Tâm trạng đau khổ của Gia Cát Văn kéo dài trong một vài phút. Ông ta thở hổn hển, đứng thẳng người dậy, đi vào nhà bếp để lấy nước uống. Sau khi quay trở lại trong phòng vẽ tranh, ông ta như không có chuyện gì mà dựng lại cái khung vẽ đã bị ngã, đổi một cái bảng vẽ khác, đem cái bảng vẽ lúc nãy ném vào trong túi rác, lau những vết mực, vết màu loang lỗ trên đất... Ông ta làm những việc này một cách thành thạo và nhanh gọn.
Hơn nửa tiếng đồng hồ đã trôi qua, ông ta lại lần nữa bắt tay vào việc vẽ tranh, chỉ đơn thuần là vẽ tranh phong cảnh, không có người nào cả. Phong cách vẽ tranh của ông ta vẫn không có thay đổi gì so với những bức tranh tôi nhìn thấy trước đó, tĩnh mịch và tươi đẹp.
Cảnh mộng lại lần nữa có sự thay đổi.
Gia Cát Văn đang nằm trên một cái máy kiểm tra sức khoẻ ở trong bệnh viện và vừa tiến hành kiểm tra xong.
Cảnh mộng có sự thay đổi một cách nhanh chóng, khá giống với phong cách quen thuộc trong cảnh mộng trước đây.
Dựa vào hiệu ứng dựng phim, tôi tiếp thu được lượng thông tin khá lớn.
Một người hoạ sĩ trẻ tuổi có tài năng, được mọi người khen ngợi, có khối u não, phải tiến hành trị liệu...
Gia Cát Văn nhìn về phía quản lí của mình, người chuyên phụ trách triển lãm và rao bán những bức tranh của ông ta và cũng là người chăm lo cho cuộc sống hằng ngày của ông ta: “Tôi không nhớ ra.”
Quản lí giật mình nói: “Anh bị mất trí nhớ à?”
Gia Cát Văn bối rối nói: “Tôi không nhớ ra tên của cô ấy, không nhớ nổi mặt của cô ấy.”
“Ai cơ?” Quản lí cảm thấy khó hiểu.
“Không biết... Không biết là ai, nhưng là một người rất quan trọng, tôi không nhớ nổi... Tôi làm sao cũng không thể nhớ được...” Gia Cát Văn thở hổn hển, đưa tay gõ vài cái lên đầu mình.
Quản lí vội vàng ngăn ông ta lại, lên tiếng khuyên nhủ: “Anh có thể chỉ là trong lúc nhất thời không nhớ ra thôi. Nếu không thì anh hãy xem thử danh bạ điện thoại, album ảnh, hẳn là sẽ có ghi lại tên của cô ấy hoặc là ảnh chụp của cô ấy chứ?”
Hai người bắt đầu lật tìm, thế nhưng mỗi lần lật đến hình một cô gái nào thì ông ta đều nói là không phải.
“Không phải.”
“Không phải cái này.”
“Không phải cô ấy.”
“Không đúng.”
...
Vào lúc quản lí sắp không còn kiên nhẫn nữa, Gia Cát Văn bỗng nhìn thấy có một con chim bay ngang qua cửa sổ.
“Chim... Chim nhỏ... Chim sẻ... Chim ưng... Bồ câu...” Gia Cát Văn bắt đầu lẩm bẩm một mình.
Quản lí có chút nổi da gà mà nhìn chằm chằm về phía Gia Cát Văn.
Trạng thái tinh thần lúc này của Gia Cát Văn quả thật là có chút kì lạ, ông ta giống như một người điên vậy.
Trong lòng tôi đang nghĩ, chẳng lẽ bởi vì nguyên do như vậy mà những bức tranh của ông ta mới có linh hồn của chính mình, còn là linh hồn của quái vật nữa sao?
“A Văn à... Anh đang nói gì đấy?” Quản lí hỏi với vẻ thấp thỏm.
Đột nhiên Gia Cát Văn quay đầu, dọa cho quản lí xém té ngửa ra sau.
“Là chim... là tên của một loài chim.” Gia Cát Văn nói.
“Cái thứ mà anh quên mất là một con chim sao?” Quản lí hỏi tiếp.
“Không phải, là người... là một cô gái, nhưng tên của cô ấy giống tên của loài chim, là chim gì nhỉ...” Gia Cát Văn lại bắt đầu cảm thấy đau đầu.
“Có phải là người mà trước đây anh thầm mến không?” Quản lí đưa ra giả thiết, “Anh nói rằng không tìm được ảnh chụp của cô ấy trong album ảnh và danh bạ, rất có thể đó chính là người anh thầm mến, anh từng nghe qua tên của cô ấy ở đâu đó, hoặc là do cô ấy tự giới thiệu, sau đó anh liền ghi nhớ lại cái tên đó... Cái này... lãng quên thì cũng đâu có sao nhỉ?”
Gia Cát Văn đưa mắt liếc quản lí, anh ta buộc phải đem những lời sắp nói ra đó nuốt trở lại vào trong.
Gia Cát Văn vừa nhìn chằm chằm quản lí vừa nói: “Cái này rất quan trọng, vô cùng quan trọng, không thể nào quên được.”
Quản lí chỉ đành gật đầu.
Tôi nhìn vào ngày tháng trên tấm lịch treo tường.
Lúc này là khoảng thời gian trước khi Gia Cát Văn đến bệnh viện kiểm tra phát hiện khối u não, có thể là vì khối u não kia nên ông ta mới quên mất cái tên đó.
Thời gian của giấc mơ có chút nhảy loạn.
Cảnh tiếp theo là sau khi Gia Cát Văn tiếp nhận trị liệu được một khoảng thời gian.
Ông ta không còn cố nhớ lại cái tên đó nữa, cũng không còn điên cuồng như lúc trước.
Có thể nói, đây là công lao của quản lí và của cả bác sĩ nữa.
Dưới sự đề nghị của quản lí, Gia Cát Văn vẽ lại bóng lưng của cô gái đó, tuy rằng nhìn không thấy mặt, chỉ có bóng lưng của cô ấy thôi, nhưng như vậy cũng đủ khiến cho tâm trạng của Gia Cát Văn bình thường trở lại.
Quản lí đặt tên cho một loạt những bức tranh của ông ta là “Người Yêu Của Tôi”, sau khi đánh số xong thì đem đi triển lãm và đấu giá.
Gia Cát Văn cũng có chút danh tiếng trong giới, nhưng tác phẩm tiêu biểu của ông ta không phải là “Người Yêu Của Tôi”, mà là những tác phẩm ông ta vẽ thời còn trẻ - một loạt những bức tranh trừu tượng.
Tôi không hiểu những bức tranh của ông ta có ẩn ý gì không, tôi chỉ nhìn thấy có rất nhiều mảng màu trong những bức tranh đó, điều đó khiến cho tôi nghĩ đến “trò chơi“. Chẳng biết có phải vì thế nên tôi mới không thích tác phẩm của Gia Cát Văn hay không. Cũng có thể do tôi nhìn thấy những con quái vật kia nên mới không hề ưa thích các tác phẩm nghệ thuật của ông ta.
Rhaego mua rất nhiều bức tranh “Người Yêu Của Tôi”, sau đó đem chúng treo ở trong khách sạn.
Gia Cát Văn đi xem qua những bức tranh, cũng chỉ đi xem qua thôi.
Từ đó trở đi, Gia Cát Văn hình như không còn mối liên hệ gì với khách sạn đó nữa.
Tôi không cảm nhận được chấp niệm mạnh mẽ của ông ta. Sau khi chết, ông ta cũng nhanh chóng đi đầu thai, không hề biến thành ma.
Có lẽ nguyên nhân là bởi vì cái chén sứ kia và trận pháp trong khách sạn đã khiến cho những bức tranh tự nảy sinh ra một linh hồn riêng.
Gia Cát Văn thật sự là vô tội.
Tôi khó có thể ra tay giết chết Gia Cát Văn. Vào lúc này, tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Có gì đó chợt loé lên trong đầu, tôi chợt nghĩ được một cách có thể nói là vẹn cả đôi đường.
Chỉ cần quay lại quá khứ, khám phá người yêu của Gia Cát Văn là ai, sau đó nghĩ cách nói cho Gia Cát Văn biết, chẳng phải như vậy là được rồi sao? Gia Cát Văn không quên cô ấy và sẽ không có “Người Yêu Của Tôi”, không có những con quái vật kia.
Nhưng tôi có thể tự do điều khiển giấc mơ sao?
Tôi thường xuyên không thể điều khiển được giấc mơ, hiệu ứng dựng cảnh trong giấc mơ cũng không phải do tôi làm chủ.
Tôi đang do dự thì lại phát hiện giấc mơ thay đổi.
Gia Cát Văn của lúc này còn trẻ hơn, trên cái bảng vẽ trước mặt tô đầy những mảng màu trừu tượng.
Quản lí chờ ông ta vẽ xong mới lên tiếng nói: “A Văn, anh cứ vẽ hoài những tác phẩm như vậy cũng không được đâu. Có quá nhiều những bức tranh cùng kiểu thì sẽ không thể bán được với giá cao. Vả lại, những bức tranh của anh đều khá giống nhau, cho dù có xếp chúng thành một bộ đi chăng nữa thì cũng rất khó bán ra được. Tôi thấy gần đây phong cách Thalmond khá được ưa chuộng, anh có thể thử vẽ tranh theo phong cách đó. Nếu không vẽ tranh theo phong cách Thalmond thì nội dung những tác phẩm của anh cũng nên có sự thay đổi.”
Gia Cát Văn ngồi đó im lặng lắng nghe, nhìn về phía tác phẩm của mình, một lúc lâu sau ông ta mới gật đầu, “Được.”
“Á... A a a a a... “
Tôi giật nảy mình.
Lúc này bỗng vang lên những tiếng thét chói tai của người phụ nữ nào đó, khiến tôi kìm lòng không đặng đưa mắt nhìn xung quanh.
Không có, xung quanh không có người nào, cũng không có ma.
Tiếng thét đó là từ đâu tới?
Tôi suy nghĩ một hồi, vừa nãy hình như có một tia âm khí xoay quanh người Gia Cát Văn.
Là một con ma đang bám theo ông ta sao?
Tôi nhìn về phía Gia Cát Văn, phát hiện cách ăn mặc của Gia Cát Văn bắt đầu có sự thay đổi.
Ông ta mặc trang phục mùa đông, đang xoay người thu dọn đồ đạc.
Tôi nhận ra mình đang đứng trước một cái gương.
Gia Cát Văn đóng gói hết những vật dụng vẽ tranh, mang theo chúng đi ra khỏi khách sạn, sau đó đặt vào trong cốp xe phía sau.
Ông ta lái xe thâu đêm, chạy đến một ngọn núi, dừng xe lại, sau đó lại mang theo dụng cụ đi lên đỉnh núi. Mỗi lần ông ta thở đều có sương trắng thoát ra từ miệng ông ta.
Ông ta lắp giá vẽ trên đỉnh núi, uống một ngụm trà nóng, ngồi chờ tia nắng mặt trời đầu tiên ló ra.
Gia Cát Văn đang vẽ tranh phong cảnh. Dù lái xe thâu đêm nhưng tinh thần của ông ta vẫn rất tốt, nhanh chóng hoàn thành bức tranh vẽ cảnh bình minh. Dưới ánh nắng mặt trời là những mẩu ruộng bậc thang ngay ngắn, chỉnh tề. Đây không phải là tranh trừu tượng, phong cách cũng khác với “Người Yêu Của Tôi”.
Gia Cát Văn rất hài lòng với bức tranh này, ông ta thu dọn đồ đạc chuẩn bị xuống núi.
Ông ta ngáp một cái, sau đó lái xe xuống núi.
Tôi không biết đây là nơi nào, nhưng thoạt nhìn thì nhất định là một vùng núi hoang đã được khai phá, có một con đường nhỏ để cho xe chạy. Những nơi như vậy thì cũng không tính là hiếm thấy.
Gia Cát Văn cho xe chạy với tốc độ rất nhanh, nhìn bộ dạng buồn ngủ của ông ta, dường như là muốn lái nhanh một chút để quay về khách sạn nghỉ ngơi.
Ông ta ở chỗ này gặp người ông ta yêu sao?
Tôi đang nghĩ như vậy thì chiếc xe đột nhiên rẽ ngoặt, tôi thấy được phía trước có một cô gái đang bước tới.
Rầm!
Cô gái bị chiếc xe đang chạy nhanh tông phải, mặt của cô ta va vào kính xe, cả người bị tông văng lên cao, ngã xuống đất, lại bị bánh xe cán qua.
Xe xóc nảy... Những tiếng phanh xe chói tai.
Vẻ buồn ngủ trên mặt của Gia Cát Văn đã hoàn toàn biến mất.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...