Gatsby vĩ đại

Bức ảnh chụp toà biệt thự, mép đã quăn và nhem nhuốc nhiều vết tay. Cụ hăm hở chỉ cho tôi xem từng chi tiết. “Ông xem này” rồi tìm sự khâm phục trong mắt tôi. Cụ khoe bức ảnh ấy đã quá nhiều lần đến nỗi tôi nghĩ rằng đối với cụ bây giờ nó có lẽ còn thật hơn chính toà nhà.
- Jimmy gửi cho tôi đấy. Tôi thấy bức ảnh thật là đẹp. Chụp rõ nét quá.
- Vâng, rõ nét lắm. Gần đây cụ có gặp anh ấy không?
- Jimmy về thăm tôi cách đây hai năm và mua cho tôi ngôi nhà hiện tôi đang ở. Tất nhiên gia đình chúng tôi đã gặp khó khăn khi Jimmy bỏ nhà đi, nhưng nay tôi hiểu nó đi là có lí do, Jimmy biết nó sẽ có một tương lai rất rạng rỡ. Và từ khi giàu có, nó đối xử với tôi rất rộng rãi.
Ý chừng cụ không muốn cất bức ảnh đi, cứ giở ra trước mắt tôi. Mãi sau, cụ mới cất ví đi và lôi từ trong túi áo ra một cuốn sách cũ rách nát nhan đề “Hopalong Cassidy”.
- Ông xem này, đây là một cuốn sách của Jimmy hồi còn nhỏ tí. Nó cho thấy Jimmy là người như thế nào.
Cụ mở tờ bìa sau và quay cuốn sách lại cho tôi xem. Trên tờ giấy trắng lót bìa cuối cùng có dòng chữ hoa “THỜI GIAN BIỂU” và đề ngày 12 tháng Chín năm 1906. Bên dưới ghi:
Dậy 6g sáng
Tập tạ và trèo tường 6g15-6g30
Học điện, v.v... 7g15-8g15
Làm việc 8g30-4g30 chiều
Chơi bóng chày và thể thao 4g30-5g00
Tập cách ăn nói và giữ tư thế đàng hoàng 5g00-6g00
Nghiên cứu những sáng kiến cần thiết 7g00-9g00
NHỮNG ĐIỀU QUYẾT TM CHUNG
Không phí phạm thời giờ tại nhà Shafters hoặc (ghi tên không rõ).

Không hút thuốc lá và ăn kẹo cao su nữa.
Hai ngày tắm một lần.
Mỗi tuần đọc một cuốn sách hoặc một tạp chí để nâng cao kiến thức
Mỗi tuần để dành 5,00 đô-la (xoá bỏ) 3 đô-la.
Cư xử tốt hơn với cha mẹ.
- Tình cờ tôi tìm thấy cuốn sách này, – ông cụ nói. – Nó cho thấy Jimmy là người như thế nào, có phải không ông.
- Thưa đúng ạ.
- Jimmy nhất định phải vươn được lên cao. Nó hay đề ra những điều quyết tâm như thế này hoặc đại loại như thế. Ông có để ý thấy Jimmy đã ghi như thế nào về khoản nâng cao kiến thức không? Nó chú trọng khoản đó lắm. Có lần nó bảo tôi là tôi ngu như bò, tôi mới đánh cho nó một trận nên thân.
Cụ không muốn gấp cuốn sách lại, cứ đọc to từng mục rồi háo hức nhìn tôi, áng chừng chờ đợi tôi cho chép lại những mục đó để bắt chước cũng nên.
Gần ba giờ thì ông mục sư giáo phái Lutheran từ Flushing đến. Tôi bất giác nhìn ra cửa sổ xem có chiếc xe nào khác không. Ông cụ thân sinh ra Gatsby cũng nhìn. Nhưng thời gian cứ trôi đi, và đến khi các gia nhân vào đứng cả ở tiền sảnh thì cụ bắt đầu chớp chớp mắt, vẻ lo lắng. Cụ nhắc đến trời mưa với giọng băn khoăn, lấp lửng. Ông mục sư xem đồng hồ đeo tay mấy lần. Tôi kéo ông ta ra một chỗ riêng yêu cầu chờ thêm nửa tiếng nữa. Nhưng vô ích. Không có ai đến.
*
* *
Khoảng năm giờ chiều, đoàn xe chúng tôi gồm ba mươi chiếc tới nghĩa trang, dừng lại bên cổng dưới làn mưa nặng hạt. Đi đầu là xe tang, đen ngòm và sũng nước rồi đến chiếc xe hòm chở cụ Gatz, ông mục sư và tôi, và cách xa một chút là chiếc xe “brích” (2) chở hàng của Gatsby trên có bốn, năm gia nhân và người đưa thư ở West Egg, tất cả đều quần áo lướt mướt. Khi chúng tôi bắt đầu đi qua cổng nghĩa trang, tôi nghe thấy có một chiếc xe hơi xịch đến đỗ ở đằng sau rồi có một người ộp oạp bước theo chúng tôi trên lối đi đầy những vũng nước. Tôi ngoảnh lại nhìn. Đó là người đàn ông đeo đôi kính như mắt cú mà tôi đã thấy đứng sững sờ trước các giá sách trong thư viện của Gatsby vào một đêm cách đây ba tháng.
Suốt từ bấy đến nay tôi không gặp ông ta. Tôi không hiểu ông ta làm thế nào biết được ngày đưa đám, mà tôi cũng không biết cả đến tên ông ta nữa. Mưa nhoè nhoẹt trên đôi mắt kính dày, ông ta nhấc kính ra lau nước mưa để nhìn rõ tấm khăn phủ quan tài được rải xuống đáy huyệt.
Lúc ấy, tôi cố nghĩ về Gatsby một chút, nhưng anh đã quá xa rồi, và tôi chỉ có thể nhớ ra rằng, trong lòng không oán giận, Daisy đã không có lấy một bức điện hoặc một bông hoa nào gửi đến. Tôi thoáng nghe có ai lầm rầm: “Phúc đức cho kẻ qua đời được hạt mưa rơi” rồi người đàn ông mắt cú nói “Amen” bằng một giọng rắn rỏi.

Chúng tôi lại lộn xộn vội vã trở ra xe dưới làn mưa. Ông mắt cú nói với tôi bên cổng nghĩa trang:
- Tôi tiếc không lại nhà được.
- Những người khác cũng vậy.
- Ông nói gì? – ông ta giật mình. – Trời! Trước họ đến có hàng trăm.
Ông ta nhấc kính ra, lại lau, cả mặt trong lẫn mặt ngoài, và nói:
- Khốn khổ, khốn nạn.
*
* *
Một trong những kỉ niệm sống động nhất của tôi là những lần từ trường dự bị đại học và sau đó là từ trường đại học trở về miền Tây nghỉ lễ Giáng sinh. Những sinh viên nào phải đi quá Chicago thì tập hợp tại nhà ga liên bang cổ lỗ tối om vào lúc sáu giờ tối một ngày tháng Chạp cùng với một vài người bạn Chicago vội vã ra tiễn họ. Tôi còn nhớ những chiếc áo lông của các cô gái vừa ở các trường kí túc nữ sinh khác nhau ra, những hơi thở đọng sương và những bàn tay giơ lên quá đầu vẫy vẫy người quen, những lời mời mọc dồn dập: “Anh đến gia đình Ordway à? gia đình Hersey à? gia đình Schultze à?” và những tấm vé dài màu xanh nắm chặt trong những bàn tay đi găng của chúng tôi. Rồi cuối cùng là toa xe lửa âm u vàng khè của tuyến đường Chicago, Milwaukee và St. Paul, trông tươi vui như chính Noel, xuất hiện trên đường sắt chạy qua cạnh cổng.
Khi con tàu của chúng tôi lao vào giữa đêm đông, và tuyết – tuyết thật, tuyết của quê hương chúng tôi, bắt đầu trải dài hai bên đường và lấp lánh ngoài cửa sổ, và những ánh đèn leo lét trong các ga xép ở Wisconsin lướt qua nhanh, thì không khí bỗng có một hương men găn gắt và hoang dã làm người khoan khoái lâng lâng. Chúng tôi hít những hơi dài bầu không khí đó khi chúng tôi đi từ toa ăn uống đi qua các chỗ đầu toa lùa gió lạnh trở về chỗ của mình, cảm thấy vô cùng sâu sắc sự gắn bó tha thiết giữa mình với mảnh đất này trong một giờ lạ lùng trước khi một lần nữa lại hoà lẫn hẳn vào với nó.
Đó là miền Trung Tây của tôi – không phải là lúa mì, hoặc những cánh đồng cỏ hay những thị trấn heo hút của những cư dân Thuỵ Điển, mà là những chuyến tàu trở về đầy xúc động thời thơ ấu của tôi, những ngọn đèn đường, những chùm chuông móc ở thành xe trượt tuyết trong đêm tối giá lạnh và những khung cửa sổ giăng đèn in bóng những vành hoa nhựa ruồi xuống mặt tuyết. Tôi là một phần của tất cả những cái ấy, hơi nghiêm trang vì cảm xúc do những mùa đông dài ấy để lại, hơi tự hào vì được lớn lên trong một ngôi nhà của dòng họ Carraway ở một thành phố mà các ngôi nhà qua bao thập kỉ vẫn còn được gọi bằng tên một dòng họ. Bây giờ tôi thấy rằng câu chuyện này xét cho cùng chính là một câu chuyện về miền Tây – Tom và Gatsby, Daisy và Jordan cùng với tôi đều là người miền Tây, và có lẽ chúng tôi mắc chung một nhược điểm nào đấy, nó làm cho chúng tôi không thể thích nghi được với cuộc sống miền Đông một cách khó nhận ra.
Ngay cả khi miền Đông làm tôi say mê nhất, ngay cả khi tôi nhận thức rõ nhất sự ưu việt của nó đối với những thành phố tẻ ngắt, vươn dài và phình to ở bên kia con sông Ohio với những cuộc điều tra liên miên chỉ chừa có trẻ con và người già – ngay cả khi ấy tôi vẫn thấy nó méo mó. Đặc biệt, West Egg còn hiện lên trong những giấc mộng thật là quái đản của tôi. Tôi thấy nó như một cảnh đêm của danh hoạ El Greco; một trăm nóc nhà, vừa khuôn sáo vừa kì cục, nép mình dưới một bầu trời u ám trĩu nặng và một vầng trăng mờ xỉn. Ở tiền cảnh, bốn người đàn ông nghiêm nghị mặc com-lê đi trên hè đường khiêng một cái cáng bên trên đặt nằm dài một người đàn bà say rượu mặc bộ đồ dạ hội trắng. Bàn tay người đàn bà buông thõng bên cạnh cáng lấp lánh những ánh lạnh lẽo của vàng bạc châu báu. Mấy người đàn ông kia nghiêm trang rẽ vào một ngôi nhà – không đúng ngôi nhà họ định tìm. Nhưng không ai biết tên người đàn bà, và họ cũng chẳng bận tâm làm gì.
Sau khi Gatsby chết, tôi thấy miền Đông cứ lởn vởn những bóng ma như vậy, nó bị méo mó đến mức mắt tôi không thể hiệu chỉnh lại nổi. Vì vậy khi làn khói lam từ đám lá khô giòn toả vào không trung và gió thổi thẳng băng mớ quần áo ướt treo trên dây phơi thì tôi quyết định trở về quê hương.
Còn một việc cần giải quyết trước khi ra đi, một việc khó xử và khó chịu, giá cứ bỏ mặc thì tốt hơn. Nhưng tôi muốn thu xếp mọi sự đâu ra đấy rồi hãy đi, chứ không hề trông mong ở ngọn sóng biển tốt bụng và dửng dưng kia quét sạch hộ những rác rưởi của tôi. Tôi gặp Jordan Baker, nói chuyện lâu với cô ta về những gì đã xảy ra với cả hai chúng tôi và những gì đã xảy ra sau đấy với riêng tôi. Jordan ngồi thật yên trong một chiếc ghế bành lớn lắng tai nghe.

Cô ta mặc bộ đồ đánh gôn và tôi còn nhớ tôi đã nghĩ cô ta trông giống một bức ảnh quảng cáo chụp rất đạt, cằm hếch lên hơi nghịch ngợm, mái tóc ngả màu lá thu, nước da mặt rám nắng như màu chiếc găng tay không ngón đặt nơi đầu gối. Nghe tôi nói xong, Jordan nói thẳng với tôi không một chút quanh co là cô ta đã đính hôn với một người rồi. Tôi không tin, tuy rằng có nhiều người cô ta chỉ gật đầu là lấy được ngay, nhưng tôi vẫn giả vờ ngạc nhiên. Trong đúng một phút, tôi tự hỏi không biết mình có tính sai không, nhưng sau tôi bình tâm lại ngay và đứng dậy từ biệt.
- Dù sao, chính anh đã bỏ rơi em, – Jordan bỗng dưng nói. – Anh bỏ rơi em qua điện thoại. Bây giờ thì em không cần gì ở anh nữa, nhưng đấy là một điều chưa bao giờ xảy ra với em nên em hơi choáng váng mất một thời gian.
Chúng tôi bắt tay nhau.
- Mà này, anh còn nhớ không, – Jordan nói thêm – anh còn nhớ một câu chuyện giữa hai chúng ta về việc lái xe không?
- Không nhớ rõ lắm.
- Anh bảo là một người lái xe tồi chỉ an toàn chừng nào chưa gặp phải một người lái xe tồi khác, có phải không? Thế đấy, em đã gặp phải một người lái tồi thứ hai, có đúng không? Em muốn nói là em đã sơ ý đoán nhầm. Em những tưởng anh là một người khá trung thực, khá thẳng thắn. Em những tưởng đó là niềm tự hào thầm kín của anh.
- Tôi đã ba mươi tuổi rồi, – tôi nói. – Tôi đã quá năm năm cái tuổi tự dối mình rồi gọi đó là danh dự.
Jordan không trả lời. Cáu kỉnh và có lẽ hơi yêu cô ta cũng nên, với buồn tiếc vô cùng, tôi quay gót.
*
* *
Một buổi chiều cuối tháng Mười, tôi gặp Tom Buchanan trên Đại lộ Năm. Anh ta đang đi trước tôi, dáng nhanh nhẹn, hung hăng như muốn gây sự với ai, hai tay khuỳnh khuỳnh như muốn gạt những ai chạm vào mình, cái đầu lúc quay bên này lúc ngoái bên kia theo chiều con mắt không để yên một chỗ của anh ta. Đúng lúc tôi cố bước chậm để tránh đuổi kịp anh ta thì Tom đứng lại, cau mày nhìn vào tủ kính một cửa hiệu vàng bạc. Bất thần anh ta nhìn thấy tôi và quay lại, chìa tay ra với tôi.
- Sao, có chuyện gì, anh Nick? Anh không muốn bắt tay tôi à?
- Đúng. Anh biết tôi nghĩ gì về anh.
- Anh lẩn thẩn lắm, anh Nick, – Tom liến thoắng. – Lẩn thẩn quá lắm. Tôi không biết anh nghĩ thế nào.
- Tom, – tôi hỏi, – anh đã nói gì với Wilson chiều hôm ấy?
Tom nhìn tôi chằm chằm, nín thinh, và tôi biết là tôi đã đoán đúng về quãng thời gian mất vết tích của Wilson. Tôi quay gót toan bỏ đi, nhưng Tom bước lên một bước nắm lấy cánh tay tôi.
- Tôi đã nói với hắn sự thật, – Tom nói. – Hắn mò đến nhà tôi đúng lúc chúng tôi sắp sửa đi. Khi tôi cho người ra cửa bảo là chúng tôi không có nhà, hắn định xông lên gác. Hắn đã khá điên đến nỗi có thể giết chết tôi nếu tôi không nói cho hắn biết ai là người chủ chiếc xe. Tay hắn cứ nắm khư khư khẩu súng trong túi suốt lúc hắn ở trong nhà tôi. – Rồi Tom nói thẳng thừng với giọng thách thức. – Tôi đã nói toạc ra với hắn thì đã sao? Thằng cha kia bị như thế là đáng đời lắm. Nó đã tung hoả mù vào mắt anh như vào mắt Daisy vậy. Nó là một đứa đểu giả. Nó đã chẹt chết Myrtle như người ta chẹt chết một con chó mà không thèm đỗ lại.

Tôi không biết nói gì, trừ cái điều không thể nói ra là sự thật không phải thế.
- Anh tưởng tôi không chịu phần đau khổ đấy à? Anh nghe đây này. Khi tôi đến trả lại gian buồng ấy và nhìn thấy hộp bánh bích quy chó khốn khổ ấy trên tủ bát đĩa, tôi đã ngồi xuống khóc như con nít. Lạy Chúa, thật là kinh khủng...
Tôi không thể tha thứ cho anh ta mà cũng không thể có thiện cảm với anh ta được, nhưng tôi hiểu ra rằng đối với anh ta thì những việc anh ta làm là hoàn toàn chính đáng. Tất cả đầu đuôi chỉ là chuyện vô tâm và nhầm lẫn. Họ là những kẻ vô tâm – Tom và Daisy – họ đập phá tan tành mọi thứ, của cải lẫn con người, rồi rút về ẩn náu trong tiền bạc của họ hoặc trong sự dửng dưng mênh mông của họ, hay trong bất cứ cái gì gắn bó họ với nhau, và để mặc cho kẻ khác dọn dẹp cảnh hỗn độn mà họ gây ra...
Tôi bắt tay Tom. Tôi thấy nếu không bắt tay thì thực là dớ dẩn, vì tôi bỗng cảm thấy như đang nói chuyện với một đứa trẻ. Sau đó, Tom vào cửa hàng vàng bạc mua một chiếc vòng ngọc trai – hay có thể chỉ là một cặp khuy tay áo – và vĩnh viễn bứt xa được khỏi cái tính khe khắt tỉnh lẻ của tôi.
*
* *
Toà biệt thự của Gatsby vẫn còn hoang vắng khi tôi ra đi – cỏ ở vườn nhà anh đã mọc cao bằng cỏ nhà tôi. Trong đám lái xe tắc-xi ở West Egg có một người lần nào chở khách qua cổng nhà anh cũng dừng lại một chút giơ tay chỉ trỏ vào bên trong. Có lẽ anh ta chính là người đã chở Daisy và Gatsby từ West Egg về East Egg tối hôm xảy ra tai nạn, và có lẽ anh ta đã hoàn toàn tự mình bịa ra một câu chuyện từ đầu chí cuối để kể cho khách. Tôi không muốn nghe câu chuyện ấy nên tôi tránh mặt anh ta hôm tôi ra tàu.
Các tối thứ bảy tôi thường ở lại New York vì những cuộc vui xa hoa và rực rỡ của Gatsby hãy còn hiện lên trong óc tôi tươi rói đến nỗi tôi vẫn còn có thể nghe thấy tiếng nhạc và tiếng cười văng vẳng không ngớt từ vườn nhà anh vọng sang, cả tiếng xe hơi ra vào các lối đi trong vườn nữa. Một đêm, tôi nghe thấy có tiếng xe hơi thật ở bên đó và nhìn thấy đèn xe đỗ lại trước các bậc thềm đằng trước. Nhưng tôi không ra xem sao. Có lẽ đó là một trong những người khách cuối cùng nào đấy ở tít đầu kia quả đất không biết rằng cuộc vui đã tàn.
Đêm cuối cùng, hành lí đã đóng gói xong xuôi và chiếc xe đã nhượng lại cho người chủ hiệu thực phẩm, tôi sang bên nhà anh để nhìn cái vật khổng lồ, rời rạc, không ra nhà kia, một lần nữa. Trên bậc đá trắng, một câu tục tĩu, do một đứa trẻ con nào đó viết bằng gạch, hiện rõ dưới ánh trăng. Tôi xoá nó đi, bằng cách di giày ken két trên mặt đá. Sau đó tôi đi thơ thẩn xuống bãi biển và nằm dài trên cát.
Hầu hết các nhà nghỉ mát ven bờ nước nay đã đóng cửa, không còn mấy ánh đèn trừ ánh đèn lù mù di động của một chiếc phà đang qua eo biển. Trăng lên cao làm cho những ngôi nhà vô dụng kia mỗi lúc một mờ đi, chìm đi, cho đến khi tôi dần dần cảm thấy như mình đang đứng trên hòn đảo thời xa xưa ở nơi đây, hòn đảo đã có thời xoè nở trước con mắt các thuỷ thủ Hà Lan khác nào bộ ngực tươi mát xanh rờn của thế giới. Những bụi cây khi ấy, những bụi cây nay đã nhường chỗ cho ngôi nhà của Gatsby, đã có thời, bằng những tiếng thì thào, khơi dậy lên giấc mơ cuối cùng và to lớn nhất của con người. Trong một phút giây ngỡ ngàng ngắn ngủi, con người đã phải nín thở trước sự xuất hiện của lục địa này, lặng người đi trong một sự chiêm ngưỡng thẩm mĩ mà mình không hiểu nổi và cũng không mong ước khi lần cuối cùng trong lịch sử đối diện với một đối tượng khơi gợi được hết khả năng kinh ngạc của mình.
Và trong lúc tôi ngồi đó ngẫm nghĩ về cái thế giới xưa chưa biết, tôi nghĩ đến nỗi kinh ngạc của Gatsby khi anh lần đầu tiên phát hiện ra cái đốm sáng xanh ở cuối bến thuyền nhà Daisy. Anh đã phải đi một chặng đường dài mới tới được thảm cỏ xanh rờn này, và điều mơ ước của anh tưởng như đã ở gần đến nỗi hầu như giơ tay ra là thể nào anh cũng với tới nó. Anh đâu biết rằng nó đã rớt lại đằng sau anh rồi, ở một chỗ nào đó trong khoảng tối mênh mông bên kia thành phố, nơi những cánh đồng sẫm đen của nước cộng hoà trải ra trong đêm tối.
Gatsby gửi niềm tin của mình vào cái đốm sáng xanh, cái tương lai làm đê mê lòng người mỗi năm một lùi ra xa chúng ta hơn. Nó đã tuột khỏi tay chúng ta rồi, nhưng có sao! – ngày mai chúng ta sẽ dấn bước nhanh hơn, sẽ vươn tay ra dài hơn... Và một buổi sáng đẹp trời...
Chúng ta cứ thế cố dấn lên, như những chiếc thuyền cố đi ngược dòng nước không ngừng bị đẩy về dĩ vãng.
Chú thích:
(1) James Jerome Hill (1836-1916): vua đường sắt miền Tây Bắc Mỹ đầu thế kỉ 20.
(2) Xe hơi chở người có hai hàng ghế và khoang rộng chở hàng ở đằng sau.
Hết


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui