Đại Khải.
Mùa thu năm Vĩnh Ninh thứ 7.
Trong năm nay đã xảy ra không ít chuyện lớn.
Ví dụ như tiên đế cả đời keo kiệt đột nhiên băng hà, trước lúc lâm chung cũng keo kiệt tới nỗi chẳng để lại được mấy đứa con nối dòng.
Hoặc ví như Thủ phụ Dương Tẫn Trung kết bè kết phái nắm giữ triều chính, đẩy tân đế còn nhỏ tuổi non dại lên ngôi để làm con rối.
Lại ví như Dương Thái hậu buông rèm chấp chính, thiết lập lại Đông Xưởng.
Tổng quản thái giám Liên Đình bên cạnh nàng cũng trở thành Xưởng công trẻ tuổi nhất…
Cùng năm đã xảy ra một chuyện nhỏ.
Nhứ Quả năm ấy 6 tuổi đã một mình vào kinh để hoàn thành di nguyện trước lúc mất của mẹ.
Đương nhiên đối với bản thân Nhứ Quả, có lẽ chuyện nhỏ này mới là chuyện lớn.
----------------------------
Bạch Lộ (*) ấm áp, trăng tỏ trời quang.
(*) Bạch Lộ: một trong 24 tiết khí của các nước phương Đông, thường bắt đầu vào khoảng ngày 7-8 tháng 9 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 165°, là thời điểm có độ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn nhất trong năm
Tờ mờ sáng, vầng thái dương giãy giụa vọt ra khỏi tầng mây mông lung dày đặc, ra sức dùng từng tia sáng rực rỡ chiếu sáng bầu trời kinh thành, rọi sáng cả cảnh tượng phồn hoa náo nhiệt hai bên bờ sông Kính Hà.
Hai bên đường cái ngoài cửa Đông Hoa là Thiên bộ lang(*) (hành lang ngàn bước) với hàng trăm ngàn gian, từng hàng từng hàng tường đỏ mái cong.
Nơi này là địa phận quan trọng của triều đình, cũng là con đường mà các quan đại thần muốn vào triều nhất định phải đi qua.
Nhưng từ thời tiên đế, khi mà phường thị chuyển thành phố xá, những người làm ăn buôn bán nhỏ lập tức được nhận thánh ân, có thể dựng sạp rao hàng bán đồ ngay trên đường.
Cho dù là nơi trang nghiêm trọng yếu như Thiên bộ lang thì cũng chẳng thoát khỏi bị nhiễm chút hương vị đời thường.
(*)Thiên bộ lang: Tham khảo kiến trúc quảng trường Thiên An Môn
Quảng trường được xây dựng theo hình chữ “đinh”, nét ngang trên đầu chính là đường Trường An, còn cổng phải và cổng trái của đường Trường An chính là hai đầu của nét ngang đó.
Đến đời Thanh, ở bên ngoài mỗi cổng xây thêm hai cổng nữa theo hướng đông tây tạo thành “Tam tọa môn” ở mỗi đầu đường Trường An.
Nét dọc của chữ “đinh” chính là Thiên bộ lang (hành lang ngàn bước) theo hướng nam - bắc, còn phần cuối của nét hất là Trung Hoa môn ở phía bắc của Chính Dương môn.
Trên đường thượng triều được ăn một miếng bánh hay trên đường phá án được húp một chén canh thì đối với đám quan viên đã ăn ngấy cơm cơ quan, chúng đều là những món ngon vật lạ.
Trong đó, món được các quan viên yêu thích nhất chính là món bánh vừng, một thứ bánh mà trên một con đường có tới 6- 7 nhà bán.
Thế nhưng nơi bán bánh vừng ngon nhất vẫn phải kể đến “Bánh vừng phường Phụ Hưng”.
Chủ quán là một gia đình gồm 3 người, nữ đầu bếp hấp bánh, người chồng thái thịt, 2 vợ chồng phối hợp nhịp nhàng, lúc nào cũng bận tới độ chân không chạm đất.
Bánh vừng nóng hổi liên tục ra lò, miếng thịt dê được cân đo đong đếm cẩn thận được cắt thành từng lát nhồi vào bánh chung với loại nước sốt đặc chế tỏa ra từng luồng mùi thơm mê người.
Con gái của đôi vợ chồng mới 10 tuổi, để san sẻ gánh nặng với cha mẹ, cô bé đứng trước quầy hàng không ngừng ra sức rao lớn, khen ngợi bánh nhà mình: “Nước sốt ngập miệng, ngon không tả nổi.
Mau tới nếm thử bánh Cổ Lâu Tử nhà ta đi.” Cổ Lâu Tử ở đây chính là bánh vừng, nhưng chỉ có loại bánh có nhân thịt dê mới được gọi là Cổ Lâu Tử.
Trương tiểu nương vốn đã làm quen việc này, nhưng riêng hôm nay cô bé rao hơi vất vả.
Bởi vì mỗi lần cô bé rao một câu, bé bé ngồi xổm trước cửa quán, hai tay chống má kia sẽ “oa” một tiếng, nom chẳng khác gì người phụ họa khi kể chuyện pha trò.
Có thể thấy là bé bé này rất muốn ăn.
Đồng thời cũng thấy luôn là bé không có tiền.
Trên người bé mặc bộ đồ vải đay vá chằng vá đụp, thắt lưng bên hông nhìn như sắp đứt luôn, cơ thể gầy nhỏ tong teo hơn nhiều so với bạn cùng trang lứa, nhìn cái là biết bần cùng tới độ nào.
Trương tiểu nương còn để ý thấy ngoài một cái túi nhỏ màu xanh vừa được lấy ra khỏi ngực, trên người bé bé không còn đồ vật nào khác.
Có điều đứa bé này trông rất dễ nhìn, một đôi mắt tròn xoe như mực chấm, môi hồng răng trắng, da trắng mịn như ngọc, nom rất giống tiên đồng theo hầu Thái Sơn nương nương, là người đẹp nhất trong số những người Trương tiểu nương đã gặp trong 10 năm cuộc đời của mình.
“Đệ tên là gì thế?” Trương tiểu nương không thể cưỡng lại “cái đẹp”, chủ động hỏi một câu.
“Đệ tên là Nhứ Quả.” Nhứ Quả gọi dạ bảo vâng, cực kỳ ngoan ngoãn.
Giọng của bé có pha chút khẩu âm miền Nam không ăn khớp gì với chất giọng ở kinh thành, y chang như một chiếc bánh ú mà lại đi trét đầy đường trắng lên.
Có thể nghe ra là bé đã cố hết sức nói bằng tiếng phổ thông, nhưng nghe giọng điệu trầm bổng lên xuống là có thể đoán ra được ngay quê của bé.
Nhứ Quả vừa đáp vừa cúi đầu tiếp tục moi túi tiền của mình, đôi tay nhỏ bé trắng bóc không được lanh lẹ cho lắm, nhưng cuối cùng bé vẫn lấy ra được thứ mình muốn – Một nhành lan hồ điệp đáng yêu vẫn còn cả hoa lẫn lá.
Cũng không rõ bảo quản kiểu gì mà khi lấy ra, nhánh lan hồ điệp kia vẫn trong veo như còn đọng sương sớm trên đó.
Nhứ Quả đưa nhánh lan cho Trương tiểu nương, trên gương mặt lộ ra lúm đồng tiền: “Cái này đẹp, tặng cho tỷ.”
Gần đây có một trào lưu của nhiều cô gái phía Nam là cài trâm hoa vẫn còn cả lá.
Trào lưu này cũng thâm nhập vào kinh thành, Trương tiểu nương có lén thử qua mà chưa nắm bắt được cái cốt lõi.
Vừa rồi cô bé mới hiểu ra, hóa ra không phải cách cài trâm của mình có vấn đề mà là do chưa tìm được nhành hoa phù hợp.
Nhành hoa trên tay Nhứ Quả có mấy phiến lá phân bố vừa vặn, đóa hoa kiều diễm ướt át, xòe ra theo kết cấu 3- 5 như cánh quạt, chỉ cần nửa gài ở tóc là đã đẹp lắm rồi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...