Sáng hôm sau, Thành mơ màng tỉnh dậy vì tiếng nói của mấy người xung quanh, người vẫn còn uể oải, mệt mỏi...
- Bác sĩ tỉnh rồi! làm tôi lo quá...
Ông Sáng vừa đỡ anh ngồi dậy vừa nói. Thành bỗng nhớ lại chuyện đêm qua rồi vội vàng nhìn về phía cửa sổ, tất cả vẫn nguyên vẹn như chưa có điều gì xảy ra, tập tài liệu đã được xếp gọn gàng trên bàn.
Thành nhìn ông Sáng rồi hỏi:
- Anh đến từ bao giờ? Có...có thấy chuyện gì không?
Ông Sáng ngơ ngác trước thái độ của Thành rồi từ tốn nói:
- Sáng tôi dậy sớm sang đây, thấy bác sĩ ngủ gục trên bàn làm việc mà lo quá! Tài liệu thì rải rác khắp phòng. Cô Nhung đã dọn dẹp lại cẩn thận rồi. Chắc đêm qua bác sĩ bị cảm lạnh đấy...
Thành bật dậy chạy ra ngoài, tay lật đi lật lại cánh cửa sổ như tìm kiếm điều gì đó.
Ông Sáng đứng đằng sau cười:
- Đêm qua có trận giông mạnh quá! Bật tung cả cửa sổ, lát tôi cho người sửa lại. Bác sĩ thấy trong người thế nào?
Thành không nghe thấy câu hỏi của ông Sáng, anh đang mải nhớ lại chuyện kỳ lạ xảy ra đêm qua. Bất chợt Thành hốt hoảng nhìn vào cánh cửa sổ:
- Cái ...cái lỗ thủng đâu? ở đây có một lỗ thủng...
Ông Sáng tiến lại gần, tay ông vỗ nhè nhẹ vào hai cánh cửa rồi nói:
- Làm gì có lỗ thủng nào? Cánh cửa này tuy cũ nhưng không bị thủng đâu bác sĩ ạ!
Thành cũng nhìn đi nhìn lại, đúng là không có lỗ thủng nào cả. Anh đứng tần ngần vì không hiểu chuyện xảy ra đêm qua là mơ hay thực.
Ông Sáng vỗ vai Thành an ủi rồi nhẹ nhàng kéo anh vào trong phòng:
- Ở đây sương gió độc thế đấy bác sĩ! Không như dưới xuôi. Bác sĩ đi một quãng đường xa lại chưa quen với thời tiết ở đây nên chắc mơ sảng rồi...
Thành ngồi xuống ghế, anh nhìn ra ngoài cửa sổ, một sáng bình minh trong lành và mát mẻ, tiếng nói chuyện xen lẫn tiếng cười đùa của mấy người ngoài sân làm Thành thấy nhẹ nhàng, anh bật cười thành tiếng:
- Lạ thật! đúng là một giấc mơ đặc biệt lại trùng hợp với trận giông đêm qua...Cứ tưởng có chuyện gì!
Trong lòng Thành hơi có chút xấu hổ nhưng không dám kể lại với ông Sáng, anh nói:
- Đêm qua làm việc muộn quá nên em...Anh cho em gửi lời xin lỗi tới mọi người. Đầu giờ chiều nay sẽ chính thức lên lớp giảng và trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân. Thật phiền mọi người quá!
Ông Thành xua tay:
- Ấy chết! không làm sao là tốt rồi, bác sĩ cứ nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai vào khoa cũng được, không có vấn đề gì đâu! Quan trọng nhất là sức khỏe của bác sĩ.
Thành vừa cầm tập tài liệu vừa nói:
- Em không sao, đúng là hôm qua mệt quá thôi. Em cũng đang nóng lòng muốn làm việc rồi...Anh cứ thông báo là chiều nay chúng ta bắt đầu.
Ông Sáng vui mừng:
- Vậy thì tốt quá! Bác sĩ ăn sáng thôi, món cháo này giải cảm tốt lắm đấy, ăn luôn cho nóng. Cô Nhung nấu riêng cho anh đấy!
Thành mở nắp hộp thấy một mùi thơm cay nồng bốc lên làm anh cảm thấy khoan khoái, Thành mời ông Sáng ăn cùng rồi xúc một thìa nhỏ.
Miệng lẩm bẩm:
- Phiền cô Nhung quá!
Ông Sáng giới thiệu:
- Bác sĩ cứ ăn tự nhiên! Đây là món cháo mắc nhung, đặc sản của Tây Bắc. Có một chút thịt hun khói bếp, một ít gừng xả, một ít ớt nướng và đặc biệt là quả mắc nhung. Chắc ở dưới xuôi chắc bác sĩ chưa được thưởng thức món này đâu...
Thành vừa ăn vừa gật gù:
- Ngon! Theo đông y thì đó cũng là những vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.
Ông Sáng vui vẻ rồi khẽ nhìn đồng hồ:
- Tối nay anh em ta sẽ dùng bữa bằng món cá nướng, măng đắng, thịt trâu hun khói và không thể không uống một chút rượu Sâu chít. Được không bác sĩ?!
Thành nhún vai khoái chí:
- Còn gì bằng nữa anh!
Ông Sáng vỗ nhẹ vào vai Thành rồi xin phép:
- Bác sĩ nghỉ ngơi cho khỏe nhé, tôi quay vào bệnh viện họp giao ban với anh chị em đã. Chiều nay gặp nhau sau!
Nhìn theo bóng dáng ông Sáng đến khi khuất dạng, Thành vẫn tủm tỉm cười vì nhớ lại chuyện đêm qua.
"Đi khắp nơi trên thế giới chả sao, về đây thì lại bị thần hồn nát thần tính!"
Anh lẩm bẩm.
***
- Đây là bệnh nhân Lò Văn Muôn, 38 tuổi, người Tày Khao. Nhập viện đã 10 ngày với biểu hiện tâm thần, thường xuyên đập phá, gào thét rồi tự nhận mình là thần Pu Then...
Thành nhìn qua bệnh án, tay cầm ống nghe khám cho bệnh nhân rồi vừa viết vào y bạ vừa dặn dò y tá:
- Cô cho bệnh nhân dùng Phenytoin, ngày 3 lần, không quá 400mg/ngày. Kết hợp các loại thuốc khác theo đơn này, liều dùng 7 ngày để kìm chế cơn động kinh. Sau đó tôi sẽ đưa ra phác đồ điều trị riêng.
Nhóm bác sĩ đi bên cạnh thi nhau ghi chép và học hỏi cách thăm khám cũng như chỉ định thuốc của bác sĩ Thành.
- Thưa bác sĩ, còn đây là bệnh nhân Lương Văn Niêng, 68 tuổi người dân tộc Mường. Bệnh nhân này có triệu chứng hoang tưởng và luôn cho rằng mình bị bùa ngải hại...
Thành tiến tới gần hơn, định đưa ống nghe khám thì bất ngờ ông Niêng tóm chặt lấy tay Thành, giọng nói như khẩn khoản cầu cứu:
- Cứu...cứu...tôi!
Thành từ tốn ngồi xuống cạnh bệnh nhân:
- Ông cứ bình tĩnh! Y bác sĩ chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ ông, nhưng ông phải hợp tác thì bệnh tình mới mau khỏi được...Bình tĩnh, bình tĩnh nào...
Ánh mắt của ông ta vẫn không rời khỏi Thành dù tay đã chịu buông lỏng hơn sau câu nói của Thành, anh tiếp tục thăm khám:
- Ông tên Niêng đúng không?
Vừa nghe câu hỏi của Thành, người đàn ông lại bấu chặt vào tay anh rồi lắc đầu lia lịa, mắt long lanh như sắp khóc:
- Khôngggg! Khôngggg...Cứu...Bùa...bùa
Thấy hành động của bệnh nhân có vẻ mất bình tĩnh, mấy y bác sĩ bên cạnh vội tiến vào rồi gỡ tay ra vì sợ làm đau bác sĩ Thành.
Thành đứng dậy rồi nhìn vào bệnh án của người này, anh đăm chiêu một lúc rồi lấy bút đánh dấu vài biểu hiện của bệnh nhân. Thành lấy ống nghe đặt lên ngực ông ta khám rồi kiểm tra mắt và miệng:
- Bệnh nhân không có biểu hiện xấu về sức khỏe thể chất, tuy nhiên thần kinh bị kích động quá mạnh, cơ hàm có vẻ bị căng cứng, miệng méo nên không nói được nhiều. Có thể bị xuất huyết não nhẹ dẫn đến việc nói khó khăn.
Thành ghi chép vào bệnh án rồi lại hỏi bệnh nhân:
- Ông vẫn nghe rõ những câu tôi hỏi phải không?
Bệnh nhân gật đầu liên tục, mắt vẫn nhìn Thành cầu cứu.
- Tốt! vậy ông có phải tên là Niêng không? Người dân tộc Mường?
Bệnh nhân lao vút dậy tóm lấy tay làm Thành giật mình, đầu ông lắc lia liạ:
- Bùaaaa...Ngải...Cứuuuu!!!
Các y bác sĩ vội giữ chặt lấy người bệnh nhân kéo lại giường. Thành trầm ngâm quan sát bệnh nhân rồi thở dài:
- Bệnh nhân này có biểu hiện của chứng tâm thần phân liệt và tai biến mạch máu não nhẹ. Trường hợp này tôi sẽ lưu ý, lát tôi sẽ họp cùng các anh chị để đưa ra phương án. Với chứng bệnh này cần rất nhiều thời gian điều trị và nên đưa vào phòng bệnh đặc biệt, tuyệt đối tránh bị kích động...
Thành tiến tới vỗ nhẹ vào vai bệnh nhân và trấn an tinh thần:
- Ông cứ yên tâm, tôi hứa sẽ có cách điều trị tốt nhất cho ông. Nhưng ông đừng suy nghĩ nhiều, không có ma quỷ hay bùa ngải gì cả! Ở đây chỉ có y bác sĩ thôi, tất cả đều sẽ giúp ông sớm hồi phục.
Vừa nghe bác sĩ nói xong, bệnh nhân Niêng giãy giụa gào thét, mắt trợn trừng nhìn Thành, người bắt đầu có biểu hiện co giật, Thành vội chỉ định y tá tiêm một liều thuốc an thần để bệnh nhân nằm ngủ.
Thấy tình hình ông Niêng đã tạm ổn, Thành quay lại phòng họp cùng các y bác sĩ khác.
- Theo nhận định của tôi, trường hợp bệnh nhân Niêng đã khá nặng rồi. Có ai biết qua về hoàn cảnh sống của ông ta không?
Bác sĩ Loan giơ tay rồi nói:
- Tôi là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này trước khi bác sĩ về nhận công tác và cũng biết qua về hoàn cảnh của ông Niêng, ông làm nghề Thầy Mo, chuyên cúng bái và làm bùa. Ông ta không lấy vợ, nhưng có nhận nuôi một đứa con gái, đến năm 13 tuổi thì không hiểu có chuyện gì mà sau lần vào rừng hái thuốc, nó bỏ đi biệt tích. Ông ta bảo nó bị ma rừng bắt, sau đó một năm thì ông Niêng cũng hóa điên như thế này, dân làng bảo ông ta bị bùa ngải phản nên hành ông như thế. Chúng tôi phải vận động mãi em trai của ông ta mới đồng ý đưa ông Niêng vào đây điều trị...
Thành vừa nghe vừa liên tục ghi chép vào bệnh án:
- Tôi hiểu rồi, sáng ngày mai trước khi cho thuốc theo phác đồ của tôi, bác sĩ Loan đưa người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, điện tâm đồ, ion đồ, glucose máu, chức năng gan, thận và tuyến giáp. Trường hợp bệnh nhân không hợp tác hoặc từ chối làm xét nghiệm thì cho thuốc chống loạn thần trước khi làm xét nghiệm.
Thành nhận chén trà từ tay cô y tá uống một ngụm nhỏ rồi trầm ngâm nói:
- Tôi cũng ngạc nhiên vì niềm tin vào bùa ngải nó tồn tại trong mỗi người bệnh ở đây lại nhiều đến thế. Ngay cả việc mất tích thậm chí chết người họ cũng đều phụ thuộc vào thế giới tâm linh mà không nhờ đến sự can thiệp của pháp luật...
Bác sĩ Loan cười buồn:
- Cũng thật là khó! Đó cũng là một nét văn hóa riêng của những dân tộc thiểu số. Đặc thù của một số dân tộc là di canh di cư, họ thường ở sâu trong rừng hoặc dưới chân núi, hết mùa màng họ lại đi nơi khác nên việc quản lý cũng bị khó khăn. Số người bị chết trong rừng sâu do thú dữ, rắn rết cắn hoặc đi hái thuốc rồi ngã từ trên núi xuống cũng nhiều, thậm chí họ đã chết một thời gian dài rồi người nhà mới phát hiện...
***
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...