Giỏi Văn Không Khó

Chào các bạn, lại là mị đây. Ha ha... Mị đã thất hứa với các bạn khá nhiều nhỉ? ^^! Chân thành xin lỗi các bạn nhé. Các bạn biết đấy, trước khi là người chia sẻ kinh nghiệm thì mị là một tác giả. Thế giới của tác giả chỉ có viết truyện và viết truyện mà thôi. Mị tôn trọng công việc của mị nhất nên phải ngắt mọi kết nối để tập trung vào nó. Mị thật sự rất nghiêm túc với nó vì vậy mị mong các bạn thông cảm cho sự thất hứa của mị. Sau rốt thì mị cũng đã trở về. Dù không hứa sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn thường xuyên đều đặn nhưng chắc chắn mị sẽ chia sẻ nó dài dài. Mị đã đăng thông báo trên tường nhà rồi đấy, các bạn đã đọc qua chưa? Nếu các bạn có vấn đề nào liên quan đến văn và muốn mị làm chuyên sâu về nó thì cứ gửi lên tường nhà mị nhé. Sau một tuần mị sẽ phản hồi với bạn thông qua bài viết trong 'Giỏi văn không khó'.

Như những gì mà mị nói trước đó, mị nhận được câu hỏi từ bạn @jelkylam, nguyên văn câu hỏi đó như sau:

Ờn các bạn có thể bỏ qua mấy chi tiết sến súa mà chúng mị trao đổi với nhau ^O^ hãy tập trung vào câu hỏi của bạn. Jelkylam nói rằng bạn ấy nghĩ được thân bài nhưng gặp khó khăn với mở bài. Bạn ấy cũng gặp vấn đề với việc chuyển ý nữa. Hm... Mị sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mị về việc này.

Thật ra về mở bài mị có làm một phần riêng cho nó rồi, đó là phần 'nâng tầm mở bài' ấy. Nhưng phần đó chưa đủ, nó còn phần sau nữa (Phần sau chuyên sâu hơn phần trước nhoa) cơ mà mị bị mất rồi. Hình như thuở đó mị viết xong nhưng không đăng, để trong máy á. Sau đó máy mị gặp trục trặc và mị phải cài lại win. Yeah... Thế là mất hết rồi mấy bác ạ. Mị thử tìm lại nó trong đống thư mục sao lưu nhưng không tìm thấy. Đúng là bi kịch...

Sau vụ này mị rút được kinh nghiệm xương máu cho bản thân, đó là không bao giờ chia một chủ đề thành nhiều phần nữa Ò.Ó mị sẽ nói hết mọi thứ trong một phần luôn! Thế nên các bạn sẽ phải đọc bài dài đấy. Dù các bạn có nản thì... Mị chịu thôi. Để có được kiến thức thì hiển nhiên phải chịu khó tìm tòi học hỏi rồi. Nếu ngay cả việc đó các bạn cũng làm không được thì series này có vẻ không hợp với bạn đâu. Thứ giá trị thường dài và khiến người ta nản. Nhưng vượt qua được khó khăn đó, bạn sẽ có được thứ giá trị. Không có đường tắt để trở thành Hokage đâu! (Naruto nhập TvT sorry các bạn mị tỉnh lại rồi đây).

Rùi, trở về với vấn đề đầu bài: Làm sao để viết mở bài dễ dàng.

Mị nghĩ không phải chỉ có Jelkylam cảm thấy khó khăn mà hầu như tất cả chúng ta đều thế. Ngay cả tác giả lớn cũng từng phàn nàn như vậy, mị nhớ mị đã từng đọc ở đâu đó rằng (Mị cũng chẳng nhớ ai là người đã nói câu này nữa) đại ý là: Điều khó nhất khi bắt đầu một câu chuyện chính là viết dòng đầu tiên. (hầy nếu ai là tác giả của câu nói này thì cho con xin lỗi ạ TvT trí nhớ của con ngắn hạn nên thường đọc rồi nhớ đại ý và quên hết mấy chuyện khác, gomen!). Điều này rất đúng, những dòng đầu tiên vô cùng quan trọng. Nó chính là thứ sẽ đập vào mắt người đọc trước nhất, là thứ sẽ tạo ấn tượng với người đọc, hiển nhiên nếu nó hấp dẫn thì người ta sẽ dễ đi vào những phần tiếp theo hơn. Mị nhớ hồi mị còn học cấp hai, cô văn của mị đã nói là phải cố gắng viết mở bài và kết bài sao cho thật hay. Mở bài dẫn người đọc vào bài văn còn kết bài lưu lại cảm xúc của bài văn trong lòng người đọc. Mở bài và kết bài đôi khi còn khó viết hơn thân bài nữa! Vì lời dặn của cô mà mỗi lần chuẩn bị viết bài mị lại cảm thấy áp lực. Mị cầm bút, tay đôi khi rịn mồ hôi, cứ dừng bút trên mặt giấy, xoay tròn xoay tròn nhưng không hạ bút xuống được. Mở bài luôn làm mị bị chững lại một lúc.

Sau này khi mị trưởng thành hơn, viết nhiều hơn thì mị không còn cảm thấy khó khăn khi bắt đầu nữa. Thật ra thì... Khi bạn viết đủ nhiều bạn sẽ nhận ra rằng vấn đề không nằm ở việc bạn mở đầu như thế nào mà nằm ở việc bạn dẫn dắt như thế nào. Cho dù bạn có một cái mở bài hoành tráng lệ và bạn mất hàng giờ để nghĩ ra nó nhưng thân bài của bạn không mạch lạc, ý văn trúc trắc, hành văn lủng củng thì bài của bạn cũng không được đánh giá cao. Hơn nữa, theo như barem điểm thì mở bài tuy quan trọng cũng chỉ chiếm chừng 0,5 điểm mà thôi. Bạn không thể lấy toàn bộ 2 điểm của bài văn chỉ với mở bài đúng chứ? Điểm nằm chủ yếu trong phần thân bài. Vì vậy, ngưng tạo áp lực cho bản thân đi. Thay vì cắn bút và nghĩ làm sao để viết mở bài thật ấn tượng thì hãy dành thời gian phát triển thân bài, phát triển văn ý. Mở bài có thể bình thường cũng không sao, chẳng có gì quan trọng cả, chỉ cần bạn đủ ý là được. Không nhất thiết phải viết mở bài thật bắt mắt đâu.

Đó là vấn đề thứ nhất về mặt tư tưởng. Vấn đề thứ hai, bạn cần biết mở bài yêu cầu những gì. Về cơ bản mở bài yêu cầu ba ý chính:

1. Dẫn dắt luận đề.

2. Nêu bật lên được vấn đề cần bàn luận.


3. Dẫn nguyên văn luận đề vào.

Dẫn dắt luận đề là cách bạn đi vào vấn đề. Có ba cách dẫn dắt chính: Gián tiếp, trực tiếp, song hành. Cách dẫn dắt song hành rất phức tạp và mị không nói đến ở đây. Mị sẽ nói về gián tiếp và trực tiếp thôi.

Gián tiếp là bạn không đi thẳng vào vấn đề. Bạn sẽ đi vòng quanh một hồi rồi mới đá vào vấn đề. Trực tiếp thì dễ hiểu quá rồi. Bạn xông thẳng vào luận đề và kết luận cái rụp luôn. Đánh nhanh thắng nhanh, yêu hay không yêu trả dép bố về!

Mị sẽ ví dụ cho bạn với đề sau: Suy nghĩ của anh/chị về câu 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'.

Chiến sĩ không đánh trực tiếp mà thích đánh gián tiếp sẽ viết như sau:

Triết gia La Mã đại tài Marcus Tullius Cicero nói rằng: Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Khi chúng ta có lòng biết ơn chúng ta có đức hạnh, đức hạnh khiến chúng ta biết hổ thẹn khi làm việc xấu, hạnh phúc khi làm việc tốt. Nếu không có lòng biết ơn thì con người sẽ vô tri biết bao, không còn biết xẩu hổ, không biết trước biết sau, chỉ biết sống vì mình, ích kỷ. Lời dạy của Cicero thật là một lời dạy sâu sắc, dù cho đế chế La Mã sụp đổ thì những lời dạy này vẫn còn mãi với thời gian. Tuy nhiên, không cần thiết phải đi đến tận La Mã xa xôi để tìm một lời dạy về lòng biết ơn. Ngay trong kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc Việt cũng có nhiều lời dạy như thế. Những lời dạy của ông cha dù ngắn gọn, mộc mạc nhưng lại thấm thía vô cùng: 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'.

Mị sẽ phân tích các thành phần của mở bài trong ví dụ trên cho bạn thấy:

Dẫn dắt luận đề: 

'Triết gia La Mã đại tài Marcus Tullius Cicero nói rằng: Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác. Khi chúng ta có lòng biết ơn chúng ta có đức hạnh, đức hạnh khiến chúng ta biết hổ thẹn khi làm việc xấu, biết hạnh phúc khi làm việc tốt. Nếu không có lòng biết ơn thì con người sẽ vô tri biết bao, không còn biết xẩu hổ, không biết trước biết sau, chỉ biết sống vì mình, ích kỷ. Lời dạy của Cicero thật là một lời dạy sâu sắc, dù cho đế chế La Mã sụp đổ thì những lời dạy này vẫn còn mãi với thời gian.'

Đầu tiên là mượn một câu nói có ý nghĩa tương đồng hoặc tương phản với luận đề để dẫn dắt. Nếu dùng câu tương đồng thì dễ viết hơn nhưng dùng câu tương phản cũng hay. Tùy vào khả năng của các bạn mà các bạn lựa chọn kiểu dẫn dắt phù hợp. Chỉ cần sau cùng các bạn đá trở về luận đề là được. Chỉ cần sau khi nói một hơi dài dòng các bạn có thể nêu lên được vấn đề cần bàn luận là ok.

Trong ví dụ trên, vấn đề đó là: 


'Tuy nhiên, không cần thiết phải đi đến tận La Mã xa xôi để tìm một lời dạy về lòng biết ơn. Ngay trong kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc Việt cũng có nhiều lời dạy như thế.'

Đấy, các bạn phải nêu lên được vấn đề cần bàn đó là 'lòng biết ơn'. Khi người ta chấm điểm, người ta không cần biết bạn viết cái gì, người ta chỉ cần biết có ba chữ 'lòng biết ơn' là bạn đã được 0,25 điểm rồi. Ngược lại cho dù bạn có viết hay như thế nào, viết nhiều như thế nào mà không nêu bật lên được luận đề thì người ta cũng không cho điểm bạn đâu. Không chừng còn bị đánh giá là lan man, dài dòng, thậm chí lạc đề nữa đấy.

Sau khi đã dẫn dắt thành công và nêu lên được vấn đề cần bàn bạc, bạn còn một bước quan trọng nữa là dẫn luận đề vào bài. Đây là điều BẮT BUỘC: 

'Những lời dạy của ông cha dù ngắn gọn, mộc mạc nhưng lại thấm thía vô cùng: 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'.'

Thế đó, bạn phải dẫn được luận đề 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' vào thì mới có điểm nhé. Nhớ đặt nó trong dấu '' kẻo lại bị trừ điểm.

Thêm một lưu ý nữa là mở bài cố gắng không viết quá mười dòng. Dù bạn viết hay như thế nào thì cũng phải cố gắng tiết chế trong ba, bốn câu thôi. Nhiều giáo viên khó tính vừa nhìn vào thấy mở bài quá dài là người ta bye bye bài bạn luôn đấy. Đừng nghĩ viết nhiều là hay, không có đâu. Viết đúng ý mới là hay nhé. Cho dù bạn viết cả ngàn trang giấy nhưng chẳng có ý nào vào barem cả thì cũng bằng thừa thôi.

Rùi giờ thì đến mở bài trực tiếp:

Lòng biết ơn là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Nhân dân Việt Nam có truyền thống biết ơn sâu sắc. Truyền thống đó đã trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ nét qua lời dạy từ ngàn xưa: 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây'.

Mở bài trực tiếp là kiểu mở bài gọn gàng vì nó đi thẳng vào vấn đề 'lòng biết ơn'. Nó không cần dẫn dắt dài dòng hay viện dẫn châm ngôn đông tây phụ họa. Bạn chỉ cần nói ngắn gọn vấn đề cần bàn luận và dẫn luận đề vào là xong.

Để ghi điểm với giáo viên thì mị thường sử dụng kiểu mở bài gián tiếp. Nhưng những lúc mị quá vội (Khi sắp hết giờ mà phần thân bài có quá nhiều điều để nói) mị sẽ tiết kiệm thời gian bằng cách sử dụng kiểu mở trực tiếp luôn. Nói chung tất cả phụ thuộc vào bạn thôi. Bạn phải tính toán được điều gì phù hợp với mình điều gì không. Như mị nói, dù mở bài quan trọng như thế nào thì nó cũng chỉ chiếm có 0,5 điểm. Bạn không cần mất nhiều thời gian với nó đâu, hãy dành thời gian cho thân bài.

Bí quyết để viết mở bài dễ dàng:


Ngày xưa khi mị còn học cấp hai, mị có sở thích mua mấy quyển sổ nhỏ nhỏ màu mè rồi viết những câu châm ngôn hoặc thơ hay hay mà mị sưu tầm được vào đấy. Mị viết rồi còn dùng bút kim tuyến trang trí hoa lá hẹ nữa XD. Những lúc mị rảnh rỗi mị thường lấy nó ra đọc, cảm thấy tâm trí quang đãng đi trông thấy. Những câu châm ngôn đó giúp ích cho mị rất nhiều, nó thường được mị sử dụng để làm câu viện dẫn trong mở bài gián tiếp.

Nói chung, bạn hãy đọc và sưu tầm thật nhiều danh ngôn, châm ngôn, ngạn ngữ để dành. Đọc những câu nói ấy không những giúp ích cho việc phát triển tư duy của bạn mà còn giúp ích cho việc viết văn của bạn nữa đó ^^.

Sau này mị lớn hơn, không còn siêng như hồi nhỏ nữa thì mị không viết mấy câu nói hay hay vào sổ và trang trí. Thay vào đó, mị có một thói quen đó là ngày nào cũng đọc lịch. Trên những tờ lịch bóc luôn đính kèm một câu châm ngôn, ngạn ngữ hoặc ca dao, dân ca. Cứ mỗi buổi sáng mị lại xé một tấm lịch và đọc danh ngôn trên ấy. Nếu thấy hay thì mị sẽ giữ tấm lịch ấy lại. Cô chủ nhiệm cấp ba của mị có thói quen cho đề văn kiểu ngẫu hứng. Nghĩa là thỉnh thoảng cô cứ bóc một tấm lịch rồi dùng câu nói trên ấy để làm đề cho bọn mị. Ha ha... Bọn mị học lớp chuyên nên có nhiều bài kiểm tra văn hơn bình thường, đề cũng thình lình chứ không phải được cô ra sẵn rồi ôn luyện cho đâu. Vì mị luôn áp dụng cách làm bài phía trên, kết hợp với việc đọc sách nên cô có ra đề gì thì mị cũng làm được. Nếu viết được đề trúng tủ mà đạt điểm cao thì điểm đó không chứng minh được khả năng thực tế của bạn. Trừ khi bạn làm những đề thình lình như thế mà điểm số vẫn không thay đổi thì bạn mới giỏi thật sự. Vì vậy thay vì cố gắng học tủ, học vẹt, bạn hãy rèn luyện để tạo cho mình kĩ năng viết thành thạo. Để làm được điều này thì bạn phải viết nhiều hơn nữa.

Thêm một nguồn khác để bạn sưu tầm những câu nói thú vị đó là mấy đề văn. Bạn có thể mua mấy quyển bài tập văn, loại sách mà người ta cho mấy chục đề rồi phía sau có đáp án ấy. Bạn hãy giải đề, có thể viết bài hoặc chỉ lập dàn ý chi tiết thôi rồi giở đáp án ra và so sánh xem bạn đạt được bao nhiêu ý trong barem điểm. Bạn cứ kiên nhẫn giải hết cuốn đề này đến cuốn đề khác, bạn sẽ nhận ra mấy đề văn nhìn chung đều có liên hệ với nhau và chúng thật sự chẳng có gì khó cả. Hồi mị học cấp ba mị đã giải rất nhiều đề. Mấy quyển đề của Olympic 30 tháng 4 ấy, đó là đề của rất nhiều trường nộp lên rồi người ta tổng hợp thành một cuốn. Mị thích giải mấy cuốn đề như vậy lắm. Bằng cách làm nhiều đề bạn sẽ luyện được khả năng xác định vấn đề nhanh hơn. Nếu luyện đủ lâu bạn có thể hoàn toàn bỏ qua dàn ý để làm bài luôn, thậm chí bạn có thể viết mở bài chỉ trong vòng vài phút mà không cần suy nghĩ. Hãy luyện tập không ngừng nhé!

Rùi đó, về mở bài thì mị chia sẻ bấy nhiêu thôi. Nếu sau này mị nhớ ra điều gì thì sẽ bổ sung thêm. Mấy bạn thông cảm cho mị nhé, mị rời xa trường cũng được một thời gian rồi nên rất khó nhớ lại mấy kiến thức cũ.

Còn về việc chuyển ý... Bạn có thể sử dụng quan hệ từ (Và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về...), cặp quan hệ từ (Vì... Nên, nếu... Thì, tuy... Nhưng, không những... Mà còn...) vân vân.

Đó là giáo khoa, trên thực tế để bài văn được tự nhiên thì bạn không nhất thiết phải sử dụng những từ đó. Bạn có thể viết một cách tự nhiên thong thả, đừng quan trọng quá nhiều đến chuyển ý. Cứ viết hết ý này rồi bắt sang ý khác thôi. Quan trọng là những ý đó phải mạch lạc, chúng phải liên kết với nhau và cùng hướng đến chủ đề của bài viết.

Thường khi bạn viết bài, bạn sẽ viết theo cấu trúc thế này:

Luận đề.

- Luận điểm một làm sáng tỏ luận đề.

+ Luận cứ, luận chứng làm sáng tỏ luận điểm một.

--> Kết luận lại vấn đề, khẳng định luận điểm một.


- Luận điểm hai làm sáng tỏ luận đề.

+ Luận cứ, luận chứng làm sáng tỏ luận điểm hai.

--> Kết luận lại vấn đề, khẳng định luận điểm hai.

--> Tổng hợp luận điểm một và hai, từ đó kết luận lại một lần nữa, khẳng định tính đúng đắn của luận đề.

Đấy, như thế này bố cục bài văn vô cùng chặt chẽ. Bạn chỉ cần đảm bảo được tính chặt chẽ đó, rằng mỗi ý trong bài văn đều hướng đến một mục đích duy nhất là bàn luận về luận đề, mổ xẻ nó, chứng minh tính đúng đắn của nó là ok. Đừng để ý đến chuyển ý. Bạn càng để ý đến vấn đề chuyển ý thì câu văn của bạn càng trở nên gượng gạo.

Văn nghị luận không phải viết để cho xong, viết để có điểm mà quan trọng hơn là viết để thuyết phục người khác. Bạn phải làm cho giáo viên bị thuyết phục bởi bài viết của bạn. Để làm được điều đó, lời văn của bạn phải mạch lạc, có sức nặng. Để lời văn được như thế, bạn phải luyện viết mỗi ngày.

Tựu chung lại cũng chỉ nằm trong hai chữ LUYỆN TẬP. Hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc học rồi bạn sẽ cảm thấy không uổng phí đâu, thật đấy. Mị luôn ủng hộ các bạn hết lòng. Nếu các bạn có thắc mắc nào cần giải đáp thì cứ đăng lên tường nhà của mị nha.

Nhân tiện... Nếu các bạn hứng thú với truyện ngôn tình thì sang đọc thử 'Mai nở dưới Sao' của mị nhé ^O^ truyện kể về tình yêu giữa một ông mai thần tự kỉ bốn trăm tuổi và một con bé mười ba tuổi. Ổng bị nó sút rất nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi và cuối cùng... Đó là một truyện thuần Việt.

Quảng cáo đến đây là hết rồi, moa ~ yêu các bạn rất nhiều! Hẹn gặp lại vào dịp sau!

-o-

Chú thích:

Danh ngôn tham khảo trong bài lấy từ trang: cafebiz.vn

Thông tin về quan hệ từ, cặp quan hệ từ lấy từ vi.wikipedia.org (Mị thật sự muốn lấy từ sách giáo khoa cơ mà mị lười mua quá TvT sách của mị cho em hết rồi huhu, các bạn thông cảm cho mị vì mị lấy từ nguồn này nhé)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận