Uống rượu
Làm nhà giữa cõi tục,
Mà không xe ngựa ran.
Hỏi bác sao được thế,
Lòng xa cảnh tự nhàn.
Dưới giậu đông hái cúc,
Xa trông ngắm Nam San.
Khí núi chiều thêm vẻ,
Chim bay về cùng đàn.
Bên trong bao ý đẹp,
Muốn nói lại quên luôn[1].
Đào Uyên Minh
[1] Bản dịch Hoàng Tạo.
Lại đến mùa hoa cúc, mùa quạnh hiu, cũng là một mùa khiến người ta quyến luyến. Rất nhiều người không cầm lòng nổi trước mùa thu, lá đỏ mùa này thường ủ men ra một mối cảm thương cũng như một vẻ đẹp khó tả bằng lời. Sương cúc mùa này, cũng sẽ đem lại cho người ta một cảm giác đạm bạc và thong dong rất tự nhiên. Trong ấn tượng của tôi, cúc phải nở bên bờ giậu thưa, cành gầy guộc, lá xòe rộng, trong cánh hoa li ti thấp thoáng nụ hoa non nõn, rất đỗi thanh nhã thuần khiết. Đều nói bừng nở đón sương, cô cao ngạo thế, là phẩm chất của loài hoa cúc chịu được giá rét. Song tôi luôn cảm thấy cúc giống như một người con gái si tình, lỡ làng vì người tình bội ước, uổng cả nhan sắc thanh xuân bị thời gian tẩy xóa.
Người ta nói rằng, mỗi người đều là hóa thân của một loài thực vật nào đó, bởi thế khi nhìn thấy hoa cúc, tôi lại nhớ tới câu chuyện Đào Công vịnh cúc, áo trắng tặng rượu từ hai ngàn năm trước. Niên đại xa xôi như thế, thực ra chẳng qua là khoảnh khắc một đóa cúc nở bừng rồi cụp cánh, hễ bạn nhắm mắt lại, mọi thứ vẫn dừng lại ở ngày hôm qua. Hoa cúc là tri kỷ của Đào Uyên Minh, cũng là chốn về của đời ông giữa thời Ngụy Tấn gió mây vần vũ. Kiếp trước của tôi hẳn không có dây dưa gì cùng hoa cúc, có điều tình kiếp mùa thu cũng đủ giáng cho tôi một đòn trí mạng rồi. Thực ra, bất luận mùa nào, chúng ta đều không thoát nổi món nợ gió trăng, cứ ngỡ có thể sống một cách an tĩnh, ngờ đâu thời gian một mực ép chúng ta trôi chảy.
Vào mùa thu, mỗi khi kẹp một chiếc lá đỏ vừa nhặt được vào trang sách, tôi đều cho rằng làm vậy có thể khiến nó say ngủ, đồng thời để tôi cũng được an lòng. Thực ra không phải, mãi đến một hôm kiểm lại tâm tình mấy năm nay, tôi mới phát hiện ra ký ức về mùa thu, tâm tình mùa thu nhiều hơn hẳn những mùa khác. Mà sự bần hàn trước sau như một của chúng ta, có lẽ là bởi tất cả tương phùng đều là bèo nước gặp nhau, nên dù đi giữa nhân gian ngang dọc, cũng chỉ ôm một bầu tâm tình gió mát trăng gầy.
Dù có thông hiểu lịch sử hay không, hẳn ai cũng biết rằng thời Ngụy Tấn có một trận huyền phong lan khắp bầu trời. Huyền, có nghĩa là huyền diệu, thâm sâu, thần bí ảo diệu, mờ mịt khó nắm bắt. Huyền phong có liên quan tới Đạo gia, Đạo, chính là biểu đạt một loại tư tưởng thanh tịnh vô vi. Nhưng tôi luôn cảm thấy huyền tức là huyền cơ, huyền lý, cũng có liên quan tới Thiền học. Đào Uyên Minh ẩn cư núi Nam, trồng cúc giậu Đông, ngao du non nước, gửi thân chốn ruộng vườn, mơ tới một đào viên trong sạch, một là bị hiện thực bức bách, thứ nữa là vì lòng ông đã có nơi hướng về. Giả dụ ông hoạn lộ thênh thang, quan trường đắc ý, có lẽ lòng yêu chuộng cúc hoa, thiên hướng đạm bạc sẽ giảm ít nhiều.
Một đời Đào Uyên Minh mấy lần ra làm quan, rồi lại mấy lần đi ở ẩn, là bởi ông luôn mâu thuẫn. Nhiều năm sau, khi ông đã thật sự trở về vườn ruộng, nhớ lại lúc phân vân chọn lựa, lục lại mấy bận đổi thay chìm nổi trong ký ức, hẳn không khỏi kinh ngạc, đã sống giữa cảnh u tĩnh bặt tiếng ngựa xe huyên náo, cớ gì còn rơi vào lưới trần suốt ba chục năm ròng? Lưới trần trăm vấn ngàn vương, rốt cuộc có trói buộc được linh hồn ông hay chăng? Ông nói rằng, lòng xa cảnh tự nhàn. Thế gian vạn tượng đều từ cõi lòng mà ra, lòng tĩnh lặng, cảnh vật tự yên bình. Nếu cõi lòng đã thật sự rũ được danh lợi thì dẫu ở giữa phố chợ, cũng chẳng khác nào dựng nhà trong núi.
Nói là nói vậy, song Đào Uyên Minh vẫn quy ẩn núi Nam, trồng cúc giậu Đông, nâng chén trước sân. Tuy chẳng phải ẩn cư để tránh họa binh đao như người ở Đào Nguyên, nhưng hành vi của ông cũng là một sự trốn tránh trước hiện thực mà mình không thể nắm bắt. Đời người cũng như pha trà, nếu trà ngon mà chẳng thể pha ra được hương thơm thanh nhã, mùi vị đậm đà, chi bằng cứ để chén đựng nước trắng vậy thôi. Đào Uyên Minh cuối cùng xa rời hoạn lộ, cũng có nghĩa là dứt bỏ phồn hoa, chọn lấy thanh bần, chọn lấy núi Nam. Tựa như mang một chậu hoa cúc từ trong phòng ấm ra trồng bên giậu trúc, tuy mất đi hơi ấm bao bọc, nhưng lại tránh được vận mệnh bị cắt tỉa. Xưa nay chỉ có hoàng yến ngưỡng mộ sự tự do tự tại của chim trời, nào có thấy chim trời thèm khát cuộc sống an nhàn sung sướng của hoàng yến. Danh lợi có lẽ rất quyến rũ, nhưng không phải ai cũng thèm muốn.
Đào Uyên Minh cũng không thèm muốn, ông giống như một cánh chim mỏi lạc đường, may mà biết quay lại, trước khi trăng lặn kịp bay về tổ cũ, chỉ mong yên ổn qua ngày. Chẳng khác một kẻ tội nhân đi lạc, chợt nghe thấy tiếng chuông tại ngôi chùa giữa núi sâu, rồi bị cảm hóa trước cảnh Thiền xa ngái, cuối cùng bất chấp tất cả, cam lòng buông bỏ thanh đao cầm suốt bao năm, cúi rạp mái đầu quật cường, quỳ dưới chân Phật Tổ. Những chuyện mà chúng ta cứ ngỡ tuyệt đối không thể, thường lại thay đổi cả kết cục chỉ trong một sát na. Đó chính là nhân tính yếu đuối, không chịu nổi mảy may xúc động nào, sau khi bị chinh phục, chúng ta cũng chẳng biết tìm hiểu lý do từ đâu nữa. Cũng từ bài thơ này, tôi mới hiểu ra rằng, Đào Uyên Minh đã dốc hết chấp niệm một đời mà vẫn không sao kháng cự nổi vẻ thanh đạm của một bông hoa cúc.
Là cúc hoa cho ông sự chân thành và chốn về. Một sớm mai mịt mờ sương khói, ông chợt thấy lòng rối loạn, bỗng phát hiện thì ra giữa đất trời là một khoảng trống mênh mang thế ấy. Khi một đóa hoa cúc thấm sương ngậm móc nở ven sân căn nhà tranh, rốt cuộc ông cũng hiểu ra rằng, kiếp trước của mình nhất định là hoa cúc. Duyên phận thật đẹp đẽ, đem theo thiền ý êm đềm, thấp thoáng nở rộ giữa núi Nam, tự do tự tại. Nếu tỉnh ra từ sớm, đã đỡ được bao năm vùng vẫy giữa lưới trần, cũng đâu đến nỗi phụ tấm tình nồng hậu của cúc hoa. Nhưng nhà Phật tin vào duyên phận, duyên phận còn chưa tới thì thấy trời đất tối tăm, khi duyên phận đến rồi, tất càn khôn sáng tỏ.
Có khi chỉ một đạo lý đơn giản mà bạn phải dốc ra hết thảy để phân giải. Giống như một câu đố vậy, rõ ràng bạn biết đáp án, nhưng bắt buộc bạn phải trải qua quá trình phức tạp, mới chịu công bố lời giải cuối cùng. Chúng ta luôn thích quy kết tình duyên cho sương mai, phó thác danh lợi cho nghiên bút, đày ẩn sĩ vào núi sâu rừng thẳm. Tất cả nguyên nhân đều có kết quả tương ứng, hành trình nhân sinh nhìn có vẻ mông lung, kỳ thực không cho phép có bất cứ sai sót nào. Đào Uyên Minh lựa chọn quy ẩn núi Nam, vui vầy cùng hoa cúc, thanh nhàn bên chén rượu bài thơ, tuyệt đối không phải một sự mù quáng. Sau khi phiêu bạt thật lâu, chẳng gì có thể khiến người ta an tâm bằng tìm thấy đường về. Nếu ông thừa nhận quá khứ là sai lầm, vậy thì núi Nam hiện giờ thực sự là nơi mộng hồn ông kiếp này neo đậu.
Trong những tháng ngày ẩn dật ở núi Nam, ông ca vang giữa rừng, hú dài trong núi, hoặc trồng cúc giậu Đông, hoặc buông câu bên bờ suối chân mây, hoặc vác cày ra đồng cày ruộng. Nhưng chung quy ông vẫn có duyên với Phật, thường ôm một bó cúc tới chùa Đông Lâm ở Lư Sơn tìm Tuệ Viễn đại sư. Đôi bên cùng chơi cờ tham thiền, pha trà ngộ đạo, ngao du liên hoa thanh cảnh, không lụy vào ngoại vật. Để lại câu chuyện ba tiếng cười bên Hổ Khê, cùng thú ẩn dật thanh nhàn đạm bạc mà tĩnh tại không sao kể xiết cho người đời. Đào Uyên Minh trong lòng chúng ta đã dựng lên một Đào Nguyên trong mộng, nơi ấy không có dòng người tấp nập, cả chim chóc vô tình bay đến, cũng chẳng muốn về trần gian nữa. Hẳn ông thường nấn ná ở ngôi chùa cổ trong núi, tụng kinh đọc sách hoặc thong dong trước bờ giậu, say rượu ngâm thơ; trồng cúc trên đỉnh núi Nam, gửi gắm bao cảm hứng ngày thu mát mẻ. Đã đến lúc nên buông xuống, làm một người thanh tịnh, một nhành lau sậy qua sông cũng ngăn được những đợt sóng của nhân thế. Đào Uyên Minh cất nhà sửa giậu ở núi Nam, từ bấy núi Nam đã thành nơi để thế nhân phàm tục hướng về. Thực ra nơi này rất đơn sơ, chỉ là có thể ôm lấy thiên nhiên từ khoảng cách gần nhất. Một năm bốn mùa, hoa cỏ theo hẹn mà sinh, giữ lời mà chết. Lại đến cuối thu, cây cỏ đều đã héo khô, chỉ có cúc hoa, gối sương thu nở giậu Đông, không huênh hoang, không quyến rũ, an nhàn mà mộc mạc.
Khởi đầu không có thiền ý, cũng chẳng cần kết cục nhiều thiền ý làm chi. Nhưng tôi biết, mỗi người đều muốn tới núi Nam một bận, hái lấy một bó sương cúc, ở trong nhà cỏ một đêm, rồi quay về thế tục khói lửa, xem hết hoa xuân trăng thu, trải qua sinh lão bệnh tử...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...