Mỗi ngày con người trên Thế Giới này lưu động nhiều chẳng đếm nổi, tỉ lệ chúng ta gặp lại là bao nhiêu?
Hơn hai năm xa cách nhưng giọng cái Tâm vẫn luôn quen thuộc trong bộ nhớ của lũ trẻ A1, tiếng gọi kia vang lên tụi nó đồng loạt nhìn về phía bờ ruộng rồi mất đến vài giây để bùng nổ cảm xúc từ ngỡ ngàng đến vỡ oà.
“Tâm! Minh Tâm!”
Cả đám ùa về phía cô bạn đã từng là một bông hoa rực rỡ trong cả lớp, vài đứa vẫn còn kẹt ở vũng bùn chỗ thửa ruộng cũng cố gắng nhấc chân lên nhanh nhất có thể.
Việt Chinh cảm giác cổ họng mình nghẹn ứ, đôi chân muốn chạy đến người cách mình không xa nhưng lại chẳng thể nào nhúc nhích được.
Nhỏ cứ thế nhìn từng đứa chạy về phía cái Tâm, nhìn cái Tâm được ôm chặt lấy.
Đến khi bên vai được một lực mạnh kéo về phía trước Việt Chinh mới lấy lại tinh thần, nhỏ nhìn sang Trí đang ôm lấy bờ vai mình, cậu không nói gì chỉ ra hiệu bằng mắt rằng chạy về phía ấy đi, đồng thời thả tay mình khỏi vai Việt Chinh.
Việt Chinh rơm rớm nước mắt chạy nhanh nhất có thể về phía cái Tâm ôm chầm lấy cô bạn.
Nhiệt độ cơ thể người truyền đến da, vòng tay đã đầy ắp, lúc này mặt nhỏ cũng đầy nước mắt như những đứa con gái khác đang vây quanh.
Cái Tâm đứng như trời trồng từ lúc tên mình được gọi lớn bởi mấy cái giọng vừa lạ vừa quen đến khi được vây trong những cái ôm thật chặt, cảm nhận được nước mắt nong nóng thấm từ vải áo sang da nhỏ vẫn chẳng nhúc nhích gì.
Trong những giấc mơ nhỏ thấy mình chạy khỏi căn nhà không có tình thương, mơ thấy những người lạ không rõ mặt chỉ trích hành động dại dột, mơ thấy tháng ngày không nơi nương tựa, mơ thấy được sống ấm êm, mơ thấy những điều dịu dàng và vui vẻ.
Hàng ngàn cơn ác mộng, hàng ngàn giấc mơ ngọt ngào nhưng Tâm chưa từng mơ đến những khuôn mặt đã cùng mình vừa khóc vừa cười, vừa bày ra những trò lắm chuyện khi còn được mặc chiếc áo dài trắng tinh đến trường.
Hay có lẽ những thứ không thể xuất hiện trong giấc mơ vì cuộc đời đã sắp xếp nó sẽ xuất hiện trong đời thật?
Tay cầm ấm trà và chút đồ ăn của cái Tâm bỗng trở nên run rẩy, nhỏ nhìn các bạn rồi oà khóc như một đứa trẻ, những ấm ức và tủi thân giấu kín trong lòng giờ phút này chẳng thể che đậy được nữa.
Trí đứng cách đó không xa, một tay đút vào túi quần một tay cầm điện thoại quay lại toàn cảnh lớp kế bên gặp lại cái Tâm.
Có lẽ bị ảnh hưởng bởi tiếng khóc, hốc mắt cậu cũng cảm thấy cay xè.
Cái Tâm dẫn cả lớp ra một bãi đất trống có cây cổ thụ toả bóng râm, cả đám trải tấm phông bạt mượn từ một nhà gần đó dưới gốc cây ngồi thành một vòng tròn.
Tâm nhìn kĩ lại từng khuôn mặt thầm gọi tên các bạn trong lòng, đến cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ nhỏ phải khựng lại một chút, khi nãy sao nhỏ chẳng thấy thằng này và bây giờ nó lại xuất hiện ở đây với bộ đồ nông dân chẳng vừa người thế kia? Cái Tâm nheo mày nhìn chằm chằm cậu bạn một hồi mới nhớ đến cái dáng cao cao nhưng cả người và mặt mũi đều đầy bùn không dám lao vào cùng cả lớp khi nãy.
“Hoá ra là bạn.”
Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ như nhận một cú sốc: “Bạn không nhận ra mình ư?”
Cái Tâm nhún vai, trách nhỏ sao được khi lúc nãy cậu bạn nào có khác gì một vũng bùn di động.
Cậu bạn-bị-kẹt-đầu-ở-cửa-sổ ôm ngực nhăn mặt diễn tiểu phẩm đau khổ, Ý Lan chướng mắt ném viên đá tiện tay nhặt được về phía đó cậu mới hắng giọng ngồi yên lại.
Mấy trò ngớ ngẩn dừng lại tụi A1 mới bắt đầu nhìn chằm chằm cái Tâm, cái Tâm vẫn là cái Tâm nhưng không phải là cái Tâm hoạt bát, nóng tính, đanh đá của ngày xưa nữa rồi.
Nhỏ gầy nhom, làn da xạm đi, tóc cột qua loa và bộ đồ sờn màu khiến nhỏ đằm lại.
Đôi mắt chẳng còn lanh lẹ và tinh nghịch, chẳng biết nhỏ đã trải qua những gì mà bây giờ nhìn tụi nó với vẻ già đời và sâu lắng như thế.
Thủ quỹ ngồi cạnh Ý Lan nghiêng người nhìn cái Tâm hỏi bằng giọng khàn đặc vì đã khóc suốt mấy ngày liền: “Hai năm qua bạn luôn ở đây sao? Tụi này đã đi tìm bạn nhưng mẹ bạn nói bạn bỏ đi rồi...”
Cái Tâm siết chặt tay lại với nhau, cổ họng đắng nghét thốt lên: “Mình không có mẹ nữa!”
Cả lớp đều tròn mắt sửng sốt mới nhớ ra chuyện gia đình nhà cái Tâm, thủ quỹ bối rối lí nhí, “Mình xin lỗi...”
“Không sao cả.” Cái Tâm cúi đầu nhìn tay mình, giọng nhỏ bình thản đến lạ càng khiến mấy đứa ngồi quanh cảm thấy đau lòng cho nhỏ đến nhường nào.
Rốt cuộc Tâm đã chịu đựng bao nhiêu đau khổ để đối diện với những thứ vô tình bị nhắc lại trong tâm thế bình tĩnh như thế này.
“Thế sau khi nghỉ học bạn đi đâu?” Ý Lan lại hỏi, nhưng thấy đề tài này nhạy cảm lại động chạm đến quá khứ của Tâm nên nhỏ nhanh miệng đổi chủ đề, “Hay thôi tụi mình nói chuyện khác chứ nhỉ? Giờ bạn làm gì thế?”
Cái Tâm không ngại kể chuyện cũ, nhỏ cảm thấy những gì mình chịu đựng suốt thời gian qua đã đến lúc cần được buông bỏ.
Ngày mới vào cấp III nhỏ nuôi một hy vọng những người bạn này sẽ dùng thứ tình cảm giản đơn để bù đắp lại thiếu thốn trong gia đình, nhưng không may nhỏ lại bỏ cuộc sớm, nhỏ không kiên nhẫn để mạnh dạn bày tỏ mà rời đi.
Nhân duyên xoay lòng vòng hôm nay A1 vừa vặn đủ 30 đứa, vừa vặn trưởng thành, vừa vặn đủ hiểu, đủ cảm thông, đủ mạnh mẽ để nói thành lời tiếng lòng.
“Sau khi từ bệnh viện về ông bà ấy đã mắng mình rất nhiều, họ trách mình tốn tiền thuốc than ở bệnh viện, trách mình phí tiền bao năm ông bà ấy đã nuôi nấng mình.
Mình tổn thương, tổn thương rất sâu sắc, mình mất đi định nghĩa về gia đình là gì, tình thân là gì.
Nhưng mình vẫn luôn nghĩ cho họ, vì kinh tế gia đình mình không đầy đủ gì lắm, ông bà ấy cũng vất vả nên chẳng thể hiểu được mình, chẳng cảm thấy mình quan trọng với gia đình khi mỗi ngày mình vẫn xuất hiện trước mặt họ.
Thế là mình giả vờ bỏ nhà đi, mình chỉ dọn một ít đồ rồi ngồi ở một góc khuất sát nhà xem họ phản ứng thế nào.
Thật đáng tiếc, khi họ nghĩ rằng mình đã bỏ nhà đi thì chẳng ai muốn đi tìm mình cả...”
Cái Tâm nhớ lại một tối năm ấy nhỏ ôm balo nghe thấy tiếng cáu gắt trong nhà, “Nó có gan thì đi luôn đi cho đỡ hai cái thân này!”, thì ra chỉ có nhỏ tự nghĩ mình quan trọng đến thế.
Tâm đã vừa khóc vừa chạy thật xa căn nhà ấy, thậm chí trong người khi đó còn chẳng có đồng bạc nào.
Tâm may mắn được đi ké xe trên những chuyến xe tải chở hàng đến thành phố khác, ở đó nhỏ lang thang chẳng biết phải làm gì.
Trong vài phút giây sợ hãi nhỏ lại muốn kết thúc cuộc đời này một lần nữa vì tuổi 16 chỉ có sợ hãi mỗi ngày mà thôi.
Không có hy vọng, mất phương hướng, tệ hơn là không thể nào nghĩ rằng nhất định mình sẽ có cơ hội.
Cái đêm Tâm nghĩ dù mình chẳng dũng cảm tự đặt dấu chấm cho chính mình một lần nữa thì cơn đói sẽ thay mình làm điều đó, nhỏ may mắn được một cô trung niên bán cơm cưu mang.
Cô cho nhỏ ăn uống và trú lại nhà, còn mang nhỏ ra quán cơm phụ mình việc lặt vặt và phát lương.
Sự lương thiện và tình người ấm áp của cô thắp một ngọn nến nho nhỏ trong lòng đã hoàn toàn lạnh lẽo của Tâm, nhỏ nghĩ mình có thể bắt đầu lại.
Tâm bắt đầu đi làm thêm mấy công việc khác, quán cơm chẳng nhiều việc để nhỏ cứ mãi ở đấy nguyên một ngày, nhỏ cũng không thể cứ ăn ở trong nhà cô bán cơm mà không trả cô chi phí gì.
Bất kì công việc nào nếu có thể nhỏ đều làm, chẳng màn cực khổ, chẳng màn những đồng lương ít ỏi không xứng với công sức mình bỏ ra.
Ngày nọ Tâm ngồi một góc ăn tạm hộp cơm nguội trong giờ nghỉ trưa ít ỏi, nhỏ gặp một chị gái trẻ trung diện chân váy bó sát và áo vest mượt mà, cả người toát ra vẻ thành đạt đáng ao ước.
Nhìn thấy Tâm lấm lem với hộp cơm khô chị gái nhẹ nhàng ngồi cạnh hỏi thăm, Tâm không dám nói gì nhiều, nhưng chị ta như nhìn thấu được tất cả mọi thứ, chị ta an ủi và truyền vào đầu nhỏ hàng tá câu tích cực trên đời này, còn kể nhỏ nghe cuộc đời chị ta cũng đã gian truân ra sao.
Chị ta nói chị ta đi xuất khẩu lao động vì nhà nghèo không thể tiếp tục đi học, sau vài năm ở xứ người có tiền trở về rồi học từ người khác mở kinh doanh riêng.
Khi thành công chị ta vẫn nhớ cơ hội kiếm tiền nhanh nhất là ở nước ngoài nên thành lập một công ty chuyên xuất khẩu lao động, ưu tiên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
“Công ty chị sẽ cho em vay số tiền làm giấy tờ và hỗ trợ xe cộ di chuyển cũng như vé máy bay, sang đấy em làm có tiền thì trả lại cho công ty.”
Cái Tâm khi ấy chỉ là một cô bé chưa từng trải bất kì điều gì ngoài xã hội, nhỏ còn khao khát có thể kiếm tiền, trước một người có hoàn cảnh tương tự mình, hiểu được cảm giác của mình, trải qua công việc đó và thành công trở về, Tâm không do dự mà đồng ý ngay.
“Thật ra mình đã nghĩ đến chuyện có bị lừa hay không vì làm gì có ai lại cho tiền trước đúng không? Nhưng mà người ta dẫn đến một công ty thật, có tên, có logo, có giấy tờ chuyên nghiệp, có người vào người ra bận bịu, mình tin đây là một công ty hợp pháp.
Cuối cùng mình vẫn là một đứa ngây thơ bị lừa vào đường dây buôn người sang biên giới.”
Lúc cái Tâm nhận ra mình bị lừa nhỏ đã ngồi trong trong một thùng xe tối om vượt qua những khu rừng đến gần biên giới, nhỏ nghĩ liệu mình sẽ bị lấy đi n.ộ.i t.ạ.n.g hay bị đưa vào bán bar, nhỏ còn chẳng đủ sức để khóc cứ mặc kệ những gì tiếp theo xảy ra.
“Mình còn tính c.ắ.n lưỡi c.h.ế.t đấy, nhưng một khắc trước khi bị đưa qua biên giới thì được một binh đoàn bộ đội cùng cảnh sát cứu.
Bà cụ mình đang ở cùng là bà của một anh bộ đội đã cứu mình, mình khai mình là trẻ mồ côi, mình chẳng nhớ được gì cả thế là anh đưa mình về đây sống với bà, vì anh đi lính bà chỉ lẻ loi một mình thôi.
Và cứ thế đến giờ đấy.”
Việt Chinh ôm chặt cánh tay Tâm khóc không thành tiếng, ngay cả bọn con trai cũng chẳng thể ngăn được đôi mắt dần đỏ và nước mắt tràn khỏi bờ mi kiên cường của tụi nó.
Thêm một lần nữa tụi nó đã đoán sai rằng Tâm sẽ được bù đắp những thiếu thốn ở một nơi khác.
Thì ra Thế Giới này có một phần tàn nhẫn như thế.
Cái Tâm thở dài một hơi, nhỏ đưa tay gạt đi nước mắt chẳng biết đã rơi đầy mặt mình từ lúc nào.
Nhỏ cười, “Mọi chuyện đã qua cả rồi.”
Giọng cái Tâm nhẹ tênh càng khiến cả lớp tan vỡ trong cơn đau như bị tra tấn ngay tim.
Khóc xong mệt nhoài đám trẻ cuộn người trên tấm bạt nhắm chặt hàng mi vẫn còn đọng nước, đồng quê yên ả ru những giấc ngủ càng sâu.
Việt Chinh nằm cạnh cái Tâm nhưng không ngủ, mắt nhìn chằm chằm lưng cô bạn sát bên, được một lúc Tâm trở mình bốn mắt lại chạm nhau.
Hai đứa ăn ý ngồi dậy nhẹ nhàng đi ra một góc xa, từ đầu đến cuối Việt Chinh vẫn nắm chặt lấy tay Tâm như sợ nhỏ sẽ biến đi mất.
Cái Tâm nhìn xuống nơi bàn đang bị siết chặt không biết phải hành động như thế nào.
Hai năm rồi, nhỏ bôn ba ngoài kia quên dần sự gần gũi giữa những người bạn này, mấy cái thân thiết như ngày xưa khiến nhỏ lúng túng.
Tâm liếc nhìn đôi mắt sưng húp và khuôn mặt lấm lem của Việt Chinh thì bật cười: “Bạn chẳng khác gì so với năm lớp Mười cả.”
Việt Chinh sụt sịt, “Còn bạn thì thay đổi rất nhiều, và mình ghét như thế này quá.”
Đáng lẽ cái Tâm cũng phải như Việt Chinh, là một cô nhóc được yêu thương và vô tư, không vì bất cứ điều gì mà thay đổi ở độ tuổi non trẻ này.
Cái Tâm chỉ cười cười, nhỏ nhạy bén cảm nhận được ánh nhìn từ phía xa, quay đầu lại thấy Trí ngồi tựa vào gốc cây nhìn về phía này, lúc chạm mắt nhỏ cậu lại nằm xuống tránh đi.
Cái Tâm nhướng mày hỏi: “Lớp mình chịu để người bên A2 đi chung cơ à? Ơ mà quên nhỉ, tính ra hai lớp cũng là thông gia mà.
Hai người vẫn luôn tốt từ năm lớp Mười tới tận giờ à?”
“Ừ.”
Cái Tâm gật gù vừa cảm thán vừa ngưỡng mộ, nhỏ nhìn sang Việt Chinh nhớ lại năm lớp Mười, tâm lý nhỏ lúc ổn lúc không vì cứ so sánh mình với cô bạn cùng bàn này.
So với người khác Việt Chinh chẳng hề nội bật, cái gì cũng bình thường nhưng chính điều bình thường này lại là thứ nhỏ ao ước.
Suy nghĩ của cái Tâm lại quay về ngày nhỏ được Việt Chinh và Trí phát hiện ở góc sân thượng nhà thờ.
“Bạn vẫn nghĩ về chuyện của mình qua mấy năm như thế luôn à?”
Việt Chinh nhìn ra cánh đống bát ngát tận phía chân trời gật đầu, “Bạn sẽ không như thế này nếu mình làm một người đúng nghĩa hơn.”
Suốt câu chuyện của cái Tâm Việt Chinh không khỏi dằn vặt, năm lớp Mười ấy nhỏ là người biết cái Tâm chịu áp lực hơn các bạn cùng lớp, nhưng cuối cùng nhỏ đã không làm gì cả, thậm chí còn không đặt chuyện của Tâm trong lòng.
Nếu tinh ý hơn có thể Tâm vẫn là cô bạn cùng bàn đến năm Mười Hai này.
Cái Tâm lắc đầu, “Không có gì thay đổi được đâu Việt Chinh ạ, bạn không mang sứ mệnh cứu rỗi bất kì ai cả.
Thời điểm ấy cho dù cả lớp hiểu được mình đang như thế nào có lẽ kết cục vẫn sẽ như hiện tại thôi.
Mọi quyết định của mình khi ấy xuất phát từ việc thiếu tình thương của gia đình và mình ghen tỵ với bạn, ghen tỵ với bất kì ai đang hạnh phúc.
Mình đã đọc rất nhiều sách self-help, tự nghĩ bản thân cũng may mắn hơn vô số người, nhưng vẫn không thuyết phục được bản thân thì ai sẽ thuyết phục được mình chứ? Mình tự thấy tiêu cực đến tận cùng nên khi ấy nếu ai an ủi, mình thấy mình bị thương hại, vì cái mình cần là gia đình mình cơ.
Nên đừng nghĩ như thế nữa, bây giờ mình tốt hơn hồi xưa rất nhiều, nếu bạn dằn vặt mình càng dặt vặt hơn vì chính mình đã đẩy bạn vào tình huống như thế.”
“Việt Chinh, mình đã thật sự buông bỏ tất cả rồi, bạn cũng đừng bận lòng như thế, nếu không mình vẫn sẽ còn cái gì đó kẹt lại khó đi tiếp lắm.”
Đám trẻ ngủ một giấc qua trưa bụng đứa nào đứa nấy đói meo, tụi nó lục lấy mì tôm mang theo từ khi sáng vào nhà bà cụ cái Tâm đang ở cùng nấu một nồi thật to, mấy thằng con trai hoạt bát nhanh nhảu còn xin được rau củ quanh vườn của hàng xóm xung quanh bỏ đầy nồi.
Công việc cấy mạ vẫn tiếp tục ngoài thửa ruộng, khi sáng tụi nó chỉ làm được vài lần nên còn chưa đã ghiền nên ôm tô mì ra tận bờ ruộng vừa ăn vừa xem các cô chú tay chân thoăn thoắt làm việc.
Thấy mấy đứa nhỏ hứng thú với công việc nặng nhọc này một chú cười nhắc nhở:
“Xem thôi thì hay chứ mấy đứa ráng học hành rồi tìm việc làm thật tốt nghe chưa? Nghề nông cực lắm.
Học tốt vào phát minh mấy cái gì đó hay ho thông minh phụ giúp nông dân như cô chú nữa.”
Đám trẻ còn đang háo hức bỗng khựng lại ngay, một vài đứa trong số chúng nó mới cách đây vài hôm còn chẳng muốn cố gắng, cứ tới đâu thì tới.
Trước lời nói của chú tụi nó chỉ cúi gầm mặt vào tô mỳ, nếu cố gắng hơn không chỉ vào trường tốt hơn mà còn có thể giúp nhiều người hơn, hôm nay tụi nó học được bài học quý giá như thế.
Ăn xong tô mì tụi nó được cái Tâm dẫn đi loanh quanh thêm một chút thì mặt trời cũng lặn dần nhuộm màu đỏ rực phía trời Tây, cái Tâm giục cả lớp trở về thành phố vì mai là thứ Hai còn phải đi học.
“Bạn không về cùng tụi này à?” Cả lớp xụ mặt.
Cái Tâm lắc đầu, “Mình đang rất ổn ở đây rồi, mình có đi học nghề lẫn học giáo dục thường xuyên ở đây đấy, không tệ như mọi người nghĩ đâu.”
“Nếu áp lực quá thì nghỉ ngơi thật tốt rồi bắt đầu lại, để đầu óc quá tải chẳng giải quyết được gì đâu, còn gây tác dụng phụ đấy.” Cái Tâm lại nói khi biết được mục đích chuyến đi này của cả lớp, nhỏ lấy kinh nghiệm của mình ra dặn lại các bạn.
Ý Lan nhìn đồng hồ tính toán thời gian xe chạy về thành phố, nhỏ cũng chắc không thể cứ nói cái Tâm đi cùng là ngay lập tức đi cùng được nên bước đến ôm cái Tâm thủ thỉ: “Giữ gìn sức khoẻ nhé, cả lớp sẽ lại đến đây thăm bạn thôi.
Phải giữ liên lạc nữa.” Ý Lan chỉ vào điện thoại nhắc.
Hốc mắt cái Tâm đã đầy nước, nhỏ gật đầu đồng ý.
Cả lớp theo Ý Lan nhào đến ôm chặt lấy Tâm, tụi nó dặn đủ thứ trên đời, còn để lại rất nhiều đồ ăn vặt, “Ăn nhiều vào nhé, phải mập lên chút cơ.”
Cái Tâm cong mắt nhận hết mà không từ chối, lúc trưa Việt Chinh kể lại hành trình đi tìm nhỏ và thái độ của cả lớp Tâm đã vào nhà khóc thầm một trận rồi, hoá ra kể cả khi nhỏ đã rời đi lâu như thế ở một góc nào đó những người bạn này vẫn luôn nhớ và cầu mong nhỏ thật hạnh phúc.
Có khi vì thế mà nhỏ thật sự bình yên như bây giờ.
Những gì Tâm mong muốn khi vào cấp III đã trở thành hiện thực dù không còn sát cánh bên nhau nữa.
Trí là người đi ké, suốt ngày hôm nay cậu chỉ quanh quẩn bên đám con trai A1 nhưng chẳng nói gì nhiều, đến lúc này cậu mới gật nhẹ đầu với cái Tâm, “Giữ gìn sức khỏe nhé.”
Nghĩ gì đó cậu nói thêm: “Rất vui được gặp lại bạn.”
“Phó nhà bên nhớ chăm phó nhà chúng tôi tốt vào đấy!” Cái Tâm nghênh mặt đanh đá nhắc nhở, lúc này nhỏ lại có chút gì đó của Tâm năm xưa.
Trí chỉ cười.
Chiếc xe khách từ từ lăn bánh, cái Tâm nhỏ xíu đứng mãi ở bãi đất trống vẫy vẫy tay theo, cả lớp cũng ló đầu ra khỏi cửa sổ vừa vẫy tay vừa hét: “Tụi này sẽ quay lại sớm thôi!”
Việt Chinh thổn thức siết chặt tay Trí, xe chạy thêm một đoạn nhỏ thả tay Trí chạy lên phía trước nói với bác tài: “Bác ơi dừng xe giùm con với!”
Việt Chinh nhảy xuống xe chạy một mạch đến trước mặt cái Tâm vừa thở hổn hển vừa nói: “Bạn nhớ kịch bản Nàng Meow Cá năm lớp 10 không? Nó vẫn chưa hoàn thành, vẫn chưa bao giờ được lên sân khấu, bạn trở về tham gia vở kịch năm 12 cùng mọi người được không?”
Tâm nghe tiếng bước chân dồn dập, sau Việt Chinh cả lớp cũng đang chạy về phía mình một lần nữa.
Ý Lan tiếp lời Việt Chinh: “Và cùng nhau chụp một bộ kỉ yếu vào mùa Xuân, nha?”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...