Ép Gả Vợ Hiền

Editor: đỗ béo
Betor: mèomỡ

Hai người đàn ông đi từ chỗ gấp khúc hành lang đến, người nói chuyện mặc bộ đồ tây xanh biển sọc, vóc người không cao, mày rậm mắt to, khỏe mạnh
đôn hậu. Người đàn ông đi sau mặc bộ đồ tây màu trắng, caravat đỏ như
lửa, cầm trong tay một điếu xì gà, vẻ mặt tươi cười đứng bên cạnh người
mặc đồ tây màu xanh biển nói nửa thật nửa đùa: “Tiểu Vũ Tử, nói linh
tinh gì đấy?”

Ai mà lại có thể đi lại trong phủ Đại Soái thong dong như vậy? Hứa Lương Thần khó hiểu nhìn Đoàn Kỳ Bình. Bất ngờ là Đoàn Kỳ Bình nghe thấy
tiếng nói chuyện của họ không những không dừng bước, mà còn vội vã kéo
tay Giang Cánh Vu, ra vẻ thân thiết dẫn anh đi như bay.

Phía sau, không chỉ có Hứa Lương Thần sửng sốt, hai người đàn ông thấy
thế cũng có chút ngạc nhiên, rồi lại chợt cười rộ lên. Họ vốn định đuổi
theo, lại tình cờ thấy Hứa Lương Thần đứng đó, bèn liếc nhau dừng chân,
tương đối thân mật cười cúi người chào: “Chào chị dâu!”

Đứng gần, Hứa Lương Thần mới thấy hai người này rất quen, hình như cô đã gặp trong đám đàn ông trêu chọc cô dâu chú rể hôm trước. Vì thế cô mỉm
cười gật đầu: “Chào hai vị.” sau đó thoải mái rời đi.

Cô nghe thấy người mặc đồ xanh biển phía sau cúi đầu nói: “. . . . . .
Vẫn là mắt nhìn của lão đại tốt, mỹ nhân đúng là mỹ nhân, dù dưới đèn
vẫn. . . . . .”

Giọng nói mang theo vẻ cười cợt còn chưa dứt thì đã bị người áo trắng
cắt lời: “. . . . . . Cậu thèm đòn à, câu này mà để lão đại nghe thấy
được cẩn thận lại . . . . . . Mà thằng nhóc đi cùng Kỳ Bình có phải là
Giang Xuyên không? Kỳ Bình với anh ta thành một đôi từ lúc nào vậy? . . . . . .”

“Vài năm không gặp, anh Tư Mã bị vứt bỏ rồi.” Người áo xanh vui sướng khi người gặp họa nói.

“Đi thôi đi thôi, nếu nha đầu kia để ý cậu ta thật, vậy cậu khoan hẵng
nói gì, anh em ta phải tìm xó nào ngồi khóc đi đã. . . . . . Thế còn cậu thì sao? Nghe nói lão đại kết hôn, Thanh muội muội bận làm đồ cưới cho
người khác nên thân thể không khoẻ?” Hai người vừa nói vừa dần dần đi
xa.

Hứa Lương Thần vô ý nghe được vài câu, cũng biết sơ sơ thân phận của hai người đó. Người mặc đồ trắng là công tử nhà Tư Mã giàu có nổi tiếng ở
Yến Châu hay qua lại với Đoàn phủ.

Phủ Đại Soái thường quan hệ với những nhân vật có máu mặt xung quanh
Thượng Hải. Nhưng trong số đó thì lại thân với nhà Tư Mã nhất. Gia tộc
này phất lên ở Thượng Hải từ sau khi cung cấp chất đốt trong cuộc chiến
với châu Âu. Vừa khéo, hai nhà đều là người Mân Châu, bề trên hai nhà
cũng đã từng chung hoạn nạn.

Khi Cách mạng Tân Hợi nổ ra, Đoàn lão phu nhân cùng con cả đi thuyền đến Yến Châu. Lúc đó Đoàn Dịch Kiệt đã không còn ở với bà, Đoàn Chính Huân cũng đang phải đối mặt chính diện với thế lực cách mạng. Lão phu nhân
đã gặp được nhà Tư Mã ở Mân Giang Hào vào lúc ấy. Mân Giang Hào là ca-nô của cục Chiêu thương, đúng lúc cần sửa chữa nên đưa từ Mân Châu đến Yến Châu, vì thế hai nhà cùng đồng hành.

Thuyền đến ngoại ô Yến Châu, lại gặp phải hai quân đánh nhau. Trên sông
đạn pháo bay tứ tung suốt một đêm giống như tiếng pháo đêm giao thừa,
người trên thuyền trơ mắt nhìn không ít thuyền của hai bên đang châm lửa bắn pháo, ánh lửa bay lên cao vút. Cũng may ngày hôm sau Đoàn Chính
Huân nghe được tin, nhân lúc hai bên tạm thời ngừng bắn lập tức phái
người ra nghênh đón. Mân Giang Hào đi liên tục, thoát được khỏi chiến
khu, vào đại doanh thuỷ quân.

Nói chung, tình bạn sống chết có nhau chẳng có gì sánh nổi, vậy nên xưa
nay hai nhà quan hệ rất thân thiết. Con cả nhà Tư Mã là Tư Mã Lương vì
học trường đạo nên không chỉ có thể nói lưu loát tiếng Anh mà còn nhìn
xa trông rộng, mở công ty làm đại lý cung cấp chất đốt của Đức. Sau khi
chiến tranh thế giới bùng nổ, thương nhân người Đức ở Yến Châu ào ào
đóng gói về nước, nguồn cung chất đốt trở nên khan hiếm. Nhà Tư Mã dự
trữ rất nhiều hàng, bỗng trở thành nguồn cung duy nhất, nhanh chóng gia
nhập hàng ngũ nhà giàu ở Thượng Hải.

Người gọi Đoàn Kỳ Bình là ‘ Bình Tử’ là Tư Mã Đãng, vì bằng tuổi Đoàn Kỳ Bình nên cũng học cùng nhau một thời gian. Sau này lớn lên thì bạn bè
bắt đầu trêu đùa gán ghép, mà Tư Mã Đãng cũng thầm thích Kỳ Bình. Từ khi trở về cô càng trở nên xinh đẹp tài năng khiến anh ta mỗi khi gặp mặt
liền cười tủm tỉm quấn lấy. Vẫn dùng những chiêu trò mà các thiếu gia
nhà giàu ở Thượng Hải theo đuổi con gái, không phải hoa tươi thì là nhẫn kim cương chói mắt. Mỗi khi ra tay đều khiến xung quanh xôn xao, ai lại không biết nhị thiếu Tư Mã đang theo đuổi đại tiểu thư Đoàn phủ?

Kỳ Bình dở khóc dở cười. Xưa nay cô chẳng có cảm tình gì với con cháu
nhà giàu như Tư Mã Đãng, nhưng hai nhà quen biết, lại là bạn chơi từ
nhỏ, nên cô cũng không thể làm bậy được. Trong lòng vô cùng chán ghét
cái kiểu khoa trương nửa thật nửa giả của anh ta nhưng lại không làm gì
được. Vậy nên mỗi khi nhìn thấy bóng dáng Tư Mã Đãng cô lại biến mất
nhanh như chớp.

Hứa Lương Thần đâu biết giữa họ còn có chuyện như vậy, trong lòng chỉ
vừa không hiểu vừa bất ngờ khi thấy Đoàn Kỳ Bình đột nhiên thân thiết
với Giang Cánh Vu như vậy. Thực ra cô cũng có chút mừng thầm. Kỳ Bình là một cô gái rất xuất sắc, tài mạo song toàn, nếu có duyên với Cánh Vu,
bản thân cô cũng có thể sớm yên lòng. Lấy được cô con dâu như vậy, dì
Liêu và dượng Giang chắc cũng sẽ rất vui, nhưng Cánh Vu lại không thích
con gái làm việc bên ngoài, Kỳ Bình là chủ bút nổi tiếng, anh ấy sẽ chấp nhận sao. . . . . . Trong lòng suy nghĩ miên man, Hứa Lương Thần trở
lại Tây Uyển, vừa vào cửa tứ phu nhân Ngô Văn Quyên đã ra đón: “Theo lời bà nội dặn, mọi thứ đều đã chuẩn bị tốt cả rồi. Chị cả, dì và con cùng
về quý phủ của thị trưởng Tôn, dù thế nào cũng phải giải thích với bề
trên, nói xin lỗi nữa.”

Hứa Lương Thần vội cảm ơn, trong lòng cũng có chút bất ngờ, không ngờ Lư phu nhân lại tự thân xuất mã. Thu dọn xong hai người cùng ra xe ở cửa
trước. Ngô Văn Quyên như có suy nghĩ, cứ nhìn cô chằm chằm, trong lòng
vô cùng xúc động.


Đoàn Dịch Kiệt thích cô vợ này, đại soái và Lư phu nhân cũng rất coi
trọng cô, Tôn Mạnh Lâm không thể không biết việc lão đại đi cứu nạn,
nhưng vì để mặt mũi cho thông gia nên Lư phu nhân vẫn tự mình xông trận
giải thích ngọn nguồn. . . . . . Ai, con gái phải được chồng nâng niu
trong lòng bàn tay thì nhà chồng mới nể mặt. Vị Nhị tiểu thư này thật
đúng là tốt phúc.

Lư phu nhân cùng hai người họ đi chung xe, hai xe khác là để mang lễ vật của phủ Đại Soái. Ngày thứ ba sau tân hôn, Hứa Lương Thần lại mặt mà
không có Đoàn Dịch Kiệt đi cùng.

Chuyện Đoàn Dịch Kiệt dẫn binh đi cứu nạn, Tôn Mạnh Lâm đã nói trước với mẹ mình. Cả nhà cứ nghĩ hôm nay Lương Thần sẽ không về, Thái Phượng Kỳ
đành chuẩn bị mở tiệc mời vợ chồng Hứa Mỹ Thần, cùng nhau chúc mừng. Nào ngờ Lư phu nhân và Hứa Lương Thần lại trở về vấn an và tạ lỗi với bề
trên, lễ vật không tệ nhưng thể diện còn lớn hơn. Tôn Mạnh Lâm và Hứa Mỹ Thần xem như đã đã hoàn toàn yên lòng, trên dưới nhà họ Đoàn quả thật
rất coi trọng Lương Thần.

Dù chú rể không ở đây, nhưng dù sao đây cũng là lại mặt, Lư phu nhân và
Ngô Văn Quyên phải dùng xong cơm trưa với Tôn lão phu nhân mới cùng Hứa Lương Thần trở về. Lễ nghĩa chu đáo, thái độ hòa nhã, ngay đến cả Hứa
Lương Thần cũng bắt đầu hoang mang, vợ chồng Đoàn Chính Huân quá nể mặt
Tôn gia như vậy, chẳng lẽ cô thật sự quan trọng với phủ Đại Soái vậy
sao?

Xe chạy ra khỏi Tôn phủ, trong lúc Hứa Lương Thần vô ý quay mặt, lại
nhìn thấy chiếc xe đứng cách cửa không xa vẫn chưa đi từ khi cô đến.
Chiếc xe và bóng người chợt hiện lên, nhìn rất quen. . . . . . Trong
lòng cô xúc động, không khỏi quay đầu lại nhìn.

Ngô Văn Quyên nhìn theo ánh mắt của cô, như vô ý hỏi: “Dì nghe nói con
và đại tiểu thư đều muốn đến khu bị nạn?” Thấy Hứa Lương Thần gật đầu,
lại nói với Lư phu nhân: “Chị cả, khu bị nạn có an toàn không, lão đại
dù sao cũng là đàn ông có đi cũng không sao. Nhưng thiếu phu nhân và
tiểu thư phủ Đại Soái cũng đi, chị với đại soái thật sự yên tâm sao?”

Lư phu nhân như có như không thở dài, hơi nhíu mày: “Nghe nói tình hình
thiên tai không lạc quan cho lắm, đại soái đã mất ngủ mấy đêm nay rồi.
Bây giờ trong nước quân phiệt nổi loạn hỗn chiến, phần lớn là vì tranh
quyền đoạt lợi. Các cường quốc thì như hổ rình mồi đều muốn ngoạm được
miếng thịt béo, cho dù có lòng muốn làm đại sự cũng rất khó khăn. Cứu tế dù sao cũng là kế hoạch lâu dài cho dân sinh, nếu không phải thật sự
bất đắc dĩ thì đại soái sẽ không sắp xếp như vậy. Lương Thần và Kỳ Bình
có thể giúp đỡ cũng tốt, hơn nữa không phải còn có Dịch Kiệt ở đấy sao?
Còn chúng ta nữa, việc quyên góp ở hội Chữ Thập Đỏ có thể làm được thì
chúng ta nhất định phải làm tốt.”

Không hổ là kỳ nữ giúp chồng đánh thiên hạ, lời nói của Lư phu nhân
khiến Hứa Lương Thần không khỏi thầm tán thưởng. Ngày thường vị phụ nhân chính thất này của phủ Đại Soái không nói nhiều, chuyện trong phủ cũng
rất ít khi so đo chi li, nhưng đại sự thì không hề hồ đồ, chẳng trách
lại sinh ra được con trai như Đoàn Dịch Kiệt, con gái như Đoàn Kỳ Bình.

Trở lại phủ Đại Soái không lâu, Đoàn Kỳ Bình liền đến tìm, nói Lương Vu
Văn thu xếp cho Lương Thần đi thử giọng và làm quen với thiết bị. Nhóm
nhỏ đã chuẩn bị sẵn sàng để lập tức xuất phát.

Đây là đại sự, tuy phải gặp mặt Giang Cánh Vu có chút không được tự
nhiên, nhưng Hứa Lương Thần cũng không dám chậm trễ, vội vàng cùng Kỳ
Bình lên xe đến đài phát thanh. Ai biết Giang Cánh Vu lại không ở đây,
chỉ có một nhân viên kỹ thuật dưới quyền anh đang chờ ở đó.

Mặc dù không có kinh nghiệm phát thanh nhưng điều kiện của Hứa Lương
Thần lại vô cùng tốt. Giọng nói dịu dàng nhẹ nhàng, ngoại ngữ lưu loát,
cho dù phải qua biến âm do thiết bị nhưng vẫn êm tai. Sắp đến giờ cơm
chiều thì mọi việc coi như đã hoàn thành.

Cô cùng Kỳ Bình trở lại phủ Đại Soái ăn cơm chiều với lão phu nhân, sau
đó lại thay một bộ quần áo của nữ binh phổ thông, tập trung với nhóm
nhân viên xuất phát trong đêm.

Xe ra khỏi Yến Châu đi thẳng về phía nam, đến nửa đêm thì bầu trời âm u, không biết có mưa không nữa. Tuy Kỳ Bình thương Hứa Lương Thần nhiều
ngày không ngủ ngon, luôn khuyên cô nghỉ ngơi, nhưng Hứa Lương Thần
không buồn ngủ. Bàn tay trắng nõn che miệng nhẹ nhàng ngáp một cái, đôi
mắt dựa vào ánh đèn xe yếu ớt nhìn ra ngoài.

Đến ba giờ sáng, khi dừng xe nghỉ ngơi Giang Cánh Vu nghe thấy Đoàn Kỳ
Bình khẽ khuyên Hứa Lương Thần, cố ý nói “Không đi nghỉ, sẽ ảnh hưởng
đến cổ họng”. Nhưng chỉ ngủ được một lát, khi trời còn chưa sáng Hứa
Lương Thần đã tỉnh lại, lại nhìn ra ngoài.

Xe đang đi qua một thị trấn tên là Kim Đường, thị trấn không lớn, có bức tường thành cũ từ thời Minh Thanh trước kia bao xung quanh, có vẻ cổ
kính kỳ lạ. Vì còn sớm nên người đi lại không nhiều lắm, xe vào thành
chủ yếu đều đi qua một con đường cái. Thiếu nam thiếu nữ lưng đeo cặp
dần dần nhiều lên, chắc là học sinh phải đi học sớm.

Xe tiếp tục đi về phía trước không bao lâu thì nhìn thấy cổng chính
tương đối đồ sộ với bảng hiệu của trường tiểu học quốc lập Kim Đường.
Trường học trông khá rộng rãi, sạch sẽ, có thể nói đây là công trình
kiến trúc biểu tượng của thị trấn nhỏ này. Cách trường học không xa là
một căn nhà một tầng bé rách nát với bậc thềm đá. Nhiều năm không được
sửa chữa nên gần như nó có thể sập bất cứ lúc nào, không thể không dùng
cột gỗ chống lấy. Nhìn lên bảng hiệu, không ngờ đó lại là nơi làm việc
của chính quyền cấp huyện.


Đoàn Kỳ Bình tỉnh lại, trong nắng sớm thấy vẻ mặt nghiêm túc mà hoang
mang của Hứa Lương Thần, không khỏi nhìn ra ngoài theo. Sau đó cô cười
nhẹ giọng nói: “Từ khi Quân chính phủ thành lập tới nay, luôn chú trọng
vào ba sự nghiệp công cộng. Một là sửa đường, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa. Hai là sửa sang lại công viên trong một
vài thị trấn, xem như tiếp thu tiến bộ phương Tây. Ba là chú trọng vào
giáo dục. Quân chính phủ không những xây trường tiểu học trung học, mà
còn sát nhập cao đẳng sư phạm quốc lập Yến Châu với mấy trường đại học,
thành lập trường đại học quốc lập Yến Châu.”

Khi mới xây dựng, chính Đoàn Chính Huân là người đầu tiên tiên nhậm chức hiệu trưởng, sau lại đổi thành Đoàn Dịch Kiệt. Sau một thời gian ngắn,
Đoàn Dịch Kiệt mới mời tiến sĩ Lưu Đức Hồ làm hiệu trưởng. Hai cha con
một trước một sau đều vì sự phát triển của đại học Yến Châu, đặt nền
móng vững chắc, sau đó còn thực thi bắt buộc miễn phí giáo dục. Bộ Giáo
Dục quy định: trường phổ thông, trường sư phạm, trường cao đẳng sư phạm
miễn thu học phí. Vậy nên trường sư phạm đã trở thành con đường giáo dục tốt nhất cho rất nhiều học sinh có gia cảnh nghèo khó.

Trước kia Hứa Lương Thần cũng từng nghe nói cha con nhà họ Đoàn rất coi
trọng giáo. Còn có một lần cô đọc được trên báo tin Đoàn Dịch Kiệt đến
trường sư phạm Yến Châu thị sát. Anh từng nói với các học sinh: Các bạn
chính là những nhà giáo tương lai, đất nước chúng ta cần các bạn. Các
bạn và sự nghiệp trong tương lai của các bạn là trụ cột tương lai của
đất nước. Yến Châu mở đường cho văn hóa phương Tây du nhập, nhưng đó
cũng là quốc gia nhân nhượng vì lợi ích chung. Hi vọng các bạn sẽ học
tập thật tốt, góp sức vào công cuộc phục hưng quốc gia dân tộc.

Để chứng tỏ giáo dục được coi trọng, vị Thiếu soái trẻ tuổi mặt lạnh này thậm chí đã từng bỏ dở công việc bận rộn, tự mình đến trường tiểu học
dạy mẫu. Nghe đến đó, Hứa Lương Thần không khỏi cong khóe môi, có thế
nào cô cũng không tưởng tượng ra nổi cái người mặt lạnh như băng kia làm thày giáo dạy học sẽ như thế nào? Mà còn các học sinh, họ sẽ có cảm xúc gì với ông thày này?

Mà Đoàn Chính Huân thiết lập giáo dục cũng có điểm đặc sắc riêng. Từng
có phóng viên hỏi vì sao nơi làm việc của chính phủ còn cũ kỹ hơn cả
trường học, ông Huyện trưởng nào đó trả lời rất đương nhiên: “Đại soái
có lệnh, nếu nơi làm việc của chính phủ tốt hơn trường học, thì tử hình
người có chức vụ cao nhất ngay tại chỗ!”

Ở Thượng Hải phồn hoa, ở thời kỳ súng đạn đứng đầu, cha con nhà họ Đoàn
lại vẫn coi trọng giáo dục, thậm chí còn dành rất nhiều kinh phí cho
giáo dục khiến Lương Thần không khỏi xúc động. Hai cha con họ chẳng phải là học giả, lại có tấm lòng son, cố gắng hết sức. Chỉ riêng điều này
thôi, thì dù họ có bá đạo mạnh mẽ đến nhường nào cũng vẫn đáng được ghi
danh trong lịch sử giáo dục.

“Tuy anh cả không chính thức học đại học, nhưng vẫn được mấy vị cố vấn
từ nước ngoài trở về do cha mời với mức lương cao chỉ dạy, tiếp thu lý
luận quân sự và giáo dục kiểu mới của hệ thống phương Tây, cho nên dù có bất đồng lợi ích với nhóm quân phiệt bảo thủ cố chấp, anh ấy vẫn có lý
tưởng nước mạnh dân mạnh vô cùng mạnh mẽ, cũng sẵn lòng cố gắng.” Trong
lòng Đoàn Kỳ Bình, anh cả là thanh niên có lý tưởng, Lương Thần cũng là
một cô gái yêu nước, nên giữa bọn họ sẽ có tiếng nói chung. Hứa Lương
Thần đã cảm thấy hứng thú với đề tài này, đương nhiên cô sẵn sàng giải
thích cho cô ấy nghe.

“Sau khi quân chính phủ được thành lập, tình hình rất ác liệt. Toàn bộ
miền nam, ngoài Yến Châu là thành phố lớn phồn hoa ra thì điều kiện tự
nhiên ở phần lớn địa phương khác đều cực kì cằn cỗi, giao thông lạc hậu. Người dân tộc sống trong núi vô cùng dũng mạnh, họ đánh cồng chiêng, cả trăm nghìn người cầm súng xông lên, đấu tranh quên mình. Trong khi ấy,
hệ thống của đám quân phiệt cũ đã sụp đổ, thế lực bên ngoài cứ liên tục
tiến vào, quân tự trị nổi dậy như ong, đều tự xưng vương xưng bá rối
tung rối mù.” Theo câu chuyện, Đoàn Kỳ Bình dần nói đến chuyện cũ của
cha con nhà họ Đoàn khi thành lập quân chính phủ.

Việc này Hứa Lương Thần không chỉ được nghe, cũng đã được chứng kiến một phần. Đối với dân chúng bình thường, năm đó ngoài chiến tranh loạn lạc
còn có nạn trộm cướp không ngừng. Cục diện chính trị mất khống chế, thảm hoạ chiến tranh xảy ra mấy năm liên tục, không ít người bí quá hoá liều làm cướp, trộm cướp nổi lên như ong, mỗi lần như vậy phố phường đều trở thành phế tích. Trốn thì cứ trốn, chết thì cứ chết, chỉ còn lại xương
trắng xơ xác, nhà cửa tan hoang.. . . . . . Nhớ lời người già trong nhà
nói: Tư lệnh đi đầy đường, thống lĩnh nhiều như chó. Dân chúng sao có
thể có cảm giác an toàn?

Nhưng sau mấy năm quân chính phủ thành lập, cục diện thổ phỉ hoành hành, xã
hội sụp đổ đã thay đổi. Khi đó anh họ đã ghi lại nhật ký trong những
ngày ngày chạy vạy khắp nơi như sau: ‘Bước vào thành trấn, ấn tượng đầu
tiên đó là dân chúng miền nam hình như đã bị quân nhân hóa rồi. . . . . . Ngoại trừ phụ nữ, trẻ em và người già, đàn ông đều mặc quân phục màu
xám, màu đen, đội mũ quân đội màu xám hoặc màu đen. Bọn họ cười nói đông nghịt, quả là hình ảnh toàn dân đều là lính.

Sau này Hứa Lương Thần mới biết, đây là kết quả của chế độ Dân Đoàn Mới do nhà họ Đoàn dốc sức thực hiện.

[*]Dân đoàn: tổ chức vũ trang ở địa phương của cường hào địa chủ Trung Quốc thời xưa.

“Tất cả sở hạt do Quân chính phủ quản lý chia thành hai mươi khu dân
đoàn, các khu lựa chọn yếu địa (nơi có địa thế trọng yếu – từ dùng trong quân sự) thành lập hành dinh chỉ huy, tổng bộ lập tại Yến Châu, Tổng
Chỉ Huy là anh cả.” Nghe Hứa Lương Thần hỏi, Kỳ Bình cười giải thích.

Ở cấp huyện, lập Bộ tư lệnh dân đoàn huyện, Huyện trưởng kiêm nhiệm tư
lệnh. Dưới cấp huyện, thôn xã lập đội dân đoàn dự bị; thị trấn nhỏ lập
đại đội dân đoàn dự bị; sau khi thành lập, các đội dân đoàn dự bị phải
liên kết với nhau. Các cấp dân đoàn cũng phải kết hợp chặt chẽ giữa hệ
thống tổ chức và hệ thống hành chính, người phụ trách do một người kiêm
chức. Từ trên xuống dưới, hình thành tổ chức liên kết chặt chẽ và bảo
đảm hiệu quả, tất cả dân đoàn phải nghe theo và chấp hành quân lệnh.


Chế độ Dân Đoàn Mới không chỉ tổ chức chặt chẽ hiệu quả, còn xóa bỏ chế
độ lính đánh thuê cũ, đổi thành nghĩa vụ bắt buộc bởi so với lính nghĩa
vụ, thành phần lính đánh thuê phức tạp lẫn lộn hơn. Quân chính phủ yêu
cầu đàn ông từ mười tám tuổi tới bốn mươi lăm tuổi trong nước phải có
nghĩa vụ tham gia binh đoàn, yêu cầu tham gia huấn luyện của dân đoàn.
Cứ thế, tình hình đời sống hằng ngày của nhân dân ổn định dần, khi phần
lớn tất cả dân đoàn liên kết cũng là lúc toàn dân miền nam bắt đầu thời
đại nghĩa vụ quân sự.

Kỳ Bình giải thích rất kỹ càng và có trật tự, Hứa Lương Thần nhanh chóng hiểu rõ nguyên nhân vì sao Đoàn Dịch Kiệt coi trọng việc xây dựng dân
đoàn như vậy: Đối với quân chính phủ, làm tốt dân đoàn có thể nói là
hành động một lần đã xâm nhập khống chế được cơ sở, quét sạch nạn trộm
cướp, lại có thể mở rộng lực lượng quân sự, đồng thời còn có thể tiết
kiệm rất nhiều chi phí cho quân đội.”Quan trọng hơn là, theo lời anh cả, đây là lấy sức mạnh của dân đoàn để phát triển toàn diện thúc đẩy quân
sự chính trị kinh tế giáo dục miền Nam phát triển toàn diện.” Kỳ Bình
tổng kết.

“Nội dung huấn luyện dân đoàn bao gồm quân sự, sản xuất và chính trị là
ba phương diện chủ yếu, mặt khác còn bao gồm cả dạy chữ. Quân chính phủ càng coi trọng chính trị thì càng phải huấn luyện văn hóa. Có thể nói
dân đoàn không chỉ là đội duy trì trị an nông thôn, mà còn là một
trong những lực lượng xã hội thúc đẩy sự nghiệp kiến thiết ở miền Nam.
Ngoài hạng mục huấn luyện quân sự truyền thống, thì hạng mục huấn luyện
còn bao gồm cả kỹ thuật nông nghiệp, để Trung Quốc bắt kịp với xu thế
chung của thế giới, thường thức xã hội, thường thức khoa học ..v..v…”
Giang Cánh Vu ngồi ở đằng sau luôn im lặng hoặc ngủ từ tối qua đột nhiên mở miệng nói.

Lúc đó, không chỉ có riêng thế lực cha con nhà họ Đoàn là phái người
hoặc nhờ người Đức mời anh. Sở dĩ Giang Cánh Vu không đắn đo mà lập tức
lựa chọn Quân chính phủ phía Nam chính là vì phong trào này. Phong trào
ấy lan ra toàn bộ miền Nam, không chỉ khơi gợi được làn sóng nhiệt tình
của dân chúng phổ thông vừa trải qua kiếp nạn chiến tranh, gần như tuyệt vọng, mà còn khơi dậy ý chí dùng khoa học cứu quốc mạnh mẽ trong tâm
chí anh.

Giang Cánh Vu nhớ, khi vừa mới về nước, anh cũng thường đến sân thể dục
công cộng xem dân đoàn tập luyện. Dân thường đến xem rất đông, thường
xuyên vây kín. Giang Cánh Vu nhận ra, hành động này của cha con nhà họ
Đoàn đã cổ vũ và tiếp thêm hi vọng cho dân chúng miền Nam. Khi quốc gia
dân tộc bị sỉ nhục bị lăm le xâm hại thì điều ấy lại càng quý giá hơn.

Không chỉ có như thế, khi dân đoàn xây dựng công sở trường học, đường
cầu và một vài lực lượng chủ yếu thì tiền chính phủ đầu tư và chi trả
cho quân đội cũng được tiết kiệm đi rất nhiều. Giang Cánh Vu am hiểu sâu sắc lý luận quân sự kiểu mới đương nhiên anh cũng hiểu cái gọi là dân
đoàn, thật ra là một hình thức lục quân kiểu mới. Đoàn Dịch Kiệt có tầm
nhìn xa suy nghĩ sâu sắc mà người bình thường không thể sánh bằng.

Nhìn tầng mây thật dày ở chân trời phía đông, anh thầm thở dài. Dù có
thế nào, bản thân anh không thể không thừa nhận tâm huyết và hành động
xây dựng hòa bình và kiến thiết miền Nam của cha con nhà họ Đoàn. Nhưng
đây không phải là lý do để anh mất cô vĩnh viễn.

Xe tiếp tục đi về phía trước, sắc trời càng u ám hơn, cả ngày chưa được
nhìn thấy ánh mặt trời. Tới gần chạng vạng, trên đường xuất hiện cảnh
tượng làm người ta khiếp sợ.

Hai bên đường vắng vẻ, cây cối xum xuê xanh ngắt trước đây đều đã bị lột sạch vỏ cây, cành cây lá xanh rơi rụng tứ tung, chỉ còn lại những cành
trên cao trụi lủi lắc lư trong màn đêm. Họ nhìn thấy lưu dân chạy nạn,
bước chân phong trần mệt mỏi vội vàng, nhìn chằm chằm vào đoàn xe như
một miếng điểm tâm thơm ngọt trước mắt.

Thấy vậy mọi người muốn lái xe dừng xe, Lương Vu Văn thở dài nói: “Chúng ta đã gần tới khu bị nạn rồi, sắc trời không còn sớm nữa, phải chạy
nhanh hơn chút nữa. Chỉ bằng chúng ta không thể cứu viện được hết số dân bị nạn này đâu. Chúng ta nhận quân lệnh, phải tập trung ở đại bộ đội
trước đã rồi nói.”

Đương nhiên mọi người hiểu điều đó, đành phải trơ mắt nhìn xe đi xa,
cùng lắm là đưa một ít đồ cho những người dân bị nạn. Lương Vu Văn nhìn
bầu trời đã tối mịt nói tiếp: “Khoản tiền cứu viện của chính phủ đã được chuyển đến, kho phát lương cũng đã mở, còn dựng một số bệnh viện cứu
thương lâm thời. Đến khi nghe nói đập lớn ở Mân Giang nguy hiểm nhiều
ngày nay, tổng bộ liền lập tổng bộ của Tập đoàn quân số một tại thị trấn Ngu Hà, những người dân bị nạn có thể đến đó.”

Sau đó lái xe dừng xe lại, ngăn một đôi vợ chồng mang theo hai đứa con
hỏi đường, người đàn ông nói: ” Đập lớn ở Mân Giang bị hở rồi, giờ mọi
người ở đấy đều vội vã chạy nạn. Thảm nhất chính là chúng tôi cứ nghĩ
chạy đến nơi khác sẽ có cơm ăn, nhưng cơm chưa ăn được thì đã phải trốn
lũ tiếp, số khổ quá.”

Xe tiếp tục đi về phía trước, trời bắt đầu mưa nhỏ, hơn nữa càng chạy
mưa càng dày, làn mưa quét ngang bầu trời, đến cả một ngôi sao cũng
không có. Xe chậm chạp nghiêng ngả chao đảo trên đường, phóng mắt nhìn
ra ngoài, ánh đèn xe yếu ớt được phản chiếu bởi những hố nước lớn nhỏ vô vùng vô tận.

Uỳnh! Một tiếng sấm rền đột ngột vang lên, ngay sau đó là ánh sáng màu
lam chói mắt chợt lóe lên, mưa tí tách chợt thành to, hạt mưa rơi bộp
bộp trên mặt đất, bọt nước văng khắp nơi.

Bị mưa ngăn cản, xe càng đi chậm hơn, xe tải mang theo quân lương và dầu đốt đi chậm như rùa. Tâm trạng của Hứa Lương Thần cũng nặng nề y như
đêm mưa.

Mọi người nửa đêm không ngủ, đến rạng sáng thì xe mới dần dần tiến vào
Ngu Hà. Trong cơn mưa không nhìn rõ hình dáng thị trấn ra sao, dưới làn
mưa tất cả đều vắng lặng tiêu điều, hai bên ngã tư đường gần như không
có người đi lại, không khí nặng nề, trong lòng mọi người đều là trách
nhiệm và lo lắng đối mặt với nạn lũ.

Có lẽ do Quân chính phủ chú trọng đến việc sửa đường trước tiên hoặc có
lẽ là do Đoàn Dịch Kiệt đóng quân ở dây, đoạn đường còn lại rất bằng
phằng. Sau khi vào thị trấn không lâu, xe liền rẽ vào một tòa nhà rộng
rãi rồi dừng lại ở sân trước.

Hai đội thị vệ cầm súng, quan quân, binh sĩ và xe cộ đi đi lại lại, đèn
chiếu sáng như ban ngày, tràn ngập không khí khẩn trương bận rộn.

Lương Vu Văn vừa xuống xe liền có thị vệ tến lên hỏi, sau đó vẫy tay ra
hiệu cho một binh sĩ đi đến. Chẳng bao lâu sau đã có một sĩ quan xuất

hiện tiếp đón họ vào sân.

Hứa Lương Thần mặc áo mưa đi sau mọi người, vừa sải bước tới cửa lớn đã
thấy một sĩ quan chạy lên, lau nước mưa chảy trên mặt xuống vội vàng
nói: “Đoàn trưởng Võ, đập lớn có chuyện, Quân Đoàn Trưởng ra lệnh điều
thêm một đoàn nữa đến đó, cố gắng bảo vệ đập lớn!” Nói xong, xoay người
vội vàng nước đi.

Đoàn trưởng Võ nhíu mày, xoay người gọi phó quan, sau đấy cười xin lỗi
với mọi người: “Thật xin lỗi, Quân Đoàn Trưởng tự mình chỉ huy ở đập
lớn, tại hạ có quân vụ khẩn cấp, chuyện ở đây phó quan Tôn sẽ sắp xếp
giúp các vị.” Nói xong, anh ta cũng vội vàng cúi chào rời đi.

Nhìn bóng lưng anh ta, bỗng nhiên trong lòng Hứa Lương Thần xúc động,
không tự chủ được bước nhanh theo sau. Đoàn trưởng Võ khó hiểu có chút
không vui dừng bước: “Xin hỏi. . . . . . Tiểu thư có việc gì không?” Mấy người từ thành phố tới thật là lằng nhằng, giờ là lúc nào rồi, ai còn
có thời gian nghe mấy việc nhỏ nhặt?

“Tôi. . . . . .”Thấy anh ta nhíu mày, Hứa Lương Thần xấu hổ, ngẩng đầu
liếc mắt nhìn một cái, thấp giọng nói đứt quãng: “Tôi họ Hứa, là . . .
.là . . . . . . Vợ. . . . . . Vợ của. . . . Đoàn. . . . . . Đoàn Dịch
Kiệt, xin hỏi anh có thể đưa tôi đến đập nước lớn không?” Tuy rằng không rõ đối phương có biết thân phận mình hay không, nhưng Đoàn Dịch Kiệt có thể giao chuyện ở đây cho anh ta, chứng tỏ anh ta chính là tâm phúc của anh. Như vậy, cho dù để lộ thân phận thì chắc cũng không phải là vấn đề lớn gì. Nếu không nói ra thân phận, vị đoàn trưởng này chắc sẽ không để ý đến cô đâu.

Đoàn trưởng Võ nghe vậy sửng sốt, cái gì? Vợ mới cưới của Quân Đoàn
Trưởng? Cô. . . . . . Cô ấy cũng đến khu bị nạn? Anh ta mở to mắt nhìn
cô gái đối diện. Quân phục bình thường của nữ binh, bên ngoài mặc áo mưa quân dụng, chỉ để lộ gương mặt như vẽ trong cơn mưa, có giọt nước mưa
từ lọn tóc trên trán nhỏ xuống, đôi mắt đen như sao. . . . . . Có chút
mệt mỏi tiều tụy, nhưng vẫn đoan trang tao nhã.

Nhớ tới cuộc điện thoại của em trai, lại nhớ Đoàn Dịch Kiệt không hề dặn dò rằng vị thiếu phu nhân này sẽ tới, Đoàn trưởng Võ nâng tay làm quân lễ, thấp giọng nói: “Xin chào thiếu phu nhân! Không biết là thiếu phu nhân, thuộc hạ thất lễ. Thiếu phu nhân lo lắng cho Quân Đoàn Trưởng, thuộc hạ có thể hiểu, nhưng đập lớn nguy hiểm, xin thiếu phu nhân chờ ở đây,
thuộc hạ sẽ nhanh chóng báo cáo lại với Quân Đoàn Trưởng.”

Anh ta thật sự cự tuyệt cô, Hứa Lương Thần có chút thất vọng, đồng thời
trong đầu chợt ngừng lại, anh ta nói. . . . . . Lo lắng cho Đoàn Dịch
Kiệt? Cô đến đây không phải do xúc động tình cảm, vậy vì sao vừa nghe
nói đập lớn nguy hiểm lại vội vàng đuổi theo? Có lẽ, không phải cô lo
lắng cho Đoàn Dịch Kiệt, mà là an nguy của đập lớn? . . . . . .

Đoàn trưởng Võ không dám trì hoãn quân vụ, lại một lần nữa trịnh trọng
bố trí phó quan sắp xếp cho khách quý rồi hành lễ rời đi. Hứa Lương Thần và mọi người được đưa vào trong sân. Giang Cánh Vu không nói gì, dẫn
người đi điều chỉnh thử thiết bị, Kỳ Bình vào toilet, trong đại sảnh Hứa Lương Thần lại đứng ngồi không yên. Thật sự không chịu nổi, cô nhìn mưa ngoài cửa sổ đã nhỏ lại, suy nghĩ một lát rồi mặc áo mưa chạy vào trong màn mưa.

Phó quan từ bên cạnh đi đến, bởi vì vừa rồi Đoàn trưởng Võ đã dặn, dù vì bất cứ lý do nào cũng không được để cho Hứa Lương Thần ra ngoài. Hứa
Lương Thần có ý muốn thuyết phục anh ta, hai người bắt đầu thấp giọng
tranh luận, không lâu sau Lương Vu Văn đi tới.

Lương Vu Văn là thư ký của Đoàn Chính Huân nên anh rõ chuyện của Đoàn
Dịch Kiệt và vị tân phu nhân này hơn ai khác. Hơn nữa đến cả Đoàn Chính
Huân cũng có mật lệnh, khiến anh có chút tò mò vì sao Hứa Lương Thần
muốn đến xem đập lớn. Vị thiếu phu nhân này muốn làm gì? Là lo cho đại
thiếu, hay là muốn chứng kiến cảnh lũ lụt, lấy thêm kiến thức cho công
việc?

Lương Vu Văn nghĩ một chút nhưng không hỏi nhiều, kéo phó quan ra một
bên nói chuyện một lúc. Có sự giúp đỡ của anh ta, Hứa Lương Thần cuối
cùng cũng đạt được tâm nguyện, nhanh chóng ngồi lên xe đi đến đập lớn.

Đập lớn ở phía bắc thị trấn, cách đó không xa. Từ xa nhìn lại, xung
quanh đê đập cao là khung cảnh khẩn trương bận rộn. Binh lính khiêng bao cát và cọc gỗ, vội vàng đi đi lại lại trong nước bùn. Mưa trên trời,
nước bùn dưới đất, đêm đen như mực, đèn xe chiếu yếu ớt phản chiếu trên
mặt nước, hình ảnh thật xa lạ nhưng lại rất có sức rung động.

Quân đội tham gia cứu tế trong nước không nhiều. Hứa Lương Thần vội vàng đi qua đám người, nhưng vẫn không tìm được bóng dáng cao lớn kia.

Bỗng nhiên trên đê phát ra một tràng khẩu lệnh, tiếng nước rung động rầm rầm, binh lính xúm lại đi lên. Thấy thế Hứa Lương Thần cũng bước lên,
Lương Vu Văn đuổi sát theo phía sau.

Mân Giang mưa to liên miên, nước sông Uông Dương đã biến thành một con
rồng phẫn nộ, điên cuồng mà đập vào đê sông. Hứa Lương Thần cẩn thận tới gần, ánh đèn mờ nhưng cô liếc nhìn một cái đã nhận ra Đoàn Dịch Kiệt
đang đứng trong nước cùng binh lính gia cố lại đê.

Anh không còn tác phong quân nhân chỉnh tề như ngày thường nữa, mũ quân
phục cũng không thấy đâu. Nước trên tóc nhỏ xuống, quần áo đã sớm ướt
đẫm dán lên người, không nhìn ra được màu sắc vốn do nước bùn. Mồ hôi
trên mặt, nước mưa và nước bùn hòa vào nhau, chỉ có đôi mắt đen kia vẫn
sáng ngời như trước, đôi mày kiếm hơi nhíu.

Dáng người cao lớn, khí thế bình tĩnh, khiến Hứa Lương Thần không thể bỏ qua anh giữa trăm ngàn người đàn ông.

Quân binh cùng nỗ lực, lỗ hổng lớn nhất đã được lấp lại. Đoàn Dịch Kiệt
đứng trên bao cát ở trong nước, chỉ huy binh lính gia cố chỗ khác, vừa
quay đầu lại thấy Hứa Lương Thần mặc áo mưa đứng cách đó không xa, anh
nhướn mày, lạnh lùng nói: “Khốn kiếp, đứng ở đấy làm gì? Mẹ nó, nhớ cho
kỹ một người lính mặc quân trang vào sẽ không còn là con trai của cha
cậu, chồng của vợ cậu nữa! Mẹ nó là đàn ông của đất nước! . . . . . .”
Một cơn sóng đánh tới, hình như anh hung tợn lườm Hứa Lương Thần một
cái, rồi xoay người nhận bao cát của binh lính, lại đắp vào đê. . . . . .

Hứa Lương Thần không ngờ người này sẽ mắng chửi cô như thổ phỉ, đột
nhiên có chút sửng sốt, không tự chủ được kéo mũ áo mưa xuống để cho anh biết người anh vừa mắng là ai đấy?

Lương Vu Văn nhìn thấy hết. Anh biết Đoàn Dịch Kiệt không nhận ra cô,
tưởng cô vợ mới cưới của mình là binh lính lười nhác, sợ Hứa Lương Thần
hiểu lầm, vội vàng chạy qua.

Đoàn Dịch Kiệt lại tiếp tục bận rộn, lúc nâng người lên nhìn lại thấy
cậu lính lười nhác vừa nãy biến thành một cô gái tóc dài, không khỏi
ngừng lại, mày kiếm nhăn thành chữ “Xuyên” (川). Tưởng là hộ sĩ đi theo
đội, anh không khỏi mở miệng ra mắng tiếp: “Ai cho cô đến đây! Khốn
kiếp! Mau quay về chăm sóc người bị thương đi! Trước khi nam binh chết
hết, tất cả nữ binh cút về cho tôi! . . . . . .”

Nhìn người đàn ông đang lỗ mãng gầm thét thô bạo kia, Hứa Lương Thần ngẩn ra.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận