Ở sân trên nhóm đàn ông tiếp người Lâm gia đến nhận ghe xong thì đi vào xưởng luôn. Mai mang bộ bình nước vào xưởng, ba người nhà cậu vòng quanh xem ghe nhỏ còn lại đang chờ nhựa trát khô. Còn một chiếc ghe thứ ba thì mới ghép được một ván be và ván đáy. Sinh ca xem xong đến phụ thất thúc đỡ ván ghép. Xen lẫn tiếng cưa gỗ, bụi mạc cưa là tiếng nói chuyện, hỏi han công việc.
Trong chái nhà, dì dượng năm đang xem hai mươi cặp đèn vừa xong hôm trước.
– Cửa tiệm bán được không? Cần thêm đồ gì?
– Mai, đi gọi a An vào đi.
– Dạ,
Chuyện món nào cần mua thêm An ca là rành nhất, còn chuyện tính tiền bạch lạp nữa. Mai đứng nghe a An tính toán tiền bán đèn và mua thêm đá đánh lửa, kim chỉ, dầu đốt.
– Cứ làm tiếp bạch lạp, tháng sau dượng ghé thu.
– Dì dượng đi gấp vậy?
– Ừ, đã hẹn giao bạch lạp trước ngày rằm cho Bạch Ân Tự rồi.
Bạch Ân Tự là ngôi chùa lớn linh thiêng gần Trấn Giang. Vị sư trụ trì đạo hạnh cao thâm, được mọi người trọng vọng. Hàng năm Phật tử hay người thập phương đến cúng dường rất đông.
Dì dượng chào hỏi một vòng thì lập tức lên đường, ghe vừa khuất thì Lưu tam bá mẫu chạy đến hỏi:
– Ngũ di a Bình đi rồi sao? Gấp vậy, ta định nhờ chút việc.
– Dạ, tháng sau sẽ đến thăm, bá mẫu muốn mua gì? gấp không?
Lưu tam bá mẫu nghĩ nghĩ rồi nói ‘không có gì’ sau đó thì đi về hướng nhà Lưu bá mẫu.
Trời đã ngã chiều, Mai ngồi trong quán nhìn thẳng ra hướng vũng Đông Hồ. Cồn giữa sông như lớn hơn, bãi đất bùn rộng hơn. Mấy đám lát bị nước mặn lâu ngày lá đã hơi vàng, bông bay theo gió chỉ còn xơ xác cọng nhỏ mong manh trong nắng. Mấy chiếc bè chầm chậm qua lại, lưới cá ánh lên lấp lánh.
Nếu Lưu tam bá mẫu mở quán phía bên đó thì ở đây càng vui hơn. Một năm này đã có thêm năm mái nhà ở đây rồi. Dù vẫn thưa thớt hơn trong làng, nhưng vị trí này thuận lợi vì rất gần mặt Đông Hồ, rẽ vào con rạch lớn trước nhà Mai là tới.
Quan trọng là bán cái gì? Giao thương buôn bán chưa phát triển, người dân quanh đây chủ yếu là tự cung tự cấp; thậm chí dầu đốt đèn cũng xài rất tiết kiệm. Nhà nào cũng tự nấu ăn, may quần áo. Nhà phú hộ cũng có người ở, tỳ nữ lo việc nhà, thêu thùa may vá.
Có khách mua đồ, là nhóc nhà đánh cá ven đầm.
– Tỷ, bán một cái đá lửa, một cây kim lớn và ống chỉ đen.
– Chờ chút,
A Phúc và a Duyên từ trong nhà chạy ra, giành đưa đồ cho khách. Nhóc đó chống bè nhỏ đi mua, lúc nãy cũng đứng dưới bè mà không leo lên bờ. Mai để ý hai nhà ngoài đó không mua dầu đốt, chắc rất tiết kiệm; hay họ mua ở chợ làng.
– Đệ biết tính tiền chưa?
Đương nhiên là hỏi a Duyên, hắn nhíu mày rồi lắc đầu. Lẽ ra Mai phải gọi hắn là ca, nhưng hắn nhỏ như vậy cô không thể gọi được. Lần trước hắn hỏi sao Mai không gọi hắn là ca, Mai quay đi không trả lời.
– Lại đây, ta dạy cách tính tiền.
A Phúc đã biết nhưng cũng chạy lại nghe, được một lát hai đứa nhóc cứ lúc la lúc lắc chân. Mai buồn cười nhìn rồi thả cho hai đứa chạy đi chơi. Phía làng chài bỗng có đám mây đen rất lớn, từ từ trôi về đây, sắp mưa? Sớm hơn năm rồi sao!
Mai không nghĩ nhiều mà vội vàng dọn rổ tre rinh chạy vào nhà. An ca chạy ra giúp.
– Sắp mưa sao?
– Không biết, cậu nói chưa đâu, chút nữa mây tan nhanh thôi.
Người lớn có kinh nghiệm không bị đám mây kia hù nên vẫn thong thả cuốc đất trên ruộng, có người vội gom cỏ rơm khô đốt luôn. Vĩnh ca đang chạy nhanh về, ca ấy cũng sợ mưa đến.
– Ao sen nở bông rồi đó, muội muốn ướp trà sen không?
– Dạ, muội vô xin nương đã, cậu hai và Sinh ca đến lúc nãy, ca vô thưa cậu đi.
– Vậy à, ta lấy mấy gói trà luôn.
Sắp đến Rằm Tháng tư, Lễ Phật Đản nên Mai muốn làm ít trà ướp sen cúng dường sư ông, giữ lại một ít để cha nương đãi khách. Mấy đứa nhỏ ôm rổ tre chống ghe lườn nhanh ra ao sen. Bốn đứa hì hục kéo chiếc ghe lên bờ qua ao sen, Tùng huynh đi ngang qua thấy chạy đến phụ một tay.
