Có người nói, phong cảnh trên thế gian này phải đích thân trải nghiệm mới
tìm được cảm xúc sâu sắc nhất. Còn tôi lại cho rằng, nơi đến trong mơ,
cũng vẫn có thể chân thực tới khắc cốt ghi tâm.
Đời người như
nước trôi, chớp mắt đã qua đi, mỗi ngày chúng ta đều bận rộn như con sâu cái kiến, dưới áp lực cuộc sống, đã chẳng có bao nhiêu thời gian hỏi
han triết lý nhân sinh. Đợi đến khi bụi trần lắng đọng, lại phát giác
tuổi xuân đã lặng lẽ rời xa chúng ta, cảm giác gặp nhau xiêu lòng trước
kia đã không còn nữa. Chẳng ai sinh ra đã bằng lòng làm một kẻ cướp
đoạt, lẽ nào không biết những nhân vật hô mưa gọi gió thường vào lúc
hoàng hôn trăng treo ngọn liễu tự mình chặm máu trị thương?
Tôi
vốn là một người không có chí lớn, chỉ muốn sống cuộc đời thanh thản,
vui chút thú nhàn tản, viết vài quyển sách phiếm. Cho dù như thế, trong
lòng vẫn sẽ hoang vu, khi không có gì cả, đành nhờ vào phong cảnh bốn
mùa, ngày hè hái sen hóng mát, cuối đông hong sách sưởi ấm. Vốn cho rằng đời này gần gũi một rẻo non nước Giang Nam, xây gian nhà nhỏ có hàng
rào, trồng ít hoa cỏ, khung cửa sổ đơn sơ, phơi mấy chiếc áo hoa, thì sẽ cảm kích rơi lệ vì cuộc sống yên ổn êm đềm này. Nhưng lại không biết
rằng, trong lòng mình cũng có khát vọng khó kìm chế. Lúc nhàn tịnh, sẽ
bị một khúc nhạc cổ khuấy động tâm tình, sẽ vì một tấm ảnh cũ hồn bay
phách lạc, sẽ bị một bài thơ tình sâu sắc dẫn đến chân trời.
Biết bao duyên trước đã thành quá khứ, thật ra thứ không nắm bắt được là
thời gian róc rách chảy xuôi. Trăm ngàn năm nay, đời người lần lữa, thời gian lưu luyến, điều khiến ta ghi nhớ thật sự không nhiều. Bất kể lòng
dạ con người rộng rãi đến đâu, có thể thu giữ bao nhiêu câu chuyện, đến
cuối cùng đều phải trả lại cho năm tháng. Có người nói, phong cảnh trên
thế gian này phải đích thân trải nghiệm mới tìm được cảm xúc sâu sắc
nhất. Còn tôi lại cho rằng, nơi đến trong mơ, cũng vẫn có thể chân thực
tới khắc cốt ghi tâm.
Đối với Tây Tạng, tôi cũng đầy hiếu kỳ và
khát vọng. Chỉ biết rằng, tất cả phong cảnh của mảnh đất này như một
cuốn kinh khó mà lĩnh ngộ. Kinh văn, thánh kinh lại có ý vị sâu xa, nội
dung tinh thâm, chứa đựng ý thiền không nói bằng lời. Tôi thường đi lễ
chùa, cầm về mấy quyển sách kinh, không đọc, chỉ đặt yên ở một góc, cùng chia sẻ một quãng thời gian cõi Phật với tôi. Tôi biết, sách kinh là
cảm ngộ nơi sâu linh hồn của vạn vật tự nhiên, là tâm của biển biếc
nương dâu[1]. Mỗi người trong lòng đều có một quyển sách kinh, chỉ là
trải nghiệm đời người khác nhau, sẽ có sự đọc hiểu khác nhau.
[1] Biển biếc nương dâu: chỉ những sự thay đổi lớn lao.
Nhớ đến bài văn “Ngồi tàu lửa đi Lhasa[2]”, một cô gái không ngăn được kinh phướn phấp phới vẫy gọi, đặt chân lên con đường hướng về Tây Tạng.
Lhasa là một thành phố đầy thần kỳ và biến số, chẳng bao lâu, thành phố
lạnh lẽo hoang vắng ấy đã trở thành nơi người đời hồn mơ lòng nhớ. Thành phố này mang vẻ linh hoạt huyền ảo và tưởng tượng vô tận, những dòng
thơ sao mà nhiều cám dỗ, khiến chúng ta chìm đắm.
[2] Lhasa: thủ
đô truyền thống của Tây Tạng, hiện nay là thủ phủ của Khu tự trị Tây
Tạng. Lhasa tiếng Tạng nghĩa là “vùng đất thần thánh, thiêng liêng”.
Có thangka[3], có màn thêu,
Có sư tri sự đang khêu bấc đèn.
Lạt Ma lật giở sách kinh,
Tín đồ trước Phật rạp mình thành tâm.
[3] Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka): là loại tranh vẽ hoặc
thêu, treo ở các tự viện và nơi thờ Phật tại gia đình, có thể cuộn lại
được, hầu hết có dạng hình chữ nhật. Tranh thể hiện cuộc đời của Đức
Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng, chư Bồ Tát, thánh thần, Pháp Luân, Mạn
Đà La…
Còn tôi, cũng bị bức bách làm tín đồ của nó, phủ phục trên con đường thiên lộ[4] thần kỳ, viết nên bài thơ khiến người sóng lòng
dâng trào. Đó chính là “Sắc lam Thanh Tạng”, một màu xanh lam thuần
khiết, xanh lam cao quý, xanh lam ưu sầu, xanh lam xa xưa. Tôi sợ mình
vô ý xông vào, sẽ quấy nhiễu giấc mộng sau rèm vắng nơi đất thánh, lại
không biết rằng, trên mảnh đất thần thánh này, bảng lảng khói lửa chất
phác nhất của nhân gian. Người Tạng ở đây, sinh ra vì số mệnh, họ tin
tưởng nhân quả luân hồi. Do đó trong mắt họ, mỗi một ngọn cỏ gốc cây,
một hòn đá, thậm chí một hạt bụi hồng, đều có thể gửi gắm sâu sắc. Vì
thế, bạn có thể tìm kiếm được những truyền thuyết cảm động ở mọi nơi
trên chốn này.
[4] Thiên lộ: Đường sắt Thanh Tạng, nối thành phố
Tây Ninh tỉnh Thanh Hải với thành phố Lhasa Tây Tạng, dài 1.956km, chính thức vận hành từ 1/7/2006.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...