Rè… rè…
“… Ồ, chuyện này có thật đó! Cả nhà tôi đều nghe thấy mà! Cha tôi nghe thấy trước tiên, ông ấy nghe thấy khá rõ, giật mình thức giấc ngay lập tức. Sau đó,cha gọi mẹ tôi dậy luôn, hai người họ ồn ào một hồi, làm mấy anh em tôi thức dậy theo. Cả nhà chúng tôi đều nghe thấy, có tiếng bước chân của rất nhiều người, giẫm mạnh trên đất mà đi, ít nhất cũng phải mấy trăm người. Nghe cũng không đều lắm, không thể sánh bằng lễ duyệt binh, nhưng nhiêu đó cũng đã lợi hại lắm rồi, chắc chắn không phải dân trong thôn tạo ra. Lúc thức dậy mẹ tôi còn bảo, không biết nhà ai mở tivi lớn đến vậy, nửa đêm mà còn xem cái gì không biết. Nhưng không phải đâu, có thể nghe ra không phải tiếng tivi, cũng chẳng phải âm thanh khác, mà chính là tiếng bước chân dẫm mạnh trên mặt đất.”
“Ông có nghe thấy họ di chuyện không? Ý là âm thanh chỉ cố định một chỗ, hay di chuyển về một hướng nào đó?”
“Cái này thì thực lòng mà nói tôi không nghe ra. Đang nửa đêm mà, chúng tôi đều bị dọa sợ chết khiếp, nghe không ra. Mà lúc đó cũng đâu có nghĩ đến chuyện ma hành quân, mà chỉ nghĩ không biết có phải bộ đội thao luyện ban đêm không… Chuyện này trước đây chưa hề có, nhưng ai mà biết được? Em tôi còn bảo chắc sắp có chiến tranh, nên có lệnh điều binh. Mà dù có nghĩ đến chiến tranh, nhưng chẳng ai nghĩ đến ma quái cả. Hôm sau, nhà chúng tôi kể lại với người trong thôn, có nhiều người không nghe thấy gì, nhưng cũng có người đã nghe thấy và cũng ngỡ là tiếng tivi như mẹ tôi. Có người còn kể nửa đêm mình nghe thấy tiếng quát tháo, bảo người ta tắt tivi đi. Cái này thì nhà tôi có nghe, rất nhiều người cũng đã nghe thấy tiếng của bà dì béo đó, giọng dì ấy khủng thật, quát nghe sang sảng.”
“Lúc đó không có ai chạy ra cửa xem thử sao?”
“Không. Chỗ chúng tôi là thôn quê, nhà nào cũng có một mảnh sân rồi đến cổng chính, có nhà còn hai ba tầng nữa, chạy ra tới cửa thì mệt lắm… Có người nhìn qua cửa sổ, nhưng không thấy gì hết. Đang khuya, không thấy gì cũng là chuyện bình thường. Ở đây đèn đường ít lắm, mà thời đó còn ít hơn nữa.”
“Sau đó trong thôn còn nghe thấy nữa không?”
“Còn chứ, không ít đâu. Gia đình chúng tôi tối hôm ấy, là tối ngày hôm sau, cũng có nghe thấy. Thời điểm cũng gần như nhau, cha tôi thức giấc trước. Chắc là ông ấy khá là… nhạy về mảng này. Còn trong thôn thì có người nghe thấy có người không, kẻ nghe rõ, người nghe khe khẽ, ai mà biết tại sao. Chúng tôi cũng không rành về những chuyện này. Cha tôi thức dậy, lại kêu cả nhà dậy hết. Lần này… cha tôi đánh liều đi ra xem thử. Cũng không phải ra khỏi nhà, mà chỉ nhìn qua cửa sổ. Vị trí nhà chúng tôi nằm ngay đối diện với cái Nông trường Cải tạo Lao động đó, phía trước không có nhà cửa che chắn, nhìn là thấy khu bên đó ngay, cả những khu khác nữa. Thời đó, nhà kính chưa nhiều như bây giờ, đất thì đã trồng hoa màu, ban đêm nhìn qua lại thấy một bức màn đen như mực. Các cậu có thể tưởng tượng được mà, đúng không?”
“Vâng, có thể tưởng tượng được.”
“Là vậy đấy. Khu đấy lúc đó vẫn trống trơn, đúng lý ra phải chẳng có gì cả, nhìn sẽ trống hơn những chỗ khác. Lúc đầu cha tôi nhìn, chẳng thấy gì lạ cả. Tôi bèn thò đầu qua nhìn ké, sau khi quét mắt một lượt, mới nhận ra có gì đó là lạ. Sau đó ngẫm nghĩ hồi lâu mới nhớ ra, khu đất đó đúng ra phải trống hoắc chứ, vậy mà lúc ấy nhìn đen nghịt. Haizz, mắt tôi kém nên chỉ nhìn thấy nhiêu đó. Mắt cha tôi tốt lắm, tôi vừa chỉ cho ông ấy cái đám đen đen đó, thì ông liền bảo cái đám đen đen đó đang động đậy, mặt đất tung bụi, chấn động. Ban đầu ông ấy cứ nghĩ là do gió thổi, nhưng sau khi tôi chỉ, ông ấy mới nhận ra sự kì lạ. Chỉ có mỗi chỗ đó có gió, những nơi khác thì im phăng phắc. Chuyện này… khá là đáng sợ… Có điều lúc đó thực sự chẳng ai nghĩ đó là ma cả. Ai mà có thể nghĩ đến ma chứ? Mà chỉ nghĩ là người thôi, cũng không biết họ từ đâu đến… Nhưng chỗ đó nếu có người, thì chắc chắn là không phải dân trong thôn, cần phải báo cảnh sát đúng không? Phải báo cảnh sát ngay. Và gia đình tôi đã báo cảnh sát.”
“Cảnh sát sau đó có đến không?”
“Đến chứ, nhưng họ ở cách đây xa quá, trời lại khuya, nên lúc họ đến thì tiếng bước chân với người đều đã biến mất cả rồi.”
“Ông có nhìn thấy quá trình biến mất của họ không?”
“Không. Cả nhà tôi lúc đó sợ lắm. Cô nghĩ xem, đang nửa đêm, một đống người ở trên bãi đất trống giậm chân đều bước… Chuyện này chắc chắn không tốt lành gì. Cả nhà tôi trốn còn không hết. Cảnh sát đến, kiểm tra môt lượt xong, còn mắng chúng tôi báo tin giả nữa. Người ta cũng có giải thích, nếu bên đó có người giậm chân đều bước, mà nhà tôi có thể nghe thấy, thì nhất định phải rất đông, sức chấn động lớn. Nhưng đất vừa mới xới, còn tơi xốp thế kia, mà chẳng có lấy một dấu chân, sao lại có chuyện đó được? Họ nói rất có lý. Rất nhiều người trong thôn ra làm chứng, bảo có nghe thấy nhưng cũng vô dụng. Người ta điều tra không ra. Và cũng thời gian đó, có người nói không biết có phải ma hành quân không. Những bộ xương được tìm thấy chính là của những người đã chết ở đây, bây giờ hồn ma họ còn vất vưởng.”
“Ông có nhớ ai là người đưa ra phỏng đoán này không?”
“Không nhớ rõ lắm. Lúc đó nhiều người bàn tán xôn xao, mỗi người nói một kiểu, cũng chẳng rõ ai là người đoán đó là ma hành quân. Nhưng chuyện đó nghe có lý nhất, cho nên ai cũng tin.”
“Hiện tượng đó kéo dài đến khi nào?”
“Cái này thì tôi không rõ. Năm đó, nội trong mấy ngày, liên tiếp mấy ngày liền đều thấy xuất hiện. Cha tôi sợ quá, đòi dọn nhà đi càng xa càng tốt. Cả nhà tôi cũng sợ, nên đã đồng ý dọn đi. Mà khu đất đó vốn dĩ đã xuống giống rồi, vậy mà cũng chẳng có ai dám vào. Gia đình chúng tôi cũng có đất, có nhà ở đây, đâu thể nói bỏ là bỏ được, chính sách thời đó khác bây giờ mà. Cha tôi… sợ lắm rồi, không chịu quay lại, chỉ có mấy anh em tôi vẫn quay lại chăm nom ruộng đất nhà cửa. Người trong thôn không ai dám đi vào trong khu đất đó xem, mà chính quyền cũng đâu thể nào ép người ta được. Chuyện này cứ kéo dài lê thê… Tôi cũng không nhớ là những âm thanh đó biến mất từ bao giờ. Mấy năm nay, tôi mở quán net với siêu thị ở đây, có lúc cũng ở lại nhưng không nghe thấy gì cả, cũng không nghe thấy ai nói còn nghe thấy nữa. Đám đất đó bỏ hoang, không có ai quản lý, cỏ dại mỗi lúc một cao, khiến người ta càng không dám vào.”
“Cho nên, trước giờ chưa có ai vào đó điều tra thực hư đúng không?”
“Chưa có ai. Có điều, tôi nghe nói có mấy người liều mạng đã vào đó chơi rồi. Bọn con nít ấy, tầm mười mấy tuổi thôi, sau khi đi vào thì không ra được. Cả thôn kéo nhau đi tìm, từ sáng cho đến tối…”
“Nói vậy là đã đi vào rồi?”
“Không, người trong thôn không vào đó, mà đi tìm ở những nơi khác. Cái đám nhóc lì lợm đó cuối cùng tự mò được đường ra, kể là đi vào rồi bị lạc đường. Chuyện này ấy hả, nếu thật sự đi vào, con nít nó không nhìn thấy cột mốc cao nào để định hướng, kiếm không được đường ra cũng là hợp lý. Nhưng mà vẫn thấy… tà môn. Có một chuyện còn ghê hơn nữa, chính là… à…”
“Ông muốn nói, vụ án xảy ra gần đây nhất đúng không?”
“Ồ, các cậu biết à… Các cậu cũng vì chuyện đó mà đến đây sao?”
“Vâng, ông biết được manh mối nào không?”
“Không có, chỉ là… trước đó một khoảng thời gian, bên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, vào mùa hè có người lẻn đi vào nông trường và cũng mất rất nhiều thời gian mới tìm được, họ kể lại là bị lạc đường trong ấy. Sau đó, có người mất tích, Trung tâm Quốc phòng lại tổ chức đi tìm, rồi phát hiện trong nhà kho… Chuyện này, trong thôn không ai dám đồn ra ngoài cả.”
“Tòa báo của chúng tôi có thưởng tiền cho ai cung cấp manh mối.”
“Ồ, ồ… Chuyện đó à… thì, các cậu có biết cái máy xới đất ấy không? Chính là cái máy đã làm chết cái người ấy đấy.”
“Vâng, có biết. Nghe nói là đã bị gỉ sét, không còn sử dụng nữa.”
“Đúng, có điều… cái máy đó, cảnh sát nghĩ là nó được chứa trong cái kho ấy. Lúc đó, trong thôn tôi đâu có định cày bừa khu đất đó để canh tác đâu chứ? Mấy căn nhà, kí túc xá, phòng làm việc trước đây đều giải tỏa hết rồi. Mấy cái nhà kho thì chuẩn bị sửa lại để sử dụng, có điều vẫn chưa kịp làm. Nhưng mà đồ đạc trong kho thì… Tôi còn nhớ rất rõ, trong kho vẫn còn dư lại một số máy móc, ba chiếc máy kéo, một cỗ máy xới đất, hai chiếc máy múc, còn những đồ đạc linh tinh thì lúc giải tỏa đã đem chia cả rồi. Cỗ máy xới đất đó đã được chia cho nhà họ Tạ vốn ở trong thôn này. Mà nhà họ thì tầm năm 2004, 2005 gì đó đã đem bán hết đồ đạc, mua nhà trên thành phố, tìm cách chuyển hộ khẩu lên đó rồi. Cái máy xới đất đó vốn dĩ bị hỏng, đem đi bán phế liệu, cũng bị người mua đưa đi rồi mà.”
“Ý ông là, cỗ máy xới đất đó đúng lý ra không thể nằm trong nhà kho ấy được? Người thu mua cỗ máy đó là ai ông có biết không? Còn cái gia đình họ Tạ mà ông nói hiện nay thế nào?
“Chuyện này thì phải bắt đầu từ lúc Nông trường Cải tạo Lao động còn, tận những năm năm mươi, sáu mươi. Cái người họ Tạ đó, vốn dĩ từ trong Nông trường cải tạo ra. Tôi phạm cải tạo, ra tù làm lại cuộc đời, vào Nông trường để canh tác. Cũng không biết ông ta đã kiếm đâu ra tiền, mà lo lót với ông trưởng thôn, để được định cư ở trong thôn chúng tôi. Mà ông ta không phải sống một mình đâu, còn đón một đứa cháu trai ở quê qua sống chung nữa. Bảo là dân vùng sâu vùng xa, có điều người ta toàn ăn mặc đồ hiệu, xịn hơn chúng tôi rất nhiều. Còn bảo là trong thời chiến, trong nhà trước đây có giấu một ít của, đem bán mới có tiền... Dù sao thì cả cái nhà đó, nghe chẳng có một câu nào là nói thật cả. Sau đó, cái ông họ Tạ đó, chưa chết, chuồn đi vào những năm 80. Cảnh sát ở xứ khác tìm đến, nói ông ta là tội phạm truy nã, trong tay giết ba bốn mạng người liền!”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...