Tây Tạng.
Vì địa thế hiểm yếu của khu vực chịu thiên tai, trong mấy ngày tiếp theo còn xảy ra dư chấn, thời tiết thì ngày một lạnh hơn, toàn khu nhận được thông báo sẽ di trú về Nam. Sau khi khó khăn lắm mới ổn định lại được, Tố Diệp và các bác sỹ tâm lý khác lại bắt đầu tập trung vào các công việc căng thẳng. Báo chí làm một bài phóng sự về toàn bộ hành trình di trú xuống phía Nam của khu vực chịu thiên tai, nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.
Các tổ chức bên ngoài bắt đầu tiến hành ủng hộ tiền bạc, vật phẩm. Thế nên khoảng thời gian này các chuyến vận chuyển hàng ủng hộ tới ùn ùn không ngớt, phá vỡ hoàn cảnh khó khăn của khu vực thiên tai. Chỉ có điều, giao thông vẫn là một vấn đề. Đa phần việc vận chuyển vật phẩm vẫn phải dựa vào máy bay trực thăng.
Nhưng điều khiến người ta yên tâm là địa điểm mới di dời tới này có tín hiệu cực tốt, thế nên điện thoại trong khu vực inh ỏi hết cuộc này tới cuộc khác. Các nhân viên tới đây có thể liên lạc với người thân của mình bất kỳ lúc nào. Cả bên ngoài cũng có thể gọi điện hỏi thăm tình hình liên tục. Điều còn khiến Tố Diệp cảm thấy được an ủi là đã có cột viễn thông, ở đây đã có thể lên mạng. Bọn trẻ có thể xem qua máy tính để biết được những lời quan tâm và chúc phúc của mọi người dành cho chúng. Điều này có tác dụng rất quan trọng đối với việc vỗ về tâm lý bọn trẻ.
Trong khoảng thời gian này, Tố Diệp nhận được không ít các cuộc điện thoại, đến từ Bắc Kinh, còn cả các bạn học từ nước ngoài gọi tới sau khi xem thời sự và đọc báo. Sau khi biết được tin họ dời về phía Nam, Phương Tiếu Bình nằng nặc đòi tới Tây Tạng, làm Tố Diệp hoảng hốt trong vòng một ngày đã phải gọi liên tục mười hai cuộc điện thoại để khuyên mợ từ bỏ ý định đó. Cuối cùng, cô bất đắc dĩ phải gọi điện cho Tố Khải, bảo nó bằng mọi cách phải trông chừng mợ, tuyệt đối không được để mợ tới đây.
Tố Khải khó xử muốn chết, nói rằng mình khuyên không có sức thuyết phục, mỗi lần lên tiếng đều sẽ bị ăn mắng một trận, bây giờ ngay cả bố cũng phải tránh qua một bên rồi. Thực sự hết cách, cô đành gọi điện cho Niên Bách Ngạn, bảo anh khuyên mợ.
Đây là lần đầu tiên Tố Diệp chủ động gọi điện cho Niên Bách Ngạn từ sau khi tới Tây Tạng. Nghe được giọng anh, cô suýt rơi nước mắt. Hai người họ không huyên thuyên quá nhiều. Sau khi trình bày xong lời nhờ cậy của mình, Tố Diệp cũng rơi vào trầm mặc. Chỉ còn Niên Bách Ngạn hỏi cô: Sống có tốt không, đã quen chưa, có thiếu thốn gì không?
Tố Diệp cũng chỉ nhẹ nhàng đáp lại: Sống rất tốt, cũng đã quen rồi, không thiếu thốn thứ gì cả.
Chỉ như những lời trò chuyện thường ngày mà chất chứa tình cảm đậm sâu.
Trước khi kết thúc cuộc điện thoại, cuối cùng Tố Diệp cũng nói một câu: “Em… lúc rỗi đã đọc bài báo viết về anh. Giờ anh bận lắm phải không, phải… giữ gìn sức khỏe đấy!”
Cô đọc những bài báo nói về tình hình của Niên Bách Ngạn. Bây giờ anh đang dồn sự chú ý tới các đô thị loại II, loại III. Từ sau khi anh khai thác mỏ kim cương, đã nhận được chú ý của không ít thương nhân. Ba chữ “Niên Bách Ngạn” nghiễm nhiên trở thành một thương hiệu sống. Trước đây khi anh ở Tinh Thạch, ai cũng biết anh là cao thủ cắt mài kim cương, chất lượng của những kim cương do anh lựa chọn chắc chắn là cao cấp. Thế nên giờ anh làm riêng lẻ, đơn đặt hàng tự nhiên cũng tới ào ào.
Đối với việc anh nhanh chóng được đám nhà báo chú ý, Tố Diệp không cảm thấy kỳ lạ chút nào. Anh định sẵn phải là một người đàn ông sống dưới cái nhìn của người khác, dĩ nhiên bất kỳ việc làm nào cũng sẽ được để ý.
Nghe xong câu ấy, ở đầu kia, Niên Bách Ngạn bật cười. Qua ống nghe điện thoại, giọng nói của anh càng trầm ấm và dễ nghe hơn: “Em cũng vậy nhé. Yên tâm đi! Anh sẽ thuyết phục mợ.”
Tố Diệp khẽ gật đầu. Cô siết chặt ống nghe, trái tim bị một nỗi nhớ nhung khó nói thành lời thít chặt đến đau đớn.
Khi Lâm Yêu Yêu gọi điện tới, Tố Diệp vừa hoàn thành tiết bổ túc tâm lý trong ngày. Hoàng hôn buông xuống, có khói bếp lượn lờ. Xa xa là cao nguyên, xa nữa là biển rừng um tùm, rập rạp. Chẳng ai rõ biển rừng đó rộng lớn đến chừng nào, chỉ biết bên trong có rất nhiều loại thuốc quý hiếm, trong đó còn có một loại bạch linh chi khi trồng trong sữa bò là có thể sinh trưởng không ngừng, vô cùng hiếm gặp và quý giá.
Đương nhiên, đây đều là những điều Tố Diệp nghe bọn trẻ kể lại. Còn biển rừng kia sẽ không ai đi vào vì rất nguy hiểm.
Lúc nhận được điện thoại, Tố Diệp đang ngồi ở một nơi cách chỗ ở tạm thời không xa, nằm ngay bên cạnh hồ. Bờ hồ rải rác những chiếc xương đầu dê, mặt hồ được hoàng hôn phản chiếu đỏ rực. Cô nhìn về phía biển rừng thấp thoáng phía xa, nghe giọng nói của Lâm Yêu Yêu mà những tưởng gần trong gang tấc.
Lần nào gọi điện tới cho cô, Lâm Yêu Yêu cũng khóc. Thế nên lần này, câu đầu tiên khi nhận máy của Tố Diệp là: Nếu cậu còn khóc nữa lần sau mình không nhận điện thoại của cậu nữa đâu đấy.
Lâm Yêu Yêu nín ngay, nghẹn ngào nói với cô: “Ai bảo cậu không chịu nói cho mình biết tại sao lại tới Tây Tạng.”
“Mình nói với cậu ngàn vạn lần rồi. Đơn giản thôi, bọn trẻ ở đây cần bác sỹ tâm lý, nên mình và cả đoàn đã tới đây.” Lần nào, Tố Diệp cũng chỉ giải thích như thế.
Lần này thì Lâm Yêu Yêu đã nói thật: “Cứt! Cậu tưởng mình không biết cậu đang trả lời qua quýt sao? Bắc Kinh có nhiều chuyên gia như thế, cớ gì cứ phải cậu đi? Lẽ nào có người kề dao vào cổ cậu, ép cậu đi bằng được? Nếu không có chuyện gì, cậu sẽ rời Bắc Kinh sao? Đừng có tưởng mình là trẻ con mà dễ lừa!”
“Cậu làm mẹ rồi, đừng có động một tý là ăn nói hành xử thô tục, sẽ dạy hư con đấy.” Tố Diệp thở dài.
“Rốt cuộc cậu có nói hay không?”
“Mình đã nói rõ nguyên nhân rồi.”
Lâm Yêu Yêu tức đến nỗi kêu rầm rĩ ở đầu kia điện thoại. Một lúc lâu sau, cô ấy mới buông một tiếng thở dài nặng nề: “Thôi được rồi, được rồi. Mình hỏi cậu, lần này sau khi di trú về Nam, điều kiện của các cậu thế nào? Cậu có phải chịu cực không? Đám nhà báo nói còn có dư chấn, cậu có bị thương không?”
“Mình ở đây mọi thứ đều tốt, rất đầy đủ, cũng rất vui. Không thương tích gì cả. Yên tâm đi!” Tố Diệp nhìn thấy những đứa trẻ chạy qua chạy lại nô đùa. Chúng đuổi bắt, cười vui vẻ với nhau. Tiếng cười vang khắp cả vùng cao nguyên.
Cảm giác này rất thanh thản, mà sự thanh thản này những dòng xe, dòng người chật chội nơi phố phường không thể mang lại. Giống như cô trước đây lười đi bộ thêm một bước, ra ngoài chắc chắn sẽ phải lái xe, vì hình như mọi người đều quen như vậy, thế nên cô cũng coi đó là chuyện bình thường.
Nhưng khi tới Tây Tạng, không còn xe để bạn lái. Muốn lấy được nước suối trong lành cho bọn trẻ uống, mọi người phải đi bộ hơn nửa tiếng đồng hồ tới khe núi tuyết để lấy. Nước ở đó không bị ô nhiễm, là nguồn tinh khiết của tự nhiên, là dòng nước suối, hơn nhiều thứ nước khoáng vận chuyển từ xa tới. Người trong khu tị nạn rất đông, lượng nước dùng cũng lớn, có lúc bắt buộc phải tự đi lấy nước.
Tố Diệp cũng tham gia vào nhiệm vụ lấy nước. Chỉ cần hoàn thành xong công việc của mình, cô lại cùng mọi người tới núi tuyết. Lúc đi họ ngồi xe bò Tây Tạng. Nhưng lúc về xe bò dành để chở thùng nước, còn họ thì đi bộ. Ban đầu Tố Diệp chưa quen, một chuyến cả đi cả về là tới tối chân cô đã sưng phù, đau đớn tưởng chết. Bây giờ thì cô đã quen với lượng vận động này, dường như lại tìm lại được sức sống của thời đại học khi thường xuyên leo núi.
Thế nên Tố Diệp cảm thấy, rất tốt.
…
“Cậu tốt thật hay tốt giả thế hả? Nếu mình không mang bụng bầu, mình nhất định sẽ tới tìm cậu.” Lâm Yêu Yêu lo lắng.
“Cậu đừng có tới không mình lại phải chăm thêm người nữa đấy.” Tố Diệp đùa: “Yêu Yêu à! Cậu biết không? Nhiệt độ ở đây lạ lắm nhá. Gần như mình đã được chứng kiến cảnh đẹp bốn mùa rồi. Cứ lấy ví dụ về ngọn núi tuyết mà bọn mình tới lấy nước. Chân núi và sườn núi là mùa xuân và mùa hè, trên đỉnh núi là mùa đông lạnh giá. Ngay bên cạnh núi tuyết là biển rừng, xanh tươi quanh năm như mùa xuân vậy. Còn chỗ ở tạm thời mà trước mặt bọn mình trú ngụ thì rừng hồ dương bốn phía đã ngả vàng. Cậu có biết rừng hồ dương không? Cây hồ dương ngàn năm không chết, chết rồi ngàn năm không đổ, đổ rồi ngàn năm không mục ruỗng. Mình cứ tưởng cây hồ dương chỉ sinh trưởng ở vùng quan ngoại và sa mạc Tây Bắc. Vì mình từng nhìn thấy rừng hồ dương ở phía Bắc Tân Cương. Ai ngờ ở đây cũng được thấy cây hồ dương, thần kì lắm phải không? Trước đây mình chưa từng tới Tây Tạng vào mùa này, có tới cũng chỉ tới Lhasa, chỉ biết Tây Tạng quanh năm tích tuyết. Bây giờ được nhìn khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên thế này, đây chính là món quà ông trời ban tặng cho mình.”
Lâm Yêu Yêu hừ hừ: “Khi nào cậu trở về, mình thấy cậu chuyển qua làm nhà thơ được đấy.”
Tố Diệp mím môi cười.
“Rốt cuộc thì khi nào cậu có thể trở về? Phong cảnh có đẹp cũng phải về nhà chứ.”
Tố Diệp chần chừ: “Vẫn chưa quyết định ngày trở về.”
“Tới sinh nhật cậu chắc là về rồi chứ?”
Tố Diệp cắn môi: “Mình không biết.”
“Trời đất ơi! Thế Tết chắc là về rồi chứ?”
“Cũng chưa biết.”
Lâm Yêu Yêu sắp hộc máu tới nơi: “Không phải cậu định tới lúc mình đẻ vẫn chưa quay về đấy chứ?”
“Thế thì không được! Khi nào cậu sinh em bé, mình nhất định phải tới bệnh viện, ở bên cạnh cậu.” Tố Diệp hứa chắc chắn.
“Nói vậy coi như cậu còn có lương tâm.”
“Được rồi, đừng lo cho mình nữa! Phải biết lo cho bản thân cậu mới được, đừng chỉ mải mê chuyện của mình. Mình ở đây ăn ngon ngủ khỏe, còn tràn đầy sức sống kìa. Yên tâm đi!”
Lúc đó Lâm Yêu Yêu mới hơi hơi yên tâm…
***
Lại tới cuối tuần. Chỉ còn một ngày, tâm trạng của những người đi làm là hay bay bổng.
Diệp Lan thì đỡ hơn. Có lẽ đã trải qua quá nhiều chuyện, khiến cô cảm thấy nơi làm việc ngược lại đã trở thành nơi lánh nạn tuyệt nhất. Nhưng điều khiến cô bất ngờ là, trước khi tan làm, cô nhận được một cuộc điện thoại của Joey. Joey hỏi cô buổi tối đã hẹn ai chưa, muốn mời cô cùng đi ăn cơm.
Việc này khiến Diệp Lan rất bất ngờ. Trước nay cô và Joey không hề qua lại, ngoại trừ lần trước gặp nhau trong thang máy có nói đôi ba câu.
Joey đã đặt sẵn địa điểm ăn tối từ trước. Xem ra cô ta gọi điện thoại cho Diệp Lan hỏi thăm có thời gian hay không chẳng qua cũng chỉ là một cách hỏi khách sáo mà thôi. Tan làm, Joey kéo thẳng Diệp Lan tới Shangri La trên đường Tử Trúc, khu Hải Điện, sau khi tới Tân Các Nhất Lầu là đến nơi dùng bữa của họ tối nay: Lam Vận Ba.
Lam Vận Ba là nhà hàng làm món Pháp chính gốc nhất khắp Bắc Kinh. Món ăn nổi tiếng nhất ở đây chính là món tôm hùm xanh tới từ quần đảo Bretagne của Pháp đạt tới trình độ cao. Hai chữ “Lam Vận” trong tên nhà hàng cũng được lấy từ một trong các loại tôm hùm xanh.
Vừa vào cửa, Diệp Lan đã nhìn thấy bức tượng tôm hùm xanh trứ danh được chuyển từ Pháp tới. Ánh sáng trong nhà hàng cũng lấy ánh đèn xanh lam làm chủ đạo, như sóng biển gợn lăn tăn. Còn có cả tiếng nhạc Jazz tao nhã, nhàn tản, khiến ta có thể tưởng tượng mình đang dạo chơi trên quần đảo Bretagne.
Ngoài món tôm hùm xanh nức tiếng của nhà hàng này, Joey còn gọi cả cá mập. Cách làm cũng cố gắng giữ nguyên được mùi vị của cá, làm cho Diệp Lan còn không dám đụng vào dao dĩa.
Cô không có hứng thú lắm với cá mập, cùng lắm chỉ ăn tôm hùm, uống chút canh nấm gì đó.
Ban đầu, Joey chỉ hỏi cô một số chuyện trong công việc, ví dụ có gặp khó khăn gì không, làm việc cùng các đồng nghiệp thấy thế nào… Sau đó hai người họ lại nói tới một số chủ đề của phái nữ, ví dụ như thích thương hiệu quần áo gì, có cái nhìn thế nào về trang sức của các công ty khác, bình thường thích đi mua sắm ở đâu, thích màu gì, có tin vào cung hoàng đạo không…
Con gái rất dễ gần bởi những câu chuyện vặt vãnh. Tới lúc ăn đồ ngọt thì hai người họ đã rất thân rồi.
Sau đó Joey quay lại chủ đề chính.
“Thật ra hôm nay tới tìm cô ăn cơm, chủ yếu là tôi muốn truyền đạt ý của tổng công ty.”
Trái tim Diệp Lan chợt hồi hộp. Cô ngừng tay: “Không phải muốn đuổi việc tôi đấy chứ?” Thưởng trước phạt sau, cách làm này cũng không phải tiền lệ của người Trung Quốc.
Nghe xong, Joey bật cười: “Sao có thể chứ? Ý của tổng công ty là vị trí giám định đá quý là cực kỳ quan trọng, mà giám định viên càng là một nhân vật chủ chốt. Xét thấy cô biểu hiện rất tốt, tổng công ty quyết định cử cô sang Pháp bồi dưỡng một khóa học có liên quan. Đương nhiên, việc này vẫn phải hỏi ý cô, vì thời gian là ba năm, rất dài, nên cô có thể suy nghĩ.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...