Editor: Jena
——————————-
Giữa lúc mối quan hệ hai cha con đang trong giai đoạn căng thẳng nhất, Jackson xuất hiện.
Jackson là Thịnh Dã nhặt được năm lớp 9, trong lòng cậu chắc mẩm cha mình sẽ không đồng ý để cậu nuôi động vật lang thang, nhưng mà tiểu Jackson quá đáng thương.
Nó nhỏ như vậy, mùa đông lạnh đến run rẩy, Thịnh Dã ôm nó vào lòng, ánh mắt "con tuyệt đối sẽ không buông tay".
Bà từng hoài nghi Jackson không phải là chó đi lạc, bởi vì dù trông nó rất bẩn, trên người lại lấm chấm vết mủ, nhưng ở cổ lại có dấu vết của một chiếc vòng, lông ở đó cũng hằn lên, da còn bị lở loét, nhưng Thịnh Dã vẫn kiên trì nói là mình nhặt được.
Hôm Thịnh Dã bế chó về là một buổi tối sau tiết tự học, bà cũng vừa từ bệnh viện tan tầm về nhà, lúc bấy giờ đã là tám giờ rưỡi.
Bình thường khi đó Thịnh Diêm Phong không có ở nhà, sau tám giờ tối là ông đến trông cửa hàng tiện lợi.
Lúc ấy Thịnh Diêm Phong không còn theo đuổi nghiệp diễn xuất nữa, chính xác mà nói thì khi Thịnh Diêm Phong và bà quen nhau, ông cũng đã tạm biệt nghề diễn viên rồi.
Sau đấy, ông mở một cửa hàng tiện lợi 24h ở góc phố, thuê một nhân viên trông cửa hàng vào ban ngày, Thịnh Diêm Phong trông ban đêm.
Bà làm việc ở bệnh viện, lúc không phải trực hoặc thay phiên nhau nghỉ ngơi, bà sẽ đến cửa hàng giúp Thịnh Diêm Phong một chút.
Cửa hàng tiện lợi không quá bận rộn, chỉ có lúc kiểm kê hàng là có hơi nhiều việc một chút, Thịnh Dã cũng sẽ đến phụ giúp.
Cuộc sống gia đình tuy không quá phong phú cũng chẳng giàu sang, không khác những gia đình bình thường kia là bao, nhưng bà rất hài lòng với cuộc sống như vậy.
Bởi lẽ, bình thường là hạnh phúc.
Kết quả đêm đó thật không may, vừa mở cửa ra, hai mẹ con họ phát hiện đèn trong nhà đã sáng, liền biết xong đời.
Thịnh Diêm Phong thay quần áo định ra ngoài, nhìn thấy vật nhỏ trong tay Thịnh Dã, lạnh nhạt hỏi: "Lấy đâu ra vậy?"
Thịnh Dã nhất thời cứng lưỡi không nói được câu nào, nhưng vẫn ôm chặt chú chó nhỏ trong tay.
Không biết rốt cuộc là Thịnh Dã bảo vệ chó nhỏ, hay là bé chó nhỏ kia tiếp thêm cho cậu dũng khí, cứng rắn nói: "Con nhặt được."
"Không ai có thời gian để nuôi đâu." Thịnh Diêm Phong dùng giọng điệu cứng rắn nói.
Thịnh Dã đối mặt với người cha cao lớn của mình, đáp: "Con không nuôi nó, chỉ là nhìn nó sắp bị lạnh chết nên mới tạm thời cho nó ở nhờ, chờ vài ngày nữa tìm được người tốt liền đưa nó đi." Chắc hẳn cậu phải suy nghĩ rất lâu mới nói được những lời này, cứ như là đang đọc lời thoại vậy, thêm một chút cảm giác ức chế cùng thất vọng.
Lúc ấy Lâu Dĩnh nghĩ, cũng chỉ có hai cha con họ mới có thể có hình ảnh cứng nhắc như đang đóng phim truyền hình như thế.
Bà cởi khăn quàng cổ ra, làm như không có chuyện gì xảy ra ở bên cạnh nói đỡ: "Không sao đâu, mai là cuối tuần, để nó tạm thời ở đây hai ngày, ban ngày em và tiểu Dã sẽ trông nom nó."
Thịnh Diêm Phong không tiếp lời, đi tới nhẹ giọng nói với bà: "Bếp gas hơi rò khí, em đừng mở, để anh đi gọi người sửa.", nói xong liền mở cửa xuống nhà.
Nói là không sao, nhưng chuyện lại thành có sao.
Hôm sau Thịnh Diêm Phong vừa rời giường, mở cửa phòng liền giẫm phải một bãi nước tiểu.
Thịnh Dã đang ngồi xổm gần đó xử lý bãi nước tiểu bên cạnh bàn trà, không đợi ông mở miệng, cậu đã lập tức nói: "Con lau sạch ngay đây!"
Thịnh Diêm Phong dẫm dẫm lên đế giày, vào phòng vệ sinh thay dép lê, vào thư phòng đóng cửa lại.
Toàn bộ động tác không quá ba giây.
Thịnh Dã mang chó đến cửa hàng thú cưng, phát hiện ra phí tắm rửa cho chó rất đắt, dứt khoát mang về tự mình tắm cho nó.
Trong nhà không có bồn tắm, bà liền tìm giúp cậu một cái chậu.
chú chó tắm rửa sạch sẽ xong rất ưa nhìn, Thịnh Dã rửa xong xuôi, lau mồ hôi giơ giơ chú chó đã sạch sẽ ngẩng đầu cười với bà.
Bà mang một ít thuốc ra, bôi lên mình chú chó, nó còn liếm liếm ngón tay bà.
Thịnh Dã ở bên cạnh nhìn thấy liền nói: "Nó rất thích mẹ đó."
Thích thì cũng chỉ có thể đưa đi chỗ khác thôi.
Lời này bà không đành lòng nói ra.
Buổi tối lúc ăn cơm, Thịnh Diêm Phong hỏi: "Đã tìm được người nào muốn nuôi con chó kia chưa?"
Thịnh Dã không lên tiếng lắc đầu.
Thịnh Diêm Phong thấy thế thì không nói gì.
Chó nhỏ ở nhà họ một tuần, vừa đến cuối tuần Thịnh Diêm Phong liền hỏi Thịnh Dã: "Khi nào thì đưa nó đi?"
Thịnh Dã nói sắp rồi, nhanh thôi.
Cứ như vậy hết tuần này qua tuần khác.
Đông qua xuân đến, xuân rồi hạ, hạ rồi thu.
Thịnh Dã thi lên cấp ba điểm rất cao, trong nhà ba người một chó cũng coi như hòa thuận.
Kỳ nghỉ hè Thịnh Dã gặp được chú Giới mà cậu thích từ nhỏ.
Bạn bè của Thịnh Diêm Phong không nhiều lắm, Giới Bình An là một trong số đó.
Lúc đầu Thịnh Dã không biết Giới Bình An là đạo diễn, bởi khi đó Giới Bình An cũng chẳng có tác phẩm tiêu biểu gì.
Khi còn bé ông còn lừa Thịnh Dã mình là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa, vẽ được bức tranh xấu xí nào liền đưa cho Thịnh Dã.
Giới Bình An nhỏ hơn Thịnh Diêm Phong vài tuổi, năm đó ở cùng một đoàn kịch với Thịnh Diêm Phong.
Nhưng ở đoàn kịch lại chẳng kiếm được tiền liền chuyển sang nghề đạo diễn, cũng chẳng có gì khởi sắc.
Ông không muốn để bản thân mình đi quay mấy bộ phim thương mại, cũng không muốn nhận quảng cáo trong phim của mình.
Nhà đầu tư một người rồi một người bị ông làm cho tức giận bỏ đi hết, chính ông lại tự vui vẻ một mình.
Giới Bình An không hay đến thăm Thịnh Diêm Phong, mỗi lần đến đều là vì thất bại, muốn tìm "anh Thịnh" tự chuốc lấy quả đắng, hai người uống rượu, rồi chơi cờ.
Thịnh Dã thi cấp ba xong, nhịn không được hỏi Giới Bình An: "Chú Giới, chú nói thật cho cháu đi, rốt cuộc chú làm nghề gì vậy?"
Giới Bình An nhìn qua thành tích của cậu, cảm thấy rất giỏi, vừa cao hứng một cái liền không giấu diếm gì hết: "Thật ra chú là đạo diễn."
Thịnh Dã nghi ngờ nheo mắt lại: "Thật á, vậy chú từng quay qua bộ phim nào vậy, cháu từng xem chưa ạ?"
Giới Bình An nói, đây là bí mật, chờ cháu thi vào một trường đại học tốt, chú liền nói cho cháu biết.
Nói xong lại tiện mồm nói cho cậu biết bí mật của cha cậu.
Thịnh Dã nói cháu không có hứng thú với bí mật của cha cháu, lại nhỏ giọng bảo: "Nếu ông ấy có nhược điểm gì, chú cũng có thể nói cho cháu."
Giới Bình An liền cười, giơ tay xoa tóc Thịnh Dã, nói: "Phải cao lên nha, lần trước chú tới cháu vừa mới cao như này thôi đó.
Cao lên một chút, đẹp trai một chút, sau này chú cho cháu làm diễn viên chính trong phim của chú."
Thịnh Dã căn bản không để tâm lời ông nói.
Đến kỳ nghỉ hè, cuối cùng cũng tìm được cơ hội, Lâu Dĩnh quyết định nói chuyện với Thịnh Dã về cuốn album kia.
Có lẽ cả đời Thịnh Diêm Phong cũng không chủ động nói cho Thịnh Dã biết những chuyện khi còn trẻ của mình, mà Thịnh Dã cũng khẳng định sẽ không chủ động hỏi.
Thay vì để người ngoài tiết lộ bí mật này, không bằng để người làm mẹ là bà đây nói cho cậu biết.
Bà nói với Thịnh Dã, sở dĩ ngày đó cha cậu phản ứng gay gắt như vậy là bởi vì trong album chứa đựng hình ảnh ông làm diễn viên hí kịch ở rạp hát khi còn trẻ, ấy là những kỷ niệm rất quý giá đối với ông.
Thịnh Dã mãi đến lúc đó mới biết cha mình khi trước là một diễn viên hí kịch, mà Giới Bình An nói ông là đạo diễn cũng không phải là lừa cậu.
Họ cùng nhau xem album ảnh, trước khi mở ra Thịnh Dã không chắc chắn hỏi: "Con có thể xem nó không ạ?"
Bà mỉm cười hỏi lại: "Con không xem nó lúc con ném nó đi à?"
Thịnh Dã có chút áy náy lắc đầu.
Album ảnh ghi lại tuổi trẻ của Thịnh Diêm Phong, ông và các đồng nghiệp trong nhà hát một lần lại một lần biểu diễn những tiết mục xuất sắc, họ đứng trên sân khấu, mỉm cười cúi đầu chào khán giả ở dưới khán đài.
Thịnh Dã nhìn thấy cha cậu khi còn trẻ tay cầm hoa tươi, bộ dạng hăng hái, bên cạnh là nữ chính xinh đẹp, vũ công cũng vô cùng hoa lệ.
Mà đạo diễn thế nhưng lại là chú Giới.
Ngày đó Thịnh Dã hẳn là rất khiếp sợ, Lâu Dĩnh nghĩ thầm, vì cậu chưa bao giờ nhìn thấy cha mình như thế trước đây.
Ngoài những bức ảnh chụp chung lúc hạ màn, còn có đủ loại sân khấu, lần đầu tiên bà nhìn thấy đã bị hấp dẫn, biểu cảm của diễn viên hý kịch vô cùng sinh động, hoàn toàn khác với diễn viên trên phim truyền hình, tràn đầy sức sống.
Thịnh Diêm Phong khi đó còn nói: "Nhiều năm rồi anh chưa cho người khác xem đâu.", bà liền đáp lại: "Vậy cảm ơn anh đã cho em xem nhé." Thịnh Diêm Phong nghiêm mặt, nhưng lại rất dịu dàng mà gật đầu.
Hiện tại nhớ lại bộ dáng Thịnh Dã năm đó lật từng trang từng trang album ảnh, thì ra tất thảy đều để lại dấu vết, đó là lần đầu tiên Thịnh Dã tiếp xúc với hý kịch và diễn xuất.
Nhưng lúc ấy cậu cũng chỉ là nhìn thoáng qua giới diễn xuất mà thôi, lần chân chính khiến cậu bước vào cái giới phù hoa này, là năm hai cấp ba (lớp 11), lần đầu tiên nhìn thấy Đàm Trận xuất hiện trong tầm mắt công chúng.
Khi đó Đàm Trận lấp lánh như sao ở trên màn hình không biết rằng, bản thân sẽ ảnh hưởng đến tương lai của một thiếu niên cấp ba, thậm chí là cả tình yêu của cậu thiếu niên ấy nữa...
————————-
Hết chương 7..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...