Găng Tay Xanh

Chiếc điện thoại gầm gừ khe khẽ, sáng đèn cả một góc phòng khiến tôi tỉnh giấc. Lấy tay dụi và cố gắng banh mắt thật to nhìn vào màn hình xem ai gọi. Dòng chữ nhấp nháy “Tu Tub de xuong” làm tôi suýt bật cười lớn.
- Tớ đây… – Tôi đáp khẽ, nhẹ nhàng ngồi dậy.
- Chuẩn bị đi nhé. Ba mươi phút nữa tớ đợi ở cổng sau kí túc nữ.
- Sớm vậy á?
- Cậu còn phải trèo tường ra và… chúng mình di chuyển tới bãi rác nữa.
- Ok.
Công cuộc đi thực tế ở bãi rác với anh khóa trên khiến tôi thấy hứng khởi hơn. Cơn buồn ngủ cũng nhanh chóng tiêu tan, đầu óc tỉnh táo nhanh quá sức cho phép nên những bước chân di chuyển qua lại có phần linh hoạt và không gây ra bất cứ tiếng động mạnh nào. Đánh răng và rửa mặt trộm ở góc hành lang trong ánh đèn sáng trưng, tôi cảm tưởng như giờ mới chỉ gần mười hai giờ đêm. Đà Lạt lạnh về đêm, khoảng bảy – tám giờ sáng mới bắt đầu tan sương với ánh nắng le lói, nên việc di chuyến có lẽ sẽ khó khăn. Dù chưa ăn sáng nhưng không muốn mình bị mất hình tượng trước mặt Tu Tub dễ thương, tôi bỏ tọt chiếc kẹo cao su vào miệng, nhóp nhép nhai, tay xỏ giày, tay với chiếc áo để sẵn ở đầu giường và nhẹ nhàng bước ra cửa.
Cô quản lý kí túc nữ có lẽ vẫn đang say giấc nồng. Không có ánh đèn nào phát ra từ phòng nghỉ, cũng không có ai đi lại quanh đây. Mọi thứ đều chìm vào giấc ngủ rất yên bình, ngay cả cánh cổng sắt cũng được khóa rất chắc. Những thanh sắt nhọn dài uốn cẩn thận đều tăm tắp chọc lên trời vẻ kiêu hãnh thách thức bất kì ai muốn vi phạm nội quy. Không ổn rồi, phải trèo tường thật. Tôi vòng qua đằng sân sau, chuẩn bị tinh thần tác chiến thì đã thấy Tu Tub đứng đó cầm trên tay vật gì bốc hơi nghi ngút.
- Cậu có vẻ khoan khoái nhỉ!
Tôi phủi phủi tay sau khi qua được bức tường thấp lè tè phía sau. Lúc này mới nhận ra cậu đang cầm hai cốc mỳ. Chỉ có điều khói bay ra đã nhạt dần đều.

- Bọn tớ có giấy ra khỏi kí túc…nên đã xin chìa khóa từ tối qua. Ăn đi, mỳ tôm Yum.
Tôi tiện tay vặt một chiếc lá trên đầu xuống, nhổ kẹo cao su vào đó rồi bắt đầu thong thả đón lấy cốc mỳ đang trương lên. Chúng tôi không nói thêm câu nào với nhau nữa, cắm đầu vào ăn để không muộn giờ hẹn với hai anh khóa trên.
- Đón lấy này! – Anh Dương khóa trên ném cho tôi bộ quần áo màu xanh biển bạc màu.
- Giờ mình đi bộ xuống kia lấy xe máy đi. Tub lên anh đèo, còn An lên Dương đèo – Anh Hòa vừa nói, tay vừa đập đập vào chân xua muỗi – Màn chào hỏi làm quen để sau khi làm việc xong sẽ tính. Nhớ là khi vào đó phải bịt khẩu trang, việc của các em chỉ là nhặt rác như bao người bình thường khác.
- Đừng xen vào chuyện của bất kì ai. Rõ chưa?
- Dạ!
Tôi và Tu Tub đồng thanh đáp lại rồi lẽo đẽo đi theo những bước chân sải dài của hai anh bước xuống phía dưới trường. Con đường ngắn hơn có lẽ do sự hồi hộp của tôi đang lên tới đỉnh điểm. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Từ bé tới giờ chưa bao giờ tôi có dịp hoặc đủ thời gian, cũng có thể không đủ dũng cảm để bước vào những nơi như nơi chúng tôi sắp đến. Dường như một xã hội khác đang chờ đón tôi. Bãi rác. Chắc chắn sẽ không sạch sẽ, mùi sẽ khó ngửi, mọi người sẽ không thân thiện với nhau. Nhưng tôi hy vọng mình sẽ không xui xẻo để dính vào bất cứ chuyện gì ở đó. Chỉ cần quan sát, trải nghiệm và về nhà an toàn. Với tôi thế là đủ rồi!
Đà Lạt nép mình trong chăn không mở mắt kể cả tiếng xe nổ lạch bạch dưới đường ồn ã. Đốm sáng di chuyển nhanh vun vút, như thể những chiếc xe máy đã biến hình thành những chiếc chổi quét tung bụi mù ở đường lên. Mỗi bước đi qua, chúng tôi để lại phía sau con đường tĩnh mịch đến gai người. Thỉnh thoảng có thêm vài chiếc xe phóng vèo qua làm tôi giật mình thon thót. Khi còn ở Hà Nội, nghe bạn bè kể về những chuyến phượt lên Mộc Châu, Sơn La, Mù Cang Chải, Sìn Hồ, tôi luôn lấy làm ghen tị. Họ kể về việc sắp xếp, chuẩn bị cho chuyến đi. Từ những người không quen biết bỗng trở nên thân thiết, thậm chí trở thành người yêu từ một lần đi phượt. Họ hào hứng với mỗi cung đường đi qua, có những con đường lầy lội, có những pha đổ đèo vã mồ hôi vì sợ hãi, có cả những nơi ngập đầy hoa ban, hoa vàng lãng mạn như trong tranh vẽ… Ánh mắt họ tràn trề sự hạnh phúc vì được chụp lại những bức hình chứng tỏ mình đã trưởng thành và đầy sự dũng cảm. Tôi cũng thèm khát được xách ba lô lên, ngồi sau xe một người xa lạ nào đó và đi tới miền quê vẫn còn hoang sơ, nghèo nàn như thế. Nhưng mọi sự đã thay đổi kể từ khi tôi đi tình nguyện ở làng trẻ SOS về. Vấn đề quan trọng không phải là những con đường mình đi qua, thật vậy, vì phượt không chỉ mang ý nghĩa như sự trải nghiệm từ tự nhiên, từ chính bản thân mình. Mà bởi vì phượt còn là sự chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, trải nghiệm cuộc sống vất vả của đồng bào dân tộc thiểu số nữa. Bạn tôi, có người hiểu, có người không. Một vài trong số họ chỉ đơn giản là lên xe, đi tới bất cứ đâu mà họ đã tính, chụp ảnh, đăng lên facebook và ra về như vừa hoàn thành xong một chuyến du lịch lý thú, như một sự “đổi món” trong cuộc đời mình. Tôi không đủ sức khỏe và sự mạnh mẽ để có thể đi như họ. Tôi đã thua những người bạn của mình ở chỗ đó.
Con đường nhiều ổ gà dường như dài tít tắp. Những sợi mỳ tôm trong bụng đang nhảy điệu samba, chỉ trực trào ra ngoài. Màn đêm bao trùm lên khắp mọi cảnh vật. Tiếng côn trùng kêu, những vạt cây đung đưa theo gió tựa bàn tay người muốn nhào xuống tóm lấy, giữ chặt và ngăn cản bước chân bất cứ ai đi qua nơi đây. Bù lại cho sự sợ hãi đang chứng kiến, tôi vẫn thấy đâu đó trong mỗi khóm cây hai bên đường có vài đốm sáng lập lòe. Có lẽ là đom đóm. Sự lãng mạn hòa quyện rùng rợn. Lúc này chỉ thèm được ôm chặt ai đó, nhắm mắt lại cảm nhận tiếng gió rít qua tai. Trong cơn hoảng loạn mới thấy thèm sự bình yên. Thật tệ là lúc này tôi thực sự muốn cuộn mình trong chăn ngủ tới trưa, rồi uể oải dậy mở sách tiếng Anh ra tự luyện thi Toeic.
- Giờ này còn ngồi ở đây!

Tiếng anh Dương khiến tôi choàng mở mắt. Xe vừa vụt qua bốn, năm thanh niên ngồi bên lề đường. Đèn cao áp không đủ sáng để soi rõ mặt, nhưng kiểu cách ăn mặc và dáng vẻ ngông nghênh có thể đoán được chúng vừa đi “bay” với nhau về. Xe đã chạy rất nhanh và rất xa khỏi đó, thế mà tiếng cười khả ố vẫn đeo bám, chạy theo vươn bàn tay dài đòi giật người tôi lại. Dọc đường đi tiếp tục gặp vài tốp thành niên nữa. Họ dặt dẹo đứng túm tụm với nhau tán dóc như giờ mới chỉ tám, chín giờ tối. Thảng khi đốt điếu thuốc mà tàn bay lia lịa, hệt như trong phim liêu trai chí dị. Những khuôn mặt không rõ hình thù, những cơ thể không rõ sự cường tráng dẻo dai, chỉ ánh lên một màu đỏ ở đầu thuốc hút dở đến lạnh lẽo, đơn côi. Tôi bất giác túm chặt hai bên sườn áo của anh Dương, khẽ rùng mình một cái.
Càng đi đường dường như càng xa. Mùi hôi thối của vi sinh vật phân hủy quyện với mùi lá rừng dần dần rẽ màn sương đón chúng tôi tới “thánh địa” của chúng.
- Đến nơi…
Anh Hòa dựng xe vào phía trước của một căn nhà dựng bằng những tấm tôn xanh, lợp ngói xi măng xám ngoét và buông câu nói chơi vơi. Căn nhà tĩnh mịch chỉ có ánh đèn dầu hắt ra, in đậm dáng của hai người phụ nữ một già một trẻ trên bức tường tôn bụi bẩn cáu cạnh. Thỉnh thoảng có vài cơn gió lạnh ùa qua mang theo mùi rác phân hủy tới. Đám đất bên dưới chân không được láng mịn như ở vùng quê Bắc bộ nhà tôi, mà gồ ghề đỏ quạnh ẩm ướt chen lẫn những hòn gạch nổi lên để bước không khéo có khi ngã trẹo chân.
- Con chào cô. Bọn con tới rồi.
Người phụ nữ chừng hơn ba mươi tuổi bước ra ngoài khi tiếng xe máy vừa tắt. Hàm răng hô khiến cho đôi chân mày đang cau lại, vẫn không có cảm giác đang dò xét người đối diện. Tôi và Tu Tub luýnh quýnh hai chân đến thừa thãi, giật giật nhau mở miệng chào.
- Cháu định đi giầy này đến chỗ đó á?
Cô chỉ vào chân tôi và thốt lên kinh ngạc với chất giọng Bắc đặc sệt.
- Cháu không có đôi ba ta nào cả – Tôi thú nhận, cúi mặt xuống.
Tình trạng của mình giờ như một tiểu thư chuẩn bị đi vi hành. Nét kiêu kì trên trang phục tương phản với tất cả cảnh vật, mọi thứ, kể cả mọi người đang đứng trước mặt tôi.

- Thôi xỏ tạm đôi giày rách của bà nhé!
Bà cụ trong nhà chạy ra đưa cho tôi một đôi khác đã rách lởm chởm và chuyển sang màu đen xám, vẻ mặt ái ngại.
- Cháu cảm ơn ạ!
Tôi lí nhí trả lời, đi giày vào chân và gửi lại đôi giày thể thao màu vàng của mình ở đó. Không ai nói thêm câu nào, mọi người đều lúi húi chuẩn bị dụng cụ và nghe người phụ nữ trẻ tuổi dặn dò phải làm những gì. Căn nhà vắng lặng phía sau lưng khi chúng tôi khẽ đi ra và khép cảnh cửa gỗ dựng tạm xiêu vẹo vào. Một mảng hở huếch như đôi môi người phụ nữ không bao giờ khép kín ám ảnh tâm trí tôi. Dường như có một vết khoét nào đó cứ rộng dần và dài ra mãi trong con tim nhỏ bé này…
Bãi rác cách nhà có hai người phụ nữ nghèo khổ mười phút đi bộ. Mùi hôi thối khe khẽ bốc ra theo từng bước chân tới gần. Trời nhá nhem sáng, người đổ về đây mỗi lúc một nhiều hơn. Vài đứa trẻ con lon ton chạy trước, gương mặt hớn hở như thể đang tham gia vũ hội. Những người phụ nữ lầm lũi đi phía sau, tay cầm bị, tay cầm cái khều rác. Và những cụ già đã còng lưng đi chậm nhất nhưng dứt khoát, tay đánh mạnh theo nhịp bước, mắt hướng về phía cánh cổng của bãi tập trung rác thải. Có khi nào họ biết rằng cuộc đời của mình chỉ trông chờ vào nơi đây, nên không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhắm thẳng đích mà tới không? Ánh mắt ai cũng ánh lên những xúc cảm, suy nghĩ khác nhau. Tôi, một đứa có cuộc sống đầy đủ, thường cáu nhặng lên mỗi khi đói, hỉ hả với chiếc quần đẹp mới mua được từ một cửa hàng hạ giá, rủ rê bạn bè đi chơi khi lĩnh tháng lương làm thêm đầu tiên… Tôi luôn có những trạng thái hưng phấn khác nhau ỗi sự kiện trải qua trong ngày, thậm chí trong từng giờ. Còn họ, không biểu cảm gì ngoài dáng đi cam chịu nhưng hy vọng. Tôi đã ước gì điều mình chứng kiến chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống thôi, sẽ không còn chuyện gì khủng khiếp hơn thế nữa, để giữ mình khỏi trào nước mắt khi thương cho số phận của một kiếp người. Mùi nồng nặc của rác tiếp tục bốc lên cao ngất khiến tôi suýt chút nữa nôn ra.
Người đàn ông – là bảo vệ của khu rác, nhìn bốn đứa chúng tôi chằm chặp như con hổ đói muốn bảo vệ đàn con mới sinh. Nếu không có người phụ nữ tốt bụng nhận giúp đỡ này, chắc chắn chúng tôi không thể bước nổi vào bên trong. Mùi rác bốc lên đậm đặc như level cao nhất của một trò game. Anh Hòa và anh Dương mạnh mẽ bước rất nhanh vào bên trong như thể đã quá quen với công việc thực tế này, còn tôi vẫn lừng khừng muốn quay lại hít thêm một chút không khí và ánh sáng le lói bên ngoài. Không gian càng ngày càng thu hẹp như đi vào hầm lò đào than. Tôi cố gắng chỉnh cái khẩu trang cho vừa mặt, bước vội vàng theo các anh để không bị tụt lại quá sâu đằng sau nhưng cũng phải bám thật chắc chân vào giày để khỏi long ra ngoài.
Tất cả mọi người nhìn chúng tôi như những sinh vật lạ. Tôi tự hỏi vì sao mình đã ăn mặc kín mít như vậy mà vẫn bị nhận ra là những người không thuộc về nơi đây. Ánh mắt họ kì dị, soi mói, thậm chí còn khựng lại để ý chúng tôi. Cảm giác ngại ngần không xua nổi ruồi nhặng và mùi rác bốc lên. Tôi bấm bụng, cố gắng thở bằng miệng để không phải nôn ra. Tu Tub khẽ nắm chắc một bên vai ngụ ý động viên cố gắng.
-    Mấy đứa con nhà em đêm qua không về, em phải nhờ mấy đứa cháu họ đi cùng. Đợt này túng quá!
Mọi người không gật đầu, cũng không trả lời bất cứ điều gì để đáp lại, chỉ nhìn chúng tôi thêm một lần nữa rồi tiếp tục công việc hàng ngày. Rác chất hàng đống, bạt ngàn túi nilon to nhỏ màu sắc khác nhau. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu tất cả rác thải ở đây là một xã hội thu nhỏ, thì tôi đang ở đâu? Tôi là cái vỏ dừa khô cong màu nâu sậm hay lon bia bị bóp lép kẹp góc kia?
-    Nào tránh ra đi.
Một ông già chừng sáu mươi tuổi, tóc muối tiêu, khóe mắt chằng chịt vết chân chim tiến lại sẵng giọng với tôi.

-    Ra nhặt mấy cái vỏ dừa kia kìa, bán nhiều tiền đấy. Chúng mày còn non quá, khéo bị tranh hết đồ.
Tôi không kịp trả lời lại, vì ông già ngay lập tức chúi đầu vào công việc của mình, tay thoăn thoắt khều rác, nhặt nhạnh thuần thục. Chiếc túi mang theo đã được đầy một nửa dù công việc mới chỉ bắt đầu chưa tới mười phút, phải kéo lệt bệt dưới đất. Tiếng kêu phát ra từ những chiếc túi chạm đất ẩm ướt và tiếng thanh sắt kều rác kéo lê dưới đất như một bản giao hưởng của Ludwig Van Beethoven: cam chịu, đau đớn, bùng nổ, da diết – mà mỗi đêm mưa chị gái tôi hay mở để thức trắng làm việc.
- Má ơi, có cái này…
Bé gái chừng lớp một gọi mẹ. Tiếng gọi vọng lại như âm thanh đập ra từ hang đá.
- Sao con?
- Đó!
Tôi tò mò quay người lại nhìn. Họ đang bới bới, nhặt nhặt rất đều tay. Mùi hôi thối bốc lên nồng hơn làm tôi định quay người đi.
- Ăn được!
Bà mẹ cởi túi nilon đỏ, lấy thứ gì đó cho lên mồm nhai và nhoẻn cười. Cô con gái ngay lập tức hớn hở thò tay vào bốc ra ăn. Họ nhìn nhau sung sướng, đoạn nhanh tay cuộn thật kĩ cho vào túi quần như sợ ai tranh mất. Tôi bụm miệng lại. Dạ dày quặn lên như đồ thị hình sin. Thiếu chút nữa nôn tất cả những gì mỳ tôm chưa tiêu hóa hết, còn sót lại ra ngoài. Anh Hòa liếc mắt sang nhìn tôi, chau mày lắc đầu ra hiệu. Quá sợ hãi trước hình ảnh vừa đập vào mắt và lo lắng với viễn cảnh bị túm cổ lôi ra khỏi đây, để những người bạn bị ảnh hưởng lây, tôi cố gắng nuốt khan vài lần. Nhưng dường như càng trong tình trạng hoảng loạn và mệt mỏi, nước bọt nuốt xuống càng nhanh chóng dâng đầy lên, như thách thức sự kiên trì, như trơ lì khẳng định một kiếp người khác vẫn đang tồn tại song song với thế giới yên bình ngoài kia.
Tôi vừa nhặt vỏ dừa cho vào túi, vừa nhìn xung quanh. Những chiếc quần nhô lên phía đầu gối, quăn tít chằng chịt mép gập phía sau, những chiếc áo bạc phơ phếch, những cái khẩu trang dầy dặn nhưng đã xỉn màu và những đôi mắt vô hồn, không biểu cảm. Có khi nào những đứa thanh niên trên đường tôi gặp, đang phì phèo với điếu thuốc đỏ quạnh nghĩ về những vất vả của bố mẹ chúng, ông bà chúng, các em thơ của chúng trong này không? Bên ngoài kia trời có lẽ sắp chuyển màu, ánh sáng lờ mờ của mặt trời chuẩn bị ngủ dậy sẽ soi rõ hơn những khuôn mặt người. Còn ở đây, bóng tối vẫn ngự trị, vài chiếc đèn thắp vội không đủ sáng cho bất cứ ai mắt mờ muốn tìm kiếm những món đồ còn giá trị, thật nhanh. Nhưng với tôi, giờ đây bóng tối cũng có giá trị của nó. Vì càng ở lâu trong đó, người ta càng cảm thấy điều gì là quan trọng nhất cho cuộc đời mình.
Đọc tiếp Găng tay xanh – phần 12


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận