Giải Ngải Ký 4 - Quỷ Án

Vừa nói Xuân vừa cúi xuống nhặt một viên gạch vỡ dưới chân, ánh mắt dán vào Đại Ca, nét mặt lộ ra sát khí, dứt lời y bất ngờ vung tay ném viên gạch đi, nghe vút một tiếng, nhắm thẳng đầu Đại Ca mà bay đến. Đồng thời có một bóng đen lập tức lao theo viên gạch, một trước một sau áp sát đối phương. Mắt thấy viên gạch to bằng nắm tay ập tới, dù trước đó đã có chuẩn bị, nhưng Đại Ca vẫn không theo kịp ý định của Xuân, anh nghiêng người tránh cú ném trực diện, không ổn, viên gạch chỉ là để tung hỏa mù, cùng lúc bên tai anh liền nghe thấy tiếng kình phong đánh đến. Tức thì Đại Ca đưa tay lên đỡ, hự một tiếng, toàn thân anh chấn động, lực ra đòn quả nhiên rất mạnh, đủ sức khiến cho Đại Ca phải giật lùi mấy bước.

Có sát khí! Còn chưa đứng vững, bên trái lại có tập kích, ánh kim vung tới trước mặt Đại Ca, sát khí từ lưỡi dao tỏa ra bức người. Không kịp tránh né, Đại Ca trực tiếp chộp lấy tay đối phương, toan cướp lấy con dao, nhưng chỉ trong tích tắc vai anh đã đau nhói, bị trúng một đòn bắt buộc Đại Ca phải buông tay. Vừa rồi anh mới rời mắt đi nửa giây mà Sơn đã lập tức áp sát, y tung cước đạp vào bả vai của Đại Ca, khiến cho anh không thể động thủ với Xuân, đồng thời phải lùi về thủ thế. Chưa dừng lại, Sơn không để Đại Ca có cơ hội phản ứng, y liên tiếp đánh tới, đòn nào cũng dùng toàn lực, Đại Ca tránh được hai chiêu, tới chiêu thứ ba anh đã vào được thế, ngay lập tức anh tóm lấy tay y, muốn dùng một đòn đấm móc để chiếm lại thế thượng phong.

Không đúng! Sơn hoàn toàn bình tĩnh, cảm giác như y theo kịp được hết các chiêu thức mà Đại Ca định dùng, hai con mắt thản nhiên thâu lại từng động tác của đối phương, tới một chút biểu cảm dao động cũng không có, đánh với y có phần giống như đánh với một cỗ máy, ra đòn hiểm hóc nhưng không hề có sát khí. Vừa thấy tay mình bị giữ trụ, Sơn lập tức dùng tay còn lại chộp lấy cổ Đại Ca, ba ngón tay móc vào hầu kết, y bấm mạnh một cái, Đại Ca nhất thời bị động liền nới lỏng bàn tay, có sơ hở! Sơn nhanh như chớp chộp ngược lại tay đối phương, y di chuyển mau lẹ, bẻ ngược tay anh ra sau, kết quả Đại Ca liền bị khóa chặt. Màn phủ đầu tới đâ là kết thúc, Xuân tung hứng con dao trong tay, ngay lập tức xông tới trước mặt Đại Ca, biểu cảm tràn đầy đắc ý, y cười dài một tiếng, con dao cắt xuống một đường.

Xoẹttttt

“Sao lại có thể đẻ ra cái dạng quái thai như mày nhỉ?”

“Ai mà thèm chứa cái loại như mày, thằng bố mày còn phải vứt mày cho tao để đi lấy vợ mới kia kìa, đúng là thứ của nợ!”

“Đi! Đi ra ngoài kia! Cút ngay không tao đập chết mày bây giờ! Chỗ con tao chơi mày ra đây làm gì? Cút!”

Từ lúc biết nghĩ, Xuân chỉ toàn nghe thấy những lời như vậy xung quanh mình. Hình như y không có mẹ, hoặc là có nhưng đã chết, y có bố, nhưng không nhớ mặt người đó như thế nào, và trước giờ bên cạnh y luôn có một người, mặt mũi giống y như đúc, lớn lên cùng với y. Ngày ấy Xuân không có khái niệm rõ ràng về người anh em song sinh của mình, y chỉ cảm thấy đó là một thứ “Của nợ” Giống như trong lời người dì đang nuôi dưỡng y vẫn nói. Nó gây ồn ào mọi lúc, nó thích thú với những thứ đồ chơi của đứa con dì, nó còn đòi được bế bồng, trong khi Xuân thì ngược lại, y im lặng và không đụng chạm tới bất cứ thứ gì không phải là của mình, thứ mà Xuân cảm thấy hứng thú nhất, chính là ngồi nhìn bản sao của mình.


Năm ấy có một sản phụ sinh khó, cô ta mang thai đôi, sau bảy giờ vật lộn mới sinh được đứa đầu lành lặn, tới đứa sau thì sản phụ kiệt sức ngất đi, người ta phải mổ để lấy đứa bé ra, còn tưởng nó chết ngạt rồi, may sao bác sĩ đỡ đẻ lại là người có kinh nghiệm, đứa bé cuối cùng cũng được cứu sống. Có điều sản phụ lại chết vì băng huyết sau sinh ba ngày. Đứa trẻ mà cô ta đánh đổi mạng sống để sinh ra, ấy vậy mà lại mắc chứng tự kỷ, lớn lên không biết nói, đầu óc thì ngây ngô. Người chồng của sản phụ đã nuôi hai đứa con song sinh trong bốn năm, một ngày ông ta quyết định đi bước nữa và không muốn đứa con bệnh tật trở thành gánh nặng cho người vợ mới, nên hai đứa trẻ liền được chuyển sang ở nhà dì ruột, với điều kiện phải trợ cấp đầy đủ tiền sinh hoạt và thuốc men cho hai đứa hàng tháng.

Dường như tất cả tinh khôn trong lần mang thai đó đều đã dồn vào Xuân, y có nhận thức từ rất sớm, giữa hoàn cảnh thiếu vắng sự bồi đắp tình cảm của mẹ, và sự thờ ơ của bố, con người y lớn lên như cỏ dại, do đó đối với bất kỳ điều gì xung quanh y đều không cảm thấy có liên quan. Vì môi trường đầu đời của một đứa trẻ là gia đình, thông thường thì chúng cần khoảng chục năm để tiếp thu và nhân biết những sự vật hiện tượng xung quanh, nhưng đối với Xuân thì quá trình đó chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, hiểu đơn giản thì y là một dạng giống như thần đồng. Cụ thể là Xuân rất nhanh đã biết tự chăm sóc mình, y nhận thức được nhu cầu của bản thân là gì và làm thế nào để giải quyết các nhu cầu đó, ví dụ đói thì ăn, mệt thì ngủ, những việc phức tạp hơn thì chỉ cần quan sát người khác làm y đều có thể bắt chước được, quãng thời gian sống với bố đủ để y hoàn thiện các kỹ năng sinh tồn cơ bản đó, vì thế mà sau khi chuyển sang nhà dì ở, trong mắt y tất cả đều giống như là vô hình, hết thảy đều không đáng quan tâm. Ngay cả những sở thích thông thường của bọn trẻ con Xuân cũng không có hứng thú, y luôn giữ cho mình yên lặng, đó giống như một cái vỏ bọc tách biệt y với những người xung quanh, nhưng gần đây y phát hiện ra một điều, khiến Xuân phải chú ý chính là về đứa trẻ giống hệt y kia.

Xuân có một đứa em trai bị tự kỷ, nó tên là Sơn, nhưng dì không bao giờ gọi tên nó, mà lúc thì gọi nó là “Thằng đần”, lúc lại gọi “Thằng chó đẻ”, hoặc là “Thằng chết tiệt”, vân vân. Bất cứ việc gì Sơn làm dì đều không vừa mắt, ví dụ trong bữa ăn mỗi đứa được cho một bát mì, dì chỉ đút cho đứa con gái của dì, còn Sơn thì bỏ mặc, nó không thể dùng thành thạo thìa dĩa nên chỉ có thể bốc tay ăn, vừa nhìn thấy dì liền dùng ngay cái thìa cốc vào đầu nó, dọa nó phải cầm thìa lên ăn, hễ thấy nó cho tay vào bát là dì lại đánh nó. Đến lúc Sơn dùng thìa xúc mì, nước và mì vung vãi đầy bàn, dì liền cầm bát của nó vứt xuống đất, bắt nó ngồi dưới đấy ăn cho đỡ bẩn. Hoặc như mặc quần áo, Xuân và Sơn chỉ có vài bộ mặc lẫn lộn, dì có thể không thay quần áo cho nó cả tuần cũng được, nếu nó ỉa đùn đái dầm, dì sẵn sàng cho nó cởi truồng bất kể mùa đông hay mùa hè.

Ban đầu Xuân cảm thấy đứa trẻ này thật phiền phức, nó có ngoại hình và tuổi tác giống hệt y, nhưng tại sao những việc đơn giản như vậy nó lại không làm được? Tại sao lại thích chơi những món đồ chơi kia? Tại sao lại cứ khiến người khác phải khó chịu? Khá nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu Xuân lúc đó, y vô thức theo dõi Sơn, dần dà y cảm thấy đứa trẻ này có gì đó rất đặc biệt với mình, giống như giữa hai người có một tấm gương, y là cái bóng của nó và ngược lại, nó là cái bóng của y. Một cái bóng ngược. Tất cả những việc y làm được còn nó thì không, nhưng những cảm xúc của nó có thì y lại không có, cứ thế, Xuân tự mình dùng cái trí tuệ non nớt của bản thân khi ấy để lý giải mối dây liên hệ giữa hai người, bỏ qua điều đơn giản nhất mà không cần suy nghĩ cũng có thể nhận ra, hai người vốn dĩ là anh em ruột, dù có thế nào thì cũng sẽ hướng về nhau. Tới cùng y liền cho rằng đứa trẻ kia và y không phải hai người, vốn dĩ hai đứa là một, sự tồn tại của nó đối với y là cần thiết, vì nếu không có nó, y sẽ không còn hình phản chiếu trong tấm gương kia, đồng nghĩa với việc phải biến mất khỏi thế giới này.

Chính vì lẽ đó, Xuân liền tiếp nhận Sơn vào thế giới của mình, nhưng bằng cách nào? Xuân trước giờ chỉ đứng ngoài quan sát, thấy dì thường xuyên mắng chửi Sơn, điều này vốn không có nghĩa lý gì với y, nhưng một lần y thấy Sơn bị dì đánh, nó ngồi khóc dưới sàn, dì dọa nếu còn khóc sẽ ném nó ra đường, vì quá sợ dì nên nó trốn dưới gầm cầu thang khóc tiếp. Xuân đã qua xem nó khóc, lúc đó giống như y nhìn vào tấm gương thấy mình đang khóc, trong lòng bỗng dưng thấy buồn, và y ghét cảm giác này. Xuân liền nói với nó:

“Không được khóc.”

Gần như ngay lập tức Sơn nít bặt, nó ngửa mặt nhìn y, giờ mới thấy trán nó nổi một cục u do bị dì đánh, Xuân ấn thử vào đấy một cái, hỏi:

“Đau không?”


Tất nhiên là nó gật đầu. Chẳng hiểu sao lúc đó y cũng thấy đau, vô thức sờ lên trán mình thì không thấy có cục u nào, chỉ là cảm giác thôi nhưng y cứ ám ảnh mãi. Sau đó Xuân bắt đầu dạy dỗ Sơn, từ những việc đơn giản đến phức tạp, dù rất khó tiếp thu nhưng bù lại nó vô cùng nghe lời y, thành công đầu tiên là việc y cấm nó được khóc, dù có đau đến mấy cũng không được khóc! Qua một thời gian thì xảy ra chuyện, hôm ấy Xuân, Sơn và con gái dì đều ngồi chơi ở phòng khách, Xuân chỉ im lặng xem tivi, trong khi Sơn lại sán vào chỗ đứa trẻ kia để chơi. Con gái dì lớn hơi hai đứa một tuổi, nó khá giống mẹ, từ khuôn mặt tới tính cách, và vì giống mẹ nên nó không ưa gì Sơn.

Thấy Sơn cầm cái xe đồ chơi mới mua của nó lên xem, con bé lập tức giật lấy, nó choa chỏa mắng:

“Ai cho đồng vào đồ chơi của người ta, thằng đần, đi ra kia mà chơi, động vào là mách mẹ bây giờ!”

Sơn không nghe con bé nói, nó lại lấy món đồ chơi khác lên xem, con bé kia giằng lại, tiếp tục gào lên:

“Thằng điên, đi ra kia, ai thèm chơi với thằng điên, đây là của người ta, đi ra!”

Thấy nói mồm không ăn thua, con bé liền cầm ngay cái xe ô tô đập xuống đầu Sơn, nghe cốp cốp mấy tiếng. Xuân đang ngồi cạnh đó liền quay ra, thấy Sơn ngã ra sàn, trên trán đã rớm máu. Lần đầu tiên thấy máu cảm giác của y rất lạ, Sơn không khóc, nhưng khuôn mặt nó lộ rõ vẻ hoảng sợ, y nhìn nó run bần bật trên sàn mà trong đầu trống rỗng, đây là sợ hãi hay tức giận? Con bé kia vẫn chưa im miệng, vì thấy mẹ đánh chửi Sơn nhiều nên nó coi việc này là bình thường, thậm chí khi thấy Sơn ngã ra sàn rồi nó cũng không dừng tay, còn ném luôn cả cái xe đồ chơi vào người Sơn. Chứng kiến cảnh tượng đó Xuân bất giác ôm ngực, tim y đau quá, máu trong người y sôi sục, Xuân quờ lấy một vật trong tầm tay, y nhào tới xô ngã con bé kia, miệng nó hét lên, y lập tức dùng tay bịt lại, giây tiếp theo máu phun ra khắp người y.

Thứ mà Xuân cầm lúc đó là một con dao gọt hoa quả, y đã đâm con bé tám nhát, cho tới khi nó không còn cựa quậy nữa. Phải tới lúc cảm nhận máu nóng chảy tràn trên kẽ tay, Xuân mới nhận ra, nhưng không chút cảm xúc, y quay lại nhìn Sơn, thấy vẻ mặt nó đã bớt sợ hãi, bất giác y đưa tay quệt đi vết máu trên đầu nó, ánh mắt y thỏa mãn hơn bao giờ hết. Đúng lúc đó bên kia có tiếng bước chân vọng lại, dì đang từ trong bếp đi tới, đến cửa thì dừng lại, một tay cầm bát cháo, một tay vặn nắm cửa, bước vào nói:


- Đến giờ ăn rồi…

Phập!

Đại Ca nghiêng người né được một dao, anh chộp lấy tay Xuân, nhanh như chớp bẻ ngược ra sau, không nghĩ tới phản thủ chuyển dao, vừa vòng ra phía sau y liền thấy lưỡi dao đâm tới. Phản xạ tức thì, Đại Ca liền buông tay, y xoay người tránh sang một bên, tạo khoảng trống cho Sơn từ phía sau tung người giáng một quyền vào giữa bụng anh, đòn đó ngay trong tầm mắt nên Đại Ca có thể hóa giải đơn giản, nhưng y thu chiêu rất nhanh, chưa đến một khắc đã giật lùi lấy đà vung chân đá vào mạng sườn anh một cú. Đại Ca kịp thời đưa tay xuống chắn, đồng thời túm gọn chân y, chưa kịp động thủ bên tai liền nghe thấy tiếng gió rít, anh lập tức ngửa người ra sau, lưỡi dao liếm qua mặt lạnh ngắt.
1

Hai người bọn chúng không đánh bừa bãi, Sơn có nhiệm vụ triệt hạ các đòn công kích của đối phương, trong khi Xuân lại chịu trách nhiệm kết liễu đối phương. Một kẻ đủ sức lực, một kẻ đủ âm hiểm, lên công về thủ hết sức linh hoạt, nếu nói tới cận chiến thì khó mà thắng được hai tên này. Nhưng đấy là người khác, còn đối với Đại Ca, chiến thuật pháo lồng này chưa đủ để chiếu tướng anh, ngoài kỹ năng còn phải có tốc độ và tầm nhìn nữa, đánh một hồi anh liền nắm được vài sơ hở của đối phương.

Thứ nhất, cả hai phối hợp với nhau theo một nhịp nhất định, người này đánh thì người kia sẽ lui và ngược lại, chỉ cần phá được nhịp độ này thì đối phương sẽ vỡ trận. Xuân vừa vung dao chém tới trước mặt Đại Ca, anh lập tức chặn lấy tay y, ngay sau đó y chuyển tay cầm dao, tiếp tục chém tới, anh liền gia tăng tốc độ, lách người né đòn đồng thời đá một cước vào kheo chân y. Đến đây là hết một nhịp, tiếp theo Sơn sẽ lao vào để giải nguy cho Xuân, không cần để ý đến y, tiếp tục nhắm vào Xuân mà đánh tới. Xuân không rút lui được, suy ra y sẽ lỡ nhịp, Sơn cùng lúc lại nhập cuộc, Đại Ca có thể lợi dụng chính y để động thủ, mắt thấy Sơn tung cước về phía mình, anh gạt Xuân qua làm bia đỡ, Sơn rất nhanh liền thu chiêu. Lúc này Xuân xoay dao hướng về phía Đại Ca mà chém xuống, anh còn nhanh hơn nữa, y chưa kịp trở tay đã lĩnh một đòn vào sau gáy, giống như có luồng điện chạy dọc sống lưng lên tận đỉnh đầu, Xuân choáng váng không đứng vững.

Đây chính là sơ hở thứ hai, vì mỗi người có một nhiệm vụ riêng nên khả năng ứng biến cũng rất hạn chế, cụ thể là Sơn sẽ không dám ra tay khi anh y còn đang trong cuộc, còn Xuân thì thân thủ không cao cường như em y, nếu chỉ có một mình Đại Ca chắc chắn hạ được y trong vòng năm chiêu. Vấn đề là sau khi đánh gục được Xuân thì tình hình rất nhanh liền thay đổi, Sơn không còn trong tầm kiểm soát, y lao vào đánh bất chấp chiến thuật, gần như là dùng gấp đôi sức lực ban đầu để công kích Đại Ca. Anh bật lùi mấy bước, tránh được ba chiêu, vừa chặn được một cước của y, chưa kịp động thủ liền thấy y mượn lực tung người giáng một đấm xuống đỉnh đầu mình.

Bốp!

“Nói! Đứa nào bày ra trò này?”


Bốp!

“Mày có nói không? Muốn thi gan với tao hả? Hai thằng chúng mày!”

Bốp!

“Chúng mày lên cơn điên dở rồi giết người, bị tống vào đây mà còn lì à, không chịu uống thuốc phải không, mở mồm ra, là đứa nào?”

Sau khi giết dì và em họ, vụ án đã dấy lên làm sóng căm phẫn trong dư luận suốt một thời gian dài, người ta đặt câu hỏi là tại sao một đứa trẻ như Xuân lại có thể ra tay tàn độc tới vậy, kết thúc điều tra, Xuân và Sơn bị chuẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, cả hai không phải đi tù nhưng bị đưa vào nhà thương điên để điều trị. Đây là khoảng thời gian lòng cốt để hình thành nhân cách của Xuân, vì từ sau khi vào đây, y phải học cách trở thành một người điên thực sự. Cuộc sống trong nhà thương điên những tưởng không có nguy cơ nào đe dọa tới hai người, nhưng đây thực chất là một vũng lầy, rơi vào thì chỉ có thể ở yên một chỗ, càng nhúc nhích thì càng lún sâu. Vì tính chất nghiêm trọng của vụ án mà cả hai bị tống vào phòng riêng, cách ly hoàn toàn trong hai năm và phải sử dụng một loại thuốc chuyên biệt để điều trị.

Cơ bản là Xuân không bị tâm thần phân liệt, thời gian đầu dùng thuốc, y cảm thấy người mệt mỏi, đầu óc mơ hồ, không được tỉnh táo, thậm chí sau một thời gian sử dụng, y còn không thể tự chủ được bản thân, suy nghĩ trì trệ lúc nhớ lúc quên. Xuân nhận ra thứ thuốc mà người ta cho y uống không phải là thuốc trị bệnh điên, mà là thuốc phá hủy não bộ, một dạng giống như hoang tưởng, mất kiểm soát, cuối cùng là phát điên. Trong trường hợp không thể dùng phương pháp thông thường để giải quyết vụ án một cách triệt để, người ta sẽ dùng đến “Bệnh điên” Để kết thúc bản án, dù người chịu án có bình thường thì qua điều trị cũng sẽ thành điên thật.

Sau đó một thời gian y không muốn uống thuốc, nhưng ở đây người ta có rất nhiều cách để ép bệnh nhân phải uống, nhẹ nhàng thì có bóp mũi, bóp miệng, nặng hơn thì chặt yết hầu, còn nếu bướng nữa thì sẽ trộn vào thức ăn. Đối với ca của Xuân và Sơn, bệnh viên không cần phải nương nhẹ, họ luôn cho rằng y không đáng được sống khi đã gây ra tội ác kinh khủng như vậy. Trước sức ép của bác sĩ y đành phải ngậm thứ thuốc độc đó trong miệng, đợi bọn họ rời đi mới nhổ ra. Không lươn lẹo được như anh mình, Sơn vẫn ngoan ngoãn nuốt số thuốc ấy, tới một đêm, nó đang ngủ và đột nhiên bị đánh thức bởi Xuân, y móc họng nó để nó nôn ra số thuốc đã uống, sau đó bảo nó từ giờ không được nuốt những thứ này, đây là thuốc độc đấy!

Quá trình diễn ra trót lọt suốt một thời gian dài, nhưng ở đây không an toàn, Xuân ngày đêm nghĩ cách ra khỏi chỗ quỷ quái này, y thao thức trong không gian tĩnh lặng bao trùm, thỉnh thoảng từ một căn phòng nào đó vọng lại một tràng cười man dại. Đoán rằng nếu mình điên thật thì sẽ không bị biệt giam nữa, Xuân học theo và thành công khi đeo lên mặt một điệu cười vô nghĩa, về sau nó liền trở thành một phần không thể tác rời của con người y, bất kể lúc nào y cũng trưng ra khuôn mặt điên dại đó. Biện pháp này quả nhiên có hiệu quả, sau một thời gian điều trị, Xuân và Sơn được kết luận là đã thuyên giảm và có thể hòa nhập cũng các bệnh nhân khác.

Nhưng trong ngày ra khỏi phòng cách ly, y tá thu dọn phòng phát hiện rất nhiều thuốc được nhét trong khe giường, có vẻ như hai người đã lâu không uống một viên thuốc nào. Cả hai ngay lập tức bị dẫn lên phòng kỷ luật, tại đây giám đốc bệnh viện đã không ngừng đánh đập để ép Xuân khai ra ai là người bày ra trò giấu thuốc, song trước sau y chỉ im lặng. Mỗi lần ông ta hỏi là một lần bàn tay to như hộ pháp giáng xuống đầu xuống mặt y, kèm theo thái độ khủng bố, ông ta không ngừng gầm lên:


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui