Part 6 – Người và chuyện xung quanh
Có những người từng xuất hiện trong sinh mệnh của ta, rồi biến mất khỏi cuộc sống của ta
Chương 6-1
Kỳ nghỉ đông hồi năm lớp 11, tôi từ Bi Châu về lại Tô Châu, những giọt mưa to hệt như hạt sạn, dù đã chạy hết sức nhưng vẫn bỏ lỡ chuyến xe duy nhất trong chiều. Mưa rất to, mà con đường này vô cùng vắng vẻ, ngay cả một con chó cũng không có, trên đường chỉ có duy nhất chiếc xe Buick màu đen đậu ở bên đường đối diện.
Tôi vịn vali che ô ngồi ở ven đường, trên người chỉ còn một trăm ba mươi tệ tiền vé xe. Khi ấy đang là mùa du lịch, khách sạn hết phòng, tôi lại chẳng có bạn bè ở nơi đây. Tôi cúi gằm đầu, nghĩ bụng: Trời lạnh teo, kiểu này chắc tối bị chết cóng quá.
Với một người bi quan như tôi, không nhúc nhích là tư thế thoải mái nhất, mọi hình thức hoạt động khác đều là cực hình. Tôi ngồi cứng đờ ở ven đường suốt hai tiếng, bỗng có một chiếc xe dừng lại bên cạnh. Tôi ngẩng đầu lên, đây chẳng phải là chiếc xe Buick ở đối diện sao?
Cửa sổ xe hạ xuống, người đàn ông trung niên thò đầu ra, râu ria xồm xoàm, mắt vằn tơ máu, nặn ra một nụ cười: “Cháu đi đâu? Chú đưa đi.”
Tôi cười khinh thường: “Chạy xe lậu chứ gì? Ở đây có mỗi xe của chú, chờ tôi lạnh cóng lâu lắc mới tới mồi chài, định chém giá chứ gì. Được thôi, tới Tô Châu bao nhiêu tiền?”
Ông ta rít một hơi thuốc: “Cháu muốn đưa nhiêu thì đưa, không đưa cũng được.”
Tôi giật thót, nghĩ bụng của cho là của lo, đừng nói là gặp phải bọn buôn người nha!
“Cảm ơn, không cần đâu, tôi đi tới đồn công an.” Nói xong, tôi đứng dậy kéo vali bỏ chạy, chạy càng lúc càng nhanh, trong đầu toàn là tin tức liên quan tới bọn buôn người.
Tôi chạy không được bao xa, chiếc xe Buick đen lái theo sau, ông ta thò đầu ra nói: “Này, không cần trả nhiều tiền, gấp bảy lần vé xe buýt là được.”
Tôi đứng lại, thầm nghĩ cũng được, tuy xe lậu nhưng ở bước đường cùng, tôi có xu hướng tin ông ta.
Thấy tôi do dự, ông ta nói thêm: “Cháu ngồi dầm mưa hai tiếng rồi, quần ướt hết kìa, bây giờ còn không đi là chết rét đó. Chú đi Thượng Hải, thuận đường, nếu cháu chê đắt thì trả ít hơn cũng được.”
“Chú cho tôi xem giấy căn cước.” Tôi ngoảnh đầu lại, nói.
Ông ta gật đầu, tìm giấy căn cước: “Cháu cất vali vào cốp xe đi.”
“Chú cho tôi xem giấy căn cước trước đã!”
Tôi chụp hình giấy căn cước rồi mới bỏ hành lý vào cốp xe, sẵn tiện chụp biển số xe của ông ta luôn. Ngồi vào ghế phụ lái, tôi lập tức gửi hình biển số xe và giấy căn cước của ông ta cho mấy đứa bạn.
“Thắt dây an toàn vào.” Ông ta vừa nói vừa nổ máy xe.
Sau đó ông ta không nói gì nữa mà chỉ hạ cửa sổ xe xuống để hút thuốc lá. Tôi bắt chuyện với ông ta, ông ta phớt lờ, gương mặt không có biểu cảm gì.
Tôi buồn chán nhìn lung tung, sau đó nhìn thấy ở ghế sau có một cái rương đựng toàn thuốc lá, thầm nghĩ: Ồ, trông dáng người nhỏ xíu mà mồm to nhỉ.
“Trong xe ngộp quá.” Tôi nói.
Ông ta hạ cửa sổ xe xuống.
Tôi trông thấy hộc tủ ở trước ghế phụ lái có số điện thoại được ghi bằng bút dạ quang, để đảm bảo an toàn, tôi chụp lại rồi gửi cho các bạn.
Ông ta mơ màng lái xe cứ như say rượu, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác, càng lúc càng nhiều. Thấy ông ta như vậy, tôi hơi sợ.
Sau đó, xe dừng lại càng lúc càng nhiều, tới điểm dừng chân nào ông ta cũng cho ngừng xe để đi rửa mặt.
Suốt ba giờ đi đường, ông ta chỉ nói với tôi đúng một câu duy nhất là nhắc tôi thắt dây an toàn mỗi lần rời khỏi điểm dừng chân để tiếp tục lên đường. Tôi luôn quên, ông ta thì luôn nhắc, lèm bà lèm bèm, phiền chết đi được.
Có một lần ông ta không để ý, xe chạy được một lúc lâu mới phát hiện ra tôi quên thắt dây an toàn. Ông ta đột nhiên hét ầm lên: “Thắt dây an toàn! Nói bao nhiêu lần rồi? Đồ đần!”
Tôi sợ hết hồn, bao nhiêu ấm ức suốt chặng đường dâng lên đỉnh điểm, cũng hét lên: “Liên quan gì tới chú, tôi không thắt đấy! Có phải là đi không trả tiền đâu!”
“Mới bị camera bắn rồi kìa! Tao bị phạt rồi đó!”
Tôi đuối lý, thắt dây an toàn lại, thầm nghĩ hóa ra là ông ta xót tiền: “Tới Tô Châu, tôi sẽ trả phí phạt cho chú.”
Ông ta nhìn thoáng qua tôi, không nói gì.
Sau đó tôi luôn tự nhắc mình phải nhớ thắt dây an toàn, đoạn đường còn lại không nói gì với ông ta nữa.
Đến Côn Sơn, tôi tính toàn bộ số tiền trên người mình, còn không đủ tiền xe chứ đừng nói là phí phạt.
“Chú chờ tôi về nhà lấy tiền nhé, tôi để giấy căn cước, hành lý và điện thoại ở đây cho chú giữ.” Tôi đứng bên ngoài nói với vào trong xe.
Ông ta nghiêng đầu, lấy tay chắn gió để châm điếu thuốc, điệu bộ rất thoải mái nhưng lại không có lửa: “Cháu đi mua cho chú cái bật lửa đi.”
Tôi đến cửa hàng tiện lợi gần đó, lúc quay lại đưa đồ, ông ta nói: “Được rồi, về nhà lấy tiền đi.”
Tôi xoay người định đi, ông ta nói tiếp: “Mang hành lý điện thoại theo, chú chỉ giữ lại giấy căn cước thôi là đủ.”
“Không ngờ chú lại tin tưởng tôi đến vậy, nhưng mà tôi nhắc trước nhé, giấy căn cước không đáng giá đâu.” Đây là câu đùa đầu tiên mà tôi nói với ông ta, ông ta cười khẽ.
Tôi vừa đi được vài bước, ông ta nổ máy xe, tôi nghe tiếng thì ngoảnh đầu lại, xe đã chạy đi. Một cái thẻ bay ra khỏi xe, là giấy căn cước của tôi.
Tôi nhìn đuôi xe, không tài nào hiểu nổi. Không cần tiền ư? Nói đi Thượng Hải mà, sao giờ lại chạy theo hướng ngược lại? Đầu óc chập mạch ư?
Hôm đó tôi về nhà lấy tiền rồi quay lại đợi ông ta rất lâu nhưng ông ta không quay lại. Cuối cùng tôi đành từ bỏ, người đâu mà kỳ quặc, tôi đã cố gắng hết sức rồi chứ không phải là không muốn trả tiền.
Lúc quay về nhà, tôi càng nghĩ càng thấy lạ, nghĩ mãi mà vẫn không hiểu nổi.
Mùa hè năm tốt nghiệp trung học, tôi nói với ba má là muốn thi lấy bằng lái xe, bỗng nhớ đến chuyện chú tài xế kỳ lạ. Tôi chợt nhớ tới tấm ảnh số điện thoại mà tôi đã chụp trên xe chú ấy, vội vã tìm lại trong lịch sử chat, định sẽ trả số tiền mà tôi nợ cho chú ấy qua Wechat.
Tôi nghĩ chắc hẳn chú ấy sẽ vui mừng chứ không nghĩ tới sự “bất thường” giữa hai chú cháu.
Tôi gọi điện để xác nhận trước, người nghe điện thoại là vợ của chú ấy.
Sau khi nghe tôi giải thích, vợ của chú ấy vô cùng kích động, hỏi chồng của mình có nói gì với tôi không. Tôi cố gắng nhớ lại, trả lời thím ấy: “Không có ạ, chỉ nhắc cháu thắt dây an toàn thôi.”
Hóa ra hôm đó không phải chú ấy thuận đường với tôi, chú ấy cần đến nơi khác. Sau khi đưa tôi tới Tô Châu, chú ấy đến một nơi vắng vẻ, và tự sát.
Trong giây phút nghe tin, tôi như bị sét đánh trúng, hồi lâu sau vẫn không thể bình tĩnh nổi, sau khi cố gắng nhớ lại từng chi tiết trong ngày hôm ấy, tôi mới hiểu ra.
Tôi rất hay ngủ mơ. Trong thời gian đó, tôi thường xuyên mơ thấy chú ấy, mãi đến sau này mới hết. Trong trí nhớ của tôi, hình dáng của chú ấy rất mơ hồ, nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn rất xúc động.
Rõ ràng chú ấy đã từ bỏ thế giới nhưng sao vẫn làm nhiều việc cho thế giới như vậy?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...