Lúc trên ghe, a Phúc huyên thuyên chuyện cung tên, tay vốc nước hù mấy con chim nhỏ ven bờ bay vù lên ngọn cây.
– Con sáo sậu của Tương huynh biết nói chưa?
– Ha ha, nó ẽo ợt líu ríu ‘ li li’, chẳng biết nói gì.
A Phúc cười nhe hàm răng sún nói. Mai đang tuổi thay răng, hai cái răng cửa hơi to rồi, cô đang cầu trời nó đừng to và nhô ra, hu hu. Thời này không có niềng hoặc chỉnh răng được. Cha nương có hàm răng cũng được, mong rằng Mai cũng vậy.
Hai bên bờ Vũng Đông Hồ qua lại nhiều ghe xuồng ngược xuôi dòng, nắng sớm lấp lánh trên mấy rặng dừa nước, bãi lát xanh rì. Nước đang ròng nên có mấy ghe đang chài lưới ven bờ, không biết là mắc lưới hay vẫy cá chiếu sáng nhấp nháy.
Hai cha con nhà gần ngã rẽ vào làng đang thu lưới, ba đứa không vội về nhà nên cập ghe lại gần coi. Cá lóc bông, cá rô, cá chim trắng lớn, đặc biệt có mấy con cá chép vẩy trắng lấp lánh mắc trong lưới. An ca và a Phúc cũng bước qua chiếc ghe đó phụ bắt cá trong lưới. Cá chép này bán có giá lắm, mấy ngày này người dân mua để cúng ông táo ngày hai mươi ba. Cái đục tre rộng trong nước đã gần đầy nên hai cha con giặt lưới chuẩn bị về. Vị thúc thúc bắt mấy con cá cho a An, nhưng hắn từ chối không nhận.
Mải mê bắt cá, cái ghe mắc cạn trong đám lát không quay ra được. A An nhảy xuống nước đẩy ghe, vị thúc thúc cũng kéo giúp tụi nhỏ. Mấy đứa nhỏ cảm ơn rồi chống ghe về. A Phúc cởi áo đu ngoài be xuồng giỡn nước. Hắn đã biết lội nhưng con rạch này hơi sâu nên hắn không dám buông tay. Mai ha ha cười nói nhìn nó giống con cá thòi lòi đu bập dừa.
Ha ha ha, trên sông rộn tiếng đập nước bùm bùm và tiếng cười trẻ thơ lanh lãnh.
Làn nước lập lờ phù sa, êm đềm trôi.
Sáng nay cha dậy từ canh tư, quét dọn xưởng gỗ, sắp xếp gọn gàng. Cha còn phụ nương cùng ngũ cô nấu nước châm trà. Hôm nay cúng tổ nghề mộc, cha khẩn trương hơn ngày thường. Mặc dù cha đã hỏi Bùi ông thợ mộc cách cúng tổ, nhưng vẫn đi tới lui xem có thiếu món gì không.
Cuối giờ Mẹo cha cùng thất thúc, Hân ca, Bình ca dọn mâm cúng tổ. Bùi ông nói quan trọng là thành tâm, ngoài gạo, muối, rượu, hoa quả thì có gà, thịt heo hay cá đều được. Hôm qua nương đã mua một cái đùi heo để quay cúng sáng nay. Mấy đứa con trai ngoại trừ Vĩnh ca đều đốt nhang khấn vái.
Ở nhà dưới đang gói gém đồ cho thất thúc và Hân ca về làng chài. Hôm nay đồ cũng không nhiều, chủ yếu quần áo của hai người và ít gia vị nương mua hôm qua. Lúc cúng xong, cả nhà ăn cơm thì cha nói:
– Ngày hai mươi bốn ta dẫn mấy đứa cùng về đi tảo mộ.
– Đệ nhớ.
– Gà vịt ta cũng mang về, nói nương đừng mua.
Nương dặn theo.
– Nương nhà mình có cá chép cúng ông Táo chưa?
– Chưa.
Mai kể chuyện hôm qua thấy nhà ở gần bãi lát đánh lưới có cá chép lớn.
– Vậy An đi mua đi con, mua cho nhà nội một con luôn đi, lỡ không có phải đi xa. Trên đường đệ xem chừng nó ngộp chết.
Câu sau là nói với thất thúc. Tiễn hai chú cháu về làng chài thì còn mười ngày nữa là giáp năm rồi. Bắt đầu hôm nay Vĩnh ca cũng nghỉ học, không cần đến nhà Đỗ lang y nữa. Nhưng sư ông hẹn về đây trước ngày rằm mà giờ chưa thấy.
Vừa ngưng đóng ghe, cha lại ra ruộng, nhổ cỏ, đắp bờ. Mấy hàng cây thốt nốt trồng dọc theo bờ ruộng được đắp gốc, dọn lá khô sạch sẽ. Nương và Bình ca cũng theo sửa hàng rào bãi chăn vịt, vun luống trồng khoai mỡ, khoai mì. Hai cây này chịu được đất mặn, khô nên cha thử trồng, qua tháng ba là thu hoạch được. Lúc đó bón phân làm đất chuẩn bị mùa sau vẫn kịp.
Ngũ cô và Cúc tỷ ngồi bên cửa sổ may giày. Hôm qua bán được mấy cặp vịt, nương và ngũ cô chọn mua mấy miếng vải vụn về may. Người nông dân quanh năm lội bùn, bước chân ra khỏi nhà là đất bùn nên họ mang giày đan bằng dây gai. Giày vải này để dành đi ăn tiệc, làm khách nhà người ta hay những dịp quan trọng như Lễ, Tết. Đôi khi đi giữa đường gặp mưa, họ cất giày đi chân không vì tiếc đôi giày.
Nắng chiếu qua kẽ lá làm mặt đất như nở hoa, đã bao lâu rồi mình mới có lúc thảnh thơi như bây giờ? Lê Thị Hằng vừa khâu đế giày vừa nghĩ. Từ lúc biết mình lấy chồng về nhà làm muối, mình đã biết cuộc sống sẽ vất vả. Mình nào có ngại vất vả.
Năm đầu tiên vẫn sống hài hoà, chỉ cần nhẫn nhịn nhà chồng mọi chuyện sẽ ổn. Năm thứ hai, năm thứ ba trôi qua mình vẫn không mang thai thì mọi chuyện ngày càng khó chịu đựng. Nhớ những lần bị mắng chửi, nhục mạ chỉ có thể âm thầm khóc, chẳng lẽ mình không muốn mang thai sao? Mình làm sao biết tại sao? Cha nương bị người ta nặng lời, còn tặng bao nhiêu quà lễ cũng không thể giảm bớt khốn khổ. Người vợ sau của hắn cũng không mang thai, vì sao nàng ta vẫn thảnh thơi, ăn no, ngủ kỹ?
Tiếng chửi của a Mai hôm đó là tiếng lòng của mình. Nếu không phải sợ mang tai tiếng làm người trong nhà xấu hổ, em gái và cháu gái không được gả tốt thì sao mình lại chịu đựng mấy năm này.
Nhìn a Cúc chăm chú từng đường kim mũi chỉ, “cô thật xin lỗi cháu, a Cúc”. Tứ tẩu bắt đầu tìm mối để gả a Cúc, mỗi đêm cô đều cầu trời cho cháu tìm được nhà chồng tốt, sanh con trai con gái, cuộc sống hài hoà. – Lê tứ huynh có nhà không?
Có khách đến,
– Cháu ở trong này đi, để cô ra xem.
Ngoài sân có hai người, là hai cha con mang túi vải. Người đàn ông gầy đen, gương mặt phong trần, u uất.
– Xin hỏi huynh tìm ai?
Người đàn ông có vẻ ngạc nhiên, nhìn cô chăm chú. Rồi như biết mình thất lễ, vội chắp tay nói:
– Ta là Lý Trám ở Giá Khê, đến thăm Lê tứ huynh.
– À, mời huynh vào nhà, ta …
– Lý thúc thúc, người khoẻ rồi sao? Tìm cha cháu à?
Mai cùng Vĩnh ca ở sân sau, nghe tiếng hỏi cũng chạy ra xem. Thấy người quen nên lên tiếng chào hỏi.
– Cháu biết vị này sao?
– Dạ phải, ngũ cô. Đây là Lý thúc thúc và Lý Sao, quen biết nhà mình. Đây là ngũ cô cô cháu.
Ba người cùng chào hỏi nhau, ngũ cô quay lại bếp. Mai ra ruộng gọi cha, a Vĩnh thì mời cha con Lý thúc vào bàn uống nước. Cha và Lý thúc hỏi thăm nhau chuyện nhà chuyện cửa. Lý Sao ra ghe ôm hai chậu lớn, An ca cũng chạy ra giúp hắn. Trong hai chậu là mấy tổ ong to, thơm ngọt, nước mật tươm trong tổ.
– Lê huynh thứ lỗi, ta chờ mùa này là mật ngọt nhất mới lấy.
A, là nói chuyện hôm trước nhà Mai ý muốn nhận tổ ong mà không nhận trầm hương. Cha giật mình ngạc nhiên, rồi như nhớ lại chuyện lúc đó vội xua tay nói:
– Trời, đệ không cần để ý vậy, ta làm khó đệ rồi.
– Lê huynh đừng nói vậy, ân nghĩa nhà huynh đệ sẽ ghi nhớ.
– Nói vậy làm gì, khách sáo quá.
Cha giữ hai người ở lại một đêm, vì đi về không kịp trời tối. Bữa cơm chiều bày hai bàn ở sân, có mời nhà Lưu bá qua nên không khí thật náo nhiệt. Cộng lại cũng gần hai chục người.
Ngũ Mi đã nói chuyện rành rẽ, hỏi đủ thứ chuyện, bé còn nhõng nhẽo để Tương huynh mang lồng hai con sáo đi theo. Nhìn cảnh ngũ Mi dạy con sáo nói mà không khỏi mắc cười, bây giờ mới biết tại sao con sáo nói ngọng như vậy.
Vết sẹo trên tay Lý Sao rất xấu xí. Hắn cũng không thèm che lại làm tứ Mi, ngũ Mi hơi sợ không dám lại gần. Lý Sao vẫn ít nói, ngồi im nghe mọi người nói chuyện, ai hỏi đích danh hắn mới trả lời. Mai thấy trên cổ hắn có sợi dây chuyền mà lần trước không thấy. Không biết mấy tháng nay nhà hắn xoay sở ra sao.
Ăn xong cơm mấy đứa nhỏ mang bảng gỗ ra gần đống lửa chơi trò chơi. Trò chơi này chính là cờ ca-ro ở hiện đại, Mai dùng bảng gỗ đắp đất kẻ ô vuông, dành chơi những lúc buồn chán, mà cũng luyện trí não. Lý Sao lần đầu tiên thấy nên rất hiếu kỳ. Hắn xem mấy đứa nhỏ chơi một lát cũng hiểu ra.
Hai người chơi mà quá chừng người chỉ trỏ thật bực mình, đành mang hết bảng gỗ ra, bắt cặp nhau mà chơi. Tương huynh còn nói ai thua cõng người thắng đi mười vòng quanh đống lửa. Sau đó lại đổi cách phạt, chia hai đội chơi. Một buổi tối vui vẻ, náo nhiệt, mấy người lớn đang uống lai rai nói chuyện cũng chen vào góp lời. May là Lưu bá mẫu cản, nếu không Lưu bá còn muốn chơi chung.
Sáng hôm sau Lý thúc dẫn a Sao đi thăm nhà Nguyễn bá, mang theo bình rượu dán chữ Phúc biếu. Nương và ngũ cô soạn gạp nếp, gạo tẻ, khoai, đậu, trứng gà, dầu, đường xếp lên ghe cho Lý thúc. Xem ra ngũ cô đã hỏi thăm hoàn cảnh nhà thúc ấy nên đối với a Sao rất thương tiếc. Lý thúc không từ chối được đành nhận tặng lễ, mời cha đi ngang qua Giá Khê ghé thăm ông.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...