Người ta sẽ đi đâu sau khi chết?
Theo những gì mà cố tôi kể lại, con người sau khi chết đi sẽ đến hai nơi: người tốt sẽ tới miền Tây phương cực lạc còn người xấu sẽ bị dày xuống địa ngục. Gia đình chúng tôi không theo đạo Phật nhưng điều đó dường như đã thấm nhuần vào tư tưởng của tất cả mọi người chứ không riêng gì bà cố của tôi. Như một trang giấy trắng, tôi, khi ấy chỉ là một thằng nhóc năm tuổi có chút sáng dạ, hoàn toàn tin vào điều ấy cũng như rất nhiều người khác.
Trong một ngày kì lạ mà tôi không rõ tại sao, có lẽ là do tôi đã đủ lớn, tôi và cố lại ngồi cùng nhau. Cái khoảnh khắc hiếm hoi này chẳng đến quá vài lần trong một năm kể từ khi tôi bắt đầu lên cấp hai. Việc học hành trong thành phố trở nên quá ư bận rộn với tôi và tôi ít có dịp về thăm cố ở quê hơn.
-Vào cái ngày đó, câu hỏi của cháu đã khiến bà nghĩ rằng cháu sắp chết. - Cố nói, khi tôi đang cắt móng tay cho bàn tay nhăn nheo lại vì thời gian của bà.
Cố giải thích với tôi rằng ban đầu bà chỉ nghĩ rằng đó là thắc mắc đơn thuần của một đứa trẻ ưa tò mò khám phá nhưng sau bà lại bắt đầu lo lắng. Cố e sợ rằng tôi cảm nhận được cái chết đang đến cận kề đâu đó bên mình. Tôi nhận ra rằng việc người ta linh tính được khi nào mình sắp chết không phải là một chuyện hoang đường. Nó có thật và xảy ra với tất cả mọi người. Có những bài báo nói về điều đó mà tôi vô tình đọc được trên các trang mạng, chính thống hay không không quan trọng, vì trước sau gì thì tôi cũng tin nó có thật. Hệt như đứa trẻ năm tuổi ngày xưa.
Khi lớn hơn một chút nữa, tôi nhận ra rằng không hẳn con người ta sẽ phải lên thiên đàng hay xuống địa ngục thì mới được gọi là đã chết.
Đáng lẽ ra tôi đã quên hết những điều này, đáng lẽ ra tôi đã chẳng nhớ về cái ngày mà tôi hỏi cái câu hỏi ngớ ngẩn ấy. Đáng lẽ ra là như vậy…
~*
~Chuyến xe buýt xộc xệch đang cố hoàn thành nốt chuyến hành trình của mình. Tôi nghĩ nó đã già cỗi lắm rồi vì tiếng động cơ ầm ầm bên dưới chân tôi, vọng lên từ sàn xe đang làm cả người tôi rung theo từng cơn một. Cơ thể tôi nghiêng theo đà quán tính của chiếc xe thân vàng cũ kĩ - hết phải rồi lại trái - những khi nó rẽ và tôi như nhún nhảy theo những điệu nhạc khó diễn tả mỗi khi nó vượt qua một đoạn đường xốc. Các hành khách khác cũng hệt như vậy. Nhưng chẳng ai phàn nàn gì. Thậm chí cả một tiếng nói cũng không.
Qua chiếc gương chiếu hậu mờ căm vì những vết xước, tôi nhìn về phía người tài xế to con trong bộ đồng phục được cắt may một cách tạm bợ, trông chẳng có tí chuyên nghiệp nào. Ông ta có bờ vai rộng và gương mặt chữ điền bạnh ra hai bên, có cảm giác như ông ấy cố tình nghiến răng để nó thành ra như vậy. Vị tài xế thư thả nhai kẹo cao su khi lèo lái chiếc xe qua những cung đường vắng vẻ đang dần nở rộng ra vì nắng gắt, nhiệt độ đang lên cao quá ngưỡng. Ông đưa tay lên ngoái mũi trước khi lại dùng một tay đánh cho xe rẽ phải.
Một lần nữa, tất cả những hành khách trên xe lại nghiêng người phối hợp đồng đều. Chúng tôi ở trên chuyến xe này chưa tới một tiếng và cũng chẳng ai nói với ai câu nào nhưng dường như giữa người con người xa lạ này được gắn kết lại bằng một phương thức bí ẩn và kì lạ nào đó.
Bí ẩn và kì lạ…
Một giọt mồ hôi chảy xuống cổ tôi. Cái cảm giác nhồn nhột như đánh thức tôi khỏi cơn mê mải. Cả sức nặng đáng lo ngại trên tay phải cũng quay trở lại. Bốn mươi lăm phút trước, nó chỉ là cái mắt mũi so với sức trai tráng của tôi. Hai mươi lăm phút sau đó, tôi tự nhủ rằng mình nên bỏ nó xuống nhưng lại sợ mấy cú rẽ bất chợt và những cơn rung lắc dữ dội của chiếc xe cà tàng này sẽ làm trái cây trong giỏ giập hết. Giờ đây, nó đang dần khiến tay tôi bị tê liệt và một lần nữa tôi tự nhủ với lòng mình rằng, dù gì thì cũng sắp tới nơi rồi.
Thế nhưng tôi lại bắt đầu nghi ngờ điều đó: rằng tôi sắp tới nơi rồi. Bên ngoài những ô cửa dán các chữ cái của cái tên các trạm dừng của chiếc xe này, hình ảnh những vách núi lớn hiện ra trước mắt tôi. Quả là tôi hiếm khi đi tuyến xe này thật nhưng xem chừng nơi tôi đến vẫn nằm đâu đó trong trung tâm thành phố, nó chẳng thể có một vách núi như thế này được. Giả thuyết rằng ông tài xế này đang đi đường tắt nghe cũng rất chi buồn cười. Hay là tôi đã lên nhầm chuyến? Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra vì chỉ có duy nhất một chuyến xe chạy ở khu vực tôi sống.
Tới tận khi đó tôi mới bắt đầu quan sát những người đi cùng mình. Không nhiều, hoặc có thể nói là rất ít, tôi nhận ra rằng chẳng biết tại sao mình lại đang đứng nữa. Ngoài tôi ra, trên xe chỉ còn bốn người khác: một bà lão ăn vận sang trọng, một cô bé chừng mười tuổi, một người đàn ông trung niên thấp bé và một cô nàng mặt dày phấn. Tất cả họ ngồi rải rác trên các ghế ở đuôi xe. Mỗi người như đang cố gắng theo đuổi điều gì đó trong thế giới của riêng mình, chúng tôi như thể không hề ở trong cùng một thế giới.
Cái nóng vẫn thiêu đốt, chiếc xe buýt vẫn chạy. Người tài xế ngâm nga câu hát gì đó mà tôi chịu chẳng biết được đó là bài gì. Không gian tĩnh lặng đến ghê người, cơ hồ như thể tôi có thể nghe rõ được từng tiếng nhịp tim mình đập.
Thình thịch…
Tiếng xe thắng lại trên mặt đường nhựa nóng bỏng phá tan sự tĩnh mịch cả bên trong lẫn bên ngoài xe. Những hành khách “phối hợp” với nhau lần cuối trong một cái nghiêng người đồng loạt về phía trước rồi kết thúc, mạnh ai người nấy bước về phía cửa xuống. Khi tôi nhìn vào chiếc kính chiếu hậu ở đầu xe, tôi nhận ra rằng người tài xế đang nhìn mình.
-Sao cậu không xuống? - Ông ta hỏi bằng cái giọng trầm đến dữ tợn.
-Tôi không xuống bến này.
-Không xuống cũng không được! - Ông vừa nhẩm vừa lại đưa tay lên ngoái mũi trước khi ngồi ngả người ra ghế lái của mình, ông ta không nhìn tôi nữa, trốn tránh một lời giải thích.
-Tại sao?
-Đây là bến cuối rồi.
-Vậy thì tôi sẽ đi thêm chuyến nữa.
-Không được.
-Tại sao? - Tôi vẫn đứng nguyên như trời trồng với cánh tay phải nặng trĩu.
-Hôm nay không còn chuyến nào nữa.
-Gì cơ? Bây giờ đang là giữa trưa mà?!
Thật ra thì vẫn chưa hẳn là giữa trưa. Tôi nhớ rằng mình bắt đầu lên xe từ khoảng hơn mười giờ một chút, quá lắm thì bây giờ cũng chỉ tầm mười một giờ rưỡi.
-Chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Không còn khách hàng thì không còn chuyến khác. - Thấy tôi nheo mắt tỏ vẻ không hiểu, ông ấy nói tiếp. - Cậu cứ vào trong trạm rồi thì sẽ rõ.
Tôi miễn cưỡng bước xuống khỏi xe, giữa cái nóng đến ngộp thở của buổi trưa. Chiếc xe buýt sơn màu vàng cũ kĩ lướt vụt qua để lại những cuộn khói làm tôi ho sặc sụa. Trước mặt tôi là một cái trạm cũ kĩ, chỉ là một cái hộp được dựng lên với bốn bức tường và một cái ô cửa nhỏ bằng kính dùng để bán vé cùng một băng ghế phía trước. Cái hộp ấy nằm trơ trọi giữa một bên của con dốc núi đầy đá. Tôi bước tới cái bóng râm tạm bợ được tạo nên từ phần de ra của mái trạm, đặt túi cam mà mình đã nâng như nâng trứng kể từ khi bước lên xe buýt xuống băng ghế gỗ được sơn bằng lớp màu trắng ngà nay đã bong tróc.
Mọi thứ ở đây đều cũ kỹ?
Khi tôi gõ vào lớp kính - thứ trông mới mẻ nhất ở đây - có một người đàn ông xuất hiện phía sau đó. Trông ông ấy chừng sáu mươi tuổi, nụ cười buồn của ông là thứ chào đón tôi đầu tiên.
-Nếu cháu muốn bắt một chuyến xe buýt khác thì phải thế nào? - Tôi hỏi.
-Tôi nghĩ cậu nên chờ tới ngày mai hãy quay lại, chuyến vừa rồi là chuyến cuối cùng rồi.
-Vậy không còn tuyến nào khác sao? Cháu cần phải quay trở lại thành phố.
-Rất tiếc! So với vùng đất hẻo lánh này thì cậu đã đòi hỏi hơi nhiều rồi. Có một chuyến xe qua đây đã là rất quý hóa.
Hai vai tôi chùng xuống vì hụt hẫng.
-Cậu có thể ở nhờ lại trong thị trấn để chờ cho tới ngày mai hoặc là lựa chọn tự đi tìm một bến khác thì tùy cậu thôi!
-Thị trấn?
Người đàn ông chỉ tay về phía sau lưng tôi. Tôi tần ngần quay lại.
Ở bên kia đường, bên dưới con đường dốc núi là một khoảng không bị bao phủ bởi màu xanh ngắt của cây cối. Tôi băng qua đường để nhìn cho rõ hơn. Một cơn gió thốc vào mặt tôi, kèm với cả cái nóng khó chịu, tôi tưởng chừng như mình vừa bị ăn một cái chảo rán vào mặt. Tôi đang đứng trên một con dốc đứng cao hơn hẳn so với tưởng tượng ban đầu của mình, trông xuống thung lũng có một bên là thị trấn nhỏ với những mái nhà lúp xúp còn bên còn lại là một rừng cây. Rừng cây gì nhỉ? Tôi không dám chắc, rừng cây ấy bao phủ một cái đồi nhỏ nhô lên giữa thung lũng vốn đã nằm giữa những quả núi lớn - tôi đang đứng trên một trong số những quả núi ở rìa thung lũng ấy. Có một thác nước rất lớn đổ xuống từ đỉnh của ngọn núi cao nhất.
Tôi thừa nhận là mình chẳng rành về địa lí lắm, chỉ học nó đủ để lên lớp mỗi năm thôi, nhưng tôi chẳng dốt tới mức không biết gì về nó. Tôi biết rằng chỉ trong một giờ kia, tôi chẳng thể đi quá xa thành phố của mình được. Với tốc độ của xe buýt, cứ cho ông ấy là một quái xế đi, thì tôi cũng chẳng thể đi xa đến như vậy. Cao nguyên khả dĩ nhất chúng tôi có thể tới mất khoảng năm tiếng để di chuyển và tôi e rằng nó cũng chẳng có vùng nào trông như thế này. Diện tích của nơi này quá nhỏ với những gì tôi nghĩ.
Cố tìm hiểu xem mình đang ở đâu, tôi quay trở lại cái trạm xe buýt và nhìn quanh quất khắp mặt tiền của nó. Chẳng có dòng chữ nào hay một cái địa chỉ nào trên đó, kể cả tên trạm. Người đàn ông ngồi phía sau ô kính đã biến mất. Tôi gõ vào đó nhiều lần, mỗi lúc một mạnh hơn, tới mức tưởng chừng như nó sắp nứt ra và tay tôi sắp trật hết khớp.
Nhưng không có ai quay trở lại cả. Tôi chính thức đã lạc.
Cơn hoảng loạn trì hoãn ập đến ngay lập tức. Tôi chưa bao giờ đi quá xa thành phố của mình, ngoại trừ những chuyến du lịch theo tour với gia đình, một chàng trai thành thị chính gốc. Tôi cũng chả phải loại người thích cảm giác mạnh và ấp ủ những chuyến phượt dã ngoại tự do tự tại. Tắm mình trong ánh sáng mặt trời ấm áp hay cảm giác phiêu lưu ở một miền đất mới không phải là thứ dành cho tôi, ước mong của tôi chỉ là trở thành một nhân viên công chức bình thường rồi cứ vậy sống cho tới già để chăm sóc cho gia đình mình. Chẳng ai biết được khi mạo hiểm mạng sống của mình cho những chuyến đi vô độ thì ta đang đánh đổi thứ gì cả. Có thể là mạng sống và ta sẽ chẳng bao giờ quay trở về nhà nữa.
Tôi chẳng có la bàn hay GPS, chỉ có mỗi một cái balô để laptop phía sau lưng và túi cam trên băng ghế xơ xác.
Nhất định không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng như với tay tài xế xe buýt, tôi đi vòng ra phía sau trạm để tìm một cánh cửa hậu. Dù sao thì nếu có thể ở lại được đây thì tôi có thể chắc chắn mình sẽ đón được chuyến xe buýt sớm nhất ghé qua và nếu được thì tôi cũng có người đàn ông lớn tuổi kia bầu bạn, một chút điện để sạc cho máy tính của mình khi mà điện thoại chẳng còn đến một cột sống để gọi giữa vùng hoang vu hẻo lánh.
Tuy thế, tôi có thể dễ dàng tìm ra cánh cửa, có điều nó lại bị khóa cứng ngắc. Tôi đạp vào đó mấy lần nhưng chốt cửa vẫn không có chút suy suyển. Tôi đã nghĩ sai về những thứ cũ kỹ chăng? Người đàn ông đó rõ ràng ngoài muốn đuổi tôi đi thì chẳng còn lí do nào khác.
Tôi chỉ còn một lựa chọn là phải vào thị trấn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...