, và những đầu hồi của những ngôi nhà cổ kính dưới ánh nắng sớm rọi tới vừa đỏ ửng lên. Đêm qua, Becky không được nghỉ ngơi tý nào, trên mình vẫn còn mặc bộ quần áo dự dạ hội rất đẹp, mớ tóc vàng rủ xuống cổ, những búp tóc soăn soăn đã hơi duỗi ra, mấy món tóc xõa xung quanh đôi mắt quầng thâm vì đêm trước mất ngủ. Becky ngắm nghía mình trong gương nói: “Trông mình mà phát khiếp! Cái áo hồng này làm cho nước da mình đâm ra tái thêm”.

Và cô ta cởi tấm áo hồng ra đồng thời có một mảnh giấy từ trong tấm áo lót rơi xuống đất. Rebecca mủm mỉm cười nhặt lên, bỏ vào trong chiếc hộp đựng đồ trang điểm khóa lại. Đoạn cô ta cắm bó hoa được tặng trong buổi dạ hội vào một cốc nước rồi lên giường nằm ngủ một giấc thật thoải mái.

Đến mười giờ thức dậy, Rebecca thấy cả thành phố hoàn toàn yên tĩnh. Cô ta uống một tách cà phê rất ngon miệng, thấy mình đã lại sức sau những xúc động lúc sớm. Ăn xong, Rebecca bắt đầu soát lại bản thống kê của anh chồng thực thà và tự xét lại hoàn cảnh của mình. Nếu có sự gì không may thì, nói cho cùng, cô ta cũng ung dung chán. Ngoài những vật chồng để lại, Becky còn có đồ trang sức và áo sống riêng cơ mà. Khi mới cưới vợ, chúng ta đã biết, Rawdon ăn tiêu rất hào phóng. Viên trung tướng, một tên nô lệ dốc lòng thờ phụng Rebecca, đã tặng cô ta nhiều vật rất đẹp, thí dụ, không kể con ngựa cái non, còn có mấy chiếc khăn san bằng lụa Casơmia, mua trong một cuộc bán đấu giá tài sản của vợ một viên tướng người Pháp bị phá sản, và nhiều thứ đồ trang sức khác sắm tại một hiệu kim hoàn, thứ nào cũng chứng tỏ người mua là một tay sành sỏi và lắm của. Còn mấy cái “máy tích tắc” (anh chàng Rawdon vẫn gọi là đồng hồ bằng cái tên này) thì cứ kêu tích tắc trong buồng nghe cũng vui tai. Một buổi tối, cô phàn nàn rằng chiếc đồng hồ của mình hay hỏng; chiếc đồng hồ này do thợ người Anh chế tạo, và là tặng vật của Rawdon. Lập tức sáng hôm sau cô ta nhận được ngay hai chiếc khác: một chiếc rất xinh, khắc hiệu Leroy, hộp vỏ và dây đeo có khảm ngọc Thổ-nhĩ-kỳ, một chiếc hiệu Brequet, có nạm ngọc bích, chỉ nhỉnh hơn đồng nửa cơ-rao một tý. Một chiếc là của Tướng Tufto mua tặng còn chiếc kia là của đại úy Osborne, còn người hào hoa phong nhã. Amelia không có đồng hồ, nhưng nói của đáng tội, nếu cô hỏi thì George cũng mua cho rồi. Còn Tufto phu nhân ở nước Anh thì chỉ có mỗi một chiếc đồng hồ cổ lỗ sĩ của bà cụ thân sinh để lại, có thể dùng thay thế cho chiếc chậu rửa mặt bằng bạc mà Rawdon đã nói ở đoạn đầu. Nếu các ông Howell và James công bố danh sách những người mua đồ trang sức trong hiệu của họ, hẳn có lắm gia đình phải ngạc nhiên. Và nếu những vật trang sức ấy chỉ về tay những bà vợ chính thức và các cô con gái mà thôi, thì khối gia đình sang trọng trong Hội chợ phù hoa đã có vô số vật quý vô giá. Tính toán về những vật quý giá ấy xong xuôi, Rebecca không phải không thấy thú vị khi nhận ra rằng nhỡ có chuyện rủi ro thì mình vẫn có thể bắt đầu lại cuộc đời với ít nhất là sáu hoặc bẩy trăm đồng vốn liếng. Thế là suốt buổi sáng, cô ta chỉ loay hoay thu dọn, xếp đặt, ngắm nghía, và bỏ các thứ vào hòm khóa lại cẩn thận coi bộ rất hí hửng.

Giữa đám giấy mà trong ví của Rawdon lại có cả một tấm ngân phiếu của Osborne trị giá hai mươi đồng. Nhìn tấm giấy Rebecca nghĩ đến vợ Osborne. Cô tự nhủ: “Mình phải đi lĩnh ngay món tiền này mới được. Rồi sẽ qua thăm chị Emmy đáng thương ấy một tí.

Tuy nói rằng truyện này không có nhân vật chính, thực ra ít nhất cũng phải có một nhân vật chính là một người đàn bà.

Trong quân đội Anh vừa ra trận, mà không một người lính nào, kể cả bản thân ngài quận công vĩ đại kia nữa, có được thái độ điềm tĩnh, can đảm trước những khó khăn của tương lai vô định bằng người đàn bà phi thường này tức là cô vợ bé bỏng của viên sĩ quan tùy tòng.

Trong đám người quen thuộc của chúng ta, còn có một người nữa cũng bị bỏ lại hậu phương, một người “dân thường”; chúng ta có quyền hiểu biết đôi chút về cảm xúc và cử chỉ của người này: ấy là ông bạn cựu ủy viên thu nhập quận Boggley Wollah của chúng ta vậy. Cũng như nhiều người khác, tiếng kèn đồng mới sớm tinh sương đã giục giã làm anh chàng thức dậy.Vốn tính hay ngủ nhiều, lại rất có cảm tình với cái giường, cho nên nếu không bị ai phá rối, thì anh ta đã mặc xác mọi thứ tiếng kèn đồng, trống trận và kèn hơi của quân đội Anh quốc tha hồ thi nhau nổi lên, mà cứ tiếp tục ngáy khò khò một giấc như lệ thường. Người phản đối không phải là George Osborne, vì tuy ở chung nhà với Joe, nhưng anh chàng này còn bận tíu lên về việc riêng, hoặc có lẽ bận sầu não vì nỗi biệt ly với vợ, nên không kịp nghĩ đến chuyện sang từ giã ông anh rể đang ngon giấc. Vậy thì không phải là George mà là Đại úy Dobbin; anh ta dựng bạn dậy, nhất định đòi bắt tay bạn một cái trước khi lên đường.

- Cảm ơn anh lắm lắm.

Joe vừa ngáp vừa rủa thầm viên đại úy. Dobbin lắp bắp nói:

- Tôi...tôi không muốn lên đường mà không lại từ biệt anh một chút bởi vì, anh cũng rõ, trong số chúng tôi có thể có người không trở về; và tôi muốn được thấy các bạn khỏe mạnh vui vẻ và... và…như thế ấy mà, anh hiểu chứ.


Joe dụi mắt đáp:

- Anh định bảo gì cơ?

Viên đại úy không nghe bạn nói, cũng chẳng để ý đến anh chàng béo ị đội mũ ngủ, người được anh ta làm ra vẻ rất quý mến. Anh chàng đạo đức giả này còn bận ngóng về phía cửa buồng của George mà lắng tai nghe. Anh ta cứ rảo bước đi lại trong phòng, va cả vào ghế, bàn tay đánh nhịp trống, đưa móng tay lên miệng nhấm...nghĩa là tỏ ra hết sức muốn trấn tĩnh sự rối ren trong lòng.

Mọi ngày, Joe gần như vẫn coi thường viên đại úy, lúc này bắt đầu ngờ rằng anh mất can đảm. Joe mỉa mai nói:

- Tôi có thể giúp anh việc gì nhỉ, Dobbin?

Viên đại úy lại bên giường đáp:

- Tôi nhờ anh hộ một việc mà anh có thể làm được; Anh Sedley ạ, mười lăm phút nữa, chúng tôi ra trận, có thể cả George và tôi cũng không trở về được nữa. Anh nhớ kỹ nhớ, khi nào chưa biết đích xác tin tức ra sao thời chớ rời khỏi thành phố này vội. Anh phải ở lại đây chăm nom em gái anh, an ủi cô ấy, đừng để có chuyện gì xảy ra. Nếu George có mệnh hệ nào, nhớ rằng trên đời này, cô ấy chỉ còn trông cậy được vào anh mà thôi. Nếu quân ta thất bại, anh phải lo đưa cô ấy về Anh cho an toàn. Anh phải lấy danh dự mà hứa với tôi rằng sẽ không bao giờ bỏ mặc cô ấy nhé. Tôi biết anh không phải là người như thế. Còn về chuyện tiền nong tốn kém thì xưa nay anh vẫn rộng rãi. Anh có cần thêm tiền không? Nghĩa là tôi muốn nói rằng nếu có chuyện gì không may xảy ra thì anh có đủ tiền trở về Anh không?

Joe kiêu hãnh đáp:

- Thưa ngài, khi nào tôi cần tiền, khắc tôi biết, nên hỏi ở chỗ nào. Còn về em gái tôi thì không cần ngài dạy tôi phải ăn ở sao cho phải lẽ.

Dobbin vui vẻ nói:

- Anh Joe ạ, anh nói thế mới thật là người cao thượng.

-George ra đi, vợ ở nhà được người tốt bụng như anh săn sóc, tôi cũng yên tâm. Vậy tôi có thể bảo với George rằng anh đã lấy danh dự mà hứa sẽ luôn luôn ở bên cạnh Amelia trong những lúc khó khăn chứ?

- Dĩ nhiên... dĩ nhiên rồi.

Joe đáp; Dobbin cũng hiểu rằng về chuyện tiền nong, bạn vốn là người rộng rãi.


- Và anh sẽ trông nom đưa Amelia rời khỏi Brussels nếu quân ta thất bại?

Anh chàng ngồi trên giường la lên:

- Thất bại! Ma quỷ ơi? Làm gì có chuyện ấy. Thôi đừng giả vờ dọa tôi đi.

Thấy Joe tỏ vẻ quyết định săn sóc em gái cẩn thận, bấy giờ tâm trí Dobbin mới thấy hoàn toàn thư thái. Viên đại úy nghĩ thầm: “Ít nhất thì nếu có chuyện bất hạnh xảy ra, Amelia vẫn còn có chỗ dựa”.

Nếu như đại úy Dobbin hy vọng được nhìn thấy mặt Amelia một lần nữa để thỏa mãn ước muốn cá nhân mình, và để lấy thêm nghị lực trước khi trung đoàn ra trận, thì thói ích kỷ xấu xa ấy thật đáng trừng phạt. Phòng ngủ của Joe có cửa mở thông ra một căn phòng khách chung của gia đình, mé bên kia lại có cửa thông sang phòng của Amelia, Tiếng kèn đồng đã đánh thức mọi người trong nhà dậy: bây giờ thì chả cần phải giấu giếm gì nữa, bác người hầu của George đang lúi húi buộc hành lý trong phòng ngủ, thỉnh thoảng lại ném ra cho người hầu những thứ cần phải mang theo khi hành quân. Và lúc này Dobbin được thỏa mãn ước vọng sâu kín anh vẫn ấp ủ trong lòng: anh ta lại được nhìn mặt Amelia một lần nữa. Nhưng bộ mặt mới tiều tụy làm sao! Bộ mặt trắng bệch, đờ đẫn đầy vẻ thất vọng. Mãi sau này, vẻ mặt Amelia lúc ấy còn ám ảnh Dobbin mãi như một tội ác, và cứ mỗi lần nhớ đến, anh lại thấy đau nhói trong tim vì mong mỏi và xót thương.

Amelia khoác một tấm áo choàng trắng toát, tóc xõa xuống vai, đôi mắt mở to trừng trừng mà như không có ánh sáng. Muốn giúp đỡ một tay vào việc sửa soạn cho chồng ra đi, và để tỏ rằng mình cũng có ích đôi chút trong phút long trọng này, người đàn bà đáng thương ấy cứ cầm lấy cái thắt lưng của George trong ngăn kéo và lẽo đẽo theo sau chồng đi đi lại lại trong phòng lặng lẽ nhìn chồng sửa soạn hành lý. Cô bước ra khỏi phòng dựa lưng vào tường; ấp chiếc thắt lưng vào ngực, mảnh vải đỏ thắm rủ xuống tận đất như một dòng máu trào ra. Trước cảnh tượng ấy, viên đại úy đa cảm của chúng ta thấy thắt ruột lại hối hận. Anh ta nghĩ thầm: “Trời đất ơi, ta có quyền gì len lỏi vào một sự đau khổ đến như thế kia?”. Chẳng có cách nào an ủi con người lặng lẽ sầu não ấy cho được. Anh ta bất lực đứng nhìn Amelia một lúc lâu, cõi lòng vò xé tơi bời vì xót thương như một người cha chứng kiến sự đau đớn của đứa con đẻ rứt ruột.

Cuối cùng, George cầm tay Emmy dắt trở vào trong phòng ngủ, rồi bước ra một mình. Thế là xong cuộc ly biệt.

Anh ta lên đường.

- Lạy Chúa, thế là xong.

George vừa nghĩ thầm, vừa nhảy xuống thang gác, thanh kiếm cắp dưới nách, anh ta nhanh nhẹn chạy tới chỗ tập trung quân, má đỏ hồng lên, mạch máu trong người chạy rần rật. Ở đây, lính và sĩ quan cũng đang vội vã theo lệnh tập hợp hàng ngũ. Canh bạc lớn là cuộc chiến tranh sắp bắt đầu rồi, và anh ta cũng có tham gia một chân.

Bao nhiêu là hoài nghi, hy vọng và khoái cảm. Liệu được hay thua? Biết bao nhiêu sự bất ngờ đầy say sưa? So với lần này bao nhiêu canh bạc khác anh ta đã dự thật không nghĩa lý gì. Từ bé đến giờ chàng trẻ tuổi này đã quen lao vào bất cứ một trò chơi nào cần đến sức khỏe và sự khéo léo của một lực sĩ với tất cả sức lực của mình. Được các bạn hoan hô cổ vũ, anh ta đã chiếm những giải vô địch trong trường và trong trung đoàn anh ta đã giật giải hàng trăm lần, từ những trò chơi criquer hồi bé, đến những cuộc đua ngựa do nhà binh tổ chức, và đi đến bất cứ đâu, anh ta cũng được đàn bà cũng như một kẻ dễ dàng được quần chúng hoan nghênh, vì có sức khỏe, có can đảm ấy, sẽ dùng được gì trong chiến trận? Từ cổ chí kim, sức khỏe và lòng dũng cảm vẫn là đề tài quen thuộc của văn chương; và kể từ câu chuyện thành Troy đến nay, thi ca vẫn ưa chọn nhân vật trung tâm là một chiến sĩ. Tôi băn khoăn tự hỏi có lẽ vì người đời đều hèn nhát cả, nên thiên hạ mới xưng tụng sự can đảm đến như vậy, và mới đề cao sự dũng cảm trong trận mạc trên mọi đức tính khác để mà đền đáp và thờ phụng chăng.

Thế là, nghe tiếng gọi sa trường rộn rã, George cũng rứt được ra khỏi đôi cánh tay trìu mến của người vợ suýt nữa làm anh ta nhụt chí khí. Trong thâm tâm, anh ta cũng hơi cảm thấy hổ thẹn vì mình đã bịn rịn hơi lâu, tuy cũng không đến nỗi quyến luyến vợ nhiều quá. Những người bạn khác của George cũng cùng một tâm trạng say sưa hào hứng như vậy, từ viên thiếu tá to béo dẫn đầu đoàn quân ra trận đến Stubble, viên sĩ quan cầm cờ bé nhỏ ngày hôm ấy lĩnh nhiệm vụ mang quân kỳ của trung đoàn.

Cuộc hành quân bắt đầu giữa lúc mặt trời vừa mọc...

Cảnh tượng thật hào hùng...đội nhạc binh dẫn đầu, nổi khúc nhạc tiến quân của đơn vị... rồi đến viên thiếu tá chỉ huy trưởng, cưỡi trên lưng con ngựa Pyramus cao lớn…theo sau là đội cận vệ, có viên đại úy dẫn đầu. Đi giữa đoàn quân là hai viên sĩ quan cầm cờ, một già một trẻ giương cao hai lá cờ quân kỳ... rồi đến George đi trước đại đội của mình. Anh ta ngước nhìn lên mỉm cười với Amelia rồi đi thẳng. Tiếng kèn của đội nhạc binh cũng dần dần tắt chương.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui