Ngọc tiễn chân bà Diệp và Nguyên ra cửa, để lại dì Xuân vẫn khom lưng bực tức.
Mấy món đồ của cô đã được mang lên phòng, bà Diệp còn dặn dò đi dặn dò lại rằng mấy hôm nữa sẽ đến kiểm tra xem còn nguyên vẹn không.
– Con lên xe trước đi, mẹ có chuyện muốn nói con bé.- Bà nói với con trai mình.
Nguyên nhìn đồng hồ đeo tay, tự mình điều khiển xe lăn về phía ô tô.
Ngọc chưa biết bà Diệp muốn nói gì, cô cúi đầu xúc động nói:
– Con cảm ơn bác đã ra mặt giúp con.
Phiền hai người đến đây buổi sớm, mà trà bánh cũng không chuẩn bị tiếp đãi được.
Ngọc sống trong cái khổ, sớm đã quen với cách hành xử lá mặt lá trái, nhưng đối với hành động của bà, sự cảm động lại xuất phát từ thật tâm.
Từ ngày mẹ mất, cô đã phải bơ vơ trong căn nhà của chính mình, phải tỏ ra hiểu chuyện và yếu đuối khi bị đánh.
Lần đầu tiên trong mười mấy năm qua, cô được một người bảo vệ trước đầu sóng ngọn gió.
– Cái này không phải cảm ơn ta.
– Bà Diệp cười tủm tỉm, lén nhìn về phía xe.
– Là Nguyên dậy từ sáng sớm, lục tung hết rương hòm trang sức ở trong nhà chọn cho con mười hai bộ rồi kéo ta đến đây.
Mắt Ngọc chớp chớp, đôi lông mi cô rất dài, phủ lên đôi mắt đang nhuốm vẻ kinh ngạc.
– Thằng bé thật lòng để ý đến con.
– Bà Diệp thở dài.
– Ta cũng biết con không có mấy phần thật lòng, tiếp cận Nguyên cũng chỉ để rời khỏi cái ổ lửa này mà thôi.
Con không xác định ở lâu dài với con ta thì từ chối kết hôn đi, đừng để tình cảm gắn bó, có một đứa con với nhau rồi vứt bỏ.
Nếu chuyện đó xảy ra, dù có chết, người mẹ này cũng kéo con chết cùng.
Ngọc cúi đầu xấu hổ nghe những lời giáo huấn.
Cô không nghĩ suy nghĩ thật của mình bị người ta vạch trần nhanh như thế.
Cũng phải thôi, suy cho cùng cô còn trẻ, mà bà Diệp một tay nuôi con nên người, đâu phải là một người hiền lành ngu ngơ gì.
Bà Diệp hơi ôm Ngọc vào lòng, nói nhỏ vào tai cô:
– Nếu con kết hôn, mẹ có thể đồng ý đưa đứa trẻ kia đi theo, để nó làm con gái nuôi của mẹ, do con làm người đại diện hợp pháp.
Con là người thông minh, chắc chắn biết nên làm thế nào.
Ngọc quay lưng lại nhìn cô bé đang đứng ở cửa lo lắng dõi theo mình.
Thấy cô quay lại, con bé mỉm cười lấy tay vẫy vẫy.
– Con suy nghĩ cho kỹ.
Mẹ chờ câu trả lời của con.
– Dạ.
– À còn cái này nữa quên đưa cho con.
– Bà Diệp mở lòng tay của Ngọc ra, đặt một chiếc hộp lên đó.
– Nguyên chuẩn bị đó, bôi lên vết thương ba ngày một lần.
Cẩn thận có sẹo.
Ngọc đứng yên tại chỗ để tiễn đoàn người trở về, tâm trạng càng nặng nề hơn rất nhiều.
– Bây giờ có người chống lưng rồi dám lên mặt với tôi hả? Cô đừng hòng…
Dì Xuân cứ mắng xa xả ở sau lưng Ngọc cũng chẳng quan tâm nữa.
Cô lướt qua người dì, một mình nằm trong phòng, vắt tay lên trán ngẫm ngợi.
Đối với Nguyên, cô có mấy phần là thật lòng, mấy phần là lợi dụng đây? Trước kia, Ngọc cứ nghĩ rằng cô chỉ là một cô gái khát cầu hạnh phúc, không ngại mưu mẹo, thành công là được.
Nhưng giờ qua lời của bà Diệp, cô mới hiểu điều đó hoàn toàn bất công đối với Nguyên.
Anh ấy không phải công cụ để cô trèo lên.
Anh ấy là một người bằng xương bằng thịt.
Lần đầu tiên, Ngọc cảm thấy mình đã quá sai lầm, đến nỗi suýt chút nữa là không vãn hồi được.
Cô cũng không giận dỗi hay buồn bã về lời cảnh cáo của bà Diệp, mà là lo lắng.
Bà đang dùng Lan để gây sức ép cho cô.
Một là đồng ý kết hôn, sống cả đời với Nguyên, nếu may mắn lắm hai người có thể yêu thương nhau như những cặp vợ chồng khác cho đến cuối đời.
Một là tráo trở lật lọng, Lan đang nằm trong tay bà Diệp, bà sẽ có cách ép cô phải ngoan ngoãn trở lại.
Nhưng cô có thể mở lòng ra để yêu Nguyên được không?
Suốt một ngày, đầu Ngọc vẫn váng vất vì những suy nghĩ ấy.
Nửa ngày sau, ông Hoạt rốt cuộc cũng trở về nhà, gọi cô lên phòng nói chuyện riêng.
– Dì con nói hôm nay con cãi lời, còn đánh dì?
– Bố tự hỏi lòng mình không phải sẽ có đáp án sao?
– Con càng ngày càng bướng bỉnh, dì chỉ muốn tốt cho con mà thôi.
Chúng ta là người lớn, chẳng lẽ lại hại con? Còn làm như thế còn ra thể thống gì? Bố biết ăn nói thế nào với bà ấy bây giờ.
Ngọc mím môi im lặng, vì cô biết rằng có nói tiếp cũng vô ích.
Ở trong gia đình này, người ta muốn có cách biến cô thành một đứa trẻ không biết điều, tôn họ lên thành bậc phụ huynh hết mực lo lắng cho con cái mà không được đáp đền.
Ông Hoạt nói tiếp:
– Chú Nghiêm vừa đến tìm bố, nói rằng muốn nhận Lan là con cháu nuôi.
Ý của ông ấy là muốn đổi tên đổi họ cho con bé, để con bé dưới danh nghĩa là con cháu nhà họ Võ.
Con tính sao?
– Tùy ý bố định đoạt.
Trong lòng Ngọc sửng sốt nhưng không hề nói ra.
Cô không ngờ bà Diệp lại hành động nhanh đến vậy.
Mà ông Hoạt chủ động đến tìm cô để hỏi ý kiến, thật ra đã có quyết định từ lâu rồi.
Có lẽ nhà họ Võ mất không ít lợi ích, ông mới chịu nhả con gái ra.
Dù sao đi chăng nữa, thứ ông Hoạt chờ đợi lâu nay vẫn là một đứa con trai nối dõi tông đường.
Cô, Lan, hay Huyền, đều chỉ là một cái miệng ăn mà thôi.
– Thế được rồi, bố tự có dự tính.
Lòng con đã quyết thì cứ thế mà làm.
Ngày mai bác Diệp sẽ đưa hai đứa đi xem thầy, hợp tuổi hợp ngày thì dựng vợ gả chồng đi thôi.
Con cũng lớn rồi, nếu mà nhanh chóng sinh được con nối dõi thì mẹ quý nhờ con, sau này bố cũng yên tâm hơn.
– Con biết rõ.
Ở đời, càng là người khá giả càng sợ hãi chuyện sống chết, nhất là gia đình giàu có nhờ làm kinh doanh như nhà họ Võ.
Sáng hôm sau, Ngọc dậy sớm, chỉ thoa một ít son đỏ rồi lên xe của Nguyên, đến thẳng chỗ “thầy”.
Hôm nay không chỉ có Nguyên và mẹ anh, mà còn có cả mẹ của Tùng cũng đến.
Bà Thanh cười duyên dáng mà rặt mùi giả tạo:
– Bố bảo em đến xem thầy phán thế nào.
Chuyện cưới xin cần phải cẩn thận.
Gì chứ… có nhiều vụ sát chồng sát vợ, sợ lắm…
Bà Diệp chẳng thèm để ý, đưa hai tờ giấy ghi ngày sinh tháng đẻ cho thầy bói, hỏi:
– Thầy xem giúp con hai đứa có hợp tuổi không? Hợp thì bao giờ có thể kết hôn.
Ông thầy vuốt râu trên cằm:
– Hừm, tuổi thế này, một người chết sớm hơn đấy.
– Ôi chao.
Chúng nó còn trẻ thế này, thế là khắc nhau hả? – Cái miệng của bà Thanh liến thoắng.
Bà Diệp giật nảy, ngay cả Ngọc không tin chuyện mê tín thầy bà cũng phải hé mắt ra nhìn.
– Thấy có xem nhầm không ạ? – Bà Diệp hạ thấp giọng.
– Hay có cách nào để thay đổi không?
– Chẳng có cách nào hóa giải cả.
– Ông thầy đủng đỉnh.
– Hóa giải có khi còn tệ hơn.
Một người tám mốt.
Một người tám mươi.
Lộc trời chỉ có đến thế thôi.
– Thầy cứ đùa giỡn.
– Bà Diệp ngắc ngứ.
– Vậy là gia đình yên tâm rồi.
Còn gia trạch các thứ như thế nào ạ?
– Để mà nói thì cặp này nam vượng nữ, nữ vượng nam, con cháu đề huề, hai nam một nữ, bệnh tật ốm yếu chỉ là chuyện nhỏ.
Ngày đẹp thì ngày hai sáu âm lịch tháng này đẹp nhất trong năm.
Bà Diệp nghe xong thì thở phào nhẹ nhõm, trong khi trán Ngọc đã nhăn hết cả lại.
Không phải chứ, cô nghe mãi, có cảm giác đây giống lời lừa đảo hơn là lời của một ông thầy.
Bà Thanh thất vọng ra mặt:
– Chỉ vậy thôi hả thầy?
– Hết rồi.
Chứ cô còn muốn nghe gì nữa? Cưới hỏi là chuyện tâm đầu ý hợp, nghĩa là hợp ý thì cưới.
Tôi là thầy bói mà còn thấy thế nữa là mấy người thành phố.
Còn cô muốn nghe chứ gì? Tôi thấy trên trán cô có ấn đường màu đen đấy, xem chừng sắp xảy ra đại nạn thiệt thân.
– Cái gì! – Bà Thanh hốt hoảng la.
– Có cách gì hóa giải không thầy.
– Về ăn chay 7749 ngày là được, chỉ cần trong lòng có một chút không tịnh, có tâm hại người là phải thêm 7749 ngày nữa.
Làm được thì tai nạn tự qua, nếu không ch.ết bất đắc kỳ tử, chờ người nhặt x.ác cho chứ biết làm thế nào.
Mấy người về đi, giờ ta phải tiếp khách khác rồi.
Suýt chút nữa thì Ngọc đã bật cười thành tiếng.
Cô chủ động đẩy xe cho Nguyên, cùng anh ra ngoài.
– Muốn cười thì cười đi, còn phải giả bộ ngoan ngoãn làm cái gì? – Nguyên cười cười nói với cô.
– Anh không hiểu đâu, ông thầy đó buồn cười thật sự.
Ông ấy lừa người ta, mà câu nào câu nấy đều đúng cả.
– Đã lừa đảo sao còn đúng? – Nguyên chau mày lại ra vẻ khó hiểu.
– Mà sao em biết chúng ta sinh hai nam một nữ mà kêu là đúng?.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...