Model Taxi
Hàng tá những tay cò nhà nghỉ bâu lấy hai đứa. Quá quen với chuyện này ở những thành phố du lịch, chúng tôi tỉnh rụi bước đi. Khoảng một cây số thì không còn ai bám theo nữa.
Tối cuối tuần, Bãi Cháy nghẹt cứng du khách. Thấy đói bụng, tôi đề nghị vào một quán bên bờ biển. Phục vụ bàn đưa thực đơn ra, tôi nhìn sơ bảng giá, đá chân Trân. Hai đứa rình lúc không ai để ý, lẩn lẩn đi ra ngoài rồi cắm đầu chạy thục mạng, cười như điên như dại. Cuối cùng, tụi tôi ăn ở một quán nhỏ khác cách đó không xa tên là Cánh Buồm Đỏ, trải khăn bàn sọc đỏ, thực khách đa phần là tụi Tây ba-lô, giá cả ổn thỏa hơn cái quán bờ biển kia một chút.
Trân đã lấy lại sinh khí. Nó ăn hết một cái pizza hải sản, uống Orangina và đong đưa với hai thằng người Pháp trạc tuổi tụi tôi ngồi bàn bên cạnh, một thằng tóc dài, một thằng đầu trọc trông đều khá đẹp trai. Tôi im lặng ngồi ăn, giả vờ chú tâm theo dõi trận bóng trên tivi. Loáng thoáng tôi nghe thấy hai thằng kia hỏi tôi có phải bạn trai của Trân không. Trân bảo không, đó là em trai tao, tụi bay đừng để ý đến nó, nó hơi ngờ nghệch. Tôi vẫn thản nhiên ăn, kệ nó muốn nói gì thì nói.
Thằng đầu trọc xách hẳn chai bia sang bàn tôi ngồi, hỏi tụi tôi đã nghỉ ở đâu chưa, sao chúng tôi không share phòng với tụi nó cho rẻ. Trân vẫn tiếp tục đong đưa, vờ vĩnh trong khi thằng kia ra sức dụ khị. Tôi để ý thằng tóc dài đã lỉnh đi đâu từ lúc nào, một lúc sau mới thấy xuất hiện lại, mặt mũi lờ đờ thống khoái. Lát sau tôi đẩy cửa bước vào cái toilet dơ dáy, chật ém vẫn còn nghe mùi bồ đà nồng nặc.
Tôi gọi bill tính tiền rồi quay sang bảo Trân đến lúc phải đi rồi. Ở lại nghe hai thằng khùng này và nó tán tỉnh nhau chắc tôi phát bệnh lên mất. Thằng đầu trọc vỗ vai tôi bảo này chú em, trận bóng trên tivi còn chưa kết thúc mà, cứ nán lại, tôi sẽ mời chú một chai Cola nữa. Tôi nhún vai ngao ngán, nói cảm ơn, nhưng tao đang thèm whiskey dry on the rock chết mẹ đây. Trân cười cười, đứng dậy tạm biệt thằng kia rồi bước theo tôi, để mặc hai thằng ngơ ngác nhìn theo, chả hiểu đầu cua tai nheo gì.
‘Mày đúng là đồ láo toét. Bày đặt whiskey dry on the rock. Ha ha. Giá như tụi nó biết được tửu lượng của mày.’ Con Trân chạy theo tôi trên vỉa hè đông đúc, cười rũ rượi.
‘Tao còn chưa tính sổ vụ mày gọi tao là thằng em trai ngờ nghệch.’ Tôi làu bàu.
‘Lúc đó nhìn mày ngu không tả nổi luôn ấy!’
‘Tụi nó định “xử” mày trong vòng một nốt nhạc!’ Tôi nhìn Trân cười đểu.
‘Ngó tao nhẹ dạ dữ vậy sao?’ Nó ra bộ ngạc nhiên.
‘Không, ngó mày lẳng lơ, bất cần, không có gì để mất!’ Tôi nói xong vội vã phóng nhanh, tránh cơn thịnh nộ dữ dội từ con bạn. Nó ngắt nhéo rất đau.
Hai đứa rượt đuổi nhau om sòm trên đường một hồi thì có một chiếc xe kì khôi tấp lại. Tưởng chúng tôi là du khách người châu Á, người lái xe gào to ‘Hello, model taxi?’ Tôi nhận ra đó là một người đàn ông đứng tuổi. Hai chân ông ta cụt đến bẹn.
Chiếc “model taxi” đó là một chiếc xe máy phân khối lớn cải tiến thành xe ba bánh để người đàn ông tật nguyền có thể dễ dàng điều khiển. Có đến hai chỗ ngồi đằng sau. Ông ta dùng chiếc xe này để chở du khách đi thăm thú loanh quanh, vừa mát mẻ vừa rẻ hơn taxi. Tôi và Trân nhảy phóc lên xe, sau khi thỏa thuận giá cả. Đâu phải lúc nào cũng có dịp ngao du sơn thủy bằng “model taxi”.
Trân bảo người đàn ông chở hai đứa sang Tuần Châu. Đêm biển lồng lộng, người đàn ông lặng lẽ lái xe băng qua những con đường biển, chúng tôi ngồi phía sau không nói câu nào. Tôi nhìn đăm đắm những vệt trăng rải trên mặt biển lấp loáng cho đến khi mắt hoa lên, cố giữ lòng không nghĩ lan man đến bất cứ chuyện gì. Tôi không muốn phung phí chuyến hành trình của mình.
Tài xế model taxi bảo chúng tôi sẽ đi một con đường t để lên Tuần Châu cho nhanh. Ông thú thật đường chính lên dốc cao quá, chiếc xe không tải nổi. Chúng tôi đồng ý. Xe đi vào một con đường tối mù, hai bên cây cối um tùm, nhìn khá ớn. Trân túm chặt lấy tay tôi hỏi nhỏ rằng có khi nào ổng đánh hai đứa mình bất tỉnh, nhét vào bao bán qua Trung Quốc không? Tôi thì thào chọc nó rằng dám lắm chứ. Con Trân lo lắng ra mặt.
Khoảng mười phút sau, chúng tôi đến Tuần Châu an toàn vô sự, không bị ai chụp thuốc mê hay đánh bất tỉnh. Xe hơi đậu đầy ở bãi. Mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn chúng tôi ngồi vắt vẻo trên chiếc xe kì khôi. Con Trân tỉnh queo vẫy tay với mọi người như thể tôi với nó là hoa hậu hoa vương đang ngồi kiệu hoa diễu hành qua phố. Hai đứa mua vé xem nhạc nước, ăn hai cây kem chocolate giá gấp ba bình thường rồi đi ngược ra bãi xe tìm chú “model taxi” để về lại Bãi Cháy. Vòng vèo vậy thôi cũng đến mười một giờ khuya. Chú “model taxi” hỏi tụi tôi có muốn thuê nhà trọ giá rẻ không, Trân bấm tay tôi, nói cảm ơn chú, nhưng tụi cháu có nhà trọ rồi.
Hai đứa tấp vào một quán cà phê mở thâu đêm, ngồi chiếc bàn sát ban-công lầu hai uống nâu đá và trò chuyện tới sáng. Trân bảo giờ này nó không muốn chui vào một cái phòng khách sạn ngột ngạt chút nào.
Cánh buồm đỏ thắm.
Đến sáu giờ sáng hôm sau, hai đứa thanh toán tiền cà phê và đi bộ xuống phố kiếm tour đi thuyền thăm vịnh. Trên đường đi, có một người bán hàng rong gánh ngang qua một thứ quả rất lạ, dạng quả mọng nước như dâu tằm, tròn tròn, to bằng đầu ngón tay, màu đỏ phớt nhìn rất hấp dẫn mà chị ta gọi là quả thanh mai. Trân mua hai kí, hai đứa vừa đi vừa ăn. Vị chua thanh vỡ òa trong miệng làm những giác quan đang lờ đờ sau một đêm thức trắng gần như bừng tỉnh. Chưa xuống tới bến tàu, chúng tôi đã chén sạch túi thanh mai đầy vun.
Chúng tôi mua tour đi thăm vịnh hai ngày một đêm giá 500 ngàn/pax – một tour bèo. Tàu cũ kĩ, nhưng nhìn khá ấn tượng với hai lá buồm đỏ thắm. Hình như buồm mới được thay mới nên màu đỏ nhức nhối của nó thật tương phản với con tàu. Tôi và Trân ngủ trong một cabin hẹp tém lót gỗ thông nhìn cũng khá sạch sẽ, xinh xắn
Tôi cất ba-lô, ra boong tàu nằm trên ghế dài, mang kính mát, đọc sách, nhâm nhi cocktail miễn phí trong chương trình tour. Lúc đó chỉ cần thêm áo bông hoa và quần sọt cây dừa, trông tôi sẽ như một thằng công tử hạng ruồi thứ thiệt. Trân lên sau, tai đeo earphones, tay cầm một cuốn sổ tay. Nó ngồi xuống ghế dài bên cạnh tôi, dựa ra ghế, chăm chú viết lách. Tôi đoán nó đang ghi lại nhật kí hành trình. Được một lát, nó gấp sổ để lên ghế, ra chống tay ở thành tàu nhìn biển xa xôi. Tôi nghĩ nó đang nghe tới bài gì đó trong phim Titanic. Đôi khi nó cũng hay dở hơi kiểu như thế.
Ăn trưa. Đi thăm vịnh. Bơi thuyền kayak. Ngắm hoàng hôn. Mọi thứ diễn ra đúng như trong lịch trình, không có gì bất ngờ, nhưng cũng không có gì đáng ta thán. Sau bữa ăn tối, tôi tách một mình đứng ngắm biển đêm. Trân ngồi lẫn trong nhóm du khách trẻ khác đang nói chuyện phiếm. Hình như họ đang bàn tán một vấn đề gì đó sôi nổi lắm, rồi thì chơi guitar, hát hò. Tôi mượn Ipod của Trân đeo vào để cách ly mình khỏi tiếng ồn. Đêm nay trời mù, không thấy trăng sao. Trong khung cảnh tịch mịch trước mặt, nhạc Damien Rice quả là một lựa chọn không tồi.
Tối đó, tôi vào ngủ trước. Hình như Trân uống bia với mấy người bạn mới quen đến tận nửa đêm. Tôi đoán thế nào sau chuyến đi chơi này nó cũng kiệt sức. Mắt nó đã quầng đen như mắt cú.
Sáng hôm sau tôi dậy trước nhất. Boong tàu vắng vẻ, mặt biển phủ đầy sương mờ buổi sáng. Tôi đứng hồi lâu, ráng căng mắt nhìn ra bốn phía nhưng không xác định được tàu đang ở chỗ nào. Rồi bỗng nhiên trong mù sương, tôi thấy Trân hiện ra bên cạnh, đột ngột như một bóng ma.
‘Ê, qua Noel tao đi Pháp.’ Nó nói đột ngột.
Tôi sửng sốt. Qua Noel nghĩa là còn rất gần.
‘Đi chơi?’
‘Không, đi học. Thiết kế quảng cáo. Chắc sẽ ở Lille.’
‘Sao bây giờ mới nói?’
‘Hôm kia tao mới biết chắc.’
Tốt nghiệp phổ thông xong, bố mẹ Trân đã hối thúc nó đi du học, nhưng nó kiên quyết từ chối, bỏ ra Hà Nội học Luật. Giờ nó đột ngột quyết định sẽ đi, tôi đoán chuyện nó và gã phóng viên ảnh đã có vấn đề. Nhưng tôi không hỏi thêm, chỉ buông một câu thờ thẫn.
Đi một mình.
Lão Sói vẫn không trả lời. Tôi cũng không tìm cách liên lạc nữa, đoán lão đang có những tháng ngày vui vẻ cùng Sonija. Thằng Damien thì hoàn toàn biệt tăm biệt tích. Lúc cặp kè đi quậy ở Hội An, ba thằng sôi nổi vạch ra rất nhiều dự định cùng nhau. Không chỉ nói bâng quơ cho vui vậy thôi, tôi nghĩ tôi, Damien hay Sói ngay lúc đó đều rất tin tưởng vào những gì mình đang lên kế hoạch. Chỉ đơn giản là khi xuất hiện một khoảng dừng, mỗi chúng tôi không còn là mình-trên-đường-đi nữa. Và những dự định tưởng rất nghiêm túc kia cũng tiêu tan như chưa hề có bao giờ.
Tôi quyết định lên đường một mình. Ngày cuối ở Hà Nội, tôi và Trân đi lòng vòng uống cà phê vỉa hè ngoài phố. Hai đứa đột nhiên không biết nói gì cả. Thời gian còn lại quá dài ột câu chuyện ngắn, và quá ngắn ột câu chuyện dài. Nó lấy điện thoại ra, bấm gọi những số khoan cắt bê-tông in tán loạn trên những bức tường đối diện, mở to điện thoại cho tôi nghe.
Alo, có phải khoan cắt bê tông không ạ?
Đúng rồi! Chị cần khoan cắt bê tông à?
Không. Gọi nói chuyện chơi thôi. Anh vô ý thức vừa vừa chứ! Sao lại đi xịt sơn bậy bạ ngoài phố làm mất mĩ quan đô thị như thế hử?
Đéo mẹ con điên! Để yên cho ông làm ăn nhá!
Hai đứa tôi cười như ngóe. Tắt máy. Rồi lại nhìn nhau đờ đẫn chẳng biết nói gì.
Trân mua tặng tôi một đôi giày sneaker mới, lại đưa luôn cái Ipod shuffle màu xanh chuối để tôi có âm nhạc làm bầu bạn trên đường dài. Nó bảo còn đôi giày cũ của tôi, cho phép nó giữ trong nhà để đuổi chuột.
Tôi quyết định sẽ đi lòng vòng ở miền Bắc. Trân chở tôi ra bến. Khi tôi chuẩn bị leo lên chiếc xe chật cứng, nó hỏi tôi liệu trước khi nó đi Pháp, bọn tôi còn gặp nhau thêm lần nào không nhỉ. Tôi không trả lời. Ngay lúc đó tôi không biết mình sẽ đi đâu, đi bao lâu, khi nào trở về. Nó bảo tự nhiên nó thấy rất nhớ tôi. Tôi hỏi đùa hay là mày yêu tao rồi. Nó bảo nếu phải yêu tôi thà nó yêu con chó Han nhà nó còn hơn.
Xe chuyển bánh. Tôi ngồi dựa vào thành cửa sổ, lẩm nhẩm tính toán. Mới đó mà tôi bỏ học đã gần hai tháng rồi. Môn văn học Anh và văn học Nhật hẳn đã kết thúc học phần. Môn văn học Việt Nam Trung đại gần phải nộp đến ba bài tiểu luận…
Tôi quyết định ngủ. Ý nghĩ về những điều đã qua, thời gian, nghĩa vụ, định hướng sẽ thừa cơ ám ảnh đầu óc tôi, nếu tôi nhân nhượng với chúng.
Khi tôi thức dậy thì trời đã vừa đêm. Xe đang băng qua những núi đèo chập chùng. Mặt trăng tròn màu vàng nghệ treo lờ mờ trên bầu không bao la, chẳng đủ sáng để nhìn thấy con đường. Đêm tuôn qua cửa sổ như một dải lụa mềm đen thẫm.
Đâu đó trong hàng triệu ý nghĩ xuất hiện ở mỗi sát na của cuộc đời.
Tôi đã không bắt chuyện với ai trên đường. Mỗi đêm tôi ngồi trên xe, trên tàu hoặc nghỉ lại một nhà trọ tồi tàn. Tôi nằm nghe nhạc, đọc lại những trang ghi chép của mình. Tôi đã viết tiếp những ý nghĩ vào cuốn sổ bìa da còn trắng quá nhiều giấy của Chiêu Anh
Chiều mùa đông ở Trùng Khánh, tôi gặp một con ngựa trắng. Nó đứng ở một con phố nhỏ, đang cố gặm những ngọn cỏ hiếm hoi khó nhọc vươn lên từ khe tường cũ. Khi tôi đến gần nó, con ngựa ngước lên nhìn tôi, cái nhìn sâu và buồn rầu, nhưng có cả thờ ơ. Tựa như cái nhìn đó chứa tất cả sự trải nghiệm thâm trầm của bầy rêu trên mái ngói những ngôi nhà cổ.
Sáng sớm trong rừng dẻ, tôi bắt gặp những giọt sương đóng băng trên quả dẻ đầy gai nhọn. Dưới ánh mặt trời, chúng tan ra như là nước mắt.
Từ trên cầu Bằng Giang ở Cao Bằng có thể nhìn thấy dòng hợp lưu nhánh đỏ - nhánh xanh nâu. Ở đây tôi bắt gặp một tiệm chè bưởi gốc miền Tây lên làm ăn trong một buổi tối đi dạo phố. Và dù đang ở vùng trồng cây dẻ, nhưng hầu hết hạt dẻ người ta bán ở đây là hàng Trung Quốc mang về.
Bữa cơm tối ở Hoàng Su Phì, lần đầu tiên tôi ăn loại cá rô bắt trong ruộng bậc thang, chiên lên giòn rụm. Đó cũng là lần đầu tôi thử loại rượu thóc vùng này, mới vài ngụm đã chếnh choáng say. Ngày hôm sau, tôi đi bộ xuống một quả đồi, tắm suối giữa nắng trưa rồi trèo lên trở lại. Đêm đó tôi lên cơn đau đầu khủng khiếp và nằm tới ngày hôm sau. Từ cửa sổ vỡ kính ở phòng trọ của tôi nhìn ra có thể nhìn thấy một đồi thông bạt ngàn.
Đêm Giáng Sinh ở thị trấn Đồng Văn, tôi đi lang thang giữa phố cổ tối om, vắng hoe, chợt nghe tiếng chuông leng keng từ đâu vọng lại. Từ đầu phố bên kia, một ông già Noel vác túi quà, tay cầm chuông, từ từ đi tới. Tôi dụi mắt, tưởng mình bị ảo giác. Ở một cái thị trấn vùng cao chót vót, nơi mà cứ cuối tuần người ta lại cõng lợn ẵm gà ra chợ phiên, bỗng dưng xuất hiện một ông già Noel. Nhưng đúng là vậy. Bộ đồ đỏ chót của ông nổi bật giữa đêm heo hút, lạnh lẽo, tối tăm. Sau lưng ông, một đám con nít rồng rắn nối dài.
…
Tôi chăm chỉ với những ghi chép vụn. Đâu đó trong hàng triệu triệu ý nghĩ xuất hiện ở mỗi sát na của cuộc đời, ý nghĩ của chúng tôi chạm vào nhau, nhẹ nhàng, tan biến…">Dream a little dream.
Tôi đã trở về nhà ăn Tết với ba má như mọi năm – với tư cách “cậu sinh viên từ Sài Gòn về”. Đúng mùng sáu, tôi vác túi đi, vẫn với tư cách “cậu sinh viên”. Má tôi muốn mua cho tôi điện thoại mới, nhưng tôi chối đây đẩy, nói không cần, không có điện thoại để đỡ đàn đúm bạn bè. Chẳng ai nghi ngờ gì. Mọi việc diễn ra tự nhiên suôn sẻ đến nỗi có đôi lúc chính tôi cũng quên mất chuyện mình đã bỏ học.
Đà Lạt những ngày sau tết chỉ còn se se lạnh. Từ bến xe liên tỉnh, tôi cuốc bộ vào thành phố, tấp vào một nhà trọ có dịch vụ thuê phòng ngắn giờ, tắm nước nóng, cạo râu và thay một bộ quần áo sạch. Rồi tôi lần theo tờ giấy nhỏ viết địa chỉ trên tay.
Mặt tiền quán cà phê ấy rất nhỏ, có treo một tấm bảng kẻ chữ trắng bằng nét phấn đơn giản nhưng nhìn dễ chịu. Dream a little dream. Tôi ngừng một chút rồi đẩy cửa bước vào, cất tiếng chào.
Có một cô gái mảnh khảnh đang thổi tắt những ngọn nến đựng trong cốc thủy tinh trên những bàn nhỏ trong quán. Cô ta dừng lại nhìn tôi, cái nhìn có thể cảm nhận được trong bóng tối.
‘Anh uống cà phê? Xin lỗi, quán đến giờ đóng cửa rồi.’
‘Không. Chị có phải là chị Ni?’
‘Vâng, tôi đây.’
‘Hôm trước tôi có liên lạc qua điện thoại với chị. Về việc tôi muốn làm việc ở quán.’
‘À phải, tôi nhớ rồi. Anh là N., đúng không?! Mời anh ngồi’
Cô ta ngồi xuống chiếc bàn gần đó. Tôi tiến lại kéo ghế ngồi đối diện. Bóng nến hắt lên mặt cô ta nhìn rất đẹ
‘N. bao nhiêu tuổi tôi quên rồi?’
‘Hai mươi.’
‘Bằng tuổi em trai tôi. N. sẽ ở lại Đà Lạt lâu chứ?’
‘Em không chắc.’ Tôi chuyển cách xưng hô.
Chị ta bật cười.
‘Lần sau đi xin việc đừng có trả lời như vậy. Đâu có ai muốn thuê một người không biết sẽ nghỉ lúc nào.’
Tôi thấy ngượng nghịu và quá trẻ con trước mặt chị ta.
‘Nhưng ít ra cậu đã nói thật. Thế này nhé, quán mới mở chưa đến một tháng. Công việc không nhiều, tôi và cậu có thể cùng nhau xoay sở được. Đêm cậu ngủ lại trông quán. Ba giờ chiều quán mới mở cửa, thời gian còn lại trong ngày cậu được tự do.’
Chị ta nói rõ ràng và ngắn gọn. Tôi xin công việc này cũng vì điều kiện “đêm ngủ lại trông quán”. Ít ra tôi cũng có một chỗ ổn định để tá túc. Và có việc làm.
‘Nghĩa là chị đã nhận em vào làm?’
‘Đúng rồi. Khi nào cậu bắt đầu được?’ Chị ta mỉm cười.
‘Lúc nào cũng được. À…, bây giờ. Em chưa có chỗ nào để nghỉ lại.’ Tôi thành thật.
Chị ta đứng dậy, ra hiệu cho tôi đi theo. Sau cánh cửa là một gian bếp rộng, sáng bóng, ly tách gọn gàng xếp trên những kệ gỗ.
‘Bếp lúc nào cũng phải sạch sẽ. Tôi muốn công việc pha chế trở thành một niềm vui chứ không phải một thảm họa’
Sát nhà bếp là một căn phòng nhỏ xíu vừa đủ kê một chiếc giường đơn. Nếu có thêm một ô cửa tròn, nó sẽ giống như một căn buồng tàu thủy tôi hay đọc trong truyện từ hồi còn nhỏ.
‘Ở đây chưa có tủ quần áo, cậu để tạm trong ba lô nhé’
‘Dạ, cũng không cần, em có ít đồ thôi.’
Đêm đó, tôi trằn trọc khá lâu. Không phải vì chiếc giường không đủ thoải mái, chỉ là tôi đang làm quen với nó.
Ngày mai, lần đầu tiên trong đời mình, tôi làm một công việc chân tay đúng nghĩa. Tiền dành dụm chỉ còn lại chút ít sau chuyến đi khá dài cộng với cách chi xài vung vãi của tôi. Dù tiền ba mẹ chu cấp hàng tháng vẫn gửi vào tài khoản đều đặn, ít nhất là cho đến lúc họ phát hiện ra chuyện tôi bỏ học; tôi không đến nỗi đói khát. Nhưng tôi phải dừng lại đâu đó, làm việc gì đó. Không thể cứ đi lơ ngơ mãi được.
Tôi cảm thấy cuộc sống của mình lại vừa lật sang một trang mới. Như khi đọc hết trang này, người ta phải lật tiếp trang khác, vậy thôi, dù trang cũ có nhiều điều còn chưa hiểu hết.
Công việc mới.
Ba giờ chiều, quán mở cửa. Ngày làm việc đầu tiên của tôi bắt đầu. Tôi pha nước, bưng bê. Công việc không phức tạp. Quán chỉ bán nước uống đóng chai hoặc pha chế đơn giản nên tôi xoay sở được. Khách đến lác đác, rồi đông dần khi trời ngả tối. Ai cũng mang vẻ trầm lặng, suy tư và … buồn ngủ. Tôi bê nước ra trước mặt, họ vẫn không động đậy. Không khí của quán ảnh hưởng đến họ, hay ngược lại?
Buổi tối, có người mang cơm hộp đến. Tôi và Ni thay phiên nhau ngồi ở chiếc ghế đẩu trong bếp, lặng lẽ ăn suất cơm khô khốc.
Ni mở Jazz, ngồi như pho tượng sau quầy bar. Sau lưng chị treo một bức tranh thiếu nữ mặt trắng như sáp. Cả hai khuôn mặt đều bất động, đến nỗi trong một khoảnh khắc tôi không thể phân biệt nổi đâu là tranh đâu là người. Trong ánh nến chập chờn, tôi nghĩ cứ đà này không khéo mình sẽ ngủ gục mất thôi.
Mười một giờ, quán nghỉ. Ni gật đầu chào tôi, dắt xe ra về. Tôi hỏi về một mình giờ này có an toàn không, chị ta bảo không sao, quen rồi.
Tôi đóng cửa, bật nhạc, vặn âm thanh thật nhỏ rồi cặm cụi rửa mớ ly tách bẩn, úp vào một rổ lớn. Rồi tôi lên giường lúc gần một giờ đêm, nằm yên nghe những khớp xương bắt đầu nghe rêm rêm sau ngày làm việc đầu tiên. Bỗng nhiên tôi bật cười. Chiêu Anh từng nói tôi xa nhà từ nhỏ, đâm ra vô trách nhiệm, nhìn việc gì cũng thấy không phải của mình. Vả lại lâu lâu mới về nhà, mẹ rất nuông chiều tôi, hầu như chuyện gì tôi cũng không phải động móng tay. Thậm chí áo quần dơ mặc trong tuần cũng gom về ẹ giặt. Cho đến kì nghỉ tết năm lớp mười, khi tôi bị mẹ nhất quyết bắt quét mạng nhện, tụi con nít trong xóm ùn ùn kéo nhau ra coi “hoàng tử dọn nhà”. Vậy mà chớp mắt một cái, bây giờ tôi thành một chàng “lọ lem” thứ thiệt, cả ngày loay hoay dọn rửa ở góc bếp. Mẹ tôi mà biết chắc tức chết. Cả hai chục năm trời mình nuôi nó, kêu quét cái mạng nhện nó cũng phụng phà phụng phịu. Giờ nó lại bỏ học đi phụ bán cà phê để kiếm tiền sống qua ngày. Lý lẽ của mẹ tôi đó mà, tôi rành sáu câu vọng cổ.
Nghĩ lan man một hồi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...