Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

Phật viết kinh thư không chữ trên mình mỗi người, chỉ đợi người có duyên đọc hiểu. Phật đặt ra câu đố thâm sâu cho mỗi miền đất, chỉ đợi người có
duyên suy đoán.

Đêm qua, tôi mơ thấy mình đã đi Tây Tạng, ở một
tu viện không biết tên, nhìn thấy một cây bối lá rụng đầy. Có sư sãi
khoác cà sa màu đỏ thẫm cúi đầu gấp gáp đi lại, làm thảm lá trên mặt đất thoáng xao động. Cung điện trùng điệp trong gió lạnh hiu hắt tỏa ra một nỗi cô độc cách biệt với đời, tựa hồ ở đây từng có một tai họa lớn, giờ đây chim chóc bay hết, không người làm chủ. Trên lâu đài vắng vẻ, có
một chú tiểu ngồi nghiêm trang, hai tay chắp trước ngực, chú tiểu trông
rất đỗi bình yên vô sự, thế giới hỗn loạn không quấy nhiễu được cảnh
giới thanh tịnh của chú. Tôi nhìn thấy trong mắt chú vẻ hiền lành và
thương xót tôn trọng vạn vật. Ký ức trôi thật xa, chỉ một chiếc lá rụng, liền khiến tôi thức tỉnh.

Chú tiểu có lẽ là Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 nổi tiếng trong lịch sử, Tsangyang Gyatso. Bất kể ba trăm năm trước hay ba trăm năm sau, cái tên này đều như một vì sao lấp lánh, hào quang
chiếu rọi trên thân mỗi người, nhưng lại xa xăm không tài nào với tới.
Tôi là cô gái bình thường nhất chốn hồng trần, định sẵn không thể cùng
Ngài kết duyên; khi đọc thơ Ngài, sẽ ngẫu nhiên ảo tưởng, có lẽ một kiếp nào đó, tôi là cành cây ngọn cỏ được Ngài đoái thương, là chú cá đỏ
được Ngài phóng sinh. Nghĩ như vậy, sau khi tỉnh mộng không đến nỗi quá
hụt hẫng, không đến nỗi gió bụi vô chủ.

Trong mơ luôn có quê cũ
không về được, tỉnh lại vẫn sẽ tràn đầy khát vọng nóng bỏng và ảo tưởng
tình sâu đối với miền đất ấy. Phật viết kinh thư không chữ trên mình mỗi người, chỉ đợi người có duyên đọc hiểu. Phật đặt ra câu đố thâm sâu cho mỗi miền đất, chỉ đợi người có duyên suy đoán. Đều nói lịch sử đã trở
thành quá khứ, bánh xe thời gian nghiền chúng vụn nát tan tành, chúng ta không cần thêm sương trên tuyết nữa. Chúng ta luôn cho rằng lịch sử
ngàn năm có những bí mật tìm hiểu mãi chẳng hết, nhưng lại không biết
rằng, năm tháng cũng sẽ mài giũa nó càng ngày càng mỏng. Dù không thể
tùy ý sửa đổi, nhưng thông qua chắp vá của nhiều người khác nhau, chuyện cũ ủ kín lâu ngày cũng dần dần mất đi mùi vị năm xưa.

Đều nói,
người có duyên có thể nhìn thấy kiếp trước kiếp này của mình trong hồ
thánh ở Tây Tạng, có thể lập lời thề ước vĩnh hằng trên núi tuyết. Giờ
đây, chúng ta lại đến mảnh đất thần bí này, chứng kiến những quá khứ rối ren của Phật giáo Tạng truyền. Năm 1644, vó sắt của Bát Kỳ[1] sau nhiều năm hăng hái chiến đấu đã đạt được mong muốn mở toang tường thành cuối

cùng của vương triều Đại Minh, quân Thanh vốn quen nhìn đại mạc hào
hùng, cuối cùng cũng được hưởng thụ sông núi ôn nhu của phương Nam. Sau
khi vua Thuận Trị[2] trẻ tuổi lên ngôi, liền phái người đi Tây Tạng mời
Đạt Lai Lạt Ma đến Bắc Kinh[3]. Nhưng sau khi nhận được lời mời của
triều Thanh, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso chỉ dâng tặng lễ vật và hỏi thăm sức khỏe vua Thuận Trị, chứ không dự định lên đường vào kinh
theo lời mời. Sau đó vương triều Thanh lại liên tiếp ba lần phái người
chuyên trách vào Tây Tạng, nồng nhiệt mời Đạt Lai thứ 5 đến thăm nội
địa[4]. Còn Đạt Lai thứ 5 một trong ba lần đó thoái thác, nói với quan
viên triều Thanh đến Tây Tạng mời Ngài rằng: “Ta nay không đi, nhưng ta
ắt sẽ đi.”

[1] Bát Kỳ: là một chế độ tổ chức quân sự đặc trưng
của người Mãn Châu và nhà Thanh sau này. Đặc trưng của Bát Kỳ là một đơn vị được phân biệt bằng một lá cờ khác nhau, tổng cộng có tám lá cờ cơ
bản mà theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám “Kỳ”, đứng đầu là một kỳ chủ và tư lệnh tối cao là Đại Hãn, đó vừa là các đơn vị
dân sự vừa mang tính chất quân sự.

[2] Thuận Trị (1638-1661): vị Hoàng đế thứ 3 của nhà Thanh, tên húy là Phúc Lâm, miếu hiệu Thanh Thế Tổ.

[3] Bắc Kinh: thủ đô của Trung Quốc, trung tâm chính trị của quốc gia trong phần lớn thời gian suốt bảy thế kỷ qua.

[4] Nội địa: vùng đất cách biên cương hoặc duyên hải tương đối xa.

Năm 1645, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 xây dựng lại cung Potala. Ngài hy vọng gửi
gắm mộng tưởng cao xa thần kỳ của mình vào tòa cung điện huy hoàng rộng
lớn này. Năm xưa vua Tây Tạng Songtsän Gampo vì công chúa Văn Thành của
Đại Đường xây cung Potala đẹp đẽ đường hoàng này, hàm ý nó là tượng
trưng cho vương giả chí tôn. Nó khí thế hiên ngang đứng sừng sững trên
Hồng Sơn, chim ưng bay qua, vạn vật thế gian đều phải cúi đầu xưng thần
với nó. Lobsang Gyatso yêu thích tòa cung điện thâm sâu mà tịch mịch

này, nơi đây có thể chứa đựng mọi cảnh tượng gió mây của thế gian, cũng
có thể khiến Ngài đứng trên đỉnh cao của thế giới, một mình thưởng thức
hiển hách và mênh mang của cõi Phật. Năm 1648, Đạt Lai thứ 5 Lobsang
Gyatso dời trung tâm chính quyền về cung Potala. Từ đó cung Potala trở
thành nơi ở và nơi tiến hành các hoạt động tôn giáo chính trị của Đạt
Lai Lạt Ma các đời.

Vì giữ lời hứa, tháng Giêng năm 1652, Đạt Lai thứ 5 được quan viên triều Thanh đi cùng, dẫn dắt tùy tùng ba ngàn
người, khởi hành từ Tây Tạng, đến thăm nội địa. Hành trình lần này mất
thời gian gần một năm, sau khi đến Bắc Kinh, vua Thuận Trị và Đạt Lai
thứ 5 gặp nhau ở bãi săn bắn Nam Uyển. Vua Thuận Trị niềm nở tiếp đãi
Lobsang Gyatso, đồng thời ngay hôm đó lệnh cho Bộ Hộ[5] trích cúng dường chín mươi ngàn lượng bạc. Khi Đạt Lai thứ 5 lưu lại Bắc Kinh, luôn ở
tại chùa Tây Hoàng mà Đại Thanh xây riêng cho Ngài ngoài cửa An Định,
hưởng đối đãi trọng hậu của khách quý tối cao.

[5] Bộ Hộ: tên gọi của một cơ quan hành chính thời kỳ phong kiến tại một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam… tương đương với Bộ Tài Chính ngày nay.

Có lẽ là từ nhỏ sinh trưởng nơi đất tuyết hoang nguyên, quen nhìn trời
xanh bao la trống trải, quen với thảo nguyên bò cừu đầy đàn; phú quý và
phồn hoa của kinh đô không hề khiến Lobsang Gyatso quá đỗi lưu luyến.
Tình cảm của Ngài đối với cung Potala hơn hẳn Tử Cấm Thành[6], Ngài nhớ
làn nước xanh trong của hồ thánh, nhớ tư thế một chú chim ưng chao
liệng, còn cả những con dân đất Tạng phủ phục dưới chân Ngài.

[6] Tử Cấm Thành (Cố Cung) nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Diện tích
720.000 m2, gồm 800 cung và 8.886 phòng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987.


Chỉ lưu lại Bắc Kinh hai tháng, Đạt Lai
thứ 5 bèn lấy lý do: “Nơi này thủy thổ không hợp, nhiều bệnh, mà tùy
tùng cũng bệnh”, đề nghị vua Thuận Trị cho phép trở về Tây Tạng. Vua
Thuận Trị lập tức chuẩn tấu, ban tặng lễ vật quý giá, lệnh vương công
đại thần mở tiệc tiễn đưa Ngài. Tháng năm năm đó, khi Đạt Lai thứ 5 đến
Đại Cát[7], vua Thuận Trị phái quan viên mang theo sách vàng viết bằng
bốn thứ tiếng Mãn, Mông, Tạng, Hán và ấn vàng đuổi theo đến Đại Cát,
chính thức sắc phong Đạt Lai thứ 5 là “Tây Thiên Đại Thiện Tự Tại Phật
Sở Lĩnh Thiên Hạ Thích Giáo Phổ Thông Ngõa Xích Lạt Đát Lạt Đạt Lai Lạt
Ma[8]”. Có sự ủng hộ đắc lực của vương triều Đại Thanh, Đạt Lai thứ 5 từ đó củng cố được địa vị chính trị tôn giáo ở Tây Tạng.

[7] Đại Cát: Nay là huyện Lương Thành, nội Mông Cổ.

[8] Thích Giáo: Phật Giáo, Phổ Thông: thông hiểu tất cả kiến thức Phật học, Ngõa Xích Lạt Đát Lạt: dịch âm tiếng Phạn, nghĩa là Kim Cương Thủ.

Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso vào ở trong cung Potala, dùng vàng bạc từ nội
địa mang về, xây dựng mới mười ba tu viện Hoàng Giáo tại Tiền Tạng và
Hậu Tạng[9], gọi là Hoàng Giáo thập tam lâm. Ngài trở thành lãnh tụ
chính trị tôn giáo vĩ đại nhất của Tây Tạng, được muôn người lễ bái, mặt trời soi sáng. Chúng ta không thể phủ nhận, Lobsang Gyatso thật sự có
duyên với Thiền Phật, nếu không Ngài làm sao có thể từ một con em nhà
giàu bình thường, nhập vai Lạt Ma dễ dàng như thế? Ngài trổ hết tài năng trong Phật giáo Tạng truyền loạn lạc, khiến bầu trời lịch sử vần vũ gió cát từ đây trong sáng không bụi.

[9] Hậu Tạng: Địa khu Shigatse.

Đến những năm cuối đời, Đạt Lai thứ 5 đã không mấy hỏi han chính sự, Ngài
vì muốn chuyên tâm viết kinh sách, ủy nhiệm tất cả chính vụ cho Đệ Ba
Sangye Gyatso[10] chủ trì. Vào năm Khang Hy[11] thứ 18 (năm 1679),
Sangye Gyatso được Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 bổ nhiệm làm Đệ Ba, Sangye
Gyatso trẻ tuổi gánh vác ủy thác to lớn của Đạt Lai thứ 5, dồi dào sức
sống tham gia vào chính vụ của Tây Tạng. Thế nhưng nơi có người thì vĩnh viễn có phân tranh, cục diện bề ngoài tưởng như gió yên sóng lặng, kỳ
thực là ngấm ngầm nổi sóng. Sangye Gyatso tiếp nhận chức vụ Đệ Ba, có
nghĩa y sẽ đảm đương tất cả trọng trách quản lý chính vụ Tây Tạng, bất
kể vinh nhục, đều không oán không hối.


[10] Sangye Gyatso (Tang
Kết Gia Thố, 1653-1705): Nhà chính trị, học giả của Tây Tạng. Giữ chức
Đệ Ba trong một thời gian dài từ 1679 đến 1705.

[11] Khang Hy
(1654-1722): vị Hoàng đế thứ 4 của nhà Thanh, trị vì từ năm 1661 đến năm 1722, tên húy là Huyền Diệp, miếu hiệu Thanh Thánh Tổ. Ông là vị hoàng
đế tài ba, người đã thiết lập sự thịnh trị dài lâu trên 130 năm của nhà
Thanh sau một loạt binh lửa can qua.

Năm 1682, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso 66 tuổi qua đời vì bệnh tật ở cung Potala. Nhưng
Sangye Gyatso vì ổn định cục thế, quyết định giữ kín không phát tang,
lợi dụng danh nghĩa của Đạt Lai thứ 5 tiếp tục nắm giữ chính quyền.
Trong bóng tối, y lại âm thầm tra xét, tìm kiếm tung tích linh đồng
chuyển thế của Đạt Lai thứ 5. Vị linh đồng này chính là Đạt Lai thứ 6
Tsangyang Gyatso, trước khi chưa chào đời, đã định sẵn cả đời thân bất
do kỷ. Có lẽ Ngài không giống Đạt Lai thứ 5, có một trái tim có thể cùng thiên hạ tranh đoạt, có thể đặt mình trên mây, nhìn xuống muôn dân.
Nhưng vận mệnh trao cho họ vai trò giống nhau, Phật sống. Sự viên tịch
của một vị Phật sống, chẳng qua là chuyển dời linh hồn, hóa thân làm
người với một thể xác khác mà thôi. Linh hồn của họ cứ như vậy đời đời
tiếp nối, lưu truyền mãi mãi.

Trên thực tế, chuyển thế nào chỉ có Phật sống, nếu mỗi một người đều tìm kiếm kiếp trước của mình thì sẽ
lại trải qua một quá trình ra sao? Chúng ta đều là người bình thường, do đó sự sống hay cái chết của chúng ta đều chẳng có gì là kỳ lạ. Mỗi một
sinh mệnh đến hoặc đi, đều như bụi cát, rơi xuống dòng sông dài của năm
tháng mênh mang, không ai có thể tìm kiếm ai. Chúng ta kiên trì truy tìm ván bài của kiếp trước, đến cuối cùng lật bài ra, lại phát hiện lá bài
ấy không hẳn là của mình. Dùng sự cố chấp cả đời để đổi lại nuối tiếc
dường ấy, rốt cuộc có xứng đáng hay không?

Dù một đời huy hoàng
hay ảm đạm, vào ngày chết đi đều sẽ tan tành như mây khói. Sự qua đời
của Đạt Lai thứ 5 Lobsang Gyatso khiến tôi nhớ đến giấc mơ đêm qua, lá
bối rơi đầy, đến cuối cùng cũng chẳng để lại vết tích. Muôn ngàn phong
cảnh trên thế gian, chỉ cần một trận gió đã thổi tan hết rồi. Không hiểu chúng ta còn chìm đắm chốn hồng trần, vui không thấy mệt lưu luyến điều gì? Tranh đoạt thứ gì? Không quên được chuyện gì?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui