Tôi không phải là dạng người chín chắn, thời trẻ bồng bột rất nhiều, mà khi ấy cứ gọi là có cá tính. Bản thân tôi là người rất cố chấp, không quan tâm đến ai hết, chỉ thích làm việc của mình.
Tôi đã làm qua rất nhiều việc, cuối cùng xác định chỉ có làm việc liên quan tới âm nhạc mới khiến tôi vui vẻ thoải mái cả đời.
Tốt nghiệp cấp hai xong, tôi chẳng còn duyên với trường học nữa.
Tất cả những gì tôi có lúc đó, đều là trải nghiệm trên trường đời cộng thêm chút kinh nghiệm bản thân tích góp.
Vì thế khi tôi nhận được điện thoại của trường Đại học Kỹ thuật mời tôi đến giảng dạy, nói thật, tôi rất bất ngờ.
Ở thành phố này có không ít trường đại học, Đại học Kỹ thuật là trường nổi bật trong số đó, vì nó đào tạo đa ngành nghề, đây là một lí do vô cùng hấp dẫn. Suốt bao năm thi tuyển đại học đến giờ, cánh cửa trường Kỹ thuật lúc nào cũng cao vời vợi.
Đại học Kỹ thuật có mấy sinh viên thích nhạc jazz, thành lập một ban nhạc, qua mấy năm cũng có chút danh tiếng, thu hút không ít fan hâm mộ, dấy lên phong trào học nhạc jazz trong trường, khiến nhà trường chú ý.
Nhà trường suy đi tính lại, cuối cùng thuận theo đông đảo ý kiến sinh viên, thành lập một lớp bồi dưỡng nhạc jazz, lựa đi chọn lại, cuối cùng tìm được tôi.
Thế là tôi bước vào cổng trường Đại học Kỹ thuật, thành giáo viên thỉnh giảng, trường học thậm chí cũng cho tôi hưởng đãi ngộ giống như các giảng viên khác.
Các khóa học đều xếp buổi chiều vì suy nghĩ cho thời gian làm việc của tôi là buổi tối, một tuần có ba tiết, không nặng nhọc gì. Trước khi nhập học tôi cũng hơi khẩn trương, làm công tác chuẩn bị rất nhiều, cũng may nhạc jazz là thể loại tôi yêu thích, tôi đã dày công nghiên cứu về nó, nên trong lòng cũng yên tâm.
Phòng học nằm ở hội trường lớn, phòng rất rộng, hiệu ứng âm thanh rất tốt. Lần đầu tiên tôi đến cũng hoảng sợ, hội trường không còn chỗ trống, ngay cả ngoài hành lang, cửa sổ đều kín người, không chỉ sinh viên mà còn có thầy cô giáo nữa.
Đây là nguồn động viên lớn lao cho tôi, mọi người đều nhận xét là tôi giảng rất nhiệt tình, sinh động như thật.
Đến ngày học thứ hai, tôi mang theo đĩa CD nhạc jazz, chọn tác phẩm tiêu biểu, vừa nghe vừa giảng giải, như thế sẽ dễ hiểu hơn.
Sau này tôi mời dàn nhạc của trường tham gia, diễn tấu trong hội trường.
Sinh viên đến nghe giảng ngày càng nhiều, trường học phải chuyển hết ghế trong sảnh đi.
Khóa học của tôi cuối cùng cũng thành công.
Dần dà tôi thân thiết với sinh viên hơn, cũng làm quen với nhiều giảng viên trong trường. Trong ban cơ sở của trường có một giảng viên tiếng Anh tên là Từ Giai, buổi học nào cô ấy cũng tham dự, ánh mắt đầy nhiệt tình cùng hành động khoa trương của cô ấy khiến tôi không thể tưởng tượng nổi cô ấy là giảng viên đại học.
Kết thúc buổi học, đôi khi cô ấy sẽ mời tôi đến nhà ăn trong trường ăn chút gì đó, hoặc đi dạo trong trường, nói vài ba chuyện linh tinh. Có một cái tên thường hay xuất hiện trong câu nói của cô ấy.
Đó là Liễu Liễu.
Từ Giai là một cô gái nói nhiều, con người cô ấy vừa mang nét trẻ con lại vừa có vẻ chín chắn trưởng thành, đối xử với ai cũng vậy.
Cô ấy nói mình vừa mới thất tình, tâm trạng không tốt.
Tôi nhìn đôi mắt rực sáng, gò má ửng hồng cùng trang phục xinh đẹp của cô ấy, nói thật, tôi thật sự không nhận ra.
Một buổi chiều tháng 10 sau kì nghỉ dài hạn, tôi theo thường lệ đến trường Đại học Kỹ thuật.
Thời tiết đã dần chuyển lạnh, trên đường trải đầy lá rụng, trên sân các nam sinh mồ hôi như tắm đang đá bóng, các nữ sinh đứng ngoài cổ vũ.
Tôi mỉm cười chăm chú nhìn khung cảnh ấy, có câu nói trường học như tháp ngà.
Ở trong tòa tháp đó, tâm cũng tự nhiên trong sạch.
Trước rừng cây có một cây thủy sam cao chót vót, dọc theo cây này chia làm hai đường lớn.
Tôi đi ngang qua cây thủy sam, chợt thấy có mấy nhóm học sinh đang chụm đầu vào đồ vật hình tam giác màu vàng trông giống camera, không biết đang làm gì nữa. Sau lưng bọn họ là một cô gái cao gầy mặc váy liền áo màu xanh nhạt, trong tay cô ấy cầm một cái mũ sa, tôi không kìm được liếc cô một cái, phát hiện cô ấy có đôi mắt rất to.
Mà lúc này đôi mắt ấy cũng đang nhìn tôi, “Bình thường thôi!” Tôi nghe cô ấy thì thầm một tiếng, giọng nói có vẻ nghiền ngẫm.
Tôi giật mình, đứng đơ tại chỗ, không biết câu này của cô ám chỉ cây guitar bass sau lưng tôi hay bản thân tôi nữa.
Cô ấy nháy mắt với tôi mấy cái.
Tôi lúng túng há miệng, thốt lên câu: “Cô cần giúp gì không?”
‘Can I help you?’ Nói chuyện với một người xa lạ bằng tiếng Anh, thì có nghĩa là thật sự không có ý định giúp đỡ, nhưng tôi không biết ma xui quỷ khiến thế nào lại thốt ra câu đó, có lẽ vì đôi mắt to kia trong suốt tựa hồ nước, khiến người ta không có chỗ nào che giấu được.
Đôi mắt cô dao động, khuôn mặt nhỏ nhắn bừng sáng: “Xin hỏi đường đến thư viện thế nào?”
Tôi bối rối đứng đơ ra, mặc dù đã đi dạy hơn một tháng, nhưng tôi vẫn chưa quen đường đi lối lại trong trường.
Đám sinh viên chụm đầu vào đồ vật hình tam giác bật cười, có một người dùng khẩu hình miệng ra hiệu cho tôi, mắt liếc về tòa nhà phía sau cây thủy sam, tôi nghiêng đầu nhìn, đập vào mắt là hai chữ in to bằng cái đấu ‘Thư viện’.
Chẳng còn là thiếu niên ngây ngô nữa, ở ngoài xã hội cũng luyện được chút công phu lạnh lùng, nhưng giờ phút này tôi chỉ biết đỏ mặt xấu hổ.
Cô ấy nhịn cười đến run người.
“Cô… mọi người đang chụp ảnh à?” Tôi chuyển chủ đề.
“Hả?” Cô ấy nhíu mày rồi chợt bật cười, đôi mắt cong cong: “Đúng rồi, anh có muốn chụp một tấm không?”
Mọi người đồng loạt cười ầm lên.
Tôi thảm hại bước đi, đến cam đảm nhìn cô thêm một tí cũng chẳng có.
Trước khi vào học tôi hỏi sinh viên ngồi đầu, là cái đồ vật hình tam giác màu vàng mà mấy người trong trường chụm đầu nhìn là cái gì. Sinh viên đó trả lời là máy kính vĩ, dụng cụ của những người vẽ bản đồ địa hình dùng để đo các góc chiều ngang và chiều thẳng đứng. Trong trường kỹ thuật, ‘trắc lượng học’ là môn cơ sở quan trọng bắt buộc phải học, gồm hai phần lý thuyết và thực hành.
Tôi nhún vai tự giễu, những lời sinh viên nói tôi không hiểu toàn bộ, nhưng cũng ngộ ra một chút, là hôm nay tôi đã gặp lớp thực hành môn ‘trắc lượng học’.
Còn nữ sinh ranh mãnh kia dám đùa giỡn tôi hai lần, tôi chẳng còn gì để nói.
Sau đó mỗi lần đi ngang qua cây thủy sam, tôi đều bất giác dừng chân lại. Có khi tôi sẽ thấy lớp thực hành môn trắc lượng học, nhưng chẳng còn bắt gặp nữ sinh kia nữa.
Trên lớp tôi cũng từng cẩn thận nhìn xem, có lẽ cô ấy không có hứng thú với nhạc jazz, vì tôi chưa bao giờ thấy cô đến lớp.
Nhưng tôi lại có hứng thú với môn ‘trắc lượng học’, khi Từ Giai vô tình nhắc đến. Từ Giai nói trắc lượng học là môn bắt buộc, giảng viên dạy môn này cũng yêu cầu rất cao, giảng viên phải có công trình thực tế và trình độ học vấn, còn phải đưa ra chương trình học khác nhau cho từng dự án nữa.
Tôi hỏi học môn này có phải vất vả lắm không.
Từ Giai gật đầu, nói trong trường Kỹ thuật, môn ‘trắc lượng học’, ‘bản đồ học’ và ba môn cơ khí là những môn khiến sinh viên đau đầu nhất.
Sau đó mấy tuần, trường Đại học Kỹ thuật kỷ niệm 50 năm thành lập trường, trong hội trường có biểu diễn văn nghệ, Từ Giai nói cô ấy tham gia tiết mục hợp xướng nữ, bảo tôi đi xem. Tôi đổi ngày làm cho đồng nghiệp, chiều dạy xong ở lại trường luôn.
Các tiết mục văn nghệ đều được nhà trường tập luyện kỹ càng từ trước, tiết mục hòa nhạc của trường là do tôi hướng dẫn, nếu có tiêu chuẩn nhất định thì đó là cảnh đẹp ý vui. Hợp xướng là tiết mục gần cuối, có cả sinh viên và giáo viên, đội hình rất lớn, ai cũng mặc váy dài, trang điểm đậm, dưới ánh đèn rực sáng trông cũng giống phong thái ngôi sao, nhìn ai cũng giống ai, tôi không tìm thấy Từ Giai đứng đâu cả.
Người chỉ huy bước lên đài, nhìn xuống khán giả cúi người chào.
Khi cô ấy mỉm cười ngẩng đầu lên, đầu tôi nổ ầm một tiếng, cô ấy chính là nữ sinh thực hành môn trắc lượng.
Đêm nay cô ấy mặc bộ âu phục màu xanh biếc tràn trề sức sống, lúc giơ hai tay lên trông vô cùng đẹp mắt.
Tôi không nghe thấy đội hợp xướng hát gì, ánh mắt của tôi đắm chìm trong đôi tay chỉ huy của cô ấy, trái tim cũng tan chảy theo.
Hợp xướng kết thúc, toàn hội trường vỗ tay nhiệt liệt.
Các giảng viên trong trường đặt tiệc liên hoan, tôi ngồi ở góc khuất, Từ Giai chạy đến ngồi cạnh tôi: “Ngôn Mặc, tiết mục của bọn tôi thế nào?”
“Hay, hát có tốt chất chuyên nghiệp.” Tôi chột dạ uống một hớp trà.
“Òa, được chuyên gia như anh nói vậy, xem ra bọn tôi hát cũng được nhỉ, anh có thấy tôi không? Tôi đứng chính giữa sân khấu đó, nhìn qua là thấy liền.”
“Ừ, có thấy, rất đẹp.” Tôi lơ đãng nhìn xung quanh, thấy mấy giảng viên quen thuộc, gật đầu chào hỏi.
“Cảm ơn.” Từ Giai vuốt tóc xấu hổ.
Tôi cúi đầu ăn, làm như vô tình hỏi: “Sinh viên tham gia biểu diễn có đi ăn ở đây không?”
“Không, bọn họ ăn ở chỗ khác, đêm nay cũng có ăn khuya miễn phí đó.” Từ Giai chợt đứng dậy, vẫy tay với một cô gái: “Liễu Liễu, ở đây, ở đây!”
“Nghe rồi, đừng có hét to như thế.” Có tiếng cười khẽ vang lên, một bóng dáng xanh biếc ngồi xuống đối diện tôi.
“Giới thiệu một chút, đây là đồng nghiệp của tôi, Liễu Liễu, dạy môn ‘trắc lượng học’, cậu ấy vừa mới dẫn sinh viên đi thực tập bên ngoài nên không ở trường, còn đây là thầy dạy nhạc jazz nhà trường mời tới, Ngôn Mặc.” Từ Giai nói liến thoắng.
Tôi ngẩng đầu lên, chào đón tôi là đôi mắt to đầy trêu ngươi.
“À, hóa ra đây là thầy Ngôn, nghe danh đã lâu, hạnh ngộ hạnh ngộ!” Cô ấy nhìn tôi khẽ mỉm cười.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...