*Ngư Dương: từ cũ, chỉ để nơi hai bên tham chiến.
Hi Lam, vốn là một tiên tử, mang tình duyên chưa dứt kiếp trước, mang nhớ nhung trọn đời vì bỏ lỡ Thái Vi tiên tôn, đi tới phàm trần.
Đây là một câu chuyện rất đau lòng, lại có chút sầu não, nhưng khi Bùi Hi Lam tỉnh táo lại, nàng lại nghe thấy câu nói đầu tiên là: "Cao Tiên Chi* không thể chết được!"
*Cao Tiên Chi ( ?-756): Tướng nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
Ông tham gia cuộc chiến chống quân Thổ Phiên phía tây Trung Quốc và chống An Lộc Sơn trong loạn An Sử.
Đây là tiếng của phụ thân Bùi Kiều Khanh, Hi Lam còn chưa hoàn toàn thoát khỏi giấc mộng cũ, ngoài cửa đã truyền tới tiếng bước chân thong thả, giọng nói lo lắng của Bùi Kiều Khanh cũng truyền tới từ xa xa: "Hôm nay Lạc Dương thất thủ, nước đang hỗn loạn, lòng quân không yên, lòng người tan rã, bệ hạ xử tử Đại tướng chiến tích hiển hách, chỉ có thể ra quân càng bất lợi hơn! Không được, ta phải đi dâng thư can gián ngay bây giờ!"
Sau đó là tiếng của Bùi phu nhân: "Đừng, đừng, không được lỗ mãng, bệ hạ đang bực bội, nếu ông động vào nghịch lân của ngài ấy, e là..."
"Nước của nam nhi chính là nhà, đập mái chèo thề*, làm sao có thể tham sống sợ chết ở giờ phút quan trọng này?"
*Xuất phát từ trong Tấn Thư · Quyển 62: Tổ Địch truyện: Tấn dẫn quân Bắc Phạt Tổ Địch, lúc sông tới giữa dòng đã đập mái chèo đứng thề khôi phục Trung Nguyên, sau thường dùng để ca ngợi chí khí mạnh mẽ và chí tiết khẳng khái trong việc giành lại đất đai đã bị mất, đền đáp quốc gia.
Hi Lam quan sát bốn phía một lượt, phát hiện mình đang nằm trong khuê phòng ở Trường An, cha mẹ đang ở ngoài cửa ầm ĩ không chết không ngừng.
Cuối cùng nàng tỉnh táo lại: Câu chuyện của Bắc Lạc tiên tử và Thái Vi tiên tôn đã là chuyện xưa, thân phận của nàng bây giờ là đời sau của Bùi thị Hà Đông, Đại Đường - Bùi Hi Lam, cho dù kiếp trước có gì tiếc nuối thì cũng chỉ có thể để tiếc nuối vậy thôi.
Vào giờ phút này, nàng vẫn nên lo lắng đến chuyện sau này, nhân tiện tìm được Dật Sơ, không, là Dật Sơ nàng vẽ ra.
Nàng vịn mép giường đứng dậy, xuống giường, run rẩy đi ra ngoài: "Phụ thân, mẫu thân, giờ đang xảy ra chuyện gì thế?"
Cha mẹ nàng hết sức kinh ngạc, cùng chạy tới đỡ nàng.
Bùi phu nhân rơi lệ nói: "Con của ta, con tỉnh lại rồi.
Mẫu thân còn tưởng đời này không cách nào thấy con mở mắt nữa, tỉnh là tốt rồi, tỉnh là tốt rồi..."
Lúc này, có gã sai vặt báo lại: "Chủ nhân, vì Cao Tiên Chi, Phong Thường Thanh hành quân vô kỷ luật, mất đi nhân tâm và chiến bại làm quân đội tổn hại, bệ hạ đã hạ lệnh, một lúc nữa sẽ chém đầu hai người trị tội trước công chúng!"
Bùi Kiều Khanh trừng mắt, khàn giọng, sa sút tinh thần ngồi dưới đất: "Quả nhiên, bệ hạ đã không còn là bệ hạ của năm đó, ngài ấy...!làm sao có thể hồ đồ như vậy..."
Bùi phu nhân “suỵt” một tiếng: "Lời này nói ở nhà một chút cũng được nhưng bên ngoài nhất định phải cẩn thận đó."
Bùi Kiều Khanh giận không có chỗ trút, nhìn Hi Lam, bất đắc dĩ nói: "Haizz, con nói con tỉnh lúc nào không tỉnh lại tỉnh đúng vào lúc này, ta thấy Đại Đường sắp xong rồi, nếu không con ngủ tiếp đi cho xong! Tránh cho tỉnh xong lại chết lần nữa!"
Bùi phu nhân nói: "Ông đang nói hươu nói vượn gì thế! Con gái đã ngủ tám năm, ông lại nguyền rủa con nó như vậy, nó mà chịu lời nguyền của ông thật thì ta và ông không xong đâu!"
Hi Lam sửng sốt, nói: "Con đã ngủ tám năm ư?"
"Đúng vậy, tám năm trước, ngày thành thân với Quách Tử Nghi, con lén chạy ra ngoài, lúc bị người ta đưa về thì ngủ mãi không tỉnh, tìm đại phu đến khám cũng không nhìn ra được triệu chứng.
Chúng ta bèn để con ở khuê phòng, ngày thường để A Ni Man chăm sóc con..."
A Ni Man ở một bên cũng sung sướng lí nhí nói: "Tiểu nương tử, cuối cùng người cũng tỉnh lại rồi."
Nói đến đây, nhìn phụ mẫu và A Ni Man đúng là già hơn trước kia không ít.
Hi Lam chỉ nhớ lúc ấy gặp phải Tử Tiêu trên đường phố, hắn sử dụng thuật pháp để nàng nhìn thấy rõ tình cảnh ở kiếp trước.
Nàng vẫn cảm thấy hơi váng đầu, A Ni Man bèn đỡ nàng về nghỉ ngơi.
Nàng nhìn sư tử đá chặn giấy trên bàn nói: "Cái này hình như là Hà Thái."
Sư tử đá chặn giấy nói: "Coi như ngươi có mắt thức thời, Bắc Lạc tiên tử.
Lúc trước đã gặp ngươi nhiều lần, ta lại không nhận ra ngươi là ai."
"Hà Thái, đúng là ngươi ư? Mau nói với ta xem tình hình hiện tại là gì, ta không rõ."
"Tình hình là An Lộc Sơn làm phản."
Nghe ngọn nguồn, Hi Lam cảm thấy An Lộc Sơn có thể nói là phản tặc liều chết nhất trong lịch sử.
Bởi vì một năm tạo phản này, hắn vừa khéo mù mắt.
Nhưng ai nói người mù không thể kéo cờ tạo phản chứ? An Lộc Sơn dẫn đầu làm cho mọi người xem.
Cớ gì hắn phải liều mạng làm phản như vậy, chuyện gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân.
Tám năm Hi Lam chìm vào trong giấc ngủ sâu này, Thiên Tử sống có vẻ dễ chịu hơn trước kia, không thích thượng triều thì không thượng triều, thích chơi nghệ thuật thì chơi nghệ thuật, thích An Lộc Sơn thì để một mình An Lộc Sơn kiêm ba chức Tiết độ sứ, yêu Dương Ngọc Hoàn bèn chỉ cưng chiều mình nàng ấy, ngay cả tỷ muội huynh trưởng của nàng ấy cũng sủng ái một lượt.
Trong cung có gần một ngàn thợ thủ công gấm thuê riêng cho Quý phi, hàng năm tốn lên tới trăm vạn tiền phấn trên người ba tỷ muội Dương gia.
Thời kỳ Khai Nguyên thịnh thế ông ta đề xướng tiết kiệm, sau đó có tiền thì lại tự do phóng khoáng, từng đem tất cả đồ tiến cống của cả nước trong một năm ban cho một mình Lý Lâm phủ.
Tóm lại, đường gì đi dễ thì ông ta đi đường đó, cũng không để ý là đường sườn núi hay đường xuống dốc, người nào khiến ông ta thoải mái thì ông ta sủng ái người đó, cũng không thèm để ý xem người đó là tận tâm hay khẩu phật tâm xà.
Nịnh thần cũng có tôn nghiêm.
Dương Quốc Trung cảm thấy mình ngạo mạn ngất trời, bởi vì ông ta là Thừa tướng Đại Đường, có một muội muội trời sinh đoan trang không có chí tiến thủ, nghĩ Đỗ Phủ còn vì ông ta mà sáng tạo ra thành ngữ “Chạm tay là bỏng*”, phía sau câu đó là “Cẩn thận đừng làm Thừa tướng tức giận”, còn có ý hơi vênh váo, đó đúng là rất có khả năng.
Người có khả năng như vậy sao có thể để một người Hồ tranh sủng với mình chứ.
Ông lợi dụng ưu thế trong triều, chèn ép gạt bỏ An Lộc Sơn khắp chốn.
An Lộc Sơn cũng rất có tôn nghiêm, tay hắn nắm hai trăm ngàn binh lực, lợi dụng ưu thế huyết thống chủng tộc người Hồ của mình, trong mắt đã sớm không khoan dung với Tể tướng triều đình.
Bề ngoài An Lộc Sơn nịnh nọt Thiên Tử, đằng sau đã sớm bắt đầu huấn luyện quân đội, từng giờ từng phút chuẩn bị để đòi lại tôn nghiêm.
*Trích trong bài Lệ nhân hành của Đỗ Phủ.
Cuối tháng mười, năm Thiên Bảo thứ mười bốn, bệnh cũ choáng váng đầu, buồn nôn của Dương Ngọc Hoàn phát tác, lần nào cũng bắt ngự phụng tới khám nhưng lại không tìm ra nguyên nhân.
Lý Long Cơ chợt có linh cảm, sai người điều tra vải, kết quả lại điều tra ra trong vải có bỏ thuốc có tác dụng ngừa thai.
Mọi người đều biết, vải mà Dương Ngọc Hoàn ăn đều do An Lộc Sơn cho người ra roi thúc ngựa tiến cống.
Suy nghĩ của An Lộc Sơn khiến người ta có phần nghĩ không thông.
Đại Đường đã lập Thái tử từ lâu, cho dù Dương Ngọc Hoàn sinh con, chờ đến khi đứa bé có thể tranh đoạt được chức Thái tử thì An Lộc Sơn cũng không động đậy nổi nữa.
Vì sao ông ta phải phí hết suy nghĩ để ngăn cản Dương Ngọc Hoàn mang thai chứ? Đừng nói là hắn thích trẫm ư? Lý Long Cơ nghĩ, cảm thấy hẳn là An Lộc Sơn thích Ngọc Hoàn, vì thế khiến long nhan giận dữ, triệu An Lộc Sơn đang ở Phạm Dương quay về triều hỏi tội.
Mùng chín tháng mười một, Thiên Tử vẫn quyến luyến dẫn Quý phi đi Lư Sơn như trước, cũng không biết sắc lệnh đã tới Phạm Dương, An Lộc Sơn giết chết sứ giả, trên danh nghĩa là lo đất nước lâm nguy, chinh phạt Dương Quốc Trung, khởi binh ở Phạm Dương.
Binh lính của An Lộc Sơn đã huấn luyện đàng hoàng mà quân Đường lại an nhàn, rảnh rỗi nhiều năm, tập luyện thoáng qua, ngay cả binh khí quân mã cũng để ở Nam Sơn.
Đám huyện lệnh Hà Bắc chạy sạch như một làn khói, toàn bộ huyện châu không chiến mà hàng.
Thời khắc này, Lý Long Cơ mới nhớ tới Trương Cửu Linh từng nói, An Lộc Sơn có dã tâm, liều cái mạng già cũng phải vào can gián xin chém An Lộc Sơn thì có một loại cảm giác siêu thoát tỉnh ngộ.
Cuối cùng hắn cũng bỏ mặt mũi xuống, định vời Trương Cửu Linh tới đền lỗi, đáng tiếc bây giờ Trương Cửu Linh chỉ còn lại mỗi tấm linh bài.
Ngày mười lăm tháng mười một, Lý Long Cơ phái binh linh phòng thủ Lạc Dương.
Khí thế An Lộc Sơn hung hãn, chưa hết tháng đã chọc một lỗ thủng lớn ở Lạc Dương, chém hai tướng, khuất phục một tướng.
Cao Tiên Chi, Phong Thường Thanh bị ép lui tới Đồng Quan, cố thủ không ra.
Lúc này quân địch đã tiến quân vào phòng tuyến cuối cùng của kinh đô, nếu thất thủ thì Trường An sẽ xong đời.
Dù thế nào Lý Long Cơ cũng không ngờ tới, mình bị một người mù làm cho đến mức này, ông ta hơi choáng váng, lúc An Lộc Sơn hận không giết chết được hai người Cao, Phong (ý chỉ Cao Tiên Chi và Phong Thường Thanh), Lý Long Cơ nghe lời hoạn quan gièm pha, vu cáo lại thành ra hạ thủ trước thay An Lộc Sơn.
Nghe xong toàn bộ quá trình, Hi Lam cũng đồng ý với ý kiến của phụ thân, cảm thấy hai người Cao, Phong không thể chết được, quyết định đến cung Đại Minh tìm Ngọc Hoàn tỷ tỷ đi cửa sau.
Bởi vì nàng biết, đã nhiều năm Thiên Tử không trải qua nội loạn, tuổi tác đã cao, đối mặt với hai trăm ngàn đại quân của An Lộc Sơn ắt sẽ không thể bình tĩnh nổi.
Nếu bây giờ ông ta có thể nghe ai khuyên, phần nhiều cũng là Ngọc Hoàn tỷ tỷ.
Nàng đổi nam trang, sai người chuẩn bị ngựa, trước khi xuất hành lại hỏi Hà Thái một câu: "Đúng rồi, hẳn là ta trúng thuật hồi mộng rồi, vì sao có thể ngủ cả tám năm ròng thế?" Thuật hồi mộng là cấm thuật của quỷ giới, có thể khiến người trong mộng nhìn thấy được chuyện cũ ở kiếp trước, chỉ có khi lấy được phê chuẩn của Phong Đô Đại Đế* mới có thể sử dụng với người phàm, cũng không biết Tử Tiêu ở âm phủ có làm một bách tính tốt tuân thủ luật pháp hay không nữa.
*Phong Đô Đại Đế: Là chúa tể của âm phủ địa ngục.
"Ngươi nói đến điểm chính rồi đó.
Vốn là sau khi ngủ say ba tháng, người thi pháp có thể thức tỉnh ngươi, nhưng ngươi vừa ngủ say không được bao lâu thì Thái Vi tiên tôn cũng biến mất.
Hoa Tử Tiêu sợ ngươi tỉnh lại gả cho Quách Tử Nghi cho nên cố ý kéo dài không thức tỉnh ngươi, không chịu nổi trong những năm này Quách Tử Nghi vẫn cứ si mê, khổ sở chờ ngươi, Thái Vi tiên tôn cũng chưa từng trở lại, cho đến tận khi An Lộc Sơn làm phản, Quách Tử Nghi mới bị điều đi Hà Bắc đối đầu với quân phản loạn Sử Tử Minh."
Nghe hắn nói “Hoa Tử Tiêu*”, Hi Lam mới nhớ tới quỷ và người đều có họ như nhau.
Quả nhiên Tử Tiêu là đồ sợ vợ, ngay cả thêm một họ cũng phải mù quáng chọn họ giống nhau nhưng nàng cứ cảm thấy không tiếp nhận nổi trong phút chốc, bởi vì trong lòng nàng, Tử Tiêu hẳn là nên họ Cường.
*Lý do Hi Lam nói Tử Tiêu sợ vợ là vì: Hoa Tử Tiêu cùng họ với Thanh Mị, nhưng phép với tên Tử Tiêu lại thành ăn mày Tiêu :)))
Hi Lam nói: "Dật Sơ biến mất ư?"
"Ta cảm thấy như vậy, rất có thể là hắn cảm thấy ngươi hết đường cứu, bị đả kích...!nói, nói không chừng đã đi tự tìm cái chết rồi."
"Hà Thái, trí khôn của Dật Sơ và ngươi không giống nhau, ngươi không thể dùng đầu óc của ngươi để đánh giá hắn được."
"..."
"Nói như vậy, An Lộc Sơn tạo phản lại thành ra cứu ta một mạng? Nếu không phải vì hắn, Quách Tử Nghi cũng không rời khỏi Trường An.
Nếu Quách Tử Nghi không rời khỏi Trường An, vậy thì Tử Tiêu cũng không đánh thức ta rồi." Vào thời khắc quan trọng, Tử Tiêu vẫn chỉ suy nghĩ đến Dật Sơ.
Thuyền hữu nghị của nàng và Tử Tiêu nói lật là lật luôn.
"Vậy cũng không đúng.
Vốn Hoa Tử Tiêu đã định một hai năm sẽ thức tỉnh ngươi, nhưng sau đó ma xui quỷ khiến thế nào khiến Thanh Mị ở âm tào địa phủ, cho nên hắn cứ thế quên bẵng đi chuyện này của ngươi.
Cho đến ngày hôm qua mới nhớ tới.“
Hi Lam nói: "Lý do này thì ta chịu thua."
Hi Lam thúc ngựa tới hoàng cung, đuổi tới đúng lúc trước khi đầu hai người Cao - Phong rơi xuống.
Chẳng qua là lần này Thiên Tử cực kỳ cố chấp, ngay của lời khuyên của Quý phi cũng không nghe.
Hi Lam còn chưa mở miệng, ông ta đã đoán người xúi bẩy đằng sau là Hi Lam, nể tình nàng mới khỏi bệnh, đầu óc hồ đồ cho nên ông ta không so đo.
Chuyện này cũng chứng tỏ bệ hạ hồ đồ lúc không cần hồ đồ nhưng chung quy cũng không hồ đồ như nàng nghĩ.
Sau khi lén trao đổi với Dương Ngọc Hoàn xong, Hi Lam được biết, Lý Long Cơ muốn giết Cao Tiên Chi là bởi vì trận chiến bốn năm trước ở Đát La Tư, Cao Tiên Chi thất bại bởi mãnh tướng đế quốc Abbas (Ả Rập) Tịnh Ba Tất Lâm khiến Đại Đường hao binh tổn tướng, mất hết thể diện, hôm nay lại bại, không ai có thể nhịn.
Nghe tên của Tịnh Ba Tất Lâm, Hi Lam bối rối.
Đây không phải tên giặc cỏ năm đó Quách Tử Nghi liều chết đuổi giết đó sao?
Cao Tiên Chi, Phong Thường Thanh vẫn bị kéo đến pháp trường rồi hành hình.
Sau đó, Lý Long Cơ phái Kha Thư Hàn dẫn hai mươi vạn đại quân trấn giữ Đồng Quan.
Hi Lam nghe thấy vậy thì chủ động đề nghị theo quân, nói mình tuy sức yếu nhưng vẫn mong góp sức cho xã tắc, nàng có thể chuẩn bị bữa sáng trong trại lính.
Lý Long Cơ nói được.
Thật ra Hi Lam chỉ biết làm bánh Hồ, nói đi chuẩn bị bữa sáng đều là nói bậy.
Nàng vốn muốn theo quân làm Phụ tá nhưng nghĩ đến kết cục của hai người Cao - Phong bèn quyết định quan sát trước chiều hướng rồi nói sau.
Sau khi về nhà, nàng thực sự bị tài tử dạy dỗ một trận, rồi lại trở về thông báo cho A Ni Man, định để nàng ấy mang đồ giúp mình.
Lúc thu dọn hành lý, có một khối kim loại tuột xuống từ trong quần áo của A Ni Man, rơi trên mặt đất.
Nàng ấy vội vàng nhặt nó lên, xoa trên ngực một lát, ôm rồi thở phào nhẹ nhõm.
Hi Lam nói: “Đó là cái gì thế? Nhìn ngươi coi nó như bảo bối vậy.”
“Là bùa hộ mệnh phụ thân cho ta.
Ông ấy rất thích cưỡi ngựa, đây là vòng đồng trên đầu ngựa của ông ấy.
Năm ta bảy tuổi, ta và a nương không tìm được phụ thân, sau đó a nương cũng qua đời.
Trước khi lâm chung, bà ấy đã nói với ta, nếu như có một ngày ta gặp được phụ thân thì cứ dùng tín vật này nhận nhau với ông ấy.”
“Phụ thân ngươi lại ở Trường An ư?”
A Ni Man lắc đầu một cái: “Chuyện này thì ta không rõ lắm.
Ban đầu ta tới Trường An là do bị bán tới.”
“Vậy a nương ngươi làm sao lại đi sớm như vậy? Do bệnh ư?”
“Ban đầu toàn bộ tộc Doanh Châu bọn ta đều lụn bại ly tán, a nương bị kẻ gian sát hại.”
Cha mẹ của A Ni Man cũng giống như rất nhiều Đột Quyết tộc biết nhau qua tang lễ, hơn nữa còn là tang lễ của tổ phụ nàng ấy.
Căn cứ theo tập tục của Đột Quyết, sau khi nam nhân chết, trước khi tro cốt nhập quan, phải chôn sống các thê tử của ông ta vào quan tài trước.
Thê thiếp của tổ phụ A Ni Man có cả đám, một người trong đó xinh đẹp, lặng lẽ, không sợ chết, được nhi tử của người chết coi trọng nên hai người mới thành hôn trong tang lễ, quang minh chính đại dâm loạn, không bao lâu thì hạ sinh A Ni Man.
Sau đó, tộc của A Ni Man lụn bại ly tán, phụ thân nàng ấy bị người ta đuổi giết, chạy trốn ngay đêm đó cũng đã cam kết rằng nhất định sẽ cố gắng hết sức trở lại đón bọn họ.
Một tối, có người xâm nhập vào bộ lạc của bọn họ, mẫu thân A Ni Man ấn nàng vào giữa hai tảng đá lớn.
Quân Đường tiến vào lều vải của mẫu thân trong thời gian rất lâu không ra.
Nàng nghe thấy mẫu thân ở trong đó từ chửi lấy chửi để biến thành kêu khóc, rồi lại từ kêu khóc biến thành tiếng nức nở thật khẽ.
Đến mấy giờ sau, quân Đường từ bên trong đi ra, nàng ấy vọt vào thì phát hiện mẫu thân ngoại trừ quần áo rách rưới, không phát hiện chút hao tổn nào.
Nhiều năm về sau, đến khi A Ni Man biết chuyện gì xảy ra trong lều vải, nàng đã bị bán rẻ tiếng cười làm nô ở quán rượu, mẫu thân cũng đã mất lâu rồi.
Lần này là lần đầu tiên nàng nghe thấy chuyện của A Ni Man.
Vốn Hi Lam cho rằng, A Ni Man chỉ là một người Hồ ngốc nghếch không biết chuyện gì.
Trước kia nàng còn cho là quốc lực cường thịnh là vương đạo, lãnh thổ của Đại Đường càng lớn càng tốt.
Nhưng lên đường đi theo quân của Kha Thư Hàn, nàng nghĩ đến thân thế của A Ni Man thì không khỏi bắt đầu suy nghĩ lại về ý nghĩa của chiến tranh.
Trên đời này thật sự có chính nghĩa và gian tà tuyệt đối ư? Giống như An Lộc Sơn, ông ta là một tên gian thần nhưng chưa chắc đã là một người tội ác tày trời.
Quyền thần ở địa vị cao, có những chuyện sẽ ập vào đầu, bị ép buộc đến không thể không phản cũng là có khả năng.
Bỗng nhiên Hi Lam nhớ đến lần đầu tiên gặp An Lộc Sơn, ông ta treo một vật trước ngực, vì vậy nói với với A Ni Man đang cưỡi ngựa đồng hành: “Tín vật của phụ thân ngươi, có thể cho ta nhìn chút được không?”
A Ni Man đưa vòng đồng được buộc chặt bằng dây thừng cho nàng, nàng lật qua nhìn thử thì đúng là phát hiện bên trên có đồ đằng phi ngựa cũ kỹ.
Nghĩ đến độc dược trong vải của Ngọc Hoàn tỷ tỷ, nghĩ đến A Ni Man họ Khang, Hi Lam chỉ cảm thấy sống lưng cực kỳ lạnh lẽo.
Nàng nhớ mang máng, An Lộc Sơn từng nói với Lý Long Cơ, phụ thân ông ta chết, ông ta chưa từng lấy vợ.
Nàng và Dật Sơ còn từng thảo luận, đối với một nam nhân Đột Quyết đã sớm qua tuổi thích hợp để cưới xin, An Lộc Sơn đã tham gia tang lễ nhưng chưa thành thân có phần kỳ lạ.
Đến trong quân doanh, Hi Lam lấy bút mực, vẽ ra chân dung của An Lộc Sơn trên giấy, hỏi A Ni Man: “Ngươi có biết người này không?”
A Ni Man kêu lên một tiếng: “Đây không phải là phụ thân ta ư?”
“Phụ thân ngươi tên là Khang Loát Lạc Sơn ư?”
“Tiểu nương tử… lại biết phụ thân ta ư?”
Chuyện đúng như Hi Lam dự đoán.
Đây không phải là một trận chiến tranh đoạt quyền lực, mà là trận chiến oán thù cho máu mủ tình thâm.
An Lộc Sơn làm phản cũng không phải chỉ là lời nói suông, vào thời kỳ Khai Nguyên, sau khi thoát khỏi Đột Quyết xong, ông ta lập tức khiến Loát Lạc Sơn biến mất, từ đây mạo danh họ An.
Ông ta không để Dương Ngọc Hoàn mang thai không phải vì ông ta có ham muốn riêng gì mà là vì ông ta phải bỏ lại nữ nhân và con gái mình thích nhất cho nên không nhìn được Lý Long Cơ và nữ nhân ông ta yêu quý đơm hoa kết trái.
Thật đúng là nhìn người không thể nhìn bề ngoài, nhìn người mập mạp không biết tiết chế như vậy lại có tâm tư kín đáo, lòng dạ thâm trầm như thế.
Hi Lam bắt đầu cảm thấy, cuộc chiến này còn khó đánh hơn nàng nghĩ nhiều.
Nàng che giấu sự thật với A Ni Man, chỉ nói trước kia từng gặp phụ thân của nàng ấy, chờ đến khi chiến loạn lắng xuống, bọn họ sẽ dẫn nàng ấy đi tìm phụ thân nhưng nàng đã đánh giá thấp xúc động muốn gặp người thân của A Ni Man.
Nàng ấy trộm bức tranh của nàng, nhanh chóng hỏi thăm được trong quân đội, người trên bức tranh này chính là thủ lĩnh quân phản loạn An Lộc Sơn.
A Ni Man nói phải vào trong lòng quân địch tìm An Lộc Sơn, khuyên ông ta ngừng chiến, nhưng Hi Lam và Hà Thái đều cảm thấy như vậy hơi ngây thơ, mất thời gian khá lâu mới có thể khuyên được nàng ấy ở lại.
Đồng Quan là nơi dễ thủ khó công, hàng rào chiến cao như mây, chim không thể vượt, đường hẹp chỉ có thể cho một chiếc xe đi qua, ngay cả vung binh khí dài cũng rất khó khăn, có thể nói là một người giữ cửa quan, muôn người khôn mở ải*.
Vào đóng giữ nơi này, Kha Thư Hàn tăng thêm việc phòng thủ thành, kiên cố tự thủ.
Tháng Giêng năm Thiên Bảo thứ mười lăm, An Lộc Sơn xưng đế ở Lạc Dương, phách lối khiêu khích, Kha Thư Hàn vẫn duy trì làm một bình hồ lô không miệng từ đầu tới cuối.
Ngay sau đó An Lộc Sơn lại phái nhi tử An Khánh Tự tiến lên tấn công, bị quân đội của Kha Thư Hàn đánh lui dễ như trở bàn tay.
Vì vậy, quân phản loạn chủ lực của An Lộc Sơn quanh quẩn ở ngoài cửa quan, dừng bước không tiến lên khoảng chừng năm tháng.
*Xuất phát từ bài thơ ‘Thục đạo nan’ của Lý Bạch thời Đường (bản dịch của Trần Trọng San), thường dùng để hình dung địa thế hết sức hiểm trở, có tính chiến lược mạnh.
Đầu tháng năm, Kha Thư Hàn nhận được tình báo của quân địch, nói bốn ngàn binh bất mãn, tất cả đều suy nhược bệnh tàn, mệt mỏi không chịu nổi.
Thấy tình huống này, dường như quân phản loạn bị trận chiến kéo dài của bọn họ làm cho sụp đổ.
Ông ta cứ quanh quẩn đi qua đi lại trên sườn núi cao, thấy rừng đào bên ngoài Đồng Quan đã nở, áp bến sông Hoàng Hà cổ, ngàn cây vạn cây rực rỡ nhưng trong lòng lại loáng thoáng bất an.
Lúc này, có một cô nương nói ở đằng sau: “Chỉ e là có lừa gạt, Nguyên soái hãy nghĩ lại.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...