“Nếu nhà vua không chăm lo cho dân, cho nước,
Thì đó là dấu hiệu của thế nước suy vong;
Nếu mặt trời không xua tan bóng đêm,
Thì đó là dấu hiệu của hiện tượng nhật thực.”
(Cách ngôn Sakya)
Năm 1274 – tức năm Giáp Tuất, Dương Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Hàm Thuần thứ mười, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ mười một, nhà Nguyên.
Bát Tư Ba bốn mươi tuổi, Chân Kim ba mươi mốt tuổi.
Chúng tôi sống ẩn dật ở Lâm Thao và không muốn bị làm phiền. Bát Tư Ba trút bỏ mọi công việc chính sự ở Đại Đô và giao cho em trai thứ hai thay mình gánh vác trọng trách, nhưng chàng không thể không bận tâm việc của giáo phái. Ông trời đã sắp bày để năm 1274 là một năm nhiều sóng gió.
Vừa ăn Tết xong, chúng tôi lại nhận được mật thư gửi từ Sakya. Bát Tư Ba không thể tin nổi, bức thư khiển trách Kunga Zangpo vẫn đang trên đường đến Sakya thì chàng đã lại nhận được tin mật báo tiếp theo về những việc làm của vị bản khâm đời thứ hai: Kunga Zangpo đích thân thống lĩnh đội quân võ tăng gồm hàng nghìn người tấn công đền Drikung và tiêu diệt toàn bộ tăng sĩ trong ngôi đền của một trong những giáo phái lớn nhất đất Tạng này!
Hai tay Bát Tư Ba run lên bần bật, chàng đấm mạnh xuống bàn:
- Hắn thật to gan, ai cho hắn mặc ý làm bừa như vậy!
Tôi lo lắng cho sức khỏe của chàng nên vội vã giữ chặt cánh tay chàng, nghẹn ngào:
- Cậu ta muốn trả thù cho Kháp Na.
Bát Tư Ba nổi giận đùng đùng:
- Trả thù thì sao không nhắm vào Chung Dorje! Hắn giết cả hàng nghìn người rồi phóng hỏa đốt đền, như vậy không gọi là trả thù mà là giết người, cướp của! Rồi đây, người ta sẽ nghĩ sao về phái Sakya? Dân chúng sẽ cho rằng phái Sakya ỷ thế làm bừa, thấy kẻ nào chướng tai gai mắt là dùng vũ lực tiêu diệt kẻ đó không thương tiếc. Ngày sau, phái Sakya sẽ bị cô lập ở đất Tạng, mối liên kết mà ta mất bao công sức gây dựng với các giáo phái khác sẽ bị hủy hoại hoàn toàn!
Tôi vội vã đỡ chàng ngồi xuống, nhẹ nhàng động viên:
- Chàng đừng nóng giận, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ sự việc đã xảy ra, chúng ta chỉ có thể nghĩ cách chữa cháy thôi!
- Ta sẽ lập tức gửi thư về Sakya, tước bỏ chức vị bản khâm của hắn, chức vị này sẽ do đệ tử của ta kế nhiệm. Nể tình Zhouma, ta không giết hắn nhưng sẽ đuổi hắn khỏi Sakya và chỉ cho phép hắn mang theo đồ dùng cá nhân và vợ con!
Chàng ngừng lại, ánh mắt băng gia:
- Còn nữa, hủy bỏ hôn ước giữa Dharma và Jumodaban. Một kẻ độc ác, tàn bạo như hắn không xứng trở thành cha vợ của Dharma!
Lá thư phế bỏ chức vị của Kunga Zangpo được chuyển đi không lâu, chúng tôi lại nhận được một tin tức kinh thiên động địa khác: Vân Nam Vương Hốt Ca Xích bị thuộc hạ giết chết tại Côn Minh!
Thì ra người con cả này của Hốt Tất Liệt từ lâu vẫn nuôi lòng ghen ghét, đố kỵ với Chân Kim. Cậu ta vốn định chờ sau khi Hốt Tất Liệt qua đời sẽ tổ chức đại hội Kurultai, tranh giành vương vị với Chân Kim. Nhưng tin tức Hốt Tất Liệt lập Chân Kim làm thái tử đã đập tan hy vọng của cậu ta. Hốt Ca Xích vì chán nản, ngày ngày rượu chè say khướt trong Vương phủ ở Vân Nam, hễ nổi giận là lôi tướng sĩ ra trói lại, đánh đập. Cậu ta vốn dĩ là một kẻ vũ phu, bạo ngược, bạc đãi thuộc hạ. Có câu: con giun xéo lắm cũng quằn, đám lính dưới trướng cậu ta không nhẫn nhịn nổi nữa, đã nhân lúc Hốt Ca Xích ngủ say, dùng dây thừng siết cổ Vân Nam Vương, sau đó phóng hỏa thiêu rụi Vương phủ.
Hốt Ca Xích và Bát Tư Ba không có mối quan hệ thân thiết, cậu ta chết cũng là do quả báo. Nhưng cái chết của cậu ta lại mang đến một tin tức khác: Yeshe là thượng sư thân cận của Hốt Ca Xích, trong đêm xảy ra cuộc biến động ấy, hắn đã bị thuộc hạ của Hốt Ca Xích trói chặt và nhốt trong phòng nên đã bị thiêu cháy. Còn vợ và con trai hắn thì đến nay vẫn chưa rõ tung tích.
Khi thông tin được truyền đến Lâm Thao, cả tôi và Bát Tư Ba cùng thở dài. Yeshe gây ra bao tội ác nên bị trời đày, phải chết thảm khốc như vậy.
Đầu tháng ba năm đó, Lâm Thao vẫn chìm trong tiết xuân se lạnh, bỗng một nhân vật đặc biệt bất ngờ ghé thăm trang viên chúng tôi.
Nhiệm vụ đầu tiên mà Hốt Tất Liệt giao cho Chân Kim sau khi được lập làm thái tử là đến Lâm Thao chúc thọ tuổi bốn mươi của đế sư Bát Tư Ba. Sinh nhật chàng vào ngày 6 tháng 3 theo lịch Tạng. Chân Kim từng theo Bát Tư Ba học Phật pháp từ nhỏ nên hai người có quan hệ thầy trò. Chân Kim lúc nào cũng tỏ ra kính trọng, tôn sùng Bát Tư Ba. Dù đã là thái tử đương triều, cậu ta vẫn một mực cung kính, lễ phép với chàng.
Bát Tư Ba hết sức vui mừng vì sự xuất hiện của Chân Kim, nhưng tôi lại thấy khó xử. Ở trang viên này, tôi xuất hiện với thân phận là bà chủ, chỉ cần giấu đi mái tóc và đôi mắt màu lam, gương mặt vẫn giữ nguyên. Nhưng sau khi Chân Kim đến đây, tôi chẳng dám đi gặp cậu ta vì sợ bị phát hiện. Điều đáng ngại hơn nữa là, cậu ta cứ một mực đòi bái kiến Lam phu nhân. Tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng, có lẽ tin đồn về một cô gái xinh đẹp luôn ở bên chăm sóc đế sư đã truyền khắp cung đình của Hốt Tất Liệt.
Vậy mà Bát Tư Ba vẫn đường hoàng gọi tôi ra gặp. Tôi ngập ngừng, do dự hồi lâu, nếu lúc này thay đổi dung mạo sẽ khiến những người trong trang viên kinh hãi. Tôi đành lấy một mảnh khăn trùm kín mặt, vận bộ trang phục giản dị nhất, đội mũ rồi mới rụt rè bước ra phòng khách.
Thấy tôi kín mít trong lớp y phục dày cộm, ở trong phòng mà vẫn đội mũ chắn gió, Bát Tư Ba ngạc nhiên:
- Sao hôm nay lại...
Tôi vội ngắt lời chàng:
- Em bị cảm phong hàn mấy hôm nay, không tiện đón khách, nhưng vì có khách quý đến chơi nên không thể thất lễ.
Tôi quay sang cúi lạy Chân Kim, cố nén cho giọng khác đi, lí nhí chào:
- Thần thiếp kính chào Thái tử Điện hạ!
Tôi chịu rét tốt hơn người thường, mùa đông cũng không mặc quá nhiều quần áo, nhưng hôm nay tôi đã khoát lên người toàn bộ số áo rét tôi có khiến Bát Tư Ba không khỏi kinh ngạc. Chân Kim mời tôi đứng dậy, cười bảo:
- Lam phu nhân phải không? Lúc ở Đại Đô, Chân Kim đã nghe Phụ hoàn nhắc đến, cảm thấy rất tò mò nên muốn nhân dịp này diện kiến phu nhân, xin phu nhân lượng thứ cho sự đường đột này.
Tôi cứ đinh ninh rằng mình có thể học theo Khabi, ứng đối lịch duyệt, dáng vẻ yêu kiều, nhưng vì khoác lên người quá nhiều y phục nên khi cúi thấp xuống thì cơ thể giống như loài gấu trúc béo mập, nặng nhọc, không sao đứng lên nổi. Đang lúc bối rối không biết phải xử trí ra sao thì chân tôi giẫm vào vạt váy, lộn nhào một vòng rồi mới lồm cồm bò dậy, xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu.
Chân Kim sững sờ, ngạc nhiên, sau đó thì ôm bụng cười ngất:
- Không ngờ Lam phu nhân lại là người hài hước, chất phác như vậy!
Tất cả là tại ngươi! Tôi bằng mặt nhưng không hề bằng lòng.
- Tiểu nữ sinh ra ở nơi thôn dã, ứng xử quê mùa, cục mịch, xin Thái tử đừng cười chê!
Bát Tư Ba hắng giọng:
- Lam Kha, Thái tử sẽ ở lại trong trang viên của chúng ta một vài ngày, hãy sắp xếp cho ổn thỏa.
- Xin thầy chớ khách khí, câu nệ. Xin cho ta sinh hoạt, ăn ở giống như thầy vậy!
Cậu ta đảo mắt một vòng quanh phòng tìm kiếm:
- Thưa thầy, Tiểu Lam đâu rồi? Ta mang cho nó mấy con gà rán Đức Thắng mà nó thích ăn nhất. Cũng may gặp lúc trời lạnh, ta lại sai người bỏ vào thùng đá nên đi đường xa mà không bị hỏng.
Tôi thật sự cảm động. Hai tháng trời ròng rã từ Đại Đô đến Lâm Thao, vậy mà cậu ta vẫn nghĩ cách bảo quản món gà rán mà tôi yêu thích. Bát Tư Ba đưa mắt liếc tôi một cái, mỉm cười, nói:
- Thái tử cứ giao cho ta, ta sẽ cho nó ăn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...