Liền trong hai năm,
tôi dành những ngày nghỉ phép để quẩn quanh tại mấy địa điểm đường sắt
giao nhau ở miền Nam, đầu tiên là hỏi chuyện năm mươi mốt người lớn tuổi biết chuyện, đọc hơn một triệu chữ tư liệu, cuối cùng vững tin để ngồi
viết. Những ngày ở miền Nam cho tôi hiểu thế nào là miền Nam. Cảm nhận
thiết thân của tôi là, sau khi đến miền Nam, mỗi lỗ chân lông của tôi
đều nhoẻn miệng cười, ngọt ngào hít thở, say mê hưởng thụ, đẹp tươi như
hoa, thậm chí từng chân tơ kẽ tóc rối rắm cũng trở nên sống động, tưởng
như đen hơn. Cho nên, không có gì lạ khi tôi chọn một nơi ở miền Nam để
ngồi viết, điều khó hiểu là, do thay đổi nơi ngồi viết, dẫn đến phong
cách viết của tôi cũng thay đổi theo. Tôi nhận ra, khí hậu dễ chịu làm
tôi cảm thấy đủ dũng khí và lòng kiên nhẫn vượt qua khó khăn trong lúc
viết, đồng thời làm cho câu chuyện tôi kể cũng xanh tươi như cây cỏ miền Nam. Nói thẳng ra, nhân vật chính của câu chuyện lúc này vẫn chưa xuất
hiện, nhưng sắp xuất hiện. Với một ý nghĩa nào đấy, nhân vật chính đã
xuất hiện, chẳng qua tôi chưa trông thấy, giống như chúng ta không trông thấy những hạt giống nảy mầm dưới lớp đất ẩm.
Thật ra, hai mươi ba năm trước, việc thiên tài Dung Ấu Anh sinh ra Quỷ Đầu To, không ai
tin rằng sự việc vô cùng khiếp sợ ấy còn có thêm một lần nữa. Nhưng, mấy tháng sau ngày người con gái không tên vào ở trong nhà họ Dung, lại tái hiện một phiên bản đầu to. Vì còn trẻ, tiếng kêu gào của người con gái
không tên càng vang hơn, tiếng gào cứ bay lượn trong khuôn viên thâm
nghiêm, khiến cho ánh sáng cũng phải run rẩy, thậm chí làm cho ông
trưởng họ mất trí cũng phải giật mình kinh hãi. Bà đỡ đến rồi về, về rồi đến, người trông coi hết người này đến người khác, lúc ra về trên người ai cũng nồng nặc mùi tanh của máu, máu dính đầy người, giống như một
trận đấu kiếm. Máu từ trên bàn đẻ chảy xuống đất, từ trong phòng chảy ra ngoài, chảy ra ngoài rồi vẫn còn chảy, chảy theo khe của những tấm đá
xanh, chảy ra tận bãi cỏ có trồng mấy cây mai. Hoa mai nở lẫn với cỏ, lẽ ra phải tàn, nhưng mùa đông năm ấy hoa mai nở hai lần, nghe nói vì
chúng được uống máu người. Lúc mai nở, người đàn bà không tên đã hồn
xiêu phách lạc, không biết làm oan hồn ma dại nơi nào rồi.
Tất
cả những người biết chuyện đều nói, cô gái không tên cuối cùng sinh hạ
được đứa bé quả là kì tích. Những người ấy còn nói, nếu đứa trẻ được
sinh ra, người mẹ sống, sẽ là đại kì tích, kì tích của kì tích. Có điều
kì tích của kì tích đã không thành. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, người
con gái không tên cũng buông tay khỏi thế gian. Kì tích của kì tích
không dễ gì tạo nên, trừ phi sinh mệnh không phải là máu thịt, vấn đề
không ở đấy, vấn đề ở chỗ khi mọi người rửa sạch máu trên mặt đứa bé, ai cũng kinh ngạc phát hiện, đứa bé từ đầu đến chân không một chỗ nào
không giống Quỷ Đầu To: tóc đen xù lên, giống từ cái đầu to, cái bớt
hình trăng khuyết ở mông. Sự việc đến nước này, hoá ra lời nói dối của
Lily con thành to chuyện. Một đứa bé thần bí nửa người nửa thần tiên, ai trông thấy cũng kính nể và sợ hãi, bỗng chốc trở thành con quỷ nghịch
tặc dữ tợn. Nếu bà chị dâu ông J. Lily không có chút ấn tượng nào đối
với Bàn tính đầu to, khi trông thấy đứa bé này, e rằng dù có tấm lòng từ bi kính Phật, cũng phải đem nó vứt ra bãi hoang. Nói một cách khác, vào lúc quan trọng vứt hay không vứt, cái đứa nhỏ này và hình bóng quên
mình của bà nội nó đã cứu nó, giữ nó lại trong gia đình họ Dung.
Nhưng giữ cái sinh mệnh ấy lại, thì sự tôn trọng đối với những người họ Dung
không còn, thậm chí ngay cả họ tên của nó cũng không có. Suốt một thời
gian dài, ai cũng gọi đứa nhỏ kia là Ma Chết. Một hôm, ông Tây đi qua
cửa nhà hai vợ chồng lão bộc nhận nuôi Ma Chết, lão bộc rất khách khí
mời ông Tây vào nhà, nhờ đặt cho đứa bé cái tên. Họ đều là người già sợ
chết, cảm thấy ớn lạnh khi gọi Ma Chết, tưởng như giục đòi sinh mệnh của chính họ, cho nên rất muốn đổi tên cho đứa nhỏ. Đã từng đổi tên, những
là Cún, là Miu, có thể không thiết thực, không ai gọi, không có ai gọi,
xóm giếng cứ gọi nó là Ma Chết, Ma Chết, gợi cho hai ông bà già đêm nào
cũng gặp ác mộng. Cho nên, rất bức xúc mời ông Tây đặt cho nó cái tên
khác.
Ông Tây chính là người năm xưa giải mộng cho bà cố, một
thời rất được nhà họ Dung yêu quý, nhưng không phải những người có tiền
có của yêu quý. Một hôm, ở bến tàu, ông bói cho một người chuyên buôn
trà, kết quả bị một trận đòn nhừ tử, tay chân bị gãy không nói làm gì,
ngay cả đôi mắt xanh sáng quắc cũng bị mất một con. Ông ta dựa vào cái
tay cái chân gãy và con mắt mù bò đến cửa nhà họ Dung, người nhà họ Dung với thiện tâm của vong linh bà cố, nhận ông ta, sau đấy cứ ra ra vào
vào, ở ngay trong nhà họ Dung, dựa vào hiểu biết và sự chán đời khi đã
tỉnh ngộ, ông tìm cho mình một công việc thích hợp, ấy là sửa sang đính
chính gia phả của dòng họ cao quý này. Hết năm nọ sang năm kia, cho đến
nay, chính ông là người hiểu biết ngọn ngành họ Dung hơn bất cứ người
nào của dòng họ, quá khứ, hiện tại, nam nữ, lịch sử công khai, lịch sử
bí mật, hưng vong vinh nhục, thậm chí cả sự đổi thay trong từng chi
tiết, dây mơ rễ má, tất thảy đều trong tim, trên đầu ngòi bút của ông
ta. Cho nên, Ma Chết là người nơi nào, dây nào quả nào, quả này thối hay thơm, là sáng hay tối, sang hay hèn, vinh hay nhục, người bên cạnh hay
trong mây trong mù... ông ta đều biết rõ, chính vì biết rõ, cho nên cái
tên hoặc tên hiệu đều rất khó đặt.
Ông Tây suy nghĩ, tên phải có họ, vậy họ gì? Đúng lí ra, nó phải mang họ Lâm, nhưng như vậy khác nào
lạy ông tôi ở bụi này, làm cho mọi người ghét bỏ; họ Dung, đấy là chuyện cách đời không thể được; theo họ mẹ, cô gái không tên thì lấy đâu ra
họ? Dù có cũng không thể lấy như thế, khác nào bôi gio trát trấu vào mặt nhà họ Dung, khác nào chửi thẳng vào mặt. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ mãi
cái họ không ra, đành đặt cho nó cái tên hiệu. Ông Tây nhìn cái đầu to
của nó, nó có cái đau khổ là sinh ra không cha không mẹ, là cái số tự
sinh tự diệt, chợt nghĩ ra một cái tên hiệu: Sâu Đầu To.
Sự việc truyền đến Phật đường, người tụng kinh vừa ngửi mùi hương thơm vừa suy nghĩ rồi nói:
“Đều là hung thần, nhưng Quỷ Đầu To làm cho tài nữ nhà họ Dung phải chết,
cho nên gọi là quỷ không còn gì đúng hơn, đứa nhỏ này làm chết một một
cô gái mà không biết xấu mặt, nó dám tỏ ra bất kính với Đức Phật, đúng
là tội đáng chết, là đồ trời tru đất diệt! Làm cô ta chết tức là thay
trời hành đạo, trừ ác cho con người, gọi đứa bé là quỷ có phần oan cho
nó, vậy từ nay về sau gọi nó là Sâu Đầu To, chắc chắn nó không hoá rồng
được.”
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To sống như một con sâu.
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To lớn lên như một ngọn cỏ.
Trong khuôn viên rộng lớn, chỉ có một người coi Sâu Đầu To là con người, là
một đứa bé, đó là ông Tây, một người tự do phóng khoáng đến từ bên kia
đại dương. Mỗi ngày sau khi đọc xong một bài kinh buổi sáng và nghỉ buổi trưa, vẫn thường theo con đường rải đá yên tĩnh, thả bước đến nhà vợ
chồng lão bộc, ngồi bên cạnh thằng Sâu Đầu To đang đứng trong cái thùng
gỗ, hút điếu thuốc, dùng tiếng mẹ đẻ của ông ta để kể về giấc mộng đêm
qua, hình như kể cho Sâu Đầu To nghe, thật ra chỉ một mình nghe thấy, vì Sâu Đầu To không hiểu. Có lúc, ông ta đem cho Sâu Đầu To cái chuông
hoặc thằng người bằng đất, cái tượng bằng sáp..., hình như những thứ đó
làm cho Sâu Đầu To có cảm tình với ông. Về sau, Sâu Đầu To chân tay đã
cứng cáp, có thể vung vẩy đi chơi, chỗ mà nó đến là vườn lê, nơi ông Tây sống và làm việc.
Vườn lê, đúng như tên gọi, có hai cây lê trên trăm tuổi, trong vườn còn có một cái nhà gỗ có gác xép, là nơi nhà họ
Dung cất giấu thuốc phiện và dược thảo. Một năm, một người hầu gái bỗng
mất tích, lúc đầu nghĩ cô đi theo trai, về sau phát hiện thi thể cô đã
thối rữa trong cái nhà gỗ này. Cô hầu chết không rõ nguyên nhân, nhưng
tin chết không cánh mà bay, làm cho người họ Dung ai cũng biết. Từ đấy
về sau, vườn lê trở thành nơi ma quỷ trú ngụ và âm u đáng sợ, ai nhắc
đến cũng phải biến đổi sắc mặt; trẻ con quấy khóc, người lớn đều lấy nơi này ra doạ: còn khóc nữa sẽ ném mày vào vườn lê! Ông Tây dựa vào cái
nơi làm mọi người khiếp hãi để hưởng thụ sự yên tĩnh, tự do của riêng
mình. Mùa lê nở hoa, nhìn hoa lê rực rỡ, ngửi thấy hương thơm của hoa,
ông tin rằng, đây chính là nơi mà suốt đời ông phải cực khổ, phiêu bạt
kiếm tìm. Lúc hoa lê tàn, ông nhặt những cánh hoa rơi, phơi khô, đem cất lên gác xép, như vậy quanh năm ngôi nhà lúc nào cũng ngan ngát hương
thơm của hoa, có cảm giác bốn mùa đều là xuân. Vào những lúc buồn bực,
ông còn dùng cánh hoa lê khô ngâm vào nước, uống vào thấy dễ chịu, rất
công hiệu.
Sau lần đầu Sâu Đầu To đến, ngày nào nó cũng đến đây, đến nhưng không nói chuyện, chỉ đứng dưới gốc cây lê, ánh mắt dõi theo
bóng ông Tây, nó lặng lẽ, rụt rè, giống chú nai con nhút nhát. Vì từ nhỏ phải đứng trong cái thùng gỗ, nó tập đi sớm hơn những đứa trẻ khác,
nhưng chậm nói, hơn hai tuổi, những đứa khác đã biết đọc thơ ngũ ngôn
thất luật, nó chỉ mới biết a... a... Nó chậm nói khác thường nên nhiều
người nghĩ nó bị câm bẩm sinh, nhưng rồi một hôm, ông Tây nghỉ trưa
trong lán tranh, bỗng nghe có tiếng kêu buồn đau:
“Mặt đất...”
“Mặt đất...”
“Mặt đất...”
Ông Tây lại nghe ra có người dùng tiếng mẹ đẻ để gọi tên cha của ông ta.
Ông choàng mở mắt, trông thấy Sâu Đầu To đứng bên cạnh, tay kéo áo ông,
nước mắt giàn giụa. Đấy là lần đầu tiên Sâu Đầu To gọi người, nó coi ông Tây là cha đẻ, bây giờ cha đã chết, nó khóc, khóc gọi ông dậy. Từ hôm
ấy, ông Tây đón Sâu Đầu To về ở trong vườn lê. Ông Tây ngoài tám mươi
tuổi, dựng một cây đu ngay trong vườn lê, làm tặng phẩm mừng Sâu Đầu To
tròn ba tuổi.
Sâu Đầu To sống dưới làn hoa lê bay bay rơi rụng.
Tám năm sau, cứ mỗi độ hoa lê đua nở, ông Tây ngày ngày đón những cánh hoa
nhảy múa, trong bước đi lảo đảo cố suy xét đắn đo từng cách dùng từ,
buổi tối chép lại bản thảo từ trong bụng lên trang giấy, mấy hôm sau
thành lá thư gửi cho ông Lily con, con trai ông John Lily, đang trên
tỉnh. Lá thư để trong ngăn kéo hơn một năm, cho đến khi ông cảm thấy
mình không còn sống được bao lâu nữa, mới lấy ra, đề thêm ngày tháng,
sai Sâu Đầu To đưa ra trạm bưu điện. Bởi chiến tranh, ông Liiy con không có chỗ ở cố định, đi về không quy luật, mãi mấy hôm sau mới nhận được
thư. Lá thư viết:
Thưa ông Hiệu trưởng tôn kính,
Kính chúc ông mạnh khỏe, bình an!
Không biết tôi gửi thư cho ông có phải là sai lầm cuối cùng trong cuộc đời cổ hủ, ngu dốt của tôi? Bởi sợ hãi là một sai lầm, bởi cũng muốn sống thêm với Sâu Đầu To một ngày, cho nên viết xong thư này tôi không gửi ngay.
Thư gửi vào trước đêm lâm chung của tôi, tuy như vậy là sai lầm, nhưng
cũng may mắn tránh được những lời quở trách. Với đặc quyền của linh hồn, tôi từ chối mọi lời quở trách của thế gian, bởi sống ở thế gian này tôi đã phải nhận quá nhiều lời quở trách nặng nề. Đồng thời với linh hồn,
tôi quan sát những ánh mắt của thế gian nhìn xem ông đã coi trọng lời lẽ trong lá thư này ở mức độ nào, thậm chí cả việc thực hiện. Ở một mức độ nào đấy, cũng có thể coi bức thư này là di chúc của tôi, tôi đã sống
trên mảnh đất người ma lẫn lộn gần một thế kỉ, tôi biết ông rất cung
kính người đã chết cũng giống như khắc nghiệt với người còn sống, khiến
mọi người phải thán phục. Cho nên, tôi tin rằng ông không làm ngược lại
di nguyện của tôi.
Tôi chỉ có một di nguyện là, với Sâu Đầu To,
những năm gần đây, trên thực tế tôi là người trông coi nó, mà tiếng
chuông tận thế cận kề nói với tôi, thời gian tôi trông coi nó đã nhiều,
nay cần có người khác trông coi nó. Tôi cầu xin ông hãy là người trông
coi nó từ nay về sau. Tôi nghĩ, ông có ba lí do để làm người trông coi
nó:
1. Bởi thiện tâm và dũng khí của ông và của thân sinh ra ông, nó mới có may mắn đến với thế gian;
2. Dù thế nào đi nữa thì nó cũng là hậu duệ của dòng họ Dung, cụ cố của nó đã từng là người mà thân sinh của ông quý nhất đời;
3. Đứa nhỏ này cực kì thông minh. Những năm gần đây tôi như phát hiện một
miền đất lạ, từng tí một bị trí tuệ thần bí như giấc mơ trên con người
nó làm tôi phải kinh ngạc. Ngoại trừ tính cô đơn và lạnh lùng, tôi cho
rằng nó không khác gì bà nội của nó, hai người rất giống nhau, thông
minh hơn người, năng lực phân tích lí giải rất cao, tính cách trầm tĩnh. Ác-si-mét nói, nếu cho một điểm tựa, nó có thể làm xoay chuyển quả đất. Tôi tin nó là một người như thế. Nhưng bây giờ nó đang rất cần chúng
ta, vì nó mới mười hai tuổi.
Thưa ông, hãy tin lời tôi, cho nó
rời khỏi nơi này, đưa nó về sống bên cạnh ông, nó cần đến ông, cần tình
yêu thương, cần sự giáo dục, thậm chí cần ông cho nó một cái tên.
Cầu xin!
Cầu xin!
Lời cầu xin của một người sống!
Cũng là lời cầu xin của một vong linh!
R. J. - Người sắp chết.
Thị trấn Đồng, ngày 8 tháng 6 năm 1944
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...