– Sao kéo nó tới đây làm gì? Mai nói vài câu giải thích, huynh ấy ừ ừ không hỏi thêm, còn đi theo lên chống ghe chen vào mấy đám bông sen vừa chướm nở. Hương hoa sen nhàn nhạt thoang thoảng trong gió. Nước ao sen chỉ còn nửa, mấy cọng sen vươn cao lên khỏi mặt nước, đong đưa nhè nhẹ.
– Nhà huynh cuốc xong hết chưa?
– Chưa, còn mấy công nữa. Thúc ta đi Chánh Dinh cuối tháng mới về, lúc đó chắc mới xong.
– Huynh đi Chánh Dinh chưa?
– Chưa,
– Vậy Nguyễn thúc có kể cho huynh nghe không?
– Rất ít kể.
Tùng huynh ít nói, trả lời nhát gừng làm Mai nản không hỏi nữa. Nguyễn thúc đi từ tháng giêng, giờ là giữa tháng tư mới về tới, đi về hơn ba tháng. Ở thời này như vậy cũng tính là nhanh, không biết đi bằng gì? Đường bộ hay đường sông?
– Lần này trà ít, nhà muội cúng dường sư ông trước.
Ý Mai là a Tùng giúp làm nhưng lần này cô không đủ trà ướp sen tặng nhà bên đó được. Hắn gật đầu nói:
– Ừ, ngày mai nhà ta sẽ mang trà đến ướp.
– Được, vậy để ghe lườn lại đây, nhà huynh làm nhanh hơn.
– Ừ.
Mai hái mấy bông sen, lá sen đẹp về cắm vào bình đất trong phòng cô. Hoa sen tươi được mấy ngày, có hương sen quanh quẩn, rất dễ chịu.
Hôm nay ăn cơm chiều trễ hơn mọi ngày. Cậu hai muốn làm xong chuồng heo mới ăn nên cả nhà vừa phụ cậu làm, vừa làm mấy việc khác. Nhà đông người, chia hai bàn ăn cơm ngoài sân, không đặt xa nhau lắm; bàn bên này nói chuyện thì bàn kia vẫn nghe rõ. Ngày hai bữa cơm là thời điểm cả nhà ngồi cùng nhau, nói chuyện trong nhà, chuyện trong làng.
– Năm nay có thể ngoài đây mưa trước miệt trong, để ý ngâm lúa giống cho kịp. Cha nói năm nay nước sẽ cao nên tranh thủ sạ sớm, gặt lúa sớm trước khi nước lên.
– Được, cái này có nói người ở đây biết không?
– Là cha và thúc bá làng trong tính vậy, chưa chắc trúng. Dù sao cũng nói mọi người dự phòng.
– Ta biết.
Ông ngoại là lão nông, cộng thêm mấy vị khác trong làng coi trăng coi sao dự báo như vậy hơn phân nửa là đúng rồi. Mình biết cũng nên báo bà con xung quanh biết để có dự phòng.
– Chuyện bán ghe xuồng ở ngã bảy hôm trước, cha tính qua năm mới làm. Nhưng năm nay nước lên, lại nghe dì dượng a Mai về nói nhà cô dượng đóng ghe kiểu mới rất thuận lợi. Nên cha bàn với ta làm luôn năm nay.
Nghe cậu hai nói đến điểm quan trọng, cả nhà đều im lặng nghe.
– Lần này về, ngâm giống sạ lúa xong cha sẽ mua chỗ đất gần chợ phiên, dựng bến nhỏ neo ghe bán. Cô dượng thấy được không?
– Được.
Cha nương đương nhiên là vui vẻ đồng ý. Sắp tới mình muốn thuê người cưa xẻ gỗ mà giờ có thêm người lo bán ghe làm mọi người nhẹ nhõm; không sợ là bán không được.
– Sắp tới sẽ tập trung đóng ghe hột vịt này trước, đến lúc đó chắc được hai ba chiếc, đệ sẽ kéo lên ngã bảy.
– Được, còn mấy tháng nữa nước mới lên, không vội. Hơn nữa chuyện mua bán này cha mới làm, còn cần nhà đệ muội nói thêm. Có gì a Sinh đi lại mấy lần để học hỏi.
Sinh ca gật đầu, trước khi đi ra đây ông nội và cha đã bàn tính, cũng dặn hắn chuyện này. Sau này chuyện trong nhà do Sinh ca nối nghiệp, ngoài làm ruộng thì chuyện mua bán này rất trọng yếu, mua bán được sẽ không lo nghèo.
– Lúc đó, đệ muội cho a Mai đến nói mấy chuyện với cha. Hôm trước ta còn chưa hỏi xong mấy việc.
– Được, ca.
Cậu nói vậy đương nhiên là cha nương đồng ý. Thật ra mọi người trừ An ca vẫn luôn thắc mắc là Mai nói gì với cậu hai mà cậu và ông ngoại nhanh chóng đồng ý chuyện bán ghe ở ngã bảy.
Ông ngoại xưa nay trầm tĩnh, cẩn trọng. Ngoại rất hiếm khi nhanh chóng đồng ý như vậy. Thật ra công lớn là của cậu hai, Mai nghĩ. Nhà ngoại bây giờ ba thế hệ sống chung, nhưng trụ cột chính vẫn là cậu hai. Mai biết điều này nên cô mới thuyết phục cậu trước nhất, việc còn lại cậu sẽ lo liệu chu toàn thôi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...