Giàn Hoa Thiên Lý Sắp Đổ


Mặc dù trận cuối không chiến thắng, nhưng mọi người đều cười đùa rất vui vẻ.

Không chỉ đội Xanh mà cả đội Đỏ.

Tay người nào người nấy dù được buộc dây rồi, nhưng vẫn bị dây thừng làm cho đỏ ửng.

Ngọc vui vẻ tháo dây trên tay mình ra, rồi tung tăng lại tháo dây trên tay Tuyết.

Thấy tay Tuyết ửng đỏ, Ngọc dùng hai tay xoa xoa nhè nhẹ rồi cầm nhét hẳn vào túi áo của mình.

Những trò chơi phía sau đó đều dành cho những người lớn tuổi, Ngọc và Tuyết chỉ đành ngồi cạnh bà Nhung xem mọi người chơi.

- Gớm hai đứa ni, mới có mấy tháng mà thân nhau quá nhể? Ôm nhau các kiểu nữa cơ.
- Thì lửa gần rơm lâu ngày cũng bén mà bà, cháu chọc Tuyết mãi thì cũng thành thân nhau thôi.
- Mi là con trai chắc con Tuyết cách mi cả nghìn dặm, ở đó mà thân với chả thương.

- Thì lúc ấy Tuyết thân cháu theo kiểu khác, nhờ Tuyết nhờ!
Tuyết ôm chú gấu bông màu kem, ngồi chung một chiếc ghế với Ngọc cúi đầu thẹn thùng.

Tuyết cũng không muốn bị ôm đâu, ngượng lắm luôn.

Nhưng Ngọc đứng xem lâu cũng sẽ bị mỏi chân, Tuyết không đành lòng nên mới ngồi nép lại một bên cho Ngọc ngồi cùng.

Nào ngờ Ngọc kéo Tuyết đứng dậy, tự ngồi xuống ghế rồi để Tuyết ngồi trên đùi mình.

Thành ra, Tuyết ngồi ngọn lỏn trong lòng Ngọc như em bé ngồi trên đùi mẹ.

Trời chuyển về chiều dần, các trò chơi cũng kết thúc.

Mọi người đều lần lượt ra về.

Vì dì Hằng còn muốn cùng bà Nhung đi chúc Tết họ hàng thêm, nên Ngọc với Tuyết đành về trước.

Con đường làng ngập tràn ánh đèn nhấp nháy, thấp thoáng bóng hình hai cô gái trẻ.

Bình thường Ngọc tìm chuyện để nói không ngớt, nhưng hôm nay lại im lặng đến kì lạ.

Tuyết cũng thắc mắc lắm, nhưng không dám hỏi.

Chỉ yên lặng đi bên cạnh Ngọc thế thôi.

Đi bộ về gần đến nhà, cả hai bắt gặp bóng dáng Tiến ngồi sụp ở gốc cây hoa sữa gần cổng nhà Tuyết.

- Sao lại ngồi buồn rầu sầu bi ở nơi này thế bé?
Ngọc hỏi, cu cậu ấm ức nức nở:
- Em chờ chị Tuyết...!
- Chờ Tuyết thôi thì sao mắt đỏ ửng thế kia? Lo lắng chị ăn thịt mất chị Tuyết của em hả?
Dĩ nhiên không phải Tiến lo lắng vì điều này, mà là do tất cả những món đồ chơi chị Ngọc giúp cậu lấy hôm nay đã bị phá hỏng toàn bộ.

Hồi trưa khi có được đồ chơi rồi, Tiến vui vẻ chạy về nhà bác Huỳnh.

Vốn dĩ chờ bố mẹ ăn uống với nhà bác xong, là cậu có thể bảo mẹ đưa về nhà, tận hưởng những món đồ chơi ấy một mình.


Nào có ngờ, anh Minh con trai út nhà bác Huỳnh, đã để ý đến đồ chơi của cậu.

Khi đòi đồ chơi không được Tiến cho mượn, Minh tức tối làm loạn lên để đòi cho bằng được.

Anh Minh bé hơn Tiến ba tuổi thôi, lại là con trai duy nhất, nhà bác Huỳnh thương anh nên cũng dụ dỗ Tiến cho Minh mượn đồ chơi.

Ngay cả bố mẹ Tiến cũng góp lời phụ họa bác Huỳnh.

Có điều đồ chơi lấy được bằng công sức của Ngọc lẫn một chút may mắn từ Tiến, làm sao cậu có thể đưa ra cho người khác chơi trước cho được?
Ấy thế mà Minh chạy lại giằng lấy đồ chơi trên tay Tiến, đập mạnh xuống đất.

Chiếc súng đồ chơi bằng nhựa bị gãy mất, Minh còn không bằng lòng dùng bàn chân nhỏ bé đạp mạnh lên nó.

Đến cả hai bộ mô hình lắp ghép mới cóng trong hộp, cũng bị Minh giật lấy, đổ hết các chi tiết lắp ghép vào chậu hoa cúc trưng bày trước cửa nhà.

Ai cũng nói, anh Minh còn nhỏ, có gì sẽ dùng tiền mua lại đền cho Tiến.

Nhưng, Minh còn nhỏ thì Tiến cũng còn nhỏ mà.

Cậu cũng thích đồ chơi, cũng muốn bảo vệ đồ chơi của mình.

Sao người lớn cứ dựa theo số tuổi để trách móc cậu như thế? Cậu lớn hơn anh Minh có ba tuổi thôi, có phải lớn hơn ba chục tuổi đâu.

Càng nghĩ, nước mắt Tiến lại càng ứa ra.

Tuyết lo lắng lại gần xoa đầu em, dịu dàng an ủi Tiến.

Ngọc không đành lòng nhìn cảnh đó, nên đã đưa hai chị em Tuyết vào nhà, ăn bánh uống nước chờ Tiến kể chuyện.

Chờ Tiến bình tĩnh lại, thôi không khóc nữa mới bắt đầu kể hết đầu đuôi câu chuyện cho hai chị nghe.

Tuyết rõ ràng lờ mờ đoán được chuyện em mình ấm ức đến mức bật khóc, nhưng lại không ngờ được, chuyện năm xưa cô từng trải qua, lại tiếp tục diễn ra trên người Tiến.

Tuyết cũng đã từng giống Minh, khi được bố đưa đến nhà thím Hương chơi, trông thấy con búp bê xinh đẹp của em Thu, cứ nằng nặc đòi cho bằng được, thậm chí làm rách mất chiếc váy hồng phấn của con búp bê đó.

Thu khóc, Tuyết càng gào to hơn.

Chú Tuân dỗ Tuyết trả đồ cho Thu, về chú mua cho Tuyết cái mới.

Nhưng Tuyết nào có chịu, nằng nặc nắm lấy một nửa người dưới búp bê khóc loạn.

Chú Hoàn vì hiếu khách, nạt con gái nhường lại đồ chơi cho Tuyết.

Thu không đồng ý, thím Hương lại càng nhăn mày khó chịu.

Thím bực bội chất vấn chú Hoàn:
- Anh này nói hay thế, đồ của con mà anh bắt con đưa cho người khác là sao? Nhà bác Tuân cũng làm gì đến nỗi không mua nổi cho con Tuyết đồ chơi mà anh bắt con gái mình nhường đồ cho nó?
Lời của thím Hương khiến ai cũng ngượng ngùng.

Chú Hoàn cấu nhẹ vào eo thím Hương, nhỏ nhẹ đáp lại:
- Có món đồ chơi bé tí vài chục ngàn, cho cháu nó chơi cũng có làm sao? Chơi hư thì anh mua cho con cái mới...
- Anh nhéo tôi làm gì? Mới có mấy chục ngàn đã cho dễ dàng như rứa, chứ cái đồ chơi này hẳn mấy chục triệu coi anh có dám đưa ra cho con nhà người ta phá không?

Thím Hương ngắt ngang lời chú Hoàn, chú càng nói thím lại càng bực.

Chất giọng trách móc chua ngoa của thím làm chú Hoàn muối hết cả mặt.

- Em làm gì cứ phải nói quá lên thế?
- Tôi nói còn không đúng à? Anh cho người ta món đồ chơi con anh thích nhất, rồi nó đau lòng, ghét bố nó mẹ nó.

Sau này nó ngỗ nghịch không chịu nghe lời anh lại lấy roi đánh con nó à?
- Con hư thì phải đánh chứ để nó hư mãi à?
- Con hư là tại ai? Tại thằng bố không chịu để ý đến cảm nhận của con hay tại con mẹ như tôi, hả?
- Có mỗi món đồ chơi thôi, anh dỗ Tuyết trả cháu Thu là được.

Chú thím đừng cãi nhau trước mặt con trẻ làm gì.

Chú Tuân có ý giảng hòa, thím Hương nghe rồi lại càng tức hơn nữa.

Thím chỉ thẳng tay vào mặt chú Tuân lớn giọng bất chấp vai vế họ hàng:
- Còn bác Tuân nữa, bác nói thì dễ nghe lắm.

Thế mà bác không chịu dạy con cái đàng hoàng vào, đến nhà người khác thấy đồ đẹp đồ tốt là lấy là giật cho bằng được, để rồi sau này nó ra ngoài đời đi làm quân trộm cướp! Lúc ấy bác mới sáng mắt ra đúng không?
Có biết bao câu nói nhẹ nhàng khiến con cái ngoan ngoãn nghe lời, cớ gì phải dùng đến những lời cay nghiệt trách móc? Thím Hương trách chú Hoàn không để ý đến cảm nhận của con gái mình, nhưng chính thím lại chẳng để ý đến cảm nhận của con nhà người khác.

Tiếng cãi vã to đến mức át cả tiếng gào khóc của con trẻ.

Tuyết nghe thím Hương chửi bố, chợt im bặt không khóc nổi nữa, dù nước mắt vẫn còn chảy tèm nhem trên khuôn mặt bé nhỏ.

Tuyết không hiểu nhiều về lời thím Hương nói, nhưng có cụm từ cô nghe hiểu.

"Quân trộm cướp" ba từ, mười hai chữ, cứ hằn sâu trong kí ức của Tuyết không thể nào xóa nhòa.

Thu nghe những lời không hay của mẹ mình về Tuyết, cũng bắt đầu rêu rao Tuyết là kẻ trộm.

Từ họ hàng đến người quen thuộc, mất thứ đồ gì đó đều tìm đến Tuyết để hỏi.

Đến cả lần Tuyết theo bố mẹ đến nhà bác Tài ăn giỗ ông nội, cô Thúy không tìm thấy chiếc ví trong giường, mọi ánh mắt đều đổ dồn lên Tuyết.

- Tuyết à, nếu con có chót cầm nhầm ví của cô thì cứ nhận, tiền con lấy không sao cả, nhưng trong đó có nhiều giấy tờ, con trả ví cho cô được không?
- Con không biết ví của cô ở đâu, cũng không lấy ví của cô.
- Hôm nay cô để ví trên đầu giường trong phòng cô ấy, con vào chơi nhỡ cầm nhầm thì nói với cô, cô không trách con đâu.
- Hỡ cháu có chót lấy đồ của cô Thúy thì cứ nói đi cháu.

Rồi nói cháu lấy tiền xong ném ví ở đâu là được, để cô lấy lại giấy tờ tuần sau cô còn lên thành phố đi làm nữa cháu.
- Cháu thật sự không biết ví của cô Thúy ở đâu cả.

Dù rằng Tuyết đã khẳng định bản thân không hề lấy ví tiền của cô Thúy, nhưng họ hàng vẫn cứ mỗi người một câu, ngay cả chú Tuân dì Hằng cũng dịu dàng dỗ dành Tuyết.

Họ cũng nghĩ rằng con mình cầm nhầm, không nghĩ tới Tuyết thực sự bị oan.

Nói đến mức Tuyết tủi thân bật khóc, vẫn chẳng ai chịu tin Tuyết cả.


Để rồi thím Hương dằn mặt thêm mắm dặm muối:
- Gớm, nó đã lấy rồi còn để cho mọi người tìm được nữa à? Có khi lấy tiền đi mua đồ ăn đồ chơi hết rồi quăng luôn cái ví đi rồi ấy chứ.
- Thím Hương nói gì khó nghe thế? Cháu nó còn nhỏ mà!
Dì Hằng nghe thím Hương đột nhiên nói lời khó nghe về con gái mình như thế, chợt lên tiếng phản bác lại.

Con dì mới mười tuổi, chưa hẳn là do con dì lấy ví của cô Thúy, làm sao thím lại nói chắc nịch như thể thím nom thấy con dì trộm tiền rồi vứt ví đi như thế được?
- Nhỏ thì không trộm cắp à? Đến cả đồ chơi nó còn muốn lấy, huống hồ là tiền.
Chú Hoàn giữ thím Hương lại, bảo thím bớt nói đi vài câu.

Mọi chuyện kết thúc chẳng mấy vui vẻ khi chiếc ví không tìm thấy, Tuyết tủi thân khóc nấc.

Đến tận vài ngày sau đó, cô Thúy tìm thấy chiếc ví bị rơi kẹt vào bên dưới đệm, mới đến nhà xin lỗi Tuyết và bố mẹ Tuyết.

Không ai biết, khoảnh khắc đứng ở nhà bác Tài bị mọi người vây quanh chất vấn, Tuyết đã bị tổn thương tinh thần mất rồi.

Từ lời nói phiến diện của thím Hương lẫn sự bơ vơ lạc lõng ngay cả khi xung quanh toàn người thân họ hàng.

Cô cảm thấy chẳng có ai chịu tin tưởng cô, một người cũng chẳng có.

Đó cũng là lần cuối cùng Tuyết đến nhà những người họ hàng bên nội, cũng là lần cuối cùng Tuyết vẫn còn vui cười chào hỏi mỗi khi gặp mặt họ.

Càng nghĩ miên man, nước mắt Tuyết lại ứa ra.

Giống như cô lại trở về khi chỉ có một mình, trơ trọi giữa muôn vàn lời trách móc.

Chỉ có Ngọc ngồi đối diện hai chị em, ngây người không hiểu chuyện gì đang diễn ra cả.

Rõ ràng Tiến kể chuyện, Tuyết và Ngọc ngồi nghe.

Thế nào mà Tiến vừa dứt câu kể, Tuyết chợt ngây người đến mức bật khóc.

Tiến thấy chị mình khóc, cũng dấm dứt khóc theo.

- Sao tự dưng hai chị em lại khóc rồi? Thôi nào, tết nhất vui vẻ, ai lại đi khóc bao giờ đúng không?
Ngọc luống cuống dỗ hai chị em, mất một lúc lâu thật lâu, Tuyết mới chịu ngừng khóc.

Dù thi thoảng vẫn có tiếng nấc nghẹn ngào cất lên.

Ngọc không hỏi nguyên nhân vì sao Tuyết khóc, chỉ vội vàng đi lấy khăn lau mặt có nước ấm, vắt khô rồi đưa cho hai chị em Tuyết.

- Thôi nào, đồ chơi mất rồi để lần sau chị mua cho bộ mới nhé?
- Dạ thôi chị ạ, hồi trưa chị tốn nhiều tiền rồi ý.

Em chỉ buồn chút thôi, mai em tự mua cái khác nhỏ hơn.

Tiến lau mặt nghẹn ngào đáp lời.

Do cậu bất cẩn không giữ được đồ chơi của mình, điều này quả thật không thể trách ai được.

Cậu không dám nói chị Ngọc mua thêm cho một bộ đồ chơi mới được.

- Gớm thôi, người có bé tí thế này thì làm sao có nhiều tiền để mua đồ chơi cho được.

Cứ để tiền của nhóc mua đồ ăn mà bồi bổ cơ thể đi thôi.

Chứ nếu không có người bắt nạt chị Tuyết của nhóc thì sao nhóc đánh lại được người ta?
- Đánh không được thì em dùng đầu húc nó ngã.

Ngọc xoa đầu trêu Tiến, cậu cũng không vừa mà gân cổ cãi lại.

Người Tiến không cao lắm, còn có chút gầy.


So với đám bạn cùng lớp thì Tiến khá bé nhỏ.

Nhưng cậu có một chấp niệm bé nhỏ về Tuyết.

Dù cậu bị đánh cũng không thể để người khác bắt nạt chị Tuyết của mình được.

- Nếu đứa bắt nạt chị Tuyết của nhóc cao gấp đôi gấp ba lần nhóc thì làm sao nhóc húc ngã người ta được?
- Thì...!thì em dùng võ đánh nó.
- Chứ Tiến có biết võ không mà đòi dùng võ đánh?
- Qua năm em sẽ đi học, đứa nào trêu chị Tuyết thì em đánh đứa đó.
- Thế thì nhóc phải cố gắng lên nhá.

Cố gắng để đánh được chị.
- Sao em lại phải đánh chị?
- Thì chị trêu Tuyết của chị đó, nhờ Tuyết nhờ?
Ngọc trêu, Tuyết bật cười khe khẽ.

Ngọc đúng là lắm trò trêu trẻ con thật luôn ấy.

Tiến khi nãy còn đang đau lòng vì mất đồ chơi, giờ đã bừng bừng khí thế đòi lôi kéo Tuyết về nhà xin bố mẹ ra Tết cho cu cậu đi học võ ngay rồi.

Đến cả Tuyết cũng phải bật cười, bảo Tiến chào Ngọc rồi hai chị em cùng về.

Mùng ba Tết, Ngọc có hẹn đi chơi cùng đám bạn ở lớp.

Đến chúc tết nhà cô chủ nhiệm.

Ở nhà cô ăn uống no say còn chưa đủ, cả đám lại rủ nhau đi đền Bà Triệu.

Vô tình thế nào, Ngọc chợt thấy sạp bán đồ chơi, đồ lưu niệm bằng trò ném phi tiêu làm vỡ bóng trước cổng đền.

Trong đám đồ chơi đó, có một bộ mô hình lắp ghép khá lớn, nom có vẻ giống với bộ trước đó Ngọc lấy giúp Tiến.

Ngọc lại dừng chân bên sạp, mua một lốc phi tiêu dự định lấy đồ chơi cho Tiến.

Mấy đứa bạn thấy Ngọc chợt dừng lại chơi ném bóng, cũng xúm lại hóng hớt.

Thậm chí còn trêu Ngọc:
- Làm sao lại có nhã hứng chơi mấy trò đốt tiền này thế Ngọc?
- Chắc tiền nhiều quá không có chỗ tiêu, ha ha.
- Thế để Hà tiêu hộ cho này Ngọc ơi.

Tốn tiền vô mấy cái này làm gì?
Mỗi người chen vào một câu trêu Ngọc thế thôi, thấy Ngọc chơi vui quá cũng bỏ tiền mua phi tiêu để ném.

Mục tiêu của Ngọc đương nhiên là bộ lắp ghép mô hình, thế nên Ngọc rất cố gắng tập trung ném, bỏ mặc lời trêu chọc của đám bạn.

Có điều chẳng hiểu sao đến quả cuối cùng đều cắm thẳng lên giá gỗ hoặc kẹt phải kẽ hở của bóng và giá gỗ.

Ngọc tức đến nỗi không nói nên lời.

Nãy giờ chỉ có thể lấy được vài con gấu, Ngọc nhét hết cho mấy bạn nữ.

Quyết tâm ném lần này phải được.

Khi ném đến quả thứ năm, có một bàn tay đưa qua cầm lấy hết phi tiêu trên tay Ngọc.

- Ngọc muốn lấy gì thì nói đi, Hiếu ném cho Ngọc..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui