Giang Hồ Tam Nữ Hiệp

Dương Liễu Thanh bị nước lũ cuốn đi, cả xác cũng không tìm ra, Đường Hiểu Lan càng áy náy hơn, an táng xong Dương Trọng Anh thì cùng bọn Lữ Tứ Nương tới Mang Sơn, tuy có Phùng Anh sớm tối đi cùng nhưng trong lòng vẫn không vui.

Lúc này Ung Chính đã ngồi vững trên ngai vàng, y dùng nghiêm hình thống trị thiên hạ, nghĩa sĩ trong dân gian đều mai danh ẩn tích.

Những người có liên quan đến vụ án Lữ Lưu Lương may được Cam Phụng Trì thông báo sớm nên quá nửa đều đã thoát, chỉ có Châu Kính Hưng ở Thanh Châu, Hoàng Bổ Am ở Tương Thành cùng những người in sách cho họ Lữ và những người cất giữ sách của họ Lữ đều bị tội liên lụy. Nửa năm sau mọi việc mới tạm lắng.

Lữ Tứ Nương rất tức giận, ngày nọ cùng bàn với Cam Phụng Trì, muốn đến Kinh Thành ám sát Ung Chính. Cam Phụng Trì nói: “Bát muội là nữ trung hào kiệt, lẽ nào không nghe câu quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Giờ đây thấy Ung Chính đang thịnh, chúng ta phải kiên nhẫn mà đợi thời cơ”. Lữ Tứ Nương chép miệng: “Lẽ nào muội không biết điều này, chỉ là thấy Ung Chính ngày càng ngang ngược, lạm sát kẻ vô tội, quả thật không thể kiềm chế được cơn gận trong lòng”.

Cam Phụng Trì nói: “Hiện giờ kinh thành canh phòng rất nghiêm ngặt, chúng ta khó mà xâm nhập vào”.

Mấy ngày sau, quần hùng ở Mang Sơn đã bàn xong kế hoạch, Lý Trị và Phùng Lâm đến Tứ Xuyên, Cam Phụng Trì đến vùng Giang Nam. Cha con Ngư Xác và Bạch Thái Quan ra biển, liên lạc lại với các thủy trại còn sống sót. Đường Hiểu Lan vẫn chưa hết đau lòng, nhưng lại muốn cùng Phùng Anh trở về Thiên Sơn một chuyến.

Quần hùng trên Mang Sơn đã đi hết một nửa, chỉ còn lại Lữ Tứ Nương canh giữ phần mộ của Độc tý thần ni, xuân đi thu đến, bất giác đã hai mùa ấm lạnh, trong hai năm này, Lữ Tứ Nương sớm tối luyện kiếm, không những luyện Huyền Nữ kiếm pháp đến mức xuất thần nhập hóa mà còn tham khảo những biến hóa của Thiên Sơn kiếm pháp và Đạt Ma kiếm pháp rồi cải thiện thêm, giờ đây nàng còn lợi hại hơn cả Độc tý thần ni năm xưa.

Thời gian hai năm chớp mắt trôi qua, nhưng bên ngoài xảy ra nhiều biến cố rất lớn lao. Ngày nọ, Cam Phụng Trì trở về, mừng rỡ nói với Lữ Tứ Nương: “Từ nay về sau chúng ta chỉ cần đối phó với Ung Chính”. Lữ Tứ Nương nói: “Ung Chính đã trừ Niên Canh Nghiêu rồi sao?” Cam Phụng Trì nói: “Vẫn chưa bị giết, nhưng cũng đã rất thê thảm. Y từ nhất Đẳng công kiêm Xuyên Thiểm tổng đốc bị gián chức thành một tên lính giữ cửa thành” Lữ Tứ Nương tuy đoán được Ung Chính sẽ không thể nào chấp nhận nỗi Niên Canh Nghiêu nhưng không ngờ rằng sự việc diễn ra nhanh như thế, mà Niên Canh Nghiêu bị gián chức thành lính canh cửa càng không thể tưởng tượng nổi!

Cam Phụng Trì nói: “Đối với Niên Canh Nghiêu, bị giáng chức như thế còn khó chịu hơn cả bị giết. Nhưng y cũng chẳng còn cách nào cả, binh quyền của y đã bị tước đoạt”. Thế rồi Cam Phụng Trì mới kể cho Lữ Tứ Nương nghe chuyện của Niên Canh Nghiêu.

Từ sau khi Niên Canh Nghiêu tây chinh Thanh Hải trở về, được phong làm Nhất đẳng công, vẫn kiêm nhiệm Xuyên Thiểm tổng đốc, thanh oai rất thịnh. Niên Canh Nghiêu cũng rất thông minh, tự biết công cao hơn chủ, muôn lần không thể buông binh quyền, bởi vậy không muốn ở Bắc Kinh, từ sau khi Hoàng đế uỷ đạo ba quân, không bao lâu y đem quân trở về Xuyên Thiểm. Nào ngờ Ung Chính còn thông minh hơn y, âm thầm nâng đỡ phó thủ của y là Nhạc Chung Kỳ, Nhạc Chung Kỳ lôi kéo các thuộc hạ dần dần nắm thực quyền trong tay, không lâu sau mượn cớ dân ở Tây Lệ nổi loạn, ra lệnh cho Nhạc Chung Kỳ cầm binh dẹp loạn, vì sợ Niên Canh Nghiêu bất mãn, giải thích với y rằng giết gà không cần dao mổ trâu. Vì lâu nay Nhạc Chung Kỳ vẫn nghe lời Niên Canh Nghiêu, y không ngờ Nhạc Chung Kỳ đã bội phản mình. Y xây dựng tòa phủ đệ tựa như cung điện ở Tây An, lại có thê tử đẹp như hoa ở bên cạnh, thánh chỉ kêu đích danh Nhạc Chung Kỳ, nên y chỉ biết ở Tây An hưởng phước.

Nhạc Chung Kỳ dắt một bộ phận binh lực đến Tây lệ, liên tục bị bại trận, văn thư cấp báo bay về như tuyết, Ung Chính lại đưa một cánh quân của Niên Canh Nghiêu đến cứu viện. Tiền tuyến cần tăng viện, Niên Canh Nghiêu không dám chống Thánh chỉ, với lại là cứu thuộc hạ của mình, bởi vậy mới mau chống phát binh. Sau mấy lần tăng viện, binh lực của Niên Canh Nghiêu chỉ còn lại một hai phần. Niên Canh Nghiêu ở trong phủ đô đốc hàng ngày cứ mắng Nhạc Chung Kỳ là đồ vô dụng, suýt nữa đã dâng sớ tự tiến cử, đích thân ra tiền tuyến đốc sư.

Nào ngờ đó chính là kế hoạch của Ung Chính và Nhạc Chung Kỳ, bại trận chỉ là cái cớ. Sau khi binh lực của Niên Canh Nghiêu bị điều đi đến Tây Lệ hết tám chín phần, lập tức chuyển bại thành thắng, Ung Chính lại ra lệnh cho Nhạc Chung Kỳ tạm thời trấn giữ Tây Lệ, không cần phải trở về nữa.

Đáng buồn cười là văn võ cả triều đều không biết đó là ý thực sự của Ung Chính, khi tin bại trận truyền về liên tục, nhiều người lại vạch tội Nhạc Chung Kỳ, bảo y không có tài của đại tướng, xin Ung Chính điều Niên Canh Nghiêu đi. Ung Chính đã nhiều lần giáng chỉ trách cứ Nhạc Chung Kỳ, thật ra y làm thế là để cho Niên Canh Nghiêu xem.

Văn võ cả triều đều không biết Niên Canh Nghiêu đã thất thế, không ai muốn hạch tội y. Thật ra lúc đó có một đại thần tên là Điền Văn Kính, bị đẩy ra ngoài làm tổng đốc Hà Đông, y và Ngạch Nhĩ Thái, Lý Mẫn Đạt, đại thần được Ung Chính sủng kính, là bằng hữu tri giao. Khi Điền Văn Kính đi lãnh nhiệm vụ, Lý Mẫn Đạt giới thiệu một sư gia họ Ô cho y, giúp y coi sóc việc văn thư. Điền Văn Kính cũng rất coi trọng sư gia học Ô này. Nói ra cũng lạ, phàm là những tấu sớ qua tay Ô sư gia ít khi bị Hoàng đế từ chối, bởi vậy Điền Văn Kính càng coi trọng Ô sư gia hơn.


Ngày nọ, Ô sư gia hỏi Điền Văn Kính: “Minh công có muốn làm một danh thần không?” Điền Văn Kính rất lấy làm lạ, đáp rằng: “Ai mà không muốn thế!” Ô sư gia nói: “Minh công muốn làm một danh thần, tôi cũng muốn làm một danh mộ”. Điền Văn Kính hỏi: “Vậy ông muốn thế nào?” Ô sư gia nói: “Xin chúa công để tôi làm một việc, nhưng không được hỏi đến”. Điền Văn Kính nói: “Tiên sinh muốn làm việc gì?” Ô sư gia nói: “Tôi định thay chúa công viết một bản tấu chương, nhưng chúa công không được đọc một chữ nào trong tấu chương này. Hễ tấu chương trình lên, chúa công sẽ trở thành một bậc danh thần!”

Điền Văn Kính nghe nói thế, thế là để ông ta làm thử. Đêm ấy phòng của Ô sư gia thắp đèn đến sáng, Điền Văn Kính cũng suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau Ô sư gia bỏ tấu chương vào phong thư, dùng sơn đỏ phong kín lại, bảo Điền Văn Kính đưa đến tổng đốc Hà Đông, Điền Văn Kính nói: “Ta không được xem tấu chương, nhưng tiên sinh có thể tiết lộ chút ít hay không?”

Ô sư gia chợt nổi giận nói: “Chúa công không dám tin tôi, thì thôi vậy, tôi đi đây!” Điền Văn Kính vội nói: “Tiên sinh đừng đa nghi, nếu không thể tiết lộ, tôi sẽ đóng dấu”. Sau khi đóng dấu, lập tức dùng khoái mã đưa thẳng lên kinh đô.

Sau khi tấu chương đưa đi, Điền Văn Kính lo được lo mất, nhiều lần muốn hỏi Ô sư gia nhưng lại không dám, trong lòng rất hối hận vì đã đem công danh lợi lộc ra đánh cược, nhưng tấu chương đã được đưa đi, không thể lấy về nữa, chỉ đành âm thầm ra lệnh cho lính giám sát Ô sư gia, đề phòng y bỏ chạy, đợi sau khi có kết quả, nếu không có chuyện gì thì thôi, nếu có việc xảy ra thì trước tiên sẽ giết Ô sư gia.

Ô sư gia thì không lộ thanh sắc, vẫn như bình thường. Bảy ngày sau, quan báo từ kinh đô truyền đến, Điền Văn Kính mở ra xem, sợ đến nỗi chết ngất, xem xong lại vui mừng ra mặt, hầu như ngỡ mình đang nằm mơ!

Té ra bản tấu chương đó đã vạch tội hai người nắm quyền bính nghiêng ngã triều can, danh tiếng lẫy lừng. Một người là Niên Canh Nghiêu, một người là quốc cựu Long Khoa Đa! Nếu Điền Văn Kính mà biết được điều này, dù y gan to bằng trời cũng không dám đóng dấu lên tấu chương!

Ung Chính xem xong tấu chương, lập tức hạ lệnh tước phong hiệu nhất đẳng công của Niên Canh Nghiêu, giao cho Nhạc Chung Kỳ tạm thay chức phủ viễn đại tướng quân kiêm xuyên thiễm tổng đốc. Nhưng Hoàng đế cũng lo Niên Canh Nghiêu còn có một ít binh lực ở Thiễm Tây, không dám lập tức giết ngay, cho nên thánh chỉ lại bảo niệm tình y có chút công lao nên sai y về Hàng Châu luyện binh. Còn Long Khoa Đa được giao cho thuận thừa quận vương Tích Bảo thẩm vấn, trước tiên tước tất cả phong hiệu, nhốt vào đại lao. Lại truyền chỉ khen ngợi Điền Văn Kính, rằng “có lòng son vì nước, không sợ quyền quý, mạnh dạn dám nói, được thăng làm Lưỡng Quảng tổng đốc”.

Điền Văn Kính vừa kinh vừa mừng, một lúc sau tay chân vẫn còn run lẩy bẩy, lúc này Ô sư gia mới cười bước vào, nói: “Chúc mừng chúa công thăng quan, nguyện vọng làm danh thần của chúa công đã đạt, tôi cũng cáo từ đây”. Điền Văn Kính vội vàng níu giữ, Ô sư gia mỉm cười nói: “May mà Hoàng thượng xem bản tấu chương này không trách tội, trái lại còn khen thưởng, nếu không tôi cũng không thể bước ra khỏi nha môn”. Điền Văn Kính sợ đến nỗi toát mồ hôi lạnh, liệu rằng Ô sư gia đã biết hành động của mình, lại không tiện bày tỏ nên rất áy náy. Ô sư gia lại cười nói: “Điều đó cũng chẳng trách chúa công, nếu chẳng phải tôi mượn danh nghĩa của chúa công, trên thiên hạ chẳng có quan viên nào dám hạch tội Niên Canh Nghiêu và Long Khoa Đa!”

Lúc này Điền Văn Kính mới biết Ô sư gia chắc chắn là người phi thường, vừa đáp tạ vừa hỏi dò: “Tiên sinh có tài như thế, Điền mỗ khâm phục vô cùng. Không biết trước đây tiên sinh làm việc ở đâu, làm sao có thể đoán được ý bề trên, làm những điều mà người khác không dám làm?” Ô sư gia cười lớn nói: “Ngài đã được thăng quan như mong muốn, cần gì phải hỏi lai lịch của tôi? Biết lai lịch của tôi chẳng tốt cho ngài. Sau này chúng ta sẽ gặp lại, tôi xin cáo từ”. Điền Văn Kính là kẻ già giặn ở quan trường, lúc này trong lòng đã hiểu ra, biết rằng Ô sư gia chắc chắn là thân tín của Hoàng đế cho nên vội vàng lấy ra ba trăm lượng vàng tặng cho y chứ không dám hỏi han gì nữa.

Niên Canh Nghiêu bị tước hết chức vụ, Nhạc Chung Kỳ lập tức từ Tây Lệ trở về Tây An, thu nhận ấn tín, Nhạc Chung Kỳ tỏ vẻ thông cảm, một mặt dùng lời an ủi, lại còn chọn một trăm thân binh đưa y về miền Nam. Niên Canh Nghiêu cố nén cơn giận, cười lớn nói: “Lão đệ, đệ hãy cẩn thận đấy, đừng đi vào vết xe đỗ của ta! Ta một đời binh mã, nam chinh bắc phạt cho Hoàng thượng, may mà không rơi vào cảnh da ngựa bọc thây, nay có gì đáng lo? Lần này ta trở về, nếu có nguy hiểm gì đệ cũng chẳng thể nào bảo vệ được cho ta, ta xin nhận lãnh tấm thận tình của đệ!” hai mắt trừng trừng, oai ngày trước vẫn còn, Nhạc Chung Kỳ không dám nói nhiều, vội vàng lui ra.

Niên Canh Nghiêu trị quân nhiều năm, đương nhiên có một số tướng lĩnh thân tín nhất, những người này có ăn có chịu với Niên Canh Nghiêu, hy vọng ngày sau Niên Canh Nghiêu có thể quật dậy nên đua nhau từ chức theo y xuống miền nam. Nhạc Chung Kỳ cũng không giữ lại, phê chuẩn tất cả. Niên Canh Nghiêu dắt theo mấy mươi thuộc hạ cùng ba trăm binh lính già cả đến Hàng Châu. Ngày nọ đến Nghĩa Huy thuộc bờ bắc Trường Giang, Nghĩa Huy có hai đường thủy bộ, từ đường thủy xuống miền nam có thể đến Hàng Châu, từ đường bộ lên miền bắc có thể tới Bắc Kinh. Niên Canh Nghiêu nghĩ bụng mình đã từng dốc hết sức cho Ung Chính, nay bị tước hết binh quyền, Ung Chính có thể yên lòng, nếu gặp mặt xin xỏ, có lẽ có thể làm được một chức quan nhỏ chứ không đến nỗi phải tới Hàng Châu viện binh, bởi vậy dâng tấu chương cầu kiến, trong tấu chương có hai câu: “Nghĩa Huy thủy lục phân trình, thần ở đây đợi tin”. Đó chẳng qua là muốn Hoàng đế hồi tâm chuyển ý, cho phép y vào kinh gặp mặt. Nào ngờ Ung Chính lại bảo y có lòng tạo phản, muốn cầm binh đánh thẳng vào Bắc Kinh, một mặt giao tấu chương của Niên Canh Nghiêu cho lại bộ xử lý, một mặt đích thân hạ lệnh cho lục bộ đại thần rằng: “Khi trẫm mới lên ngôi, coi Long Khoa Đa và Niên Canh Nghiêu là kẻ tâm phúc, chẳng hề đề phòng. Trẫm coi bọn chúng là trung thần, mong bọn chúng đáp ơn. Nào ngờ bọn chúng có hai lòng. Nay trẫm không thể tha được. Nếu những ai đã từng kết bè kết đảng với chúng thì hãy mau mau hối lỗi. Nếu vẫn cứ che giấu, một khi phát giác sẽ trị tội nghiêm”.

Các đại thần xem tờ chỉ dụ này, biết Hoàng đế không tha cho Niên Canh Nghiêu, thế là hè nhau dâng tấu vạch tội Niên Canh Nghiêu, Ung Chính nhận được nhiều tấu chương, cuối cùng bảo rằng Niên Canh Nghiêu có mười tám tội lớn, cứ mỗi tội thì bị giáng một cấp, vì thế giáng Niên Canh Nghiêu đến mười tám cấp, từ một đại tướng quân đã hạ xuống thành một tên lính giữ cửa thành!

Còn Long Khoa Đa vì có em gái cầu xin, Ung Chính chỉ ghét y là ngày trước đã theo bợ đỡ Niên Canh Nghiêu, lại lo y biết chuyện mình đoạt ngôi nhưng cũng liệu rằng y không thể tạo phản cho nên mới phán y bị giam vĩnh viễn, vợ con gia sản thì được tha. So với Niên Canh Nghiêu, y may mắn hơn nhiều.

Lữ Tứ Nương nghe Cam Phụng Trì kể chuyện Niên Canh Nghiêu, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Thỏ chết chó cũng vào nồi, Niên Canh Nghiêu có ngày hôm nay, chúng ta cứ mặc kệ y. Thất ca, muội đã luyện kiếm pháp hai năm, ngộ ra được rất nhiều điều. Lần này huynh không nên cản muội vào kinh nữa”. Cam Phụng Trì biết ý nàng, cười rằng: “Muội ở trên núi đã hai năm, cũng nên đi xuống xem thử sự tình. Nhưng vào kinh vẫn phải chờ đợi một thời gian nữa”.


Hôm sau Lữ Tứ Nương cùng Cam Phụng Trì và Thẩm Tại Khoan xuống núi.

Lại nói Niên Canh Nghiêu bị đưa đến Hàng Châu giữ thành, vừa khéo tướng giữ thành Hàng Châu chẳng phải ai khác mà là Lục Hổ Thần. Năm xưa Niên Canh Nghiêu giết đề đốc Phú Sơn, Lục Hổ Thần vào can ngăn, suýt nữa đã bị giết, sau đó bị phạt phải canh đêm. Ung Chính đẩy Niên Canh Nghiêu đến Hàng Châu thực ra là có ý muốn Lục Hổ Thần làm khó y.

Niên Canh Nghiêu biết Lục Hổ Thần trấn thủ Hàng Châu cũng không để trong lòng. Ba ngày sau, Niên Canh Nghiêu đứng trước cửa thành sưởi nắng, trong ngoài cửa thành chẳng có ai ra vào. Té ra người Hàng Châu sợ sát khí của Niên Canh Nghiêu, biết y canh cửa bắc nên không hẹn mà đều tránh xa. Lúc này các thuộc hạ của Niên Canh Nghiêu đều đã bỏ đi cả, chỉ có một người lính già vẫn còn theo bên cạnh. Người lính này thấy ba ngày đều như nhau, nói với Niên Canh Nghiêu: “Hôm nay tướng quân tuy bị làm nhục, nhưng mừng vì oai phong vẫn còn, quan dân đều không dám khinh thường tướng quân”. Niên Canh Nghiêu thở dài nói: “Chính vì như thế Ung Chính càng không thể tha cho ta”.

Khi đang nói chợt nghe tiếng thanh la mở đường, Niên Canh Nghiêu cười nói: “Người làm nhục ta sắp đến rồi đấy!” rồi bảo người lính già lách qua một bên, chỉ thấy Lục Hổ Thần ngồi trên một thớt ngựa cao lớn, cùng đám sĩ tốt tiền hô hậu ủng ra thành. Niên Canh Nghiêu mỉm cười, vẫn người xếp bằng vươn vai sưởi nắng.

Lục Hổ Thần thấy Niên Canh Nghiêu phách lối, chợt cả giận, có lòng muốn làm nhục y, bước tới trước mặt, lạnh lùng cười: “Niên Canh Nghiêu, ngươi có nhận ra tay không?” Niên Canh Nghiêu liếc mắt nói: “Té ra là ngươi, làm tướng quân Hàng Châu chắc khỏe hơn làm canh phu cho ta chứ gì? Chả trách nào ngươi đắc ý đến thế!” Lục Hổ Thần bị y nhắc đến chuyện cũ, tìm không được mắng rằng: “Niên Canh Nghiêu, ngươi đã nhận ra ta, tại sao không đứng dậy nghênh đón!” Niên Canh Nghiêu nghe xong lại mỉm cười nói: “Lục Hổ Thần, ngươi muốn ta đứng dậy ư? Điều đó không khó, nhưng ta đứng dậy thì ngươi phải quỳ xuống đấy!” Lục Hổ Thần cười ha hả: “Ta đường đường là tướng quân Hàng Châu, chả lẽ phải quỳ trước một tên lính giữ cửa thành như ngươi?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi quỳ trước ta không biết đã bao nhiêu lần, giờ đây tuy ta không thể bảo ngươi quỳ xuống nữa, nhưng ngươi thấy Hoàng thượng hoặc gặp vật đại diện cho Hoàng thượng, chắc là phải quỳ xuống chứ?” Lục Hổ Thần cười lạnh nói: “Đương nhiên, nhưng ngươi không phải là khâm sai đại thần, làm sao đại diện cho Hoàng thượng?”

Niên Canh Nghiêu thong thả đứng dậy, cởi áo ngoài, chỉ thấy y mặc bên trong một bộ đại quải có thêu hai con rồng vàng, Lục Hổ Thần sửng sốt, chỉ thấy Niên Canh Nghiêu lấy ra một tấm Vạn tuế bài có khắc con rồng năm móng, đặt trên cái ghế rồi kêu lớn: “Lục Hổ Thần, quỳ xuống!” Lục Hổ Thần mặt tái xanh, đành phải quỳ xuống trước vạn tuế bài, cung kính hành lễ ba quỳ chín lạy.

Té ra Bàn long quải và Vạn tuế bài là do Ung Chính ban cho Niên Canh Nghiêu khi y chinh tây. Những người lập được đại công mới được mặc bàng lông quải. Còn vạn tuế bài là vật đại diện cho Hoàng đế, thấy mảnh bài này tựa như thấy Hoàng thượng. Trước đây khi Niên Canh Nghiêu tây chinh, Ung Chính vì muốn lôi kéo y cho nên ban cho y tấm bài này để y ra lệnh cho quan viên các nơi mà không cần phải xin phép. Nhưng trước đây Niên Canh Nghiêu tiếng tăm hiển hách, chưa bao giờ phải dùng đến tấm bài này. Lần này Ung Chính không cho Niên Canh Nghiêu vào cung, giáng y liền mười tám cấp, nhưng vẫn chưa thu lại những thứ đã ban lúc trước. Lần này Niên Canh Nghiêu lấy ra để làm nhục Lục Hổ Thần. Lục Hổ Thần ôm hận về phủ nha, suốt đêm viết biểu dâng tấu, vạch tội Niên Canh Nghiêu ngày càng ngang ngược, đại nghịch bất đạo.

Khi Lục Hổ Thần nghênh ngang đến cửa bắc, thị dân trong thành liệu rằng chắc chắn sẽ có trò vui, tuy không dám tới gần mà xem nhưng có thể đứng từ xa nhìn, đến khi Lục Hổ Thần bị làm nhục, tức giận trở về phủ nha, dân chúng mới tản đi. Niên Canh Nghiêu thấy thế cười nhạt, chẳng hề quan tâm đến cảnh huyên náo ở bên ngoài. Y liếc mắt nhìn chợt thấy có một bóng dáng thiếu nữ thấp thoáng trong đám người. Bóng dáng này rất giống Phùng Lâm, Niên Canh Nghiêu bất giác ngẩng ra.

Niên Canh Nghiêu vốn yêu Phùng Lâm, sau đó biết chuyện tốt khó thành nên mới cưới con gái của phiên vương Mông Cổ là Giai Đặc cách cách, Giai Đặc cách cách tuy xinh đẹp như hoa nhưng dẫu sao cũng không thể văn võ song toàn, thông minh lanh lợi được lòng người như Phùng Lâm. Lúc này, Niên Canh Nghiêu dõi mắt nhìn theo bóng dáng nàng thiếu nữ, bất giác nhớ lại thời còn bé. Y ngẩng đầu nhìn trời, nén không được tiếng thở dài, lòng thầm nhủ: “Nếu năm xưa mình không nhường cho Hoàng thượng, tuy không có được công danh sau này nhưng người ngọc đã là của mình. Cùng nàng phiêu bạt giang hồ há chẳng hơn công hầu khanh tướng hay sao?” nhưng ý nghĩ ấy chỉ lướt qua trong đầu, rồi lại cười mình rằng: “Nếu đại trượng phu không để lại tiếng thơm cho muôn đời sau cũng là tiếng thối đến vạn năm. Mình có hôm nay, không luận thành bại, sử sách sẽ lưu danh, có gì đáng tiếc!” rồi phất ống tay áo cười khì, ngồi xuống chiếc ghế gãy sưởi nắng.

Nhưng lòng muốn yên mà chẳng được, Niên Canh Nghiêu tuy không hối hận, nhưng bất đồ vì thế mà nhớ đến thê tử, y rất lo lắng cho đứa con đang gửi cho Tăng Tịnh, lo rằng nếu mình chết, Tăng Tịnh không thể đáng tin, e rằng không thể tìm được trong đám thuộc hạ cũ người nào có thể chăm sóc cho con mình, nghĩ đến đấy, dù là bậc anh hùng một đời cũng không khỏi rầu rĩ. Y cứ ngồi nghĩ ngợi, bất giác vầng dương lặng xuống phía tây, ánh nguyệt mọc lên từ đằng đông, màn đêm len lén kéo tới.

Cửa bắc thành Hàng Châu xưa nay vắng vẻ. Trong bóng tối mịt mùng, Niên Canh Nghiêu ngồi một mình trên thành lâu, chỉ nghe tiếng sóng sông Tiền Đường vỗ oạp oạp, trong thành văng vẳng tiếng reo ca, y chợt nhớ hai ngày nữa là trung thu, lòng càng cô quạnh hơn. Người lính già vốn là một gia đinh của nhà họ Niên, khi Niên Canh Nghiêu bơ vơ trơ trọi, chỉ có ông ta là không chịu bỏ đi, lúc này đứng trong canh lâu kêu: “Tướng quân hãy vào nghỉ ngơi, lão nô canh đêm cho ngài”. Niên Canh Nghiêu than rằng: “Không cần, có không ít người được ta nâng đỡ, không ngờ đêm nay chỉ có hai chúng ta bầu bạn với nhau”. Nói vừa dứt lời, chợt nghe có người cười lạnh: “Niên Canh Nghiêu, không cần than thở nữa, còn có ta đến thăm ngươi đây”.

Niên Canh Nghiêu ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy một bóng người đã đứng trước mặt mình, đó chính là Phương Kim Minh. Phương Kim Minh trước đây là vệ sĩ tâm phúc của Thập tứ bối lạc Dận Đề. Chỉ nghe Phương Kim Minh cười lạnh: “Niên Canh Nghiêu, không ngờ ngươi cũng có ngày hôm nay! Nhớ năm xưa, ngươi dĩ hạ phạm thượng, giành ngôi dùm cho Dận Trinh, mưu hại Thập tứ bối lạc, ta tưởng ngươi từ đây đường mây thênh thang, không thể làm gì được ngươi. Không ngờ hôm nay Dận Trinh đối xử với ngươi như thế này, ha ha!” Phương Kim Minh trung thành với Dận Đề, hôm nay muốn đến làm nhục Niên Canh Nghiêu, sau khi cười lạnh thì lại bật cười lớn, nói ra những chuyện hiểm độc của Niên Canh Nghiêu.

Niên Canh Nghiêu nghe y nói mà chẳng hề nổi giận, đợi nói xong mới cười ha hả rằng: “Tên ngốc nghếch, ngươi tưởng Thập tứ bối lạc không nham hiểm thâm độc sao? Y chỉ dùng một chút ơn nghĩa lôi kéo ngươi, khiến cho ngươi bán mạng cho y đến chết vẫn không quên? Ha ha!” rồi tiện miệng nói ra những thủ đoạn hiểm độc của Dận Đề, chẳng hạn như làm cách nào bố trí quân bát kỳ giám sát quân Hán, làm thế nào liên lạc với các bối lạc, mưu đoạt đế vị, có rất nhiều điều bí mật trong đó mà Phương Kim Minh không hề biết, Phương Kim Minh nghe thế ngẩng ra, nhưng vẫn cứng miệng mắng rằng: “Chúa công ta dù thế nào cũng tốt hơn ngươi nhiều”. Niên Canh Nghiêu cười ha hả, chợt thở dài nói: “Ngươi nói không sai, Dận Đề vẫn còn có một tên võ sĩ cao minh trung thành với hắn, còn ta chỉ có một tên lính già vô dụng, chỉ điểm này y giỏi hơn ta nhiều. Được lắm, đưa đao của ngươi cho ta!” Phương Kim Minh thoái lui một bước, quát: “Cái gì?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi đến đây chẳng phải để giết ta sao? Niên mỗ từng là chủ soái của trăm vạn đại quân, cái đầu này không xứng cho ngươi chém xuống, niệm tình ngươi đối với Dận Đề một lòng ngu trung, Niên mỗ giúp ngươi hoàn thành tâm nguyện, đưa cái đầu này cho ngươi!” Phương Kim Minh cười lạnh, đột nhiên nhảy bổ tới vung chưởng tát vào mặt Niên Canh Nghiêu.


Niên Canh Nghiêu không hề có ý tự vẫn, chẳng qua y dùng trò lừa bịp để Phương Kim Minh thông cảm, dù không gạt được, Phương Kim Minh cũng không phòng bị đối với y, nếu khi Phương Kim Minh đưa đao tới, y sẽ đấm cho Phương Kim Minh ngã xuống trút giận. Nào ngờ Phương Kim Minh chẳng có ý giết y, chỉ là muốn làm nhục y, bởi vậy mới tát cho Niên Canh Nghiêu một bạt tai.

Điều đó khiến Niên Canh Nghiêu bất ngờ, nhưng dẫu sao y cũng là đệ tử danh gia, cao thủ Thiếu Lâm, chân xoay một cái, người lướt mấy bước, đang định phản đòn, chợt có một bóng đen xuất hiện trên tường thành, cao giọng nói: “Phương Kim Minh, ngươi quên cái hẹn ngày trước với ta rồi sao? Ngươi dám tự tiện ra tay làm hại đại tướng của triều đình, đừng trách kiếm của kẻ làm huynh đệ này vô tình!”

Té ra đó chính là Xa Tịch Tà. Hai người nay năm xưa rất thân thiết nhau, sau khi Dận Đề bị Niên Canh Nghiêu ám toán, Phương Kim Minh vẫn trung thành với chủ cũ, Xa Tịch Tà thì đầu thuận vua mới, bởi vậy đôi bên mới không gặp nhau nữa. Phương Kim Minh nói “Chỉ cần ngươi không đến bắt ta, ta sẽ không động thủ với ngươi”, nhưng Xa Tịch Tà vì bán bạn cầu vinh, cuối cùng ác đấu với Phương Kim Minh. May mà Phương Kim Minh được Quan Đông tứ hiệp cứu đi mới thoát chết.

Việc đã trải qua nhiều năm, hôm nay gặp lại, Phương Kim Minh nghe Xa Tịch Tà nhắc đến chuyện xưa, bất giác cả giận, cười lạnh nói: “Uổng cho ngươi còn mặt dày nhắc đến chuyện này, chúng ta đã tuyệt tình, nếu ngươi đến ngăn cản, đừng trách ta không nương tay!” Xa Tịch Tà rút soạt thanh kiếm, đến chắn trước mặt Niên Canh Nghiêu nhưng chẳng nói gì cả. Phương Kim Minh bước chân phải tới trước, người vươn ra đánh một đòn song phong quán nhĩ, hai quyền đấm xéo ra, Xa Tịch Tà quát: “Ngươi muốn chết?” rồi xoay mũi đao, trở tay đâm lại, Phương Kim Minh phân hai chưởng ra, vai trầm xuống, chân phải đá vào cổ tay cầm kiếm của y, tay trái vươn ra đấm vào ngực của y. Xa Tịch Tà lanh lẹ vô cùng, y đột nhiên lách người, vẫy ra một đóa kiếm hoa rồi đâm tới.

Hai người này kẻ tám lạng người nửa cân, trong chớp mắt đã đấu đến ba mươi chiêu, không phân thắng bại. Niên Canh Nghiêu đứng một bên, mặt lộ nụ cười chứ không đến giúp. Phương Kim Minh chợt nhớ đến mục đích của mình, đấm hờ ra một quyền, khẽ nói: “Tịch Tà, nghe ta nói đây”. Xa Tịch Tà tay trái nắm kiếm quyết, kiếm thế tựa thu tựa phát, chằng kiếm ở trước ngực, nghe Phương Kim Minh nói: “Ngươi cầu công danh, ta vì cố chủ, mỗi bên có chí khác nhau, ta cũng không muốn ép ngươi theo ta. Nhưng hôm nay, Niên Canh Nghiêu đã đến đường cùng, ngươi còn bảo vệ cho y làm gì?” Xa Tịch Tà cười lạnh, nói: “Chim sẻ làm sao biết chí của chim hồng?” Phương Kim Minh lại nổi lửa giận, đang định tấn công. Niên Canh Nghiêu cười ha hả: “Phương Kim Minh, ngươi trung với Dận Đề, y trung với ta, đúng là hiếm có. Ngươi hỏi y tại sao bảo vệ ta, nếu y hỏi ngươi, ngươi trả lời thế nào?” Phương Kim Minh chưng hửng, chợt nhảy ra khỏi vòng chiến, quay lưng bỏ đi, Xa Tịch Tà cười lạnh đút kiếm vào bao.

Niên Canh Nghiêu mỉm cười, bước lên vỗ vai Xa Tịch Tà: “Trong lúc hoạn nạn mới thấy chân tình, rốt cuộc ngươi vẫn còn một chút tình nghĩa!” không ngờ Xa Tịch Tà hích vai, đẩy Niên Canh Nghiêu té nhào một bên, cười lạnh nói: “Ngươi là tội nhân khi quân phạm thượng, ai có tình nghĩa với ngươi? Ngươi tưởng hôm nay ta đến cứu ngươi? Ha ha! Nói thực cho ngươi biết, đương kim Hoàng thượng bảo ngươi đáng ghét, muốn từ từ hành hạ ngươi, cho nên mới giáng ngươi làm lính giữ thành, để cho mọi người xem thử bộ dạng đại tướng quân của ngươi. Thánh thượng minh xét ngàn dặm, ngài liệu rằng ngươi sẽ có nhiều kẻ thù, e rằng ngươi bị người ta giết thì có lợi cho ngươi nên mới căn dặn ta âm thầm bảo vệ, đến lúc nguy hiểm mới đuổi những người ấy đi. Thánh thượng lại nói, chuyện thống khó nhất trong thiên hạ là nhìn kẻ mà mình căm ghét đi đến bước đường cùng, muốn chết không được muốn chết không xong. Ngươi tưởng rằng Hoàng thượng không lập tức giết ngươi là vẫn còn coi trọng ngươi? Ngươi coi Xa mỗ này còn là nô bộc của ngươi sao? Ha ha! Ngươi thật không biết tự lượng sức!” Niên Canh Nghiêu nghe xong, tức đến nỗi suýt trào máu họng!

Xa Tịch Tà mỉa mai mắng chửi Niên Canh Nghiêu một hồi. Niên Canh Nghiêu cố nén cơn giận, hỏi: “Tịch Tà, ta đối với ngươi không tệ, ngươi đã dưới trướng của ta không đầy ba năm mà ngươi đã được thăng làm thị vệ tứ phẩm, chả lẽ không có chút tình nghĩa gì sao?” Xa Tịch Tà bĩu môi, làm ra vẻ khinh khỉnh, nói: “Ta làm quan cho Hoàng thượng chứ đâu phải làm quan cho ngươi, chả lẽ ta phải tạ ơn ngươi? Giờ đây là đã là vệ sĩ tam phẩm, so với tên tiểu tốt giữ thành nhà ngươi ít nhất cũng cao hơn mười mấy cấp, ta không buộc ngươi dập đầu trước ta đã là tình nghĩa lắm, ngươi còn muốn gì nữa?” Niên Canh Nghiêu chợt cười ha hả nói: “Hay lắm, hay lắm! Người đi về nơi cao, nước chảy xuống chỗ thấp, khi dứt khoát thì cần phải dứt khoát, vô độc bất trượng phu. Là đại anh hùng thì phải như thế. Tịch Tà, không uổng ngươi theo ta bao nhiêu năm nay, ngươi đã học được của ta nhiều lắm!” Xa Tịch Tà chưng hửng, đang định mỉa mai, chợt nghe lại có tiếng động, vội vàng nhảy qua một bên, nấp vào xó tối.

Niên Canh Nghiêu cười nhạt, nói: “Lại là bằng hữu nào nữa đây? Niên mỗ chỉ có một thân này, muốn trả thù hãy mau ra tay!” nói chưa dứt lời, trên thành có thêm năm người, kẻ đi đầu là Ấn Hoằng hòa thượng của phái Thiếu Lâm, phía sau là Quan Đông tứ hiệp.

Niên Canh Nghiêu mặt biến sắc, chỉ nghe Ấn Hoằng hòa thượng chỉ tay mắng: “Niên Canh Nghiêu nhà ngươi cũng có ngày này sao? Chùa Thiếu Lâm chúng ta đối với ngươi ân nghĩa như núi, ngươi ra tay hại sư phụ của ta, lại còn đốt chùa, ta hỏi ngươi, lòng dạ của ngươi làm bằng thứ gì?” Niên Canh Nghiêu nói: “Muốn giết cứ giết, không cần nhiều lời!” Ấn Hoằng hòa thượng tiếp tục mắng: “Sư phụ của ta Bản Vô đại sư từng truyền võ công cho ngươi, ngươi giết ngài, suýt nữa ta cũng bị ngươi hại chết. Theo lẽ ta dù phanh thay ngươi ra muôn mảnh cũng không đủ giải mối hận trong lòng! Nhưng hôm nay ta không muốn ngươi chết nhanh, máu của ngươi cũng không đáng làm nhơ dưới đao của ta, ta sẽ để cho Hoàng đế của ngươi giết ngươi, thế mới khiến cho người trong thiên hạ khoái trá”. Niên Canh Nghiêu nói: “Vậy ngươi làm gì?” Ấn Hoằng nói: “Một là đến xem oai phong của đại tướng quân nhà ngươi hôm nay, hai là ta muốn hỏi ngươi, năm xưa tờ giấy mà Dận Trinh cầm trong chùa có phải là thật không?” Niên Canh Nghiêu nói: “Là giả đấy, thế nào? Chính ta đã bắt chước nét chữ của Bản Không đại sư, khiến Thiếu Lâm các người mãi mãi có một phản đồ không thể nào tiêu diệt được, trở thành một trò cười cho võ lâm”. Ấn Hoằng nói: “Hay lắm, hôm nay ngươi đã nói thật”. Niên Canh Nghiêu lộ nụ cười gian xảo, nói: “Chùa Thiếu Lâm các người biết thì thế nào? Chùa Thiếu Lâm các người có thể làm gì Hoàng thượng?” lúc này y chịu nói thực là vì đã căm hận Ung Chính, cố ý dùng lời khích bác, muốn tăng nhân chùa Thiếu Lâm ám sát Ung Chính.

Ấn Hoằng nói: “Được, hôm nay ta không giết ngươi, nhưng sẽ để dấu ấn trên người ngươi”. Rồi tung người bước tới, hai tay xỉa thẳng vào mắt của Niên Canh Nghiêu, Niên Canh Nghiêu đánh một đòn Thiết môn thiểm hóa giải thế đánh của ông ta. Ấn Hoằng nói: “Ngươi còn dám dùng thủ pháp của chùa Thiếu Lâm đối phó với ta?” Trần Nguyên Bá trong Quan Đông tứ hiệp kêu: “Theo ta thấy, hãy giết y cho xong, Ấn Hoằng sư huynh, để tôi dùng thủ pháp phân thân thác cốt thu thập y!” rồi không đợi trả lời đã vung tay chụp vào xương tỳ bà của Niên Canh Nghiêu!

Huyền Phong đạo trưởng kêu: “Cẩn thận!” chợt nghe bốp một tiếng, một mũi xà diệm tiễn bay tới, nổ trên đầu Trần Nguyên Bá, Trần Nguyên Bá lộn người xuống đất, suýt nữa té xuống tường thành, chỉ nghe có người kêu ha hả: “Thánh thượng minh xét muôn dặm, quả nhiên có di nghiệt của chùa Thiếu Lâm cùng đồng đảng đến đây, các ngươi tìm Niên Canh Nghiêu trả thù, chúng ta cũng sẽ giăng lưới mời ngươi vào chum!” kẻ lên tiếng chính là Hàn Trọng Sơn, còn Thiên Diệp Tản Nhân đang chặn Huyền Phong!

Huyền Phong gầm lớn một tiếng, đường kiếm vẫy ra, cây gậy sắt quét một cái, hai tay cầm hai món binh khí đồng thời đánh ra, Thiên Diệp Tản Nhân xoay người, đánh vù vù hai chưởng, khiến Huyền Phong chấn động, Lang Nguyệt thiền sư hớp một ngụm rượu lớn trong hồ lô, phun rượu ra thành vòi nhưng bị chưởng phong quét bay tứ tán. Hàn Trọng Sơn phất tay, phóng ra hai món ám khí, một món là hồi hoàn câu đánh về phía Liễu Tiên Khai, một món là thiết liên tử phóng vào huyệt đạo của Trần Nguyên Bá, Liễu Tiên Khai phóng người né tránh liên tục mấy lần, nhưng hồi hoàn câu có thể bay ngược trở về, Liễu Tiên Khai cũng không phá được móm ám khí này. Trần Nguyên Bá kinh kông kém hơn, bị thiết liên tử đánh trúng, may mà ông ta mình đầu da sắt, tuy huyệt đạo cảm thấy đau nhưng chẳng hề gì.

Bọn Hàn Trọng Sơn có võ công cao hơn Quan Đông tứ hiệp nhiều, Quan Đông tứ hiệp có Huyền Phong chặn chiêu số của bọn họ, ba người còn lại chẳng sáp đến gần được. Ấn Hoằng kêu: “Những điều chúng ta muốn hỏi đã hỏi xong, cần gì phải giằng co nữa, chi bằng đi thôi!” Huyền Phong đánh ra mấy kiếm, hiểm hộ cho đồng bọn rút lui, Trần Nguyên Bá nhảy xuống thành, Lang Nguyệt thiền sư phun ra hai vòi rượu, nhảy theo Ấn Hoằng, Huyền Phong đánh một chiêu Cử Hỏa Thi Thiên, cây gậy hất lên, chặn cây tị vân trợ của Hàn Trọng Sơn rồi tung mình nhảy xuống. Thiên Diệp Tản Nhân phóng vọt người lên, dùng thủ pháp cơ ưng phóc thố, vung tay chụp tới, chợt nghe trên đỉnh đầu kêu vèo một tiếng, Thiên Diệp Tản Nhân vội vàng lộn ngược trở lại, chợt nghe tiếng cười ha hả, Liễu Tiên Khai lướt qua đầu y phóng xuống tường thành.

Thiên Diệp Tản Nhân kêu: “Đuổi theo!” rồi cùng Hàn Trọng Sơn nhảy xuống, chỉ trong khoảnh khắc, hai bên đã đi xa. Xa Tịch Tà lại từ xó tối chui ra, Niên Canh Nghiêu nói: “Hoàng thượng căm giận di nghiệt của Thiếu Lâm, tại sao ngươi không nhân lúc này mà lập công?” Xa Tịch Tà cười lạnh nói: “Ta còn phải canh ngươi nữa chứ!”

Niên Canh Nghiêu nhíu mày nói: “Đa tạ tấm chân tình!” rồi chợt làm ra vẻ trầm tư, một lúc sau mới chậm rãi nói: “Tịch Tà, ta có một việc muốn thương lượng cùng ngươi”. Xa Tịch Tà nói: “Ngươi muốn ta thả ngươi? Trong thiên hạ này đã không có chỗ cho ngươi dung thân nữa. Ngươi đừng nói thì hơn”. Niên Canh Nghiêu nói: “Ta nào làm khó ngươi. Ta nói thật cho ngươi biết, ta có một báu vật quý giá muốn tặng cho ngươi”. Xa Tịch Tà cười lạnh nói: “Ngươi mà cũng có lòng tốt như thế sao? Ta có ơn gì đối với ngươi? Ngươi làm sao chịu tặng báu vật cho ta?” Niên Canh Nghiêu nói: “Ta không tặng suông cho ngươi. Thật không dám giấu, ta liệu rằng sẽ có ngày hôm nay cho nên đã gửi tiểu nhi cho một người bằng hữu, ta sớm muộn gì cũng chết, gia sản chắc chắn sẽ chẳng còn, sau này tiểu nhi lấy gì mà sống? Cho nên ta muốn dùng báu vật liên thành tặng cho ngươi, mong ngươi bán ra sau đó đưa một nửa cho người bằng hữu của ta để tiểu nhi ngày sau được no ấm”.

Xa Tịch Tà giật mình, thầm nhủ: “Khi mình ra khỏi kinh, Hoàng thượng đã tịch thu gia sản của Niên Canh Nghiêu, lúc đó không thấy con trai của y, Hoàng thượng nói diệt cỏ tận gốc, lại còn bảo mình âm thầm điều tra. Chắc là Niên Canh Nghiêu đang nói thực. Chi bằng mình cứ giả vờ chấp nhận, lừa y nói ra chỗ để bảo vật, há chẳng phải sẽ lập công cho Hoàng thượng lại vừa có được báu vật hiếm có hay sao”. Thế rồi mới nói: “Chuyện nhỏ này Xa mỗ có thể làm chủ”. Niên Canh Nghiêu nói: “Thật không?” Xa Tịch Tà nói: “Không hại cho người mà có lợi cho mình, dại gì không làm? Ngươi cứ nói chỗ của người bằng hữu ấy ra”. Niên Canh Nghiêu nói: “Ngươi nói như thế ta đã tin, nhưng tai vách mạch rừng, báu vật lại không thể để lộ, ngươi kề tai đến đây!” Xa Tịch Tà quả nhiên bước đến gần Niên Canh Nghiêu, nghiêng tai lắng nghe. Không ngờ Niên Canh Nghiêu trở tay chụp một cái, thi triển thủ pháp của phái Vô Cực chụp mạch môn của y, Xa Tịch Tà toàn thân vô lực, Niên Canh Nghiêu mắng: “Tên khốn kiếp này dám bức hiếp ta! Ta phạm mười tám tội lớn, có phạm thêm một tội nữa cũng chẳng hề chi”. Rồi vung tay xỉa vào be sườn của Xa Tịch Tà, điểm vào tử huyệt của y, Xa Tịch Tà kêu thảm một tiếng rồi đứt hơi.


Niên Canh Nghiêu cười lạnh, chỉ nghe tiếng trống canh vang lên, lúc này đã đến canh bốn, xung quanh yên tĩnh đến rợn người, thầm nhủ: “Đêm nay có nhiều kẻ thù đến, chắc là lão binh ấy đã sợ đến chết rồi! Tại sao không nghe tiếng của lão? Hôm nay chỉ có một tàn binh già yếu chấp nhận theo mình, coi như là mình đã xui xẻo!” định lên tiếng gọi, nhìn thấy cái xác của Xa Tịch Tà nằm vắt ngang trên tường thành, mắt cứ mở trừng trừng trông gớm chết, Niên Canh Nghiêu tung cước đá xuống tường thành, chợt nghe bên tai có tiếng: “A di đà Phật”, Niên Canh Nghiêu mở mắt ra nhìn thì sợ đến nỗi hồn bay phách tán, té ra đó là giám tự trước kia của chùa Thiếu Lâm, nay là chủ trì của chùa Thiếu Lâm, Hoằng Pháp đại sư! Hoằng Pháp đại sư cùng vai vế với Thiếu Lâm tam lão, ghét ác như thù, Niên Canh Nghiêu thầm nhủ: “Thiếu Lâm tam lão lần lượt qua đời, nay Hoàng Pháp chủ trì, y nhất định sẽ dùng gia pháp Thiếu Lâm trừng trị mình”. Y nhớ đến thuật phân thân thoát cốt, bế huyệt thương tàn của chùa Thiếu Lâm, những thủ pháp này còn đau khổ hơn cả tùng xẻo giết mổ, bất giác lạnh người!

Hoằng Pháp đại sư nhìn Niên Canh Nghiêu hỏi: “Niên đại tướng quân, ngươi có còn nhận ra lão nạp hay không?” Niên Canh Nghiêu nói: “Đệ tử biết tội!” Hoàng Pháp gằng giọng nói: “Ai là sư tôn của ngươi? Ngươi là đệ tử của ai? Chùa Thiếu Lâm không để cho ngươi làm nhơ bẩn, phái Vô Cực cũng không nhận một tên phản đồ như ngươi!” Niên Canh Nghiêu cúi đầu nói: “Mong đại sư từ bi ban cho tôi được toàn thây!” Hoằng Pháp đại sư mặt lạnh như băng, trầm giọng nói: “Triều đình của ngươi đã có hình phạt, cần gì lão nạp phải ra tay. Ta đến gặp ngươi là vì có hai việc, ngươi hãy nghe đây, việc thứ nhất là Thiếu Lâm tam lão từng truyền võ công cho ngươi, coi như đã gián tiếp giúp ngươi làm ác, đó là lỗi của chùa Thiếu Lâm, lão nạp đến đây chuộc tội cho chủ trì tiền nhiệm, thu lại võ công của ngươi”. Nói đến đó, đột nhiên vung tay vỗ vào đầu của Niên Canh Nghiêu, Niên Canh Nghiêu võ công cao hơn nữa cũng chẳng tránh được, bị ông ta vỗ một cái, chỉ thấy trời xoay đất chuyển, một lúc sau mới tỉnh dậy, tứ chi bủn rủn yếu ớt. Hoằng Pháp đại sư thở dài nói: “Nay thu lại võ công của ngươi đã muộn, nhưng coi như cũng đã kết thúc một công án, giữ quy củ muôn đời cho chùa Thiếu Lâm”.

Hoằng Pháp đại sư ngừng một lúc rồi lại nói: “Ngoại trừ việc này, ta còn phải thanh lý môn hộ cho phái Vô Cực. Chuyện này lẽ ra Dịch lão tiền bối của phái Thiên Sơn sẽ làm, nhưng người không rãnh đến Trung Nguyên, đã sai người báo với lão nạp, nhờ lão nạp làm giúp”. Nói đến đó, hai hàng chân mày dựng lên, gằng giọng quát: “Chung Vạn Đường dốc hết tâm huyết, dạy ngươi thành tài, tại sao ngươi dẫn Tát thị song ma đến hại chết ông ta? Hành vi như ngươi có còn dung thứ được hay không?” Niên Canh Nghiêu đã biết Hoằng Pháp đại sư không chịu ra tay giết mình, cho nên đánh liều im lặng. Hoằng Pháp đại sư tiếp tục nói: “Nhớ năm xưa PhóThanh Chủ lão tiên sinh lập ra phái Vô Cực biết bao gian nan, không ngờ dạy ra được một tên phản đồ như ngươi, suýt nữa phái Vô Cực đã tiêu tan vì ngươi. May mà phái Vô Cực còn có một truyền nhân, nếu không Phó Thanh Chủ và Chung Vạn Đường đều chết không nhắm mắt”. Niên Canh Nghiêu chợt hỏi: “Phái Vô Cực còn có truyền nhân nào?” Hoàng Pháp nói: “Ngươi không cần hỏi, ta được Dịch lão tiền bối nhờ đến nói cho ngươi biết, ta và Dịch lão tiền bối đã thông cáo võ lâm đồng đạo, thay phái Vô Cực thanh lý môn hộ, truyền người khác, đuổi ngươi ra khỏi sư môn!” Niên Canh Nghiêu thản nhiên nói: “Nay mạng ta còn không giữ nỗi, muốn tranh chấp cái gì nữa?” Hoằng Pháp đại sư lắc đầu, tức giận nói: “Nghiệt súc, nghiệt súc, đến chết mà không hối cãi!” rồi rút xoạt thanh đao, Niên Canh Nghiêu thất kinh, nhưng chỉ cảm thấy ánh hàng quang lóe lên, đao không vun vút, thanh đao cứ chém loang loáng trước mặt mình, chỉ nghe Hoằng Pháp đại sư nói bên tai: “Chẳng biết liêm sĩ, hổ làm kẻ tu mi, chỉ trừng phạt nhẹ để cảnh cáo”. Đao phong dừng lại, khi Niên Canh Nghiêu mở mắt ra nhìn thì Hoằng Pháp đại sư đã biến mất.

Niên Canh Nghiêu đưa tay sờ, chỉ thấy nhẵn thín, té ra râu ria và chân mày đều bị cạo sạch. Niên Canh Nghiêu bình sinh chưa bao giờ bị nhục thế này, bất giác vung quyền mắng: “Lão tặc Hoàng Pháp làm nhục ta quá thể!” vừa đánh ra đã thấy đuối sức, rồi bất giác thở dài, tiu nghỉu ngồi xuống đất.

Lúc này đã đến canh năm, trời hửng sáng, Niên Canh Nghiêu khẽ ho mấy tiếng kêu: “Vương lão tam, Vương lão tam!” Vương lão tam là tên của người lính già ấy, gọi mấy tiếng mà chẳng nghe trả lời, đang lấy làm lạ, chợt thấy người lính già từ hành lâu bước ra, tay cầm ngọn đèn lồng.

Niên Canh Nghiêu nói: “Vương lão tam, ngươi làm sao thế?” người lính già vái Niên Canh Nghiêu một cái rồi buồn bã nói: “Xin thứ cho lão binh vô dụng này không thể hầu hạ ngài nữa!” Niên Canh Nghiêu biết ông ta đã nghe những lời mình vừa nói Phương Kim Minh, vội vàng nói: “Lão tam, ông đừng đa tâm...” Vương lão tam cắt lời: “Đừng nói nữa, hôm nay tôi đã hiểu tất cả mọi thứ! Tiểu Niên, uổng cho ta trông ngươi từ nhỏ đến lớn, nhưng chưa bao giờ biết ngươi là một kẻ vong ân phụ nghĩa như thế này! Suốt đời lão chủ nhân chưa bao giờ làm chuyện gì ác, sao lại bị báo ứng thế này, sinh ra một đứa nghịch tử bại gia diệt tộc. Ta thật đau lòng cho tổ tiên nhà họ Niên!” lão binh ấy nói rất xúc động, Niên Canh Nghiêu giận đến nỗi mặt tái xanh, suýt nữa đã đánh chết ông ta, nhưng nghĩ lại lão binh này cũng biết vài đường quyền cước mà võ công của mình bây giờ đã mất, vừa mới vung quyền lên thì thu về.

Người lão binh lại thở dài, nước mắt rơi lả chả, nói: “Ta đã hầu hạ cha ngươi nhiều năm, lại cũng từng hầu hạ ngươi, theo ngươi trường chinh muôn dặm, vào sinh ra tử, chưa bao giờ được thăng quan, chưa bao giờ được phát tài, coi như cũng đã hết tình với nhà họ Niên. Hôm nay xin cáo từ!” nói xong thì vái Niên Canh Nghiêu đến sát đất, rồi bước xuống bậc cấp, đi được mấy bước chợt quay đầu lại nói: “Quần áo hôm qua của ngươi ta đã giặt sạch sẽ phơi khô, ngươi hãy tự thu lấy, cơm sáng ta đã chuẩn bị xong, từ rày về sau ngươi hãy tự học làm lấy, lão bọc vô dụng này xin cáo từ!” rồi bước xuống từng bước, không lâu sau đã mất dạng trong áng bình minh.

Niên Canh Nghiêu đứng sửng ra như trời trồng, trán tuôn đầy mồ hôi, lúc này mới thực sự nếm được mùi vị bơ vơ trơ trọi, chỉ cảm thấy trời đất tuy rộng lớn nhưng cũng chẳng có chỗ nào cho mình dung thân, biển người mênh mông nhưng cũng không còn một người thân, lại nghĩ từ rày về sau mình phải làm những chuyện nấu cơm giặt giũ, càng cảm thấy đúng là anh hùng mạc lộ.

Niên Canh Nghiêu bước vào thành lâu, quả nhiên thấy có nồi cơm nóng, lúc này mới phát giác mình đã đói đến mềm ruột, thế là ngồi ăn hết nồi cơm, thử vận động tứ chi, biết võ công của mình tuy đã mất nhưng vẫn còn sức lực như người bình thường, nhìn mấy hòn đá kê làm bếp lò cười khổ một hồi, lẩm bẩm nói: “Còn may, nếu cả sức nấu cơm cũng không có há chẳng càng hỏng bét sao?” Niên Canh Nghiêu chưa bao giờ biết nấu một nồi cơm, bởi vậy rất rầu rĩ.

Lúc này trời đã sáng, lại phải xuống canh cửa thành. Niên Canh Nghiêu bước ra thành lâu, mới ngày hôm qua vẫn còn người lính già đi cùng, sáng nay chỉ còn một mình, càng cảm thấy thê lương cô tịch, bao nhiêu chuyện đã làm hiện qua trong đầu, ý niệm hối hận bất giác nảy sinh, nhưng trong nhất thời lại bị tâm trạng phẫn hận thay thế, y hận không hủy diệt được cả vũ trụ này cùng với mình.

Niên Canh Nghiêu bước xuống tường thành, mở cửa thành, gió buổi sáng phả vào mặt, chợt vang lên một tràng cười trong trẻo, chỉ thấy một nàng thiếu nữ đứng ngoài cửa thành, Niên Canh Nghiêu mở cửa thành, nàng liền nói: “Niên đại tướng quân, xin chào!”

Niên Canh Nghiêu thất kinh, trong khoảng sát na ấy y cứ ngỡ mình nằm mơ, y dụi mắt, quả nhiên đó là Phùng Lâm. Niên Canh Nghiêu nhếch mép cười rồi phẫn nộ nói: “Phùng Lâm, ngươi đến đây là để mỉa mai ta?”

Hai năm qua Phùng Lâm và Lý Trị đến Tứ Xuyên, trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, liên lạc được với một số người, sau đó nghe nói Niên Canh Nghiêu đã thất thế, hai người mới quay về tìm Lữ Tứ Nương. Giữa đường nghe Niên Canh Nghiêu bị giáng đến mười tám cấp, lại bị đẩy đến Hàng Châu làm lính giữ cửa thành, lúc này Phùng Lâm tuy đã hai mươi tuổi nhưng vẫn còn tánh trẻ con, nhớ lại chuyện lúc nhỏ cùng Niên Canh Nghiêu chơi đùa, Niên Canh Nghiêu lại lừa gạt nàng, tặng nàng cho Ung Chính. Thế là nàng đến Hàng Châu xem thử Niên Canh Nghiêu có đúng đã trở thành tên lính giữ cửa thành hay không. Lý Trị không cản được nàng, chỉ đành đứng bên ngoài cửa canh chừng cho nàng.

Chính là:

Ân oán tự trôi theo dòng nước biếc, hôm nay gặp lại đã khác xa.

Muốn biết sau đó thế nào, mời sang hồi sau sẽ rõ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui