Mùng bốn phải dậy từ canh tư, muốn đi nhà nội về trong ngày cần đi thật sớm. Hôm nay ba con trai lớn ở nhà chăm gà vịt, bù lại cho Cúc tỷ và Mai không đi tảo mộ lần trước.
Mấy hôm nay trời nắng nóng, thịt kỳ đà hôm qua đã ướp muối, tiêu để không bị hư. Cha và Cúc tỷ cũng không mặc đồ mới mà giống cả nhà, chọn bộ đồ lành lặn về nhà nội. Lưu tam bá mẫu đã về nhà mẹ đẻ từ Mùng hai, sau đó về nhà nội Ngọc tỷ luôn. Nhà bên đó không về làng chài hôm nay, chỉ còn hai nhà Mai và Lưu bá cùng nhau đi. Tương huynh cũng ở lại coi nhà.
Ghe trước ghe sau xuôi dòng lặng lẽ. Trăng thượng tuần đã lặn mất, chỉ còn sao Bắc Đẩu lấp lánh trên bầu trời. Cha nói một mình cha chèo là được nên bốn người phụ nữ và a Phúc nằm sát nhau trong mui, rầm rì vài câu rồi ngủ thêm một chút giữa tiếng mái chèo khua nước đều đặn. Ghe bên kia cũng chỉ có Lưu bá chèo.
Cha và Lưu bá không nói chuyện, im lặng khua mái chèo. Mấy chén rượu tối qua không ảnh hưởng gì. Tuổi hai người vẫn là trung niên cộng thêm quanh năm làm việc rèn luyện nên thân thể cường tráng. Giữa trời khuya hai người chỉ khoát thêm áo dài tay, đầu quấn khăn, tay chèo vững vàng không thấy cái lạnh của sương, của gió. Trong tâm chỉ có sự bình yên của vợ con ngủ yên trong mui ghe, mắt nhìn cảnh vật mờ ảo nhưng quen thuộc trên đường về làng chài.
Đến gần làng chài trời sáng tỏ, đã thấy nhiều ghe xuồng xuôi ngược, rộn ràng.
– Về sớm vậy, năm mới phát tài.
– Năm nay chắc trúng cá rồi, ta thấy trăng trong hơn mọi năm.
– Ha ha, đủ ăn đủ mặc là đủ vui rồi.
Neo ghe ở bến xong hai nhà chia tay nhau, nhà Lưu ông gần hơn, phải rẽ trước ở gần bến. Trên đường về cha chắp tay chào hỏi người quen, nói chúc Tết may mắn. Năm rồi mưa thuận gió hoà, nhà nông hay người đánh cá đều có cái ăn, cũng tích trữ chút lương thực trong nhà nên tâm tình thoải mái, vui vẻ đón mừng năm mới.
Nhà nội đang có khách, là hàng xóm đến chúc Tết, nói chuyện đầu năm. Chỉ có vài ngày này mọi người mới thong thả cùng nhau nói chuyện mùa màng, gia đạo. Cha dẫn đầu vào nhà, chắp tay chào ông nội và khách, mấy đứa nhỏ theo sau chào, chúc Tết. Nhóm đàn bà con gái lui xuống nhà sau nói chuyện. Ngũ cô mang thịt kỳ đà ra, hỏi cả nhà muốn nấu món gì rồi vừa chuẩn bị món ăn vừa tán chuyện. A Phúc dựa vào người bà nội kể chuyện mấy con gà con.
– Nương muốn nuôi gà không? Quây cái chuồng nhỏ sân sau cũng được.
– Nương, mình cũng nuôi gà đi.
– Nội, mình nuôi đi.
Lục cô và a Lan tỷ đều lên tiếng, bà nội gật đầu:
– Vậy qua giêng nuôi chục con đi, ta nói a Vinh làm chuồng nhỏ ở góc xa kia.
– Bà nội, con sẽ chọn con gà khoẻ mạnh nhất cho nội. Nhà con muốn ấp để bán gà con, nội hỏi xem có ai muốn mua không?
Mai hớn hở nói, xung quanh đây gần hai mươi nhà. Mỗi nhà đều nuôi chục con thì nhà mình cũng bán được hai trăm con gà con rồi.
– Được, bà nội sẽ hỏi cho con.
Lúc ăn cơm cha nói:
– Con kỳ đà không lớn. Nhờ Nguyễn gia chỉ làm bẫy, cũng mời người lớn trong làng ăn nên còn không nhiều.
– Được rồi, cũng không phải chưa ăn qua. Con ở trong đó nên giao thiệp với người xung quanh. Nghe con nói chuyện học chữ, cha cũng mừng. Nhớ để tụi nhỏ theo học, được chữ nào hay chữ đó.
– Dạ, cha. – Ông nội, qua Mùng mười con vô nhà tứ thúc được không?
Hân ca bị thất thúc nháy mắt nên nói.
– Ừ, hai đứa qua Mùng đi đi, ở nhà cũng không nhiều việc.
Ăn cơm xong ông nội dẫn cha đi chào hỏi trưởng làng và mấy nhà thâm giao. Lúc thấy mấy đứa nhỏ đều ra sân chơi, tam bá mẫu nói:
– Gần nhà ngoại a Hân Hồ gia có cô con gái lớn tới tuổi cặp kê mười sáu, ta xem cũng được, nương thấy được không?
Bà nội không vội trả lời, chỉ nói:
– Hôm trước a Hân giận dỗi, ép uổng nó quá cũng không được. Giờ mình vội đi xem nhà người ta, sau này khó ăn nói.
Tam bá mẫu thở dài, than phiền:
– Không biết sao nó không nghe lời.
Nương thuật lại chuyện ở nhà khuyên răn Hân ca làm tam bá mẫu thở dài thêm. Mai cũng thấy hơi lạ. Người ở đây trai mười tám tuổi mà chưa bàn chuyện đính hôn, tìm mai mối như Hân ca rất ít. Giống Vinh ca mười chín tuổi cưới vợ, chị dâu năm nay mười tám đã mang thai hơn bốn tháng. Ngày thường Hân ca làm việc ở nhà cô rất chăm chỉ. Ca ấy không khéo tay như Bình ca nhưng rất khoẻ mạnh. Mấy việc nặng như kéo gỗ, cưa gỗ lớn đều cùng cha Mai làm, cũng chịu đùa giỡn với mấy đứa nhóc trong nhà.
Hân ca và thất thúc muốn vào nhà Mai sớm. Thất thúc thì ham vui, nghe chuyện mấy con gà con thì muốn chạy ngay vào, còn Hân ca vì sao? Thật sự chăm chỉ hay,…? nhà Mai có gì hấp dẫn sao?
Mấy ngày tiếp theo cha và Lưu bá cùng nhau đi đến nhà trong làng uống rượu như lời mời. Lưu tam bá bên kia cũng từ làng chài vào, tháp tùng đi gặp gỡ giao thiệp. Nhà Lưu bá cũng bày tiệc chiều Mùng chín đãi khách. Cả nhà Mai qua phụ giúp một tay nấu nướng.
Ven bờ vũng Đông Hồ gần nhà Lưu bá có hai nhà mới dựng trước Tết, nghe nói là từ Cà Mau đến. Hai nhà họ ít người nên không khai khẩn đất làm ruộng mà đi chài lưới đánh cá. Họ mang theo thói quen sinh hoạt ở vùng sông nước Cà Mau là dựng nhà sàn cách mặt nước mấy thước. Có cầu ván đi vào mảnh sân nhỏ trồng ít rau và đi đường đất vào trong làng.
Nhà hai người dùng hai cái bè nhỏ đánh lưới, chiếc bè được ghép từ những cây đước bằng dây thừng lớn. Hai nhà này mới đến nên chưa quen người xung quanh. Mà Mai để ý thấy họ suốt ngày trên bè đánh cá, ra cồn giữa cũng đặt bẫy chim cò, bắt cua ốc.
Có những hôm sáng sớm Mai vừa ngủ dậy đã thấy hai chiếc bè đã ở giữa sông. Hai chiếc bè nhỏ xíu lạc lõng giữa sương sớm lãng đãng của Đông Hồ, vừa tịt mịt u buồn vừa lãng mạn như những bài thơ xưa.
Sĩ nông công thương đã phân chia các cấp bậc trong xã hội này. Nhà nông làm ruộng còn được coi trọng. Nghề chài lưới đánh cá bị xem là nghề hạ bạc, rất nhọc nhằn mà không được xem trọng. Dân gian có câu ‘lưới chài còn ướt là còn có ăn, khô câu khô lưới khô chài là bụng đói cơm khô’ để nói nỗi vất vả tay làm hàm nhai của nghề này.
Nghề mò ngọc trai cũng xem là nghề hạ bạc. Những lúc mò được ngọc thì huy hoàng, cuộc sống cả nhà khá giả mấy năm. Số lần mò được ngọc hiếm hoi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng nguy hiểm thì khỏi phải nói. Sinh mạng con người thật nhỏ bé trước biển cả mênh mông. Mấy nghề đi săn thú, tìm trầm trong rừng rậm cũng không được xem trọng, bị coi là nghề hạ bạc.
Thật ra chuyện phân biệt nghề hạ bạc đã là không công bằng rồi. Nếu không có người đánh cá thì lấy cá đâu cho mình ăn, lại đi coi rẻ người ta? Mà đâu ai muốn chọn nghề bị coi là hạ bạc. Khả năng và sở trường của mình làm được cái gì thì theo đó mà làm.
Giống như nhà Mai trước đây. Cha không đủ sức khỏe đánh cá trên biển nên vào trong này làm nghề nông. Có người thích cuộc sống lênh đênh rày đây mai đó thì làm khách thương hồ, thương lái. Làm nghề gì để nuôi sống mình và người nhà cũng tốt, sao phải coi là nghề hạ bạc.
Chiều Mùng mười thất thúc và Hân ca quá giang xuồng vào. Hai người vừa đến đã chạy đi xem cái bẫy kỳ đà, cùng mấy đứa con trai nói chuyện xôn xao. Nếu gần đó có con vật nào cũng bị doạ chạy mất biệt. Cha đã trả cái bẫy mượn nhà Nguyễn thúc, chỉ đặt một cái ở gần chuồng gà. Trong rừng có mảng đất trũng nước, cây cối rậm rạp là nơi trú ẩn của kỳ đà vào mùa khô. Không biết có mấy con trong đó nên vẫn đặt bẫy dự phòng.
Đàn gà con nở hôm trước đã cứng cáp. Ngũ cô thả chúng vào chuồng, thỉnh thoảng còn gom riêng bọn chúng để cho ăn thêm. Cô nói sợ bọn chúng giành ăn không lại đám gà lớn. Tính ra đàn gà vịt này được ngũ cô coi trọng quá chừng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...