Khoảng thời gian đó đối với Lương Tự thực sự quá đỗi quý giá.
Vì vậy khi sau này trở về cuộc sống bình dị và bình thường, anh vẫn sẽ ứa nước mắt mỗi khi nhớ lại.
Đó là những tháng ngày anh sống chết kiên trì cho lý tưởng, đã từng chần chừ và rối rắm, nhưng chưa từng hối hận.
Là những tháng ngày có mồ hôi và thỏa mãn.
Đàm Gia Minh từng hỏi anh vì sao thích post rock, anh nói có lẽ vì nó gần nhất với điều mà nội tâm anh muốn bày tỏ.
Về phần điều đó là gì, anh cũng không nói rõ được.
Mọi thứ diễn ra một cách bình yên và lặng lẽ.
Bắc Kinh sắp vào đầu hạ, Kỳ Kỳ cũng đã trở thành một con mèo béo.
Thi thoảng rảnh rỗi anh sẽ đến trường tìm Dư Thanh, cô ngồi trong thư viện đọc sách, anh bên cạnh nằm dài ra bàn ngủ, giống như hồi cấp ba.
Một ngày cuối tháng 6, mới bốn năm giờ chiều mà Lương Tự đã tan làm.
Trong tiệm đàn, Trần Bì vừa chơi nhạc vừa diễn hài độc thoại, chỉ có một khán giả là Chu Hiển, nhưng tên kia vẫn vui vẻ nói.
Lương Tự dựa vào trống jazz cũng ngồi nghe, ba chàng trai biến tầng hầm thành một sân khấu nhỏ.
Trần Bì nói xong, Lương Tự bắt đầu gõ trống.
“Làm một đoạn «Thời Đường» nào.” Trần Bì hô lên.
Lương Tự nhướng mày, tay đánh mạnh xuống mặt trống, tiếng bùm bùm thình lình vang lên, tốc độ nhanh như chớp.
Anh phông đen ngắn tay, chiếc ngà voi trên cổ lắc lư qua lại hoa cả mắt.
Chu Hiển cũng lấy đàn guitar đàn cùng, hết bài này thì lại đến một bài của Thôi Kiện.
Trần Bì lập tức hét lên: “«Một tấm vải đỏ ».”
Họ đắm chìm trong thế giới của riêng mình để chống lại thế giới, tiếng trống jazz vang trời đó ngập tràn sức mạnh.
Trong hai tháng đó, Đàm Gia Minh vẫn lúc đi lúc về như trước đây, thi thoảng xuất hiện uống chút rượu và chơi nhạc với họ.
Khi quá trình biểu diễn của họ xảy ra vấn đề, người này luôn có thể kịp thời xuất hiện, rồi đưa ra một đống lời phê bình không chút nể tình.
Sau này Trần Bì gọi Đàm Gia Minh là lão Đàm.
Ngay khi họ cho rằng đã đến lúc mình được “xuống núi”, Đàm Gia Minh lại đưa ra một quyết định khác, cuối cùng cả ba người hiểu ra rằng ba tên thợ giày vẫn không bằng một Gia Cát Lượng[1].
Lương Tự xin nghỉ ở tiệm sửa xe một tuần.
Anh nhớ hôm đó là mồng một tháng bảy ở Bắc Kinh, đường phố sắp khô héo vì nắng.
Anh mặc áo phông đen, áo sơ mi vắt trên vai, đi dọc theo lối đi bộ.
Ánh nắng chiếu thẳng vào da, không khác gì bị bỏng.
Lúc đó Dư Thanh mới thi xong môn cuối cùng.
Lúc nhận được điện thoại của anh, Dư Thanh đang đi về hướng ký túc xá, cô sợ anh phải chạy tới chạy lui nên nói dối rằng mình đang trên đường đến nhà thuê.
Cô vội vã về ký túc xá thay quần áo rồi mới ra ngoài, đang là giờ nghỉ trưa, xe buýt cứ đi đi dừng dừng, kẹt xe liên tục.
Còn hai ba trạm nữa là đến, cô xuống xe đi bộ.
Không biết có phải là ảo giác hay không, mà cũng có một người đang đứng đợi xe buýt ở trạm dừng bên kia đường.
Hứa Kính mặc chiếc đầm thun trắng đen đơn giản, tay xách túi tote, trông còn thay đổi nhiều hơn cả Phương Dương, như thể gió thổi một cái là có thể ngã xuống ngay.
Lúc Hứa Kính ngước mắt lên, cũng nhìn thấy cô.
Người đi bộ lần lượt băng qua đường, Hứa Kính không lên xe mà đi theo đám đông sang đây.
Đến tận bây giờ, Dư Thanh vẫn không biết vì sao lúc đó bản thân không bỏ đi, mà lại kiên nhẫn chờ người đối diện.
“Đi tìm Lương Tự?” Hứa Kính đã đứng trước mặt cô.
Dư Thanh không trả lời, nhưng ánh mắt đã thể hiện điều đó.
Người đi bộ qua lại không ngớt, xe cộ mãi mãi không dừng lại.
Cái nắng đổ lửa của tháng bảy tuy hanh khô nhưng ấm áp, cuộc sống bình thường, tâm trạng cũng bình thản.
“Trước đây khi cô và cậu ấy mới bắt đầu, tôi còn nghĩ cô chiêu như cô sẽ chơi đến khi nào.” Hứa Kính nhàn nhạt nói, thậm chí còn nở nụ cười, “Không ngờ cô vẫn kiên trì đến tận bây giờ.”
Dư Thanh nghiêm túc nhìn người phụ nữ đối diện mình.
“Tôi rất ngưỡng mộ cô.” Hứa Kính nói, “Thật đó.”
Xe buýt đã đi, lại thêm một đám đông khác chen chúc bên đường chờ chuyến tiếp theo.
Đèn đường từ trên cao rọi xuống mặt Hứa Kính, vẻ mặt lãnh đạm không chút phấn son.
Lẽ ra Dư Thanh phải nhận ra được kết cục của Hứa Kính khi thấy Tiết Thiên đổi người đi cùng, suy cho cùng thì đối với những người đó, có mới nới cũ là lẽ thường tình.
“Có lẽ cô không biết, tôi là người đầu tiên ở Bãi Xanh đậu đại học.” Hứa Kính nhếch môi, “Lúc đó bố tôi mời gần hết mọi người trong thôn, trước đây ông ấy tự hào về tôi bao nhiêu, bây giờ thì không dám ngẩng đầu bấy nhiêu.”
Gió thổi tóc của người phụ nữ đến đầu vai.
“Tôi đã hại Lương Tự, chuyện này không sai.” Trong mắt Hứa Kính gợn sóng nước, “Nhưng tôi cũng đã phải trả giá, khi đó tôi chỉ lớn hơn cô một tuổi mà thôi.”
Hồi lâu sau, Dư Thanh lắc đầu.
“Tôi không quan tâm chị phải trả giá bao nhiêu.” Vẻ mặt của Dư Thanh rất lạnh nhạt, “Đó là chuyện của chị.”
Hứa Kính chỉ nhìn cô, chầm chậm nở nụ cười.
“Chị sai ở chỗ đã để Lương Tự gánh trả.” Dư Thanh nói, “Anh ấy còn rất trẻ, lẽ ra phải có một tương lai xán lạn.”
Hứa Kính cúi đầu rồi lại ngẩng lên, nhìn cô: “Cô nói rất đúng.” Rồi nhắc lại lần nữa.
Nhìn thấy nước mắt của người phụ nữ rơi xuống đất, đột nhiên Dư Thanh muốn bỏ đi ngay lập tức.
Một chiếc xe buýt đến, đám đông chen chúc vừa rồi biến mất trong tích tắc, biển báo dừng trống hoác.
“Đôi khi con người không được lựa chọn.” Hứa Kính cúi đầu nhìn bụng của mình, khi ngẩng lên lại nở nụ cười nhạt, giọng nói cũng có tinh thần hơn, “Tôi sắp rời Bắc Kinh, vẫn chưa biết sẽ đi đâu.” Im lặng một lúc rồi nói tiếp, “Nhưng chắc là sẽ không bao giờ quay lại nơi này.”
Trong giờ phút này, bên đường chỉ còn gió vẫn đang thổi.
“Mãi chưa có cơ hội nói xin lỗi cậu ấy.” Hứa Kính ngập ngừng một lúc mới nói được một câu hoàn chỉnh, “Làm phiền cô.” Sau đó nụ cười nhẹ với Dư Thanh, rồi đi ngang qua cô.
Dư Thanh quay đầu nhìn bóng dáng gầy yếu đó.
Mặt trời hôm đó hơi kỳ lạ, vừa ló dạng đã bị mây đen che khuất, cứ như không ngừng thổi về phía họ.
Hứa Kính đặt một tay ở vạt áo trước, tay cầm túi còn lại đưa lên vuốt tóc.
“Chị Kính.” Cô bỗng gọi.
Bóng người đó chợt cứng đờ, thậm chí bản thân Dư Thanh cũng sửng sốt.
Sau đó Hứa Kính chầm chậm xoay người lại, “Ừ” một tiếng nhẹ vô cùng.
Dư Thanh nói: “Lên đường bình an.”
Như khi hòn đá bị ném xuống nước, bốn con chữ đó quấy nhiễu tâm tình Hứa Kính, người phụ nữ khẽ gật đầu rồi xoay người rời đi.
Hứa Kính ngẩng cao đầu đi về phía trước, từng cảnh tượng quá khứ chợt hiện lên trước mắt, lòng ngổn ngang cảm xúc, nước mắt không ngừng rơi lã chã, ngay cả trong thời điểm không gắng gượng nổi cũng chưa từng buồn bã như lúc này.
Sau này cô mới hiểu ra tại sao.
Khi một người từng phạm sai lầm không thể quay đầu được nữa, đứng bên bờ vực của sự tuyệt vọng cầu cứu thế giới, những tưởng thế giới sẽ đáp lại mình bằng sự thờ ơ cùng cực, sẽ không có ai tha thứ cho mình cứu rỗi mình chúc phúc mình, sẽ không có ai dành cho mình sự chân thành và ấm áp nữa.
Không ngờ rằng, trong thế giới nhỏ bé của Dư Thanh, một người bạt mạng gào thét như cô không chỉ nhận được hồi đáp từ Dư Thanh, mà còn nhận được một lời chúc phúc – lên đường bình an.
…
Mặt trời lại ló ra khỏi đám mây đen.
Dư Thanh chầm chậm đi đến hẻm gạch đỏ, ngẩng đầu lên, nhìn thấy căn nhà hai tầng bình thường đó.
Cô ba bước làm một chạy lon ton lên lầu, Lương Tự đang ngồi xổm ở cửa nhà cho mèo ăn.
Nghe tiếng động, anh ngẩng đầu nhìn cô.
“Trên đường kẹt xe hả?” Lương Tự hỏi.
“Đâu có.” Dư Thanh cũng ngồi xổm xuống, vươn tay ôm Kỳ Kỳ đang trong lòng anh, “Em đi bộ qua mà.”
Lương Tự liếc xéo cô một cái, gương mặt cô dưới ánh nắng ấm áp vô cùng.
Anh đứng dậy kéo cô từ dưới đất lên vào nhà, nắng vàng từ ngoài cửa trải dài khắp đất.
“Ủa mà.” Lúc này Dư Thanh mới nhận ra, “Hôm nay thứ sáu, anh không đi làm hả?”
Lương Tự dựa vào tường, nghĩ đi nghĩ lại rất kỹ trước khi nói.
“Có lẽ phải đi đâu đó một thời gian.” Anh nhớ tới Đàm Gia Minh nói đi đại nơi nào cũng được nhưng tóm lại là phải rời khỏi Bắc Kinh, nói đơn giản lại với cô, “Bây giờ em được nghỉ rồi….”
Nghe vậy, Dư Thanh bỏ mèo xuống đất.
“Đi đâu anh?” Cô ngắt lời anh.
Lương Tự: “Vẫn chưa nghĩ ra.”
Hình như bà chủ nhà dưới lầu đang mở nhạc, trong radio là điệu tín thiên du [2] của Thiểm Bắc.
Âm thanh hòa vào nắng trời, cảm giác lúc này tuyệt vời vô cùng, Lương Tự thấy mắt Dư Thanh sáng lên.
“Tụi mình về thôn Tiểu Lương đi.” Cô nói.
Một niềm vui không giấu được toát ra từ giọng nói đó, tựa như điệu tín thiên du kia.
Lương Tự đến Bắc Kinh đã được một năm, chưa từng về nhà, lần nào Thẩm Tú gọi điện đến cũng chỉ nói được vài câu, hai ngày trước nói chuyện điện thoại báo tin Lương Vũ đã đậu đại học.
Lương Tự nói: “Ừm.”
Chiều hôm đó, anh chạy ra ga xe lửa mua hai vé về Dương Thành vào sáng sớm hôm sau, khi về nhà thì trời đã tối sầm.
Trong phòng bật đèn, Dư Thanh đang cầm bút chì vẽ mèo trên giấy.
Thấy anh về thì bỏ bút xuống, đòi vé xe lửa từ anh.
Lương Tự buồn cười nhìn cô nàng thèm lấy thèm để hai tấm vé xe, đang định lên tiếng, đèn trong phòng vụt tắt.
Dư Thanh khẽ “hả” một tiếng, Lương Tự mở cửa nhìn bên ngoài.
Trong con hẻm gạch đỏ, ngoài nhà họ đen như mực thì những chỗ khác đều sáng đèn, ngay sau đó nghe thấy tiếng bà cụ dưới lầu gọi anh.
Cầu chì bị cháy, ngày mai mới sửa được.
Thế là Lương Tự xuống lầu mang lên một cây nến và que diêm mà chủ nhà cho, Dư Thanh ôm mèo đứng ngoài cửa chờ anh.
Hai người một mèo vào nhà, cánh cửa nhẹ nhàng đóng lại.
Lương Tự đặt ngọn nến lên bàn, sau đó từ từ lấy diêm ra đốt lên.
Quẹt nhẹ que diêm, căn phòng lập tức sáng bừng.
Cô nàng bên cạnh còn vui hơn lúc thấy vé xe lửa, đến gần ngọn nến đỏ nhìn qua ngó lại.
Ánh sáng màu đỏ mỏng manh thắp sáng căn phòng, trông giấy dán tường và sàn nhà ấm áp không thôi.
“Đẹp quá đi.” Cô nói.
Lương Tự cười cười, tắt bật lửa rồi ngồi bên mép giường, một chân đặt trên giường một chân dưới đất, nhìn cô đến rất gần với ngọn nến, cả bóng người phản chiếu lên tường nhà.
“Có phải chưa từng thấy đâu.” Anh cười nói, “Đẹp tới vậy luôn hả?”
Dư Thanh chỉ đáp “Ừa”, rồi lặng thinh nhìn chằm chằm ngọn nến.
Lương Tự chậm rãi đặt một tay sau đầu, ánh mắt cũng dừng ở ngọn nến, chỉ nhìn ánh lửa lập lòe đó thôi mà lòng đã được sưởi ấm.
“Em có biết một tác giả.” Dư Thanh nhìn ánh nến, lên tiếng, “Cô ấy thích gió mưa sấm sét, cũng thích lửa.” Giống cô.
“Gió mưa sấm sét còn chấp nhận được.” Lương Tự nghe mà hàng mày cau lại, “Còn chơi lửa?”
Dư Thanh không vui quay sang trừng mắt với anh, rồi lại quay về nhìn ánh nến.
Ánh lửa đó đẹp đẽ vô ngần, chùm sáng tản ra bốn phía tạo thành một vòng tròn, mờ mờ ảo ảo, rất mỏng manh.
“Cô ấy tên là Thư Viễn, lấy ý trong Thư Đông Viễn Phương.” Ánh lửa phản chiếu lên má cô, Dư Thanh hỏi: “Hay ha anh?”
Giọng Lương Tự đều đều: “Không hay bằng em.”
Dư Thanh bật cười, dời ánh mắt khỏi ngọn nến, cũng ngồi trên giường.
Trong phòng có ánh đèn mờ ảo, còn có mèo béo và Lương Tự, cô trở mình chui vào chăn, vô cùng hy vọng thời gian có thể trôi qua chậm hơn.
Hai người nói chuyện câu được câu chăng.
Thấy cô sắp ngủ say, Lương Tự đi đến giường gấp, đang định thổi nến thì cô thức dậy.
Anh dừng động tác, đến đắp lại chăn mà cô đã đá ra, Kỳ Kỳ cứ nằm canh giữ bên ngọn nến như thể trước giờ chưa từng nhìn thấy.
Cô nửa ngủ nửa tỉnh: “Đừng thổi.”
“Không thổi.” Anh thấp giọng nói, “Ngủ đi.”
Lúc đó trời đã khuya, bên ngoài vắng lặng không một tiếng động.
Ánh sáng trong phòng từ từ nhỏ dần yếu dần, rồi ánh nến vụt tắt lúc nào không hay biết._________________
Chú thích
[1] Câu này viết đúng phải là “ba người thợ giày hơn một Gia Cát Lượng (nghĩa tương tự với câu ‘ba cây chụm lại nên hòn núi cao’ của Việt Nam mình), nhưng tác giả dùng ngược lại.
[2] Tín thiên du là một loại hình dân ca lưu truyền ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, theo lối đối ứng và lặp lại theo chu kỳ, câu hát có thể ngắn hay dài..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...