Hồ Sơ Bí Ẩn

Đối phương không nghi ngờ về thân phận của tôi, lấy hồ sơ sinh viên tốt nghiệp đại học Kinh tế Tài chính ra, làm bộ làm tịch lật lật một lát, chỉ vào một tấm ảnh, bảo đó là tôi. Ông ta lại tìm ra danh sách sinh viên cùng khóa, hỏi tôi biết người nào.

Tôi cũng theo đó làm bộ lật xem hồ sơ.

Lúc này tôi ngẫm nghĩ có cần mượn năng lực của con ma chuyển phát nhanh, kéo Ngô Linh qua đây không. So với tôi, Tí Còi và Nam Thiên, thì hiển nhiên Ngô Linh vẫn đáng tin cậy hơn. Nhưng tôi chỉ nghĩ thoáng qua, rồi vứt ngay cái ý định ấy.

Mượn năng lực của con ma chuyển phát nhanh, cũng đồng nghĩa để lộ thông tin về Ngô Linh cho con ma ấy biết. Nó mà biết được, thì Ngô Linh sẽ trở thành con cá nằm trên thớt cho nó băm vằm mất. Tôi không dám mạo hiểm như thế.

Tôi bịa đặt một số nội dung, cùng với sự giúp đỡ của ma nhí, đã lấy được niềm tin của nhân viên công tác trước mặt. Ông ta lấy hóa đơn chuyển phát ra, bảo tôi điền thông tin, lại bảo tôi cố gắng nhớ kĩ lại, xem còn quen người nào từng sống ở khu Dương Sơn hay không.

Và tôi lại tiếp tục đóng kịch.

Chợt một tiếng bốp vang lên, làm tôi khựng ngay lại.

Vội quay đầu qua, tôi liền trông thấy một cặp vợ chồng trung niên đang lôi kéo, đánh mắng một cô gái tầm mười mấy đôi mươi. Cô gái đang ôm lấy mặt, nước mắt chảy đầm đìa.

“Bảo mày điền thì điền đi! Mày còn làm bộ làm tịch! Cái con ranh con này, óc mày bị hỏng rồi hả? Mày giúp người ngoài, quay lưng chống lại cha mẹ ruột của mày à? Mày không nghĩ đến tụi tao, cũng phải nghĩ đến bản thân mày chứ! Mày muốn ở cái chỗ quái quỷ này hết đời hả!” Người đàn bà vừa chửi, vừa thô bạo vung tay đánh vào gáy cô gái mấy cái liên tiếp.

Cô gái bị đánh, tóc tai rối bù, che kín khuôn mặt.

“Con ranh này là do bà dạy hư nó đấy!” Người đàn ông ở bên cạnh quát tháo.

“Hư do tôi hay do ông thế? Sao ông chẳng chịu để mắt đến nó?” Người phụ nữ phản pháo.

“Cũng tại bà bắt chước mẹ của bà, cưng chiều hư nó, bây giờ đẹp mặt chưa! Đầu năm vẫn còn kiếm được người, bây giờ thì kiếm được cái rắm!” Người đàn ông quát ầm lên.


Bên cạnh đang có một bà già đứng đó, vốn dĩ chỉ im lặng mà nhìn, giống như chỉ sắm vai một người hóng chuyện. Nhưng lúc này bà ta đã sấn tới, cất giọng sang sảng: “Cái thằng họ Tô kia, mày ngon rồi nhỉ! Mày chửi cả hai mẹ con tao sao? Nếu chẳng phải nòi giống của mày không tốt, thì đâu có sinh ra cái hạng nghiệt chủng này? Do giống nòi họ Tô nhà mày quá tồi!”

Cả nhà họ xúm lại chửi nhau inh ỏi, còn cô gái thì chỉ âm thầm gạt nước mắt.

Nhân viên công tác gần đó bực mình quát lên: “Rốt cuộc các người có điền không? Đã nhớ ra chưa hả?”

Hai vợ chồng kia lập tức quay mũi giáo, xoay qua chì chiết cô con gái.

Tôi đã hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, nhưng chỉ cảm thấy tức giận và bất lực.

Tí Còi khe khẽ chửi gì đó, còn mặt của Nam Thiên thì sa sầm lại.

“Điền mau lên cái con ranh đáng chết này!” Người phụ nữ nắm chặt tai cô gái, lôi cô ta đến trước bàn.

Cô gái trẻ loạng choạng suýt té nhào ra đất.

Tôi hỏi: “Các người không lo chuyện này sao?”

Nhân viên đang làm việc với tôi nhìn một cái rồi nói: “Lo gì? Việc nhà của người ta mà. Hơn nữa với tình hình hiện tại, nếu có ai đó cố tình giấu giếm, chẳng phải sẽ liên lụy đến tất cả hay sao?”

Vậy ra, ấn tượng của ông ta về tôi chắc cũng rất tệ. Nhưng xem ra ông ta đang giữ tác phong làm việc không thể hiện thái độ hạnh họe với tôi.

Tôi coi như đã nhìn ra rồi.


Những người này hầu hết không để tâm đến việc có ai đó giấu giếm thông tin, cũng gần như không để tâm đến chuyện cái dị không gian này có khôi phục lại bình thường hay không.

So với những gia đình bị ép đến mức quay lại cấu xé nhau, thì họ có chỗ ỷ lại nên chẳng sợ.

Thứ mà họ ỷ lại chắc chắn chính la con ma chuyển phát nhanh và cả cái dị không gian hay đúng hơn là thế giới tương lai đằng sau con ma ấy. Họ có đường để lùi. Cùng lắm thì xuyên qua cửa ra vào dị không gian mà đến thế giới tương lai sống. Hơn nữa, với cái kiểu thiết lập của thế giới tương lai, họ có thể dựa hơi con ma chuyển phát nhanh, mà tiếp tục sinh tồn trên địa bàn của nó. Nói không chừng, có thể dựa vào lập trường và biểu hiện, mà có được đời sống sung sướng hơn so với bên này.

Tôi đưa mắt nhìn cô gái mà lòng nặng trĩu.

Nước mắt cô ta đang rơi lã chã trên tấm hóa đơn chuyển phát. Nhân viên công tác ở bên ấy thì chẳng tỏ ra bực bội, mà cha mẹ và bà ngoại của cô gái thì lại vô cùng sốt ruột, lôi cô ta đánh mắng một trận nữa, rồi quay qua chìa bộ mặt thơm thảo với những nhân viên công tác, nói năng rất nhỏ nhẹ lễ độ.

Tôi trông thấy thân thể cô gái đang run rẩy, cây bút trong tay cô ta cũng theo đó run lên bần bật.

“Viết cho đàng hoàng! Mày mà còn giở trò với tao nữa, thì tao đập chết mày ngay!” Người cha lại cho cô một bạt tai.

Tay của cô ta bật ra, ngòi bút quệt thành một đường dài trên mặt giấy. Cha mẹ cô gái lập tức biến sắc mặt.

Người cha nắm tóc cô ta, kéo cả người cô ta lên. Còn người mẹ thì điên tiết, tàn nhẫn cấu véo.

“Cái con ranh này, mày muốn bị đánh cho đến chết đúng không!”

Nhân viên công tác phát bực quát: “Đủ rồi đó! Mấy người có thôi đi không hả!”


Hai vợ chồng và bà già lập tức nín khe.

“Để con bé viết cho đàng hoàng coi, mấy người đứng xa xa ra. Phiền chết được. Toàn gây rối thôi.” Nhân viên công tác vừa cáu vừa lấy hóa đơn chuyển phát mới ra.

Cả nhà kia im như thóc. Người làm mẹ kia lại cấu cô gái một phát nữa, xem như lời cảnh cáo.

Cô gái cúi gầm mặt, chẳng buồn nhìn mẹ mình.

Mà người phụ nữ hình như vừa bị chọc điên lần nữa, định chửi gì đó, nhưng sau khi liếc nhìn nhân viên công tác thì lùi lại, ánh mắt cứ như muốn ăn tươi nuốt sống người ta.

Người đàn ông và bà lão thì đang chửi bới, trách tội nhau, lại bị nhân viên công tác quát cho trận nữa.

Chỗ tôi cũng đã bị giục.

“Đừng hóng chuyện nữa. Chuyện của mình còn chưa xong kia kìa, ngó nghiêng cái gì hả?” Nhân viên công tác kia cất giọng uể oải.

Tôi cúi xuống, điền bừa thông tin liên lạc lên hóa đơn chuyển phát.

Đối phương chẳng kiểm tra gì, thu hóa đơn lại, hỏi tôi còn biết ai nữa không.

Tôi lắc đầu.

“Vậy cậu qua kia chờ đi. Khi nào kiếm được người sẽ thông báo cho cậu biết.” Nhân viên công tác xé ra tờ hóa đơn nằm dưới giấy than: “Đây là bằng chứng, nhớ chú ý nghe thông báo.”

Làm việc cũng rất chuyên nghiệp.

Tôi nghĩ thầm trong bụng rồi nhét tấm hóa đơn vào túi.


Điền xong hóa đơn chuyển phát thì sẽ vào trong lầu ngồi đợi.

Sau khi vào tôi đã nhận ra, không khí trong này còn điên loạn hơn bên ngoài.

Người ở ngoài cổng đã mất hết hy vọng, chỉ ở đó chờ chết. Còn trong này, người ta bám khư khư chiếc phao cứu sinh trong tay, ngoắc ngoải trong dòng nước.

Rất nhiều người đang nắm chặt một xấp hóa đơn chuyển phát, điên cuồng điền thông tin lên đó.

Quan sát một thoáng, tôi phát hiện rất nhiều người chỉ đang thử vận may một cách máy móc, điền từng số nhà một trên một con đường. Đây có thể là do kí ức của họ mờ nhạt, cũng có thể là do họ hoàn toàn không biết địa chỉ của người ta, chỉ viết bừa rồi chờ kì tích.

Cũng có người na ná như bên ngoài, kiếm một góc ngồi bất động, cứ như đang chờ cái chết đến.

Trong này chẳng có nhân viên công tác, mạnh ai làm việc nấy, không can dự vào nhau.

Tuy vậy, ở đây chẳng có trật tự gì đáng kể.

Tôi trông thấy một nhóm người ngồi quây quần với nhau, đang điền hóa đơn thì phát sinh xung đột, lao vào đánh nhau. Một trong số ấy chụp lấy ghế, đập thẳng lên đầu người kia, khiến hộp sọ vỡ toác ra.

Tôi nhìn mà rợn cả người và loáng thoáng nghe thấy tiếng xuýt xoa lộ liễu của Tí Còi.

Nhưng trong lẫn ngoài giảng đường, người ta chẳng ai để tâm đến chuyện này.

Xác chết kia nằm trên sàn nhà, chẳng người dòm ngó.

Tên sát nhân thì chùi sơ khuôn mặt vấy máu, ngoác mồm chửi ỏm tỏi, rồi tiếp tục điền hóa đơn chuyển phát.

Tôi giật mình, nghe thấy sau lưng có tiếng chửi rủa và tiếng bước chân quen thuộc. Vừa quay lại liền trông thấy gia đình khi nãy chửi nhau ở bên ngoài cũng đã vào trong này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui