Qua một đêm mưa lớn, trời lại trong xanh. Mai nhích người ra ngoài mui ghe nhìn hai bên bờ cây xanh rậm rạp.
A Sao đi lại ngồi gần cô, nhỏ giọng nói:
– Có thể về Đông Hồ rất nhanh.
Hắn đưa tay gõ nhẹ be xuồng. Mai hiểu ý nhưng lắc đầu, cô vẫn còn chịu đựng được. Cô không muốn những người ở đây biết sự hiện diện của bạn mới a Sao. Theo cô biết, mấy trăm năm sau loài cá nược bị săn bắt gần hết, còn lại rất ít trên vùng đồng bằng này. Cô ước gì mình có cách để chuyện đó không diễn ra. Loài cá nược xinh đẹp, hiền lành này cần được bảo vệ, càng ít người biết đến càng tốt.
Cô dặn a Sao những thứ cô cần, chỉ là một vài thứ để bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ tạo máu thôi. Nhà a Sao có, hắn gật đầu hiểu ý.
Đoàn người rất nhanh đến ngả quẹo vào làng Giá Khê nội. Vì họ sẽ không ngủ lại nên Mai không cần lên nhà. Cha cô và cậu hai tạ ơn Lâm bá, hẹn sẽ đến thăm ông khi rảnh rỗi. Trần gia gật đầu để một người hộ vệ bước lên, đặt vào tay Lâm bá hai đỉnh bạc.
– Không dám, ta đã nhận bạc Lê gia rồi.
– Đây là Trần gia tạ ơn Lâm huynh đã hết lòng. Xin nhận để chúng ta yên lòng. Ta cũng xin mua một ít thịt rừng và nấu ấm nước nóng cho Trần gia.
– Được, được, mời đến nhà ta.
Lúc nãy Bình ca và a Sao đã chạy nhanh đi trước để chuẩn bị những món Mai cần. Là nấu cháo thịt rừng, luộc hột gà, còn thêm chặt dừa trái và mật ong. Cô chỉ cần mấy loại này giữ sức, về đến nhà có Đỗ Lang y kê đơn, cô sẽ khỏe lại. Lúc nãy chắc hộ vệ Trần gia nghe lời cô dặn nên cũng muốn dự trữ thêm.
Mai nghĩ là ba người họ sẽ đi hướng khác sau khi ra khỏi rừng. Không biết sao, lúc cô tỉnh dậy thì họ vẫn theo ghe đến Đông Hồ. Có thể họ biết có Đỗ Lang y trong làng, nhưng mà từ Bàu Sen đi Trấn Giang tìm Trần lang y ở dược quán gần hơn nhiều.
Mọi người vẫn đang chờ trên ghe thì nghe tiếng bước chân đến. Là huynh đệ Trương bá. Ông chắp tay chào mọi người rồi nói:
– Về là tốt rồi. Mấy ngày trước ta đi rừng về, nghe tẩu đệ kể chuyện thì hoảng hồn. Ta vội dông ghe đến Đông Hồ. Nguyễn bá nói chưa có tin tức, kêu ta cứ về đây. Chắc chắn đệ sẽ ở đây nghỉ đêm. Giờ về rồi!
– Đa tạ Trương huynh. Đệ không thể nghỉ lại được, định gấp rút về nhà tìm lang y.
– Hả? Bị thương sao?
– Cũng không nghiêm trọng lắm, nhưng mà về càng sớm càng tốt.
– Đúng, nên về. Lấy ghe lớn của ta đi đi. Ta và tam đệ theo giúp. Đừng khách khí với ta.
Thấy cha và cậu hơi ngần ngừ, Trương bá bồi thêm. Nếu có huynh đệ Trương bá thay phiên chèo thì chắc sẽ nhanh hơn rồi. Mấy ngày nay ai cũng đã mệt mỏi, đuối sức. Để lại hai cái ghe nhỏ nhờ Trương bá mẫu trông coi. Hai chiếc ghe lớn chuẩn bị rời đi. Biết mọi người gấp gáp, bá mẫu nấu vội hai nồi cơm nóng, thêm thịt cá khô đem lên ghe.
Mai không ăn cơm mà ăn cháo thịt, thêm hai cái hột gà luộc. Nồi cháo nấu vội nên chưa kịp nhừ, không sao, nước cơm thịt đã đủ chất dinh dưỡng rồi. Thật ra loại gạo chưa chà kỹ, vẫn còn lớp cám gạo lại đầy đủ chất cần thiết. Bình ca chặt sẵn hai trái dừa cho cô. Mai cứ uống từ từ, vừa ngủ vừa thức cũng qua được một đêm dài.
Trời vừa rạng sáng thì đã về vũng Đông Hồ. Lúc ghe ghẹo vào con rạch trước nhà, cha chắp tay nói với Trần gia.
– Ta đi mời Đỗ lang y, ba vị đi theo luôn không? Đỗ lang y có phòng cho khách ngụ, ông ấy là lang y giỏi nhất ở đây.
– Được, chúng ta đi.
Hai người hộ vệ còn nôn nóng muốn gặp lang y hơn cả Trần gia. Họ nhanh nhẹn nhảy lên cầu ván, rồi đỡ Trần gia theo cha đi vào làng.
Trời còn sương mù giăng giăng, tiếng gà gáy râm ran khắp nơi. Trong nhà Mai đã có khói bếp và có tiếng người nói chuyện, làm việc.
– Nương ơi!
Bình ca vừa chạy vào sân nhà vừa gọi. Trong nhà có tiếng chân lật đật chạy ra. Lớn nhỏ đều chạy ra đầy sân.
– Về rồi!
Ông ngoại và nương Mai nhìn lướt qua đoàn người như “điểm danh”.
– Cha con, cậu, còn Mai đâu?
– Cha vội đi mời lang y rồi. Cậu dưới ghe.
Hả? Mời lang y, ai bị thương vậy? Là cậu hai sao?
– Không sao, nương. A mai bị thương, không sao.
A Bình lên tiếng trấn an cũng vô dụng. Mọi người đã ào ra ghe nhìn tận mắt mới yên tâm. Cậu hai còn đang ôm Mai, vừa bước lên cầu ván thì mọi người ra tới. – Vào nhà đi,
Cậu hai không vội giải thích, chỉ ôm Mai đi thẳng vào phòng, đặt cô lên giường rồi nói:
– A Mai bị thương, mất máu. Nấu mấy món bổ dưỡng, chờ Đỗ lang y đến xem sao.
– Con không sao, đừng lo. Nương hầm gà đi.
Mai đã tỉnh ngủ, thấy về nhà rồi thì thở ra. Cô lên tiếng để mọi người bớt lo lắng. A Vĩnh đã ngồi bên cạnh cô, còn bắt mạch trên cổ tay nữa.
– A Mai mệt lắm, để muội ấy nghỉ ngơi đi.
Ừ, ừ, mọi người nghe vậy đều lần lượt ra ngoài. Nhóm đàn ông thì lên nhà trên nói chuyện mấy ngày qua. Nhóm đàn bà con gái thì xuống bếp lo nấu nướng. Đoàn người đi về ai cũng mệt mỏi, đuối sức, để họ ăn uống tẩm bổ, chuyện gì cũng từ từ nói sau.
Lúc Đỗ lang y đến thì Mai hơi mơ màng một chút rồi cũng ráng mở mắt. Ông bắt mạch, kê đơn rồi nói:
– Đúng là mất nhiều máu nên cơ thể suy yếu, bổ dưỡng từ từ sẽ khỏi.
Mấy ngày sau đó Mai đương nhiên là được chăm sóc, bồi dưỡng rất chu đáo. Chỉ là chuyện tắm rửa, vệ sinh hơi bất tiện. Ở đời trước, cô bệnh gần như liệt nên không thể tự tắm, đành để mẹ giúp. Còn bây giờ, cô chỉ hơi mệt thôi.
Thế là Nương và Cúc tỷ lăn cái lu vào trong chái nhà, nấu nước nóng pha cho cô tự mình tắm rửa ở đó. A, hơi giống tắm bồn massage phải không? Thật là thoải mái, sau khi hết mệt mình có nên xin cha dựng thêm khu nhà riêng cho đàn bà con gái không? Thời bây giờ hay gọi là hậu viện, được như vậy mình có thể thường xuyên tắm kiểu này hơn.
Lần thứ ba Đỗ lang y đến khám, thì sức khỏe cô đã hồi phục.
– Gân tay cháu tổn thương nặng không?
Người ta hay nói gân cốt, thì gân quan trọng hơn cốt. Gân khi đã đứt thì gần như không thể nối lại, ở hiện đại có nối lại thì cũng không còn đủ mạnh như ban đầu. Lúc đó rất nguy cấp, nếu không cắt ngay mạch chủ, máu sẽ không chảy đủ nhanh. Thường thì mạch chủ đi liền với gân, Mai chắc là đã cắt trúng gân cánh tay, nhưng nặng nhẹ thế nào chưa rõ.
Đỗ lang y quan sát bé gái đang nhìn chăm chú cánh tay bị thương, như suy nghĩ gì đó. Ông đã nghe chuyện lúc đó, thật không nghĩ nhỏ như vậy đã nhanh trí và can đảm.
– Có, mấy năm tới không nên làm việc nặng.
A, như vậy là không đến nỗi không vận động được, vẫn còn cầm nắm được là tốt rồi.
Hai nhà Trương bá và Lý thúc đã về Giá Khê mấy hôm trước.
Chuyện dượng năm bị thương không nghĩ là nặng đến vậy. Dượng bị con sấu cắn nát hết bàn tay. Khi về được Trấn Giang đã hôn mê, nhóm người đi chung thì người đã chết, người sốt cao. Thành ra không ai về nhà ngoại báo tin. Đợi khi dượng năm tỉnh lại, nhắn tin về thì ông ngoại đã đến nhà Mai. Dì năm nghe tin xong khóc ròng, ông ngoại kêu dì về Trấn Giang lo chăm sóc dượng, nhắn nhà ngoại biết chuyện ở đây.
Hai hôm nay, đoàn người về đến nơi thì ông ngoại mới nhẹ lòng. Lúc nghe cậu hai kể chuyện nhóm người Trần gia thì ông nhăn mày:
– Không biết là giao thiệp thế nào với a Thế!
– Cha, muội phu cũng thành ra như vậy rồi, cha đừng trách.
Cha Mai biết ông ngoại có ý trách dượng năm làm liên lụy nhà mình. Nhưng mà tình cảnh này ai cũng sẽ làm như vậy thôi. Mà tính ra nhà mình may mắn hơn nhiều rồi. Phía Trần gia cũng không “sung sướng” gì. Trước khi về Trấn Giang, cậu hai đến cáo từ Đỗ lang y và Trần gia.
Ông ngoại dặn lại:
– Lần này, Lý gia và Trương gia đều hết lòng với nhà con. Ngày sau mình nên ghi nhớ. Cháu cũng nhớ.
Câu sau là ông nói với Sinh ca. Sinh ca gật đầu đáp:
– Dạ, cháu biết ông nội. Chỗ Thon bá và Lâm bá cũng hết lòng.
Lúc lâm nguy mới biết lòng người nông sâu. Nguyễn lão mừng vì nhà con rể có được những mối thâm giao. Từ Đông Hồ đến Giá Khê không gần, nhưng cũng không xa để cách lòng. Mấy ngày này đàn ông trong nhà đều đến đây, chuyện ở ngả bảy ông cũng đánh tiếng nhờ Trần lão coi sóc. Chuyện ân nghĩa trong đời là như thế, như là những sợ dây vô hình, tưởng như mong manh nhưng thật ra bền chặt nhất.
– Ừ. Ta sẽ ghé Giá Khê mang hai chiếc ghe nhỏ đi luôn. Chuyện sửa chữa ghe để cha lo liệu. Cha sẽ nhắn tin ra đây.
– Dạ, con biết. Cha về lo chuyện dì năm.
Chuyện ở đây đã xong, ông còn lo lắng con gái út ở nhà. Nguyễn lão không nhiều lời, lên ghe về Trấn Giang.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...