Bát Tư Ba lại gần con ngựa gỗ, khẽ đung đưa, làm dậy lên một cơn sóng bụi. Chàng khẽ nói:
- Kháp Na à, ta còn nhớ năm đệ ba tuổi, ta thường cho đệ cưỡi con ngựa gỗ này. Khi ấy, đệ đã cười giòn tan, gương mặt ngây thơ, rất đỗi đáng yêu. Mẹ ngồi bên cạnh, vừa xâu chuỗi hạt vừa mỉm cười nhìn hai anh em nô đùa. Ta không bao giờ quên khoảng thời gian hạnh phúc, ngọt ngào ấy.
Kháp Na quay đầu lại hỏi Shakya Zangpo:
- Lúc đại ca ra đời thì sao?
Shakya Zangpo đến bên cạnh Bát Tư Ba, nhìn chàng với ánh mắt hiền từ, nhân hậu:
- Tôi còn nhớ, pháp vương là con đầu, lại là con trai nên khi ấy, đại sư Ban Trí Đạt và cha hai người mừng đến nỗi cả đêm không ngủ, cứ ngồi lặng lẽ bên cạnh, ngắm nhìn ngài, chẳng nỡ rời mắt, miệng không ngừng thốt lên: “Sakya có người nối dõi rồi!” Khi ấy, cha ngài đã ngoài năm mươi, đối với cha ngài nói riêng, với giáo phái nói chung, việc sinh con nối dõi là vô cùng quan trọng. Chẳng ngờ sau đó, cha ngài lại có thêm ngần ấy người con. Có điều, pháp vương từ nhỏ đã thông minh, sáng láng nên được cha rất mực thương yêu. Chỉ tiếc rằng sau đó, cha ngài đã...!
Đại sư Shakya Zangpo năm nay đã ngoài sáu mươi, chuyện đau lòng năm xưa khiến ngài ủ dột lắc đầu, gương mặt già nua, buồn thương khắc khoải:
- Sau đó, mẫu thân của hai người cũng qua đời. Đại sư Ban Trí Đạt vô cùng đau lòng, lại thương hai người trẻ dại, côi cút, đã đưa cả hai về nơi ở của mình để tiện chăm sóc, bảo vệ. Trước khi hai người ăn bất cứ món gì, cũng phải có người nếm thử, không người lạ nào được phép lại gần. Khi đại sư chuẩn bị lên đường đi Lương Châu, hai người còn rất nhỏ, đại sư vốn không định đưa hai người đi cùng vì chặng đường quá gian nan, hiểm trở. Nhưng ngài lại chẳng yên lòng nếu để hai người ở lại, sau khi suy xét cặn kẽ mọi bề, ngài đã hạ quyết tâm lớn. Khi ra đi, đại sư biết rằng mình chẳng thể quay lại quê hương được nữa. Ngay cả hai người, cũng phải mất hai mươi mốt năm mới hồi hương.
Nhắc lại chuyện xưa, hai anh em không khỏi xúc động, nước mắt lưng tròng. Kháp Na lại gần chiếc nôi của trẻ sơ sinh, âu yếm vuốt ve:
- Đại ca, xin hãy cho người tu sửa lại căn phòng, đệ muốn ở lại nơi này.
Ngai Shakya Zangpo vội can ngăn:
- Nơi đây đã lâu không có ai ở, phòng ốc cũ nát. Chúng tôi sẽ sắp xếp nơi ở tốt nhất cho Vương gia.
- Ta không cần nhà cao cửa rộng, cơm ngon áo đẹp, ta muốn ở đây, vì ta muốn được gần mẹ ta.
Kháp Na nhìn đăm đăm lòng bàn tay đầy bụi của mình, thở dài:
- Ta không còn nhớ chút gì về hình dáng của mẹ.
Bát Tư Ba quay lại, nhẹ nhàng nói với ngài Shakya Zangpo:
- Xin đại sư hãy chiều theo ý muốn của Kháp Na.
Sau khi nhận lệnh, Shakya Zangpo lập tức tập trung nhân lực, tiến hành trùng tu phòng ốc. Bát Tư Ba bận bịu với công việc chính sự, còn Kháp Na thì cả ngày cùng đám thợ thu dọn căn phòng. Cậu không muốn vứt bỏ bất cứ vật dụng gì, kỳ công lau dọn sạch sẽ rồi đặt vào chỗ cũ. Dưới sự giám sát và đốc thúc của Shakya Zangpo, công việc trùng tu nơi ở của Kháp Na được tiến hành nhanh chóng, chưa đầy một tháng đã biến thành một khu nhà tươm tất. Từ đó về sau, Kháp Na quyết định sống trong căn phòng năm xưa của mẹ cậu. Là người ham mêm đọc sách, cậu đã đặt cho khu nhà của mình cái tên rất nho nhã: Lang Như Thư Lầu [2].
Khi Kháp Na dồn toàn bộ tâm trí vào công cuộc trùng tu Lang Như Thư Lầu thì cũng là lúc Bát Tư Ba bận tối tăm mặt mũi. Chàng muốn xây dựng một chính quyền thống nhất trên đất Tạng: chính quyền Sakya, điều mà kể từ khi vương triều Tufan sụp đổ đến nay, chưa từng xuất hiện trên đất Tạng. Việc làm cần thiết đầu tiên mà chính quyền mới này phải thực hiện đó là: phân chia vạn hộ hầu của đất Tạng. Lẽ dĩ nhiên, các giáo phái lớn và các đại lãnh chúa phải là một trong số các vạn hộ hầu, nhưng bên cạnh đó, Bát Tư Ba cũng muốn nâng đỡ một số thế lực mới, để kìm hãm các giáo phái vốn chiếm hữu những mảnh đất trù phú nhất và số lượng dân cư đông đúc nhất, đặc biệt là phái Drikung và Phaktru ở Tiền Tạng.
Đúng lúc đó, Thiên hộ hầu Yarseng thuộc phái Phaktru lặng lẽ đến Sakya.
Lúc này, phái Phaktru mới ra đời được chừng sáu mươi năm, do dòng họ Lang nổi tiếng ở vùng núi Sơn Nam sáng lập. Tuy là giáo phái ra đời muộn nhất ở đất Tạng nhưng phái Phaktru có một nền tảng vô cùng vững chắc. Vùng Sơn Nam vốn là cái nôi của vương triều Tufan, sở hữu những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, rộng lớn nhất đất Tạng. Gia tộc Lang đời đời kế thừa quyền cai quản vùng đất trù phú ấy. Các pháp vương của giáo phái này đều là những người tài ba, lỗi lạc, hoài bão lớn lao. Dưới sự nỗ lực không ngừng của các vị pháp vương từ đời thứ nhất đến đời thứ tám, phái Phaktru phát triển rất nhanh chóng, hiện đã xếp ngang hàng với phái Drikung ở La-ta về diện tích đất đai chiếm hữu.
Thiên hộ hầu Yarseng chịu sự cai quản của phái Phaktru, đất đai của thiên hộ hầu này chính là vùng lũng sông Yarlung – cái nôi của vương triều Tufan. Gia tộc Yarseng lâu đời hơn cả gia tộc Lang của phái Phaktru vì huyết thống của dòng họ này có thể tính từ thời đại Tufan. Thiên hộ hầu Yarseng từ lâu đã rất bất mãn với thân phận của một thiên hộ hầu nhỏ bé mà phái Phaktru phong cho ông ta nên đã âm thầm đến Sakya ngay khi hay tin Bát Tư Ba trở về đất Tạng.
Điều này cũng hợp ý Bát Tư Ba vì chàng không hề muốn thế lực của phái Phaktru ngày một lớn mạnh và bành trướng. Thiên hộ hầu Yarseng và Bát Tư Ba đã trao đổi rất lâu. Ba ngày sau, Yarseng lặng lẽ rời Sakya.
Ngày mà Kháp Na dọn vào sống trong Lang Như Thư Lầu cũng là ngày Bát Tư Ba bước đầu hoàn thiện kế hoạch phân chia mười ba vạn hộ hầu và số lượng các cư dân Mid, cư dân Lad thuộc quyền sở hữu của các vạn hộ hầu này. Ngắm nhìn Bát Tư Ba miệt mài viết lách bên bàn làm việc trong Phật điện Lakhang, tôi không khỏi lo lắng:
- Chàng thăng chức cho Thiên hộ hầu Yarseng thành vạn hộ hầu, lại cắt một mảnh đất lớn của phái Phaktru chia cho ông ta, chàng không sợ phái Phaktru tức giận sao?
Bát Tư Ba dừng bút, hàng mày dài xô lại:
- Chắc chắn họ sẽ tức giận. Ngoài Phaktru, ta còn cắt nhiều hộ dân ở Nagarze của phái Drikung cho Vạn hộ hầu Yamdro. Ta phải làm vậy để cân bằng số lượng các hộ dân thuộc quyền cai quản của mười ba vạn hộ hầu ở đất Tạng, vì sẽ không ổn nếu để thế lực của hai giáo phái này quá lớn mạnh.
- Và rồi sẽ có kẻ cười người khóc. – Tôi nhìn Bát Tư Ba mà lòng đầy lo âu. – Vậy là từ nay, chàng sẽ phải đối đầu với mối hiềm khích của hai phái Drikung và Phaktru.
Bát Tư Ba khẳng khái đáp:
- Dù biết sẽ kết mối thù hằn nhưng ta không thể làm khác. Tuy phái Sakya được Đại hãn nâng đỡ nhưng thực lực của giáo phái chúng ta chẳng thể so sánh với Drikung và Phaktru. Ta làm cho sức mạnh của họ giảm đi, cũng là vì lo nghĩ cho tương lai của giáo phái mình.
Trong lòng tôi cứ dấy lên cảm giác nơm nớp lo sợ, mí mắt giật liên tục, nhưng vẫn cố gượng cười:
- Mong là sẽ không xảy ra chuyện gì.
Bát Tư Ba đứng lên, chậm rãi bước đi trong Phật điện trong bóng chiều nhập nhoạng, lưng hơi còng xuống vì đã nhiều ngày miệt mài bên bàn làm việc. Từ khi trở về đất Tạng, chàng có quá nhiều việc phải suy nghĩ, mỗi ngày chỉ ngủ chừng ba canh giờ, giấc ngủ chẳng sâu, rất dễ tỉnh giấc, ăn uống cũng không được ngon miệng nên ngày càng gầy. Tuy mới ba mươi tuổi, gương mặt vẫn tuấn tú, điển trai như xưa nhưng trên vầng trán cao đã xuất hiện đôi ba nếp nhăn. Lúc chàng mỉm cười, khóe mắt cũng xếp nếp những dấu vết của thời gian và sự lo toan mòn mỏi.
Lòng tôi bỗng chùng xuống khi ngắm nhìn dáng hình cao gầy, cô độc ấy. Cũng giống như Kháp Na, tôi rất muốn chia sẻ nỗi vất vả với chàng, nhưng chẳng giúp được gì.
Tin tức về việc phân chia mười ba vạn hộ hầu truyền khắp vùng Hậu Tạng, làm dấy lên sự phản kháng. Năm Vạn hộ hầu Lalo, Laqiang, Chumig, Gyangtso và Shalu đã liên kết lại phản đối Bát Tư Ba cắt hàng nghìn họ dân Lad của họ, chuyển thành cư dân Mid. Riêng Vạn hộ hầu Shalu và Chumig, vì là hai vạn hộ hầu lớn nhất Hậu Tạng nên đã bị cắt ba nghìn họ dân để chuyển thành những cư dân Mid phải nộp thuế cho nhà nước. Cả năm vạn hộ hầu đều lên tiếng chỉ trích và cho rằng quyền lợi của mình bị tổn hại nghiêm trọng. Họ kiên quyết phản đối sự phân chia này.
Mùa thu năm đó, thời tiết ở Sakya đột ngột thay đổi, suốt mùa mưa gió dầm dề, cả vùng Sakya chìm trong bầu không khí âm u, ẩm thấp đến ngột ngạt. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, một nguồn tin quan trọng được truyền về Sakya: người đứng đầu cuộc chống đối chính là Vạn hộ hầu Shalu – ngài Jichoi mà trước đó từng niềm nở tiếp đón Bát Tư Ba tại dinh cơ của mình.
Ông ta muốn trả thù vì chúng ta không chấp nhận cuộc hôn nhân đó.
Kháp Na mặt mày biến sắc, phẫn uất đập tay xuống mặt bàn.
=== ====== ====== ====== ====== ====== ===
[2] Có nghĩa là: nhà sách Lang Như. Lang Như vốn là tên một ngôi đình nổi tiếng trong Di Hòa Viên, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (DG)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...