Hoàng Kim Đài

Phó Thâm lật mặt như lật sách, đánh cho Đoàn Quy Hồng trở tay không kịp, vẻ mặt vừa mới thả lỏng của Tây Bình quận vương lập tức cứng lại. Một hồi lâu sau, ông ta vất vả lắm mới kiềm chế được kích động muốn bóp chết Phó Thâm ngay tại chỗ, hừ giọng nói: “Lúc bản vương làm quân hiệu lực ở Bắc Yến thì ngươi vẫn còn là đứa nhóc vừa ra đời thôi đấy.”

Phó Thâm đáp lễ: “Lúc ta tiếp quản Bắc Yến quân thì ngài đã đến Tây Nam nuôi cá được mấy năm rồi đấy.”

Hai người đối mặt, ánh mắt tóe lửa điện, cùng quay đầu đi, đồng thời trong lòng thầm phỉ nhổ đối phương.

Đoàn Quy Hồng nghĩ thầm: “Nhãi con không biết trời cao đất rộng.”

Phó Thâm nghĩ thầm: “Lão già cậy già lên mặt.”

Chỉ những lúc thế này mới thấy người như Nghiêm Tiêu Hàn đáng phục cỡ nào, khi hai kẻ nóng tính không chịu nhường nhau, cần phải có một người khôn khéo đứng ra hóa giải mâu thuẫn thay bọn họ, để cho cuộc đối thoại tiếp tục tiến hành.

Đáng tiếc Nghiêm Tiêu Hàn không ở đây.

Phó Thâm thầm hít sâu, cố dẹp tâm hỏa, trong lòng nhiều lần nhắc nhở mình tới để tìm chân tướng, không thể phí thời gian để tức giận với lão già cổ hủ độc đoán không biết lý lẽ này được, y miễn cưỡng quay mặt sang, cho ông ta một bậc thang đi xuống: “Vương gia dành tình cảm sâu đậm cho Bắc Yến quân, thật là đáng quý.”

(“Cho người khác bậc thang” nghĩa là khi người ta rơi vào tình huống khó xử, mình có những lời nói, hành động để họ thoát khỏi sự lúng túng đó.)

Đoàn Quy Hồng hầm hừ thuận dốc xuống lừa, nói: “Bắc Yến thiết kỵ là do tay chúng ta dựng nên, xét về bối phận, ngươi còn phải gọi ta một tiếng thúc thúc.”

(Thuận dốc xuống lừa: nghĩa là mượn cớ để xuống đài, ý chỉ một việc đã được sắp đặt sẵn rồi, chỉ cần một cái cớ để thực hiện cho hợp lý thôi.)


Phó Thâm thầm mắng: “Lão già này, lại còn được đằng chân lên đằng đầu.”

Ngoài miệng lại nói cứng ngắc: “Ồ. Nghe nói ngài và tiên phụ trước đây tình cảm như huynh đệ.”

Đoàn Quy Hồng lại lắc đầu: “Không phải.”

Phó Thâm: “Hả?”

“Ta nói xét về bối phận, là xét từ thời tổ phụ của ngươi, tức Dĩnh quốc công đời trước.” Đoàn Quy Hồng chậm rãi nói, “Khi tiên đế còn tại triều, Phó công giữ chức tiết độ sứ Lĩnh Nam, từng phụng mệnh đi dẹp phản loạn Bách Việt ở Lĩnh Nam. Sau đó quân triều đình toàn thắng, khi dẫn người tiêu diệt phản quân, Phó công phát hiện một đứa bé trong loạn quân. Theo lệ của triều đình, nếu bắt được quân đảo chính Bách Việt, người lớn thì giết chết ngay lập tức, trẻ con dưới mười tuổi thì thiến sau đó đưa vào cung làm nô.”

“Đứa bé mà Phó công bắt được mới mười một tuổi, hết sức gầy yếu, Phó công thấy nó đáng thương, động lòng trắc ẩn, không nỡ khiến đứa trẻ này trở thành vong hồn dưới đao, liền tha cho nó một mạng, thả nó tự tìm đường sống.”

Ông ta nói tới đây, Phó Thâm đã đoán được đại khái đoạn sau.

Đoạn Quy Hồng cũng nhận ra, liền thản nhiên thừa nhận: “Tên thật của ta là Phùng Dị, vốn là người Bách Việt, được Phó công cứu giúp nên mới trở về từ cõi chết. Năm mười lăm tuổi sửa tên đổi họ đến đầu nhập dưới trướng Phó công, hầu hạ bên cạnh, xông pha chiến đấu, Phó công coi ta như con ruột, đặc biệt đề bạt bồi dưỡng. Năm Nguyên Thái thứ hai, Thát Chá xâm phạm biên giới, Phó công chuyển sang làm tiết độ sứ Cam Châu, ta đi theo hộ tống, cùng Bá Tồn, Trọng Ngôn rong ruổi thảo nguyên, chống trả man di.”

Bá Tồn là tên tự của Phó Đình Trung, Trọng Ngôn là tên tự của Phó Đình Tín.

“Năm Nguyên Thái thứ năm, Phó công cưỡi hạc về Tây, đúng vào lúc Tây Nam không yên, trước khi lâm chung, ngài dâng biểu đề bạt ta làm chủ tướng quân dẹp Tây, dẫn quân bình định Tây Nam.” Đoàn Quy Hồng thở dài nói, “Lời phó thác lúc lâm chung, nào dám phụ lòng, sau lần đó ta vẫn luôn canh giữ ở Tây Nam, không ra ngoài nửa bước. Mãi đến mùa hè năm ngoái, hoàng thượng nổi lòng tham muốn phái giám quân sứ đến quân trấn giữ biên cảnh tứ phương, sau đó ngươi lại gặp mai phục ở ải Thanh Sa, ta mới hiểu ra, triều đình bây giờ, đã chẳng còn là triều đình năm xưa nữa.”

“Vương gia,” Phó Thâm lên tiếng cắt lời ông, “Hai năm trước Đỗ Lãnh gia nhập Bắc Yến quân, huống hồ ta đoán tai mắt ngầm của ngài ở Bắc Yến quân không chỉ có mình hắn, giờ ngài lại bảo mùa hè năm ngoái mới bắt đầu có ý nghĩ, có phải hơi chậm không vậy?”


Đánh giá của thế nhân về Phó Thâm đa phần là anh dũng thiện chiến, sát phạt quả quyết. Đánh giá kiểu này nghe nhiều rồi, có lúc sẽ khiến người ta cảm giác rằng Tĩnh Ninh hầu giỏi chiến đấu đấy, nhưng chẳng qua chỉ là một võ phu mà thôi, đầu óc chưa chắc linh hoạt khôn khéo như những tay già đời trong chốn quan trường, tuy đánh không lại, nhưng vẫn có thể dùng trí.

Đoàn Quy Hồng và Phó Thâm tiếp xúc không nhiều, chỉ mới gặp mặt hai lần, hiểu biết về y phần lớn đến từ những lời đồn đãi truyền miệng, hơn nữa ông ta lớn tuổi, luôn cảm thấy tiểu bối vẫn chưa trưởng thành, vậy nên trong lòng luôn có mấy phần xem thường.

Nhưng ông ta quên mất rằng, Phó Thâm mười tám tuổi lĩnh quân xuất chinh, nếu như không đủ thông minh, không có thủ đoạn, thì sao có thể trấn áp được những lão tướng cũ tự cao vì kinh nghiệm? Đừng nói ứng phó ngoại địch, y có thể đững vững gót chân trong người phe mình hay không cũng đã là vấn đề.

Phó Thâm năm lần bảy lượt vạch trần sơ hở trong lời nói của ông ta, không chừa cho vị “Thúc thúc” này một chút mặt mũi nào. Đoàn Quy Hồng bị câu hỏi trúng tim đen của y dồn vào ngõ cụt, không đường thối lui, rốt cuộc cũng rút lại sự khinh thường, dần coi y là một đối thủ ngang hàng: “Ngươi đã sớm biết Đỗ Lãnh là người của ta?”

Phó Thâm cười khiêm tốn: “Cũng chẳng lâu lắm. Có điều hắn không có gì nguy hiểm, chỉ thi thoảng truyền tin tức thôi, y thuật vẫn không có vấn đề gì, cho nên ta giữ hắn lại.”

Người đứng đầu một phương cài nội ứng ở bên cạnh chủ soái một quân đội khác, nhìn kiểu gì cũng thấy bụng dạ khó lường, việc này nếu là người khác thì tuyệt đối không dễ bỏ qua. Nhưng trong lòng Phó Thâm hiểu rõ về Đoàn Quy Hồng, lão già này chính là vịt chết mạnh miệng. Đỗ Lãnh đến Bắc Yến quân chủ yếu là vì giúp y, vậy nên Phó Thâm mới mở một mắt nhắm một mắt, cho hắn lưu lại đến tận bây giờ.

“Tay trong của vương gia ở phương Bắc có hai kẻ trọng yếu, một là Đỗ Lãnh, một là Thuần Dương đạo nhân, sau vụ phục kích ở ải Thanh Sa, hẳn là Đỗ Lãnh mật báo nên Thuần Dương đạo nhân mới tìm được mũi tên gãy trước người của ta. Dù nói thế nào, chuyện này vẫn phải cảm ơn vương gia.”

Đoàn Quy Hồng nói: “Nếu ngươi đã biết hoàng thượng kiêng kỵ ngươi, thậm chí còn không ngần ngại giết ngươi, vậy vì sao còn cứu lão ta ở Vạn Thọ yến? Nghĩa không quản tiền, từ chẳng chưởng binh, mềm yếu thì sớm muộn gì cũng hại chết ngươi.”

Phó Thâm than thở: “Khi cần đến ta thì nói ‘Nhân nghĩa’, lúc chẳng cần ta thì lại bảo ‘Mềm yếu’, ta nhân hay từ, không phải chuyện ngài nói miệng là có thể quyết định được.”

“Ngươi…..” Đoàn Quy Hồng nổi giận nói, “Con không giống cha!”


Lời này hoàn toàn chẳng có lực công kích gì đối với Phó Thâm, y ung dung đáp: “Đúng thế, quả thực không giống.”

Đoàn Quy Hồng tức tối ngồi một lát, bỗng nhiên nói: “Ngươi không giống phụ thân ngươi, mà giống nhị thúc ngươi hơn, đúng không?”

Phó Thâm: “Có lẽ?’

Đoàn Quy Hồng nói: “Chẳng phải ngươi đến để hỏi ta về chuyện Thu Dạ Bạch sao? Được thôi, ta sẽ kể cho ngươi một câu chuyện cũ.”

Phó Thâm ra dấu “Mời nói.”

Câu chuyện cũ mà Đoạn Quy Hồng kể xảy ra vào năm Nguyên Thái thứ tư, cùng thời điểm Bắc Yến quân và người Đông Thát giao chiến.

Mùa thu năm ấy, Phó Đình Tính bất cẩn bị trúng tên độc của thích khách Thát tộc, trọng thương khó đi, suýt nữa mất mạng, lúc đó toàn quân đều bó tay, thậm chí thái y mời tới từ kinh thành cũng không cứu vãn được. May mà Cam Châu cách không xa Y Châu – nơi người Tây Thát quần cư, hai bên luôn qua lại hữu nghị, có một du y Tây Thát có chút giao tình với Đoàn Quy Hồng, dựa trên tâm thái “Lấy ngựa chết làm ngựa sống”, Đoàn Quy Hồng liền mời ông ta đến khám cho Phó Đình Tín.

Đông Thát và Tây Thát vốn là đồng tộc, vì chiến loạn nên mới bị ép chia làm hai bộ lạc, du y Tây Thát mà Đoàn Quy Hồng mời tới quả nhiên nhận ra loại độc này.

Trên thảo nguyên có một loài bọ cạp màu xanh, cực kỳ hiếm có khó tìm, đuôi của nó chứa kịch độc, tên là “Bích Nguyệt”. Tuy du y không tìm được thuốc giải, nhưng ông ta từng thấy một loại thảo dược do thương đội Thiên Phương mang tới, đóa hoa trắng tinh như tuyết, quả sau khi nghiền ra sẽ cho thứ nước giống như sữa bò, người Thiên Phương từng dùng loại thuốc này để cứu chữa đồng đội bị trúng độc của bọ cạp sa mạc. Ông ta giúp Đoàn Quy Hồng liên hệ với một thương nhân Thiên Phương. Sau nhiều lần, Đoàn Quy Hồng cuối cùng cũng nghe được tên của loại thảo dược này, cũng tìm được cây và hạt giống ở Nam Cương theo lời chỉ dẫn của thương nhân Thiên Phương nọ. (Thiên Phương là các nước Ả Rập thời xưa.)

Loại thảo dược cứu Phó Đình Tín một mạng, chính là Thu Dạ Bạch.

Thu Dạ Bạch vô cùng kỳ lạ, nếu chỉ uống nước quả thì sẽ có thể gây mê giảm đau, giải mọi loại độc rắn hay bọ cạp, khả năng gây nghiện lại rất nhỏ; mà nếu dùng sau khi bào chế, nó sẽ biến thành “Bạch Lộ Tán” khiến người ta mắc nghiện. Hơn nữa người trường kỳ hút Thu Dạ Bạch, cơ thể sẽ sinh bệnh biến từ bên trong, một số ít người còn nhiễm phải một loại bệnh giống như ôn dịch, không cách nào trị tận gốc, chỉ có thể chờ chết mà thôi.

Đáng sợ hơn chính là, một khi loại thảo dược này bén rễ, chu vi xung quanh sẽ không có lấy một ngọn cỏ, Thu Dạ Bạch tại Nam Cương đều sinh trưởng ở khe đá trong thâm sơn, dân bản xứ xem nó là độc thảo, nếu nhìn thấy sẽ lập tức nhổ cỏ tận gốc, dùng lửa thiêu hủy hoàn toàn thì mới có thể ngăn chặn nó lan tràn trên quy mô lớn.


Đoàn Quy Hồng nói: “Năm Nguyên Thái thứ năm, A Lạp Mộc bộ của Đông Thát bị diệt toàn bộ.”

Tim Phó Thâm bỗng nảy thịch, y truy hỏi: “Vương gia có ý gì?”

“Trọng Ngôn không hề mềm yếu như ngươi tưởng đâu,” Đoàn Quy Hồng lạnh lùng nói, “Ngươi cho rằng lĩnh binh làm tướng, chỉ học nhân từ từ ông ấy là đủ rồi sao?”

Sau khi khỏi hẳn, Phó Đình Tín lấy toàn bộ số hạt giống thảo dược mà Đoàn Quy Hồng thu thập được, phái người bí mặt lẻn vào đồng cỏ của A Lạp Mộc bộ, phân tán với số lượng lớn. Mấy tháng sau, Thu Dạ Bạch nảy mầm sinh trưởng, đồng cỏ của A Lạp Mộc bộ diệt sạch chỉ trong một ngày, đàn dê tử vong hàng loạt. Phó Đình Tín còn bắt được một nhóm người Đông Thát, bắt bọn họ uống nước trộn máu tươi của người nhiễm bệnh rồi thả về bộ lạc. Rất nhiều người của A Lạp Mộc bộ nhiễm phải dịch bệnh, bị Bắc Yến thiết kỵ kéo đến càn quét, cuối cùng diệt tộc.

Nợ máu trả bằng máu.

“Trong truyền thuyết của người Thát tộc, biểu tượng của ôn dịch là “cỏ Vô Thường”, tức Thu Dạ Bạch.” Đoàn Quy Hồng lạnh nhạt nói, “Bây giờ ngươi đã biết vì sao Thát tộc hận người nhà họ Phó các ngươi đến thấu xương chưa?”

Đoạn lịch sử này không được truyền rộng, thứ nhất là bởi liên quan đến cơ mật, thêm nữa là vì nó gây tổn hại hòa khí, cho nên ngay cả sử quan cũng không dám hạ bút. Phó Thâm và người Đông Thát dây dưa nhiều năm, y cũng từng nghe nói đến “cỏ Vô Thường”, cứ tưởng nó chỉ là một truyền thuyết, không ngờ thứ này lại thật sự tồn tại.

Trong lãnh địa của A Lạp Mộc bộ, biển lửa thiêu đốt suốt mấy ngày mấy đêm, đóa hoa lay động của “cỏ Vô Thường” bị ánh lửa nuốt chửng, mà bóng tối của nó thì lại vĩnh viễn bao trùm cả thảo nguyên.

Đoàn Quy Hồng nói: “Loại cỏ này được người Thiên Phương phát hiện đầu tiên, đặt tên là “Để Dã Nhĩ”, nghĩa là “Thôi miên”, mà trong thổ ngữ Nam Cương, nó có tên là “Tát Nội Phục”, nghĩa là ——“

“Thần chết say ngủ.”

✿Tác giả có lời muốn nói: Tiếp theo tác giả chuẩn bị cho Nghiêm đại nhân và Phó tướng quân xa nhau một thời gian, khoảng chừng 5-6 chương; độc giả nào chỉ muốn xem hỗ động thì có thể để dành đọc sau, chú ý tên chương và tóm tắt nhé, bao giờ gặp nhau sẽ ghi rõ.

PS: Cá nhân tôi cảm thấy không ngược lắm đâu (lần lượt phát kẹo an tâm).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui