Cô hai Huỳnh Khánh Ngọc hai tay dâng tặng cho mẹ một chiếc áo gấm màu tía thêu hoa sen nhân ngày sinh thần của bà.
Quan bà nhìn đường nét tinh xảo, tỉ mỉ mà vui lắm, nghĩ bụng cô con gái vụng về của mình rốt cuộc cũng đã có sự tiến bộ.
Quan bà Hồ thị ra sức khen ngợi, còn thưởng cho nàng Ngọc một túi lì xì nặng tay.
Ướm thử chiếc áo lên người, ngắm nghía mấy vòng trước gương đồng lớn, bà nhoẻn miệng cười, để lộ núm đồng tiền xinh đẹp.
Bỗng sau gáy truyền đến một cơn đau nhói làm quan bà giật mình, lùi lại mấy bước, sau vội cởi chiếc áo ra.
Bên trên cổ áo vậy mà lại có một cây kim thêu hoa đâm thẳng tựa như muốn lấy mạng người.
Hồ Cẩm Tú tức giận đập bàn, cô hai Ngọc giật mình hoảng sợ.
Cho dù là với kẻ ngoài hay là con cái, cái uy phong của Hồ thị vẫn đủ khiến người ta co rúm vì sợ hãi, đây là điểm lợi hại của bà.
- Thế này là thế nào đây chị Ngọc!
- Thưa mẹ, không không, không phải là con làm đâu, là cái con...- Nói đến đây, cô nàng vội lấy hai tay che miệng “thôi chết, sợ quá mà lỡ lời rồi!”
- Hử? Chị nói thế là thế nào? Chị vừa bảo chị thức đêm thức hôm may cho tôi cơ mà?
Khánh Ngọc vội ngẩn đầu, xua xua tay
- Là con làm, đương nhiên là con làm...có điều...có điều phần cổ áo là con nhờ con Mai làm giúp mẹ ơi.
Mẹ đừng giận, đừng mắng con...
Nghe đến đây, quan bà phỏng chừng biết được, sự tinh xảo kia là từ đâu mà ra, không chỉ là cái cổ áo, e rằng cả cái áo đều là nhờ người làm giúp.
Niềm vui chợp tắt, quan bà lắc đầu ảo nảo, đưa chiếc áo gấm cho bà Dung cất đi, đoạn nhìn cô con gái đang đứng bên bàn gỗ, nghiêm khắc nói
- Con nói ta nghe, con sai ở đâu?
- Con không kiểm tra kĩ quà dâng cho trưởng bối
- Lần sau phải kiểm tra, nhưng ý của ta không phải điểm này, con đứng ở đây suy nghĩ kĩ mình sai ở đâu đi!
Hồ thị lắc đầu bước ra khỏi phòng để lại cô hai Ngọc với một mớ hỗn độn trong đầu.
Đứa con gái ngốc nghếch này của bà không bằng một góc đứa con gái lớn.
So với người chị thi thư lễ nghĩa, cư xử nhã nhặn, Khánh Ngọc từ nhỏ đã khiến bà vô cùng lo lắng.
Nó thích bắt nạt, thích thị uy, thích tính kế người khác nhưng lần nào cũng làm mọi chuyện trở nên ngu ngốc, rối bời.
Bà trách nó không phải vì tấm áo kia, mà vì nó hoàn toàn không có năng lực, nếu đã muốn làm thì phải làm cho trót, cho kín kẽ, cho vẹn toàn.
Đứng trong phòng hơn nữa ngày mới dám ra ngoài, cô hai Huỳnh Khánh Ngọc ôm một bụng tức giận đi tìm thủ phạm.
Chị ta đẩy cửa tiến vào phòng, nhìn thấy ta đang luyện chữ, liền bước đến hất đổ nghiên mực, làm mực bắn tung tóe khắp nơi, dây lên cả quần áo của ta.
- Chị, đây là sao thế?
- Mày con dám nói! - chị ta tiến đến xô ngã bình hoa thạch thảo trên kệ tre, rít lên từng chữ - Con ranh này! mày dám tính kế tao hả? Bên trên cổ áo tại sao lại có một cái kim thêu?
- Kim thêu? - Ta vờ ngạc nhiên, lấy tay che miệng - Ôi thôi, chắc là do em đêm qua thêu gấp quá, nên mới...chị đã lấy nó ra chưa?
- Lấy cái con khỉ! Con đ.ĩ này, mày làm tao bị phạt đứng hơn nữa ngày, giờ lại giả vờ giả vịt cái gì! Hôm nay tao phải phạt chết mày! Quỳ xuống, quỳ từ đây đến lúc mặt trời lặn! Con hầu Thảo đâu, mày đứng đây canh cho cô, nó quỳ đủ mới cho đứng dậy!
Con hầu Thảo nhìn ta bối rối, sau đó đứng nép vào bên cánh cửa.
Ta nén tiếng thở dài trong lòng, dọn dẹp sơ qua nền đất rồi quỳ xuống.
Trời cuối mùa thu, mặt trời cũng lặn sớm hơn, so ra thì ta cũng chỉ phải quỳ hơn một canh giờ, đầu gối cũng chưa đến nổi đau nhức, chỉ là hơi đỏ bầm.
Con hầu Thảo cúi đầu rời đi, Hồng đỡ ta đứng dậy, chua xót nói
- Cô chủ, ta đi cáo trạng đi, mách với quan ông! Cùng là cô chiêu, sao cô hai lại có quyền phạt cô như thế, ta đi mách quan ông, đòi lại công bằng cho cô!
Ta lẳng lặng ngước nhìn ánh trăng mờ ảo sau rặng tre, khẽ lắc đầu
- Chưa phải lúc!
Từ ngày học lớp khuê học, không chỉ có ta và nàng Yên trở thành bạn bè, mà lớp khuê học còn bắt cầu cho một mối duyên khác, ấy là tình chị em của Mạc Bình và Khánh Ngọc.
Bọn họ thường xuyên lui tới chỗ nhau, trò chuyện tâm sự, nói đôi ba vấn đề con gái đang thịnh hành, ví như mẫu trâm nào đẹp, mẫu áo nào bắt mắt, hay độc đáo hơn là việc trừng trị con vợ lẽ ra sao cho có uy.
Nàng Bình tựa người trên chiếc gỗ bành lớn, trên tay là một cuốn tuyển tập thơ ca thời Đường của xứ Trung Hoa.
Nàng Ngọc ngồi bên cạnh, cho một múi quýt vào miệng, chua chua ngọt ngọt làm nàng ta dễ chịu.
Xoay người một cách lười biếng, Khánh Ngọc bắt đầu kể lể vụ việc chiếc áo gấm tía kia, giọng điệu tức giận xen lẫn oan ức.
Nàng Bình nghe xong liền bật cười khanh khách, ngón tay thon dài chỉ vào trán cô em nhỏ, khóe miệng xinh như hoa đáp
- Em đúng là! Bọn con vợ lẽ ấy lắm mưu nhiều chước, lòng nghĩ mình cũng là cô chiêu cao quý, sao lại chịu an phận ngoan ngoãn.
Em ấy à, phải kĩ lưỡng, phải tra xét, phải đe cho chúng nó sợ!
- Ôi chao, em mà được giống như chị, còn phải đau đầu lo nghĩ sao, mấy đứa con thứ nhà chị, đều cun cút nghe chị phải phép!
- Chứ sao, con chó chị nuôi còn đáng mười đồng, chứ cái bọn con thứ ấy, ba đồng là cùng.
Em ấy à, phải mạnh tay lên, phải cho chúng biết trên biết dưới! Đừng sợ, gây ra chuyện rồi, cùng lắm là phạt một tí, em là con dòng chính, cha em là Học sĩ, mẹ em là con cả của An phủ sứ, em còn sợ gì chứ?
Ngẫm đi nghĩ lại, nàng Ngọc đều thấy những lời nàng Bình nói đều hay, đều phải, lọt tai vô cùng.
Bởi thế mà sau ngày hôm đó, ta liền sống trong khốn khổ.
Cô hai Ngọc không vui liền đến tìm ta: không mắng thì đập phá, không đập phá thì phạt quỳ.
Mẹ ta xót ta, muốn cáo trạng với quan ông, nhưng đều bị ta một câu “chưa phải lúc” ngăn lại.
Đúng! Chưa phải lúc, mấy tội thị uy nho nhỏ này, từ bé đến lớn, chị ta chịu không biết bao lần, chẳng qua cũng chỉ là phạt đánh tay, phạt cấm túc, phạt quỳ bàn thờ, không thấm tháp là bao.
Phải đợi, đợi đến khi chuyện này chồng lên chuyện kia, đợi đến khi chị ta sai cái sai thật lớn..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...