Gió Lạnh Đêm Hè


Cái sinh vật bé nhỏ trong bụng Kiều Lê Vân, mà cũng biết thương mẹ, nên nương nhẹ trong cơ thể mẹ, mà thoát lọt ra ngoài một cách dễ dãi như vậy chăng?
Mặc dù sanh con so, và bên mình không có bác sĩ, cũng không có cô mụ gì hết, Kiều Lê Vân vẫn cho ra đời một hài nhi trai rất kháu khỉnh dễ thương. Người đóng vai "cô mụ bất đắc dĩ" để nâng nhấc nàng và cắt rốn, tắm rửa cho con nàng... không ai khác hơn là... chị Lưu, người nữ bộc của gia đình họ Khang, nhưng lòng chỉ biết trung thành với nàng.
Và mặc dù mấy lúc gần đây, bà Viễn đã ngăn cấm chị, không cho đi gửi thư từ, không cho sử dụng điện thoại, mục đích là "phong tỏa", cô lập Kiều Lê Vân với bên ngoài... chị Lưu vẫn kịp thời quay lén điện thoại, báo tin cho ông bà Văn hay, vào cái lúc Kiều Lê Vân bắt đầu trở dạ.
Bà Văn lật đật tìm tới nhà họ Khang, bước vào tới buồng riêng của con gái, thì thấy ông Viễn đã có mặt trong đó, và đang bế đứa cháu nội đầu lòng trên tay.
ông bà thân gia chào hỏi nhau; rồi cùng cất tiếng cảm tạ Ơn Trời Phật, ca ngợi ông bà tổ tiên dành phúc đức về sau, khiến Kiều Lê Vân sanh đẻ dễ dàng, mẹ tròn con vuông như vầy.
Sau khi săn sóc, nâng nhấc, hỏi han con gái... bà Văn để ý liếc nhìn ông Viễn, và nhận thấy ông vui mừng ra mặt. Ông Viễn thì tươi cười ngắm đi nhìn lại đứa cháu nội trên tay, lòng thầm nghĩ: "Con dâu của mình thật có sức chịu đựng phi thường. Nếu không, nó đã gục ngã dưới sự hành hạ, ngược đãi của vợ mình rồi".
Còn bà Văn, khi được ông "suôi gia" trao đứa cháu ngoại cho bế, bà còn gì sung sướng vui mừng hơn?...
Riêng bà Viễn lại khác hẳn. Bà thầm thất vọng trong lòng, vì đã không được trông thấy "sự ra đi của cái con què quặt". Bà đã viện cớ theo "tập tục truyền thống" của ông bà xưa để lại, mà kiêng cử, không cho phép con dâu tới hộ sinh viện. Vậy mà Kiều Lê Vân vẫn sinh đẻ trót lọt, để "báo đời" gia đình bà mãi chưa thôi! Khang Tiểu Mai cũng vì lòng ghét bỏ chị dâu mà đến nỗi đôi mắt như mù quáng, không nhìn ra cái vẻ kháu khỉnh mũm mĩm của đứa hài nhi: đứa bé giống anh ruột của cô như tạc khuôn vậy. Cô gái chỉ nhìn qua một chút, rồi bỏ ra ngoài, miệng lầm bầm chê: "nó giống như con chuột non đỏ hỏn!".
Căn buồng chỉ đông người trong chốc lát ngắn ngủi, rồi lại còn trơ có bà Văn ngồi bên con gái và đứa cháu ngoại sơ sinh.
Bà ở lại săn sóc con từng li từng chút, quên ngủ quên ăn... Cho đến ngày thứ ba, thì mỏi mệt quá sức, bà cứ ngồi ở cái ghế, tựa đầu về một bên mà ngủ gà ngủ gật.
Kiều Lê Vân muốn ngồi lên, đánh thức mẹ dậy, và khuyên mẹ trở về nhà nằm nghỉ cho thoải mái, để lấy lại sức. Nhưng nàng lại nghĩ: Hãy để mẹ "ngủ ngồi" như vậy một hồi, không nên làm ẹ mất ngang giấc ngủ...
Kiều Lê Vân sinh cho nhà họ Khang được một đứa con, rồi địa vị, hay ít ra, thân phận nàng có được đổi khác chút nào chăng?...
Chỉ nửa tháng sau, bà Viễn đã tàn nhẫn nói thẳng vào mặt nàng:
- Cô đã nói: đợi sinh đẻ xong, rồi cô ra đi. Vậy lúc này cô nên đi đi thôi. Cô về nhà cha mẹ, cô đi lưu lãng, hay cô đi liều mình ở đâu nữa cũng mặc. Chỉ yêu cầu cô đừng trở lại nhà này nữa là xong.

Nàng cúi mặt, không nói nên lời, cũng không còn nước mắt để khóc. Bà Viễn lại tiếp:
- Nếu không thế, cô hãy kiếm một người chồng khác đi.
Kiều Lê Vân chỉ kêu được một tiếng: "má!... "
- Từ nay trở đi, đừng gọi tôi bằng "má" nữa, bởi tôi đâu có thừa nhận cô!
- Xin hãy đợi ngày anh Thủy hồi hương. Anh ấy về, con sẽ ra đi.
- Đừng mơ ngủ! Con tôi nó không về đâu, mà có muốn về, tôi cũng chưa cho phép về. Yêu cầu cô đi lấy chồng khác, ấy là tôi đối xử nhân từ lắm rồi.
Kiều Lê Vân ù tai hoa mắt, không nhớ rõ bà viễn còn thốt ra bao nhiêu lời lẽ tàn nhẫn nữa. Rồi nàng lại nghe bà nói thêm:
- Nếu như cô cần có một số tiền, cô chỉ việc chịu nhận ly hôn, tôi sẵn sàng cấp cho ngay.
- Không. Con không muốn ly hôn, bởi vì con với anh Thủy yêu thương nhau, phải sống mãi mãi với nhau.
- Hừm! Thân tàn ma dại như thế, cũng còn đòi hỏi quá đáng, mơ ước vô lý hão huyền. Sao không biết xấu hổ!
o0o
Đứa hài nhi, sau ngày đầy tháng được hai hôm, thì bỗng nhiên... mất tích!
Hôm ấy, Kiều Lê Vân thức giấc, vừa nhìn ra cái nôi, nàng đã dựng tóc gáy, lạnh xương sống, bởi linh tính vừa báo cho nàng một tai họa khủng khiếp gì đây... Nàng gào lên như điên như cuồng:
- Chị Lưu ơi! Chị Lưu ơi!

- Tôi đây!... Cái gì thế? Làm sao thế?
Thấy chị Lưu từ ngoài chạy vào, Kiều Lê Vân vồ ngay lấy:
- Con tôi đâu? Chị Ơi?
- Cháu vẫn ngủ trong nôi kia hay sao ấy?
- Đâu có? Đâu có thấy? Chị Ơi! Mau tìm nó dùm tôi!
- Không hiểu bà có bế nó lên phòng bà không?
Không! Đứa hài nhi không có ở đó, mà bà Viễn cũng biệt dạng biệt tăm đâu mất rồi. Chị Lưu cũng đâm cuống, trố mắt há mồm nhìn quanh, chẳng biết giúp Kiều Lê Vân cách nào! Và Kiều Lê Vân... Òa lên khóc như mưa như gió.
Bấy giờ mới thấy Khang Tiểu Mai từ buồng riêng bước ra, bảo rằng:
- Các người đừng tìm kiếm nữa. Má tôi đã bế nó, đem đi cho người ta rồi. Má tôi nói rằng: "Nhà họ Khang này không thể nuôi đứa nhỏ đó được".
Câu nói tàn nhẫn của cô em chồng khiến Kiều Lê Vân kêu rú lên một tiếng, rồi ngất lăn xuống đất. Chị Lưu lại phải lăn lưng vào cấp cứu nàng.
Nàng tỉnh dậy, chị dìu nàng về buồng riêng, nhưng nàng cứ hối hả đòi chạy đi khắp nơi tìm con... Chị phải dỗ dành: "Hãy đợi bà trở về, rồi van xin bà, may ra... Chứ biết đứa nhỏ ở đâu mà đi tìm?"
Gần tối hôm ấy, bà Viễn trở về đến cổng thì thấy Kiều Lê Vân đã ôm cột cổng đứng chờ đó tự bao giờ. Nàng chắp tay van lạy, bà vẫn phớt lờ, đẩy gạt nàng ra một bên mà vào nhà. Nàng theo vào nhà, quì xuống năn nỉ:
- Con lạy má! Tội nghiệp thân con! Má cho con xin đứa con. Không có nó thì con chết, không thể nào sống được...
Và nàng còn kêu van thảm thiết rất lâu nữa, nhưng lòng bà Viễn rất lạnh lùng, trơ trơ như sắt đá. Chị Lưu đứng nhìn cảnh ấy, cũng phải ứa nước mắt như mưa. Cuối cùng, chị lại phải dỗ dành nàng: "Hãy tạm về buồng nghỉ ngơi qua một đêm rồi bà sẽ xét lại... "

o0o
Qua một đêm không ngủ, sáng hôm sau chị Lưu vào buồng tìm Kiều Lê Vân thì thấy nàng đầu bù tóc rối, sắc mặt xanh xao bơ phờ như người mất hồn, hoặc sắp lên cơn điên khùng; đôi mắt đỏ ngầu như ứa máu vì khóc nhiều quá.
Bà Viễn bảo chị Lưu vào gọi Kiều Lê Vân ra phòng khách. bà cho hai người cùng ngồi xuống, rồi lạnh lùng nói vào vấn đề:
- Cô Vân à, cô nghe tôi nói đây... Mặc dù cô đã lấy con tôi rồi, nhưng tôi nói trắng ra cho cô hay rằng: Mãi mãi, không bao giờ tôi ưng chịu cô đâu. Sở dĩ tôi để cho nó lấy cô, là vì tôi muốn lợi ích cho bản thân nó: tôi cho lấy nhưng tôi buộc một điều kiện là phải xuất ngoại du học ngaỵ Có thế, nó mới yên lòng ra đi.
- Thưa má, chính con trước sau cũng vẫn khuyến khích anh ấy xuất ngoại du học. Và cho đến nay, con vẫn không hề hối tiếc về việc đã cổ võ anh ấy xuất dương.
- Nhưng nay sự thể đã đổi khác. Cô không thể ở đây được nữa. Cô đừng nằm ì ra nhà tôi nữa. Cô còn sống bám vào gia đình này, chắc tôi phát điên phát cuồng đến nơi! Vậy, bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh mà điều đình với nhau, để giải quyết sự việc cho êm thấm.
Kiều Lê Vân tê tái cả người, chưa biết mở miệng nói sao, bà Viễn lại tiếp:
- Chính cô, nếu mất đứa con, cô sẽ phát điên phát cuồng phải không?
- Dạ, phải.
- Thì tôi cũng vậy. Nếu mất thằng Thủy, tôi cũng phát điên mà chết. Vậy giờ tôi đưa ra mấy cách này, để tùy ý cô lựa chọn. Thứ nhất: Cô chỉ cần ký tên vào đơn xin ly di...
- Má! (Kiều Lê Vân kêu ngay lên)
- Hãy để tôi nói hết đã... Cô cứ ký vào đơn ly dị, hoặc thỏa thuận ly hôn đi, là tôi đem đứa bé về trả, cho cô bế ra khỏi nhà này. Tôi lại chu cấp cho cô một số tiền lớn, đủ để nuôi con và giáo dục nó sau này nữa. Cách thứ hai: Nếu cô không chịu ly hôn, cô cứ ở đây, thì phải chịu đựng mọi hành vi đối xử của tôi, nói trắng ra là tôi sẽ ngược đãi cô thẳng taỵ Và mãi mãi cô không còn được trông thấy đứa con của cô nữa.
Kiều Lê Vân lại kêu van: "Má! Má ơi!" Bà Viễn lại nói:
- Tôi đã nói hết đâu? Cô hãy nhớ kỹ hai cách đó, suy nghĩ lại cho chín. Tôi chưa buộc cô phải trả lời ngay lúc này, tôi ra hạn cho cô một tháng để suy nghĩ; kể từ hôm nay, tôi tạm ngưng, không ngược đãi cô như trước, để chờ đến hạn kỳ sẽ liệu sau. Tôi nói là tôi giữ lời. Có chị Lưu đây làm chứng.
Và bà quay bảo người tớ gái:
- Chị Lưu nhớ nhé: Hết hạn một tháng này, thì chị cũng thôi việc ở đây. Chị chuẩn bị đi.
Chị Lưu không có phản ứng nào. Chị biết trước, thế nào rồi cũng có một ngày bà chủ cho chị nghỉ việc, để bắt con dâu phải làm lấy hết...

o0o
Tội nghiệp Kiều Lê Vân! Ngày quên ăn, đêm quên ngủ, đã suy nghĩ nát ruột tan hồn suốt một tuần lễ mà chưa quyết định được: nên lựa cách nào trong hai cách do bà Viễn đặt ra?
Người mà nàng cần có ở bên cạnh mình nhất, để cứu nguy cho nàng thì lại ở một nơi chân trời xa thăm thẳm, xa đến nỗi nàng cũng không biết chắc là mấy vạn dậm chim bay!
Đến như người rất yêu thương nàng, và nàng rất thương yêu, lại ở gần nàng, thì lại không thể cứu nàng được: Bà Văn, mẹ nàng dễ gì can thiệp để giúp cho nàng giữ được đồng thời cả chồng lẫn con?
- Thu Thủy!... Cao Sơn!
"Cao Sơn" là tên thằng bé mới sinh ra đời, khúc ruộc đầu của Kiều Lê Vân. Hình ảnh Thu Thủy thì vẫn mỉm cười với nàng đó. Cao Sơn tuy mới lọt lòng nàng, mà trông đã thấy giống Khang Thu Thủy như đúc.
Miên man nghĩ ngợi, với bao hình ảnh trong đầu, rồi Kiều Lê Vân hành động như cái máy: Nàng lấy giấy bút ra viết lá thư:
"...
Anh Thu Thủy yêu dấu,
Thằng Cao Sơn, con của chúng mình, nhờ ơn trời nó được khoẻ mạnh, bụ bẫm và linh lợi lắm anh ạ. Trông ngắm nó, em thấy không một đường nét nào lại không giống hệt như anh...
Kiều Lê Vân mới viết được vài hàng, bỗng cánh cửa mở, một bóng người tiến vào, khiến nàng sực nhớ đến hiện trạng bi đát, gác bỏ tờ giấy mới viết dở dang..
Nàng viết thư để làm gì? Mấy ngày nay, bà Viễn bắt đầu canh chừng từng cử chỉ của nàng. Bà cấm nàng viết thư cho chồng, lấy lý rằng: "Để cho thằng Thủy tĩnh tâm học tập. Nay đọc thư, mai viết thư, hồn vía cứ mơ tưởng về gia đình, thì còn học hành gì được?" Như vậy, nàng làm cách nào gửi được lá thử Bà lại cấm nàng không cho bước chân ra khỏi nhà. Chị Lưu thì đâu dám cầm lén phong thư đi gửi?
Cho đến cái máy điện thoại trong nhà cũng bị bà Viễn canh chừng rồi. Mỗi lúc chuông reo, Kiều Lê Vân đến cạnh máy, cầm ống nghe, ấy là đã có bà, hoặc Khang Tiểu Mai ở gần đó, lắng nghe xem nàng nói những gì qua đường giây..
Và lúc này nàng lại phải ra phòng khách đế nghe điện thoại vì người vào buồng là chị Lưu. Chị báo cho biết: có mẹ nàng gọi tới.
Đau đớn thay! Trước sự canh chừng nghe ngóng của mẹ con bà Viễn, nàng phải nói dối qua đường dây, với bà Văn:
- Dạ. Thưa má, tại vì mấy ngày qua con bị Ốm yếu, mất sức hơi nhiều, "má con" sợ con vất vả thêm vì chăm con so, nên "má con" đem nó đi gửi một bà vú chuyên nuôi trẻ mướn rồi ạ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui