Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc
Chỉnh sửa: Tiểu Su a.k.a Tử Dương
Nguồn 2T
Trải qua hai tháng gà bay chó sủa kinh tâm động phách cùng Tống Tịch Viễn, khẩu vị ta càng ngày càng không tốt, bản thân ta cũng không hiểu được như vậy là thế nào, cho đến một buổi sáng, ta hoàn toàn không thèm ăn, nhưng khi vừa uống một ngụm trà thì cảm thấy trong bụng nôn nao khó chịu, còn chưa nếm được vị trà đã ói ra.
Tống Tịch Viễn đưa tay ra đỡ ta, cảm thấy lo lắng không yên liền gọi hạ nhân đi tìm đại phu.
Đại phu tới bắt mạch, lập tức đứng dậy ôm quyền nói với Tống Tịch Viễn: “Chúc mừng Tam công tử! Chúc mừng Tam công tử! Tôn phu nhân có tin vui!”
“Thật ư?” Tống Tịch Viễn nắm cổ tay áo đại phu, hai mắt lóe sáng, rực rỡ khiến sao trên trời thấy đều phải hổ thẹn.
Đại phu vuốt râu mặc Tống Tịch Viễn kéo tay áo, cười híp mắt nói: “Lão phu hành nghề y bao năm nay, hỉ mạch chưa bao giờ hội chẩn sai.
Tôn phu nhân đã hoài thai bốn tháng.”
Hả?!
Nếu như câu nói trước của lão nhân này khiến ta không thể phản ứng lại, thì câu nói sau của ông ta lại khiến đầu óc ta xoay mòng mòng.
Bốn tháng… Bốn tháng? Bốn tháng?
Tống Tịch Viễn mặt lạnh tanh phất tay áo, nói: “Người đâu, tiễn đại phu!”
Vị đại phu kia chẳng hiểu gì liền bị hai gia đinh Tống gia xách lên mời ra khỏi Tống gia.
Tống Tịch Viễn đến ngồi xuống bên cạnh ta, ôm lấy ta, vuốt ve cái bụng bằng phẳng còn chưa nhô lên của ta, dịu dàng nói: “Nương tử đừng sợ đừng sợ, đại phu này nhất định là gian tế Bùi Diễn Trinh phái đến thâm nhập Tống gia.
Để tướng công đi mời một đại phu nghiêm chỉnh đứng đắn đến.”
Chỉ chốc lát sau, một đại phu nơm nớp lo sợ lại đến, lập cà lập cập chẩn mạnh, rồi run run rẩy rẩy nói: “Chúc… chúc mừng Tam công tử, tôn phu nhân có thai… có tin vui… hai tháng… có thai hai tháng.”
Tống Tịch Viễn cười hài lòng, đắc ý nắm bờ vai ta, nói với đại phu nọ: “Ha ha! Khương đại phu quả là diệu thủ thần y! Đã quấy rầy đã quấy rầy.” Lát sau chàng hào phóng vung tay dặn dò bọn hạ nhân: “Đi ngân khố lấy một trăm lượng vàng tạ ơn Khương đại phu.
À đúng rồi, ngay bây giờ đi khắc một bảng hiệu đưa đến y quán Khương đại phu, khắc bốn chữ “Diệu thủ thần y” đi!”
Mọi người lui ra ngoài, Tống Tịch Viễn nhu thuận ngồi bên giường ta, cẩn thận đến từng li từng tí, cả ngày bưng trà đổ nước biết bao ân cần, ôm ta tựa như một con mèo con đang ôm đuôi cá, khiến ta vô cùng kinh hãi.
Chạng vạng tối, một hạ nhân vội vàng đến bẩm báo: “Tam công tử, Bùi đại nhân tới chơi.”
Tống Tịch Viễn híp híp mắt: “A~ vậy cũng tốt nha~” Chàng dặn dò ta tạm nghỉ ngơi rồi rời sương phòng.
Sau này, ta mới biết, ngày đó Bùi Diễn Trinh biết được việc ta mang thai… Sau đó, hai nhà Bùi Tống vì việc ta rốt cuộc là mang thai hai tháng hay bốn tháng mà bắt đầu đối chọi gay gắt, Bùi Diễn Trinh kiên trì muốn mời đại phu bắt mạch một lần nữa, Tống Tịch Viễn lại kiên quyết không đồng ý.
Ngay cả phụ thân ta cũng không nhịn được, sai thầy thuốc riêng của Thẩm gia tới bắt mạch cho ta, kết quả, một lang trung nói là bốn tháng, một người nói là hai tháng, vì vậy ngay cả phụ thân cũng chưa thể đưa ra kết luận được.
Mà ta xưa nay chưa bao giờ để nguyệt sự ở trong lòng, bản thân cũng mơ hồ không rõ lúc nào có nguyệt sự, vì thế, chuyện này đã trở thành một câu đố.
Tống Tịch Viễn vừa nhắc đến Bùi Diễn Trinh liền nghiến răng nghiến lợi: “Nhất định là hắn ghen tị ta cưới được nương tử xinh đẹp duyên dáng, bây giờ lại còn muốn đoạt khuê nữ còn chưa xuất thế của Tống gia!”
Ta im lặng không nói, câu này không đúng, một là, Bùi Diễn Trinh không cần phải ghen tị, nghe nói từ ngày thánh chỉ vừa ban xuống liền giơ móng vuốt đạp ta ra khỏi đại môn Bùi gia, ngày thứ hai liền có người nhờ bà mối tới cửa làm mai cho Bùi Diễn Trinh, thành Dương Châu này có bao nhiêu cô nương cũng ngày ngóng đêm mong được gả cho Bùi đại nhân kinh tài tuyệt diễm, thứ hai, Tống Tịch Viễn dựa vào đâu mà kết luận đứa bé trong bụng ta là khuê nữ? Ngộ nhỡ đó là con trai thì sao?
Việc tốt không ra tới cửa mà chuyện xấu thì đã truyền xa nghìn dặm, không ngờ việc này lại truyền đến lỗ tai hoàng thượng, vì thế, liền phái một vị thái y quyền uy được coi là đức cao vọng trọng từ kinh thành ngàn dặm xa xôi đi suốt đêm đến Dương Châu.
Hoàng thượng không xen vào thì tốt, một khi đã xen vào… khiến mọi người đều kinh ngạc.
Vị thái y này hạ tuyệt bút: “Mang thai ba tháng.”
Tuy ta cho rằng lấy việc coi trọng Trung Dung [1] là thượng đạo, chiết trung [2]mới tốt, nhưng mà chiết trung này chiết thực ngoan độc.
Nếu như ta mang thai bốn tháng, vậy thì bào thai trong bụng này là hậu duệ Bùi gia quan lại quyền quý dòng dõi thư hương, còn nếu như ta mang thai hai tháng thì là truyền nhân thứ bảy mươi tám của Tống gia giàu có một phương, mặc kệ nói thế nào cũng đều thấy vui vẻ.
Vậy mà lúc này lại chẩn đoán mang thai ba tháng… Ba tháng trước, ta đã rời Bùi gia còn chưa gả đến Tống gia…
Thực là khóc không ra nước mắt mà.
Ai, quay người lại đều không có cửa, thái y là cái gì, sau lưng thái y chính là hoàng đế bệ hạ, thái y đã đưa ra chẩn đoán thế nào, thì thiên hạ này làm gì có lang trung đại phu nào dám liều mạng lên tiếng phản đối.
Sự thực đã chứng minh, cái nghề hoàng đế này chẳng những thiếu hụt cảm giác an toàn nghề nghiệp, mà còn là một nghề rảnh rỗi đến phát điên phát khùng, ngay cả chuyện nhà người ta sinh em bé mà cũng muốn bon chen vào.
Cái này thì tốt rồi, một con rồng muốn thò vuốt xen vào, thanh danh ta đây không tuân thủ phụ đức coi như hoàn toàn thành cái quan định luận [3], mà Tống Tịch Viễn cũng được nghiêm nghiêm cẩn cẩn đội lên chiếc mũ xanh mượt.
Ta cảm thấy, tuy rằng Tống Tịch Viễn có trưởng thành hơi sớm, suy nghĩ có chút kì quái… ấy không, có chút độc đáo, nhưng về cơ bản là một thiếu gia không tồi, hiện giờ lại xảy ra chuyện này khiến chàng thực oan uổng, Tống gia còn là danh môn vọng tộc ánh vàng rực rỡ, không thể chịu nổi vết nhơ này, nên chủ động tìm chàng đòi viết hưu thư.
Không ngờ lại bị chàng không chút nghĩ ngợi gì đã nghiêm khắc cự tuyệt ta, còn thẳng thắn trách móc vị thái y kia là tên lang băm, là lang băm giết người không thấy máu, giết người không chớp mắt, giết người không đền mạng.
Mà trong thành Dương Châu này những cô nương từng ngưỡng mộ Tống Tịch Viễn hiện giờ lại bừng lên ngọn lửa chiến, âm thầm căm phẫn nguyền rủa trong lòng không biết bao nhiêu lần, khiến ta ngay cả cửa cũng chẳng dám ra.
Một ngày thừa dịp Tống Tịch Viễn đi đến bến tàu kiểm hàng, ta ở trong thư phòng Tống gia tìm kiếm cẩn cẩn thận thận một hồi, cuối cùng cũng tìm thấy một quyển sách nói về phụ đức có nhắc đến thất xuất chi tội[4] ở góc phòng.
Ta dựa theo quy cách viết hưu thư trong đó mà sao ra một bản, lại lôi tư ấn của Tống Tịch Viễn ra, ở phần “người lập thư” đóng một dấu hồng lên đó.
Ta giấu kỹ tờ giấy mỏng đi rồi chuẩn bị chút quần áo, ngày đó liền dẫn nha hoàn theo ta lúc về nhà chồng quay về Thẩm gia.
Phụ thân sóng to gió lớn nào mà chưa từng trải qua, chỉ làm như không có chuyện gì, vẫn như thường lệ gọi ta và đám đệ đệ cùng ăn cơm chiều.
Đến buổi tối nhóm di nương vẫn bình tĩnh đảo bài, đại đệ đệ vẫn ôm một đống sổ sách ngồi thiền, tiểu đệ đệ vẫn quấn quít lấy ta kể chuyện ma quỷ ngày xưa… khiến ta không khỏi cảm khái ở nhà mẹ đẻ quả là tốt nhất!
Sau đó, Tống Tịch Viễn đến Thẩm gia quấy nhiễu mấy lần, ta đều đóng cửa không tiếp, không phải là phụ thân ứng đối thì cũng là đại di nương chiêu đãi.
Nhưng mà, dấu ấn đỏ tươi trên phong hưu thư kia cũng không phải đồ giả đúng không? Đến nha môn tìm tri phủ Bùi lão gia phán quyết, kết cục hưu thể không thể thay đổi được nữa.
Đến lúc này, quãng đường ta đây từ khuê nữ chờ được gả đi trở thành Bùi Thẩm Thị, từ Bùi Thẩm Thị biến thành cháu gái ngoại của Bùi gia, lại từ cháu gái ngoại của Bùi gia trở thành Tống Thẩm Thị, cuối cùng lại quay về Thẩm Diệu, quanh co vòng vèo một hồi cũng có thể tính là trần ai lạc định.
[5]
Chỉ một thời gian ngắn, từ danh môn thế gia, cho đến đầy tớ những kẻ buôn bán nhỏ, trong thành Dương Châu này mọi người đều biết đến.
~~~~~o0o~~~~~
Chú thích
[1] Trung Dunglà một trong bốn cuốn của bộ Tứ Thư.
Ba quyển còn lại là Đại Học, Luận Ngữ , Mạnh Tử.
Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra cũng trên cơ sở mộ thiên trong Kinh Lễ.
Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử.
Mục đích của sách Trung Dung là biểu thị rằng theo Đạo có thể giúp chúng ta đạt được một trình độ cao của đạo đức.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo “trung dung”, tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân.
[2] Chiết trung: (Chiết: gẫy; trung: giữa) Có tính chất trung hoà một cách máy móc những quan điểm khác hẳn nhau.
Chủ nghĩa chiết trung: hệ thống quan điểm máy móc pha trộn những yếu tố thuộc những quan điểm triết học, lí luận chính trị khác nhau, đối lập nhau.
[3] Cái quan định luận: có nghĩa là khi người chết đã nằm trong quan tài, nắp hòm đậy lại thì mới định công luận tội người quá cố
[4] Thất xuất chi tội: bảy tội của con dâu, bao gồm: không hiếu thuận cha mẹ chồng, không con, dâm ô, ghen tuông, có bệnh hiểm nghèo, nói nhiều, trộm cắp
[5] Trần ai lạc định: bụi trần đã rơi xuống, ý nói đã đến hồi kết thúc.
------oOo------
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...