Sáu võ sĩ theo hầu Công-chúa Vĩnh-Hòa buông đuốc rút binh khí chiến đấu. Họ là những võ sĩ bản lĩnh cao. Nhưng chỉ có sáu người trong khi phía
Trương Linh tới trên trăm người. Nên một lát sau, sáu người yếu thế dần.
Lý Lan Anh thấy vậy rút kiếm quát lớn:
– Ngừng tay!
Cả hai bên đều lui lại.
Lý Lan Anh đưa kiếm ra nói:
– Đây, Thượng phương bảo kiếm của thiên tử ban cho chúng ta. Từ xưa thấy kiếm như thấy Thiên tử. Các ngươi mau quì xuống nghe chiếu chỉ. Đám võ
sĩ nhìn Trương Linh, lòng nghi hoặc.
Trương Linh hoảng sợ, quát lên:
– Các người phải bắt cho được ba nữ tặc nầy. Đó là chỉ dụ của Thái hậu. Nếu ba tên nữ tặc chạy trốn, tất cả đều mất đầu.
Khi rời Lạc Dương đi Trường Sa, Trương Linh đã lực lấy một trăm vệ sĩ
trong hoàng cung, đều võ nghệ cao cường, chân tay thân tín của y. Cho
nên nay gặp hoàn cảnh hiểm nguy. Họ vẫn trung thành, nghe lệnh.
Đám vệ sĩ hoàng cung lại nhảy vào tấn công. Sáu võ sĩ hộ vệ Vĩnh Hòa,
chiến đấu rất can trường. Song họ ít người, không chống cự được.
Người cầm đầu kêu lớn lên:
– Bọn phản tặc làm lộng, xin Công chúa tạm dời gót. Bọn hạ thần cương quyết lấy cái chết báo ơn Công chúa.
Y vừa dứt lời, đã bị đánh ngã. Bọn vệ sĩ hoàng cung bắt sống năm người
còn lại. Chúng cùng nhìn Trương Linh hỏi ý kiến. Trương Linh chỉ Vĩnh
Hòa quát:
– Hãy bắt ba nữ tặc ngay.
Bọn vệ sĩ nhảy vào bắt Vĩnh Hòa, Lý Lan Anh và Chu Thúy Phượng trói lại.
Bấy giờ Trương Linh mới nói với đám vệ sĩ:
– Các vị huynh đệ nghe nay: chúng ta vâng chỉ dụ của Thái Hậu bắt khâm
phạm. Không ngờ gặp bọn này. Nếu để cho chúng đi, thì lỡ việc của Thái
Hậu, tất Thái hậu sẽ cắt đầu chúng ta. Vậy anh em nghĩ sao?
Bây giờ đám thị vệ vệ mới biết ba thiếu nữ là Công chúa, quận chúa thật. Họ biết ba người này có Thượng Phương bảo kiếm, cho phép được tiền trảm hậu tấu. Nếu thả họ ra lỡ việc thái hậu khó an toàn mạng. Còn bắt họ,
sẽ bị khép vào tội rất nặng. Tất cả đồng nhìn Trương Linh để hỏi ý kiến.
Một người hỏi:
– Trương tướng quân bảo rằng nay là ba tên khâm phạm, chúng tôi mới ra
sức bắt. Bắt rồi tướng quân mới công nhận họ là Công chúa, Quận chúa.
Thế thì tội ở tướng quân, chứ không phải tội ở chúng tôi.
Y quay lại nói với anh em:
– Các vị huynh đệ, sự thể đã ra thế này, chúng ta cứ thả công chúa ra
rồi tùy lượng công chúa tha hay không cũng không cần. Bất quá chúng ta
mất mạng. Còn nghe theo Tướng quân, có thể đưa đến họa diệt tộc.
Đám thị vệ ngơ ngác nhìn nhau tìm quyết định chung.
Trương Linh hoảng sợ, quát lớn:
– Các ngươi dám trái chỉ dụ của thái hậu ư? Đây ta đọc chỉ dụ của Thái Hậu cho các ngươi nghe.
Y móc trong túi ta một cuộn giấy, mở ra đọc lớn:
"Nay chỉ dụ cho Việt kị Hiệu úy Trương Linh tức tốc lên đường đi Trường
Sa canh gác lăng Tiên đế. Bất cứ ai tới tế, hay khóc tại lăng đều phải
bắt về Lạc Dương phục lệnh. Các quan văn võ địa phương từ thái sứ trở
xuống đều phải tuân lệnh đều động của Trương tướng quân."
Bên dưới ấn son đóng đỏ chói. Các thị vệ hoàng cung truyền nhau đọc. Bây giờ Trương Linh mới nói:
– Nếu chúng ta thả ba người này ra, lỡ việc của Thái hậu, sẽ bị giết.
Còn giải họ về Lạc Dương, Hoàng thượng sẽ giết chúng ta. Chi bằng chúng
ta giết họ, bịt miệng, như vậy là thượng sách.
Đám vệ sĩ nhìn nhau tần ngần rồi đồng gật đầu. Trương Linh chỉ một vệ sĩ nói:
– Lưu đội trưởng. Ngươi cùng anh em chém chin đứa này ngay. Sau đó lấy
củi chất thành đống. Chúng ta đốt chín cái thây ma cháy thành than, phi
tang.
Tên đội trưởng họ Lưu rút dao ra, vung lên hướng vào cổ Công chúa Vĩnh
Hòa chém xuống. Cả trăm thị vệ hoàng cung đều nhắm mắt lại, không dám
nhìn nhát dao chặt đầu con người sắc nước hương trời. Bỗng choang một
tiếng. Tia lửa tóe ra ngay cổ Công chúa, thanh đao trên tay Lưu đội
trưởng bay lên không, cắm phập vào một cây gần đó. Cán dao còn rung rinh không ngớt.
Trương Linh hỏi:
– Cái gì vậy?
Lưu đội trưởng mặt nhợt nhạt:
– Không biết nữa, có lẽ y thị có tà thuật.
Trương Linh bảo một tên vệ sĩ khác:
– Ôn Bình, ngươi thử xem.
Ôn Bình cầm đao, hướng vào cổ Vĩnh Hòa bổ xuống. Khi đao sắp tới cổ Vĩnh Hòa lại "choang" một tiếng, tóe lửa, đao của hắn bay vọt lên cắm vào
cành cây. Kỳ diệu ở chỗ hai thanh đao cùng cắm vào một chỗ, nhưng mũi
chụm vào nhau, mà chuôi chĩa về hai hướng khác nhau.
Trương Linh ngạc nhiên đến đờ người ra. Y đứng nhìn công chúa Vĩnh Hòa suy nghĩ xem tại sao lại có hiện tượng đó.
Dưới bụi hoa Trưng Nhị nhìn rất rõ. Khi tên đội trưởng họ Lưu cũng như
Ôn Bình cung đao chém Công Chúa Vĩnh Hòa, thì một người núp trong góc
cây gần đó, tay cầm sợi giây, vận kình lực vào, khiến sợi giây như con
rắn, vươn cổ về phía trước, "mổ" đúng vào thanh đao. Đao bị kình lực hất bắn lên trên không, tuyệt ở chỗ sợi giây đi chậm mà kình lực mạnh kinh
người.
Trưng Nhị ngạc nhiên:
– Ta tưởng trên đời này chỉ có thái sư thúc Khất Đại Phu và Đào hiền đệ
có thể làm được như vậy mà thôi. Không hiểu người này đến đây tự bao
giờ, mà Thần Ưng của Hồ Đề cũng không khám phá ra.
Hồ Đề nói sẽ vào tai Trưng Nhị:
– Có nhiều người lên núi Vương Sơn, chắc chắn là quân Hán, chúng ta rút lui hay cứ đứng đây ?
Trưng Nhị ghé tai Hồ Đề nói nhỏ:
– Su muội hãy rút khỏi núi ngay, dùng Thần Ưng đưa tin cho Phật Nguyệt
và Trần Năng, mang đội Thần Hổ, Thần Báo đến đây. Nhớ bao vây núi thật
kỹ, không cho một người chạy thoát.
Hồ Đề lui ra, men mép rừng, nhảy vọt lên cây, truyền theo cành đi như 1 con khỉ.
Nguyên Hồ Đề sống ở sơn cước từ nhỏ, nàng huấn luyện Thần Hầu đã quen, nàng cũng truyền cành cây đi như loài khỉ được.
Về phần Trương Linh y vẫn chưa khám phá ra kỳ nhân núp sau bụi cây, dùng kình lực biến sợi giây biến thành ám khí vừa nhu vừa hòa vừa cương mãng đánh bay đao của hai tên bộ hạ.
Y cho rằng công chúa Vĩnh Hòa có phép tắc gì, y rút kiếm chém vào quân
chúa Chu Thúy Phượng, kình lực cực mạnh, đến "véo" một tiếng, lưng y
hướng về phía kỳ nhân phóng dây cứu công chúa Vĩnh Hòa. Trưng Nhị hoảng
hốt, nàng định ra tay, nếu không Chu Thúy Phượng phải chết. Không ngờ
sợi dây từ bụi cây vọt lên cao, uốn vòng qua người Trương Linh, đầu sợi
dây lại "mổ" đụng vào lưỡi kiếm của y "choang" một tiếng, lưỡi kiếm của y bay lên cắm vào cùng một chỗ với hai lưỡi đao, lần này Trương Linh cảm
thấy có một kình lực nhu hòa vòng qua đầu mình, y không rõ đối phương
làm thế nào mà có thể đánh bay vũ khí của mình.
Y quay lại nhìn phía sau, quát lớn:
– Cao nhân phương nào ? Xin xuất hiện tương kiến, tại sao lại ẩn ẩn náu náu như vậy ?
Vẫn không có tiếng trả lời, y nhìn về phía phát ra kình lực, thấy một
bụi cây, y đoán người phóng kình lực cứu Chu Thúy Phượng núp ở đó, y
nhảy vèo đến, tay rút kiếm xuất chiêu chém xuống.
Trưng Nhị súyt bật cười, vì người phóng dây ngồi ở bụi cây phía sau, mà
Trương Linh lại phóng kiếm vào bụi cây có một trong Khúc Giang Ngũ Hiệp
ẩn náu.
Trương Linh đâm kiếm thứ nhất, không thấy gì, y đâm kiếm thứ nhì cũng
không thấy gì, khi y thu kiếm về thì kiếm y như bị đóng vào cây cột, y
cố gắng nhổ không ra, biết gặp điều bất ổn, y buông kiếm, rút trong bọc
ra 5 mũi phi trùy, phóng vào bụi cây, phi trùy trúng vào, thì một bàn
tay vung lên, bắt cả 5 mũi, một người đứng úy Tướng Quân, này kiếm và
phi trùy đây, người cầm lấy đi.
Bấy giờ Trương Linh mới nhìn kỹ đối phương, đây là người tướng mạo hùng
vĩ, cao hơn y một cái đầu, tuổi khoảng 45, 46, Trương Linh nhìn nét mặt
ôn nhu, tiêu sái của người đó, trong lòng bớt sợ một chút, y nghĩ thầm:
– Người này tuổi cũng chưa già, tại sao công lực lại cao đến dường này,
hai ngón tay y kẹp thanh kiếm mà ta cố vùng vẫy cũng không ra, không lẽ
trên đời có người công lực cao đến dường này ư ?
Trương Linh hỏi:
–Tôn giả là ai ? đêm khya giá lâm lăng mộ này có chuyện gì ?
Người đó đáp bằng giọng ôn nhu:
– Tại hạ Trần Ngũ Gia, người đất Lĩnh Nam.
Câu này khiến Trưng Nhị suýt bật thành tiếng, vì tất cả anh hùng Lĩnh
Nam, trong đại hội Tây Hồ quyết định rằng từ nay khi giao đấu với ai thì bao giờ cũng giới thiệu tên mình rồi thêm vào câu "người Lĩnh Nam", như vậy Khúc Giang Ngũ Hiệp chắc cũng mưu phục quốc như nàng.
Trong đại hội trên con thuyền của Tang Cối Giang bàn kế hoạch khởi
nghĩa, Khúc Giang Ngũ Hiệp không về kịp, cho người đưa thư nói rằng: Anh hùng Lĩnh Nam quyết định gì, Khúc Giang Ngũ Hiệp sẵn sàng tuân theo, có lần nàng hỏi về nguồn gốc Khúc Giang Ngũ Hiệp, Khúc Đại Phu trả lời
rằng: Khúc Giang Ngũ Hiệp quê ở Khúc Giang, thuộc Nam Hải, họ là cháu
chín đời Tể Tướng Âu Lạc Phương chính hầu Trần Tự Minh, võ công cực cao, người nào cũng võ công cao ngang với Khất Đại Phu, Khất Đại Phu cũng
giòng dõi Phương Chính Hầu, so vai vế ông ở vai thúc phụ. Khúc Giang ngũ Hiệp là sư phụ của Minh Giang, hiệu là Phấn Oai Đại Tướng Quân, chỉ huy đạo quân Quế Lâm.
Trương Linh nghe tới Trần Ngũ Gia thất kinh:
– Tiên sinh có phải đệ ngũ nhân trong Khúc Giang Ngũ Hiệp không ?
Trần Ngũ Gia đáp:
– Không dám, tại hạ người thứ năm.
Trương Linh đã có vẻ xuống nước:
– Hôm nay tiểu tướng được diện kiến đệ ngũ tiên sinh trong Khúc Giang,
thực vạn hạnh. Thảo nào người dùng kình lực đánh bay đao kiếm của bọn
tiểu tướng.
Trần Ngũ Gia lắc đầu:
– Bắt ám khí, giữ kiếm của tướng quân là tại hạ, còn người dùng kình lực nhu hòa bay kiếm đao của các vị là một cao nhân khác, muôn ngàn lần anh em tại hạ không bằng.
Trần Ngũ Gia vỗ tay một cái, bốn người còn lại trong Khúc Giang Ngũ Hiệp đồng xuất hiện.
Trần Ngũ Gia giới thiệu:
– Đây bốn vị sư huynh của tại hạ.
Bỗng Ôn đội trưởng lùi lại chỉ Trần Tứ Gia
– Ngươi! Ngươi là phản tặc.
Y nói với Trương Linh:
– Trương tướng quân! Đây là tên khâm phạm ghê gớm của triều đình.
Trương Linh hỏi:
– Sao ngươi biết ?
Gã họ Ôn đáp:
– Hôm trước thái hậu sai tiểu nhân mang một tên thị vệ là Trương Minh
Đức xử tử, thì tên này từ đâu xuất hiện, giết hơn ba chục thị vệ, cứu
tên Trương Minh Đức đi mất, thái hậu, hoàng thượng rất căm hận y.
Trương Linh nghe danh Khúc Giang Ngũ Hiệp từ lâu, võ công của y so với
một trong ngũ hiệp, ví như con đom đóm với mặt trăng mặt trời, muôn ngàn lần y không dám so sánh. Bây giờ nghe gã họ Ôn nói vậy, y lâm hoàn cảnh khó xử, gặp khâm phạm mà không bắt, tội không nhỏ, mà muốn động thủ với Khúc Giang ngũ hiệp chỉ có nước chết, y hỏi gã họ Ôn:
– Ngươi trông lầm đấy chứ ?
Gã họ Ôn chưa đáp, Trần Tứ Gia đáp:
– Gã họ Ôn nói đúng, chính tay ta giết chết 29 tên thị vệ, cứu tên
Trương Minh Đức. Trương Minh Đức là một tên thị vệ nhỏ bé, y có cô vợ
người Việt tên Chu Tường Qui xinh đẹp bị Quang Vũ cưỡng đoạt, Mã Thái
Hậu đổ lên đầu y tội phản nghịch, rồi đem chém để diệt khẩu, nên ta phải ra tay cứu y.
Trương Linh lùi lại bốn bước, y có ý khoa trương lực lượng cho Khúc Giang Ngũ Hiệp tránh đi chỗ khác :
– Anh em thị vệ nghe đây, chúng ta bắt ba nữ tặc này trước đã, rồi mới
bắt khâm phạm sau. Này Khúc Giang Ngũ Hiệp! Các vị mau rời khỏi nơi đây, chúng ta không muốn đấu với ngươi ở lăng mộ tiên đế, sợ ô uế.
Trần Tứ Gia cười khẩy:
– Ngươi có biết đây là đâu không?
Trương Linh nói lớn:
– Đây thuộc lĩnh địa Trường Sa.
Tứ Gia gật đầu:
– Trường Sa thuộc Lĩnh Nam, ta là người Việt, ta đứng trên đất tổ tiên
ta, các ngươi bọn Hán bốn chân, phải rời khỏi nơi đây tức khắc
Trương Linh không muốn tranh hơn thua với Khúc Giang ngũ hiệp, y bảo bộ hạ:
– Hãy bắt 3 nữ phạm này trước, rồi mới nói chuyện khác sau.
Khúc Giang ngũ hiệp đứng im lặng, không nói gì, một lát sau Trần Nhất Gia nói:
– Trương tướng quân, Vĩnh Hòa Công Chúa với anh em tại hạ có chút ân
nghĩa, anh em tại hạ dám lớn gan xin tướng quân cho anh em tại hạ đón
Công Chúa đi được không?
Trương Linh lắc đầu:
– Khúc Giang ngũ hiệp là con dân nhà Hán, phải tuân theo phép nước, tại
hạ được chỉ dụ của thái hậu bắt những người này vễ kinh phục mệnh, không thể tuân theo ngũ hiệp được.
Quận Chúa Lý Lan Anh chỉ mặt Trương Linh nói:
– Các ngươi là phản tặc, tội đáng chu di, các ngươi phạm tội, còn muốn
giết người diệt khẩu. Trần Ngũ sư thúc, đệ tử dám xin sư thúc giết tên
Trương Linh dùm tiểu nữ.
Trần ngũ Gia thản nhiên nói với Trương Linh:
– Trương tướng quân! Nếu thật sự tướng quân tuân chỉ thái hậu, khi về
Lạc Dương đối chất sẽ rõ trắng đen, Lý quận chúa là đệ tử của đại sư
huynh tôi, vì vậy một là chúng tôi phải duy trì công đạo, hai là phải
bảo vệ đệ tử.
Ông vừa dứt câu, người lạng đi một cái hai tay biến thành trảo chụp
Trương Linh, Trương Linh hoảng kinh, vận sức phóng chưởng đánh vào ngực
ông. Bùng một tiếng, người ông chỉ hơi rung động hai tay ông túm được y, rắc, rắc hai tiếng cánh tay y bị bẻ quẹo ra phía sau. Ông định quăng y
cho đám vệ sĩ của công chúa Vĩnh Hòa trói lại, thì có tiếng quát lớn:
– Tha Trương tướng quân ra ngay, không thôi chúng tôi buông tên, chết cùng chết cả.
Xung quanh núi Vương Sơn xuất hiện không biết là bao nhiêu cung thủ, trong tư thế tên đặt lên cung chờ buông.
Trưng Nhị đã được Hồ Đề báo cho biết trước có quân Hán lên núi, nên nàng không ngạc nhiên.
Người cầm đầu đám cung thủ Hán không mặc quần áo theo quân binh, mà lại mặc theo lối Lĩnh Nam.
Trưng Nhị nghĩ:
– Ta nghe nói trong thành Trường Sa có ba đại cao thủ là Tượng Quân Tam
Anh, chắc ba người này đây, người cao lớn kia là Hàn Bạch, người cao lớn lênh khênh kia chắc là Vương Hồng, còn người lùn kia chắc là Chu Thanh.
Trần Ngũ Gia cười lớn:
– Các vị có phải Tượng Quân Tam Anh đấy không ? 5 anh em tại hạ họ Trần ở đất Khúc Giang, hân hạnh được tương kiến hào kiệt Lĩnh Nam. Tại hạ
thường nghe tiếng ba vị như sấm nổ bên tai. Hàn đại hiệp nội công cao
nhất thiên hạ. Vương đại hiệp chưởng lực hùng hậu, không ai chịu nổi hai chưởng. Chu đại hiệp kiếm thuật thần thông, võ công các vị lừng danh
tượng quận, hiệp nghĩa vang thiên hạ, khiến cho đất Lĩnh Nam chúng ta
người người đều hãnh diện.
Hàn Bạch thấy đối phương tư thái ung dung, nhàn nhã, rõ ra một đại tôn
sư võ học, đã vậy lại ca tụng võ công hiệp nghĩa của mình rồi còn thêm
vào câu "người Lĩnh Nam hãnh diện", vội chắp tay đáp lễ.
– Không giám, anh em tại hạ đã từng nghe nói:"Nếu là Anh Hùng Lĩnh Nam
mà chưa được diện kiến Khúc Giang ngũ hiệp thì chỉ là hư danh", hôm nay
anh em tại hạ được tham kiến ngũ hiệp, thật là tam sinh hữu hạnh. Trương tướng quân đây vô ý mạo phạm đến ngũ hiệp, xin ngũ hiệp nể mặt anh em
tại hạ mà tha cho y.
Trưng Nhị nghe Hàn Bạch câu đo, cười một mình:
– Võ công Hàn Bạch tuy cao, nhưng kiến thức thua xa Khúc Giang ngũ hiệp, Khúc Giang ngũ hiệp bị vây, mà vẫn bình tĩnh như thường, thái độ ung
dung. Rõ ràng Tượng Quân Tam Anh là kẻ thù, vẫn ôn tồn lễ độ, kẻ thù có
cái hay, cái giỏi, vẫn khen cái hay cái giỏi, còn biết khơi lòng yêu
nước của kẻ thù bằng câu khen họ nổi tiếng Lĩnh Nam. Khúc Giang ngũ hiệp mà gặp Cửu Chân song kiệt Đào Thế Kiệt và Bình Đại, chắc chắn họ kết
thành những người bạn chí thân, từ tư thái võ đạo, lòng yêu nước đều
giống nhau.
Từ lúc xuất hiện đến giờ, Trần Nhất Gia để cho Ngũ Gia nói, ông im lặng, bây giờ ông mới lên tiếng:
– Ngũ đệ, hãy tha Trương tướng quân ra, giữa Anh Hùng Lĩnh Nam chúng ta
lấy võ đạo, nghĩa khí đối với nhau là đủ, huống chi đã có lời của Tượng
Quân nhất hiệp.
Trần Ngũ Gia xách Trương Linh tới trước mặt Hàn Bạch:
– Trương tướng quân, chúng ta thả Trương tướng quân ra là nể lời Tượng
Quân Tam Anh, còn việc Trương Tướng Quân thấy Thượng Phương kiếm của
Thiên Tử, bất tuân chỉ, còn mưu giết công chúa là việc của triều đình
nhà Hán, không liên quan gì đến người Lĩnh Nam ta.
Câu nói này của Trần Ngũ Gia có nghĩa: Ta chỉ nể Trường Sa Tam Anh nên
tha cho, còn công chúa, quận chúa có tha hay không đó là chuyện của
người Hán.
Quận chúa Chu Thúy Phượng rút kiếm đưa lên, tay chỉ công chúa Vĩnh hòa :
– Tướng sĩ, cùng chư quân nghe đây: vị này là Vĩnh Hòa công chúa, trưởng nữ của Cảnh Thủy Hoàng Đế, còn đây là quận chúa của Tấn Công, còn ta là quận chúa của Ngụy Công, chúng ta được Kiến Vũ Thiên Tử ban cho thanh
Thượng Phương bảo kiếm, trên có thể trảm hôn quân, dưới có thể trảm loạn thần, chúng ta nhân qua đây vào tế lăng Tiên Đế, bị tên Trương Linh làm phản dẫn trên 100 tên bộ thuộc đến bắt chúng ta toan giết đi, vậy tất
cả tướng sĩ đều vô can. Các ngươi thấy Thượng Phương bảo kiếm cũng như
thấy Thiên Tử, ai bắt được Trương Linh ta sẽ bảo tấu Thiên Tử phong
tước, ai theo y bị chém cả ba họ.
Quân Hán nhao nhao muốn nhảy vào bắt Trương Linh, khiến y kinh hoàng hỏi Hàn Bạch:
– Hàn Đô Úy, ngươi cùng Mã quốc cữu cũng như ta nhận mật chỉ của thái
hậu, canh gác lăng Tiên Đế bắt những ai đến tế lăng, vậy nay ba người
này là công chúa, quận chúa mặc lòng, chúng ta phải bắt về Lạc Dương
phục mệnh.
Hàn Bạch lắc đầu:
– Chúng ta vâng mật chỉ bắt người khác, chứ không phải để bắt công chúa, theo tại hạ thì, tướng quân lúc đầu vì lầm lỡ, trót mạo phạm công chúa, lại muốn giết người bịt miệng, việc này không liên quan đến mật chỉ của Thái Hậu, tại hạ nghĩ tướng quân nên tạ tội với công chúa đi là xong.
Trương Linh muốn đổ quạu với anh em Hàn Bạch, vì y vâng mật chỉ của thái hậu làm việc, khi ra đi Mã thái hậu đã dặn rằng nhất thiết cần bảo mật
tối đa, những ai vô tình hay hữu ý biết việc này phải giết không tha, dù là hoàng thân quốc thích. Thái hậu dặn rằng, trong đám vệ sĩ hoàng cung đi theo, sau khi mọi việc xong xuôi cũng đều giết hết. Thế mà nay hiện
diện tại đây không phải chỉ có 100 vệ sĩ, còn 9 người tế Lăng, anh em
Khúc Giang ngũ hùng và cả ngàn binh sĩ của Trường Sa, y luống cuống
không biết giải quyết sao, thì Tượng Quân Tam Anh lại không nghe lời y.
Trần Nhất Gia tiếp lời:
– Trương tướng quân! Lăng mộ các danh nhân, bất cứ ai có lòng ngưỡng mộ
người quá cố, đều có thể đến tế lễ, có đâu lại bắt giam ? Tại hạ e rằng
mật chỉ của thái hậu mục đích bắt người nào đến giả tế lăng, ăn cắp bảo
vật, chứ đâu để bắt hoàng thân quốc thích ?
Chu Thúy Phượng chỉ vào mặt Trương Linh:
– Mật chỉ của thái hậu chưa thể phân biệt được thực hay giả. Còn chúng
ta là công chúa, quận chúa cùng Thượng Phương bảo kiếm là thực, không
nghi ngờ gì nữa. Chư quân nghe đây: các ngươi nghe theo Trương Quân làm
phản, tội đáng chu di tam tộc, nếu nay các ngươi bắt được y, sẽ được ân
xá, còn được ban thưởng.
Trong khi Thúy Phượng nói, công chúa Vĩnh Hòa, quận chúa Lan Anh, vệ sĩ
đã lui ra ngoài vòng vây cuả quân Hán, khi nàng nói xong câu đó, nhảy
lùi lại lại bước, Trương Linh lọt vào giữa vòng vây.
Thúy Phượng hô lớn:
– Cung thủ, nạp tên.
Các cung thủ cùng nạp tên, hướng vào Trương Linh, chỉ chờ lệnh, buông tên, Trương Linh đưa mắt, nhìn Tượng Quân Tam Anh.
– Hàn Đô Úy, Vương Đô Sát, Chu tướng quân, các ngươi thấy chủ tướng lâm nguy, đứng tọa thủ bàng quang ?
Công Chúa Vĩnh Hòa chỉ mặt Trương Linh:
– Tên phản tặc, hôm nay ta dùng Thượng Phương bảo kiếm giết ngươi, ngươi đâu còn tư cách Việt Kỵ Hiệu Úy nữa ? Ta sẽ thượng biểu về triều, chu
di tam tộc nhà ngươi.
Trương Linh cảm thấy nguy cơ, y nhìn trước nhìn sau tìm lối thoát, nhưng quân Hán dầy đặc, chỉ cần mệnh lệnh ban ra, người y bị hàng trăm mũi
tên bắn vào.
Y vội quì xuống hướng vào Công Chúa:
– Tiểu tướng trong lúc tuân chỉ thái hậu, có đôi chút lầm lỡ xin công chúa đại ơn đại đức tha cho tiểu tướng.
Nói rồi y đập đầu xuống đất binh binh không ngừng.
Vĩnh Hòa vẫy tay cho vệ sĩ trói y lại, nói với Tượng Quân Tam Anh:
– Các vị vô can, đâu cứ về đó, thôi các vị mang quân về Trường Sa đi.
Tượng Quân Tam Anh muốn nói chuyện riêng với Khúc Giang Ngũ Hiệp. Họ ra
lệnh cho quân rời khỏi lăng, khi quân đi rồi Hàn Bạch hướng vào ngũ
hiệp:
– Chẳng hay ngũ hiệp giá lâm Trường Sa có điều chi dạy bảo:
Trần Nhất Gia mỉm cười:
– Các vị hào kiệt Tượng Quân, các vị nguyên là anh hùng người Việt thuộc Lĩnh Nam, mấy nghìn năm trước từ Ngũ Lĩnh về phương Nam thuộc nước Văn
Lang sau là Âu Lạc, từ Ngũ Lĩnh đến Bắc thuộc Trung Nguyên, cương thổ đã định, văn hiến có khác, tập tục không đồng. Nay Lĩnh Nam bị người Hán
cai trị, coi chúng ta như trâu như lợn, người người muốn sống không
được, các anh hùng thuộc Giao Chỉ Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm đã chuẩn
bị xong, đang trên đường phục quốc, không lẽ Tượng Quận, Nam Hải chúng
ta ngồi ôm cây đợi thỏ hay sao ?
Trần Nhị Gia thấy bọn Hàn Bạch cúi đầu suy nghĩ thì tiếp:
– Đất nước này là của chúng ta. Người Hán đến ngồi lên đầu lên cổ, rồi
ban cho ta một vài chức nhỏ mọn cầm gươm giết hại người ruột thịt của
mình. Như ba vị, võ công bỏ xa Mã Anh, Trương Linh. Kiến thức, võ đạo
vang danh bốn phương. Thế mà chúng chỉ cho giữ chức Đô Sát, Đô Úy hỏi
còn trời đất nào nữa không? Đúng ra với tài ba vị thì ít ra cũng là đại
tướng quân trấn thủ một vùng, tước phong hầu, bá. Tôi nghĩ các vị có uy
tín ở Tượng Quận, phải trở về quê hương mình, hội hào kiệt. Chúng ta họp với anh hùng các nơi, đồng lập lại Lĩnh Nam.
Vương Hồng hỏi:
– Không biết các vị anh hùng đã liên lạc được với hào kiệt Cửu Chân,
Nhật Nam, Giao Chỉ, Quế Lâm chưa? Tình hình những nơi đó như thế nào?
Trần Nhất Gia thấy Tượng Quận Tam Anh đã chuyển lòng, nói:
– Đất Cửu Chân, thì Cửu Chân xong kiệt Đào Thế Kiệt, Đinh Đại đã liên
hợp hầu hết Lạc Hầu, Lạc tướng trong vùng. Chỉ can phất cờ, đất Cửu Chân thuộc về chúng ta. Đất Nhật Nam, Nhật Nam thất hiệp có hàng vạn tráng
đinh. Khi Cửu Chân khởi binh, Nhật Nam mất liên với Trung Nguyên, chỉ
cần dơ tay ra là lấy được. Tại Giao Chỉ, Đặng Thi Sách với số đông anh
hùng đã giữ hầu hết các chức huyện úy huyện lệnh. Thái thú Tô Định như
bị bó tay. Việt chiếm lại đất chỉ còn chờ thời gian.
Ông ngừng một lúc tiếp:
– Riêng có đất Quế Lâm gặp khó khăn. Vì từ khi Triệu Đà chiếm Quế Lâm,
Nam Hải, Tượng Quận bỏ các chức lạc hầu, tổ chức thành làng, xã, huyện.
Anh hùng tuy nhiều, mà thực lực không có. Trong mấy trăm năm nay, người
Hán đi từ Bắc xuống, đồng hóa mất một nửa dân chúng. Đất Nam Hải, chúng
tôi giữ được mười huyện úy, huyện lệnh trong mười hai huyện. Đất Tượng
Quận chúng tôi chưa gặp được hào kiệt, cho nên mới lên nay tìm các vị.
Nhờ các vị trở về đất cũ, chuẩn bị cùng khởi sự.
Hàn Bạch cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi ngửng lên, vẻ mặt cương quyết:
– Khúc Giang ngũ hiệp đã dậy. Chúng tôi xin kính cẩn tuân theo. Từ trước đến nay, chúng tôi tuy thân làm quan ở Hán, mà vẫn nghĩ tới quê hương.
Lòng đau như cắt. Bây giờ gặp các vị anh hùng, chúng ta nhất định cùng
nhau khởi sự. Tôi nghe anh hùng Cửu Chân, Nhật Nam, Giao Chỉ, Quế Lâm.
Không biết vì lẽ gì đang giúp Hán đánh Thục, mới đây lại trởi giáo giúp
Thục đánh Hán. Giang Sơn nhà Hán nghiêng ngửa vì họ.
Trần Tam Gia hỏi:
– Các vị có biết Vương Mãng đánh chiếm Trường Sa, Giết Trường Sa Định
Vương, cho người đuổi bắt hai thế tử Lưu Diễn, Lưu Tú. Lưu Tú được mấy
vệ sĩ bảo vệ chạy trốn. Võ sĩ Vương Mãng truy lùng rất gắt. Giữa lúc
nguy nan gặp một người võ lâm tả xung hữu đội cứu thoát không?
Vương Hồng đáp:
– Truyện nay khắp sĩ dân thiên hạ ai cũng biết. Người đó là Nghiêm Sơn
cùng với hiệp phố Lục Hiệp, phải xung sát hai chục trận mới cứu được Lưu Tú. Hiệp Phố Lục Hiệp trộm thây Trường Sa Định Vương, đem lên đồi này
chôn. Lưu Tú kết nghĩa huynh đệ với Nghiêm Sơn. Nghiêm Sơn giúp anh em
Lưu Tú khởi binh ở Côn Dương vào năm Nhâm Ngọ (22 sau Tây Lịch). Năm
sau, Lưu Huyền, bác Lưu Diễn, Lưu Tú khởi binh ở Quan Trung xưng là Cảnh Thủy Hoàng Đế, Lưu Huyền có hai người em kết nghĩa là Ngụy Công Chu Huy và Lý Điệt. Khi Cảnh Thủy Hoàn đế thắng Vương Mãng, Xích Mi thay lòng
đối dạ, giết chết Hoàng Đế và hai người em kế nghĩa là Ngụy Cộng Chu Huy và tấn công Lý Điệt. Lưu Diễn cũng bị giết chết. Nghiêm Sơn giúp Lưu Tú khởi binh xưng Kiến Vũ vào năm Bính Tuất (26 sau Tây lịch). Nghiêm Sơn
đánh chiếm Kinh Châu, giao cho Mã Viện trấn thủ. Nghiêm Sơn thừa thắng,
xua quân diệt Xích Mi. Lúc đó quần hùng nổi lên tứ phương. Thục thì Công Tôn Thuật xưng vương, Bàng Sùng xưng vương. Nghiêm Sơn đề nghị với
Quang Vũ cho mình và Hiệp phố lục hiệp kinh lý các châu quận Phương Nam
để có Lương Thực, quân lính chinh tiễu Trung Nguyên. Quang Vũ phong cho
Nghiêm Sơn làm Lĩnh Nam Công, chức Bình Nam đại tướng quân, được toàn
quyền tại sáu quận phía Nam Kinh Châu. Nghiêm Sơn cùng Hiệp phố lục
Hiệp, chỉ một thanh gươm, yên ngựa khiến các Thái thú phải khuất phục.
Nghiêm tổ chức quân đội hùng mạnh ở Phương Nam. Nghiêm nguyên người Quế
Lâm, thuộc giòng dõi Lĩnh Nam. Không biết có đúng thế không?
Trần Nhị Gia gật đầu:
– Đúng thế! Nghiêm ở Lĩnh Nam ban hành chính sách rộng rãi, rất được
lòng anh hùng hào kiệt. Hào kiệt thuyết phục y tái lập Lĩnh Nam. Một mặt vì đất nước, một mặt vì nghĩa huynh là Quang Vũ, y đề nghị tổ chức đại
hội hồ Tây sang yết kiến Quang Vũ, xin tái lập Lĩnh Nam. Nói rằng tái
lập hay không cũng chỉ trên danh nghĩa, chứ thực ra Lĩnh Nam là đất
phong của Nghiêm Sơn, có khác gì đâu. Giữa lúc đó, xảy ra vụ Phiêu kị
đại tướng quân Ngô Hán, Phục ba đại tướng quân Mã Viện đánh Thục bị
thua. Nguyên do có chuyện bất hòa giữa Mã với Ngô, Thục mới thành công.
Quang Vũ cần phải có một người thân tín, tài ba, cầm đầu hai tướng
này.Vì vậy y gọi Nghiêm Sơn về đánh Thục, phong làm Lĩnh Nam vương, lĩnh chức Tả tướng quân.
Vương Hồng bấy giờ hiểu ra:
– Vì thế Nghiêm Sơn mới mang anh hùng Lĩnh Nam về đánh thục?
Trần Nhị Gia lắc đầu:
– Anh hùng Lĩnh Nam đâu có dễ sai bảo. Nghiêm Sơn đứng giữa thế lôi kéo, một bên anh hùng Lĩnh Nam, một bên nghĩa huynh, Quang Vũ. Y đề nghị anh hùng Lĩnh Nam cùng tòng chinh đánh Thục, lập chút công, cũng để cho
Quang Vũ biết đất Lĩnh Nam nhiều hào kiệt. Sau khi đánh Thục xong, tất
Quang Vũ phong chức tước. Họ chỉ xin lĩnh chức tước tại Lĩnh Nam. Thế là bao nhiêu Thái thú, Đô úy, Đô Sát về tay mình. Họ cùng nhau xin Quang
Vũ không thuận, cũng tự lập lại nước cũ.
Chu Thanh vỗ tay:
– Kế hoạch tuyệt diệu. Nhưng rồi tại sao lại xảy ra bất hòa giữa lúc sắp đánh xong Thục?
Trần Nhị Gia tiếp:
– Nghiêm Sơn chia quân làm ba đạo. Đạo Lĩnh Nam do Đào Kỳ, con trai Cửu
Chân nhất hiệp làm Chinh Viễn đại tướng quân, thống lĩnh, vượt núi Kim
Sơn, cửa Độ khẩu đánh thẳng vào Thục. Còn đạo Kinh Châu do Đặng Vũ chỉ
huy, quân sư là Trưng Nhị cùng cới một số anh hùng Lĩnh Nam theo giúp.
Đạo Hán Trung do Ngô Hán làm nguyên Soái, Phùng Vĩnh Hoa làm quân sư. Ba đạo tiến như vũ bão. Đạo Lĩnh Nam đổ về phía lưng Thành Đô như sét nổ.
Thục vương Công Tôn Thuật, tuy có Thiên Sơn thất hiệp, huynh đệ giúp
sức, vẫn bị thua. Đạo Lĩnh Nam tiến tới, sắp chiếm Thành Đô.
... Giữa lúc đó một số người Lĩnh Nam phản bội, do Lê Đạo Sinh cầm đầu,
đến Lạc Dương tố cáo với Mã Thái Hậu âm mưu của anh hùng Lĩnh Nam. Mã
Thái hậu triệu Quang Vũ vào cho biết Nghiêm Sơn tổng lĩnh quân mã Lĩnh
Nam, Kinh Châu, Lương Châu, Hán Trung và Ích Châu. Nếu y làm phản thì
trở tay không kịp. Quang Vũ không tin truyện đó, nói rằng đất Lĩnh Nam
đã phong cho Nghiêm Sơn, thành một nước riêng rồi còn gì. Vả lại Quang
Vũ được Trung Nguyên do tay tay Nghiêm Sơn, chia cho y một giải phía Nam cũng đúng. Mã Thái Hậu đem truyện Xính Mi, em kết nghĩa của Cảnh Thủy
Hoàng Đế, khi quân quyền vào tay, giết luôn nghĩa huynh để dọa Quang Vũ, Quang Vũ vẫn không tin. Sau...
Trần Nhị Gia chỉ người em thứ tư:
– Sau Lê Đạo Sinh dò la biết được một tin khủng khiếp. Nguyên Trường Sa
Định vương cha đẻ Lưu Diễn, Lưu Tú đã có vợ họ Mã, nhiều tỳ thiếp nhưng
không con. Ông nghe ngoài thành Trường Sa có một kỳ nữ sắc nước hương
trời là Hàn Tú Anh. Ông giả làm một văn nhân đến gặp nàng. Ông Nguyên
làmột văn tài, được Tú Anh thương yêu. Ông dùng tiền bạc xây một căn nhà cực kỳ hoa lệ ở Đào gia hưởng hạnh phúc với nàng. Tú Anh những tưởng
ông là văn nhân giàu có, không ngờ lúc có hai con Lưu Diễn, Lưu Tú, ông
mới thú thật.
Cả ba anh em Trường Sa Tam Anh, Công Chúa Vĩnh Hòa, hai quận chúa Lý Lan Anh và Chu Thúy Phượng cùng kêu lên:
– Ủa?
– Úi cha?
– Kỳ lạ?
Công chúa Vĩnh Hòa hỏi:
– Trần Tứ Gia, như vậy Kiến Vũ hoàng đế không phải con của Mã thái hậu ư?
– Đúng! Hàn Tú Anh khi nghe người yêu thú thực thì bật ngửa ra. Định
vương mời nàng về phủ Trường Sa Vương ở. Nàng đành lòng tòng quyền.
Nhưng Thái phi, thân mẫu Định Vương không bằng lòng cho một kỹ nữ ở
trong phủ mình. Cũng không muốn sau nầy đứa cháu mình do kỹ nữ sinh ra
sẽ nối ngôi làm Định Vương. Bà bí mật sai người giết chết Hàn Tú Anh,
giao con Hàn Tú Anh cho vương phi họ Mã nuôi, dối là con đẻ.
Công chúa Vĩnh Hòa, và hai Quận chúa đồng kêu lên:
– Úi chà! Thực là tàn ác.
– Nhưng khi võ sĩ mang Hàn Tú Anh đi giết, thì gặp một viên võ quan đang đi săn. Viên quan nầy không hiểu nội vụ, thấy võ sĩ giết người đàn bà
đẹp, ra tay đánh giết, cứu Hàn Tú Anh. Hàn Tú Anh nói thực mọi truyện.
Viên võ quan đó sợ quyền lực của Thái Phi, từ chức về quê sống, mang
theo Tú Anh. Viên quan có người con ngang tuổi Lưu Tú đang bú, chẳng may bà mẹ bị cảm mạo mất sữa. Bà nhờ Tú Anh nuôi con dùm. Viên quan đó họ
Nghiêm, người Quế Lâm, tức cha đẻ Nghiêm Sơn. Nhũ mẫu Nghiêm Sơn chính
là Hàn Tú Anh vậy.
Mọi người nghe kể chuyện biến chuyển kỳ lạ, không ai lên tiếng.
Trần Tứ Gia tiếp:
– Vương Mãng đánh Trường Sa, cha Nghiêm Sơn đã qua đời. Nghiêm Sơn đối
với nhũ mẫu cực kỳ hiếu đễ. Bà cho Nghiêm Sơn biết ràng Trường Sa Định
Vương với bà có ơn nghĩa nặng. Bà muốn Nghiêm lên TrườngSa xem xét tình
hình. Nếu Trường Sa bị nạn phải tận lực cứu giúp. Khi Nghiêm Sơn với
Hiệp phố lục hiệp đến nơi, Trường Sa đã thất thủ. Bọn họ trộm xác Trường Sa Định vương chôn ở đây. Nghiêm cùng Hiệp phố lục hiệp tìm được Lưu Tú giữa lúc y lâm nguy. Họ ra tay đánh đuổi võ sĩ Vương Mãng cứu Lưu Tú.
Lý Lan Anh xen vào:
– Vì thế Lê Đạo Sinh đem truyện Nghiêm Sơn là con nuôi, Kiến Võ hoàng đế là con đẻ của Hàn Tú Anh, nói cho Mã thái hậu nghe. Mã Thái hậu hoảng
kinh, quyết trừ cho được Nghiêm Sơn.
Trần Tứ Gia gật đầu:
– Đúng thế! Mã Thái Hậu dùng vàng bạc, quyền thế mau chuộc Tam công và
các tướng ngoài biên ải vu cáo Nghiêm Sơn sắp làm phản. Kẻ nói đi, người nói lại mãi, Quang Vũ phải tin. Y bắt chước Hán Cao Tổ du Vân Mộng bắt
Hàn Tín. Y đem đại quân tới Trường An, dối rang tiếp viện cho Nghiêm
Sơn, giữa lúc quân Nghiêm đã vào Thành Đô.
Lý Lan Anh "à" lên một tiếng:
– Vì vậy Nghiêm Sơn đến Trường An tiếp giá, y bị bắt.
Trần Tứ Gia lắc đầu:
– Quận chúa đoán sai rồi! Trong quân Nghiêm Sơn có bốn người tài trí phi thương. Một là Phương Dung vợ Đào Kỳ. Hai là Phùng Vĩnh Hoa. Ba là
Trưng Nhị, sau thêm Trưng Trắc. Họ nhìn ra mưu của Quang Vũ. Vì quân của Nghiêm phải đánh vào Thành Đô. Chỉ dơ tay ra là bình xong Ích Châu,
việc gì Quang Vũ phải mang quân tiếp viện? Họ họp nhau nói cho Nghiêm
nghe, xúi Nghiêm làm phản, chỉ đánh một trận bắt được Quang Vũ.
Trần Tứ Gia ngưng lại hỏi Công Chúa Vĩnh Hòa:
– Công chúa, nếu công chúa là Nghiêm Sơn. Công chúa sẽ làm thế nào?
Vĩnh Hòa thản nhiên:
– Tôi cất quân đánh úp Lạc Dương, bắt Quang Vũ giết đi, rồi lên làm hoàng đế.
Trần Tứ Gia lắc đầu:
– Nghiêm Sơn là người hiệp nghĩa, coi nghĩa nặng như núi, không thiết
công danh. Y tự cho rằng mình có ơn nghĩa với Quang Vũ, tình như ruột
thịt. Y đến Trường An. Hào Kiệt đành cho y đi, nhưng cứ theo ba người.
Một là Khất đại phu Trần Đại Sinh, võ công đệ nhất Lĩnh Nam, hai là Phật Nguyệt, kiếm hiệp vô song và Trưng Nhị tuyệt vời. Nghiêm Sơn tới yết
kiến Quang Vũ, bị Tam Công và quần thần xúm vào chất vấn. Nghiêm ung
dung trình bầy việc làm của mình. Quần thần chịu ảnh hưởng của Mã Thái
Hậu, xúm vào kết tội Nghiêm, cho rằng những công lao của anh hùng lĩnh
nam cùng tài ba của họ do Nghiêm bịa đặt. Trước hoàn cảnh đó Nghiêm đành cho Trưng Nhị đấu võ với Việt kị hiệu úy Trương Linh. Linh bị bại. Rồi
đệ nhất kiếm thuật Trung Nguyên Hoài Nam vương đấu võ Phật Nguyệt cũng
bị bại. Khất đại phu ra tay chữa trị cho quần thần triều Hán. Trước sự
đó, Quang Vũ không biết nói sao. Bắt Nghiêm thì dân không phục, còn mang tiếng vong ơn bội nghĩa. Tha Nghiêm ra sợ Nghiêm uất ức làm phản. Trong khi đó Nghiêm chỉ xin Quang Vũ giữ lời hứa lúc đầu. Lúc mới khởi sự
Quang Vũ chỉ trời đất thề sau khi được thiên hạ, chia cho Nghiêm một
nửa. Nghiêm xin sau khi xong việc, chỉ nhận được thanh gươm, một con
ngựa ngao du bốn bể. Bây giờ Nghiêm nhắc lại lời đó. Quần thần tâu với
Quang Vũ rang nếu để Nghiêm ra đi như vậy, sĩ dân kết tội triều đình.
Nên phải tìm cới gì kết tội Nghiêm. Nghiêm thấy bộ mắt phản phúc, lừa
đảo của Quang Vũ. Y đứng dậy quật chết hai vị trong ba vị Tam Công rồi
xin Quang Vũ cách chức y về tội giết đại thần. Quang Vũ cho giam Nghiêm, đợi khi nắm được hết quyền bính của Nghiêm mới giám cách chức Nghiêm,
vì lỡ ra người dưới của Nghiêm chống lại, còn có thể dùng Nghiêm để điều đình.
Chu Thúy Phượng gật đầu:
– Kiến Vũ thiên tử cũng thâm mưu đấy chứ. Thế sự thể sau ra sao?
– Không ngờ trong lúc Quang Vũ cùng quần thần đối thoại với Nghiêm, thì
anh hùng Lĩnh Nam là Khất đại phu phục ở trên nóc điện biết được. Hôm
sau Quang Vũ gửi bai sứ giả đi các nơi tuyên bố bình Thục xong, giao Ngô Hán đánh Thành Đô, Mã Viện trấn thủ Knh Châu, Mã Anh trấn thủ Lĩnh Nam. Anh hùng Lĩnh Nam họp nhau khẩn cấp. Họ đón đường giết sứ giả.
Chu Thúy Phượng suýt xoa:
– Tuyệt vời! Như vậy các nơi vẫn tưởng Nghiêm Sơn vẫn là Lĩnh Nam vương, Tả tướng quân. Khi Nghiêm vắng mặt, quân sư Nguyễn Phương Dung cầm
quyền. Bà chỉ việc dùng binh phù của Nghiêm, cấp tốc giữ các đồn ải, chỉ một ngày lấy xong Hán Trung, Kinh Châu, Lĩnh Nam chứ có khó gì đâu?
Trần Tứ Gia tiếp:
– Anh hùng Lĩnh Nam không có tham vọng chiếm Trung nguyên. Họ trở mặt
giúp Công Tôn Thuật. Họ trả lại thành trì cho Thục đế, dùng quân Thục
chiếm đóng Đông Xuyên, Ích Châu, Kinh Châu. Họ còn cất quân từ Hán trung làm bao đạo đánh Trường An.
Công chúa Vĩnh Hòa thở dài:
– Khiếp, người Lĩnh Nam ghê thực. Nếu họ dẫn quân về Lĩnh Nam khởi binh, Lĩnh Nam đất rộng người thưa, ắt bị Hán đè bẹp. Vì thế họ giúp Thục
chiếm Kinh Châu, HánTrung, Trường Sa. Mã Thái Hậu vẫn lo Hàn Tú Anh xuất hiện, nên cho nhiều cao thủ đi Quế Lâm giết Hàn thị. Nhưng tới nơi thì
bà ta đã đi Trường Sa tế mộ Tiên đế. Thái hậu ban chỉ dụ cho cháu là Mã
Anh cùng với Trương Linh phục ở lăng này, bắt hết những người tế lăng.
Không may cho Linh. Y gặp phải công chúa và quận chúa, nên mới ra nông
nỗi.
Hàn Bạch thở dài:
– Thế thì tôi trở về Trường Sa không được nữa. Ngũ hiệp, năm vị thử nghĩ coi bây giờ chúng ta mượn binh Thục đánh xuống Quế Lâm, Nam Hải, Tượng
Quận, nhưng ai sẽ là minh chủ?
Trần Nhất Gia nói:
– Chúng tôi cũng như ba vị, chỉ có võ công cao, có võ đạo, nhưng mù tịt
về dùng binh. Tôi nghĩ chỉ có bằng này người làm minh chủ được, vì biết
hành quân, chiếm đất: Một là Phương Dung, hai là Phùng Vĩnh Hoa, ba là
Đào Kỳ nhưng cả ba còn trẻ quá. Ngoài ra, còn có hai người nữa là Đào
Thế Kiệt, Đinh Đại, văn võ song toàn. Song họ chỉ có thể là đại tướng,
chứ không biết về chính sự. Cuối cùng còn ba người đủ mưu trí, võ công
võ đạo cao, biết chính sự là Đặng Thi Sách, Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Đặng Thi Sách hiện ở Giao Chỉ, Trưng Trắc theo đạo quân Lĩnh Nam đánh về Quế Lâm. Chỉ có Trưng Nhị hiện làm quân sư cho Công Tôn Thiệu đang vây
Trường Sa. Liệu các vị có chịu tôn Trưng Nhị làm minh chủ hay không?
Hàn Bạch khẳng khái:
– Tại sao lại không? Bây giờ chúng ta phải làm gì để vào Trường Sa bắt Mã Anh, mang quân đánh Nam Hải, Tượng Quận?
Bỗng Trần Nhất Gia nói:
– Dường như có người đang lên núi. Chúng ta mau ẩn thân xem ai đã.
Lập tức tất cả mọi người đều ẩn vào bụi cây.
Trưng Nhị thấy vậy nghĩ:
– Họ đâu biết rằng ta với Sa Giang núp ở đây, còn kỳ nhân võ công thật cao, tung giây đánh Trương Linh không biết là ai.
Lát sau thì thấy hai con ngựa dừng lại trước cổng lăng. Kị mã là một nam tuổi khoảng 25-26. Một nữ không rõ tuổi. Vì nàng dùng chiếc khăn che
khuất nửa mặt. Hai người lấy đồ tế bày ra, lại hai người nữa đến tế
lăng, đốt hương nến, rồi nam đứng sang một bên, thờ ơ nhìn mọi vật. Còn
nữ quì xuống lâm râm khấn vái. Một lúc sau, hai vai nàng rung động mạnh. Chứng tỏ nàng đang khóc.
Trưng Nhị thấy dáng điệu thiếu nữ mềm mại, hiểu rằng nàng không biết võ
công. Lưng nàng thon đẹp không thể tưởng tượng được. Khóc một lúc, nàng
lấy bọc bên cạnh mở túi, thì là một cây dao cầm. Nàng vuốt tay, buông
những tiếng ai oán, lâm ly muốn não ruột. Tiếng đàn như cặp nhân tình
giang dở, nỉ non than thở khóc lóc, khi thì như thiếu phụ phòng khuê nhớ tình quân. Nàng đánh hết khúc nầy sang khúc khác. Sa Giang giỏi âm nhạc mà cũng không biết tên những khúc nàng tấu. Sa Giang biết rằng những
khúc đó mới được sáng tác ra.
Bỗng một tiếng xé gió của ám khí bay đến, hướng đầu thiếu phụ. Thanh
niên đứng cạnh, vung tay một cái, ánh kiếm chém ngang vào ám khi đánh
choang một tiếng. Trưng Nhị thấy rõ ám khí từ chỗ núp của vợ chồng Vương Anh bay đến. Biết rằng cặp vợ chồng này ra tay.
Véo, véo,véo, một loạt ám khí bay đến hướng vào thiếu phụ. Thanh niên
đứng cạnh cung kiếm lên gạt. Nhưng chỉ được ba mũi đầu. Còn mũi thư tư
hướng vào giữa lưng thiếu phụ.
Khúc Giang Ngũ hiệp định ra tay, nhưng ám khí bay đến sát lưng thiếu
phụ, thì chạm vào vật gì, kêu đến bộp một tiếng rồi rơi xuống. Trưng Nhị nhìn rõ ràng là chiếc lá từ chỗ "kỳ nhân" bay ra, chạm vào ám khí, ám
khí rơi xuống.
Nàng kinh hoàng nghĩ:
– Dù Khất đại phu, dù Đào Tam Lang muống bay ám khí đi, cũng phải dùng
một vật cứng, vận kinh lực phóng ra, mới làm được. Đây "Kỳ nhân" chỉ
dùng một chiếc lá mềm mại, phóng ta nhẹ nhàng nhu hòa, nhưng đi nhanh
chặn được ám khí. Cả hai cùng rơi xuống, dường như kình lực của chiếc lá chỉ để hóa giải kình lực ám khí mà thôi.
Nàng suy đoán:
– Không biết kỳ nhân nầy là ai, mà công lực đến trình độ nầy? Ta e rằng Thái sư thúc Khất đại phu với Đào Kỳ cũng còn thua xa.
Vợ chồng Vương Anh lại phóng tới bốn lưỡi phi đao nhỏ. Kình lực rất mạnh rít lên vù vù. Thanh niên dùng kiếm gạt được một. Còn ba lưỡi hướng vào lưng thiếu phụ áo trắng.
Từ chỗ kỳ nhân núp, ba quả thông bay ra, chạm vào ba lưỡi đao. Ba lưỡi
dao đổi chiều bay lên, cắm phập vào cây thông. Từ phía vợ chồng Vương
Anh bay đến một lúc hơn mười ám khí lơn bằng quả cam. Ám khí chạm một
cột lăng nổ lên những tiếng chói tay, khói bay mịt mù. Mấy quả nữa hướng vào chỗ núp của Khúc Giang Ngũ Hiệp và Tượng quận Tam Anh. Trong khi
mấy người nấp nằm rạp xuống tránh, thì vợ chồng Vương Anh vọt tới cắp
thiếu phục vào tay chạy khỏi lăng.
Trưng Nhị nhận ra mấy trái hỏa lựu nầy là ám khí củ phái Tản Viên. Trước đây Lê Đạo Sinh đã chế tạo rất nhiều để dùng. Trong trận đánh Tây Hồ,
bọn Lê Nghĩa Nam dùng giết Phương Dung. Bây giờ vợ chồng Vương Anh lại
dùng đến, thì chắc có liên hệ đến Lê Đạo Sinh.
Vương Hồng quát lớn:
– Để người lại!
Ông phóng một chưởng. Chưởng lực cực kỳ hùng hậu.
Vương Anh đang định chạy, thì chưởng lực đã chụp xuống người. Y phóng
chưởng đỡ, bùng một tiếng. Cả hai người cùng rung động mãnh liệt. Trong
khi đó Hàn Bạch phóng chưởng đánh Chu Nghi Gia. Bùng một tiếng, Nghi Gia lảo đảo lùi lại mấy bước. Còn Hàn Bạch thì đứng nguyên. Trưng Nhị giật
mình:
– Ta tưởng trong đám nữ lưu, ngoài sư thúc Trần Năng với Phương Anh ra
khồng còn ai hơn ta. Không ngờ Chu Nghi Gia chưởng lực cũng mạnh đến
trình độ nầy.
Vương Anh đấu đến chưởng thứ ba với Vương Hồng cảm thấy yếu thế. Y ôm thiếu phụ nhảy lùi lại, vung tay lên nói:
– Các vị dừng tay, nếu không cùng chết cả. Tôi đập chết y thị, rồi muốn sao thì muốn.
Hàn Bạch quát lớn:
– Cứ coi bản lĩnh của hai vị,thuộc loại hiếm có trong thiên hạ. Thế sao
hai vị lại ra tay bắt đàn bà không biết võ nghệ. Như vậy cũng gọi người
võ lâm ư?
Chu Nghi Gia cười gằn:
– Đêm nào chúng tôi cũng ẩn ở đây, trải trên hai năm rồi. Những điều các vị bàn với nhau; chúng tôi nghe hết. Chắc các vị muốn biết người đàn bà nầy phải không? Được tôi nói cho các vị biết. Bà là Hàn Tú Anh, người
mà Mã thái hậu treo thưởng mười vạn lượng vàng, tước vạn hộ hầu, thêm
chức thứ sử cho ai bắt, hoặc giết được y thị. Các vị đều là anh hùng
Lĩnh Nam. Xin các vị lo truyện phục quốc của mình? Còn truyện của cung
thất nhà Hán thì mặc họ, chẳng nên can thiệp vào. Xin các vị cho chúng
tôi rời khỏi đây.
Trần Ngũ Gia kêu lên:
– Phan Anh! Thì ra là mi. Ta tưởng mi chết từ lâu rồi, hóa ra mi vẫn còn sống trên thế gian này. Không ngờ một vị vương giả như mi, mà chỉ vì
đồng tiền, tán tận lương tâm, làm chuyện hèn hạ như vậy?
Vương Anh cùng vợ rút khăn lau mặt, để lộ ra khuôn mặt chưa tới ba mươi tuổi.
Hàn Bạch hỏi Trần Ngũ Gia:
– Chúng là ai vậy?
Trần Ngũ Gia nói:
– Y là con trai Xích Mi. Xích Mi vùng Cảnh Thủy hoàng Đế, Ngụy Công, Tấn công kết huynh đệ đồng sinh, cộng tử. Sau y giết Cảnh Thủy, Tấn Công,
xưng vương. Người con Xích Mi được phong Trường An Vương. Tôi tưởng
trong trận đánh Trường Sa y chết cùng với cha. Có ngờ đâu y vẫn còn
sống, làm việc hèn hạ nầy? Trước đây y có võ công rất cao, không hợp
tính cha. Khi được Xích Mi phong làm Đông cung thái tử. Y từ chối vì cho rằng cha giết Cảnh Thủy hoàng đế cùng với Ngụy Công, Tấn Công là bất
nhân bất nghĩa. Giang hồ ai cũng khen y là chính nhân quân tử. Vợ y
người Nam Hải đất Lĩnh Nam, họ Trần tên Nghi Gia. Đối với anh em tôi, là chỗ họ hàng xa.
Hàn Bạch chỉ vào mặt Phan Anh:
– Mi thả Hàn thái hậu ra ngay. Nếu mi làm bà bị thương hay chết, thì
chúng ta sẽ ngươi khoét mắt, cắt lưỡi chặt chân tay, để cho vợ chồng
người chết không được, sống không xong.
Phan Anh Cương quyết:
– Khi Trường Sa thất thủ, mẫu thân ta bị cắt cầm tù. Ta khổ công dò la
mãi mới biết người bị giam ở Trường Sa.Ta đã nhiều lần vào cứu mà không
được. Vì vậy nay ta bắt sống Hàn Tú Anh yêu cần thái hậu ân xá cho thân
mẫu ta. Hàn đại hiệp, ông là người hiệp nghĩa, thì biết chữ hiếu rất
quan trọng. Ta nghĩ người không giúp ta, cũng nên để ta chu toàn chữ
hiếu. Người đừng cản ta.
Hàn Bạch nói:
– Ngươi cứ thả Hàn Thái Hậu. Ta vào Trường Sa tha hết tất cả tù, trong
đó tất có mẫu thân ngươi. Người nghe chúng ta bàn nhau từ nãy giờ thì
biết đấy. Chúng tay chỉ cất tay một cái lấy được thành Trường Sa, có khó gì đâu.
Phan Anh lắc đầu:
– Được, tôi giữ Hàn Tú Anh, đợi Hàn đại hiệp đem mẫu thân tôi tới. Tôi sẽ thả y thị ra.
Trần Nhật Gia nói với Hàn Bạch:
– Thôi được, chúng ta cứ để cho y đi.
Phan Anh cúi đầu nói:
– Đa tạ Khúc giang Ngũ hiệp, Trường Sa Tam anh. Hậu hội hữu kỳ.
Hai vợ chồng y từ từ đến chỗ cột ngựa của Hàn Tú Anh. Cả hai leo lên ngựa khoan thai rời khỏi khu lăng mộ.
Hàn Bạch thắc mắc:
– Trần Nhất Hiệp, Nhất Hiệp bảo tha y thì tôi tha, nhưng….
Trần Nhất Gia cười:
– Nếu chúng ta bức bách quá, y giết Hàn Tú Anh. Ta cứ để cho y đi, rồi
chúng ta rượt theo cứu Hàn Tú Anh. Chúng chạy đâu cho thoát được mà sợ.
Họ còn đang bàn tán, có nhiều tiếng gầm gừ từ dưới núi vang lên. Trưng
Nhị biết đó là đoàn Thần Hổ, thần báo của Hồ Đề đã tới. Tiếng gầm mỗi
lúc một gần. Chỉ lát sau vợ chồng Phan Anh cho ngựa chạy ngược lên núi.
Phan Anh nói lớn:
– Không hiểu cọp, beo ở đâu nhiều quá. Chúng tôi không vượt nổi vòng vây. Dường như cọp, beo có người điều khiển.
Dưới núi, đoàn Thần hổ Thần báo cứ xiết chặt vòng vây dần dần. Khúc
Giang Ngũ Hiệp, Trường Sa tam anh đều võ công tuyệt đỉnh. Họ vượt vòng
vây dễ dàng, nhưng còn bọn công chúa Vĩnh Hòa chín người thì làm sao.
Trần Nghi Gia nói:
– Cọp, báo nhiều thế nầy tất có chủ nuôi. Đã có chủ thì chúng ta có thể điều đình. Không biết chủ họ là ai?
Đoàn Thần báo, Thần hổ đến phía ngoài lăng xếp thành hàng. Hướng đầu vào trong, nghển cổ cùng gầm một tiếng rồi im lặng. Từ ba phía sau, ba
thiếu nữ rẽ đoàn thú tiến tới đó là Hồ Đề, Trần Năng, và Phật Nguyệt.
Nguyên Hồ Đề được trưng Nhị phái đi gọi Trần Năng, và Phật Nguyệt ở Đào
gia. Đem đoàn Thần báo, Thần hổ về đối phó với quân của Trương Linh. Khi gặp nhau, Hồ Đề kể cho Phật Nguyệt, Trần Năng nghe mọi truyện, rồi dẫn
đoàn Thần hổ, Thần báo đến Vương Sơn. Tới châu núi họ gặp vợ chồng Phan
Anh đang đi xuống, tay cắp người đàn bà. Trần Năng đoán là người bất
hảo. Nàng xua Thần hổ tấn công. Vợ chồng Phương Anh tả xung hữu đột mà
không thoát. Đành chạy ngược trở lên.
Trần Năng là người thông Minh, đầy lòng hiệp nghĩa. Nàng thấy vợ chồng
Phan Anh cắp một người đàn bà, thì nổi giận. Nàng tiến lên phóng chưởng
đánh liền.
Trần Nghi Gia thấy một thiếu nữ diễm kiều phóng chưởng đánh chồng mình,
chưởng lực hùng hậu vô cùng. Thì nhảy tới chặn trước mặt chồng, phát
chưởng đỡ. Hai chưởng chạm nhau, bùng một tiếng, cát bụi bay tung. Khí
huyết Trần Năng chạy nhộn nhạo trong người. Nàng phải lui lại hai bước
mới kềm chế được, cánh tay gần như tê liệt. Trong kho đó thì Trần Nghi
Gia loạng choạng muốn ngã.
Trần Năng thất kinh hồn vía nghĩ:
– Đất Lĩnh Nam nhà mình trước đây chưởng lực mạnh nhất là sư bá Nam Hải
rồi tới Vũ Phương Anh, Trưng Trắc, Trưng Nhị. Sau ta được sư phụ và Đào
sư thúc chỉ dậy, võ công vượt hơn hẳn Vũ Phương Anh, nhị Trưng rất
nhiều. Tưởng rằng trên thế gian khó có người đối chưởng được với mình.
Không ngờ hôm nay lại gặp Trần Nghi Gia, chưởng lực đến chừng này?
Trần Năng vội hít một hơi, vận chân khí rồi thung dung nhìn đối thủ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...