Đông Cung

Có luồng khí vô hình đánh chiếm thân tôi, tay A Độ mới chỉ rờ tới gấu váy, tôi cũng trông thấy cả Cố Kiếm dường như dợm muốn giữ tôi lại, nhưng đám người hung hãn như triều cường lách kiếm cuốn hắn vào cuộc ẩu đả. Mái ngói trên xà nhà xiêu vẹo chỉ chực đổ sụp, trách chăng là đầu vừa đụng vào thứ gì, sọ đau buốt khiến tôi trong nháy mắt mất đi cảm giác, thế rồi sa vào màn đêm vô tận.

“Tách!”

Thân thể nặng trĩu lẳng mình trong nước, nước xanh biếc vây hãm bốn bề, đau tựa ngàn nhát dao sắc lạnh xẻ dọc da thịt. Đành rằng vậy, tôi thả lòng buông xuôi mọi vật lộn, phó mặc thân mình lắng xuống đáy nước sâu, như đứa con trở về với mẹ, như bông hoa nhỏ xinh đáp xuống mặt đất, là một cõi đi về rất đỗi bình yên trong tôi, bấy lâu nay tôi vẫn luôn hiểu.

“Nước sông Quên, đặng quên tình…”



“Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, ngắm nhìn ánh trăng. Ô….thì ra không phải nó đang ngắm trăng, mà đang đợi cô nương chăn cừu trở về…..Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, sưởi nắng…..Ô…. thì ra không phải nó đang sưởi nắng, mà đang đợi cô nương cưỡi ngựa đi qua…..”

“Khó nghe thế! Đổi bài khác đi!”

“Nhưng thiếp chỉ biết mỗi bài này…”



“Muôn đời muôn kiếp, rồi mãi mãi về sau thiếp sẽ quên được chàng!”



Lọt lòng trong ký ức có đốm sáng lập lòe lúc tỏ lúc mờ, dường như bức màn bụi mù sương dày đặc dần nhạt phai, lộ ra cảnh sắc bọt nước hư ảo. Và rồi bỗng nhiên, tôi thấy chính mình.


Tôi thấy mình ngồi trên cồn cát, ngắm ông mặt trời khuất lẩn dần, thấy trái tim mình, từ từ rồi cũng rũ héo, mãi đến khi khi ánh tà dương vuột khỏi tầm mắt, nắng tắt ở phía đồi cát đằng xa. Màn đêm chụp phủ lên trời đất trăm mối ngổn ngang, tia sáng cuối cùng lụi tàn, không còn thấy đâu nữa.

Tôi tuyệt vọng quẳng miếng ngọc bội xuống bãi cát, không ngoảnh đầu, lao lên ngựa bỏ đi.

Gã thầy thối tha! Đồ thầy tồi! Loại thầy đáng ghét tột đỉnh này! Còn bảo sẽ làm mối hộ tôi, chọn cho tôi người đàn ông đẹp trai nhất trần đời nữa chứ! Lão lừa tôi ra chỗ này, hại tôi toi công đợi thông ba ngày ba đêm!

Mấy ngày trước Hoàng đế Trung Nguyên phái sứ thần tới đặt vấn đề cầu hôn với Phụ vương, tỏ ý Thái tử Trung Nguyên nay đã trạc 17, mong được lấy một cô công chúa Tây Lương về làm chính thất, cốt để thắt chặt mối bang giao tốt đẹp nhiều đời giữa hai nước. Trung Nguyên từng có một nàng công chúa được gả tới Tây Lương chúng tôi, thế nên chúng tôi cũng nên gả công chúa nào đó sang Trung Nguyên.

Nhị tỷ và tam tỷ muốn đi lắm, nghe bảo cuộc sống ở Trung Nguyên rất tốt, được ăn ngon mặc đẹp, chẳng thiếu gì nước, khỏi phải sống dọc theo nơi có đồng cỏ và nguồn nước, tránh được nỗi khổ nơi gió cát sa mạc. Mà theo lời sứ thần Trung Nguyên, bởi lẽ Thái tử phi tương lai sẽ tấn phong Hoàng hậu Trung Nguyên, xuất thân cấm kị nhất là con của thứ thiếp, vậy nên họ hy vọng vị công chúa này tất phải do Đại Yên Thị(*) của Phụ vương thân sinh. Tôi chẳng hiểu thể loại coi trọng này là thế nào, nhưng duy có mẫu thân tôi là Đại Yên Thị, mà mẫu thân chỉ hạ sinh có mình tôi là nữ, còn lại toàn là nam, xem ra phen này tôi phải gả đến Trung Nguyên là cái chắc rồi. Nhị tỷ lẫn tam tỷ thì ao ước lắm, song tôi chẳng tẹo thích thú nào. Trung Nguyên thì có gì hay ho chứ? Đàn ông Trung Nguyên tôi nhìn chán rồi, mấy gã thương nhân buôn tơ lụa đến từ Trung Nguyên, gã nào gã nấy rặt cái giống sức trói không chặt một con gà, đừng nói là cầm cung, mà cưỡi ngựa cũng dốt hết biết. Người ta nói Thái tử của Trung Nguyên từ nhỏ đã ở lì trong thâm cung, ngoại trừ vẽ tranh ngâm thơ ra, gì cũng không biết.

(*Yên thị: người Hung Nô thời Hán gọi hoàng hậu của Vua)

Lấy một gã chồng đến cái cung cũng không giương nổi, vậy chẳng hóa ra rước ấm ức tủi nhục vào thân. Tôi kèo nhèo mất mấy ngày, Phụ vương dỗ bảo: “Con đã không đồng ý lấy Thái tử Trung Nguyên, vậy ta đành đi giải thích với bên Trung Nguyên vậy. Nếu như con có ý trung nhân rồi, trước tiên Phụ vương sẽ tổ chức đính hôn cho các con, sau đó nói lại với bên Trung Nguyên, bảo họ chọn công chúa khác, làm vậy họ có muốn cũng không kiếm chuyện trách chúng ta được.”

Tôi năm đó vẫn chưa tròn 15 tuổi, bọn con trai trong tộc chỉ coi tôi như em gái nhỏ, đi săn không thèm dắt đi, hát hò cũng không màng tới tôi. Tôi biết đi đâu tìm ý trung nhân đây hả trời?

Rầu chết mất thôi.

Sư phụ biết chuyện xong, vỗ ngực quả quyết bảo sẽ tìm cho tôi một gã đẹp giai nhất nhất nhất trên trần đời này, thầy bảo Trung Nguyên gọi thế này là “dạm mặt”, thì đôi bên nam nữ gặp riêng nhau 1 lần, nếu như hợp ý, thì cha mẹ đứng ra làm chủ rồi gọi người mai mối. Hẹn nhau có 1 lần thì biết được người thế nào, song giờ tình hình cấp bách lắm rồi, cốt sao không phải lấy Thái tử Trung Nguyên, tôi liền đồng ý đi dạm mặt.

Sư phụ dặn địa điểm dạm mặt ở trên đồi cát cao nhất cách thành 3 dặm, thầy đưa tôi 1 mảnh ngọc bội, đoạn bảo mảnh còn lại do người kia cầm, chính là cái người thầy muốn vun vào cho tôi, bảo tôi nhớ để ý cẩn thận, phải nhìn kĩ xem có vừa ý không.

Điên thế cơ chứ!


Tôi biết ngay thầy lại đùa tôi mà, cả ngày chỉ lôi tôi ra trêu đùa thôi. Lần trước lừa tôi, bảo ngay sau núi Yên Chi có sông Quên, hại tôi chất lương khô, rong ngựa đi suốt 10 ngày 10 đêm, lật tung cả núi Yên Chi lên, rốt cuộc sau lưng núi chỉ thấy một đồng cỏ rộng, đừng có nói sông Quên, ngay đến một con đầm nhỏ cũng chẳng đào đâu ra.

Cả đi lẫn về phải mất đến hơn 20 ngày trời, quẩn quanh một vòng mãi dưới chân núi, suýt nữa thì lạc đường, cuối cùng may có người chăn dê, rồi thì sau hồi vật lộn cũng mò được vào thành. Mẹ còn tưởng tôi bị lạc, không trở về nữa, mẹ đổ bệnh nặng, ôm tôi khóc một hồi rấm rức, phụ vương nổi giận lôi đình, nhốt tôi trong vương thành suốt nhiều ngày, cấm chỉ thò chân ra khỏi cửa. Sau đó tôi chất vấn sư phụ hòng xả cơn tức, lão lại bảo: “Ta chỉ nói thế thôi mà đã tin rồi à? Nàng phải biết trên đời này rồi sẽ có kẻ muốn lừa nàng, nàng không thể tin những gì họ nói được, ta đang dạy nàng, chớ nhẹ dạ cả tin vào những lời ngon ngọt của người ngoài, bằng không sau này thể nào cũng thiệt vào thân.”

Tôi trông đôi mắt sáng long lanh của lão, tức chỉ thiếu điều sặc máu.

Sao tôi chẳng rút ra được bài học nào thế này? Tôi mắc lỡm ngần ấy lần, lần nào cũng ngây ngây ngô ngô tin lão sái cổ?

Mà có lẽ cả đời tôi chẳng thể nào học nổi mưu trí của sư phụ.

Tôi tức mình lắm, rong ngựa về, ngựa nhởn nhơ gặm cỏ dọc đường đi, suốt chặng về tôi ngẫm, hay cứ bảo quách với Phụ vương rằng tôi thích sư phụ, rồi xin phép người cho tôi với sư phụ đính hôn nhỉ. Đằng nào lão cũng hại tôi nhiều lần lắm rồi, tôi cho lão biết tay lần này, có gì quá quắt đâu.

Bụng bảo dạ ý kiến này tuyệt vời thật, thế nên chốc lát tinh thần tôi đã hưng phấn hẳn, thúc ngựa chạy về đằng Vương thành, miệng khẽ ngân nga hát:

“Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, ngắm nhìn ánh trăng. Ô….thì ra không phải nó đang ngắm trăng, mà đang đợi cô nương chăn cừu trở về…..Có con cáo nhỏ ngồi trên cồn cát, ngồi trên cồn cát, sưởi nắng…..Ô…. thì ra không phải nó đang sưởi nắng, mà đang đợi cô nương cưỡi ngựa đi qua…..”

Tôi đang cao hứng buông giọng hát, bỗng phía sau có người gọi: “Cô nương ơi, đồ của nàng rơi này.”

Tôi ngoái đầu trông có một gã cưỡi ngựa trắng.

Sư phụ nói ấy à, những kẻ cưỡi ngựa trắng chưa chắc đã phải hoàng tử, mà có khi là Đường Tăng từ Đông thổ đại Đường đến Tây vực thỉnh kinh cũng nên. Song gã trai này lại không choàng áo cà sa, hắn mặc một bộ áo khoác màu trắng, xưa nay tôi chưa từng gặp gã trai nào mặc bào trắng đẹp đến mức này, mớ thương nhân người Ba Tư thỉnh thoảng đến đây cũng toàn mặc màu trắng, nhưng đám Ba Tư kia mặc màu trắng như màu dưa mật, màu trắng gã này mặc có vẻ sáng trong như ánh trăng trên trời.


Hắn nom cũng đẹp trai, mắt mày cong cong tựa nét cười, mặt mũi trắng ngần như ngọc Hòa Điền loại thượng đẳng, tóc tết kiểu Tây Lương, mà tiếng Tây Lương của hắn cũng khá lưu loát, có điều tôi liếc mắt đã nhận ra đây là 1 gã Trung Nguyên, đàn ông ở Tây Lương nào có được trắng thế. Hắn ngồi trên yên ngựa, thân người toát ra một khí thế rất kì lạ, kiểu khí thế ấy tôi chỉ thấy xuất hiện ở cha mình, lúc người xét duyệt toàn quân. Cha thúc ngựa vác đao, khi toàn quân tung hô, ánh mắt cha kiêu hãnh trông xuống quân đội trong tay mình, lãnh thổ của người, những đứa con của người.

Gã trai này cũng nhìn tôi với ánh mắt y hệt, như thể hắn là vị quân vương duy nhất trên thế gian này.

Con tim tôi nhảy nhót loạn xạ, ánh mắt hắn giống với cơn lốc xoáy giữa hoang mạc, nó đến và cuốn phăng mọi thứ, tôi tự bảo mình quả nhiên hắn có sức lôi cuối kì lạ, khi hắn nhìn tôi, lúc ấy đầu tôi gần như trống rỗng. Miếng ngọc bội trắng nằm giữa những ngón tay thon dài của hắn, chính là miếng tôi vừa mới quẳng đi. Hắn nói: “Chẳng nhẽ không phải cô nương đánh rơi sao?”

Tôi vừa nhìn thấy nó, lại đâm bực, đanh mặt lớn tiếng bảo: “Không phải đồ của ta.”

Hắn nói: “Nơi mênh mông không người này, chẳng phải đồ của nàng, vậy là của ai đây?”

Tôi dang cánh tay múa may một hồi, già mồm nói: “Ai bảo ở đây không có người? Chỗ này có gió, có cát, có trăng, có sao…”

Hắn bỗng cười, đoạn lẹ làng nói: “Nơi đây còn có nàng.”

Hình như tôi trúng tà rồi, thậm chí mặt đã bắt đầu nóng bừng lên. Tuy tuổi tôi còn nhỏ, song cũng hiểu câu ấy của hắn có mấy phần cợt nhả. Tôi thấy hơi hối hận khi chuồn ra ngoài có mỗi một mình, chỗ này tịch không bóng người, nếu mà hắn có động thủ gì, chưa chắc tôi đã đọ nổi hắn.

Tôi lớn tiếng bảo: “Ngươi biết ta là ai không? Ta là cửu công chúa của Tây Lương, cha ta là quốc vương Tây Lương, mẹ ta là đại Yên thị, cũng chính là Nữ vương của Đột Quyết(*), ông ngoại ta là đại Thiền Vu(**) Thiết Nhĩ Cách Đạt quyền uy nhất Tây Vực, kền kền trong sa mạc nghe thấy tên ông ngoại ta cũng sợ không dám rớt xuống đấy. Ngươi mà dám tỏ thái độ xấc xược với ta, phụ vương ta thế nào cũng trói ngươi sau ngựa cho ngựa kéo chết tươi luôn.”

(*Đột Quyết: dân tộc thiểu số thời cổ ở Trung Quốc, sau bị nhà Đường tiêu diệt)

(**Thiền Vu: tên hiệu của vua Hung Nô)

Hắn thong thả nở nụ cười, bảo: “Cô bé dễ thương này, sao động một tí là dọa nạt người khác thế? Nàng biết ta là ai không? Ta là Cố Ngũ Lang của Trung Nguyên, phụ thân ta là chủ hiệu chè, mẫu thân ta bà chủ gia đình bình thường, ông ngoại ta là nông dân trồng chè, đành rằng gia đình ta không có khí thế gì đâu, nhưng nếu nàng trói ta sau ngựa cho ngựa kéo chết tươi thật, Tây lương các nàng sẽ không có nổi lá chè ngon để mà uống đâu.”

Tôi phùng mang trợn mắt với hắn, mấy năm gần đây, lá chè mới du nhập vào Tây Lương, trong mắt người dân Tây Lương, nó quả thật là thứ tốt nhất trần đời. Phụ vương thích uống nhất là chè Trung Nguyên, mà toàn thể Tây lương cũng thích dùng chè, không ai nỡ rời xa món ấy dù chỉ 1 ngày, nếu như lời thằng cha này nói là thật, vậy thì phiền lắm đây.

Ấy mà hắn còn trơ cái kiểu cười mím chi ra nhìn tôi.


Đúng cái lúc tôi đang bực mình ấy, đột nhiên nghe thấy ngay gần sau lưng có kẻ phì cười.

Tôi ngoái đầu xem, hóa ra là sư phụ. Không rõ lão bỗng dưng chui từ đâu ra, lại còn nhìn tôi rồi cười.

Tôi vừa tức và cáu, bảo lão: “Thầy còn dám đến gặp ta à! Hại ta phí toi 3 ngày 3 đêm đợi trên cồn cát! Cái gã đẹp trai nhất nhất nhất trần đời thầy bảo tìm giúp ta đâu hả?”

Sư phụ chỉ chỉ vào gã cưỡi ngựa trắng, đoạn bảo: “Chính hắn đấy thôi!”

Gã kia vẫn trơ cái kiểu cười tinh quái, hắn xòe tay, tôi mới rõ trong lòng bàn tay hắn đang cầm hóa ra không chỉ một miếng ngọc, mà rành rành là cả đôi. Hắn cầm đôi ngọc bội trong tay, thế rồi tỏ cái vẻ đang chứng kiến 1 vở kịch hay.

Tôi hoàn toàn đờ đẫn cả người, qua một lúc lâu mới dậy lại tinh thần, tôi cóc muốn lấy gã Trung Nguyên này đâu! Đành rằng được cái mã đẹp trai, nhưng mồm miệng cứ gọi là sắc lem lẻm, chẳng chịu nhường ai đến nửa câu, mà còn dám trêu chọc tôi nữa chứ, tôi ghét nhất kẻ nào dám đi chọc tôi!

Bụng dạ tức anh ách, chẳng thiết nhìn hắn, tôi thúc ngựa quay về. Sư phụ và cái gã Cố Ngũ Lang ấy cưỡi ngựa đi đằng sau, thoạt đầu nói dăm ba câu, sau bắt đầu chuyển sang tán gẫu.

Sư phụ bảo: “Ta tưởng đệ không đến cơ đấy.”

Gã Cố Ngũ Lang bảo: “Nhận được bồ câu truyền thư, đệ không đến đâu có được?”

Nom bọn họ trò chuyện có vẻ thân mật, tôi mới hiểu, thì ra thầy và hắn quen biết từ trước, hai người dường như nói mãi không hết chuyện, dọc đường, thầy giảng giải cho tay Cố Ngũ Lang ấy nghe phong tục tập quán và lễ tiết của Tây Lương. Gã nghe rất chăm chú, thoảng có vài câu truyền đến tai tôi. Tôi không muốn nghe cũng khó, bọn họ dần dà chuyển từ phong thổ sang thông thương buôn bán, trước kia tôi chưa từng nghe sư phụ nói nhiều đến thế, nghe đến nỗi tôi thấy rõ chán, không nén được cái ngáp dài. Lớp tường bao màu xám bọc quan Vương thành đã thấp thoáng đằng xa, dải tường thành và cổng lầu khổng lồ được chất từ tầng tầng lớp lớp đá dăm. Thành quách sừng sững tựa những rặng núi nối đuôi nhau trải dài, tường thành cao chót vót bưng bít mất quá nửa bầu trời, càng đến gần càng cảm nhận được sự cao lớn của thành lũy, trên đất Tây vực hoang liêu, phạm vi mười dặm đổ lại không nơi đâu có được tòa thành lớn nhường này. Các bộ tộc thuộc Tây Lương vốn sống men theo đồng cỏ và nguồn nước, mãi đến tận trăm năm trước, các bộ lạc Tây Vực đã liên kết lại với nhau thành một liên minh hùng mạnh dưới quyền một vị Thiền Vu, sau đó dựng lên Vương thành hùng vĩ này, thoạt đầu gọi Tây Lương Quốc. Thế rồi trải qua nhiều thế hệ liên hôn giữa các tộc Đột Quyết, Khâu Từ, Nguyệt Thị(*), bên cạnh sự ban thưởng từ Trung Nguyên, Vương Thành lại nằm trên con đường thông thương quan trọng nối giữa Trung Nguyên và Đại Thực(**), thương nhân buôn bán ắt phải đi qua, thế nên Vương thành ngày dần trở nên phồn thịnh, cộng thêm các vị vua tiền triều luôn tập trung vào lực lượng quân sự, binh sĩ của chúng tôi dũng mãnh thiện chiến, Tây Lương cuối cùng vươn lên trở thành cường quốc của Tây Vực. Lãnh thổ tuy không lớn lắm, song kể cả Trung Nguyên ngày nay cũng không dám xem thường Tây Lương. Thành lũy hùng vĩ điểm hình rõ nét dưới nền trời tím sậm, càng .hằn lên sự lớn lao tráng lệ. Tôi trông đèn lồngtreo tít trên đỉnh lầu, nhấp nhấp nháy nháy hồ như một vì sao cực lớn, mà cao hơn xa hơn, chính là bầu trời ngàn sao bao la. Sao nhỏ li ti tựa hạt đường rải dọc chân trời, mà Vương thành tựa chiếc bánh nang(***) dưới lớp áo đường ấy, cứ nhìn thấy nó, tôi lại có cảm giác ấm cúng thỏa mãn—cứ như thể vừa mới chén xong một bữa no nê.

Tôi vỗ con ngựa nhỏ của mình, nó khẽ tung vó mau hơn, chuông loan thắt dưới cổ phát ra âm thanh giòn tan, hòa với tiếng lục lạc nơi xa, sột soạt đượm êm tai. Hẳn đang có đoàn thương nhân nào đó gấp rút lên đường nhân lúc trời đêm mát mẻ, thế nên cổng thành cả đêm mới không đóng. Tôi rong ngựa phóng vào trước tiên, người bán nước giếng ngoài cổng thành đã quá quen mặt tôi, gọi “Cửu công chúa”, rồi từ xa tung cho tôi 1 chùm nho. Mỗi lần có thương nhân đi qua tặng bọn họ bánh trái, bọn họ đều phần chùm ngọt nhất cho tôi.

(*Khẩu Tử, Nguyệt Thị: Khẩu Tử: tên nước cổ ở Tây Vực, nay là huyện Khố Xa, Tân Cương, TQ; Nguyệt Thị: tên nước ở Tây vực từ thời Hán)

(**Đại Thực: Iran ngày nay)

(***bánh nang: món ăn chính của người DuyNgôNhĩ và người Ka-Dắc, TQ)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui