Gá Duyên


Đêm qua, bà Cẩm hơi sốt, cơ thể mệt mỏi khiến bà ta nằm bẹp trên giường.

Vừa thấy Đức, bà ta đã yêu cầu.

“Tôi muốn gặp thằng Long.

Anh sắp xếp để tôi được vào tù thăm nó đi.”
“Hiện tại thằng Long đang trong giai đoạn giam giữ đợi xét xử phúc thẩm, không được gặp ai ngoài luật sư.”
“Xét xử phúc thẩm là cái gì? Vụ án vẫn đang điều tra, xét xử nó bao giờ? Sao tôi không biết.”
“Xét xử sơ thẩm đã kết thúc.

Thằng Long lĩnh án hai mươi lăm năm tù.

Ngân kháng cáo nên vụ án kéo dài.”
Bà Cẩm khóc lóc bù lu bù loa khi biết Đức giấu chuyện Long đã bị xét xử.
“Hai mươi lăm năm tù còn chưa đủ cho con Ngân trút giận à? Tại sao nó còn kháng cáo chứ?”
“Mạng sống của chú Công chỉ bằng hai mươi lăm năm tù, giá này quá nhẹ rồi.”
“Là hai mươi lăm năm tù đấy.

Có phải hai năm đâu mà anh kêu nhẹ? Trời đất ơi! Đến khi thằng Long ra tù thì nó già rồi, hết cả cuộc đời rồi.”
“Hai mươi lăm năm tù là hình phạt cho hai tội giết người.

Giết chú Công và Ngân.”
“Con Ngân đã chết đâu mà xử tội thằng Long.”
Lời nói ngang ngược, không có tình người của bà Cẩm làm Đức tức giận, thất vọng và xót xa.

Hắn gầm lớn.

“Nếu Ngân bị thằng Long dìm chết trong sông thì thằng đấy xác định án tử hình đi.

Mẹ phải nên tạ ơn trời phật đã phù hộ cho Ngân tai qua nạn khỏi, chứ không phải ở đây oán trách em ấy gửi đơn kiện thằng Long.”
“Anh… anh…” Bà Cẩm ôm ngực, tức không nói được.
“Chồng bị giết hại khi bản thân đang mang bầu, không có người vợ nào tha cho kẻ thù giết chồng đâu.

Chính tình thương mù quáng của mẹ đã đẩy thằng Long thành kẻ phạm tội đấy.”
Sự ngang ngạnh, bất chấp lý lẽ của bà Cẩm làm Đức bỏ ý định kể chuyện về Thiện.
Đức rời nhà, để bà Cẩm một mình với giúp việc mới.
Sau chuyện bà Bích ném rác thải lên người, bà Cẩm hầu như không bước chân ra khỏi nhà.

Các trận ốm vặt cùng lớp da bỏng trên người như bắt tay hợp tác, cùng một lúc dày vò bà Cẩm.
Bệnh của bà ta không nặng đến mức phải đi viện, cũng chẳng khỏi hẳn để có thể ăn uống bình thường.

Bà ta luôn nằm trên giường, lười vận động, lười suy nghĩ.

Trong căn nhà hai tầng nhỏ bé, người giúp việc ít nói chuyện, bà Cẩm có tâm bệnh nên càng không muốn tâm sự.

Bầu không khí ngày càng ảm đạm, không sức sống.
Bà Cẩm nói Ngân sắt đá, lạnh lùng, không biết tha thứ cho người mẹ già đã biết ân hận.

Bà ta không nhận ra các tổn thương tâm lý do bà ta tạo thành, chính con ruột của bà ta cũng không thể quên đi.

Đây là nguyên nhân Đức ở trên Hà Nội để lo cho Thiện, hắn không về nhà ở mà thuê trọ bên ngoài.
Khi ốm đau, cảm giác cô độc càng bị phóng đại.

Bà Cẩm nằm trên giường, nhìn ra ngoài cửa sổ.

Bên ngoài không có bầu trời trong xanh hy vọng, không có đám mây xù xì tạo thành hình con vật đáng yêu, chỉ có bức tường màu xám lạnh lẽo.

Nhà hai tầng sống trong ngõ nhỏ giữa thành phố đông đúc, chật chội thì sao thấy được bầu trời trên cao.
Ngay cả ánh nắng vàng ấm áp cũng không chiếu được vào căn phòng tĩnh mịch, buồn thương.
“Bà nội ơi!”
Giọng nói trong veo của trẻ con rơi vào tai làm đôi mắt già nua mở to.
Cuộc trò chuyện từ nhà bên vọng vào phòng như từng nhát búa đánh vào tim bà Cẩm.
“Đêm nay mẹ con có về không ạ?”
“Đêm nay mẹ cu Tí phải trực rồi.

Có rất nhiều con đường cần mẹ quét dọn sạch sẽ.

Sáng mai mẹ sẽ về với cu Tí.”
“Vậy ngày mai bố con về nhà không ạ?”
“Bố cu Tí đi làm xa.

Cu Tí ngoan, không khóc, cuối năm bố sẽ về, mua thật nhiều quà cho con.”
“Con có thể chọn quà không hả bà?”
“Được chứ.

Cu Tí muốn bố mua quà gì nào? Để bà nội nhắn cho bố.”
“Con muốn bố mua máy đấm lưng cho bà.”
“Cu Tí của bà ngoan quá.

Bà có cu Tí đấm lưng cho rồi.

Không cần mua gì cho bà đâu.”
“Tay con bé xíu, đấm lưng không giỏi bằng máy đấm lưng trên tivi.

Con yêu bà nội nhất! Con ghét bệnh đau lưng làm bà đau.”
Nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy nếp nhăn của bà Cẩm.

Bà ta nghĩ đến Mốc nhưng không cách nào nhớ được đường nét trên mặt cháu nội.
Bà Cẩm nhận định Mốc không phải con trai của Công nên chưa bao giờ thấy thằng bé giống bố.

Đến bây giờ, sự thật vả cho bà ta cái tát đau đớn thì bà ta chẳng thể nhớ được gương mặt của cháu nội.
“Mốc ơi…”
Bà Cẩm mò mẫm tìm điện thoại dưới gối.

Do ăn uống không đầy đủ nên tay bà ta run lẩy bẩy làm rơi điện thoại xuống sàn.

Bà ta vô thức vươn tay chụp điện thoại, lại khiến bản thân ngã rầm xuống sàn.
Cảm giác lạnh lẽo của nền nhà không làm bộ xương già bớt đau.

Bà Cẩm chống tay ngồi dậy.

Cơn đau nhói nơi cổ tay làm bà ta ngã lần thứ hai.

Toàn thân lạnh toát bởi cơn đau nhức nơi cổ tay.
Bà Cẩm nhìn chằm chằm cánh tay gầy gò, da dẻ đầy đồi mồi của mình, thều thào đứt quãng.

“Có lẽ… trật khớp cổ tay rồi.”
Giúp việc đã đi chợ, không có ai giúp bà Cẩm lên giường.

Bà ta cứ nằm trên sàn nhà lạnh lẽo, bấm điện thoại gọi cho Đức.
Từ điện thoại vọng ra tiếng còi xe ô tô.

Giọng bà Cẩm không giấu được hy vọng.
“Anh đang trên đường đến thăm tôi à?”
“Con gần đây hơi bận.

Lúc khác con về thăm mẹ sau.”
“Anh vẫn còn giận vì tôi nói con Ngân ích kỷ, kiện cáo thằng Long à?”
“Đây là tội giết người.

Thằng Long giết anh trai ruột, cần phải chịu tội trước pháp luật.


Nếu mẹ gọi điện để nói chuyện này thì con cúp máy đây.”
“Được, được.

Tôi không nhắc nữa.

Không nói về thằng Long nữa.

Nhưng anh phải hứa khi nào tòa xử án, anh cho tôi đến tòa nhìn mặt thằng Long.

Tôi muốn gặp nó.

Tôi muốn nói chuyện với nó.”
“Được.

Con hứa.

Vậy thôi nhé, con có việc, không nói chuyện được nữa…”
“Tôi muốn gặp thằng Mốc!”
Đức ngừng lại khá lâu, bên kia điện thoại là tiếng ồn xô đẩy, mãi sau hắn mới nói.

“Mốc không đồng ý gặp mẹ.”
“Tôi nhớ nó lắm… Tôi rất nhớ nó…” Bà Cẩm òa khóc như một đứa trẻ.

“Rõ ràng tôi có ba đứa con trai, đứa nào cũng lập gia đình rồi… vậy mà bây giờ tôi ngã xuống sàn, nằm thui thủi như một con chó, cũng không có đứa con đứa cháu nào bên cạnh… Đức ơi, tôi cầu xin anh.

Anh đưa thằng Mốc về đây đi.

Tôi nhớ cháu tôi…”
Bà Cẩm không kiểm soát được cảm xúc, khóc lóc và lảm nhảm rất nhiều.

Mọi lời khuyên nhủ của Đức không lọt vào tai bà ta.
Chị giúp việc về nhà kịp thời, nhận điện thoại của Đức và báo cáo tình huống của bà Cẩm.

Bà ta cảm lạnh, sốt cao nên mê sảng.

Bác sĩ đến nhà truyền nước và cho dùng thuốc an thần, hiện tại đã ngủ.
Chuyện gọi bác sĩ đến tận nhà, thanh toán tiền khám bệnh cho bà Cẩm nằm trong nhiệm vụ của người giúp việc.

Tình huống này không phải xảy ra lần đầu tiên nên Đức hoàn toàn yên tâm giao cho giúp việc, không gấp gáp quay về.
Hiện tại hắn có chuyện khác quan trọng hơn.
Đức từ Hà Nội về tới nhà là gần giờ cơm trưa.
Bà Mẫn thấy con rể, phiền muộn và lo lắng trong lòng biến mất nhanh chóng.

Bà nói.

“Con Ngân bán hàng ngoài chợ đấy.

Con ra xem nó dọn hàng chưa, phụ nó một tay.

Gần đây khách hàng đến quán đông hơn, nó ham tiền, tăng lượng bún lên gần gấp đôi.

Hôm nào cũng trưa trật trưa trờ mới thấy nó về.

Tiền kiếm được nhiều rồi đổ hết vào thuốc thang thôi.”
“Vâng, con biết rồi.”
Đúng như lời bà Mẫn nói.

Đức ra tới quán bún ốc của Ngân, cô đã bán xong hết hàng.

Cô quần quật từ tờ mờ sáng đến tận trưa, cơ thể cũng biết mệt mỏi, tốc độ dọn dẹp hàng trở nên chậm chạp.
“Em ngồi nghỉ đi.

Để tôi dọn hàng.” Đức cướp nồi canh xương trên tay Ngân, ra lệnh cho cô.
“Anh về lúc nào vậy? Sao không gọi điện cho em trước?” Ngân cười hạnh phúc khi thấy Đức.

Chính bản thân cô cũng không biết sau khi làm vợ chồng, hai người xa cách vài ngày, cô đã bị nỗi nhớ dày vò đến khổ sở.

Bây giờ thấy Đức, bao mệt mỏi cũng tan biến, chỉ còn niềm vui, niềm hạnh phúc len lỏi trong tim.
“Bởi vì đi gấp nên tôi không gọi điện.”
Ngân nhận ra lời nói của Đức có vấn đề.

Hắn có chuyện quan trọng muốn nói với cô.

Một hình ảnh nhỏ bé lóe lên trong đầu Ngân.
Cô không ngồi nghỉ mà cùng dọn hàng với Đức.
Chợ trưa vắng vẻ.

Chủ buôn, quán cóc đều dọn hàng về.

Người đi chợ lưa thưa.
Sự yên tĩnh trong ki-ốt bán hàng của Ngân càng thêm cô đọng.

Đức ngồi trước mặt Ngân, giọng nói nghiêm túc và cẩn thận từng chữ.
“Ngân, tôi có chuyện quan trọng muốn xin em đồng ý.”
“Em không đồng ý.”
Lời muốn nói cứng đờ ở đầu lưỡi Đức.
“Anh không cần nhìn em bằng đôi mắt đấy.

Chúng ta là vợ chồng, sao em lại không hiểu anh muốn nói gì chứ? Anh muốn nhận nuôi nhóc Thiện chứ gì? Và bây giờ em không đồng ý, anh sẽ đưa nó đến ở với mẹ anh.

Sau đấy, hàng tháng anh đi về về hai nơi, vừa chăm sóc con của vợ cũ vừa chăm sóc con riêng của vợ mới, đúng không?”
“Những lời này không phải tính cách em.

Đừng nói nữa!” Đức siết chặt tay Ngân làm cô nhăn mặt vì đau.

Hắn vội buông tay, xoa nắn vết đỏ ửng bằng thái độ nghiêm túc.
Ngân liếc nhìn vẻ chuyên chú, đau lòng trên mặt hắn.

Cô khịt mũi hỏi.
“Vậy trong mắt anh, tính cách của em sẽ nói ra lời thế nào?”
“Em sẽ đồng ý.” Và đây cũng là hy vọng của hắn.
“Nếu anh đã biết em đồng ý rồi thì còn giả bộ trưng ra vẻ mặt trịnh trọng khi hỏi em làm gì hả?” Ngân bực bội rút mạnh tay về, đánh vào người hắn.

Giọng cô chua loét.

“Có vợ chồng nào cần phải xin phép nhau làm việc này, làm việc kia không hả?”
Đức ngỡ ngàng nhìn Ngân, để mặc cô đấm vào ngực hắn.

Phản ứng của hắn làm Ngân bật cười.

Nụ cười xuất phát từ đáy lòng.
“Trước khi chúng ta thành vợ chồng, em và anh đều có gia đình riêng.

Anh có thể yêu thương con riêng của vợ như con đẻ thì tại sao em không thể thương con riêng của chồng như con ruột?’
“...”
“Anh cho Mốc một người bố.

Em cũng có thể cho Thiện một người mẹ, nếu thằng bé chấp nhận em.”
“...”
“Anh Đức, em biết nguyên nhân anh kéo dài đến bây giờ mới nói với em về chuyện muốn nhận Thiện đấy.”
“Nguyên nhân gì?”

“Vào ngày xét nghiệm ADN, em đã khóc.

Có phải anh nghĩ em khóc vì buồn bã chuyện anh có con riêng.

Anh tự trách vì làm em buồn nên mới kéo dài đến bây giờ, đúng không?”
Đúng vậy.

Đức chưa từng nghĩ Ngân sẽ ghen tuông với vợ cũ, hay đố kỵ, ghét bỏ con riêng của Đức.

Trong tình yêu này, Đức yêu Ngân nhiều hơn, yêu đối phương sớm hơn.

Vậy nên cảm xúc và thái độ của cô luôn được hắn nâng niu, lo được lo mất.
Ngân rướn người ra phía trước, cọ mặt cô vào sườn mặt Đức, dịu dàng nói.
“Mặc dù phụ nữ hay cả nghĩ, thích lo lắng chuyện không đâu, sẽ đố kỵ và ghen tuông trong một vài tình huống, nhưng điều đó không cản trở chuyện chúng ta tôn trọng nhau, yêu thương mọi thứ của đối phương.

Anh bao dung mẹ con em, em cũng sẽ yêu thương mọi thứ thuộc về anh.”
Đức ôm lấy Ngân, giọng nam trầm xúc động trở nên nóng bỏng.

“Cảm ơn em! Cảm ơn em.”
Tôi thương em rất nhiều.

Tâm tình này đầy ứ trái tim trong ngực Đức, truyền qua người Ngân làm cô thấy bình an.
“Tôi muốn đi tảo mộ ông ngoại.”
Ông ngoại trong lời Đức là ông Khiêm.
Hắn giải thích.

“Cái chết của ông có một phần lỗi của tôi.

Nếu không phải vì em chăm sóc tôi, không nỡ rời khỏi căn nhà kia vì thương một kẻ điên dại như tôi, ông ngoại cũng không bôn ba từ quê lên Hà Nội nhiều lần để khuyên nhủ con gái.

Tôi sẽ dùng cả đời để thương em và Mốc, thay ông ngoại chăm sóc người thân của ông.

Nhưng chuyện của Thiện, tôi muốn xin phép ông ngoại trước khi đón nó về đây.”
“Chị ấy đồng ý cho anh nuôi thằng bé luôn từ bây giờ à?”
“Hồng yếu lắm rồi.

Tôi muốn sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa.”
Lòng Ngân chùng xuống khi biết bệnh tình của Hồng.
Chuyện tảo mộ ông Khiêm tiến hành ngay trong buổi chiều.
Mộ ông Khiêm nằm ở khu mộ dòng họ, rất gần nhà Ngân.

Ngân thường xuyên ra lau chùi mộ bố khiến mộ ông Khiêm sạch sẽ, hoa nở tươi tốt hơn các ngôi mộ xung quanh.
Đức tự tay lau dọn mộ, thắp hương và quỳ khấn.
Ngân quỳ bên cạnh, yên lặng đợi Đức nói chuyện với bố.

Bức ảnh ông Khiêm trên bia đá mỉm cười nhìn cô.
Cái chết của ông Khiêm không phải lỗi của Đức, mà là lỗi của Ngân.

Bà Mẫn chưa từng trách con gái.

Cô Ba chưa từng đổ tội cho cháu gái.

Nhưng thâm tâm Ngân vẫn hiểu người hại chết bố là cô, là đứa con gái bất hiếu này.

Các tâm tình hối hận, ăn năn, tự trách này không ai biết.

Ngân luôn đè nén trong lòng, chỉ khi nào cô đối diện với bia mộ của bố, cảm xúc đau khổ, tang thương mới như lũ tràn ra, bao bọc lấy cô.
Nước mắt lặng lẽ rơi trên mặt Ngân.
Đức quỳ bên cạnh thầm nói chuyện với bố vợ rất lâu.

Đến khi hắn quay sang Ngân thì giật mình trước gương mặt lã chã nước mắt.
“Bố rất thương em.

Vậy nên, em phải cười để bố mãn nguyện vì con gái đang rất hạnh phúc.” Hắn xoa đầu Ngân như vẫn làm với Mốc.

“Đừng khóc.

Bố vợ sẽ nghĩ con rể bắt nạt con gái, đêm về mắng tôi đấy.”
Ngân thúc cùi chỏ vào be sườn Đức, càu nhàu theo thói quen.

“Nói linh tinh gì vậy.

Bố thương em lắm đấy, coi chừng lời nói thành thật…”
“Bố ơi! Mẹ ơi!” Tiếng la hét ồn ào của Mốc cắt ngang lời Ngân.

Thằng bé giơ cao điện thoại, hớt hải chạy đến mộ ông Khiêm.

“Anh Thiện gọi điện nói… nói mẹ anh ấy sắp chết rồi…”
Đức và Ngân vội vàng lên Hà Nội.
Thời điểm Đức về quê là tình trạng Hồng đã rất nguy kịch.

Có thể ra đi vào bất cứ lúc nào.
Hiện tại Hồng hôn mê, không biết gì.

Hơi thở yếu đến mức bác sĩ nói không nên tiêm truyền gì hết.

Cơ thể Hồng đã không thể thừa nhận được thuốc hay nước.
Thiện nhìn thấy Đức liền khóc òa.

Nó không thích ông bác này nhưng những ngày qua, Đức đưa mẹ Hồng đi khám, lo mọi chi phí thuốc thang và ăn uống trong nhà.

Từ ngày ông ngoại mất, Đức là người duy nhất chăm sóc và giúp đỡ mẹ con nó.

Nó vô thức ỷ lại vào một người lớn xa lạ.
Chuyện Hồng nói Thiện là con Đức không hề đọng lại trong đầu thằng bé.

Từ nhỏ đến lớn, người bố không hề có trọng lượng trong lòng Thiện.
Hồng hôn mê hết một đêm, đến rạng sáng thì đi.
Thiện ngơ ngác cảm nhận bàn tay mẹ Hồng ngày càng lạnh lẽo.

Nó sợ hãi cảm giác này nên khóc nấc lên, gọi Đức cứu mẹ.
Đức xoa đầu Thiện và đi ra cửa gọi điện cho bên tang lễ.
Đức đã tìm hiểu tình huống nhà Hồng.

Bố mẹ cô mất là họ hàng cắt đứt quan hệ.

Không ai muốn dính đến kẻ thứ ba phá hoại gia đình người khác như Hồng, không ai muốn cưu mang một đứa con hoang như Thiện.
Nghĩa tử là nghĩa tận.

Đức và Ngân đứng ra làm đám ma cho Hồng.
Trong tiếng khóc tang thương của đứa bé mười tuổi, tang lễ của Hồng được tổ chức đơn giản và nhanh chóng.
Thiện chỉ là một đứa bé nhưng nó biết ranh giới sự sống và cái chết.

Nó nhìn người ta thiêu ông ngoại, giờ đây nó lại chứng kiến hòm áo quan của mẹ bị đưa đi mất.

Nó gào khóc gọi mẹ ơi, gọi đến khản cổ, mẹ cũng như ông ngoại vẫn bỏ rơi nó.

Sau ba ngày, kết thúc đám tang, Thiện ngồi co ro trên tấm phản gỗ nơi góc nhà.

Mùi khai, mùi ẩm mốc, mùi thuốc quen thuộc của mẹ khiến nó thấy bình yên.
Ngân đi đến trước mặt Thiện.

Thằng bé vội vã rụt vội chân lên tấm phản, ngồi lui vào trong.

Những ngày qua, có rất nhiều người nhìn nó bằng ánh mắt thương hại.

Nó sợ và ghét các ánh mắt đó.
Nó ngẩng đầu nhìn Ngân.
Một đôi mắt tĩnh lặng, yên bình nhìn nó chuyên chú.
Không có thương hại, không có khinh bỉ.
Mũi nó cay xè và nước mắt ứa ra.

Nó hoảng hốt lau nước mắt, hoang mang nhìn Ngân.

Tại sao nó luôn thất thố khi đối diện cô Ngân?
“Cháu nhớ em Mốc từng đến đây chơi với cháu không?”
Thiện mất một lúc mới hiểu Ngân đang nói chuyện với nó.
Nó gật đầu.

Nó không có bạn.

Vậy nên, người bạn duy nhất chịu chơi chung đồ chơi với nó, nó sẽ nhớ mãi.
“Mốc là con của cô và chồng trước.

Chồng trước của cô mất rồi.”
Đức giật mình trước câu nói của Ngân.

Hắn lưỡng lự muốn đi đến gần cô, cuối cùng hắn vẫn đứng yên tại chỗ.
Thiện không hiểu ý Ngân, nó nhìn cô đầy tò mò.
“Mẹ Hồng của cháu và chú Đức từng là vợ chồng.

Cháu là con của chú ấy.

Cháu biết chuyện này không?”
Thiện nhìn Ngân rồi nhìn Đức đầy cảnh giác.

Đôi mắt dịu dàng của Ngân làm nó mềm lòng, nhẹ gật đầu.
“Hiện tại cô và chú Đức đã là vợ chồng.

Em Mốc đang sống cùng cô chú.

Vậy, cháu có muốn đến ở cùng em Mốc, sống cùng cô chú không?”
Thiện vào đời sớm, nó rất thông minh nên hiểu được lời Ngân.
“Cô muốn làm mẹ cháu à?”
“Cháu có muốn không?”
Thiện trả lời rất nhanh.

“Cháu chỉ có một mẹ Hồng thôi.”
“Cháu có thể gọi cô là dì hoặc là cô.

Cô không bắt cháu gọi mẹ đâu.”
Đề phòng trên mặt thằng bé vẫn không giảm.

Sự kiên trì của Ngân ngày càng tăng.
“Mẹ cháu đã mất, người có quyền giám hộ cháu là chú Đức.

Chú Đức có nghĩa vụ nuôi nấng cháu, cho cháu đi học, cho cháu ăn, cho cháu chơi, cho cháu một môi trường trưởng thành tốt nhất.

Cô hứa với cháu, em Mốc có gì thì cháu cũng có thứ đấy.”
“Trước khi ông ngoại mất, cháu học lớp ba rồi.

Cháu biết đọc biết viết, không cần đi học nữa.”
“Trẻ con dưới mười tám tuổi không học hết lớp mười hai sẽ bị công an phạt tiền đấy.”
“Phạt bao nhiêu tiền ạ?”
“...!Mười triệu.”
Ngân lưỡng lự mất hai giây khiến Thiện nghi ngờ.

Nó tiếp tục phản kháng.
“Cháu có thể tự làm đồ chơi từ vỏ lon hoặc nhặt đồ chơi cũ về sửa lại.

Cháu không cần chú Đức.”
Ngân mở điện thoại, đưa ảnh chụp đồ chơi của Mốc ra trước mặt Thiện.

“Cháu biết làm đồ chơi như thế này không?”
“Không ạ.” Thiện ỉu xìu, thành thật trả lời.
“Chú Đức có thể mua cho cháu đồ chơi này và nhiều đồ chơi khác nữa.”
Thiện liếc nhìn đồ chơi siêu nhân lắp ghép trên màn hình điện thoại, nuốt nước bọt rồi chống chế.

“Cháu có thể sống một mình.

Chú Đức muốn nuôi cháu thì cho cháu tiền, cháu tự mua thức ăn.”
Ngân bật cười trước ý tưởng khôn lỏi của thằng bé.

Mặt cô nghiêm nghị, giọng nói giảm bớt sự mềm mại.
“Trẻ con dưới mười tám tuổi không thể sống một mình.

Nếu cháu không ở với bố ruột thì công an sẽ bắt cháu vào tù.”
“Phải ngồi tù bao lâu ạ?”
“Đến năm cháu mười tám tuổi.”
“Nhưng… nhưng các bạn đi ăn xin như cháu cũng có đứa không có bố mẹ, nó có phải ngồi tù đâu.”
“Bởi vì các bạn ấy có ông bà, cô chú, bác dì.”
Có tiếng phì cười vang lên sau lưng.

Ngân quay đầu, lườm Đức.
Hắn gãi mũi xấu hổ.

“Tôi ra ngoài, hai người nói chuyện tiếp đi.”
Hóa ra đây là cách vợ hắn tự tin sẽ thuyết phục được Thiện sống chung.
Đức đứng trước cửa căn phòng xập xệ, ngẩng đầu nhìn lên trời.
Mặt trời đã khuất sau các tòa nhà cao tầng.

Các tia nắng màu cam cuối cùng le lói nơi chân trời phía Tây.

Gió thổi tung các đám mây trắng xốp bông, nhường chỗ cho mây xám xù xì.

Gió xào xạc vi vu, mang theo mùi cơm mới chín quẩn quanh trong sân, xua đi mùi cống rãnh luôn vây kín không gian.
Hoàng hôn tắt nắng.

Mọi nhà lên đèn.

Người đi làm đi học tất bật về nhà sau một ngày mệt mỏi.
Gia đình hắn cũng quy tụ về một chỗ.

Thật tốt!
.
Mười năm sau, tại bến xe đông đúc, bên cạnh cửa xe khách, Hiểu Minh cười khoe tám cái răng trắng tinh.
“Bọn con đi đây ạ.

Tết, anh em con sẽ về.”
“Sao lại cướp lời thoại của anh trai hả thằng Mốc này?” Thiện huých vào be sườn Hiểu Minh rồi nhanh chân bỏ chạy.
“Không được gọi em là Mốc!” Hiểu Minh đuổi theo muốn đánh anh trai thì thấy Thiện nấp sau Ngân, la oai oái như bản thân bị oan.

Hiểu Minh tức giận, thở phì phò.

“Anh đừng tưởng mẹ thương anh hơn em là em không dám đánh anh nhé.”
“Nói linh tinh gì vậy hả?” Ngân mắng.
“Con không nói linh tinh.

Anh Thiện đỗ thủ khoa Bách Khoa thôi mà mẹ thưởng cho anh ấy một cái ipad rõ xịn.

Trong khi con được toàn bộ bạn gái trong trường bầu chọn là hotboy, mẹ còn mắng con mải chơi lười học, chỉ đủ điểm đỗ đại học Y.

Con đã đẹp trai rồi còn học giỏi như anh Thiện thì quá bất công với bạn học xung quanh.

Vậy nên con học giỏi đủ dùng là được rồi.

Con cũng phải được thưởng ipad.”
“Chúng ta thuê trọ chung, dùng chung ipad mà.


Có phải của một mình anh đâu.” Thiện thở dài.
“Mốc! Con thiếu đòn phải không?” Ngân véo tai Hiểu Minh.

Mười năm qua, sống trong tình yêu của Đức, thời gian như ưu ái Ngân, không để lại nếp nhăn trên gương mặt phúc hậu hay cười.
“Áu áu, đau, đau.

Mẹ đánh con thì đánh, sao cứ Mốc này Mốc kia vậy? Mẹ có biết cái tên Mốc ảnh hưởng đến vẻ đẹp trai của con không?”
Vẻ tự mãn của Hiểu Minh làm Ngân bật cười, lườm thằng bé.

“Cha bố anh.

Cái miệng tếu táo này giống ai vậy hả?”
“Giống bố Đức đẹp trai.”
Hiểu Minh đá mắt về người đàn ông cao to, gương mặt nghiêm nghị vẫn đứng yên lặng bên cạnh.
Đức thấy người lên xe ngày càng đông, liền nhắc nhở.
“Được rồi.

Đến giờ rồi, hai đứa lên xe đi.”
Hiểu Minh và Thiện bịn rịn tạm biệt Ngân và Đức.
Sau khi Thiện về sống với gia đình Ngân, thằng bé học cùng lớp với Mốc.

Thời gian như guồng quay, liên tục đi về phía trước.

Gia đình bốn người có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, dạy bảo con cái nhiều vất vả nhưng Ngân và Đức luôn học hỏi và rút kinh nghiệm để có một gia đình hạnh phúc.
Dưới sự cổ vũ và đồng hành của bố mẹ, Thiện đỗ thủ khoa đại học Bách Khoa, Mốc đỗ trường đại học Y Hà Nội.

Hai anh em muốn tự nhập học, tự tìm nhà trọ, nhất quyết không cho bố mẹ đi cùng.
Đức ủng hộ sự tự lập của hai con trai.
Xe khách rời bến, đưa hai chàng trai mới lớn đến học hỏi ở môi trường đại học.

Ngân nhìn theo xe, mắt ngấn nước.
“Em bắt đầu thấy nhớ hai đứa rồi.”
“Chim non cần rời tổ ấm mới trưởng thành được.”
Ngân không trả lời, rầu rĩ nhìn xe khách biến mất trên làn đường đông đúc.

Tuy hai thằng bé là con trai nhưng lại thân với mẹ hơn là bố.

Tính Đức ít nói và nghiêm khắc, dạy dỗ con cái thường nói một không nói hai.

Tụi nhóc nghịch ngợm và sợ bị phạt, chỉ có cách cầu cứu Ngân.

Tổ ấm bốn người luôn tràn ngập tiếng cười, giờ đây chỉ còn lại hai vợ chồng già khiến tâm trạng cô ủ ê, không vui.
Ngân khoác tay Đức, cười khẽ.

“Chúng ta đi bộ một lúc đi.

Em chưa muốn gọi xe.”
Trên đường phố tấp nập, đôi vợ chồng chậm rãi rảo bước dưới nắng vàng ươm.

Bóng lưng thẳng tắp làm chỗ dựa cho bóng người nhỏ nhắn.

Mái tóc buộc gọn gàng đung đưa theo bước chân Ngân.

Đức thi thoảng nghiêng đầu nhìn cô bằng đôi mắt trìu mến.

Sự cưng chiều không phai bớt theo thời gian.
“Vợ này.”
“Dạ.”
“Hai thằng nhóc đi rồi.

Nhà chỉ còn vợ chồng mình và bà ngoại.

Tôi nghĩ…”
“Hử? Nghĩ gì?” Ngân lơ đãng hỏi.
“Mốc và Thiện đến lúc có em gái rồi.”
Ngân ngẩn người hai giây mới hiểu lời Đức.

Mười năm sống chung, vợ chồng Ngân nhất trí không sinh thêm con, dành thời gian và kinh tế chăm sóc cho hai cậu con trai.

Cô biết Đức đang trêu cô nên véo mạnh vào tay hắn.

“Mấy lời này để con nghe được thì sao hả?”
“Không phải tôi đợi tụi nó đi học rồi mới nói hay sao?”
Uy nghiêm của người bố trong mắt Mốc và Thiện sẽ biến thành lưu manh khi ở bên Ngân.

Đây là một trong các nguyên nhân vợ chồng Ngân luôn trẻ trung, hạnh phúc hơn những cặp đôi tái giá khác.
Dưới sự kiên trì và may mắn, Đức đã có Ngân.

Dưới sự bao dung và nhân hậu, Ngân đã gặp được Đức.

Đôi vợ chồng không những nuôi dạy con cái trưởng thành, còn có thể cảm hóa một người cố chấp, vị kỷ trở nên tốt đẹp hơn.
Trên Hà Nội, tại ngôi nhà hai tầng cuối con ngõ nhỏ, bà Cẩm nằm trên giường, thúc giục chị giúp việc.
“Tôi nghe thấy tiếng chuông cửa đấy.

Nhanh, cô nhanh mở cửa đi.”
“Em biết rồi bác.

Em ra mở cửa ngay đây.” Giúp việc lớn tuổi cẩn thận lau miệng và tay của bà Cẩm, lúc này mới bê bát cháo đi ra khỏi phòng.
Căn phòng ngủ trên tầng hai của bà Cẩm vẫn đơn sơ như mười năm qua.

Điểm khác biệt duy nhất là trên ba bức tường tràn ngập các tranh vẽ bằng màu sáp của trẻ con.

Màu sắc đã phai nhạt theo năm tháng nhưng vẫn có thể thấy dòng chữ nhỏ xinh nơi góc các bức tranh: Chúc bà mau khỏi bệnh.
Người già sẽ lãng tai, mắt mờ, chân tay run rẩy khó đi lại.

Bà Cẩm không ngoại lệ.

Hai năm đổ lại đây, bà Cẩm chỉ nằm trên giường hoặc chống gậy đi vài bước nhỏ trong phòng ngủ.

Mắt bên phải đã mù lòa từ năm năm trước.

Thứ duy nhất bà Cẩm được trời ưu ái là vẫn nghe được tiếng động từ xa.
Tiếng cửa sắt ở tầng một kéo ra.

Tiếng cười giòn giã của hai chàng trai.

Tiếng dép loẹt quẹt đi lên cầu thang.
Giọng trong veo từ nhà bên vọng vào cửa sổ.
“Bà nội ơi, bố mẹ con đã về nhà chưa?”
“Bố mẹ con về rồi.

Đang đợi con trong phòng khách kìa.”
“Hoan hô.

Cuối cùng bố mẹ không phải đi làm xa nữa.

Con có thể thấy mẹ mỗi khi đi học về, có thể khoe khoe điểm mười với bố rồi.”
“Ồ.

Cu Tí chỉ muốn khoe chuyện vui với bố mẹ thôi, phải không? Cu Tí quên bà rồi.”
“Không có.

Con yêu bà nội nhất.

Bà nội đừng gọi con là cu Tí nữa thì con càng thương bà hơn.

Con lớn rồi, không còn là cu Tí nữa.”
“Cu Tí có hai mươi tuổi, ba mươi tuổi thì vẫn là cu Tí của bà.”
Một giọt nước lăn ra khỏi đôi mắt mù lòa.

Lời nói từ đáy lòng bà Cẩm bật thốt trong phòng ngủ vắng lặng.
“Cảm ơn.

Cảm ơn…”
Cảm ơn những cuộc trò của hai bà cháu hàng xóm suốt mười năm qua! Cuộc trò chuyện của đứa con hiếu thảo có bố mẹ đi làm xa, phải trực ca đêm vất vả, của người bà nội tần tảo chăm cháu cho con trai, con dâu tập trung làm ăn, khắc phục kinh tế gia đình.
Cảm ơn các cuộc trò chuyện chứa đầy tình yêu, sự cảm thông và đùm bọc giữa người thân trong gia đình.
Các cuộc trò chuyện từ nhà hàng xóm vọng vào phòng ngủ của bà Cẩm đã cho bà dũng cảm xin lỗi, kiên trì sống tiếp để được nói lời xin lỗi.
Bà Cẩm đợi suốt mười năm, cuối cùng cũng có thể tự mình nói xin lỗi đứa cháu nội, đứa cháu đã từ chối gặp bà vì tội ác năm xưa.
Tiếng dép dừng ở cửa phòng, hai chàng trai cao lớn cười rạng rỡ, tiếng chào ngoan ngoãn mang theo yêu thương và vị tha ôm lấy cơ thể còm cõi của bà Cẩm.
“Bà nội ơi, Mốc về thăm bà này.”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui