Hoa Nở Giữa Tháng Năm Cô Đơn

Cả buổi tối tôi suy tư, không phải là vì nhận thấy mình có tình cảm đặc biệt với Cố Tông Kỳ, nhưng lại là thứ cảm giác thật khó chịu trong lòng, dồn nén nhiều chuyện trong lòng dễ khiến người ta muốn nổ tung. Thế nên tôi mở Code Blue ra xem, và kết quả chứng trầm cảm giai đoạn đầu đã hoàn toàn hồi phục. Cả tối xem liền ba tập cho đến tận nửa đêm, tôi sắp rơi nước mắt vì cảm động, vì hâm mộ, hay vì khao khát? Nói chung là rất phức tạp.

Tôi đem cả đống tâm trạng phức tạp ấy vào giấc ngủ, hình ảnh của bác sĩ Aizawa Kosaku áo xanh cứ lởn vởn trong đầu tôi, tôi nhớ lại cảnh phim diễm lệ phần đầu, Kosaku thay áo để lộ chiếc bụng sáu múi. Đúng là cái cảm xúc này quá phức tạp, khiến tôi rơi vào trạng thái si mê, tôi liền ghép mặt Cố Tông Kỳ vào thân của Kosaku rồi bắt đầu tưởng tượng, mãi đến tận khuya tôi mới chìm vào giấc ngủ. Vì phải dịch tác phẩm nên cuối cùng vẫn không thể kiềm chế được ham muốn trong lòng.

Đến ngày thứ tư, không nhịn được nữa tôi mở xem tập tiếp theo, rồi đem cảm xúc dạt dào ấy chạy đến quán cà phê trong trường, sếp tổ chức họp ở đấy. Sếp là một thân sĩ tốt nghiệp Luân Đôn, rất thích trao đổi những điều tâm đắc trong học hảnh với bọn tôi vào giờ uống trà chiều. Mười mấy con người ngồi đấy cười nói rôm rả, uống cà phê, trà sữa, bàn tán chuyện trên trời dưới biển. Học sinh của những ông chủ khác đều rất ngưỡng mộ chúng tôi.

Sếp hỏi dạo này tôi đọc sách gì, muốn chúng tôi xem xem có khả năng biên dịch xuất bản không.

Anh khóa trên trả lời đầu tiên: “Em đang đọc My Life As A Quant, theo em thấy thì cuốn này cũng bình thường thôi ạ, nhưng mà người Trung Quốc thì vẫn rất cần thiết, vì nó là do ông chủ đầu tư phố Walls viết”.

Sau đó anh lại bổ sung thêm một câu: “Cuốn này giúp em hiểu ra rằng những nhà vật lý học cũng có thể trở thành quan khách, đồng nghĩa với điều đó các nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành văn học Anh – Mỹ cũng có thể trở thành nhà đầu tư mạo hiểm thành công hay bất kể người nào mà các bạn muốn”.

Lời anh ấy nói rất có sức hút, hơn nữa còn chạm vào tận trái tim chúng tôi, nên mọi người đều vỗ tay.

Sếp gật đầu nói: “Rất tốt, em về dịch hai chương cho tôi xem trước nhé. Người tiếp theo nào”.

Khi những người khác nói thì tôi cố lôi trong đầu xem rốt cuộc mình đã xem cuốn bản gốc nào rồi, dẫu sao cũng không thể nói với sếp rằng gần đây tôi xem một câu chuyện tình gian truân của một cô gái vốn không muốn yêu đương gì. Tôi vắt kiệt não cũng không thể nghĩ ra điều gì hơn.

Cuối cùng đã đến lượt tôi, không biết vì sao mà tự nhiên một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi bắt đầu bịa rằng: “Em đang đọc một quyển nói về bác sĩ ngoại khoa, không phải toàn là kiến thức chuyên ngành mà là một câu chuyện nhỏ, từ đó nói lên sự vĩ đại của tình người”.

Có trời mới biết sao lúc đó tôi lại có thể bịa ra những lời như vậy được, nhất định là di chứng do xem Code Blue.

Sếp có vẻ như khá hài lòng nói: “Dụ Tịch à, tôi thấy cuốn đó hay đấy, em đọc đến đâu rồi?”.

Tất nhiên là tôi bình tĩnh trả lời: “Vì em không rõ lắm về mấy kiến thức chuyên ngành ngoại khoa, nên tiến độ hơi chậm”.

Sếp uống một ngụm cà phê, nói: “Em về dịch hai chương cho tôi, loại sách này trên thị trường không nhiều, có thể vì quá chuyên ngành nên không nhiều nơi bán lắm, nhưng câu chuyện như em nói thì lại rất hay”.

Tôi cười cười, nhưng trong lòng đang chảy nước mắt, ông trời ơi, tôi biết đi đâu tìm câu chuyện tính người của bác sĩ ở đâu bây giờ. Tất cả chỉ là bịa chuyện thôi mà.

Mấy ngày hôm nay tôi đều tìm cách tránh xa bệnh viện Đông Hoa, mọi hoạt động của tôi cũng chỉ giới hạn trong phạm vi xung quanh những người khỏe mạnh. Tôi rất sợ rằng tần suất tiếp xúc với các bác sĩ ở đấy sẽ biến tôi thành người có “sức hút” của Conan.

Ông anh lớp trên vào viện thăm em gái, tôi thì đi tìm bố nuôi, mục đích là để thảo luận xem trên cái thế giới này có tồn tại cuốn sách nào nói về “câu chuyện về bác sĩ nhân tính hóa” kia không.

Sau khi nghe xong miêu tả của tôi, ông nghĩ một lát rồi nói: “Có phải là con muốn đọc một cuốn về ngoại khoa không?”.

Tôi xua xua tay nói: “Không phải, là một câu chuyện cơ, ví dụ như hôm nay có bệnh nhân nào tới, bị bệnh gì”.

Suy nghĩ của ông phải nói là chuyển rất nhanh, nhưng rõ ràng là vẫn chưa theo kíp suy nghĩ của tôi, “Vậy thì là báo cáo bệnh án à? The New England Journal Of Medicine, trên tạp chí New England nhiều lắm”.

Tôi muốn nổi điên. Vậy là tôi chạy lên khoa ngoại, vốn là định đi tìm ông anh để than thở, cũng tiện để nghĩ cách giải quyết. Kết quả là lại gặp ngay Cố Tông Kỳ ở hành lang, anh không mặc blouse, chắc là vừa lên lớp về. Bước ra phòng bệnh thấy tôi anh hơi giật mình, rồi mỉm cười để giấu đi phút giật mình.

Lập tức tôi kéo anh ta lại hỏi, thái độ rất khiêm tốn: “Bác sĩ Cố à, anh đã từng đọc sách nào nói về bác sĩ, không phải là sách chuyên ngành đâu, kiểu như các câu chuyện xâu chuỗi với nhau, nhưng phải là sách nguyên bản bằng tiếng Anh cơ”.

Anh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Có phải sách kiểu như Sức sống không giới hạn không?”. Thấy tôi bị anh nói cho hồ đồ rồi, anh lại nghĩ ngợi một lát, nói: “Hay giống như Câu chuyện phòng cấp cứu?”.

Lúc này tôi đã hiểu ra rồi, mắt rực sáng, hỏi: “Có không anh? Là sách nói về tính nhân văn, sự quan tâm của bác sĩ ấy, là tác phẩm nguyên bản nhé”.

“Có, gần đây anh đọc một cuốn là When The Air Hits Your Brain – Tales of Neurosurgery, kể về bác sĩ ngoại khoa thần kinh, cũng giống như loại truyện em đang hỏi, rất hay”.

Mắt tôi như sắp chảy nước rôi, tôi nói: “Nhanh nào, anh có cuốn đó không, em muốn đọc, em phải dịch”.

Dường như anh bị bộ dạng sắp chết đói của tôi làm hoảng sợ, nên trịnh trọng gật đầu nói: “Có chứ, nhưng anh không để ở văn phòng, ở nhà cơ, có phải em đang cần gấp lắm không? Hay để anh về lấy nhé”.

Tôi cảm thấy làm người thì không thể đạt được điều mong muốn rồi mà còn lấn tới, nên tôi nghĩ một lát rồi bảo anh: “Cũng không phải là vội lắm, hay là mai anh trực thì mang tới cho em, rồi em qua lấy”.

Anh đưa mắt nhìn xuống, khẽ nói “Ừ”, sau đó đưa tay gạt sợi tóc rơi trước đuôi mắt qua tai. Nhờ thế mà tôi thấy được ngón tay thuôn dài của anh, được thấy chiếc gáy nhỏ nhắn, cả chiếc xương đòn thon dài, cuối cùng là cơ ngực như của Kosaku. Tôi đỏ bừng mặt, lòng cũng nóng rực, vội đi vào phòng bệnh của em gái ông anh.


Bọn họ đang xem ti vi, bên cạnh còn có một giường nữa, bà ấy đang trùm kín chăn, tôi còn nghĩ là do xấu hổ gì cơ, nhưng người nhà đứng bên lại hỏi không ngừng: “Mẹ còn thấy lạnh nữa không? Có cần đắp thêm một cái nữa không ạ?”.

Tôi thì cũng là đứa lắm chuyện, tự cho rằng mình là thiên sứ áo trắng luôn giúp người khác, liền hỏi: “Có chuyện gì vậy ạ?”

Người nhà liền trả lời: “Mẹ tôi đang sốt, cứ kêu lạnh thôi”.

Tôi thấy lạ, sau đó xem bệnh án của bà treo trên cọc, hóa ra hôm qua vừa làm phẫu thuật cắt trĩ, tôi mới nghĩ rằng bị sốt không thể là do nhiễm trùng sau phẫu thuật, nên nói luôn: “Thế sao anh không gọi bác sĩ đến xem sao?”.

Người nhà mới nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ: “Thì tôi nghĩ cô là bác sĩ cơ”.

Tôi nghĩ chẳng lẽ trông tôi giống vị bác sĩ nhân từ thế sao? Rồi họ nói một loạt tiếng địa phương gì đó và đi mất. Sau đó bác sĩ Cố có mặt, mang theo hai sinh viên thực tập, cởi cúc áo rồi nghe tim, có lẽ là nghe thấy âm thanh u u gì đó, xong chẳng nói lời nào rồi bỏ đi. Trong đầu tôi nghĩ có làm sao hay không thì anh cũng phải nói một câu chứ, người nhà bệnh nhân cũng không vội, đợi thêm mười phút nữa thì Cố Tông Kỳ quay lại, theo sau là một y tá đến tiêm decamathasone. Cố Tông Kỳ bước tới giường của cô em gái, hỏi thăm chút tình hình, cô bé nắm lấy một góc chăn, nói mỗi câu mà vừa chậm vừa dài, đợi Cố Tông Kỳ đi khỏi, ông anh mới hỏi: “Em phẫu thuật trung khu ngôn ngữ à?”.

Cô em lanh lợi cãi lại: “Cứ đợi khi nào anh phải nằm viện, mà nhìn thấy có cô y tá xinh đẹp thì anh mới hiểu được vì sao”.

Anh ta gãi đầu ngượng nghịu nói: “Chỉ mong rằng khi đó cô y tá xinh đẹp không phải nối ống dẫn nước tiểu cho anh là được”.

“Cho nên em mới rất thích bác sĩ Cố tới phòng kiểm tra bệnh tình, nhưng rất may là bác sĩ phẫu thuật chính lại không phải bác sĩ Cố”. Cô bé chống má nói rất thành khẩn, khiến tôi lại nhớ đến bộ phim Code Blue. Tôi vừa bước ra khỏi phòng vừa cười.

Nhưng vừa bước ra tôi gặp một ai đó, nhìn kỹ hóa ra là cậu sinh viên thực tập thô lỗ, trên tay đang bê ba hộp cơm, mỡ còn ngấm ra ngoài túi, tôi mới “á” một tiếng hỏi: “Món cá om cà tím của quán Tiêu Tương, ăn tối đấy à?”

Cậu ấy hi hi cười gượng, chạy vội vào văn phòng, sau đó tôi tránh đi, nghe thấy tiếng của Cố Tông Kỳ: “Các em chưa ăn cơm à, ăn đi rồi viết sau cũng được”.

Mùi thơm của món cá om cà tím và gà Cung Bảo bay ra làm tôi phải nuốt nước miếng. Nhìn đồng hồ treo ở hành lang, đã sáu rưỡi rồi.

Nhưng trời vẫn còn rất sáng, nhìn ra bên ngoài cửa sổ hành lang, bầu trời đỏ rực, đường chân trời xanh thẫm dường như hòa vào ánh đèn thành phố, sự tồn tại của tôi nhỏ bé biết bao. Giữa chân trời mọi thứ dường như đều trở thành hư vô, những âm thanh hỗn tạp bên tai, tiếng chuông điện thoại, tiếng rên la của bệnh nhân cũng tan dần. Tôi nhắm mắt để cảm nhận cơn gió nhẹ của trời thu, trong giây phút này tôi quên mất rằng mình đang ở trong bệnh viện, nơi gắn với tính mệnh con người. Bỗng nhiên cảm giác luồng gió thổi qua mặt như yếu đi, tôi mở mắt thấy cửa sổ bị khép bớt, Cố Tông Kỳ thì đang đứng cạnh tôi, nói với tôi bằng kiểu nói với bệnh nhân: “Gió to dễ bị cảm đấy em”.

Tôi tự tin nói với anh rằng: “Không sao đâu, sức khỏe em rất tốt”.

Rồi tôi lại không tin nổi nhìn anh một cái, chiếc thẻ trên ngực hình như là bức ảnh từ mấy năm về trước, trông anh lúc đó rất trẻ, hiện rõ vẻ non nớt. Còn bây giờ, tướng mạo không thay đổi mấy, nhưng đã chín chắn hơn rất nhiều, tính cách ôn hòa, khiêm nhường, lúc tiến lúc lùi, bình tĩnh điềm đạm. Tôi đoán có lẽ anh đã có người yêu rồi, chắc không còn là trai tân nữa.

Tôi hỏi anh: “Sao không đi trực vậy? Có vẻ như đang rất rảnh rỗi nhỉ?”.

“ICU[1] sắp tới hội chẩn bệnh nhân giường 42 nên anh ra ngoài thả lỏng tinh thần chút”. Anh cười nhẹ nhàng, “À đúng rồi, mai trước khi em đến nhớ gọi điện cho anh trước nhé, có thể anh đến khoa khác hội chẩn, cũng có thể ở phòng cấp cứu”.

[1] ICU – Intensive care Unit – đơn vị cấp cứu đặc biệt của bệnh viện.

“Vâng, nhưng em không mang điện thoại”. Nên tôi ngửa tay ra bảo anh: “Anh viết tạm vào đây vậy”.

Ông trời chứng giám, sao tôi có thể không mang điện thoại cơ chứ, chỉ là tôi muốn cân nhắc một lúc, tôi muốn để Cố Tông Kỳ để lại trên tay tôi dấu ấn khó quên bằng chính nét bút của anh, chủ yếu là nếu tay anh nắm lấy tay tôi thì tốt biết bao.

Nhưng anh hơi ngạc nhiên một chút rồi nói: “Như thế chữ dễ bị trôi lắm”. Rút trong túi ra một cây bút, xé quyển sổ cầm tay lấy một tờ, viết xong đưa cho tôi nói: “Giữ lấy nhé”.

Tôi còn chưa kịp xem thì điện thoại trong túi đỗ chuông, nhạc chuông là bài hát chính trong bộ phim Code Blue có tên là Hanabi. Tôi giật nảy mình, lời nói dối của tôi chẳng lẽ bị lột trần nhanh vậy sao?

Cố Tông Kỳ cười rất lịch sự rời đi. Bóng anh hòa vào màu tường xanh, ánh hoàng hôn hắt vào lưng anh. Người đàn ông này, đường vai thật gợi cảm. Tôi không hề muốn anh có người yêu chút nào, lúc đấy thật sự tôi đã nghĩ như vậy.

Bước từng bước xuống cầu thang, tôi gọi điện lại cho bố nuôi. Ông bảo ngày mai đi tắm suối nước nóng cùng ông. Vốn là tôi định từ chối, nhưng kết quả ông nói sếp tôi và viện trưởng cũng đi, nghĩ một lúc tôi lại đồng ý. Sau đó tôi ngồi ở sảnh tầng hai, ngắm nghía số điện thoại và nét chữ của Cố Tông Kỳ. Thật giống như ngón tay và đường vai của anh, cũng có thể làm người ta tim đập nhanh, mặt đỏ bừng. Nhưng khuôn mặt, cử chỉ, lời nói của anh đều đúng mực, trước giờ không vượt quá giới hạn. Tôi bắt đầu thấy đau đầu. Đã bao nhiêu năm rồi, giờ tôi mới lại thấy có chút phiền não, nên tôi lại định rụt vào vỏ ốc của tôi, tiếp tục sống tiếp những ngày tháng tự mình hài lòng, an nhàn thảnh thơi. Tôi không muốn gặp Cố Tông Kỳ, anh khiến cho cuộc sống của tôi trở nên điên đảo.

Tôi ngồi đó thẫn thờ, ánh đèn đại sảnh chiếu rọi mặt đất, tôi thấy thứ ánh sáng rực rỡ ấy thật nhức mắt nên đứng dậy chuẩn bị ra về. Nhưng sau lưng có người gọi tên tôi, quay lại mới thấy bức tranh hoa hướng dương đáng ghét đang ở trong tay Cố Tông Kỳ, cánh hoa vàng rực và màu xanh của lá tự nhiên khiến tôi có cảm giác thân thiết lạ thường.

“Bức tranh này…” không phải đáng lẽ phải ở phòng Dụ Lộ sao?

“Bức tranh này là của em phải không?”, anh cười hiền hòa nói: “Anh tới phòng cấp cứu làm phẫu thuật thì vô tình nhìn thấy nó dựng ở góc tường trong phòng vật lý trị liệu, có phải khi em tới thăm em gái bỏ quên không?”.

Tôi không nói được lời nào.


“Cầm lấy này, tác phẩm chủ nghĩa siêu thực của Van Gogh rất tuyệt vời, bông hướng dương rất đáng yêu”.

Tôi chỉ có thể tần ngần đưa tay ra đón lấy bức tranh nói: “Vậy thì em về đây”.

Anh quay lưng bước vào thang máy, tôi cầm bức tranh bước ra bên ngoài. Một mớ hỗn độn đang lẩn quẩn trong đầu tôi, tôi lại bắt đầu nhớ tới anh bác sĩ Kosaku điển trai, và cả kỹ thuật cắt khí quản của anh ta. Tôi mong rằng Cố Tông Kỳ chỉ là một hình tượng bác sĩ điển trai hư cấu trong các bộ phim truyền hình của đại lục, tôi nhìn thấy được nhưng không đạt được.

Tối hôm sau, tôi đi suối nước nóng cùng bố mẹ nuôi.

Tôi đến muộn, thấy chẳng có mấy người, nghĩ rằng sẽ chỉ có mấy người quen quen đấy thôi.

Vì ngồi máy tính lâu nên vai tôi thường bị đau nhức, có một lần còn bị ngất trong căng tin của trường. Tôi còn nghĩ rằng bị ung thư não gì gì đó, bố nuôi ấn vào lưng khiến tôi phải kêu oai oái.

Tôi nói, đại sư ấn cho cháu sướng quá.

Thế nên sau này ngày nào tôi cũng trèo tường.

Trèo tường ở đây không phải hiểu theo nghĩa bóng chỉ thứ tình cảm ngoài luồng[2], mà là một phương pháp điều trị viêm cơ vai. Cụ thể là chỉ người bệnh áp cánh tay vào tường, từ từ trèo lên, lên tới đỉnh rồi thì lại làm lại từ đầu.

[2] Trong tiếng Trung có một câu thành ngữ chỉ việc người phụ nữ có tình cảm khác ngoài chồng, âm Hán Việt là “Hồng hạnh xuất tường”, xuất tường có nghĩa là trèo ra khỏi bức tường (nghĩa bóng là giới hạn gia đình), đồng nghĩa với việc trèo tường.

Nhưng hình như bị lâu rồi mà hiệu quả không rõ rệt, nên tôi định dùng liệu pháp ngâm nước suối nóng xem sao.

Thực ra tôi là người rất sợ nóng, suối nước nóng thực ra là nước đun sôi bình thường. Tôi ngâm đến lúc không chịu được nữa thì trèo lên, mặc quần áo đi ăn lẩu Ishikarii nabe[3] đặc sản của Hokkaido cùng bố mẹ nuôi.

[3] Ishikari nabe: Món lẩu gồm hỗn hợp cá hồi, củ cải Nhật, hành tây, đậu hũ, bắp cải, tỏi tây và nấm đông cô.

Vì hầu hết các bác sĩ đều đã từng đi du học hoặc đi bồi dưỡng kiến thức ở Nhật Bản, đối với họ hương vị món ăn Nhật rất quen thuộc, nên họ đòi khẩu vị phải thế này thế kia.

Bố nuôi tôi đã từng đi tu nghiệp ở khoa Y trường đại học Tohoku, nên khi nói đến người Nhật cũng có thương có ghét.

Có một lần ông giảng về Y học Trung Quốc và Nhật Bản, có rất nhiều sinh viên đều là những thanh niên yêu nước, xôn xao bàn tán rằng bố nuôi tôi là do Nhật cử đến, không có lòng tự tôn dân tộc, đến khi buổi giảng kết thúc bố tôi đi xuống dưới lớp, đứng trước các học sinh mà nói rằng: “Tôi đã lấy bao nhiêu ví dụ về những cực đoan trong thể chế trị liệu của Trung Quốc và những tiến bộ của Y học Nhật Bản, mục đích chỉ có một, đó là hi vọng các em sau này có thể đứng trước bục giảng kia, có thể nói ra rằng cứ phải đi Nhật để tu nghiệp làm gì, Y học Trung Quốc đã đủ tuyệt vời rồi”.

Cuối cùng ông cũng đã giương cung dẹp tan những học sinh có suy nghĩ không hay.

Hầm đầu và trứng cá hồi, cho thêm cẩu bảo, nấm hương, nấm kim châm, miến, khi bày lên mâm thì cho thêm dầu sữa để tăng mùi thơm của nước dùng, đây chính là hương vị Ishikari nabe nổi tiếng của Hokkaido. Rồi hào nướng than, vắt thêm mấy giọt chanh, cả món ghẹ hoa thơm ngon nữa.

Lúc ăn tôi lại còn nhớ tới đám sinh viên thực tập với món cá om cà tím quán Tiêu Tương và Cố Tông Kỳ, thế nên có chút tâm hồn treo ngược cành cây. Một lúc sau viện trưởng và sếp tôi cũng tới ăn cơm, viện trưởng trông mấy món ăn Nhật là nhăn mặt.

Sếp tôi và viện trưởng vốn không hợp nhau, viện trưởng thì chỉ thích EE Cummings[4], Emerson[5], Thoreau[6], suốt ngày chỉ nghiên cứu lĩnh vực đấy. Còn sếp tôi thì cứ coi thường, ông nghĩ rằng những thứ không kiếm được tiền đều là rubbish (Vật vô giá trị, người thừa), cho nên bọn tôi sau lưng viện trưởng đều gọi ông là rubbish. Về sau chẳng hiểu sao sếp tôi lại biết được, nói rằng khi gọi là fast food (Đồ ăn nhanh) có khi lại hay, và gọi tắt là FF.

[4] Là nhà thơ, nhà soạn kịch, họa sĩ, nhà văn người Mỹ (1894 – 1962).

[5] Ralph Waldo Emerson (1803 – 1882) là nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và triết lý siêu việt.

[6] Henry David Thoreau (1817 – 1862), là nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học mẫu mực người Mỹ.

Và thật trùng hợp, viện trưởng lại có họ là Phó.

Mà ông rất ghét mọi người gọi ông là Viện Trưởng Phó[7], vì như thế dễ khiến người khác hiểu rằng học viện chúng tôi không có viện trưởng.

[7] Cách phát âm Vinệ trưởng Phó (Fu Yuanzhang) giống như cách phát âm phó viện trưởng (cũng là Fu yuanzhang).

Sếp tôi bước tới, mở miệng là nhắc: “Quyển sách kia đọc tới đâu rồi?”.


Tôi cười ha há, vẫn chưa trả lời thì viện trưởng nói: “Chẳng mấy khi có dịp đi chơi, thôi đừng nhắc mấy cái chuyện biên dịch sách vở đấy nữa, đời người lúc nào cần hưởng thụ thì cứ hưởng thụ đi đã”.

Sếp tôi mới “hứ” một tiếng, gọi một đĩa thịt bò bít tết tái, viện trưởng ngồi cùng mâm với bố mẹ nuôi tôi, hỏi mấy câu rất đời thường rằng: “Dụ Tịch có phải là chưa có người yêu không? Có cần phải giới thiệu cho em một anh không?”.

Tôi cũng đáp luôn: “Có ạ”.

Bố nuôi tôi thì liên tục nháy mắt với tôi, nghĩ một lúc tôi cũng định đính chính lại, viện trưởng Phó tỏ ra rất vui vẻ nói: “Cháu trai bác trong cũng được, điều kiện gia đình cũng tốt, bản thân nó càng không có gì phải bàn, là bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Đông Hoa”.

Lập tức có người nói ngay: “Dụ Tịch chắc biết người đó, là Cao Y Thần đấy”.

Giờ tôi mới hiểu vừa rồi tại sao bố nuôi tôi lại cứ nháy mắt.

Tôi còn biết nói sao nữa, chỉ đành gật đầu: “Dạ biết ạ”.

Viện trưởng càng vui nói: “Biết nhau thì tốt quá rồi, cháu thấy sao?”.

Nếu mà gán ghép tôi với Cao Y Thần thành một đôi thật thì đúng là xong chuyện. Cả đời tôi sống trong cái bóng bắt gian và chống lại bắt gian. Nên tôi mở tròn mắt vẻ ngây thơ vô tội, tỏ ra như rất ngạc nhiên nói: “Không phải anh Cao có bạn gái rồi ạ? Lần trước cháu còn gặp hai người tay trong tay đi dạo phố, tình cảm lắm”.

Rồi còn tỏ vẻ như rất ngại nói: “Viện trưởng à, liệu bác có thể giới thiệu cho cháu ai đó còn độc thân được không ạ? Chứ phải làm người thứ ba thì cháu không làm được đâu”.

Mọi người cười ha ha, kể cả cái điện thoại đang nằm yên trong túi tôi cũng rung liên hồi.

Tôi nghĩ có khi mình bị trúng tà mất rồi, là điện thoại của Cao Y Thần gọi.

Không ngờ anh ta cũng tới đây cùng chúng tôi, tôi thấy nản, những lời vừa nãy chắc cũng lọt đến tai anh ta ít nhiều rồi. Anh ta bảo tôi ra ngoài nói chuyện, tôi cũng chỉ đành nghe theo.

Đã rất tối rồi, màn đêm đã bao phủ hoàn toàn. Tôi tới cái đình đằng sau sàn, ở đó có một cái cây rất cổ, gió thổi, lá kêu xào xào, giống như chuông gió được treo trên bầu trời, thi thoảng có chiếc lá khô rơi xuống chân. Đó chính là tiếng thu.

Khẽ nghiêng đầu dựa vào lan can, tôi cảm thấy hình như có người đang giật giật tóc tôi. Dưới ánh sáng mờ mờ tôi phát hiện ra ngón tay của Cao Y Thần đang đan vào mái tóc tôi, mờ ảo khiến người ta thấy hơi run sợ.

Tôi hơi nghiêng mặt nói: “Ối, đừng giật tóc em, em không muốn còn trẻ thế mà đã phải dùng Bá Vương[7] đâu”.

[7] Bá Vương là thương hiệu dầu gội đầu dành cho những ai bị rụng tóc, hói đầu.

Đuôi mắt anh ta rất nịnh, tôi thấy Cao Y Thần có một vẻ bề ngoài rất hút gái, hơn nữa lại trở thành một khí chất lười biếng phong lưu.

Một nụ cười bay ra từ khóe miệng anh ta: “Không, anh chẳng trêu ghẹo em nào hết, toàn là các em ấy trêu ghẹo anh thôi, chỉ có duy nhất một người anh vẫn đang chọc ghẹo chính là em đấy”.

Cái kiểu tán tỉnh lộ liễu thế, tôi không hiểu mới lạ.

Tôi cười, đành tròn mắt nói: “Nếu vậy thì em phải cảm tạ ân sủng của hoàng thượng rồi?”.

“Không cần khách sáo đâu em”. Anh ta chẳng ngại ngùng gì lấy tay vén tóc tôi qua tai, ngón tay mát lạnh trượt dần từ trên xuống dái tai, tôi run run, liền tỏ ra phật ý.

“Cao Y Thần, em thấy hai đứa mình nói chuyện thật vô vị”, tôi nhìn giờ, đã không còn sớm nữa, nên dứt khoát nói: “Thôi, em về đây, nói chuyện với anh chẳng nói được điều gì trọng tâm cả”.

Tôi đứng dậy định đi thì bị anh ta kéo lại, dưới ánh đèn mắt anh đảo liên hồi. Tay anh ta trắng như thế, dài như thế khiến người ta có thể nghĩ miên man, nhưng không có cảm giác an toàn như với Cố Tông Kỳ.

Anh ta gượng cười nhìn tôi: “Tịch Tịch à, không phải là em thích Cố Tông Kỳ đấy chứ?”.

Tôi không nói gì, lòng đang rồi bời với muôn vàn suy nghĩ.

“Nhưng em nói là không muốn theo đuổi một tình yêu không thực tế cơ mà. Anh nói cho em biết Cố Tông Kỳ đã có người yêu, chẳng lẽ em muốn hạ mình đi làm người thứ ba? Nếu như em muốn như thế thì vừa nãy ai nói rằng những chuyện như vậy cháu không làm nổi?”.

Lần đầu tiên tôi thấy anh ta nhanh mồm nhanh miệng thế, tôi bực mình nói: “Có con chó mới nói thế”.

Anh ta cười phá lên, lắc đầu nói: “Được, Dụ Tịch à, vậy thì anh sẽ xem xem em có biến thành con chó không nhé”.

Tôi hất tay anh ta ra, bước về phía đại sảnh, không thèm quay đầu lại nhìn. Đầu tôi đang muốn nổ tung, sao Cố Tông Kỳ lại có người yêu rồi chứ? Vì sao vậy? Rốt cuộc là vì sao?

Thật không giống như trong tiểu thuyết tình cảm, những anh chàng đẹp trai thường độc thân, vẫn còn “trong trắng”, chờ nữ chính tới “chà đạp”.

Cái giọng đáng ghét kia vang lên rõ ràng: “Tịch Tịch, từ giờ đến khi em hai mươi lăm tuổi vẫn còn hai trăm bốn mươi ba ngày đấy”.

Trời đã khuya lắm rồi, một mình tôi đi trong khuôn viên bệnh viện Đông Hoa. Cái thành phố sầm uất này vẫn thanh bình trong tiếng ca hát và ánh đèn xanh đỏ. Hai bên đường um sùm toàn cây ngô đồng, thân cây tuy đã nhuốm màu thời gian nhưng lá vẫn rất um tùm.


Đó chính là hơi thở của sự sống, mặc dù là vậy nhưng lá cũng sẽ dần khô héo và rụng đi.

Ánh đèn sáng trắng, bao trùm khắp mặt đất từ cổng viện đến tòa nhà, bước chân lên như đang đi dạo trên tuyết.

Tôi vào thang máy, ấn tầng sáu, nhưng lập tức thấy hối hận nên lại ấn tầng năm, để đối diện với Cố Tông Kỳ tôi cần chút thời gian chuẩn bị tâm lý.

Bước từng bước nặng nè, các phòng bệnh dường như đã tắt đèn. Ở bàn y tá cũng chỉ còn mỗi một cô đang viết hồ sơ bệnh án. Tôi tiến tới xem, thấy tay cô ấy vừa nghiêng cái, bút đã lăn đi rõ xa và cô ấy tỉnh giấc.

Tôi nhìn cô ấy vẻ thông cảm, trong lòng thấy hơi bồn chồn.

Có thể trong đêm yên tĩnh thế này, tôi rón rén vào văn phòng bác sĩ. Một vị bác sĩ nội trú đang nằm bò trên bàn ngủ, một sinh viên thực tập khóa ba thì chắc là vừa tỉnh ngủ nên chẳng quan tâm đến sự có mặt của tôi, ngất ngưởng mò vào phòng vệ sinh.

Cố Tông Kỳ thì đang ngồi trước máy tính, chống tay lên trán, mắt nhắm nghiền.

Trên màn hình máy tính là sơ đồ bệnh án của hai mươi lăm bệnh nhân, ánh sáng hắt vào khuôn mặt anh, lúc này trông anh thật đẹp. Anh cứ yên lặng ngồi im như thế trước mặt tôi, giống như một bức tranh cổ nhuộm màu thời gian. Tôi không lên tiếng cứ nhìn anh như thế, tôi nghĩ giờ cứ nhìn anh thêm một chút, biết đâu sau này chẳng còn cơ hội.

Ai bảo anh có người yêu cơ chứ, ai bảo tôi là một con người đạo đức.

Sau lưng vang lên tiếng ai đó uể oải nói, là cậu sinh viên thực tập vừa nãy: “Chào chị, chị tìm bác sĩ Cố à?”.

Tôi vẫn chưa kịp phản ứng thì anh mở mắt nhìn tôi, giây phút ấy ánh mắt tôi chạm với ánh mắt mệt mỏi, mơ hồ và yếu đuối của anh, nhưng chỉ trong tích tắc, nó biến mất. Anh chớp chớp mắt nói: “Ơ, là em à?”.

Có thể là lâu quá không mở miệng nói, nên giờ cổ họng tôi tự nhiên lại không nói nên lời, mất một lúc lâu sau mới “ừ” được một tiếng.

Anh đứng dậy rót nước cho tôi, lấy trong ngăn kéo ra một quyển sách, đưa cho tôi nói: “Chính là quyển này đây”.

Tôi sướng điên lên, lật trang đầu tiên đọc một lúc rồi lại lật đến đằng sau, nhận ra đúng là câu chuyện mà anh nói, nói về bác sĩ khoa Thần kinh, có điều là rất nhiều từ chuyên ngành mà tôi chẳng hiểu gì hết.

Anh kéo ghế cho tôi ngồi, lại rót thêm nước rồi ngồi xuống cạnh tôi dùng máy tính.

Được một lát, tôi hỏi mà không thèm ngẩng đầu lên: “Có từ điển không anh?”.

“Có từ không biết hả?”.

Tôi không dám rời mắt khỏi đoạn văn dài khoảng mười sáu từ ấy, nói: “Vâng, từ chuyên ngành nhiều quá”.

Anh quay sang nhìn rồi nói: “Có nghĩa là điện tâm đồ, đây là phẫu thuật mổ sọ não, anh nói chầm chậm, em ghi lại nhé, đừng vội”.

Tôi thấy Cố Tông Kỳ có thể làm một quyển từ điển sống rồi, thậm chí còn là từ điển chuyên ngành đa chức năng.

Từng cơn gió thu đêm thổi nhè nhẹ, lướt qua mặt tôi, thổi bay sợi tóc ngắn trước trán anh, lật những trang sách của tôi và anh, thổi xô trái tim vốn đã từ lâu không nổi sóng.

Một chiếc là không biết vì sao lại rơi xuống bàn.

Những đường gân lá mảnh mai, trong sắc vàng khô vẫn giữ lại chút sắc xanh, màu sắc thuần khiết, tự nhiên nhất của tự nhiên bỗng nhiên tôi lại nhớ tới bài thơ Sống như hoa mùa hạ của Tagore[8]: “Em đã thấy tình yêu, em tin vào tình yêu; Tình yêu như chiếc đầm đầy tảo lam; giống như một cơn gió se lạnh; len lỏi vào từng huyết mạnh đang thiếu máu của em; chiếm giữ lòng tin vào năm tháng”.

[8] Rabindranath Tagore (1861 – 1941) là một nhà thơ Bengal, triết gia, nghệ sĩ, nhà viết kịch, nhà soạn nhạc và tiểu thuyết gia. Người đoạt giải Nobel đầu tiên của Ấn Độ.

Đột nhiên tôi lại trở nên đa cảm.

Anh nhẹ nhàng nhặt chiếc lá, cười và nói với tôi: “Em biết không, anh nhớ tới câu thơ cuối cùng trong bài Sống như hoa mùa hạ của Tagore: Bát nhã ba la mật, từng tiếng từng tiếng; thì hãy sống như hoa mùa hạ và chết như chiếc lá mùa thu, ta còn muốn những gì nữa”.

Tôi ngẩn người, chưa đợi tôi mở miệng, điện thoại phòng trực đã reo lên.

Trong đêm tĩnh vắng, không khí yên ắng ngoài hành lang chợt bị phá tan, tôi thấy tiếng cô y tá bên kia hô hào: “Cấp cứu, cần kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng”.

Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì Cố Tông Kỳ quay sang nói với tôi: “Xin lỗi em, kiểm tra lại phẫu thuật mổ bụng chắc phải mất thời gian lắm, muộn như thế này rồi, nếu em thấy về không an toàn thì cứ ở lại đây đợi, lát nữa anh gọi xe cho em.

Nói xong anh chạy vội đi, ống nghe còn treo trên cổ anh, theo sau là một bác sĩ nội trú, hai sinh viên thực tập, cảnh ấy sao mà giống các bác sĩ cấp cứu trong Code Blue vậy.

Tôi cầm cuốn sách của anh, đứng ngoài hành lang lạnh lẻo đợi thang máy.

Trong đầu tôi lại nhớ tới lời của Cao Y Thần và cả hình ảnh của Cố Tông Kỳ, cái tên khốn Đồng Nhược Thiên kia có khi đã bị tôi cho vào quên lãng rồi.

Thế nên tôi mới rất vui, đúng là cái mới chưa tới thì cái cũ chưa đi, nhưng tôi mất những ba năm mới nhận ra điều đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui