Mọi người thường nói nếu Romeo sống chung với Juliet thì chắc chắn họ cũng cãi nhau thôi. Tôi thấy câu này quả thật chí lý hết sức, chỉ có điều cuộc sống là sự tự hoàn thiện của mỗi cá nhân con người, nếu có một tình yêu và nó đủ mạnh để bạn sẵn sàng hy sinh và thay đổi vì người đó. Tôi không biết mình có đủ dũng cảm như thế không nữa.
Ngày thứ ba sống chung, Bảo Nhi đã học được vài món cơ bản. Cô ấy có thể tự giặt đồ cùng với sự hỗ trợ của tôi, tự nấu ăn dù các món ăn cô ấy nấu thật sự vẫn khó nuốt. Tôi rất thán phục cô ấy, với tôi mà nói Bảo Nhi là cô gái mạnh mẽ nhất.
Meo… meo… mèo mèo…
Bốn thứ âm thanh phát ra ngay sau cánh cửa. Một con mèo tam thể màu vàng-đen-trắng quấn lấy chân tôi làm như quen thuộc lắm. Tôi còn chưa hết sững sờ thì con mèo nam màu vàng nhạt vừa kêu mèo mèo đã bò ra dương cặp mắt tò mò nhìn tôi.
Tôi đứng lặng nhìn nó vô cùng kinh ngạc, Bảo Nhi còn đang lúi húi giặt đồ trong phòng tắm. Tôi nhìn con mèo nam màu vàng hỏi một câu:
“Chanh, làm sao em biết đường sang đây!” Tôi cố quay về phía nhà tắm tìm câu trả lời.
Từ trong Bảo Nhi thả mái tóc vàng cười dịu dàng nhìn tôi:
“Chiều em về sớm lên trốn về nhà bắt tụi nó sang đấy! Với lại em phải lấy một số quần áo nữa.”
Con mèo tam thể tên là “Đào”, nó chảnh chọe và đôi khi nũng nịu y như cái tên nó vậy. Trái với “Đào” thì con mèo nam tên “Chanh” có vẻ điềm tĩnh hơn, bằng chứng là mỗi lần gặp tôi nó đều dương mắt nhìn rất lâu suy nghĩ rồi mới quyết định cho tôi sờ vào người nó. Được cái chúng nó rất yêu thương nhau thường nằm quấn lấy nhau khi ngủ. Thú thực là tôi không thích mèo cho lắm nhưng hai đứa nó là bảo vật của Bảo Nhi, đương nhiên tôi không thể không xem trọng nên mỗi lần qua nhà tôi đều lấy thức ăn để lấy lòng hai đứa nó.
Tôi một tay bế con “Đào” tay còn lại mang chiếc cặp treo vào móc trên tường, ôm nó trong lòng một hồi tôi mới chợt nhớ ra dạo ở nhà Bảo Nhi thường để hai đứa nó ngủ trên gường cô ấy. Tôi giật mình quay lại băn khoăn hỏi Bảo Nhi:
“Tối nay hai đứa nó ngủ ở đâu!?”
Bảo Nhi nhăn mũi cười:
“Đương nhiên là ngủ trên giường với em rồi.”
Tôi giật thót mình nghĩ đến cảnh hai đứa nó nằm trên gường với tôi, lại giật mình thêm hai ba cái, tôi cương quyết phản đối:
“Nhất định không được! Bọn chúng phải ngủ dưới đất!”
“Không được, Đào rất dễ ốm, dưới đất lạnh lắm! Hơn nữa chúng rất đáng yêu mà!”
“Cũng không được, bọn chúng rất bẩn, hơn nữa lông mèo có hại cho sức khỏe.”
Tôi kịch liệt phản đối.
Bảo Nhi phụng phịu không nói gì cả, cô ấy có vẻ giận lắm, nhưng dù sao tôi cũng không thể khoan nhượng, tôi lờ đi như không thấy vẻ mặt buồn rầu của cô ấy.
Cuộc chiến tranh lạnh cuối cùng cũng kết thúc, tôi thắng cuộc và phải lãnh trách nhiệm làm một cái giường mini cho hai con mèo. Con “Chanh” có vẻ hiểu chuyện, nó nằm lim dim trên chiếc giường ngủ ngon giấc, còn con “Đào” tam thể vẫn giữ thói làm nũng với Bảo Nhi đến tận khuya mới chịu bò về ngủ chung với con “Chanh”.
Nhưng mà thảm cảnh vẫn còn chưa kết thúc, mỗi ngày chúng thường nghịch ngợm tơi bời đống tài liệu của tôi, con “Đào” thì cào rách cả áo sơ mi. Tôi thật chẳng hiểu vì sao mà Bảo Nhi lại cưng chiều chúng nó như vậy được.
… “Đào!!! Đây là chuột của anh! Chuột của mày trên mái nhà ấy.”
Bảo Nhi cười nghiêng ngả, còn xoa người nó bế đi chỗ khác phòng tôi nổi điên cho nó một cái bạt tai.
Ngày thứ năm chúng tôi sống chung. Hôm nay là chủ nhật, buổi sáng tôi phải đi làm thêm. Suốt năm ngày qua mẹ Bảo Nhi không gọi cho cô ấy. Tôi đoán là bà rất giận, nhất là khi biết cô ấy đến ở cùng tôi, tôi cũng vài lần nhắc Bảo Nhi gọi về cho mẹ nhưng cô ấy cứ nấn ná không chịu gọi. Chiều nay làm xong tôi định ghé qua nhà báo cho cô một tiếng, cố gắng chuẩn bị tâm lý mấy ngày qua nên tôi cũng quyết tâm lắm. Đằng nào thì cũng chỉ còn hai chục ngày nữa là Tết rồi.
Buổi sáng hai con “Chanh Đào” vẫn còn lười biếng ngủ trên giường, Bảo Nhi đã lén lút dậy chuẩn bị bữa sáng. Phải nói là bữa sáng của cô ấy luôn rất khó ăn, không nhạt thì mặn, hoặc giả quá chua hoặc là quá ngọt. Hôm nay có vẻ đỡ hơn cả. Khoác chiếc áo da lên vai tôi cô ấy dịu dàng nói:
“Em cũng muốn tìm việc làm thêm!”
Tôi nhăn mày ngăn cản:
“Không được, em biết việc gì đâu mà làm!”
Bảo Nhi có vẻ không đồng ý, cô ấy làm vẻ khó coi:
“Sao anh coi thường em thế!”
Tôi xoa xoa cái trán bướng bỉnh của cô ấy an ủi:
“Anh không có ý đó nhưng mà cuộc sống bên ngoài phức tạp lắm! Cứ từ từ rồi anh sẽ tìm cho em việc thích hợp.”
“Vâng!”
Có một điều mà tôi chắc chắn là Bảo Nhi ngoan hơn cả em Sương nhà tôi. Bên ngoài gió lạnh gào rít từng đợt, tôi khép cửa phòng thu hai vạt áo đi xuống lấy xe.
***
Năm giờ chiều được nghỉ làm, định bụng sẽ ghé qua nhà “mẹ vợ tương lai” để lãnh tội, tôi vội chào mấy anh chị cùng làm rồi lấy xe chuẩn bị về. Vừa ra đến trước cửa nhà để xe đã thấy Hoàng Nam đỗ chiếc Jaguar ngay bên lề đường. Hôm nay anh ta không ăn mặc chỉnh tề như mọi ngày, chỉ khoác một bộ quần áo gió Lining và đi giày thể thao. Trái với phong cách ăn mặc giản đơn, vẻ mặt anh ta vẫn giữ thái độ vô cùng khó coi hôm trước. Không lẽ anh ta lại tìm mình để đánh nhau? Tôi thầm nghĩ, cũng chẳng thèm do dự bước thẳng đến trước mặt.
“Anh tìm tôi có chuyện gì?”
Hoàng Nam tỏ thái độ lạnh nhạt không trả lời, anh ta lên xe của mình ngoái cổ nói sang:
“Cậu đi theo tôi!”
Tôi bực mình quá, tại sao lần nào anh ta cũng mang theo cái thái độ ra lệnh cho người khác như vậy.
“Tôi đang có việc gấp, để khi khác đi.” Tôi dứt khoát ngồi lên xe nổ máy.
“Cậu không đi, tôi sẽ đến phòng trọ gặp cậu!” Anh ta nói to như thể sợ tôi sẽ phóng xe đi không nghe thấy.
Tôi quay lại ngán ngẩm trả lời:
“Được, giờ anh muốn đi đâu!”
Anh ta không thèm trả lời, đạp ga chạy xe đi trước. Tôi chỉ còn biết chửi thề phía sau:
“Đồ tê giác! Sao lại có loại người kiêu ngạo như thế nhỉ?”
***
Câu lạc bộ boxing Xiao trên đường Đặng Văn Ngữ.
Hoàng Nam hiên ngang bước vào trong, có vẻ chú bảo vệ cũng đã quen mặt anh ta. Vậy mà đến lượt tôi chú lại chặn lại hỏi một câu rõ là trời ơi:
“Cậu đi đâu đấy?”
Tôi đang định giải thích với chú là cái thằng cha tóc trắng vừa vào muốn gặp tôi trong câu lạc bộ thì Hoàng Nam đã nói vọng ra:
“Cậu ta là bạn tôi!”
Chú bảo vệ lập tức đã lui ra không hỏi thêm bất cứ câu nào. Phải công nhận nhuộm tóc trắng như hắn đúng là cũng có “uy” quá. Tôi lầm bầm khoác cả cái cặp da theo hắn vào trong giống một anh chàng thư sinh ngoan hiền.
…
Bộp…
“Đeo vào đi!”
Hoàng Nam ném cho tôi đôi găng tay ở phòng tập, hắn cũng đã đeo một đôi khác cùng với nón bảo hiểm chui vào trong sân đấu boxing. Là đánh nhau thật sao? Tôi bơ bơ nhìn nghiêng lên trần nhà cạn lời với hắn. Đánh thì đánh… tôi sợ anh chắc! Tôi nghĩ mà phát ức, đeo hai cái găng tay và nón bảo hiểm rồi cũng chui vào trong sân.
“Anh đúng là đồ trẻ trâu!” Tôi chửi.
“Ừ, hôm trước cậu đánh tôi mà! Hôm nay tôi phải dậy cậu một bài học.”
Anh ta không nói thì tôi cũng không biết trí nhớ của anh ta tồi tệ như thế, rõ ràng hôm đó anh ta đấm tôi một cú đến hôm sau vẫn còn đau, mà tôi còn chưa đấm trả phát nào. Được thôi, chính là anh muốn ăn đòn đấy nha!
Vù ù…
Bộp bộp…
Phải nói là anh ta đấm quá nhanh, tôi giơ hai cánh tay chắn liên hồi bảy tám cú đấm của anh ta, liên tục bị đẩy lui về phía rào chắn trên sàn đấu. Hai cánh tay đã đau rát vì lâu không tập tành gì cả. Lại mấy cú đấm liên tiếp nữa đẩy bật tôi áp sát vào rào chắn.
***
Nắng chiếu ngả vàng trên sân nhà, Bảo Nhi còn ngồi bên máy tính. Mấy ngày nay những lúc rảnh cô ấy thường vào game Võ lâm truyền kỳ 3D tiêu khiển. Còn đang chú tâm vào việc buff(1) máu cho team(2) bên ngoài đã nghe có tiếng gõ cửa:
“Anh về rồi à?”
Bảo Nhi hớn hở bỏ máy tính chạy ra mở cửa, nhưng cách cửa vừa hé mở đã khiến vẻ mặt vui mừng của cô ấy trầm xuống.
“Là chị sao?”
“Phòng đẹp đấy! Có cô ở cùng hèn gì Phong không nói cho tôi biết chỗ ở.”Phương Thảo bước vào trong phòng, tháo cặp kinh râm đang che nửa khuôn mặt nhìn quanh.
Vẻ mặt và lời nói không thiện chí. Bảo Nhi quay vào rót một cốc nước từ bình lọc, đặt lên mặt bàn nhựa đối diện với chiếc gường nhạt nhạt nói:
“Chị ngồi uống nước, anh Phong chưa về, có gì cần chị cứ nói tôi sẽ chuyển lời lại.”
“Tôi biết là anh ấy chưa về!” Phương Thảo nói chắc chắn: “Thực ra tôi đến để nói chuyện với cô.”
Bảo Nhi vẫn không nói gì cả, quay lại với chiếc máy tính, cô ấy cũng chỉ cầm chuột giả như đang bận gì đó nhưng thực lại chẳng làm gì cả.
“Hình như tôi không được chào đón lắm thì phải?” Phương Thảo hỏi bâng quơ.
“Không ai lại chào đón tình địch cả.” Bảo Nhi cũng không vừa đáp.
“Hôm trước cô nói tôi không phải là tình địch của cô mà.”
“Thì tôi cũng nghĩ thế nhưng có người lại cứ cố tình bám lấy đó thôi!”
“Cô cũng khá đấy, bề ngoài nhìn cô rất yếu đuối nhưng có vẻ như không phải như vậy.”
Bảo Nhi buông chuột máy tính nhìn thẳng về phía Phương Thảo như có ý khẳng định.
“Một người yếu đuối cũng có thể vì người mình yêu mà trở nên mạnh mẽ như một con sói đấy.”
“Hiện tại có thể cô chiến thắng, nhưng chiến thắng không bao giờ là mãi mãi cả.” Phương Thảo đáp trả.
…
Bên ngoài nắng chiều phủ ánh sáng mờ nhạt lên từng đốm lá vàng rơi rụng dưới sân nhà.
***
Trong câu lạc bộ boxing.
Sau một hồi lúng túng thủ đòn, thậm chí là đã ăn hai ba phát đấm vào mặt đau đến choáng váng, mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo đông xuân đang mặc. Cuối cùng tôi cũng nhận ra được rằng Hoàng Nam theo tập boxing, kĩ thuật của anh ta khá cơ bản, ra đòn nhanh mà mạnh, thủ phía trước mặt và bụng rất chặt chẽ nhưng di chuyển và hạ bộ lại không được mau lẹ.
Hoàng Nam được thế vẫn hăng hái vừa đấm thẳng, móc và xiên đến mặt tôi. Nếu không tìm ra ngay điểm yếu thể nào tôi cũng bị anh ta hạ đo ván. Nhắm ngay lúc anh ta trực diện tung liên tiếp mấy cú đấm áp sát, tôi giữ trụ chắn đỡ sau đó lập tức đá một cú santo thấp vào bắp chân dưới.
Đúng là cách này có vẻ thành công, Hoàng Nam đã mất tập trung vì bị một cú đá ngay phần bắp thịt non. Nhưng chờ anh ta sơ hở tiếp như thế e rằng là rất khó. Tôi quyết định di chuyển nhanh hơn, liên tục thay đổi chân trụ xoay vòng quanh anh ta. Chỉ là một kiểu tập di chuyển trong Taekwondo nhưng lại gây cho Hoàng Nam sự phân tâm không nhỏ.
Hoàng Nam phải di chuyển nên anh ta ra đòn cũng thưa hơn, vẫn chiến thuật cũ nhưng tôi đổi chân đá anh ta một cú nữa vào bắp chân còn lại, một cú ngang mạn sườn phải. Nhìn vẻ mặt anh ta nhăn nhó vì đau thật là thỏa chí. Tôi tháo hai đôi găng tay ném thẳng xuống đất nói:
“Muộn rồi, tôi không chơi với anh nữa!”
Tôi cởi nốt nón bảo hiểm vứt luôn trên sân tập toan chui ra. Hoàng Nam cũng đã tháo đôi găng tay boxing tức tối chửi:
“Cậu tưởng bỏ đi dễ thế sao!” Vừa nói anh ta vừa nhào thẳng lại túm lấy tôi quật thẳng xuống sàn tập đau đến ê ẩm, một tay anh ta bẻ ngược tay tôi ra sau lưng miệng vẫn quát.
“Cậu đã nhận thua chưa?”
“Thua cái mặt anh, từ bé đến giờ tôi chưa gặp thằng nào bựa như anh.”
Tôi gào lên chửi hai chân khóa lấy chân anh ta xoay mạnh một vòng, bẻ ngược tay anh ta lại. Tôi lôi nón bảo hiểm ra khỏi đầu anh ta giơ nắm đấm sát cái mặt đã thâm đỏ vài chỗ chửi tiếp:
“Anh muốn ăn đấm phải không?”
Anh ta cố gắng vùng vẫy nhưng vẫn không cựa nổi trong bàn tay săn chắc của tôi. Công tử bột anh định đấu với tôi à?
“Tôi cũng đéo gặp thằng nào lầy như cậu!” Anh ta nhăn nhó chửi.
Tôi tức khí bẻ mạnh thêm một cái khiến anh ta kêu lên oai oái, giữ một hồi lâu tôi mới thả ra. Bỏ ra ngoài, nhặt chiếc áo da vắt trên rào tập tôi nhằm thằng hướng cửa đi về. Hoàng Nam vẫn đứng trong sân tập nói vọng theo:
“Mai tôi mời cậu uống cà phê chúng ta nói chuyện. Tôi còn có chuyện chưa nói xong với cậu.”
Tôi không quay lại vẫn đi thẳng chỉ trả lời:
“Được thôi nếu tôi rảnh, miễn không đánh nhau là được.”
Ra đến cổng mồ hôi vẫn còn ướt đẫm ngực, lại bộ dạng bơ bơ ôm cái áo da nhưng chú bảo vệ cũng chỉ nhìn chằm chằm không hỏi gì. Tôi cười với chú rồi lấy xe nhằm phía nhà trọ mà về.
Đèn đêm trên phố sáng lấp loáng, trên mặt cũng thâm tím đau rát vài chỗ. Bộ dạng bây giờ của tôi làm sao mà đi trình diện “mẹ vợ tương lai” được, không chừng lại bị hiểu lầm là liên đới với du côn thì hỏng bét. Vậy là công toi bao nhiêu suy tính trong đầu, tôi thầm chửi cái gã Tê Giác đầu trắng kia liên hồi trên đường về nhà.
***
Về đến phòng trọ, vừa mở cửa thấy tôi trong bộ dạng khó coi này, Bảo Nhi lo lắng hỏi liên tiếp:
“Anh bị làm sao vậy? Ai đánh anh à?”
Không biết phải trả lời cô ấy làm sao, không lẽ lại nói cái tên bạch mã công tử ấy lôi tôi vào sàn đấu để đánh nhau thì thể nào Bảo Nhi cũng nổi đóa tìm anh ta chửi bới một hồi. Nam tử hán sao có thể chấp nhắt mấy chuyện này, tôi trả lời đại.
“Trên đường về không may anh đâm phải một con chó.” Đáp án làm tôi phải mỉm cười một cái.
Bảo Nhi đương nhiên là không tin ngay, cô ấy còn hỏi đi hỏi lại:
“Có thật không? Anh không nói dối em chứ?”
“Không có!”
“…”
“Không có mà!”
“Để em rửa vết thương cho anh, còn bị thương ở đâu nữa không?”
Bảo Nhi vạch áo tôi ra kiểm tra, cô ấy lo lắng quên cả ngại, còn tôi thì thì thẹn chín mặt liên tiếp nói:
“Không sao.”
“Không còn.”
…
***
Gió ngoài đường vẫn ào ạt thổi từng đợt. Bên trong nhà dưới hơi ấm của điều hòa cùng cửa kính cách âm, căn phòng vẫn hoàn toàn im lặng. Tôi ngồi nghiêm chỉnh bên ghế sô pha đối diện là cô Tâm Phương. Sau khi nghe phần trình bày thành khẩn và trung thực của tôi cô vẫn ngồi bất động, cô không nói cũng không chửi mà không khí lại càng có vẻ căng thẳng đến vô cùng. Cô nhìn tôi hai ba lần cũng chỉ thở dài càng khiến tôi cảm thấy day dứt.
“Được rồi, cậu về trước đi cứ nhìn thấy mặt cậu là tôi lại thấy đau đầu!” Cô bình thản nói một câu rồi tiếp tục im lặng.
Tôi không biết phải nói sao đành đứng dậy chào cô một câu rồi ra về. Ngoài trời dường như sắp có mưa lớn, dù mới giữa buổi chiều nhưng bầu trời đã ảm đảm một màu xám xịt. Tôi vòng xe ra ngoài đường lớn để trở về khu phố bên nhà trọ. Đoạn đường không xa nhưng cũng chẳng kịp trước cơn mưa, cả người ướt đẫm, tôi chẳng thèm mặc áo mưa cứ thế đội trời mà về.
Bảo Nhi đang vội vã thu quần áo phơi ngoài hành lang, lại mải chơi không nhớ ra trời mưa đây mà. Tôi chạy vội lại gần lấy tay che đỡ cơn mưa đang rơi trên mái tóc vàng óng của cô ấy.
“Vào nhà đi, mưa lạnh thế này cảm đấy, để anh thu nốt cho đằng nào thì cũng ướt rồi!”
“Em xin lỗi!” Cô ấy thành thật khai báo: “Nãy em đeo tai nghe chơi game không để ý.”
Tôi nhăn mặt cười ôm đống đồ đun cô ấy vào nhà. Trong lòng cũng không hiểu sao chợt cảm thấy lo lắng không biết những ngày tháng hạnh phúc này có kéo dài mãi không. Có thể tôi đã làm sai nhưng không thể bắt Bảo Nhi lại phải tiếp tục cuộc sống đầy những khó khăn của tôi được. Tôi chạy vào trong nhà tắm lấy chiếc khăn khô lau mái tóc ướt của cô ấy không ngừng trách móc:
“Có ai ngốc như em không? Quần áo ướt rồi thì mai phơi lại! Trời mưa lạnh nhỡ ốm thì sao?”
“Ốm có anh chăm cho em rồi mà!”
“Em còn bé lắm sao mà muốn ốm để người khác chăm!”
“Hì hì.”
***
Reeng…
Tiếng chuông điện thoại kêu ngắt quãng trong giờ học. Tôi tắt chuông nhìn chăm chú vào tên người gọi. Phương Thảo ngồi cạnh cũng có vẻ đăm chiêu. Thường thì tôi không có các cuộc gọi trong giờ học bao giờ. Hôm qua trước khi về tôi có để lại số điện thoại cho cô nhưng không nghĩ là cô lại gọi sớm thế. Trong đầu hàng loạt những suy nghĩ miên man, tôi cúi đầu xin lỗi giáo viên vội đi ra ngoài giảng đường.
Bước chân nhanh trên hành lang tôi bật điện thoại trả lời:
“Cháu nghe ạ!”
“Phong à!” Giọng cô trầm mặc bình ổn trên điện thoại: “Cháu đọc cho cô địa chỉ được không?”
“Vâng!” Tôi lưỡng lự.
Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình lại lo lắng khi nghe cô hỏi, lúc đầu chính tôi đến để xin lỗi cô, mong cô tha thứ cho Bảo Nhi và cho cô ấy về nhà, vậy mà giờ này khi nghe cô hỏi tôi lại lo lắng như mình sắp mất đi tất cả.
Đọc cho cô nghe địa chỉ phòng trọ, cô cúp máy mà tôi vẫn đứng lặng ngoài hành lang nhìn ra khoảng không vô định. Chuông giải lao đã réo vang tự lúc nào, Phương Thảo đứng bên tôi rất lâu, cô ấy không hỏi tôi cũng không nói gì. Thực sự cũng muốn quay lại nói một lời cảm ơn với cô ấy.
***
Phòng trọ đối diện nhà Bảo Nhi nhưng muốn đi sang cũng phải mất mười lăm phút đi bộ. Bảo Nhi đang phơi đồ bên hiên nhà, mái tóc dài vàng óng không còn thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày nhưng vẫn bồng bềnh đáng yêu. Tay áo mới giặt đồ sắn lệch một bên để lộ ra cánh tay trắng hồng dưới nắng. Trong nhà nồi canh xương hầm hương thơm bay ra tới tận hành lang.
“Mới có một tuần mà nhìn bộ dạng của cô đã ra như thế này rồi cơ đấy!”
Cô Tâm Phương đã đứng ngoài cầu thang từ lúc nào mà Bảo Nhi mải làm cũng không hay biết.
“Mẹ!” Cô ấy nửa mừng rỡ nửa lo lắng, mặt vội cúi xuống ngại ngùng.
“Cô không định mời tôi vào trong nhà sao?”
Câu nói làm Bảo Nhi nhẹ lòng vội vã nở một nụ cười:
“Không ạ, mẹ vào nhà đi, để con đi lấy nước!”
Bảo Nhi hiểu tính mẹ, dù bà ấy không còn giận thì vẫn cố tỏ ra nghiêm khắc, vì thế một câu nói này cũng đủ thấy mẹ đã phần nào chấp nhận chuyện tình cảm của cô và Phong rồi.
“Không tệ lắm, dù sao cũng hơn cái ngày tôi một mình ẫm ngửa cô ra Hà Nội.”
“Mẹ!” Giọng Bảo Nhi khẩn cầu.
“Cô tự nhìn lại bản thân mình đi xem đã ra cái dạng gì rồi!” Cô nhắc lại một lần nữa.
“Con xin lỗi mẹ! Từ trước tới giờ con chỉ biết dựa vào mẹ, bây giờ mới hiểu được mẹ đã vất vả thế nào để nuôi con khôn lớn!” Bảo Nhi rơm rớm nước mắt đến mức mẹ cũng phải cảm động. “Nhưng mà con cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, con không muốn thay đổi bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất.”
“Thôi được! Nhìn cô như thế này mà vẫn đứng ra bênh nó thì tôi có ngăn cản cũng không nổi nữa rồi. Cô cũng lớn rồi, ở mãi như thế này không được đâu, dọn về nhà đi khi nào học xong tôi sẽ cho làm đám cưới!”
“Con cảm ơn mẹ!”
Bảo Nhi vỡ òa trong niềm hạnh phúc ôm chặt lấy mẹ. Cô Tâm Phương cũng khẽ rơi lệ.
Có thể cuộc sống đã từng không công bằng với cô ấy, từng cướp đi một người cha của cô ấy, từng để cô ấy cô độc trong suốt thời thơ ấu. Nhưng cược sống lại bù đắp cho cô ấy một người yêu thương cô ấy hết lòng.
“Con dọn dẹp đồ rồi theo mẹ về!”
“Mẹ có thể cho con ở lại đây thêm một vài ngày không ạ?”
Câu nói này của Bảo Nhi khiến cả cô Tâm Phương cũng khá bất ngờ, liền đổi giọng mắng:
“Cô định để cho nhà người ta coi thường là tôi không dạy dỗ cô đến nơi đến chốn đấy à?”
Bảo Nhi cúi mặt xuống, hai má đã đỏ hồng, lí nhí trả lời:
“Mẹ à, con xin lỗi, bọn con đã…”
(…)
***
Reeng… reeng…
Hồi chuông kết thúc buổi học rồi cũng réo lên trong sự mong đợi của tôi. Tôi nhét vội mấy cuốn sách vào trong ba lô lao thẳng về phía cửa ra vào trước cặp mắt ngạc nhiên của Phương Thảo. Cô ấy chạy theo phía sau không kịp chỉ gọi với:
“Phong này…”
Tôi không nghe rõ mấy câu cuối là gì, một mạch bước bỏ bậc thang chạy xuống nhà để xe.
Lần đầu tiên tôi chạy xe trên phố ẩu đến thế, bỏ liên tiếp hai chặng đèn đỏ cũng chẳng thèm để ý mấy chú công an có đuổi theo không. Tôi muốn về phòng thật nhanh, tôi sợ nếu mình chậm thêm vài phút sẽ không được thấy Bảo Nhi ở phòng nữa.
Lần đầu tiên tôi chẳng thèm dựng xe gọn gàng đã phi thẳng lên trên phòng mình.
Mùi canh su hào om sườn heo thơm lừng bay ra tới cầu thang khiến lòng tôi cồn cào, cảm giác đói thật lạ kỳ. Tôi mở nhanh cánh cửa nhìn thẳng vào phòng.
May quá! Bảo Nhi của tôi vẫn mải mê ngồi bên máy tính. Cô ấy vừa đứng lên còn chưa kịp nói gì tôi đã nhào lại gần ôm cô ấy thật chặt trong lòng mình. Tôi không biết phải nói gì để lột tả cảm xúc này, cứ ôm chặt hai bờ vai gầy của cô ấy rất lâu.
“Anh làm em đau!” cô ấy khẽ nói.
Tôi vội bỏ lỏng tay ra run run nói:
“Anh xin lỗi! Anh cứ ngỡ mẹ bắt em về nhà rồi cơ.”
Cô ấy cười mờ ám nói:
“Em đã thuyết phục được mẹ đấy! Em giỏi không?”
Tôi hơi nghi ngờ khoác cái cặp da lên trên móc treo.
“Dù sao em cũng phải về nhà ở với mẹ đấy!”
“Anh đuổi em đấy à? Em cũng định về nhưng có người cứ bám chặt lấy anh thì làm sao mà về được.”
“Bám chặt?” Tôi nghiêng mặt tò mò…
(1) Một hình thức hỗ trợ trong game dạng như hồi máu (không hiểu có thể trực tiếp bỏ qua).
(2) Đồng đội.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...