Cuộc ác đấu trong trường dừng lại, người của Thiết Phiến bang nghe Cam Phụng Trì quát một tiếng, nhất tề đều buông tay, chỉ nghe Cam Phụng Trì nói: “Các người đều là kẻ nghèo khổ, buôn bán ở chốn bạch đạo, cướp của bất nghĩa, Cam mỗ này không ngăn cản, nhưng bị triều đình lợi dụng, Cam mỗ này quyết không tha. Nếu là kẻ hiểu lý lẽ phải suy nghĩ lại cho kỹ”. Người của Thiết Phiến bang một nửa là sợ oai thế của Giang Nam đại hiệp, một nửa là thấy thế lớn đã mất, vội vàng nói: “Xin nghe lệnh Cam đại hiệp!”
Cam Phụng Trì tung cước đá một cái, Thượng Phúc Sơ phun ra một ngụm máu tươi té phịch xuống đất, Cam Phụng Trì nói: “Tuy Thượng Phúc Sơ nhà ngươi có dã tâm, nhưng vẫn chưa làm điều đại ác, nếu ngươi chịu cải tà qui chính, ta có thể tha cho ngươi một mạng”. Thượng Phúc Sơ lúc này làm sao dám nói nửa chữ không.
Cam Phụng Trì nói: “Ngươi muốn ta tha mạng, thứ nhất từ rày về sau không được gây náo loạn trên giang hồ”. Thượng Phúc Sơ vội vàng nói: “Xin nghe theo! Từ nay tôi xin giải tán bổn bang, dắt con về quê làm ruộng, đóng cửa phong đao, rửa tay gác kiếm!” Cam Phụng Trì nói: “Thứ hai, những tiền tài ngươi tích góp được phải trao cho ta xử trí, trừ những thứ trên người của ngươi, không được đem theo một đồng nào ra cửa”. Thượng Phúc Sơ tích góp mười năm, gia tài đâu chỉ trăm vạn, nghe Cam Phụng Trì nói không cho đem một đồng ra cửa, trong lòng rất đau đớn nhưng cũng chẳng còn cách nào, chỉ đành nói: “Tiền tài là vật ngoài thân, Cam đại hiệp cứ việc lấy hết cũng được”.
Cam Phụng Trì cười nói: “Ta cũng không cần lấy của ngươi”. Rồi bảo Thượng Phúc Sơ và người giữ chìa khóa tiền trong Thiết Phiến bang đem hết kim ngân châu báu ra, chàng ta giữ châu báu lại, chia tiền bạc cho các bang chúng, bận rộn nửa ngày mới giải quyết xong, Cam Phụng Trì quát: “Được, nhà ngươi có thể đi đi! Từ rày về sau đừng để ta gặp ngươi trên giang hồ!” Thượng Phúc Sơ thở phào, vội vàng dắt con ôm đầu co giò chạy ra khỏi thôn.
Lữ Tứ Nương nói: “Chúng ta gây náo loạn ở đây, lại thả bọn chúng ra, chỉ e chúng tụ tập đồng đảng tới, hoặc cấu kết với quan binh đến vây bắt chúng ta thì hỏng!” Cam Phụng Trì cười nói: “Không cần phải lo, xuất binh từ huyện thành ít nhất cũng phải hai ngày mới đến được đây, Ngư Xác muốn phái người đi cũng không dễ. Huống chi thôn trang này nằm giữa thung lũng, lại hiểm trở khó đi!”
Lữ Tứ Nương nghĩ bụng thấy cũng có lý, bảo: “Thất cả giỏi suy đoán, tiểu muội sánh không bằng”. Cam Phụng Trì nói: “Cẩn thận suy xét vẫn hơn”. Lúc này trời đã tối, Cam Phụng Trì gọi tất cả những nô bọc trong nhà họ Thượng ra, bày hai bàn tiệc, rồi chàng đưa mắt nhìn xung quanh mà chẳng thấy Bạch Thái Quan. Cam Phụng Trì nói: “Ngũ ca đâu?” Lữ Tứ Nương cười nói: “Lúc nãy muội thấy ngũ ca cùng Ngư Nương thì thầm tâm sự sau hòn non bộ, chắc là cũng vì trùng phùng, cả cơm cũng quên ăn”. Cam Phụng Trì cười nói: “Muội gọi họ đến đây!” Lữ Tứ Nương vâng một tiếng, đang định bước ra, Cam Phụng Trì lại cười: “Ám hiệu của bổn môn trên những hòn đá chắc là do Ngư Nương viết. Ngũ ca cũng thật là, sao lại cho người ngoài biết ám hiệu của bổn môn”. Lữ Tứ Nương nói: “Ngư Nương cũng không còn là người ngoài nữa”. Cam Phụng Trì nói: “Tuy họ đã là phu thê nhưng Ngư Nương không phải là người trong bổn môn, ngũ ca làm thế cũng không ổn lắm”. Lữ Tứ Nương nói: “Khi gặp ngũ ca, muội sẽ khuyên”. Cam Phụng Trì gật đầu. Số là Bạch Thái Quan tính tình phóng khoáng, thường không để ý đến những chuyện này. Tuy kiếm pháp của Độc tý thần ni rất độc đáo nhưng vẫn chưa khai tông lập phái, nên không có Chưởng môn. Cam Phụng Trì là sư đệ, lại không tiện nói chàng, chỉ đành thầm bảo Lữ Tứ Nương khuyên răn. Lữ Tứ Nương là con gái của bậc danh nho, võ công cực kỳ cao cường, tính tình cũng dễ gần gũi, Bạch Thái Quan lại thân thiết với nàng hơn.
Cam Phụng Trì bận rộn cả ngày, lúc này mới rảnh rỗi gặp gỡ Quan Đông tứ hiệp, Tháp Dực Thần Sư. Chàng thấy Đường Hiểu Lan đứng bên cạnh Dương Trọng Anh, nói với Dương Trọng Anh rằng: “Dương anh hùng có còn hiểu nhầm lệnh đồ hay không?” Dương Trọng Anh khẽ gật đầu, ôm quyền đáp tạ. Té ra Đường Hiểu Lan đã kể hết mọi việc, Dương Trọng Anh không ngờ rằng thân thế của chàng phức tạp đến thế, ông ta vốn rất thương yêu chàng, chỉ vì hiểu lầm chàng phản sư bội nghĩa nên mới đòi giết chàng. Nay đã được giải thích, bao nhiêu nỗi hiểu lầm tan biến, bất đồ vuốt tóc chàng nói: “Thật thiệt thòi cho con!” Đường Hiểu Lan nói: “Điều đó cũng chẳng trách sư phụ”.
Trâu Tích Cửu sau mấy năm rèn luyện, đã hiểu biết chuyện đời, thấy Dương Trọng Anh và Đường Hiểu Lan thân như cha con, tình yêu đối với Dương Liễu Thanh vốn đã nhạt nhòa, nay chẳng còn chút gì. Chàng bước đến đáp tạ Đường Hiểu Lan, Dương Trọng Anh thấy thế cả mừng, cùng Cam Phụng Trì chạm cốc.
Dương Trọng Anh uống mấy chén, vuốt râu nói: “Nghe nói Hiểu Lan sắp theo các người vào kinh?” Cam Phụng Trì nói: “Đúng thế!” Dương Trọng Anh nói: “Tôi muốn dắt hắn về nhà một chuyến”. Cam Phụng Trì cười nói: “Chúng tôi cùng đi đến đây, vốn là muốn tìm lão anh hùng giải thích, nay đã gặp mặt nhau, không còn hiểu lầm nữa chúng tôi cũng hết chuyện. Y nên về hầu hạ ngài”.
Khi họ đang trò chuyện, Lữ Tứ Nương và Bạch Thái Quan cùng Ngư Nương từ hòn giả sơn chạy vội ra. Lữ Tứ Nương kêu lớn: “Thất ca, đã tìm ra tung tích của Lộ sư huynh!”
“Lộ sư huynh ở đâu?” Lữ Tứ Nương nói: “Hôm Lộ sư huynh bị bắt, cũng có Ngư muội ở đấy”.
Ngư Nương đi bên cạnh Bạch Thái Quan, mặt đỏ ửng, nói: “Hôm ấy sau khi Lữ Tứ Nương và Bạch Thái Quan đại náo đảo Điền Hoành, cha tôi canh giữ tôi rất nghiêm ngặt, tôi giả vờ thuận theo ý của người, được mấy năm cha tôi bớt nghiêm ngặt hơn nhưng vẫn không có cơ hội nào chạy được. Cho đến tháng trước, cha tôi theo lời mời của Độc Long Tôn Giả đến một hòn đảo nhỏ ở cửa Lữ Thuận”. Nói đến đây Cam Phụng Trì kêu ồ một tiếng: “Độc Long Tôn Giả suốt đời ở Xà đảo, chưa bao giờ ra ngoài, làm sao lại hẹn với lệnh tôn?” Ngư Nương nói: “Tôi cũng không biết!” Lữ Tứ Nương nói: “Độc Long Tôn Giả danh tiếng lẫy lừng, không biết võ công thế nào?” Cam Phụng Trì nói: “Huynh chỉ biết y và Tát thị song ma rất thân thiết, còn võ công thế nào thì chẳng ai rõ”.
Ngư Nương tiếp tục nói: “Sau khi cha rời nhà, nhân lúc mọi người để ý, đến tối muội đã đánh cắp một chiếc thuyền rồi bỏ chạy. Trên thuyền có nhiều thực phẩm, muội lại giỏi thủy tính, hôm ấy thủy triều lớn, muội liệu rằng khi họ phát giác, muội đã ra biển đến mấy chục dặm, họ cũng đuổi theo không kịp”. Nàng nói xong thì bật cười khúc khích. Cam Phụng Trì cũng cảm thấy nàng và Bạch Thái Quan thương yêu nhau thật lòng, khen rằng: “Cô nương có dũng khí thật khiến cho người ta khâm phục”. Ngư Nương cười nói: “Cũng không sao cả. Chỉ là ngày nào cũng phải ăn cá, thật đơn điệu”. Nàng ngập ngừng rồi nói tiếp: “Trước đây nghe Thái Quan nói, Lộ tam ca ở vùng Tiêu Sơn ven biển Triết Giang thế là muội lái thuyền về hướng ấy”. Cam Phụng Trì nói: “Năm sáu năm trước, tôi và Lộ sư ca cùng bát muội đã từng đánh với Ngự lâm quân một trận để cứu Thẩm tiên sinh, sau đó tôi đưa bát muội đến dãy Tiên Hà, Lộ sư huynh đã chạy đến Quan Đông, có lẽ cô nương không biết chuyện này”. Lữ Tứ Nương nói: “Nàng đương nhiên không biết, nhưng sự việc thật trùng hợp, khi nàng đến Tiêu Sơn, vừa khéo Lộ sư huynh cũng lén quay về”.
Ngư Nương nói tiếp: “Giả sử muội biết chuyện này, muội đã không ngốc như thế, muội đến Tiêu Sơn, hỏi nhà họ Lộ, mọi người đều không dám nói, đang đi hỏi chợt một toán quân binh cùng một thiếu nữ bước tới hỏi: ‘Cô nương tìm Lộ Dân Đảm làm gì? Cô nương là người thế nào với y?’ muội thấy nàng ta không tốt, định bỏ chạy, nàng thiếu nữ này võ công rất cao, từ trên lưng ngựa đã phóng vọt xuống, chặn trước mặt muội. Muội đấu được vài ba mươi chiêu mới chiếm được thượng phong” Lữ Tứ Nương nói: “Có phải thiếu nữ ấy mặt trái xoan, chân mày rất dài, trông rất vô tư hay không?” Ngư Nương nói: “Đúng thế”. Lữ Tứ Nương ngạc nhiên nói: “Đó chính là con gái của Triết Giang tuần phủ Lý Vệ, tên gọi Lý Minh Châu. Nàng vốn không biết võ công mà sao chỉ trong vòng năm sáu năm mà có bản lĩnh cao cường đến thế?” Ngư Nương nói tiếp: “Muội vừa chiếm được thượng phong, đột nhiên có một thiếu phụ áo xanh trong đám quan binh phóng ra, chỉ đánh vài ba chiêu đã cướp binh khí của muội”. Lữ Tứ Nương hỏi: “Có phải thiếu phụ áo xanh là bà già tóc bạc phơ canh giữ cô nương hay không?” Ngư Nương nói: “Không phải. Song họ cùng một bọn”. Cam Phụng Trì nghe thế, trầm ngâm không nói. Chàng thầm nhủ với võ công của Ngư Nương, mình cũng chưa chắc trong vòng hai ba chiêu đã đoạt được binh khí của nàng, không biết thiếu phụ áo xanh đó là ai?
Lữ Tứ Nương hỏi: “Cô nương làm sao biết họ cùng một bọn?” Ngư Nương tiếp tục nói: “Sau khi thiếu phụ áo xanh bắt muội, đã treo muội lên một gốc liễu đối diện nhà họ Lộ, dùng roi đánh đập, chỉ mới đánh một roi, đột nhiên có một người phóng vọt ra, cao giọng nói: ‘Lộ Dân Đảm ở đây, các người muốn bắt cứ bắt, không liên quan gì đến kẻ vô tội!” thiếu phụ áo xanh cười hền hệt nói: ‘Hay lắm, ngươi đã tự chui vào lưới!’ rồi phóng vọt lên, chỉ khoảng mười chiêu đã bắt được Lộ sư huynh. Thiếu phụ áo xanh cầm roi quát: ‘Ả là người thế nào của ngươi?’ Lộ sư huynh nói: “Tôi chưa bao giờ gặp nàng’ thiếu phụ áo xanh nói: ‘Tại sao nàng tìm ngươi?’ Lộ sư huynh cùng mở mắt chằm chằm nhìn muội! Muội bị Lộ sư huynh nhìn đến đỏ mặt, trong tình hình như thế, muội không thể nói ra quan hệ với Thái Quan”. Lữ Tứ Nương bật cười, Ngư Nương giận dỗi nói: “Người ta đang e thẹn, tỷ tỷ lại cười”. Rồi nói tiếp: “Sau đó Lý Minh Châu đưa muội và Lộ sư huynh đến phủ nha, thiếu phụ áo xanh nói: ‘Kêu người Thiết Phiến bang đến nhận mặt thử, bọn chúng thường đi lại trên giang hồ, có lẽ biết lai lịch ả nha đầu này’. Hôm sau bà già ấy cũng đến đây, muội không biết bà ta, nhưng bà ta lại nhận ra muội, vừa gặp mặt đã nói tên của muội, thiếu phụ áo xanh lập tức thay đổi thái độ, cởi trói cho muội, giao muội cho bà già dắt đến Thiết Phiến bang”.
Cam Phụng Trì nghe xong, nói: “Bát muội đoán không sai, tam ca quả nhiên bị nhốt trong phủ nha Triết Giang. Chúng ta không cần đến quê của tam ca nữa”.
Hôm sau quần hùng chia tay nhau. Dương Trọng Anh cùng Đường Hiểu Lan về Sơn Đông. Quan Đông tứ hiệp cùng cha con Tháp Dực Thần Sư nhận lời mời của Dương Trọng Anh, cùng đến Sơn Đông. Khi chia tay nhau, Cam Phụng Trì chợt nói: “Mong Dương lão anh hùng cùng Quan Đông tứ hiệp giúp chúng tôi một việc nhỏ”. Dương Trọng Anh nói: “Xin Cam đại hiệp cứ căn dặn”. Cam Phụng Trì nói: “Chúng tôi không tiện mang theo châu báu của Thiết Phiến bang, xin các vị giữ hộ rồi dùng, hành hiệp trượng nghĩa đôi khi cũng phải dùng tiền”. Dương Trọng Anh mỉm cười chấp nhận.
Đường Hiểu Lan từ giã Lữ Tứ Nương, trong lòng rất rầu rĩ. Chàng tuy đã không còn tạp niệm đối với Lữ Tứ Nương nữa nhưng ơn sâu nghĩa trọng, rốt cuộc vẫn quyến luyến. Nhất là khi nhớ đến Dương Liễu Thanh, chàng cảm thấy Lữ Tứ Nương đáng yêu đáng kính. Dương Trọng Anh đã thấy điều đó, vội vàng thúc giục Đường Hiểu Lan đi cho mau.
Sau khi bọn Dương Trọng Anh kéo đi, bọn Cam Phụng Trì cũng thu xếp hành lý đến Hàng Châu. Tới ngày thứ ba họ đến Hàng Châu trú ngụ tại nhà trọ ở ven hồ, bàn nhau nửa đêm sẽ dò thám phủ nha. Lúc này trời vẫn còn sớm, bốn người thuê một con thuyền nhỏ, mặt hồ phẳng lặng như gương, cá lội tung tăng, chèo thuyền được một lát chợt thấy có ba tòa tháp cao vút in bóng xuống mặt hồ. Bên cạnh tòa tháp là một hòn đảo nhỏ, trên đảo hoa cỏ xanh tươi, lầu đài thấp thoáng. Ngư Nương vui mừng nói: “Nơi đây thật đẹp!” Lữ Tứ Nương cười rằng: “Đây là nơi đẹp nhất ở Tây Hồ tên gọi Tam Đàm Ấn Nguyệt, trong hồ có hồ, trong đảo có đảo, viên lâm đẹp nổi tiếng miền Đông Nam, nghe nói là do Tô Đông Pha xây dựng nên”. Thế là bốn người bỏ thuyền lên bờ, đi qua cây cầu chín khúc, Lữ Tứ Nương chợt chỉ tay nói: “Ở nơi phong cảnh tuyệt đẹp không thiếu người nhàn nhã. Chúng ta hãy nhìn thiếu niên kia!”
Ngư Nương đưa mắt nhìn xa xa, chỉ thấy trên mặt hồ có chiếc thuyền họa từ xa trôi đến, trên thuyền có một người tuổi khoảng ba mươi, mặt như quán ngọc, dung mạo tựa phan an. Trong thuyền có một bà già, trên bàn có bình trà xanh, một cây đàn giao, chàng thiếu niên vừa gãy đàn vừa hát, tiếng hát lan trên mặt hồ nghe du dương rất vui tai. Bạch Thái Quan cũng khen: “Người này thật bất tục”.
Tam Đàm Ấn Nguyệt là một hòn đảo nhỏ ở Tây Hồ, hòn đảo này thực tế chỉ là một bờ đê hình tròn, vây thành một hồ nhỏ bên trong, ở giữa lại có một đảo nhỏ hơn, nên mới nói là “Trong hồ có hồ, trong đảo có đảo”. Mà giữa hồ với hồ, giữa đảo với đảo được điểm tô bằng đình đài lầu tạ, trông rất dụng công. Lữ Tứ Nương nói: “Chúng ta vào trong”. Rồi băng qua cây cầu chín khúc, xuyên qua tòa đình hình chữ vạn, đến nơi có nhiều cây thùy dương, chỉ thấy một tòa trà đình trông rất trang nhã, trên biển đề rằng “Nghênh Thúy Hiên”, hai bên có hai câu đối viết rằng: “Vạn khoảnh hồ bình trường tự kính; tứ thời nguyệt hảo tối nghi thu” Lữ Tứ Nương khen rằng: “Chỉ có mười bốn chữ mà đã vẽ nên cảnh sắc của Tây Hồ, so sánh bình hồ với thu nguyệt, đúng là song tuyệt”. Cam Phụng Trì cười nói: “Bát muội đi đến đâu cũng nhớ đến thi thư, ta không có hứng như thế”. Mấy năm qua Ngư Nương bị nhốt ở đảo Điền Hoành, khi rảnh rỗi cũng đọc thi thư, thấy Lữ Tứ Nương cao hứng như thế liền bảo: “Lữ tỷ tỷ, tỷ hãy đọc lại cho tiểu muội nghe đôi câu đối về bình hồ thu nguyệt”. Lữ Tứ Nương cười nói: “Vội gì, lát nữa chúng ta sẽ đến bình hồ thu nguyệt, muội có thể chép lại những câu đối hay ở đấy”. Rồi nàng vẫn đọc: “Bằng lan kháng vân ảnh ba quang, tố hảo thị hồng liêu hoa sơ, bạch bình thu lão; bả tửu đối quỳnh lâu ngọc vũ, mạc cô phụ thiên tâm nguyệt mãn, thủy diện phong lai” Ngư Nương nghe xong, lẩm bẩm đọc mãi trong miệng.
Bốn người vào trà đình ngồi dựa xuống lan can, chủ quán trà chạy đến hỏi: “Bốn vị uống một ly ngẫu phấn rồi hai bình Long Tỉnh. Thế nào?” Ngẫu phấn và trà Long Tỉnh là nổi tiếng nhất ở Tây Hồ, Lữ Tứ Nương gật đầu: “Cũng được”.
Trong Nghênh thúy hiên có rất ít khách uống trà, ở bàn phía Đông có một ông già, thấy bọn Cam Phụng Trì bước vào thì tựa như để ý, chốc chốc quay nhìn họ. Lữ Tứ Nương thấy ông già rất quen mặt, trong nhất thời không nhớ ra.
Ngồi một hồi, ở nơi rèm trúc, chàng thiếu niên anh tuấn lúc nãy bước vào. Cam Phụng Trì thấy chàng ta khí độ hiên ngang, anh hoa nội kiểm, bởi vậy thầm để ý. Chàng thiếu niên cũng gọi một chén ngẫu phấn, pha một bình long tĩnh ngồi dựa lan can. Chàng ta nhìn sang phía Cam Phụng Trì với ánh mắt sáng quắc.
Lữ Tứ Nương và Ngư Nương đều cải dạng nam trang, chàng thiếu niên liếc mắt qua, Ngư Nương bất giác cúi đầu Lữ Tứ Nương khẽ dùng chân chạm vào nàng, nói: “Ngũ ca, hãy nhìn hoa sen trong hồ, thơ người xưa có nói: ‘Lưu đắc tàn diệp thính vũ thanh, đãn thính na du ngư điệp điệp chi thanh’. Giờ đây tuy không có mưa nhỏ, sen cũng chưa tàn, nhìn những hạt châu trên lá sen cũng đủ khiến người ta thêm phần khoan khoái”. Ngư Nương nói thế, biết Lữ Tứ Nương ngầm nhắc nhở mình, cố ý gọi nàng là ngũ ca, để nàng nhớ mình là một nam tử. Trong lòng nàng thấy buồn cười, nhưng nhớ lại không khỏi thầm lo, bởi vì nàng đã vô tình lộ vẻ e thẹn của một nàng thiếu nữ, nếu thiếu niên nọ nhận ra thì thật không tiện lắm.
Hình như thiếu niên cũng chẳng hề để ý, chàng ta nhìn lướt Lữ Tứ Nương, lại đưa mắt nhìn sang phía ông già, ông già tựa như cũng ngà ngà say, tự lan can ngâm rằng: “Vấn tấn hồ biên xuân sắc, trùng lai hựu thị tam niên. Đông phong suy ngã quá hồ thuyền, dương liễu ti ti phất diện. Thế lộ như thiên dĩ quán, thử tâm đáo xứ du nhiên. Hàn quang đình hạ thủy liên thiên, phi khởi sa âu nhất phiến”.
Đây là bài từ Tây giang nguyệt của từ nhân thời Nam Tống Trương Vu Hồ, ông già ngâm lên nghe tràn trề tình cảm. thiếu niên vỗ nhịp thưởng thức, tiếng ca vừa dứt, quả nhiên có mấy con chim từ bụi lau đập cánh bay lên, chàng thiếu niên chợt đứng dậy, bước đến bàn ông già, vái dài rồi nói: “Lão trượng chắc chắc là Xa lão bá đây rồi”. Ông già trả lại một lễ, nói: “Lý công tử, tôi và tôn ông cách biệt hơn ba mươi năm, không ngờ đến hôm nay còn gặp lại công tử”.
Lữ Tứ Nương chợt nhớ ra, ông già này chính là Xa Đỉnh Phong, người của Thọ Sương thư viện. Số là ngày trước có rất nhiều nho sinh ở các nơi đến nghe Lữ Lưu Lương dạy học, sơn trưởng của Thọ Sương thư viện (tức là hiệu trưởng ngày nay) Xa Đỉnh Phong cũng đến nghe, lúc đó Lữ Tứ Nương rất còn nhỏ, có lẽ chưa đầy mười tuổi; sau này Lữ Tứ Nương theo Độc tý thần ni đến Mang Sơn bởi vậy không gặp lại nữa. Nàng nghe cha mình nói, Xa Đỉnh Phong tuy xuất thân từ huyện Thọ Sương nhưng lớn lên ở Tứ Xuyên, nghe nói thời trẻ ông ta cũng có sự nghiệp, còn sự nghiệp gì thì cha nàng không nói rõ. Sau đó nàng thường nghe người ta nói, năm bảy tám tuổi, Xa Đỉnh Phong về quê cũ, đóng cửa đọc sách, không đầy mười năm đã thông hiểu kinh sách, tuy một nửa là do Lữ Lưu Lương chỉ điểm nhưng nghị lực của ông ta cũng đủ khiến cho người ta khâm phục.
Lúc này chàng thanh niên được gọi là Lý công tử nói rất nhỏ tựa như sợ người ta nghe thấy. Lữ Tứ Nương thầm nhủ: “Hai người này tựa như là thế giao, nhưng Xa Đỉnh Phong nói, ông ta và cha của chàng ta cách biệt hơn ba mươi năm, vậy khi đó chàng ta chắc chắn chưa ra đời, tại sao Xa Đỉnh Phong vừa nhìn đã kêu chàng là Lý công tử, tựa như đã biết được lai lịch của chàng từ trước?”
Chàng thiếu niên và Xa Đỉnh Phong nói chuyện một hồi thì đứng dậy, ông già cũng đứng dậy toan bỏ đi. Chàng thiếu niên lại ngồi xuống, đưa mắt nhìn ra ngoài, mặt lộ vẻ ngạc nhiên. Lữ Tứ Nương quay đầu nhìn ra, thấy ở nơi rèm trúc có ba phụ nữ bước vào, một người là thiếu phụ áo xanh, một người là Lý Minh Châu, còn người kia là tiểu cô nương tuổi khoảng mười bốn mười lăm trông rất đáng yêu, má trái có đồng tiền sâu.
Lữ Tứ Nương giật mình, cảm thấy ngón tay của Ngư Nương hơi rung rung. Lữ Tứ Nương biết ngay người đàn bà áo xanh này chắc chắn đã từng bắt nàng, vội vàng nắm chặt tay nàng, tỏ ý bảo nàng bình tĩnh.
Ngư Nương thầm nhủ: “Mình đã cải dạng nam trang, người đàn bà áo xanh chưa chắc nhận ra. Vả lại có Giang Nam đại hiệp Cam Phụng Trì và Lữ Tứ Nương ở đây, dù có nhận ra cũng chẳng làm gì được, không cần phải sợ bà ta”. Thế là nàng vững dạ hơn, giả vờ tiếp tục ngắm cảnh.
Lý Minh Châu bước vào, cũng ngồi xuống chiếc bàn gần lan can, kéo tay đứa bé gái cười rằng: “Tiểu muội muội, cảnh sắc ở đây so với Bắc Hải ở kinh thành thì thế nào?” Bé gái lại mỉm cười, đưa đôi mắt to tròn nhìn quét xung quanh.
Ngay lúc này, chàng thiếu niên anh tuấn chợt đứng dậy, cao giọng nói: “Anh muội, sao muội lại đến đây?” bọn Lý Minh Châu cũng trợn mắt lên nhìn chàng ta, nhưng không ai đáp lời. Chàng thiếu niên vội bước tới, nói: “Anh muội, làm sao thế, ba năm không gặp mà muội đã không nhận ra huynh sao?” rồi đưa tay nắm lấy nàng thiếu nữ.
Nàng thiếu nữ lách người, trở tay tát tới, chàng thiếu niên suýt nữa đã bị nàng tát trúng, vội vàng nhảy lui hai bước, nói: “Anh muội, muội điên rồi sao?” Bé gái mắng: “Ai là Anh muội của ngươi?” rồi hai chân nhún một cái vung chưởng tát tới, chàng thiếu niên xoay gót chân, lách qua hai vòng, thân pháp của nàng tu rất nhanh, chỉ trong chớp mắt đã đánh ra mấy chưởng, chưởng nào cũng lợi hại. Cam Phụng Trì thất kinh, thiếu nữ này rõ ràng đã được cao nhân truyền thụ, vả lại không chỉ học võ công của một nhà!
Thiếu nữ ra tay rất nhanh mà thân pháp của chàng thiếu niên càng nhanh hơn, chỉ thấy chàng ta xoay mấy vòng, chưởng của nàng thiếu nữ tựa như sắp đánh trúng nhưng rốt cuộc lại hụt. Chàng thiếu niên lại kêu: “Này, muội không nhận ra huynh, chả lẽ cũng quên bộ công phu này rồi sao?”
Thiếu nữ mắng: “Nói bừa, chỉ mới chút bản lĩnh như thế, sao xứng làm sư phụ của ta? Nếu ngươi muốn dạy ta, hãy đem bản lĩnh chân thực ra!” rồi chưởng pháp đánh gấp hơn, vả lại lúc quyền lúc chưởng, lúc điểm lúc đâm, tấn công vào các chỗ huyệt đạo của chàng thiếu niên, chàng thiếu niên chỉ né tránh, suýt nữa đã bị nàng điểm trúng, thế là vội vàng đưa tay phải ra chống cự, đồng thời đưa tay trái kéo nàng. Nàng thiếu nữ phóng vọt người lên, mở mười ngón tay chụp xuống đầu chàng ta, chàng thiếu niên thất kinh, vội vàng thối lui: “Có phải muội điên rồi không? Muội học ở đâu loại công phu bàng môn tả đạo như thế?” Lữ Tứ Nương cũng thất kinh, nàng chưa bao giờ thấy có người nào biết nhiều môn võ công như thiếu nữ này, võ công của phái Thiếu Lâm, phái Vô Cực, phái Tuyết Sơn, lại còn có công phu độc môn của Bát Tý Thần Ma Tát Thiên Thích.
Thiếu nữ vung quyền đánh lên, thiếu phụ áo xanh đột nhiên vọt tới, lướt qua mấy cái bàn, chụp về phía chàng thiếu niên, kêu lên: “Tiểu muội muội, lui xuống. Để ta bắt tên điên này!” chàng thiếu niên lách người, suýt nữa đã bị bà ta chụp trúng, chàng ta vội vàng nhảy tót qua một cái bàn, thiếu phụ vung tay đẩy ra một chưởng, thiếu niên vung hai chưởng chặn lại, quát: “Ngươi là ai?” chàng ta lảo đảo người, lại nhảy vọt qua một cái bàn nữa. Thiếu phụ cười lạnh từ xa đánh tới một chưởng, chưởng phong mạnh mẽ lạ thường, chàng thiếu niên đột nhiên giở cái bàn lên chặn, chỉ nghe bình một tiếng, cái bàn bị chưởng lực đánh vỡ nát! Ông chủ quán trà kêu hoảng: “Khách quan, có lời gì từ từ hãy nói, đừng đánh nhau ở đây!”
Thiếu phụ áo xanh nào màng tới, cứ luồn qua lách lại trong quán trà đuổi theo thiếu niên. Ông chủ quán trà nấp ở một góc, có vài người khách đã chạy ra. Ông già cũng nấp ở góc tường, kêu lên bài hãi: “Đang yên ổn tốt lành sao lại đánh nhau?”
Bọn Lữ Tứ Nương cũng nép đến góc tường, xem ra thiếu phụ áo xanh càng đánh càng dữ, chưởng phong cứ kêu lên vù vù, bàn ghế trong quán lật nhào, ly tách vỡ nát!
Thiếu phụ áo xanh ra tay rất mạnh mẽ, rõ ràng công lực rất cao; nhưng chàng thiếu niên kia cũng không kém, thân pháp của chàng phiêu hốt như gió. Vốn là nơi này rất chặt hẹp, bàn ghế lại ngả nghiêng chiếm chỗ, thế mà chàng thiếu nữ vẫn có thể luồn trái lách phải như bươm bướm xuyên hoa. Thiếu phụ áo xanh hất ngã hầu hết bàn ghế trong quán nhưng cũng chẳng chạm được vào người chàng. Thiếu niên quát: “Mụ già ăn mày kia, sao mụ lại ngang ngược vô lý đến thế?” thiếu phụ áo xanh nói: “Ai bảo tên điên nhà ngươi không nói lý lẽ?” chưởng phong càng dữ dội hơn, chỉ trong chốc lát, bàn ghế trong quán trà chẳng còn nguyên vẹn, thiếu phụ áo xanh đạp bừa lên đống bàn ghế đuổi theo chàng thiếu niên. Chàng thiếu niên nói: “Đừng phá hoại đồ đạc của người khác, muốn đánh hãy ra ngoài!” thiếu phụ áo xanh nói: “Được, cứ ra ngoài!” thiếu niên quát: “Nơi đây là thắng cảnh, không phải nơi tỉ thí, muốn đánh ngày mai đến Cửu khê thập bát giản mà phân cao thấp”.
Nào ngờ thiếu phụ áo xanh lại lạnh lùng cười: “Đừng hòng giở kế hoãn binh!” tay vẫn không chậm lại, lúc này bàn ghế đều đã ngã nghiêng, thiếu phụ thi triển thân pháp và bộ pháp Mai hoa trang, liên tục sấn về phía chàng thiếu niên. Chàng thiếu niên chẳng né tránh được nữa, chỉ đành đạp bừa lên đống bàn ghế chống cự với mụ ta, đánh được một hồi dần dần lọt xuống thế hạ phong.
Cam Phụng Trì không kìm được nữa, định ra tay khuyên nhủ. Lữ Tứ Nương chợt kéo chàng ta lại, nói: “Chúng ta đi thôi!” Cam Phụng Trì nói: “Tại sao?” Lữ Tứ Nương chỉ ra ngoài, chỉ thấy trên mặt hồ có một con thuyền nhỏ lướt tới, trên thuyền có một hòa thượng béo, tay cầm một cây thiền trượng, ngực phanh ra đón gió, người này chẳng phải ai khác mà chính là Liễu Ân!
Cam Phụng Trì thất kinh, một nửa võ công của chàng ta là do Liễu Ân truyền thụ, tuy chàng ta đã biết Liễu Ân bội sư phản nghĩa, đã sớm cắt tình huynh đệ, nhưng đây là lần đầu tiên chàng gặp y sau khi y bỏ chánh theo tà, trong khoảng sát na này, chàng vẫn coi Liễu Ân như sư huynh, nhớ đến y đã từng truyền võ công cho mình, trong nhất thời không biết có nên đối địch với y hay không.
Võ công của Lữ Tứ Nương do Độc tý thần ni truyền thụ, nàng không hề sợ Liễu Ân, thấy Cam Phụng Trì trố mắt ra thì nói: “Hai người chúng ta liên thủ đấu với y, sẽ nắm chắc phần thắng nhưng không biết có ai đi theo y hay không, vả lại không nên đánh nhau ở nơi này, chi bằng đi thôi!”
Ông già dựa sát vách tường, thấy thế kinh hãi, liên tục kêu lên: “Ngừng tay, ngừng tay, có chuyện gì cứ từ từ nói, sao lại đánh nhau như thế?” thiếu phụ áo xanh chợt cười lạnh nói: “Suýt nữa ta quên tên điên này còn có đồng bọn, Yến nhi, hãy bắt Tào lão đầu!” nàng thiếu nữ vâng một tiếng, lướt người tới, bàn tay nhỏ chụp xuống đầu Xa Đỉnh Phong.
Xa Đỉnh Phong phân hai chưởng, tưởng rằng đối phương chỉ là một bé gái hơn mười tuổi, bởi vậy chỉ cần gạt tay ra là xong, nào ngờ thiếu nữ tuổi còn nhỏ mà ra tay rất hiểm học, chưa chụp trảo xuống đã lập tức biến chiêu, chưởng trái đẩy vào cùi chỏ của kẻ địch, chưởng phải luồn qua cánh tay của kẻ địch kéo giật lại, Xa Đỉnh Phong kêu thảm một tiếng, cánh tay phải đã bị trật khớp, nàng thiếu nữ vỗ chưởng trái đánh bốp một tiếng, lại trúng vào ngực của ông ta!
Lúc này con thuyền nhỏ của Liễu Ân đã dần cập sát tới.
Lữ Tứ Nương và Cam Phụng Trì đang định chạy ra, tai nghe Xa Đỉnh Phong kêu thảm, thế là đùng đùng nổi cáu. Cam Phụng Trì nói: “Muội đi cứu ông già ấy, huynh giúp chàng thiếu niên”. Lữ Tứ Nương không đợi Cam Phụng Trì nói xong đã bay vọt người lên rồi đột nhiên nhảy bổ xuống, chụp vào hậu tâm của Xa Đỉnh Phong giở ông ta lên. Nàng thiếu nữ đúng là ngựa non háu đá, đã thấy khinh công của kẻ địch trác tuyệt như thế mà chẳng hề sợ hãi, nhân lúc Lữ Tứ Nương chưa đứng vững, hai chỉ đã đâm tới nhanh như điện chớp vào huyệt Khúc Trì của Lữ Tứ Nương. chiêu này đúng là hiểm hóc vô cùng!
Chỉ thấy Lữ Tứ Nương hơi lách người, chưởng trái đẩy ra, hóa giải chiêu số của nàng thiếu nữ, nàng thiếu nữ lách người, đột nhiên tung cước quét một đòn Hoành giang kích đấu, chưởng trái trở tay chém ngược lại, tay trái hợp chỉ thành chưởng, sử dụng chiêu số Cầm Nã. Lữ Tứ Nương nghiêng người kéo Xa Đỉnh Phong ra sau, đẩy một tay ra phía trước hóa giải đòn Cầm Nã thủ của nàng thiếu nữ; nàng thiếu nữ chẳng biết tiến lùi, tiếp tục bổ chưởng ra. Lữ Tứ Nương vừa giận vừa buồn cười, chưởng phải hạ xuống rồi đẩy ra ngay, hóa thành Thuận Thủy Thôi Châu, chưởng này hàm chứa nội lực, không những đã phá giải chưởng thế của nàng thiếu nữ mà còn chặn chưởng thế của nàng lại, khiến nàng không thể nào phát ra chiêu thức được, muốn rút về cũng chẳng xong. Lúc này Lữ Tứ Nương chỉ cần hơi dùng kình, nàng thiếu nữ chắc chắn bị nội thương, khuôn mặt nàng ta đỏ ửng trông rất đáng yêu. Lữ Tứ Nương không nỡ đả thương nàng, lập tức thu chưởng lại, chụp Xa Đỉnh Phong xông ra ngoài. Nàng thiếu nữ hoảng hồn, dựa vào tường thở hổn hển.
Lại nói thiếu phụ áo xanh sắp đắc thủ, chợt Cam Phụng Trì nhảy vọt vào, vỗ vù ra một chưởng, thiếu phụ nghe chưởng phong biết ngay là kình địch, thế là hai chưởng hợp lại rồi đẩy ra phía trước, cả hai bên đều thấy cánh tay tê rần. Thiếu phụ áo xanh thất kinh, chưởng pháp thay đổi, một chân tiến về phía trước, hai chưởng tiếp tục đẩy về phía trước, chiêu này gọi là Khoa Hổ Đăng Sơn, trong chưởng có dồn âm kình. Cam Phụng Trì lảo đảo tựa như kẻ say, người ngửa ra phía sau, đột nhiên chồm về phía trước, tay phải xuyên lên, thiếu phụ đẩy chưởng lực tới, chỉ cảm thấy như trúng vào vật mềm mại, Cam Phụng Trì chợt quát: “Ngã!” bàn tay phải đã chập vào phía dưới cánh tay trái của thiếu phụ, chưởng trái đã vỗ ngang vào huyệt Thái Dương bên mang tai của mụ ta. Đây chính là công phu bí truyền Triêm Y thập bát điệt của Độc tý thần ni, trong số các đệ tử của Độc tý thần ni chỉ có Liễu Ân và Cam Phụng Trì biết sử dụng, còn Lữ Tứ Nương khi vào sư môn tuổi vẫn còn trẻ, công lực chưa đủ, chưa được truyền thụ. Đối phó với những kẻ võ công tầm thường, không cần ra tay, chỉ cần mượn lực xử lực thì có thể quật ngã kẻ địch. Cam Phụng Trì biết thiếu phụ áo xanh là kình địch nên một mặt dùng công phu nội gia thượng thừa Triêm Y thập bát điệt hóa giải chưởng lực của mụ ta, mặt khác dùng công phu Phân cân thác cốt và Đại suất bi thủ phản đòn!
Thiếu phụ áo xanh không kịp đề phòng, cánh tay trái đã bị Cam Phụng Trì tóm chặt, người ngã sấp về phía trước, nhưng nội công của mụ ta tinh thâm, khi lảo đảo sắp ngã, cùi chỏ táng qua, mượn lực kéo của Cam Phụng Trì chúi về phía trước, Cam Phụng Trì hóp ngực thu bụng, định dùng tiếp công phu Triêm Y thập bát điệt hóa giải cú táng của mụ ta, nào ngờ cú táng ấy chỉ là hư chiêu, mụ ta chùi người về phía trước, trầm vai buông chỏ, hóa giải chân lực nội gia của Cam Phụng Trì.
Cam Phụng Trì vỗ chưởng phải qua, chưởng phong quét qua màng tang của thiếu phụ áo xanh, khiến mụ bị thương. Thiếu phụ áo xanh cũng rút tay trái ra, loạng choạng mấy bước, mấy chiêu ấy hung hiểm cùng cực, chàng thiếu niên cũng phải hoa mắt.
Cam Phụng Trì liên tục sử dụng công phu Triêm Y thập bát điệt, thế mà chẳng quật ngã được thiếu phụ áo xanh, trong lòng thầm lấy làm lạ, lúc này Lữ Tứ Nương đã xông ra khỏi quán trà, Bạch Thái Quan và Ngư Nương cũng đuổi theo, Cam Phụng Trì kêu thiếu niên: “Chạy mau!” đột nhiên cúi người chụp hai chiếc ghế ném về phía thiếu phụ áo xanh, thiếu phụ áo xanh đẩy hai chưởng ra, đánh vỡ hai chiếc ghế thành bốn mảnh. Thiếu niên cũng thoát ra ngoài.
Cam Phụng Trì vội đuổi theo Lữ Tứ Nương, chui vào thuyền, dong buồm lướt đi. Con thuyền nhỏ của thiếu niên thì đậu ở bên cạnh, lúc này chàng ta cũng vừa mới nhảy lên thuyền. Thiếu phụ áo xanh chạy theo, chợt thấy Liễu Ân đứng ở đầu thuyền, vội kêu: “Bảo quốc thiền sư, đuổi theo tiểu tặc!” Liễu Ân nói: “Tiểu tặc nào?” thiếu phụ áo xanh nói: “Người trên hai con thuyền ấy đều là kẻ thù, ông bắt tên tiểu tặc trên chiếc thuyền họa bên trái trước cho tôi!”
Con thuyền của chàng thiếu niên đã lướt được hơn mười dặm, Liễu Ân ngồi xuống, dùng thuyền trượng quạt nước, con thuyền nhỏ lướt về phía chàng thiếu niên nhanh như tên bắn. Lúc này thuyền của Lữ Tứ Nương cách thuyền của Liễu Ân đến mấy mươi trượng, thấy Liễu Ân sắp sáp tới chàng thiếu niên, nàng đột nhiên quay đầu thuyền, nói: “Thất ca, xem ra thiếu niên kia là người cùng phe của chúng ta, chúng ta quay lại cứu y”. Cam Phụng Trì nói: “Được, cẩn thận một chút!” rồi quay đầu thuyền chèo vào giữa hai con thuyền.
Con thuyền của Liễu Ân lướt tới rất nhanh, trong chốc lát đã đuổi theo con thuyền họa, chàng thiếu niên chợt thấy một hòa thượng béo đuổi theo, trông uy phong lẫm lẫm tựa như tượng kim cương canh giữ sơn môn, không khỏi tức giận nói: “Ta đâu có oán thù gì với các ngươi, sao các ngươi lại hiếp người quá thể!” Liễu Ân chẳng màng tới, giở cây thiền trượng đứng trên đầu thuyền, rồi đánh vù tới một trượng! Chàng thiếu niên thấy y quá hung dữ, rút thanh kiếm gạt qua đánh keng một tiếng, lửa bắn ra tung tóe, thanh kiếm suýt nữa vuột khỏi tay!
Vốn là kiếm pháp của chàng thiếu niên cực cao, nếu ở trên bờ, dù chàng ta không đánh lại Liễu Ân cũng cầm cự được năm bảy mươi chiêu, nhưng giờ đây mỗi bên đều đứng trên con thuyền của mình ra tay, dù kiếm chiêu trác tuyệt cũng không thể nào thi triển, kiếm và trượng chạm nhau, ai lực mạnh hơn là thắng, Liễu Ân múa tít cây thiền trượng kêu lên vù vù bổ thẳng xuống như núi Thái đè đầu. Chàng thiếu niên chống cự không nổi, chàng ta lách người phóng lên mái thuyền, Liễu Ân quát lớn, quét cây thiền trượng đánh gãy cột buồm, chàng thiếu niên bị chao đảo, Liễu Ân quát một tiếng, quét tới trượng thứ nhất, lại đánh tiếp trượng thứ hai, con thuyền nghiêng qua, đánh tiếp trượng thứ ba, mái thuyền đã vỡ toác, chàng thiếu niên ngã chúi xuống nước, con thuyền nhỏ lật úp trên mặt hồ!
Liễu Ân đứng trên đầu thuyền cười lớn, chợt giở cây thiền trượng hua xuống nước một hồi. Ngay lúc đó, con thuyền nhỏ của Lữ Tứ Nương đã lướt tới như tên bắn, Bạch Thái Quan nói: “Chàng thiếu niên đã bị đánh rơi xuống hồ, làm sao đây?” Ngư Nương nói: “Không sao, chỉ cần y không bị đánh trúng, muội có thể cứu!” rồi đột nhiên nhảy ùm xuống nước.
Liễu Ân khua loạn cây thiền trượng xuống nước một hồi, con thuyền nhỏ của hai người Cam, Lữ đã lướt tới. Cam Phụng Trì và Bạch Thái Quan tuy đã cải dạng, nhưng không qua nỗi mắt Liễu Ân. Liễu Ân đột nhiên rút cây thiền trượng lên, quát lớn: “Cam Phụng Trì, ngươi cũng đến đây đối chọi với ta?”
Cam Phụng Trì cầm đao trên tay, đáp: “Tiểu đệ không dám đối chọi với sư huynh, nếu sư huynh gạt bỏ lòng danh lợi, tuân theo lời dạy của sư phụ, bọn đệ vẫn tôn trọng sư huynh...” Liễu Ân không đợi chàng ta nói xong đã quát: “Nếu không thì sao?” Cam Phụng Trì lạnh lùng nói: “Nếu sư huynh cứ cố chấp, vậy huynh chẳng còn là người trong bổn môn, tiểu đệ cũng không dám coi huynh là huynh trưởng”. Liễu Ân tức đến nỗi chân mày dựng ngược, quát: “Cam Phụng Trì, ngươi có nhớ ai đã truyền võ nghệ cho ngươi, ai đã giúp cho Giang Nam đại hiệp nhà ngươi lừng lẫy giang hồ?” Cam Phụng Trì rất thông minh, trước khi Liễu Ân phản bội, y rất yêu mến chàng ta, khi dạy dỗ cho chàng rất dụng công bởi vậy mới luôn nhắc đến ân nghĩa. Nhưng trên thực tế, Liễu Ân đặc biệt dụng tâm truyền võ nghệ cho chàng là thật, còn về danh hiệu Giang Nam đại hiệp là do Cam Phụng Trì tự phấn đấu mà có chứ chẳng liên quan gì đến Liễu Ân. Nhưng sau khi chàng ta có danh tiếng lẫy lừng, Liễu Ân đố kỵ trong lòng, nên gặp ai cũng bảo mình đã giúp chàng ta. Thậm chí trước mặt Cam Phụng Trì cũng nói như thế.
Cam Phụng Trì đương nhiên chẳng tính toán gì, nghe y mắng như thế trong lòng trái lại thấy chua xót, thầm than sư huynh của mình đã ra nông nỗi này. Liễu Ân thấy chàng ta đỏ ửng mắt, tưởng chàng hối hận tự trách, y giằng cây thiền trượng xuống đầu thuyền, nói: “Ngươi có thể biết sai là tốt, giờ hãy đi theo ta. Này, con Bạch Thái Quan nhà ngươi thì sao? Ngươi quyết đối chọi đến cùng với ta?” Cam Phụng Trì không kìm được nữa, nghe Liễu Ân nói như thế, chợt trợn mắt nói lớn: “Sư huynh, biết lỗi có thể sửa, thật là tốt biết bao nhiêu! Nhưng mong sư huynh tự hỏi lại mình, rốt cuộc là ai đã sai? Điều đầu tiên trong mười sáu giới điều sư phụ dạy nói gì? Ơn của sư huynh tuy sâu nhưng nghĩa của sư môn càng nặng hơn, đệ thà phản bội sư huynh chứ không đi ngược lại với đại giới của sư phụ!”
Nghe đến đây, Lữ Tứ Nương chợt lớn giọng nói: “Cái gì mà sư huynh với không sư huynh, y đã không còn là sư huynh của chúng ta từ lâu, thất ca, cần gì xưng đệ gọi huynh với y?” Liễu Ân trợn mắt, giằng cây thiền trượng xuống, cười rộ lên: “Ồ, té ra là do con tiện tì nhà ngươi đứng ở giữa bới móc!” Rồi vận đủ mười phần lực, quét vù qua một chưởng, Cam Phụng Trì đứng gần y nhất, chàng ta vung đao chặn lại, chấn động đến nỗi hổ khẩu đổ máu, Liễu Ân cũng lắc lư, trong lòng thầm nhủ: “Chả trách nào tiếng tăm của y lừng lẫy đến thế, công phu quả thật giỏi hơn lúc trước nhiều!”
Cam Phụng Trì chặn được một chiêu, biết mình vẫn chưa địch nổi sư huynh, trượng thứ hai của Liễu Ân đã quét tới, Cam Phụng Trì vận kình vào hai chân, đẩy vào mặt thuyền, con thuyền lướt ngang sang một bên, tránh được một trượng, Liễu Ân lại vung tiếp trượng thứ ba, Lữ Tứ Nương chợt cười dài, phóng vọt lên cao, cây Sương Hoa kiếm vẫy ra một đóa kiếm hoa từ trên không đâm xuống. Liễu Ân vung trượng lên trên, cây kiếm của Lữ Tứ Nương đè lên thân trượng, người lại bắn lên không trung, Cam Phụng Trì thất kinh, Lữ Tứ Nương lộn một vòng trên không trung, cả người lẫn kliếm bổ nhào xuống, Liễu Ân quát lớn: “Ngươi đã chán sống!” rồi cây thiền trượng từ dưới móc lên, kình phong quét tới, tà áo của Lữ Tứ Nương bay phất phới tựa như tiên nữ đạp gió, tư thế đẹp tuyệt vời! Liễu Ân đã dốc hết nội lực trong trượng này, mũi kiếm của Lữ Tứ Nương điểm vào đầu trượng, lại bắn mình lên không trung, Cam Phụng Trì vung tay, hai mũi trủy thủ phóng về phía Liễu Ân, Lữ Tứ Nương lộn một vòng tròn trên không trung, cả người lẫn kiếm lại hạ xuống, uy thế càng kinh người. Hay cho Liễu Ân, y vươn tay trái hớt hai mũi trủy thủ, cây thiền trượng vung lên, lại quét về phía vòng kiếm quang của Lữ Tứ Nương, Lữ Tứ Nương đạp mũi giày vào cây thiền trượng, lại bắn mình lên cao hơn, những ngư phủ ở gần đấy đứng cả lên thuyền ngó qua, lòng cứ ngỡ là tiên nữ bay xuống Thái Hồ.
Liễu Ân hòa thượng vung cánh tay trái, hai mũi trủy thủ bay ngược về phía Cam Phụng Trì, Cam Phụng Trì không dám hớt trủy thủ, chàng lách người, hai mũi trủy thủ cắm lên ván thuyền. Lúc này Lữ Tứ Nương lại từ trên không hạ là là xuống, kiếm quang tỏa ra bốn hướng, lối đánh này đúng là hiếm có xưa nay, cả Cam Phụng Trì cũng ngẩn người ra. Liễu Ân thầm lo, không ngờ khinh công của nàng tiểu sư muội này lại tinh diệu hơn so với lúc ở đảo Điền Hoành! Lữ Tứ Nương trải qua năm năm khổ luyện ở dãy Tiên Hà, lúc này thi triển, tưởng rằng một đòn có thể đánh thắng, nào ngờ vẫn chẳng làm gì được Liễu Ân, trong lòng cũng phát hoảng. Lối đánh này rất hao phí tinh thần, chỉ cần sơ ý thì sẽ bị thiền trượng quét nát thây.
Liễu Ân ngưng thần múa trượng, vừa chặn được nhát kiếm thứ tư của Lữ Tứ Nương, đột nhiên con thuyền chòng chành, ván thuyền vỡ toác ra, nước chảy vào ồ ồ, cả con thuyền dần dần chìm xuống, té ra đó là trò của Ngư Nương!
Ngư Nương lớn lên ở vùng biển, tinh thông thủy tính, dù phong ba sóng gió cũng chẳng sợ, huống chi đây chỉ là Tây Hồ tĩnh lặng! Nàng lặn xuống nước, vốn là cứu chàng thiếu niên kia nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy, còn trên thuyền Lữ Tứ Nương đang đánh nhau với Liễu Ân, nàng ló đầu lên nhìn, thấy Lữ Tứ Nương gặp nguy, đột nhiên nghĩ ra một tuyệt chiêu, thế là lặn xuống đáy thuyền, rút cây bội đao, chỉ trong chốc lát đã đục lủng một lỗ lớn ở thuyền của Liễu Ân!
Liễu Ân võ công cực cao nhưng lại không giỏi thủy tính, không khỏi luống cuống chân tay, Lữ Tứ Nương từ trên không đâm xuống nhát kiếm thứ năm, Liễu Ân kêu lớn: “Không phải ngươi chết thì ta vong!” thế là chân điểm vào đầu thuyền, tung người lên cao hai mươi hai trượng, bổ cây trượng về phía Lữ Tứ Nương, đồng thời tay trái vung ra toan tóm lấy Lữ Tứ Nương trên không trung!
Cam Phụng Trì và Bạch Thái Quan đồng thời kêu hoảng, Cam Phụng Trì ném trủy thủ, Bạch Thái Quan vãi Mai Hoa châm, Liễu Ân múa tít cây trượng một vòng, trong tiếng trượng phong vù vù Lữ Tứ Nương đột nhiên bay trở về con thuyền nhỏ như một viên đạn! Cam Phụng Trì cả kinh, vội vàng nhảy vọt vào trong khoang, Lữ Tứ Nương bật dậy, cười nói: “Nguy hiểm thật!” Cam Phụng Trì thấy nàng chẳng hề gì mới yên lòng, chợt con thuyền nhỏ chao đảo, chỉ nghe Bạch Thái Quan kêu: “Thất ca ra đây!” Cam Phụng Trì vội vàng chạy ra, chỉ thấy con thuyền của Liễu Ân sắp chìm xuống, Liễu Ân nhảy lên mái thuyền, múa cây thiền trượng bổ mạnh xuống con thuyền của mình, hai con thuyền cách nhau khoảng hai ba trượng, cây thiền trượng chẳng thể nào đánh tới, nhưng trượng phong vù vù, thanh thế cũng rất ghê gớm. Liễu Ân đang tìm cách đẩy hai con thuyền gần nhau, Bạch Thái Quan giơ cây phát đao đứng trên đầu thuyền, sắc mặt tái xanh!
Cam Phụng Trì kêu: “Ngũ ca, để tiểu đệ tiếp một trượng”. Rồi xông tới trước mặt Bạch Thái Quan, Liễu Ân xoay gót chân một cái, con thuyền xoay một vòng, hai con thuyền đã gần nhau hơn một trượng, Liễu Ân quát lớn một tiếng, đột nhiên phóng vọt người lên bổ xuống một trượng về phía Cam Phụng Trì, Cam Phụng Trì dốc hết thần lực đánh ngang một đao, trượng và đao giao nhau, Cam Phụng Trì thấy một luồng lực lớn dồn tới, hổ khẩu rách toác, cây hồng mao đao trong tay bay bổng lên không trung, còn người thì bị chấn động lùi vào khoang thuyền.
Cam Phụng Trì té ngửa xuống, Liễu Ân suýt nữa cũng rơi xuống nước. Té ra công lực của Cam Phụng Trì tuy không bằng Liễu Ân nhưng cách nhau cũng không xa lắm. Chàng ta dốc hết sức mình đỡ một đao, Liễu Ân đang ở trên không trung, sau đao ấy thì không thể phát được lực nữa, bị chân lực nội gia của Cam Phụng Trì chấn động, lộn một vòng trên không trung, lọt xuống con thuyền đang lâm nguy của y! Ngư Nương ở dưới nước dùng lực kéo một cái, con thuyền nhỏ trên dưới đều chịu lực, lập tức lật úp!
Liễu Ân không thông thủy tính, lúc này chân đã chìm xuống nước, Ngư Nương dùng kiếm chém y, bị y dùng trượng khuấy dưới nước một cái, đôi trượng chạm với mũi kiếm, lực đạo tuy không mạnh nhưng Ngư Nương cũng không chọi nổi, thanh kiếm rơi xuống đáy hồ, thế là nàng vội vàng lặn xuống nhặt, không dám tấn công y nữa.
Liễu Ân trong lúc lâm nguy sinh trí, y cúi người xuống bẻ một mảnh ván thuyền, ném xuống nước, người bốc lên, mũi chân điểm xuống mảnh ván đang trôi lền bền, rồi lại tung người vọt lên cao, khi vọt lên cao thì dùng trượng đẩy miếng ván thuyền trôi đi, khi hạ xuống, vẫn dùng cách này, mượn một mảnh ván thuyền làm bàn đạp phóng lên bờ.
Sau khi đánh úp thuyền của Liễu Ân, Ngư Nương trồi lên mặt nước, leo lên con thuyền nhỏ, vội vàng quay đầu thuyền trèo về phía Cô Sơn, chiếc thuyền lướt đi như tên bắn, khi Liễu Ân phóng lên bờ, bọn Lữ Tứ Nương đã qua bờ bên kia.
Cam Phụng Trì cõng Xa Đỉnh Phong cố ý đi một đoạn đường vòng rồi trở về khách sạn, may mà không gặp kẻ địch.
Lữ Tứ Nương thở phào, nói: “Tên phản tặc thật lợi hại!” rồi bảo với Bạch Thái Quan: “Huynh hãy bôi thuốc trị thương cho lão trượng trước, lát nữa muội và thất ca sẽ tiếp xương cho ông ta”. Rồi nàng lập tức ngồi xếp bằng điều tức. Cam Phụng Trì cũng làm thế. Ngư Nương thấy thế ngạc nhiên, Bạch Thái Quan nói: “May mà có thất ca tiếp hộ huynh một trượng”. Té ra hai người Cam, Lữ bị trượng lực của Liễu Ân chấn động, sợ bị nội thương nên ngồi xếp bằng tịnh tọa vận khí điều nguyên. Một hồi sau, cả hai người đứng dậy, nói: “May mà không có chuyện gì!”
Chính là:
Đồng môn ác đấu, khiếp vía kinh tâm.
Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...