Bùi Tuấn đón bức họa, rồi nhẹ nhàng đóng cửa rời đi. Trước khi hắn ịp bước chân ra khỏi cửa, đột nhiên Thanh Nguyên gọi hắn lại, và ngập ngừng hỏi
"Tôi mới nghe tin phụ thân huynh vừa tạ thế, sao huynh không về thăm nhà? Một trong ba tội lớn của con người là bất hiếu, nếu không về e là huynh sẽ hối hận cả đời."
Bùi Tuấn tỏ ra hơi sửng sốt, rồi cười buồn đáp
"Từ lức bước chân vào ngục thì ta đã không còn là nhi tử của họ nữa. Có về cũng chẳng được để tang, chỉ làm liên lụy họ thêm thôi."
Lúc này Thanh Nguyên mới nhớ lại thân phận tử tù của y. Tông đế chỉ lén phóng thích ý chứ không hề xóa tội, trên danh nghĩa, y vẫn đang bị triều đình tróc nã .
Thanh Nguyên ra chiều nghĩ ngợi chốc lát rồi phất tay bảo y lui ra.
Cô lôi chiếc gối từ dưới gầm giường ra, nhét lớp lông thú lót lên lớp hoa oải hương khố rồi ngồi khâu nốt những đường chỉ cuối cùng. Xong, lại cẩn thận đặt vào chiếc hộp mạ vàng.
Cô nhìn sắc thấy vẫn còn sớm, bèn đích thân đi xuống trù phòng (nhà bếp).
Thanh Nguyên vốn quen ăn uống đạm bạc, trong phủ lại chỉ có cô với đám Lương Quan, nên dù mang danh phủ thượng thư, nhưng phòng bếp chỉ có vài đầu bếp.
Lúc này, mùi khói, mùi thức ăn, tiếng kêu của gia súc rộn ngập khắp bếp, ai nấy đều bận mỏi tay nên chẳng mấy ai chú ý vị chủ nhân thượng thư đang đứng trước cửa bếp.
Thanh Nguyên đằng hắng một tiếng, cả đám đầu bếp mới quay lại nhìn, thấy người đến là Thanh Nguyên thì đều hốt hoảng vội quỳ xuống hành lễ. Thanh Nguyên phất tay bảo mọi người lui hết, chỉ giữ lại một lão đầu bếp già.
Thanh Nguyên xắn tay áo lên, vừa bảo lão đầu bếp chuẩn bị hạ trùng thảo, vừa tự tay làm sạch chim cút, rồi đun trong nước sôi. Sau lại nhét đông trùng thảo vào bụng chim, cô định nhét thêm nắm ớt vào, nhưng sực nhớ khẩu vị của Tông đế vốn đạm nhạt, bèn khâu bụng chim lại, không nêm thêm gia vị gì nữa. Cuối cùng, ninh chim cút trong nước luộc gà.
Lão đầu bếp trố mắt nhìn từng động tác khéo léo, tỉ mỉ của cô, trong lòng thán phục không thôi.
Tiếp đó, cô lệnh cho lão đầu bếp làm sạch cà rốt, còn bản thân thì bận rộn thái thịt dê. Xong, lại ướp thịt dê với gừng tươi, rồi lại xào lên. Cô quay sang bảo đầu bếp tìm ít rượu Đông Bảo, rồi trút cả bình rượu vào nấu đến khi chín mềm. Sau đó lại cho vào nồi đất cùng vỏ quýt và ba chén nước, nấu với lửa lớn đến sôi thì hạ nhỏ lửa, nấu đến khi thật nhừ.
Món thịt dê chưa xong, cô lại quay sang dùng bách hợp, long nhãn, tây dương sâm, đại táo, định bụng thêm chút đường phèn, nhưng lại sợ không hợp khẩu vị của y, bèn đổi thành ít mật ong, sắc lấy nước uống. Sắc xong lại đem chén nước ngâm trong nước giếng lạnh.
Sau đó cô lại quay sang bảo đầu bếp chuẩn bị gạo đen đề nấu cơm.
Lão đầu bếp ngạc nhiên bảo gạo đen là loại gạo rẻ tiền dành cho dân đen, chỉ dùng để nấu cơm cho bọn nha hoàn, nô tài.
Thanh Nguyên mặc kệ lời can ngăn của lão, cô rửa gạo thật sạch, thêm vào chút nếp cho thơm, rồi vo gạo nhiều lần, xóc với muối và nước cốt gừng tươi. Sau đó lại dùng mỡ gà phi thơm với hành, đến khi hạt gạo từ trắng đục chuyển sang trắng trong thì đem nấu với nước luộc gà.
Vừa nấu xong không bao lâu, đã có người trong cung đến truyền triệu thượng thư đại nhân vào điện nghị sự. Thanh Nguyên xếp các món ăn vaò trong lồng, để một phần lại cho bọn Lương Quan, rồi tất tả tiến cung.
Dù bên ngoài kinh thành có chiến loạn thế nào, thì phía sau cánh cửa cung vẫn là một khung cảnh thanh bình, thơ mộng.
Vầng dương ấm áp soi sáng khắp gian điện Hòa Ái, ánh nắng ban chiều như những hạt bụi li ti nhảy nhót trên vai Tông đế, khiến cả người y như tỏa sáng. Ngòi bút trên tay y uyển chuyển như múa lượn trên quyển tấu sớ.
Thanh Nguyên quỳ xuống hành lễ. Lúc này y mới ngẩng đầu lên, hỏi
"Khanh đã tìm được thợ tạc tượng chưa?"
"Bẩm, đã ổn thỏa rồi ạ. trước ngày duyệt quân có thể đại công cáo thành. Nhưng thần đang lo không biết làm sao mới có thể tráo bức tượng một cách thần không biết quỷ không hay."
Tông đế tỏ ra thần bí cười bảo
"Muốn tráo đổi một bức tượng cao hơn trượng (3.33 m) mà không để ai hay biết thì khác nào bảo Tư Mã Thiên lấy vợ sinh con ( Tư Mã Thiên được tôn là Sử thánh của dân tộc Trung Hoa, là một vị "hoạn quan".)Nếu đã không giữ bí mật được thì cần chi tốn sức, cứ công khai mà tráo. Biết đâu như thế, lại càng hợp ý trời hơn"
Thanh Nguyên đứng ngẫm một lúc, bèn ngộ ra "hợp ý trời" trong câu nói của y mang nghĩa gì. Trong lòng thầm than, so với tâm cơ của người này, chút thông minh cỏn con của cô vốn không đáng là gì.
Đột nhiên y day day huyệt thái dương, mày nhíu mắt nhắm tỏ vẻ khó chịu.
Thanh Nguyên bèn nhân cơ hội quỳ xuống thưa ngay
"Bẩm thánh thượng, thần có đem theo vài món dược thiện trong phủ để bồi bổ long thể, xin được dâng lên ngự dụng."
Tông đế mỉm cười, giọng nói ôn hòa bảo
"Lần trước nhờ ngón nghề bấm huyệt vị của khanh mà bệnh đau đầu của trẫm đã được đẩy lùi chút ít, nhưng dạo này không hiểu sao lại tiếp tục tái phát, khiến trẫm không thể ngủ ngon, thái y sắc rất nhiều vị thuốc, nhưng đau vẫn hoàn đau. Nếu dược thiện của khanh có thể hơn đứt đám lão thái ý đấy, trẫm sẽ ban thưởng."
Vồn là thái giám thân cận của Tông đế, nên khi y vừa dứt lời A Thuận bèn hiểu ngay ý vua, một mặt hắn lệnh cung nữ chuẩn bị nước ấm, một bên đón lấy lồng thức ăn trong tay Thanh Nguyên, dọn từng món lên bàn, rồi lấy châm thử độc từng miếng một.
Thanh Nguyên đón chậu nước nóng rồi ngồi phủ phục dưới chân Tông đế. Cô vừa thận trọng tháo long hài (giày của vua) giúp ý vừa nói
"Sở dĩ căn bệnh đau đầu của hoàng thượng thường xuyên bị tái phát là do khí hậu thay đổi đột ngột. Căn bệnh này vốn không có cách trị dứt điểm, chỉ có thể tìm cách giảm đau, nên không thể quy tội thái y tắc trách."
Cô bấm mạnh vào huyệt Thông Tuyền dưới gan bàn chân y, kết hợp với dòng nước ấm dưới chân khiến cơn đau đầu của y như giảm hẳn.
Sau đó, cô cầm bàn tay y lên, day mạnh vào huyệt Hợp Cốc nằm trên mu bàn tay, lại lần lượt bấm các huyệt thái dương, ấn đường, phong trì, những huyệt vị gây đau đầu. Ngón tay mềm mại mát lạnh của cô nhẹ nhàng lướt trên da thịt, khiến y cảm thấy không thoải mái dù cơn đau đầu đã lùi dần.
A Thuận xẻ chim cút ra rồi gắp một miếng bỏ vào trong bát vàng của y, Thanh Nguyên đừng một bên diễn giải
"Hòang thượng, thịt chim cút có vị ngọt tính bình, bổ ngũ tạng, thông lợi thấp nhiệt, kết hợp đông trùng hạ thảo có thể điều trị bệnh ho suyễn."
Tông đế hài lòng tán thưởng.
"Thịt mềm mà không ngấy, không nồng, mùi thảo dược thơm mà không đắng."
A Thuận lại gắp thêm một miếng thịt dê, ngay khi vừa ngửi được mùi rượu Đông Bảo thơm nồng tỏa ra , A Thuận đã thầm giật mình. Ngoài các đầu bếp trong Ngự Thiện phòng và bản thân hắn ra thì hầu như không ai biết Tông đế mê rượu Đông Bảo.
Tông đế khoan khoái bỏ thịt vào miệng, rồi nói
"Có mùi rượu Đông Bảo. Chắc cũng phải ủ trên năm năm rồi mới có vị thơm nồng như vậy."
"Bẩm, món dược thiện này gồm thịt dê ninh với rượu và vỏ quýt, không những bổ huyết, ấm tỳ vị, trừ được phong hàn, mà còn có thể trị bệnh đau đầu gối mỗi khi trời trở lạnh của người."
A Thuận phóng một cái nhìn nhiều ẩn ý về phía Thanh Nguyên, trong khi tay vẫn tiếp tục mở cái hộp nhỏ nằm riêng biệt trong hộp thức ăn. Khi thấy bên trong là một chén cơm nấu từ gạo đen, bèn tức giận nói
"Trần đại nhân, sao người có thể phạm thượng đến thế? Dám đem cả thứ gạo hạ đẳng này nấu thành cơm dâng cho vua sao? Ngài thật to gan."
Tông đế im lặng nhìn y, không hề động đũa.
"Hoàng thượng, sở dĩ dân ta không thích dùng gạo đen nấu cơm là bởi màu đen đại diện cho sự xui rủi. Nhưng thực tế, loại gạo này này chính là một bài thuốc tốt để trị chứng run tay, hen suyễn, ăn không tiêu."
Tông đế suy nghĩ một hồi, rồi cũng cầm đũa lên thử một ít. Cơm chưa vào miệng đã nghe mùi thơm nức mũi.
"Cơm vừa thơm vừa mềm dẻo, không khô như cơm trắng trong cung. Kể từ khi Lưu tổng quản chết đi, lâu lắm rồi trẫm mới được ăn một bữa ngon miệng như vậy, xem ra Ngự Thiện phòng của trẫm còn không bằng phòng bếp của phủ Thượng thư."
Thanh Nguyên khiếm tốn đáp
"Theo thần, các món ăn do Ngự thiện phòng làm ra đều là những cao lương mỹ vị tuyệt hảo trên đời, chẳng qua vì người đã ăn nhiều quá nên ngấy thôi."
Nói xong, cô lại nhúng mảnh khăn vào chậu nước giếng lạnh, rồi nhỏ vài giọt nước cốt chắt ra từ lá bạc hà lên đấy, rồi đắp mảnh khăn vào cổ y.
Tông đế buông quyển tấu sớ xuống, thoải mái tựa người về sau, Thanh Nguyên ngồi xổm dưới chân y, dùng một mảnh khăn khác đắp vào chân y, cẩn thận lau từng ngón chân.
Từ nhỏ long thể của y vốn yếu ớt, lúc nào cũng phải làm bạn với thuốc thang. Mỗi khi trái gió trở trời tay chân y đau nhức đến mức có lúc tưởng như không thể cử động được, nhưng rồi y cũng phải tập quen dần. Bởi những trách nhiệm phải gánh trên vai không cho phép y nhu nhược. Vì thế dù tứ chi co rút đau đớn thế nào, y vẫn phải giả vờ bình tĩnh hạ lệnh sắc thuốc rồi tiếp tục phê duyệt tấu chương. Y chịu đựng tốt đến mức những người xung quanh cũng quên mất vị quân vương của họ vốn mang thể chất yếu ớt lắm bệnh.
Hình như đã lâu lắm rồi mới có cảm giác thả lỏng thoải mái như thế này, không, phải nói là đã lâu lắm rồi mới có người ân cần quan tâm y đến vậy. Y nghiêng đầu nhìn bóng người nhỏ nhắn đang chuyên chú lau từng ngón chân dưới gối y.
Lông mi của cô hắt thành cái bóng như cánh quạt xòe trên gương mặt, che khuất cả nét dịu dàng ân cần trong mắt, hình ảnh ấy rung động đến mức khiến y chỉ muốn giơ tay chạm vào hàng mi rậm ấy.
Và y đã giơ tay ra thật, nhưng ngay khoảnh khắc ấy, giọng nói A Thuận đã kịp kéo y về hiện thực
"Trần đại nhân là người cao quý, những việc như vậy hãy để bọn nô tài làm."
Tông đế vội rút tay lại, Thanh Nguyên cũng tự hiểu hành vi của mình hơi quá phận bèn đứng dậy cười đáp
"Vậy đành nhờ công công vậy."
Hai cung nữ nhanh nhẹn ngồi xuống đón lấy khăn lau thay cô.
A Thuận nhanh tay đổ bát thuốc trong hộp thức ăn vào chén vàng, thử độc cẩn thận rồi mới dâng lên Tông đế.
Vị ngọt dịu của mật ong át mất vị đắng của các loại thảo dược, nhưng không làm mất vị thơm của chúng. Bát thuốc lạnh như đang vuốt ve cổ họng khô khan, khiến giọng nói của y trở nên mềm mại, dịu dàng
"Lần đầu tiên trẫm uống thuốc mà không cần dùng thêm điểm tâm ngọt. Khanh đã bỏ gì vào vậy?"
"Bẩm, thần thêm chút mật ong cho bớt đắng. Sở dĩ hoàng thượng thường xuyên mất ngủ là do bề bộn trăm sự, lúc nào cũng lo toan việc nước khiến tinh thần bất an, không thể ngủ ngon. Thuốc này có tác dụng trấn kinh, an thần, thông tâm thận, mỗi ngày dùng hai lần sẽ giúp người được an giấc."
Nói đoạn, cô lại lôi chiếc gối trong hộp ra, nói
"Chiếc gối này được lót bàng hoa oải hương khô, y thư cổ có ghi lại rằng mùi hoa oải hương có tác dụng khắc chế bệnh đau đầu, xin hoàng thượng ngự lãm."
Tông đế ôm chiếc gối vào lòng, chẳng những mềm mại, mà còn tỏa mùi thơm dịu nhẹ, ôm rất vừa tay.
"Sao khanh không thêu gì đó lên mặt gối?" y hỏi.
"Bẩm, thần thấy hoàng thượng thường hay nổi mẩn đổ ở cổ, e là do chỉ thêu của gối quá thô khiến long thể trầy xước nên không dám ạ."
Nghe xong, A Thuận giật mình lén nhìn ra phía sau tai y, phát hiện trên vành tai và sau cổ có vài vết đỏ do cạ xước gây ra, hắn bèn cả kinh vội quỳ xuống dập đầu nhận tội
"Nô tài có tội, nô tài có tội."
Tông đế mặc kệ A Thuận vẫn đang liên tục dập đầu, thở dài một cách tiếc nuối và bảo
"Nếu khanh chỉ là một dân đen bình thường, trẫm nhất định sẽ ra lệnh hoạn khanh rồi bắt vào cung hầu hạ bên trẫm."
"Cho dù thân có tại cung cấm hay không thần vẫn luôn là nô tài của thánh thượng. Người có thể tùy ý sai bảo."
Dù biết những lời này có nhiều phần giả ý nịnh nọt, nhưng khóe môi y vẫn không tự chủ được cong lên thành một nụ cười nhẹ.
'"Lúc nãy trẫm có hứa sẽ ban thưởng cho khanh. Vậy, khanh muốn được thưởng gì?"
Thanh Nguyên chỉ đợi khoảnh khắc này, bèn vui mừng lên tiếng
"Bẩm, thần muốn được khôi phục thân phận cho Bùi Tuấn."
Tông đế nhíu mày, giọng nói trầm hẳn.
"Bùi Tuấn? Có phải là gả nhị thủ linh của lũ sơn tặc ở Phong thành? Hắn là một tử tù tội ác tày trời, lén thả hắn đi đã quá phận rồi, nay lại còn được voi đòi tiên, muốn khôi phục thân phận ư?"
Thanh Nguyên quỳ xuống dập đầu thong thả đáp
"Bẩm thánh thượng, tuy từng là nhị thủ lĩnh, nhưng Bùi Tuấn chỉ đứng sau bày kế cướp của chứ chưa từng giết một mạng người nào. Hơn nữa, trong một năm nay, hắn đã cải tà quy thuận, hành thiện tích đức, tất cả những công lao trước giờ của thần đều có một phần công của hắn. Thần thân cô thế cô cũng chẳng có tâm nguyện gì, chỉ có lúc trước đã từng hứa sẽ giúp hắn đường hoàng làm người một lần nữa. Một đại trượng phu không thể giữ lời hứa thì súc sinh cũng không bằng. Xin hoàng thượng suy xét, thần nguyện lấy công lao, bổng lộc của bản thân để được giữ trọn lời."
Tông đế gõ gõ ngón tay lên mặt bàn, trong lòng suy tính một lúc, ngẫm nghĩ thấy một tên Bùi Tuấn nho nhỏ cũng không thể gây nên phong ba gì, nhưng chẳng hiểu sao lại cảm thấy tức giận một cách khó hiểu. Giống như bị người khác tạt một gáo nước lạnh vào mặt. Y đã tưởng rằng người này thật lòng quan tâm y, nhưng hóa ra hắn cũng chẳng khác những kẻ giả dối xung quanh y.
"Ý của khanh là nếu không đáp ứng khanh thì trẫm sẽ thành một kẻ súc sinh cũng không bằng ư?"
Thanh Nguyên hoảng hốt đáp ngay
"Thần không dám."
Tông đế tỏ ra bực bội phất tay bảo
"Quân vô hý ngôn, trẫm đã nói được thì sẽ làm được. Chốc nữa hãy cầm chiếu chỉ của trẫm đến Hình bộ. Tưởng rằng thế nào, hóa ra là "Hồng Môn yến", xem ra sau này trẫm không thể hành ngôn bừa bãi trước mặt khanh. Lui đi."
Thanh Nguyên sững sờ nhin y một lúc, rồi mới thoái lui.
Sau khi người lui mất, y lơ đãng liếc mắt nhìn về phía góc phòng, thấy A Thuận vẫn không ngừng dập đầu nhận tội, bèn cười khổ bảo
"Xem ra người duy nhất quan tâm trẫm mà không ganh đua thiệt hơn vẫn chí có mình ngươi."
Những ngày này, Chung quốc như đang nằm trong chảo dầu sôi.
Ngày hôm trước triều đình ban chỉ cho phép dân chúng cùng tham dự buổi lễ duyệt quân tế trời, thì ngày hôm sau bức tượng Thủy Thần đã đặt trong Văn Miếu hàng trăm năm nay bỗng nhiên bị sét đánh vỡ.
Tông đế hối hả ra lệnh Trần thượng thư tạc ngay bức tượng khác để kịp lễ tế trời. Dân chúng cho rằng đấy là điềm gở, báo hiệu trời muốn diệt nhà Chung, thế nên tình thế vốn đã loạn nay càng loạn, số người bán tháo của cải chuẩn bị bỏ trốn ngày càng nhiều, giá lương thực đã tăng nay lại càng tăng.
Sau đó lại xuất hiện tin đồn kháo rằng do Tông đế chọc giận Thủy thần nên mới gây nên họa sát thân. Lúc đầu chỉ có một số người lén bàn tán, rồi chẳng hiểu sao lại lan khắp kinh thành. Các học trò trong Quốc tử giám liên hợp cùng nhóm văn thân nghĩa sĩ dâng sớ vạch trần mười tội lớn khiến Thủy thần nổi giận của Tông đế, đồng thời cầu y nhường ngôi lại cho Bình vương để dân chúng tránh được thiên kiếp.
Tông đế giận đến xanh mặt, ném thẳng quyển sớ vào mặt Trần thượng thư, mắng hắn là tên cẩu nô tài chỉ biết nịnh nọt, tự ình giỏi, bày ra thứ hạ sách phản tác dụng. Trần thượng thư không dám phản biện một lời, run rẩy đập đầu xin tha tội. Bá quan văn võ có người vui sướng xem người khác gặp họa, có người cảm thán ân sủng của bệ hạ cũng chỉ đến thế, hôm trước vừa được trao trọng trách tạc tượng, hôm sau lại bị quẳng tấu chương vào mặt. Thế nhưng tuyệt không có lấy một người ra mặt cầu tình.
Tông đế chỉ thẳng vào mặt họ Trần, cứ "ngươi, ngươi..." một lúc mãi không thành câu, rồi lăn ra ngất xỉu. Buổi thượng triều hôm đó chẳng khác chi trò hề truyền miệng trong kinh.
Nhiều ngày liên tục sau đó, Tông đế lấy cớ long thể bất an hủy bỏ buổi thượng triều. Phe Bình vương đắc thế ngày càng lộng hành, liên tục chèn ép những vị quan đối nghịch. Chỉ sau mười ngày không thượng triều, đã có sáu vị quan tâm phúc của Tông đế bị bức dâng sớ từ quan, còn Lâm Hiệp, Phạm Vinh, Kỳ vương, Trần Thanh Nguyên, Nguyễn trạng nguyên đều cáo bệnh không dám ló dạng vào triều để tránh tai vạ. Vì kiêng dè phẩm quan của những người này nên Dung gia tạm thời chưa dám động đến họ, nhưng ai cũng ngầm hiểu sau này nếu Bình vương thực sự ngồi lên ngai vàng, thì kết cục của họ sẽ không đơn giản là cáo quan hồi hương. Thế lực của Bình vương chói chang như mặt trời ban trưa.
Dù các thái y đã tận lực che giấu, nhưng không có bức tường nào kín gió, dân chúng bắt đầu xôn xao rằng long thể Tông đế đã tàn, như ngọn đèn trước gió. Những vị quan luôn thế thốt trung thành với Tông đế như đang ngồi trên đống lửa, một số đã bắt đầu dao động đầu hàng về phe Dung gia. Tình thế lúc này, chỉ có thể dùng câu "kiếm đã kề cô" để hình dung.
Trong bối cảnh ảm đảm đó, buổi lễ duyệt quân tế trời vẫn được tổ chức long trọng.
Giữa giờ Ngọ trời nắng như đổ lửa nhưng hàng vạn dân vẫn không nề hà cùng tụ tập trước cổng Văn Miếu, có cảm tưởng cả kinh thành đều đang tập trung về đây. Cấm vệ quân được huy động tối đa, bên trong Văn Miếu, hai hàng bá quan cùng đứng cúi đầu một cách trang nghiêm trước cai hai cậy cột Trụ Thiên (nâng trời), không khí thành kính bao trùm khắp miếu. Tương truyền hai cây cột này tượng trưng cho hai con ác quỷ La Sát được Thủy thần giải cứu từ địa ngục, có nhiệm vụ đời đời bảo hộ Chung quốc.
Đứng đầu bá quan là Bình vương, còn Kỳ vương thì cáo bệnh không đến. Người đông là thế nhưng lại không gây ra sự hỗn loạn nào, bởi dân Chung quốc ai cũng mang lòng kính thờ Thủy thần, không ai dám náo loạn trước miếu thờ của thần. Thanh Nguyên và Hứa Sơn mặc hai bộ chiến giáp trên người, ngay sau khi buổi lễ kết thúc, họ sẽ lập tức lên đường hành quân.
Nhiều vật phẩm được đặt lên bàn thờ chuẩn bị cho buổi tế, trong đó có ba vật tam sinh gồm dê, trâu, lợn. Mùi nhang khói tỏa ngập từng ngóc ngách.
"Hoàng thượng giá lâm." tiếng hô lanh lảnh vang lên, Tông đế bước ra từ phía sau điện thờ. Tất cả dân chúng, bá quan cùng nhau quỳ xuống hành lễ.
"Tất cả bình thân."
Lúc đám dông đứng dậy lên, nhìn thấy bộ tang phục trên người y, ai nấy đều kinh hãi giật mình. Thái sư lại quỳ xuống, nói
"Hoàng thượng, hôm nay là lễ tế trời, mặc tang phục là một điềm gở, xin người hãy thay long phục ạ."
Thái sư vừa dứt lời, tất cả các quan trong miếu đều quỳ xuống đồng thanh hô lên
"Xin hoàng thượng thay long phục."
Tông đế phớt lờ tất cả những lời thỉnh cầu, trước ánh mắt ngạc nhiên của dân chúng, y cầm cuộn chiếu lên tuyên đọc.
Khi nhìn thấy ba chữ "Tội kỉ chiếu" (các vua ngày xưa tự ban chiếu nhận lỗi với dân gọi là tội kỉ chiếu), Bình vương bèn tối mặt lại, dân chúng lại được một phen xôn xao, bá quan không thốt nên lời.
Viết Tội Kỉ chiếu chẳng khác chi tự vơ danh thất đức, vô năng vào người, là đại kỵ của bậc thiên tử. Từ lúc lập quốc đến nay trải qua mười hai triều vua với lịch sử ba trăm năm, Tội kỉ chiếu này chỉ được ban ra đúng một lần. Khi đó do triều đình vận chuyển lương thực chậm trễ khiến cả chục nghìn bá tánh vùng hạn hán phải chết đói, Minh đế đành phải ban chiếu tự vạch tội mình. Sau khi chiếu này được ban ra, danh tiếng minh quân của Minh đế phải chịu một vết nhơ vạn đời.
Thế nên khi tội kỉ chiếu xuất hiện lần nữa mới gây ra náo động như vậy. Bất chấp những dị nghị bàn tán, giọng nói của Tông đế vẫn vang lên mạnh mẽ, phá tan mọi âm thanh huyên náo khác.
"Trẫm thân mang phận thiên tử, được hưởng "Quân quyền thần thụ" (quyền lực được trời ban cho), được mang trên người cả giang sơn, thế mà trên phụ lòng trời dưới phụ lòng dân. Trẫm mới nối ngôi được mười hai năm, thế mà đã phạm phải tám tội lớn. Nay xin công bố thiên hạ để muôn dân cùng trách phạt. Tội thứ nhất là dung túng để học trò trong Quốc Tử giám công khai gian lận, các giám quan công khai ăn hối lộ trong các kì thi khiến các sĩ tử chân chính giong đèn học mãi mà tên không đề nổi bảng vàng. Tội thứ hai, việc đê Trường Giang mới tu bổ không bao lâu mà đã bị lũ đánh sập, khiến dân chúng Châu thành nhà tan cửa nát, là do cẩu quan Trương Thiệu Nghĩa lén bòn rút ngân lượng. Trương Thiệu Nghĩa là thần tử của trẫm, tội của hắn cũng chính là tội của trẫm. Tội thứ ba, sau khi lũ lụt xảy ra, do trẫm tắc trách không kịp vận chuyển luong thuốc men hàng trăm con dân phải chết đói. Tội thứ tư, quân lính đang vất vả ngày đêm trấn thủ ở biên cương. Thê nhi phụ mẫu của họ đều ở nhà trông chờ quân hưởng (quân lương) đong gạo, mua thuốc, thế mà triều đình lại để xảy ra cớ sự quân hưởng bi chặn cướp, khiến họ phải tha hương cầu thực. Thê lương đến độ chỉ nghĩ đến thôi cũng không thể kiềm nước mắt. Tội thứ năm, là do trẫm cai trị không nghiêm, mới để xảy ra chuyện sơn tặc cướp quân hưởng. Tội thứ sáu, sau khi quân hưởng bị mất, muôn dân thiên hạ phải chung tay góp ngân lượng bù vào số quân hưởng đó. Thân là thiên tử, chẳng những không thể ban cuộc sống ấm no cho con dân của mình, lại còn phải để họ phải móc bạc bù đắp lỗi lầm của bản thân. Trẫm thật hổ thẹn với muôn dân. Tội thứ bảy, quân Xuân chưa tiến vào mà dân chúng đã sợ hãi náo loạn khắp nơi. Do trẫm bất lực không thể mang lại lòng tin cho dân, nên dân chúng của trẫm thà chấp nhận làm kẻ tha hương, chứ nhất quyết không chịu ở lại kinh thành chống địch cùng trẫm. Tội thứ tám... Có câu “Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài” (Tạm dịch: “Trời xanh không kể thân thích, chỉ trợ giúp người có Đức, lòng người thay đổi vô thường, chỉ ban ân huệ cho người có tấm lòng”). Mệnh trời chỉ chiếu chỉ chiếu cố những vị vua có đức, một khi “Thiên tử” thất đức, ắt sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh suy của vương triều. Chính vì trẫm thất đức phạm phải nhiều lỗi lầm tày trời mới khiến thiên gia nổi giận sai sét đánh vỡ tượng Thủy thần, phải đúc lại một bức tượng khác, gây hao tổn ngân khố. Tội lỗi là ở trẫm, do một mình trẫm bất kính, không dám cầu mong tha thứ, chỉ cúi xin Thủy thần cùng hai vị La Sát đừng trách tội muôn dân."
Sau khi đọc xong, Tông đế quẳng chiếu chỉ xuống, xoay người lại quỳ trước tượng Thủy thần, vừa dập đầu vừa khóc than
"Cầu Thủy thần thương xót, chỉ trách tội mình trẫm. Cầu Thủy thần thương xót, chỉ trách tội mình trẫm."
Chỉ sau ba cái dập đầu, máu đã loang thành một vũng dưới đất. Chứng kiến cảnh hoàng đế phải dập đầu đến mức máu chảy ròng ròng, dân chúng cũng bắt đầu rơi lệ. Bá quan vừa khóc vừa khuyên Tông đế đứng dậy nhưng y vẫn không màng, luôn miệng thỉnh tội.
Đột nhiên, một dòng chất lỏng màu đỏ chảy xuống từ khóe mắt bức tượng trắng, trông như đang khóc. Đám đông trở nên yên ắng. Thanh Nguyên hô lên
"Thủy thần đã chảy huyết lệ rồi. Thần đã tha thứ cho chúng ta. Thần đã bị bệ hạ làm cảm động rồi. Bệ hạ vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế."
Vừa dứt lời, một phụ lão trong đám đông dân chúng liền quỳ xuống dập đầu hô
"Lão thần nguyện ở lại kinh thành cùng chống giặc với bệ hạ. Thánh thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế."
Hàng vạn dân chúng cùng quỳ xuống đồng thành hô
"Thánh thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế."
Tiếng hô vạn tuế không dứt như muốn rung chuyển cả trời đất. Cả vạn người cùng quỳ xuống quy phục một người. Cảnh tượng đấy đã trở thành một giai thoại hào hùng khó quên trong lịch sử Chung quốc.
Tông đế đứng thẳng người đối mặt với toàn dân, máu trên trán y đã đọng lại tạo thành một vết thương màu sẫm đỏ, y giơ nắm đấm lên nói
"Thủy thần đã tha tội cho trẫm, thế muôn dân có muốn sát cánh cùng trẫm đánh giặc không?"
Dân chúng cũng giơ nắm đấm theo, đồng thanh đáp
"Bẩm thành thượng, có."
"Dân chúng có bằng lòng tha tội cho trẫm không?"
"Bẩm thánh thượng, có."
"Được, nếu muốn dân đã đồng lòng như thế, vậy thần tử chúng ta cùng đi duyệt quân thôi."
Nói xong, y cất bước hào sảng đi về phía đám đông, Cấm Vệ quân sợ có thích khách bèn vội chạy theo, nhưng vừa cất bước đã bị Lâm Hiệp cùng Thanh Nguyên giơ tay cản lại.
Dọc đường y đi qua, dân chúng không hẹn mà cùng cung kính dạt ra hai bên nhường đường.
Sau đó, y dẫn đầu tất cả dân chúng cùng bá quan hào hùng rời khỏi Văn Miếu.
Sau khi tất cả rời khỏi, trong miếu chỉ còn Bình vương và Dung quốc công.
Dung quốc công lẩm bẩm tự hỏi
"Chẳng lẽ đến Thủy thần cũng giúp hắn ư?"
Bình vương quay đầu nhìn chằm chằm bức tượng Thủy thần đang rơi lệ một lúc. Trước sự sửng sốt của Dung quốc công, hắn phi người leo lên bàn thờ, thô bạo đạp lên các món tế lễ, rồi từng bước leo lên đỉnh tượng.
Hắn lấy tay cạo cạo vảy nến trên khóe mắt "Thủy thần", nhìn kĩ mới thấy đôi mắt tượng được đúc bằng sáp nến. Do trời quá nóng nên sáp chảy ra tạo thành hai dòng "huyết lệ"
"Thì ra hắn nhất quyết đổi giờ cử hành lễ tế sang chính Ngọ (lúc nắng nóng nhất trong ngày) là vì vậy."
Dung quốc công nhìn vảy nến trên ngón tay Bình vương, bèn kêu lên
"Tông đế đúng là một kẻ quỷ quyệt. Nhưng ngay từ đầu đã phát hiện sự là sao cháu không vạch trần ngay?"
"Lúc đấy cháu chưa dám chắc. Nhỡ làm càn trong Văn Miếu sẽ mang tội bất kinh với Thủy thần."
Nói xong, hắn vung tay đập mạnh vào bàn, thần sắc mệt mỏi tự giễu, nói
"Năm xưa có lần cháu hỏi Lâm hiệp tại sao lại bằng lòng theo y mà không phò tá cháu. Lúc đấy hắn trả lời rằng cháu không đủ tài làm vua. Bao nhiêu năm qua cháu chưa từng tin câu này, chỉ cho rằng hoàng huynh có ơn với hắn, nên hắn mới một lòng trung thành. Nào ngờ, những lời hắn nói đều không sai. Cháu mất báo nhiêu công sức mới khiến lòng dân hướng về mình, nhưng hắn chỉ cần một cái chiếu chí, chảy vài giọt nước mắt, đúc một bức tượng, đã có thể chuyển nguy thành an, khiến lòng dân rung động mạnh mẽ. Chỉ mới một ngày trước cục diện còn nhiễu nhương, nay phút chốc đã bình ổn lại. Giờ thì bốn phường lòng người chung một hướng. Có lẽ y quả thật là chân mệnh thiên tử do trời đúc thành, cứ cố tình giành giật co khi lại phạm tội nghịch thiên cải mệnh."
Dung quốc nghe giọng điệu chán nản muốn thoái lui của hắn, vừa định lên tiếng khuyên giải thì đã nghe y gằn giọng nói tiếp
"Nhưng cháu không cam tâm. Cho dù có phải nghịch thiên thì cháu cũng phải thử. Thà chết trong cuộc đảo chính còn hơn phải an phận làm vương gia cả đời."
Dung quốc công không đáp lời. Lão biết có nói gì cũng bằng thừa.
"Đi thôi. Thánh thượng đang chờ chúng ta."
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...