Sinh hạ người kế thừa giáo phái Sakya ư?
Lời Kháp Na vẫn còn văng vẳng bên tai, tôi nghe mà ngỡ là tiếng sấm dội. Tim tôi đập thình thịch, bất giác tôi đưa mắt về phía Bát Tư Ba vẫn đang miệt mài bên ngọn đèn dầu. Trùng hợp thay, chàng cũng đang ngẩng lên nhìn tôi. Khi ánh mắt chúng tôi giao nhau, gương mặt chàng lại đỏ lên dữ dội, chàng cúi gầm mặt, một lúc lâu sau mới hắng giọng, chuyển đề tài:
- Chỉ còn vài hôm nữa là đến rằm tháng Sáu, ta phải lập đàn tế lễ trong vòng bảy để cầu an cho Đại hãn. Suốt thời gian đó, ta sẽ ở lại trong Thái miếu cùng các đệ tử, em cứ yên tâm ở lại phủ Quốc sư chờ ta về.
Thời kỳ đầu khi người Mông Cổ bắt đầu theo tín ngưỡng Saman giáo, vào mỗi dịp cúng bái tổ tiên, họ đều cắt tiết súc vật, dâng thầy cúng làm lễ tế. Đến thời Hốt Tất Liệt thì tập tục này được gọi là “lễ thổi cơm”. Tháng Chín hằng năm đều tổ chức nghi lễ này trong phủ đệ. Người ta cắt tiết một con ngựa, ba con cừu rồi đào một cái hố, đặt một chiếc nồi lớn để nấu tại chỗ. Người ta nhóm lửa để ninh súc vật, vừa đỏ rượu sữa ngựa vào nồi vừa mời thầy cúng đọc to tên của các vị tổ tiên. Quan viên Mông Cổ đứng một bên, trên tay là tiền vàng và ba vuông lụa, họ cung kính dâng lên tổ tiên của mình.
Sau khi Hốt Tất Liệt kế vị, quan lại người Hán trong triều phê phán nghi thức cúng bái đó của người Mông Cổ quá nguyên thủy và đề nghị Đại hãn học theo cách thức cúng báu của người Hán, xây Thái miếu và lập bài vị của tổ tiên ở đó. Tháng Sáu năm nay, Thái miếu sẽ được xây xong, tháng Tám sẽ tổ chức lễ rưới bài vị về Thái miếu. Nhưng nếu giao toàn bộ việc tế lễ trọng đại này cho người Hán đảm trách thì Hốt Tất Liệt không yên lòng. Bởi vậy, ngài đã lệnh cho Bát Tư Ba tổ chức một pháp hội theo nghi thức của Phật giáo Tây Tạng diễn ra trong suốt bảy ngày bảy đêm tại tòa Thái miếu.
Tôi ậm ừ, thấy chàng vẫn đang cúi đầu chừng như nghĩ ngợi gì lưng lắm, bèn không quạt nữa, ngượng ngùng bảo:
- Chàng… nghỉ ngơi đi. Em đi ngủ đây.
Giờ đây tôi thường hóa thành người mỗi lúc chỉ có hai người, vì tôi muốn chàng làm quen với tôi trong hình hài mới. Nhưng kể từ bấy đến nay, dù tôi hóa phép trở lại làm hồ ly, chàng cũng không chịu ngủ cùng tôi. Chái nhà bên trái phòng chàng trở thành buồng riêng của tôi.
Khi tôi chuẩn bị về phòng, chàng bỗng gọi tôi lại, chần chừ hồi lâu mới hỏi:
- Về đứa bé đó…- Chàng ngập ngừng, gương mặt thoáng nét lo âu. – Kháp Na nói sao?
Tôi lắc đầu thở dài:
- Cậu ấy bỏa đó là mối duyên oan nghiệt.
Dankhag vác bụng bầu chạy trốn trên đường dài vạn dặm, trong nỗi lo sợ nơm nớp, chưa đầy tám tháng đứa bé đã ra đời. Tôi cứ nghĩ bị đẻ non như thế, đứa bé sẽ khó lòng sống sót, thế nhưng mùa thu năm đó, khi tôi lẳng lặng đến Vân Nam một chuyến thì phát hiện, mặc dù chịu bao lời nguyền rủa, đứa bé ấy vẫn sống khỏe mạnh một cách ngỡ ngàng.
Kháp Na cũng đành chịu với sự sắp bày của ông trời. Tôi lắc đầu:
- Kháp Na muốn bắt Dankhag về đền mạng cho Mukaton nhưng cô ta đã chết, cậu ấy không muốn trút hận lên đứa trẻ sơ sinh vô tội đó.
Chuyện của Dankhag chỉ có Bát Tư Ba và Kháp Na biết rõ. Họ nói với người ngoài rằng, Mukaton mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, còn Dankhag, vì không quen với cuộc sống của người Hán nên đã trở về quê nhà. Nhưng họ không thể giấu Tsirenja về cái chết của cô con gái nên Bát Tư Ba đã gửi thư cho ông ta, tuy nhiên, trong thư không hề nhắc dù chỉ một câu về sự phản bội của Dankhag, chỉ bảo rằng, Dankhag bị ngã ngựa, vỡ đầu mà chết. Theo tục lệ của người Tạng, những người chết không tự nhiên đều phải “thiên táng” nên thi thể của Dankhag đã được hỏa thiêu ở ngoại thành Yên Kinh.
Mất nửa năm lá thư báo tin Dankhag qua đời mới đến tay Tsirenja. Bấy lâu nay, ông ta luôn trông đợi một ngày kia được bồng cháu ngoại, vậy mà giờ đây lại nhận được hung tin này. Không chịu nổi sự đả kích lớn lao đó, ông ta đã đổ bệnh, không lâu sau thì qua đời. Theo hôn ước, toàn bộ đất đai của vùng Lhatse đã được sáp nhập vào Sakya.
Bát Tư Ba trân trối nhìn ngọn lửa đèn dầu dập dờn, đung đưa:
- Tuy không ai trong chúng ta mong chờ đứa bé đó ra đời nhưng nó đã xuất hiện giữa cõi nhân gian, ta sẽ không làm gì gây hại cho nó. Nhưng còn sống ngày nào thì ta sẽ không để Yeshe thực hiện được âm mưu của hắn.
Vấn đề đã quay trở lại điểm mấu chốt.
- Nhưng Kháp Na kiên quyết không chịu cưới vợ.
- Ta biết đệ ấy nghĩ gì.
Chàng ngẩng đầu lên nhìn tôi, ánh sáng mờ ảo của bóng đèn dầu chiếu vào gương mặt gầy guộc của chàng, hắt vào không gian một vòng tròn nhạt nhòa, hàng mi dài rung động.
- Lam Kha, hãy cho ta thêm chút thời gian. Em cũng cần thêm thời gian, phải không?
Thời gian ư? Tôi ngạc nhiên nhìn chàng. Làn gió nhẹ đầu thu làm tấm mành cửa sổ đung đưa, thổi không khí oi nồng vào căn phòng.
Gương mặt chàng đỏ rần rần, ánh mắt trôi ra ngoài khung cửa, giọng nói dịu ngọt vang lên khẽ khàng:
- Ta sẽ suy nghĩ về lời đề nghị của Kháp Na.
Hình như tôi nghe thấy tim mình đập cuồng loạn. Chàng… chàng nói… Tôi lao đến trước mặt chàng, vừa thở hổn hển vừa nhìn chàng tha thiết:
- Chàng… chàng vừa nói gì… Em nghe không rõ.
Vì tôi không tin nổi điều mình vừa nghe thấy nên muốn chàng xác nhận lại. Nhưng chàng tránh né ánh mắt khẩn thiết của tôi, quay đi, vờ ngáp dài:
- Muộn rồi, đi ngủ thôi.
Đêm đó, tôi không sao ngủ được vì quá đỗi vui sướng, nụ cười cứ nở mãi trên môi. Tâm nguyện bao năm của tôi cuối cùng cũng được đáp lại, dù chỉ là một tín hiệu rất đỗi mong manh. Tôi như người lữ hành trong đêm đen bất chợt bắt gặp chút ánh sáng quý giá phía xa. Tuy ánh sáng rất đỗi yếu ớt nhưng giữa bóng tối mịt mù, nó mang lại cho tôi phương hướng và niềm hy vọng.
Người đầu tiên tôi muốn chia sẻ niềm vui lớn lao này chính là Kháp Na, chắc chắn cậu ấy sẽ rất mừng cho tôi. Nhưng tôi chợt nhớ ra, cậu ấy vẫn đang ở Lương Châu, thế là niềm vui của tôi bỗng vơi đi một nửa. Thế rồi, tôi lại nghĩ đến một vấn đề khác. Không biết từ khi nào, tôi lại tin cậy và gắn bó với Kháp Na đến thế? Tôi có thể kể với cậu ấy mọi tâm tư, tình cảm của mình, không hề giấu giếm.
Vào lúc cậu ấy đau khổ nhất, cậu ấy đã năn nỉ tôi dừng rời xa cậu ấy. Nhưng kỳ thực là, tôi cũng đâu muốn xa cậu ấy. Từ lâu, chúng tôi đã quen với việc sưởi ấm lòng nhau, giải bày với nhau. Còn Bát Tư Ba thì sao? Chủ đề mà chàng thường đem ra trao đổi với tôi, nếu không phải là những vấn đề về lợi ích của giáo phái thì sẽ là việc chính trị, triều đình. Chàng đã quen với lối sống kín đáo, thu mình, rất ít khi tâm sự với tôi những điều thầm kín. Thế nên, nếu xét về mức độ thân mật thì Kháp Na và tôi gắn bó với nhau hơn.
Nhưng có lẽ vì Kháp Na không phải gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề như Bát Tư Ba chăng?
Những suy nghĩ mông lung, nhỏ nhặt ấy cứ thế theo tôi suốt bảy ngày, cho đến khi chàng từ Thái miếu trở về. Chàng bảo với tôi rằng hoàng hậu Khabi sẽ quyên góp tiền bạc để xây chùa để chúc mừng sự ra đời của cậu con trai đầu tiên của Chân Kim.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...