Đồng Thoại Văn Lang

Phong Châu có nàng mỵ nương

Ngọc Hoa tên gọi vấn vương hồn người

Ngọc ngà chẳng sánh nụ cười

Châu sa cúi rạp để người lệ rơi.

Hình ảnh nam nữ như tranh dần dần mờ nhạt, để lộ trước mắt là gương
mặt âu lo của Nguyễn Tuấn, phía sau chàng là người sinh ra nàng.

“Mẹ…”

Ho một tiếng, sơn thánh vuốt đầu nàng. “Gọi là cha, Lạc Cơ. Không phải mẹ.”

Mắt nàng ngấn nước, đầu gật gật. “Cha.”

Vẫn mang trên mặt sự xúc động sâu sắc, Hùng Duệ Vương tiến đến bên giường ôm nàng vào lòng, mắt nhắm lại đầy khổ sở.

“Con gái ta… Bao năm qua thật khổ cho con. Là vua cha có lỗi với con. Giờ thì tốt rồi, tốt rồi…”

Nước ấm rót thẳng vào lòng, Lạc Cơ lần đầu tiên cảm thấy trong sâu
thẳm tiềm thức, có loại tình cảm ban sơ khẽ khàng ngọ nguậy. Ra là nàng
cũng có cha, không phải từ rễ cây chui ra như bản thân vẫn lầm tưởng.
Đôi bàn tay nhỏ nhắn vòng qua thân ông ôm chặt, nước trong mắt không
chặn được, tự động lăn dài.

“Cha…”

Một hồi trùng phùng khiến người xúc động, Nguyễn Tuấn bèn cho xảo
xứng rời khỏi gian phòng. Một mình ngồi lại bên bàn nhìn cặp cha con
kia, bỗng chốc tự dưng có chút khó chịu, lập tức ho nhẹ, tùy tiện tìm
một đề tài để dứt họ ra.

“Lúc nãy, nàng đã thấy gì trong mộng cảnh?”

Gạt đi nước mắt, Lạc Cơ hướng ánh nhìn về chàng, rồi lại về một Hùng
Duệ Vương đang từ từ chau mày lại. “Là mộng cảnh từ nước mắt của cha…?”

Nguyễn Tuấn điềm đạm gật đầu, tay ra dấu mời vua Hùng ngồi xuống.
Hùng Duệ ban đầu có chút không hài lòng vì con gái đối với vị sơn thánh này hết sức nghe lời, song bản thân có lẽ cũng ít nhiều tò mò trước khả năng của con gái, vậy là lặng lẽ ngồi xuống cầm lên chén trà.

“Lạc Cơ thấy… thấy cha cầm gươm định giết một cô gái, còn gọi cô ấy
là Mộc Nữ. Sau đó trông thấy cô ta ăn no làm bụng to quá, hình như tiếc
nuối thức ăn mà không giết nữa, chạy lại ôm chầm lấy cô ta, chắc là giữ
để cô ta không ói ra thức ăn…”

Nước trà tức thì nghẹn lại ở cổ họng đế vương. Vua Hùng mặt mày

chuyển xanh, rồi đỏ, rồi xanh, rồi đỏ… một lúc sau mới trấn tĩnh đặt
chén trà xuống, thở dài khẽ nói.

“Mẹ con giấu đi thân phận nhiều năm sống ở cạnh ta, lúc biết được ta
đã định ra tay với nàng nhiều lần, nhưng rốt cục vẫn là không thể…”

“Mẹ?”

“Người con thấy trong mộng cảnh ta gọi Mộc Nữ, chính là mẹ của con,”
vua Hùng thoáng mỉm cười buồn bã, song lập tức che miệng hơi ho. “Chỉ là lúc đó bà ấy đang mang con trong bụng, chứ không phải… à, không phải ăn no.”

“Mang con trong bụng?” Miệng vo tròn đầy ngạc nhiên, Lạc Cơ đang tính hỏi tiếp, chữ vừa phun ra chưa quá hai đã bị cái vị thánh ung dung uống trà kia lắc đầu cắt đứt.

“Không phải ăn nàng vào bụng rồi mới mang thai nàng.”

“Vậy-”

“Cũng không phải cha nàng biến nàng nhỏ lại rồi nhét vào bụng mẹ.”

“Thế thì-”

“Chuyện làm thế nào nàng vào trong đó được ta sẽ giải thích sau, nhưng không phải bây giờ, không phải ở đây.”

Gương mặt phấn khởi của Lạc Cơ phút chốc đã xìu xuống, trong khi sơn
thánh của nàng vẫn an nhàn hớp thêm miếng trà, phong thái bình thản ung
dung.

Hùng Duệ Vương chứng kiến cảnh này, suy nghĩ một chút rồi thầm thở
dài. Ông có lẽ nên bắt đầu tập làm quen với việc con gái mới nhận lại đã sắp phải gả cho kẻ này rồi – một sơn thần tuổi tác còn gấp đôi người
làm cha là ông.

Những ngày sau đó, Lạc Cơ hết lòng quấn quít lấy vua cha, nghe ông kể đủ thứ chuyện về vùng đất màu mỡ cùng các mảnh ruộng cò bay thẳng cánh; những sự tích anh dũng thời trai trẻ đi chém ma diệt yêu của một đấng
đế vương; đến cả cái ao, cái trống cũng được ông miêu tả với đậm niềm
kiêu hãnh. Ông bảo, tự hào nhất với ông vẫn là được làm vua của một đất
nước xinh đẹp như Văn Lang, làm cha của một mỵ nương nhan sắc khó ai bì
như nàng.

Lạc Cơ sau đó còn được biết bản thân có một người em gái tên là Tiên
Dung, vốn dĩ do một lần vua cha lạc đường trên núi Độc Tôn, được sơn nữ
cứu giúp rồi lộn xộn mà sinh ra. Lạc Cơ trước đây đã từng nghe kể về
việc vị mỵ nương này từ bỏ vương vị đi theo một ngư dân nghèo khó họ
Chữ, nên cũng không lấy làm lạ khi vua cha có vẻ ưu phiền mỗi lần nhắc
đến nàng ta.

Ông chuyện gì cũng nói, duy nhất khi nàng hỏi về mẹ thì tự dưng sinh
trầm mặc, ngoài những điều đã nói buổi đầu gặp mặt, Lạc Cơ tuyệt nhiên
chẳng moi được gì nữa về Mộc Nữ từ ông. Nàng tự nhủ với lòng, không sao, chỉ cần sau này có thể thỉnh thoảng trộm được vài giọt nước mắt của
cha, nàng liền có thể nhìn thấy người phụ nữ dịu dàng kia – người mẹ đã

yêu thương trìu mến gọi nàng hai chữ “Ngọc Hoa” trong mộng cảnh.

Cứ thế cho đến một ngày, vua cha bảo ông phải về lại Văn Lang, và nàng phải đi cùng ông.

Lạc Cơ hốt hoảng đến nỗi trốn đi mất biệt. Cả Tản Cung và người của
Hùng Duệ Vương tỏa đi tìm nàng cả buổi sáng, cuối cùng đành chịu thua
phải tìm đến Thánh Tản.

Buổi tối, Nguyễn Tuấn đến bên gốc tân lang trong vườn, ngẩng đầu nhìn hoa một lúc, cúi đầu mỉm cười vuốt nhẹ trên thân cây. “Lạc nữ ngốc
nghếch, cuối cùng thì cũng biết được một chiêu trò ra hồn rồi.”

Thân cây khẽ rung, hoa rơi lả tả.

Chàng nhướn một bên mày, mắt lóe lên chút ý cười. “Không ra được rồi phải không?”

Hoa tiếp tục rơi rơi.

Khẽ lắc đầu bất đắc dĩ, bàn tay vung lên kéo nàng ra từ giữa thân
cây, sơn thánh ôm thiếu nữ nhỏ nhắn vào lòng, xoay người lại khẽ hôn lên chóp mũi.

“Ta sống hơn hai trăm năm, cũng là lần đầu tiên thấy một mộc yêu tự
chui vào thân cây rồi mắc kẹt bên trong như nàng. Đúng là khờ.”

“Lạc Cơ không có… lúc đó rõ ràng chỉ ôm cây nghĩ đến trốn chạy, ai ngờ soạt một cái đã bị nuốt vào…”

Nguyễn Tuấn trầm tư vuốt ve gương mặt phụng phịu của nàng một hồi,
không dằn được lòng mà ôm chặt lấy, cằm tựa lên đầu nàng thở dài.

“Sống ngần ấy năm mà bản năng làm yêu cũng không có. Để nàng rời ta, ta thật sự không yên tâm.”

Có vòng tay nhỏ nhắn luồn qua eo siết chặt lấy chàng. “Lạc Cơ cũng không muốn xa Nguyễn Tuấn! Không muốn chút nào!”

“Ba tháng thôi,” chàng nói. “Ta hứa với nàng, sau ba tháng, ta nhất định đem trầu cau đến đón nàng về.”

Ai kia lập tức lắc đầu nguầy nguậy.

“Không hứa! Thục Phán ngày xưa cũng hứa với Lạc Cơ một tháng, sau đó đi luôn mười năm!”

“Làm sao giống? Nàng đối với ta quan trọng như thế nào, lẽ nào nàng không rõ?” Nguyễn Tuấn nhíu mày, có chút bất nhẫn.

Mắt trong veo chớp chớp, nàng gật đầu như thể bất chợt hiểu ra chân
lý nhân gian. “Đúng rồi, không có Lạc Cơ, sẽ không ai giã gạo để chữa
thương cho chàng!”

Sơn thánh nào đó không còn biết nên giận hay cười, chỉ lặng lẽ gật đầu một cách khuất phục để chiều lòng lạc nữ của chàng.


Đêm đó, mặc cho bốn bề bị đá vây chặt, vài tia sáng màu hoàng kim vẫn len lỏi thoát ra. Bên trong Mễ Điện tràn ngập một màu hổ phách diệu
thường. Trên giường có bóng thiếu nữ nằm sấp say ngủ, phủ lên người nàng là thân hình to lớn vạm vỡ màu đồng. Lạc điểu trắng muốt pha lẫn kim
quang như ảo như thực dần dần thoát ra khỏi chủ nhân của nó, chậm rãi
chui vào tấm lưng trần trụi của thiếu nữ nằm bên dưới. Ánh sáng cứ thế
theo bóng lạc điểu bao bọc lấy nàng, từ từ dịu nhẹ rồi tắt ngấm.

“Cách xa như vậy, ta không thể nào giữ vững kết giới. Chỉ mong một nửa nguyên thần này có thể bảo vệ nàng bình an.”



Ngày Lạc Cơ theo Hùng Duệ Vương trở về Văn Lang, Thánh Tản đem trọng
lễ ra tiễn đưa vị thần đế oai hùng của con dân Lạc Việt. Chín hồi cồng
chiêng âm vang khắp núi, hồng hạc sãi cánh bay ngập một góc trời.

Thánh Tản còn hào phóng phái cả đội quân linh điểu đưa vua Hùng cùng
đoàn tùy tùng về đến Phong Châu. Khoảng cách mấy tháng vì thế mà rút
ngắn chỉ còn vài đêm ngắn ngủi, dọc đường cũng tránh khỏi cơ hồ là yêu
ma quỷ quái. Vua Hùng lúc đó chỉ mỉm cười hiền hậu vuốt đầu Lạc Cơ, bảo
rằng đúng là cha già nhờ có phúc của con gái.

Lạc Cơ ngồi trên lưng hồng hạc cùng vua cha, người và chim đã bay
được rất lâu, mà nàng thì vẫn ngoái đầu nhìn về ngọn núi đá vôi màu
trắng. Hùng Duệ thấy thế bèn thở dài, tay vỗ nhẹ lên tay nàng trầm giọng an ủi.

“Khoảng cách sẽ làm con tim gần hơn, con cũng đừng nên quá buồn bã.”

Lạc Cơ không khóc, bởi nàng biết Nguyễn Tuấn nhất định sẽ đến đón nàng.

Đoàn linh điểu trải qua mấy ngày yên bình suông sẻ trên bầu trời Văn
Lang, cuối cùng cũng dọc theo sông Hồng bay đến nơi tụ hội cùng sông Lô – lãnh thổ Phong Châu.

Lạc Cơ lần đầu tiên trông thấy ruộng lúa trên đồng bằng, không khỏi
choáng trợp trước vẻ đẹp giàu có của người dân Lạc Việt. Thảm xanh trải
dài đến tít tắp chân trời, cò diệc tụ lại thành đàn tựa những đóa mộc
lan dang đôi cánh rộng trên mênh mang màu lục, xa xa là núi Nghĩa Lĩnh
vùi mình trong làn sương trắng kỳ ảo.

Đất trời giao thoa tạo thành bức tranh non sông gấm vóc.

Cứ mỗi đợt gió lướt qua, biển lúa bạt ngàn lại lăn tăn sóng, hương
thơm nồng nàn hòa quyện cùng lời hát cầu mùa vọng khắp đất trời, khiến
cho lòng người ngây ngất khó tả.

Đây chính là Phong Châu, là mảnh đất tổ mà cha nàng chịu từ bỏ cả
mạng để giữ mãi màu xanh non mới. Ông nói, sự giàu có của dân ta không
nằm trong lầu son điện ngọc, chẳng ẩn mình trong lưỡi rìu chiến chinh,
mà chính là đất – thứ cam chịu để đứa trẻ giẫm lên, song lại nuôi nên
một kẻ trưởng thành.

Thành lũy Phong Châu tuy không kiên cố như thành đá trên núi Tản,
song lại sở hữu sự kiên cường mộc mạc của loài người xứ Lạc. Dân số
trong và ngoài thành lên đến con số vạn, có thể nói là kinh đô phồn hoa
nhất trên khắp Văn Lang. Hồng hạc nghiêng mình chào đón sự thờ phụng của người dân bên dưới, vốn hiếm khi có thể trông thấy cả đàn linh điểu bao trùm bầu trời, hiện đều quỳ xuống vái lạy cho thỏa lòng tôn kính.


Vua Hùng cho các linh điểu đáp xuống trước điện, gửi lời tạ ơn đến
Thánh Tản và cho chúng về lại Ba Vì, duy chỉ có hồng hạc linh điểu theo
lệnh sơn thánh ở lại cùng Lạc Cơ.

Lạc Cơ trong lòng vẫn còn buồn bã vì chia ly, cũng chẳng thiết khám
phá cung vàng điện ngọc, xin phép vua cha lui về nghỉ ngơi. Hùng Duệ
thấy con gái rầu rĩ cũng sinh lo lắng, lập tức sai người chuẩn bị lễ
đăng vị cho nàng càng sớm càng tốt, hy vọng không khí lễ hội sẽ giúp con gái lấy lại sự vui vẻ thường ngày.

Mấy ngày sau trên dưới Phong Châu bận rộn vô cùng, kẻ làm cơm, người
nấu bánh, nhà nhà đem đồ đồng ra lau rửa kỹ ràng, chuẩn bị cho kịp lễ
đăng vị của mỵ nương nước Văn Lang. Lạc Cơ ngày ngày bị lũ xảo xứng đem
ra làm con rối gỗ, hết lau lau lại tắm tắm, sạch sẽ rồi thì đem đi gói
ghém trong đủ thứ nhung lụa bạc vàng. Hàng chục thầy đúc vàng, đúc đồng
được vời đến để đo đạc, đúc cho nàng nào là vòng chuông nhạc, mũ đội
đầu, vòng cổ, khuyên tai, xà tích… Tất cả cứ nhốn nháo cả lên, khiến cho nàng muốn u sầu cũng không có thời gian, đành phải náo nức nhộn nhịp
cùng họ.

Thế rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến, Lạc Cơ thân mặc váy yếm thướt tha thêu hình chim lạc óng ánh, đầu đeo mũ miện bằng vàng, người khoác
áo lông chim hạc, chuông bạc ngân lên từng hồi thánh thót khi đôi chân
lướt lên bậc thang đại điện.

Hùng Duệ Vương cúi người đỡ con gái đang quỳ đứng dậy, tuyên bố nàng
là mỵ nương Ngọc Hoa của Hồng Bàng thị – dòng giống tiên rồng trên đất
Văn Lang, bên dưới lập tức vang lên mười tám hồi trống đồng vọng vang
bốn bể. Âm sắc oai hùng pha lẫn ngân nga khiến cõi lòng dân ta bình yên
khó tả. Lạc cơ có chút bần thần trước luồng âm thanh này, song lại bị
cái nóng của mùa hạ Phong Châu làm cho tỉnh táo, sự chú ý vì thế vơi đi
rất nhiều.

Hồi trống vừa dứt, bên dưới lập tức dậy lên tiếng reo hò, mỵ nương Ngọc Hoa muôn tuổi, muôn muôn tuổi…

Đứng trước cảnh này, dưới ánh mặt trời tỏa sáng gay gắt và lớp áo
lông chim dày dặn, nàng đột nhiên sinh ra xúc động, lòng tự nhủ con heo
nái sắp bị quay chín, xung quanh có cả đám người vây quanh reo hò… chắc
cũng có cùng tâm trạng này đây… (ý là nóng quá khóc lun:))))

Thế là nước mắt chợt vỡ tràn.

Lệ mỹ nhân vừa rơi đã khiến người người chấn động, ngỡ rằng mỵ nương
quá rung động mà để tuôn châu sa, con dân bồi hồi liền đem hình ảnh như
mộng ảo kia khắc sâu vào tâm khảm. Người đời mãi về sau còn truyền lại
rằng, đất Phong Châu có nàng mỵ nương tên gọi Ngọc Hoa, không những dung mạo tựa thiên tiên, tấm lòng cũng thật thanh thuần như không thuộc trần thế.

“Phong Châu có nàng mỵ nương

Ngọc Hoa tên gọi vấn vương hồn người

Ngọc ngà chẳng sánh nụ cười

Châu sa cúi rạp để người lệ rơi.”

Đúng là, từ hạt đậu đã đẻ ra cả con trâu.

Chỉ thấy người nay làm thơ, có biết kẻ xưa vốn là khờ…


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui