Tôi trình bày lại chuyện này cho Trần Hiểu Khâu nghe và cô ấy đã đồng ý ngay lập tức. Sau khi lấy điện thoại ra gọi về nhà thì chỗ của cô ấy coi như đã ổn thỏa. Tôi cũng gọi điện về nói với cha mẹ là phải tăng ca.
Tôi nghe ra mẹ hơi nghi ngờ và lo lắng, nhưng tình huống như vậy rất khó để tôi từ chối.
Không biết có phải do trong đầu tôi nhất thời bị chập mạch hay không, mà buột miệng hỏi mẹ về chuyện nhà của tôi.
“Ông bà nội, ông bà ngoại của con… hình như nhiều năm rồi chưa đi tảo mộ mẹ nhỉ?” Đã lỡ nói ra, tôi đánh liều hỏi hết câu.
Bên kia đầu dây, mẹ tôi im lặng hồi lâu.
“Con ít khi nghe mẹ với cha nhắc đến họ…”
Trong ấn tượng của tôi, lúc nhỏ tôi đúng là có gặp bốn người họ, họ cũng không phải chỉ có một đứa con, cha mẹ tôi còn có anh chị em họ hàng. Có lẽ lúc tôi và em gái còn nhỏ, gia đình đã có xích mích gì đó nên không còn qua lại nữa.
Liên hệ giữa anh chị em ruột trở nên thưa thớt sau khi cha mẹ qua đời, thậm chí đến chết vẫn không qua lại với nhau cũng không phải là thiểu số nữa, chứ đừng nói là họ hàng không cùng chi.
Làm công tác di dời giải tỏa, tôi cũng được chứng kiến không ít ví dụ điển hình.
Nhưng trong kí ức của tôi thì không có những trận cãi vã tranh giành như thế. Cũng có thể là tôi đã quên mất những chuyện ấy như quên mất Tiểu Bạch, quên mất tuổi thơ.
Nhớ đến Tiểu Bạch, bản thân tôi cũng không khỏi sững sờ.
Không biết nó đã đi đầu thai chưa.
Nếu chưa, thì có lẽ bây giờ đang…
Tôi nghe tim mình chợt lạc mất một nhịp.
Mẹ tôi lúc này thở dài một hơi, khiến nhịp tim tôi trở lại bình thường.
“Không phải chuyện hay ho gì. Họ bị bệnh rồi mất. Mấy năm cuối đời, tiền chăm sóc người bệnh, tiền khám bệnh, đều rất… có cãi vã này nọ…” Mẹ tôi chỉ nói úp mở: “Nói cung là cãi nhau suốt. Họ chết đi lại cãi tiếp. Ông bà già có để lại một số đồ, ai cũng nhắm lấy, một cái nhẫn vàng, răng vàng cũng nhìn chằm chằm. Thế đó…”
Nghe giọng của mẹ, tôi thấy mình không nên hỏi thêm nữa.
Mẹ tôi không giống đang kiếm cớ lấp liếm cho qua chuyện, mà là thực sự không muốn nhớ lại, không muốn nhắc đến. Giọng điệu khó khăn khi mở lời ấy, khiến một người làm con không nỡ lòng mà hỏi tiếp.
Chắc là khi đó cãi vã kịch liệt lắm, tất cả đều xé rách mặt, nói rất nhiều lời khó nghe.
Bất kì mối quan hệ tình cảm nào có dính líu đến tiền bạc, nếu xử lý không khéo, đều rất dễ khiến cho tình cảm biến chất.
Mẹ thấy bất an nên hỏi tôi: “Con gặp phải chuyện gì rồi à? Công việc gặp phải chuyện gì ư?”
“Vâng, có một bà cụ, lúc dọn nhà nhớ lại lọ tro cốt của cha mẹ mình vẫn còn ở trong nhà, bây giờ thì đang…” Tôi kể lại đại khái về chuyện của nhà bà cụ Tống Hiền, nhưng đương nhiên không đề cập đến biểu hiện gặp ma của bà ấy.
Mẹ tôi nghe xong cảm khái, hình như cũng vừa thở phào nhẹ nhõm trong lòng.
Nói thêm vài câu thì tôi ngắt máy.
Khi về đến văn phòng, nhóm ba người của Tí Còi cũng nói muốn đến đó xem thử. Tí Còi rất sợ hãi, đôi mắt không chớp, có vẻ đang lấy hết can đảm.
Tôi không thể nào từ chối họ được.
Cả nhóm cùng nhau ăn cơm tối, rồi đến điểm hẹn gặp nhóm của Thanh Diệp.
Thực ra nhóm Ngô Linh cũng chẳng có đầu mối nào hết, chỉ là cần phải tận mắt quan sát xem sao. Tất cả bọn họ đều đi. Thần thái của Cổ Mạch vẫn ổn, Nam Cung Diệu thì để lộ ra vẻ mệt mỏi.
Tôi không biết trạng thái này của Nam Cung Diệu là mệt mỏi do tra tư liệu, hay vì mấy chuyện rắc rối chưa giải quyết được của em trai mình.
Chào hỏi qua loa, chúng tôi liền xuất phát.
Trong xe chẳng có ai nói chuyện. Cảnh vật bên lề đường chuyển từ náo nhiệt phồn hoa sang yên lặng vắng vẻ.
Khu vực mà xưởng cơ khí ấy đóng đô vốn vắng người. Sau khi xưởng ấy đóng cửa thì lại càng vắng vẻ hơn.
Toàn bộ khu công xưởng nhìn vào tối như mực, nhưng trên đường chính lại không tệ, đèn đường rất sáng.
Tôi quay qua nhìn Trần Hiểu Khâu.
Cô ấy đang chăm chú nhìn khu công xưởng. Chiếc xe chạy một vòng quanh khu xưởng, ánh mắt cô ấy vẫn nhìn chăm chú như thế.
Xe đã dừng lại, hai nhóm chúng tôi đều xuống xe.
Ngô Linh lập tức nhìn về phía Trần Hiểu Khâu.
“Tôi nhìn thấy được một chút. Khu trung tâm kia, màu sắc sậm hơn những nơi khác, rất đen.” Trần Hiểu Khâu chỉ về khu công xưởng, nói.
Tôi nhìn Nam Cung Diệu và Cổ Mạch.
Cổ Mạch đang nhăn mặt, Nam Cung Diệu đẩy gọng kính, vuốt sóng mũi.
“Sao rồi?” Quách Ngọc Khiết hỏi. Cô ấy thuộc dạng chẳng thấy được gì hết, tính tình thì thẳng thắn, chẳng có chút sợ hãi hay lo lắng.
Tí Còi rụt cổ, không dám nhìn về phía công xưởng nữa.
“Cực kỳ, cực kỳ tồi tệ.” Nam Cung Diệu nói: “Quá nhiều thứ. Đều là những thứ chưa từng thấy, không biết rốt cuộc đó là gì. Tạm thời tôi vẫn chưa mô tả được. Cũng giống như lần đầu tiếp xúc với một loại ngoại ngữ vậy, không thể giải mã được.”
Cổ Mạch không có cái kiểu bị “chướng ngại về ngôn ngữ” như thế.
“Rất nhiều người, không đúng, rất nhiều thứ. Họ đã chú ý đến chúng ta rồi, nhưng hình như… không để tâm mấy.” Cổ Mạch nói: “Giống hệt cái chợ, mạnh ai nấy tán gẫu. Âm thanh chồng chéo lên nhau, tôi chỉ nghe được vài câu đại khái. À… thực sự giống hệt cái chợ, các dì các má đang trao đổi chuyện gia đình với nhau.”
Tôi nhớ đến cái nghĩa trang mà Tháng Mười đã đưa tôi đến: “Thế chẳng phải cũng tương tự cái nơi mà tôi đã nhìn thấy hay sao?”
Những linh hồn ngồi bên bia mộ cũng có cái không khí như thế. Giống như một nhóm các ông bà cụ cùng nhau đi phơi nắng, trò chuyện tán gẫu, kể những chuyện vặt vãnh trong nhà, khoe khoang con cháu, than trách con cháu.
Rất có tính sinh hoạt hóa.
“So với lần đó của cậu… à, đúng là tương tự.” Cổ Mạch ngẫm nghĩ rồi gật đầu tán thành.
Tôi không biết làm sao.
“Bây giờ phải làm gì đây? Đến gặp họ để tìm hiểu tình hình à?” Tí Còi hỏi.
“Họ đông quá.” Ngô Linh không tán thành cách ấy.
Bất cẩn chọc vào tổ ong vò vẽ, nói cách khác, làm kinh động nghĩa trang của hàng trăm con ma, kiểu gì cũng sẽ có chuyện.
“Nếu tìm được cha mẹ của bà cụ Tống Hiền, có phải sẽ dễ trao đổi hơn không?” Gã Béo nói.
Đây cũng là chuyện rất khó.
Ngô Linh nhìn sang Trần Hiểu Khâu: “Ngoại trừ màu sắc ra, còn khác biệt nào nữa không?”
“Xa như thế nên thấy không rõ lắm, tôi cũng chỉ thấy đại khái như vậy.”
“Thế thì vẫn phải đến gần hơn một chút.” Ngô Linh trở nên trầm ngâm.
“Chỗ này đã đóng cửa lâu như thế, nên chẳng có ai trông coi đâu, chắc sẽ rất dễ vào.” Lưu Miểu là loại người hành động, lúc này đã bắt đầu đánh giá hàng rào sắt rồi: “Lưới điện bên trên, chỉ cần thử một cái là biết có điện hay không.”
“Thà cạy cửa cho rồi. Cầu dao điện chắc chắn nằm bên trong. Trong ấy toàn là ma cả mà.” Cổ Mạch nói.
“Khu này đã bị ngắt điện rồi.” Nam Cung Diệu nói.
“Nếu ma muốn sử dụng chỗ này, thì cũng đâu cần cung cấp điện nước thật đâu.” Cổ Mạch nói.
Trao đổi mấy câu như vậy, họ đã chuẩn bị cạy cửa rồi.
Ngô Linh vẫn im lặng, ngầm đồng ý.
Tiết tấu làm việc kiểu này khiến nhóm năm người chúng tôi không thể theo kịp.
Tôi có thể khẳng định là năm chúng tôi chưa bao giờ muốn làm những chuyện phi pháp. Những chuyện như cạy cửa này nọ, tuyệt đối không nằm trong phạm vi tư duy của chúng tôi.
“Đợi đã, đợi đã. Thực sợ phải cạy cửa sao?” Tí Còi kêu dừng.
“Chứ còn sao nữa?” Cổ Mạch hỏi ngược lại.
Lưu Miểu còn mỉm cười nói: “Yên tâm đi, vừa rồi đi ngang qua tôi đã thấy rồi. Ổ khóa cửa chính thuộc loại tầm thường thôi.”
“Anh học đâu ra những kĩ năng này vậy?” Tí Còi hỏi.
“Tự học.” Lưu Miểu đáp.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...