Có ai không biết khoác lác chứ, nhưng có thể chém gió, biến từ hình vẽ thành hiện thực mới gọi là trâu bò.
Khương Bồng Cơ tuyên bố hùng hồn.
Năm nay xử Hoàng Tung, bảy năm bình định bốn nước, đương nhiên phải trả giá sự cố gắng tương ứng.
Trước mắt, chuyện quan trọng nhất vẫn là phải xuất binh chặn giết chủ lực Hoàng Tung, ép cho đối phương không thể tiến binh tới hẻm núi Tam Sơn, bảo vệ quận Hứa, trận đánh sau đó sẽ dễ dàng hơn.
Không chỉ trong lòng mấy người Khương Bồng Cơ ý thức được điều này mà bên Hoàng Tung cũng hiểu rõ.
Nhưng Khương Bồng Cơ nhất định là khắc tinh của Hoàng Tung.
Không chờ anh ta kịp định thần lại trong niềm vui sướng khi công phá được phòng tuyến quận Hứa, chiếm được huyện Trủng Hà thì mấy tin tức từ hậu phương truyền tới lại như sấm sét giữa trời quang khiến anh ta phải kinh ngạc, gần như mọi lý trí đều bị đập tan tành.
[Nguyên Tín suýt nữa đã giết quân sư Nhiếp Tuân ngay trước trận].
[Nguyên Tín dễ dàng tin lời đề nghị của Hoa Uyên, áp dụng kế sách “vườn không nhà trống”, khiến kho trữ lương của Kham Châu bị Hoa Uyên “mượn gió bẻ măng”.]
[Nguyên Tín say rượu ngang ngược, muốn giết một viên phó tướng làm trái quân lệnh.
Phó tướng to gan, lập mưu cùng một phó tướng khác giết Nguyên Tín.]
[Lương thảo ở Kham Châu cực kỳ thiếu thốn, quân sư Nhiếp Tuân thân mang thương tích chỉnh đốn binh mã Kham Châu, ngăn chặn quân địch ở Thương Châu.]
Bốn tin tức liên tiếp oanh tạc lý trí của Hoàng Tung đến mức không còn sót gì.
Đây vẫn không phải điểm mấu chốt, mà mấu chốt là bốn tin tức này không xảy ra cùng một lúc!
Có nghĩa là gì?
Có nghĩa là có kẻ đang cố gắng chặn lại con đường truyền tin về hậu phương, lừa trên gạt dưới dẫn tới Hoàng Tung không thể nắm bắt được tình hình chiến đấu ngay lập tức!
Hoàng Tung cố gắng đè xuống lửa giận đang trào dâng.
May mà Nguyên Tín đã chết, nếu không thì Hoàng Tung chỉ hận không thể lập tức rút kiếm chém chết ông ta.
Sắc mặt âm trầm, anh ta nhìn lính truyền tin, khàn giọng ồm ồm hỏi: “Những tin tức này là ai sai ngươi truyền đến?”
Lính truyền tin bẩm báo: “Nhiếp quân sư lệnh cho tiểu nhân nhất định phải đem được tin tức về cho chủ công trong thời gian ngắn nhất.”
Hoàng Tung lại hỏi: “Chuyện Nhiếp quân sư bị thương xảy ra khi nào?”
“Khoảng nửa tháng trước ạ.”
“Tướng quân Nguyên Tín chết khi nào? Lương thảo Kham Châu bị lừa từ khi nào?”
Lính truyền tin vã mồ hôi như mưa, đáp lời: “Chuyện lương thảo bị lừa xảy ra sau khi Nhiếp quân sư bị thương, một tuần sau, tướng quân Nguyên Tín bị người ta ám sát.”
Hoàng Tung nổi cơn điên, gân xanh rần rật trên trán, ánh mắt rét lạnh, tàn khốc đến mức đáng sợ.
“Từ tiền tuyến Kham Châu truyền tin tới đây, ra roi thúc ngựa cũng chỉ mất một tuần, vì sao những tin tức này lại bị kéo dài thêm bốn, năm mươi ngày?”
Hoàng Tung không nén nổi lửa giận, lính truyền tin chỉ có thể chịu đựng cơn thịnh nộ trực tiếp của anh ta, bị dọa đến mức toàn thân run rẩy, không dám lại gần.
Lính truyền tin trả lời: “Là...!Là vì… vì tướng quân Nguyên Tín hạ lệnh...”
Gã còn chưa dứt lời, Hoàng Tung đã hiểu ra, suy đoán tệ hại nhất trong bụng đã được chứng thực.
Anh ta như một quả khí cầu bị chọc thủng.
Lửa giận bừng bừng xẹp xuống chỉ trong phút chốc, giữa hai đầu lông mày đầy vẻ u ám chán nản.
Lúc này, Hoàng Tung vô cùng hối hận, hối hận đến mức xanh cả ruột, không nhịn được mà ai thán: “Ta tưởng ông ta chịu đòn nhận tội với Thành Doãn là vì thực tình ăn năn… nên mới cho ông ta cơ hội thứ hai, cho ông ta trấn thủ hậu phương Kham Châu.
Không ngờ đến chết mà ông ta vẫn không biết hối cải!”
Biết vậy chẳng làm.
Khi ấy, đáng lẽ anh ta nên nghe theo lời khuyên của bọn Phong Giác.
Nguyên Tín bụng dạ hẹp hòi, chịu đòn nhận tội chỉ là ra vẻ, làm bộ làm dáng, chứ không phải thật lòng.
Nhiếp Tuân và Nguyên Tín có mâu thuẫn, dù ông ta có học người xưa chịu đòn nhận tội, hai người cũng không thể hòa bình được.
Một câu thành sấm!
Hoàng Tung ngại mặt mũi, không thể không nể ba phần tình mọn của Nguyên Tín, kéo ông ta ra để dùng tiếp.
Không phải vì Hoàng Tung bất chợt niệm tình xưa cũ, chỉ vì con trai của Nguyên Tín bị trúng tên vì bảo vệ Hoàng Tung, không chữa trị nổi mà chết, nên anh ta vẫn ghi tạc món nợ ân tình này.
Anh ta vốn không phải kẻ bạc tình bạc nghĩa, luôn nhớ mãi ân tình, nên đã chiếu cố Nguyên Tín rất nhiều.
Kết quả...
Ôi, là anh ta tự mua dây buộc mình.
Nếu anh ta nghe lời khuyên bảo của Phong Giác và Trình Tĩnh, tiếp tục vô hiệu hóa quyền lực của Nguyên Tín, hoặc tách hai người này ra thì sẽ không có cục diện hiện giờ.
Không phải Hoàng Tung không biết Nguyên Tín ỷ vào sự áy náy của mình và thân phận trưởng bối trong tộc mà lên mặt, ngoại trừ một số ít người ra, không ai có thể áp chế nổi ông ta.
Nhưng dù biết thì sao? Anh ta vẫn không thể chỉ vì Nguyên Tín không thích Nhiếp Tuân mà lột đi quyền của ông ta hoặc không dùng ông ta nữa.
Trước khi Kham Châu xảy ra chuyện, sai lầm lớn nhất của Nguyên Tín cũng chỉ giới hạn ở mức luôn nhằm vào Nhiếp Tuân, đâm thọc sau lưng, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ.
Nhiều lắm thì Hoàng Tung cũng chỉ lạnh nhạt Nguyên Tín một thời gian xem như trừng phạt, mưa gió đi qua, cuối cũng vẫn phải dùng đến.
Ai ngờ, Nguyên Tín lại gây ra chuyện lớn, không chỉ khiến Nhiếp Tuân bị thương mà còn áp chế tin tức xuống.
Một bước sai, kéo theo rất nhiều bước sai, cuối cùng còn bị một tên Hoa Uyên không rõ lai lịch lừa hết lương thực ở Kham Châu.
Hoàng Tung nghiêm trọng thông báo việc này cho đám người dưới trướng.
Tất cả đều kinh ngạc.
Bọn họ không ngờ lá gan của Nguyên Tín lại to bằng trời đến thế.
Trình Tĩnh đau đầu, xoa xoa giữa trán.
Chỉ một mình Nguyên Tín thôi cũng đã chuyển ưu thế vất vả lắm mới kiến tạo được trở thành thế yếu, đúng là có bản lĩnh!
Còn ông ta, chết là xong, nhưng chủ công thì lại phải thu dọn cục diện rối rắm mà ông ta để lại.
Trình Tĩnh nhíu chặt lông mày suy tư.
Một vị mưu sĩ nào đó dưới trướng Hoàng Tung bước ra khỏi hàng, chắp tay thưa: “Chủ công, tướng quân Nguyên Tín đã chết, hiện giờ truy xét lỗi lầm cũng chỉ uổng công.
Việc quan trọng cần giải quyết trước mắt là binh lực Kham Châu không đủ, thiếu đồ quân nhu, Nhiếp quân sư còn đang bị thương, không biết có thể phòng thủ được bao lâu.
Xin chủ công nhanh chóng đưa ra quyết định, rốt cuộc phải phái binh quay về Kham Châu hay là...!bỏ đi…”
Đến hai từ cuối, giọng nói của vị mưu sĩ kia nhỏ hẳn xuống.
Nếu mặc kệ Kham Châu, chỉ cần kẻ địch áp dụng kế sách vây khốn, dù không làm gì thì Kham Châu vẫn xong đời.
Đừng quên, trong Kham Châu vẫn còn gần triệu dân chúng!
Quân doanh vẫn còn lương thực, có thể chống đỡ thêm một khoảng thời gian, nhưng hàng triệu dân chúng cũng phải ăn cơm!
Không phải nhà nào cũng có trữ lương, dù có thì cũng sẽ không quá nhiều.
Không ít dân chúng còn phải tới chỗ nhà buôn gạo mua lương định kỳ.
Chỗ lương thực của mấy nhà buôn gạo ấy một phần là mua từ tay dân chúng, một phần khác thì mua từ kho lương của các thành trấn quan trọng khác.
Lương thực nhập kho thường là gạo cũ từ năm trước hoặc tồn từ hai, ba năm trước, giá cả không cao bằng giá gạo mới.
Dân chúng có cái ăn đã tốt lắm rồi, nào có ai bắt bẻ gạo mới hay gạo cũ nữa?
Nguyên Tín đã dọn sạch lương thực trong các kho đi rồi, lỗ hổng này, phải vá làm sao?
Mưu sĩ nói gần nói xa như vậy, thực ra còn mang một ẩn ý nữa.
Nếu Hoàng Tung chọn quay về Kham Châu thì sẽ phải đối mặt với khoản khuyết thiếu mấy triệu thạch lương thực và vấn đề dân chúng thiếu lương, chẳng bằng quả quyết vứt bỏ!
Vứt bỏ Kham Châu, đồng nghĩa với vứt bỏ Nhiếp Tuân và mấy chục nghìn tướng sĩ đang đóng quân ở đó!
Làm sao bây giờ?
Lựa chọn thế nào?
Hoàng Tung băn khoăn mãi không ngừng, hiện giờ, anh ta không khác gì người mù đứng bên vách núi.
Đằng trước là vách núi, sau lưng là mãnh hổ.
“Chủ công, không nên chần chừ nữa!”
“Xin chủ công sớm đưa ra quyết định!”
Mọi người đều thi nhau thuyết phục, Hoàng Tung nhìn sang Trình Tĩnh, ý muốn hỏi nên lựa chọn thế nào.
Trình Tĩnh trầm mặc một lát, rồi trầm giọng đáp: “Xin chủ công lấy đại cục làm trọng!”
Nếu mang binh quay về Kham Châu thì không khác gì tự chui đầu vào rọ.
Nếu cường binh tiến đánh quận Hứa thì vẫn còn chút hy vọng sống.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...