Ngày 5 tháng 9 năm 2015, liên lạc với Tào An Đông. File ghi âm cuộc gọi 201509051814.mp3.
“Alô, chào ông Tào, đã làm phiền ông.”
“À, xin chào, xin chào... Các cậu... điều tra được gì rồi sao?”
“Tạm thời còn chưa có. Tôi muốn hỏi một chút, ông có biết về một phong tục tập quán ở quê ông không? Chính là cái phong tục khi có ai đó qua đời thì phải treo chuông gió trước cửa nhà...”
“Đúng! Phải treo chuông gió trước cửa nhà! Lúc ông bà nội và ông bà ngoại của tôi qua đời thì đều như vậy cả, phải treo chuông gió, nhà nhà trong thôn đều phải treo. Họ sẽ đi thông báo cho từng nhà một để treo lên, sau khi trời tối thì người nhà sẽ đem thi thể của người đã khuất đi chôn cất, những người khác đều phải đóng chặt cửa lại, không được đi ra ngoài, ngay cả nến cũng không được thắp. Đợi khi người đã khuất ra khỏi thôn rồi mới có thể...”
“Mới có thể làm gì?”
“Mới có thể mở cửa rồi tháo chiếc chuông gió xuống...”
“Ông Tào?”
“Con chó đó...”
“Là con chó bị thắt cổ chết kia sao?”
“Không có... Bọn họ không có treo chuông gió...”
“Hả? Ông Tào, ý của ông là nếu vật nuôi trong nhà bị chết thì cũng phải treo chuông gió giống như lúc người nhà qua đời sao?”
“Không phải, không phải toàn bộ vật nuôi đều phải làm như vậy, những con gà, con vịt nuôi trong nhà thì không tính, nhưng nếu là nuôi như thú cưng… không phải kiểu nuôi xong để bán hay nuôi xong để ăn thịt thì đều phải... Lúc tôi còn nhỏ, ông nội tôi có nuôi một con chim, con chim đó đã bị con chó nhà tôi cắn chết, vẫn phải treo chuông gió rồi thông báo cho những nhà khác. Đến tối, cả nhà chúng tôi cùng nhau chôn cất xác con chim đó. Con chó kia chắc chắn không phải là chó để nuôi xong lấy thịt! Trong thôn không có nhà nào nuôi chó vì mục đích làm thịt, chỉ nuôi heo thôi... Bọn họ không có treo chuông gió... Còn đem nấu...”
“Không có treo chuông gió mà còn biến nó thành một món ăn, cái này ở quê của ông thì có nghĩa là như thế nào?”
“Không đưa đi mai táng, vậy thì cái thứ đã khuất kia sẽ không rời khỏi... sẽ không rời khỏi đó đâu... Nó… chắc chắn là con chó đó, là con chó đó! Bọn họ chắc chắn là muốn hãm hại tôi theo cách này.”
“Chúng tôi không nhìn thấy có hồn ma nào đang bám theo ông cả.”
“Hả?”
“Quê nhà của ông trước mắt thì rất yên bình, không phải là loại địa phương có yêu ma làm loạn.”
“Tôi... Vậy thì tôi cũng... Tôi cũng không biết nữa... Thật sự không phải là do chuyện đó sao? Tôi cảm thấy vấn đề nằm ở chỗ này đấy...”
“Chỗ cha mẹ ông, ông đã hỏi chưa? Về chuyện gia đình ông và người dân ở quê cắt đứt liên lạc.”
“Có hỏi rồi, cũng không có gì đặc biệt cả, chỉ là do quá bận rộn, vả lại cũng không còn người thân sống ở đó nữa, bởi vậy mới cắt đứt liên lạc. Tôi... Tôi vẫn cứ cảm thấy nguyên nhân gây ra những chuyện này chính là con chó đó...”
“Vậy chúng tôi sẽ để ý việc này hơn. Ông có còn nhớ chủ của con chó đó là ai không?”
“Không biết, tôi không quen người đó. Nhưng nếu gặp được người đó thì tôi chắc chắn sẽ nhận ra anh ta, tôi vẫn còn nhớ rõ khuôn mặt của anh ta, nhưng mà anh ta là ai thì tôi cũng không biết.”
“Được rồi. Làm phiền ông nãy giờ, ông Tào.”
“Haizz, không có gì… Không có gì... Các cậu… Các cậu phải mất bao lâu mới có thể điều tra rõ ràng chuyện này?”
“Về mặt này thì chúng tôi không thể khẳng định được. Những người dân sống ở quê ông không chịu hợp tác điều tra với chúng tôi.”
“Ồ.”
Ngày 6 tháng 9 năm 2015, đi đến thôn Từ Đường một lần nữa. Liên lạc với Bí thư uỷ ban thôn là Trịnh Hồng. File ghi âm.
“Chào ông, Bí thư Trịnh.”
“Chào các cậu. Khụ, khụ khụ. À, các cậu là...”
“Đây là thẻ công tác của chúng tôi.”
“Ồ... Tờ báo này được phát hành ở địa phương đúng không?”
“Đúng vậy, ở thành phố Dân Khánh cũng đang tiến hành tịch thu những vùng đất nông nghiệp ở vùng ngoại ô, vì vậy mà toà soạn cử chúng tôi đến đây để phỏng vấn về chuyên mục này. Chúng tôi đã lựa chọn một vài thôn làng điển hình để phỏng vấn. Ngoại trừ thôn này ra, còn có một vài phóng viên cũng đang tiến hành phỏng vấn người dân ở một số thôn khác. Sau đó sẽ căn cứ vào tình hình rồi bên phía đài truyền hình chúng tôi sẽ lựa chọn một vài thôn điển hình để tiến hành đưa tin một cách chi tiết và cụ thể. Làm như vậy cũng là góp phần thực hiện chính sách đổi mới của nhà nước ta...”
“Đúng, đúng, đúng, chúng ta phải hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, chúng tôi cũng nghĩ như vậy.”
“Nhưng theo như những gì hôm qua chúng tôi thấy được thì ở vùng này đã có một vài công xưởng nhỏ, nhưng đều bị bỏ hoang. Thái độ của những người dân sống ở đây cũng có chút kì lạ. Gần đây có phải đã xảy ra chuyện gì đặc biệt không?”
“Chuyện này à, chủ yếu là do mọi người đều chưa hiểu rõ được tầm quan trọng và những lợi ích của việc thay đổi môi trường sống. Bên uỷ ban thôn chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền và giới thiệu công việc, trước mắt cũng đã bắt đầu có hiệu quả nhất định. Và đương nhiên, chúng tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa...”
“Bí thư Trịnh, ông có thể lược bớt những lời sáo rỗng này. Nói thật lòng thì xét về mặt tịch thu đất đai, thay đổi môi trường sống thì thôn Từ Đường vẫn chưa được tính là một ví dụ điển hình đâu, kết quả mà bên phía các ông đưa ra cũng không được xem là tốt lắm, chứ càng đừng nói đến hoàn hảo.”
“...”
“Chúng tôi cảm thấy rất tò mò, không biết thôn của các ông có từng xảy ra chuyện gì thú vị không?”
“Ý cậu là sao?”
“Ngoài ra chúng tôi còn có cung cấp bản thảo cho công ty này. Ông có thể hiểu là chúng tôi làm thêm, kiếm thêm thu nhập. Bọn họ là công ty truyền thông mạng, chính là một số tin tức mà ông đọc được trên mạng, ngoài ra còn có một số tin nóng, tin mật mà ông thường thấy trên những trang mạng xã hội, diễn đàn… đều là do công ty này sắp xếp nội dung, sau đó từng chút một mà đăng lên mạng. Một vài tin nóng trong xã hội cũng đều do công ty này tung ra. Ông chắc cũng sử dụng internet mà đúng không?”
“Ừ, tôi hiểu. Các cậu… quả thật có chút đáng sợ, hờ hờ... Tôi còn nhớ hai năm trước, có một viên chức nhà nước bị tung tin là trên tay ông ta đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền thì phải? Rồi còn cái gì nữa...”
“Đúng vậy, chính là những bài báo giống như vậy. Trên thế giới này có rất nhiều những sự trùng hợp, có điều một vài chuyện thì không phải là do trùng hợp đâu.”
“...”
“Bí thư Trịnh, ông không cần phải lo lắng, chúng tôi không có hứng thú với những tin tức nội bộ của uỷ ban thôn. Nói thật thì các ông cũng không có gì đáng để chúng tôi đưa tin. Chúng tôi nghe nói thôn Từ Đường có lịch sử lâu dài, nhưng lại không giữ lại được cái đền thờ gia tộc hồi xưa kia, đúng không?”
“Về cái này thì chúng tôi cũng cảm thấy rất đáng tiếc, nhưng đây là vấn đề lịch sử, thời đại đó… Phóng viên như các cậu đây hiểu biết nhiều như vậy, chắc hẳn cũng có nghe qua chuyện nơi này từng xảy ra chiến tranh rồi chứ nhỉ? Cái đền thờ cổ đó đã bị bom đạn phá huỷ. Chúng tôi cũng bất đắc dĩ, cũng từng nghĩ đến chuyện sẽ xây lại...”
“Ngoài ra còn có một vài truyền thống ở thôn Từ Đường.”
“Hả?”
“Theo như những gì mà chúng tôi biết, nếu trong thôn có ai đó qua đời thì nhà nào cũng phải treo chuông gió trước cửa nhằm dẫn đường cho người đã khuất. Là như vậy đúng không?”
“...”
“Bí thư Trịnh? Chuyện này có vấn đề gì sao?”
“Cái đó, các cậu có từng điều tra bối cảnh của thôn Từ Đường chưa?”
“Ông muốn chỉ đến phương diện nào?”
“Tôi… Thật ra tôi mới đến đây không được bao lâu, tôi vốn không phải là người sống ở vùng này. Lúc ban đầu tôi cũng không biết những chuyện này. Nhưng có một lần, có một người già trong thôn vừa mới qua đời, người nhà của ông ấy kể cho tôi nghe chuyện này. Vì công việc nên tôi phải dọn đến đây. Hôm đầu tiên thì có người tặng cho tôi một chiếc chuông gió, có giới thiệu một lần cho tôi biết. Lần đầu tiên, tôi cũng không để ý đến chuyện này; đến lần thứ hai, tôi cảm thấy có gì đó rất kì lạ. Chính là cái quy định mà bọn họ đặt ra, lúc buổi tối đưa tang, trước khi dòng người đưa tang ra khỏi thôn thì không được bật đèn hay mở cửa. Dòng người đưa tang vừa ra khỏi thôn thì phải lập tức tháo chuông gió xuống. Vậy thì chắc là phải có tín hiệu gì đó chứ, chẳng hạn như là đội ngũ đưa tang kêu lên báo hiệu tháo chuông gió, đúng không? Ở đây có một số người nói tiếng địa phương nhưng cũng không hay nói chuyện lắm. Tôi cảm thấy truyền thống này có thể sẽ dùng đến, nên cố gắng hỏi thăm thật kĩ.”
“Ừ. Sau đó thì sao?”
“Bọn họ... Có một người nói với tôi rằng chỉ cần nghe chuông gió ngừng rung thì có thể tháo được rồi. Như vậy không phải là rất kì lạ sao? Hơn nữa khi tôi treo chuông gió lên... treo lên thì không có gió mà nó lại rung. Từng nhà từng nhà một rung lên, không hề có gió. Chuyện này có chút đáng sợ. Lúc đó tôi định rời khỏi đây, tôi còn có một căn nhà ở trên thị trấn, trước đây tôi sống ở đó. Nhưng bọn họ nói là không được, chuông gió đã được treo lên rồi thì phải đợi đến buổi tối, sau khi dòng người đưa tang ra khỏi thôn đem tháo chuông gió xuống rồi mới được rời khỏi đây. Tôi chỉ đành đợi đến buổi tối.”
“Buổi tối đó đã xảy ra chuyện gì?”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...